Vợ hiền

 


Vợ hiền 

Cha nội này tu 9 kiếp mới được Trời cho một người Vợ như Bà Mai.

Ngưỡng mộ Bà Mai. 

Một người đàn bà “Mẫu” cho tất cả đàn bà

Tràm Cà Mâu

Vợ tôi không phải là một người đàn bà có nhan sắc khuynh nước đổ thành. Bởi tôi, vốn tài mạo tầm thường và cũng không có nhiều may mắn bất ngờ để lọt mắt xanh những cô có nhan sắc chim sa cá lặn.

Vả lại tôi cũng thường nghe bố tôi tuyên truyền nhồi nhét trong cái đầu từ nhỏ rằng, đẹp đến mấy rồi cũng trở thành méo mó xấu xí, và vợ đẹp là vợ người ta. Vợ tôi cũng không có tài ba xuất chúng, bởi tôi vốn nể sợ và có thành kiến với những người đàn bà tài giỏi, vì họ thường kiêu ngạo và hay thành độc tài vợ trị. Ðộc tài đảng trị thì có thể bỏ nước chạy ra biển chết, chứ độc tài vợ trị thì không chạy đâu cho thoát cả.

Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến.

Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác. Ngoài tình cảm thắm thiết chia xẻ của vợ chồng, nàng âu yếm như một người tình, khoan dung rộng lượng như một người mẹ và hiểu biết như một người tri kỷ.

<0><0><0>

Năm tôi hai mươi tám tuổi, mẹ tôi nóng ruột thúc hối ép tôi lập gia đình. Bà đưa cái công thức cổ xưa của mấy ông Tàu bày ra là ” tam thập nhi lập.” Tôi cũng chưa đến ba mươi, mẹ tôi cứ gán đại thêm cho hai tuổi để tiện bề ép uổng.

Tuổi đó, thích được quen nhiều bạn gái, bạn thôi thì được, nhưng nghe đến chuyện hôn nhân là xanh mặt. Vì qua kinh nghiệm bạn bè, kinh nghiệm giao tiếp trong sở, tôi thấy đa số mấy anh có vợ rồi thì dường như bị khép chặt trong cái vòng chuyên chính của bà vợ nhà.

Cái vòng tuy lỏng lẻo và êm ái, nhưng bằng sắt, rất chặt và siết cứng. Một anh bạn thân, lâu lâu giận vợ, đến nhà tôi ở lại, nằm rũ ra trên giường như đống mền rách rầu rỉ nói với tôi: ”Tao chỉ mong có được một ngày an bình, sung sướng như mầy, một ngày thôi cũng đủ.” Nghe thế thì không sợ sao được?

Trong sở tôi, có mấy anh bạn bị vợ cào rách mặt và phải lấy cớ là dao cạo râu cắt. Ai cũng biết chuyện gì đã xẩy ra, vì mặt mày các anh láng lẫy, trơn tru, có sợi râu nào đâu mà phải cạo cho dao cắt! Một ông lớn tuổi khác, vợ vào tận sở xé áo và kêu bằng mày tao, còn tố cáo ông mang bằng kỹ sư giả bên Pháp về.

Nhan nhản những tấm gương gia đình u ám trước mắt như vậy, thì chỉ có ngu quá hoặc liều mạng mới không sợ mà thôi.

Tôi khất lần mãi không được, phải bẻn lẻn theo mẹ, đi ra mắt, và xem mặt nhiều cô con gái các gia đình mà bà quen biết. Tôi theo lời dạy của một anh quân sư quạt mo, cứ mang bộ mặt đưa ma đến nhà người ta và ăn nói nhát gừng cộc lốc, thì không ai muốn gả con gái cho, và các cô thấy vậy thì cũng ớn lạnh mà dạt ra.

Thế mà cũng có nhiều nhà khen tôi hiền lành, ít át, muốn gả con gái cho. Tôi tìm đủ lý do nói riêng với mẹ để chê bai, từ khước. Cô thì chê mặt dài, cô thì chê mũi lớn, cô khác chê mắt có đuôi, cô thì mồm như có râu. Toàn cả những lý do vu vơ. Mẹ tôi phiền muộn thở dài, vì biết con trai bà cũng chẳng có sự nghiệp gì sáng giá, chẳng có một phong cách đặc biệt nào, mà đòi hỏi quá đáng chăng?

Không nỡ để thấy mẹ buồn, tôi đem Lam, người bạn gái thân thiết nhất về giới thiệu với mẹ, bà vui vẻ chịu ngay. Bà khen Lam láu lỉnh, bặt thiệp và xinh đẹp. Mẹ tôi đến thăm xã giao nhà Lam hai lần để dò xét gia thế , và quyết liệt chống đối cuộc hôn nhân, lấy lý do là mẹ Lam dữ dằn và có cách cư xử thiếu lễ độ với chồng. Tôi nói: “ Con cưới Lam chứ cưới bà ấy đâu mà mẹ sợ?”.

Mẹ tôi nhất quyết tin rằng, mẹ hổ thì khó sinh được con cừu. Vì cách đối xử của cha mẹ, ảnh hưởng đến tính tình con cái. Cha mẹ dữ dằn, con cái khó mà hiền lành được, vì ngày ngày học cách ăn nói, cách đối xử, tiêm nhiễm những thói quen của cha mẹ, và đem ra xử sự với đời, mà không biết đó là xấu.

Tôi cố bào chửa cho Lam, nhưng mẹ tôi đã nhất quyết, không lay chuyển được. Bà nói: “Mẹ thương con, mẹ không muốn sau nầy con khổ vì đời sống gia đình thiếu hạnh phúc. Vì không có gì khổ bằng có vợ dữ dằn, hỗn láo, có thể làm người chồng buồn phiền sinh ra rượu chè, cờ bạc, trai gái hư hỏng. Mẹ thương con, lo cho tương lai con nên mẹ không chịu”.

Tôi định nói với mẹ rằng, con trai của mẹ cũng chẳng hiền lành chi, mà chê thiên hạ. Nhưng sợ mẹ buồn nên im lặng. Mẹ của Lam biết được ý kiến của mẹ tôi, nổi tự ái, nói nhiều lời tàn nhẫn, tổn thương đến gia đình tôi, và tuyên bố không bao giờ gả Lam cho tôi.

Khi bị trắc trở, ngăn cấm thì tình yêu càng thêm tha thiết bốc lửa, và hai đứa tôi càng quyết vượt qua hàng rào ngăn cản của gia đình. Muốn sống cho nhau, và sống chết vì tình yêu.

Một lần chìu ý mẹ, tôi miễn cưỡng đi xem mặt một cô mà mẹ tôi gọi là gia đình phúc hậu đàng hoàng. Tôi chẳng tha thiết gì, chỉ giữ đủ lịch sự tối thiểu để cho mẹ khỏi mất mặt.

Lần đó Lam biết được, nàng giận dữ xỉ vả tôi: “Anh là một thằng đểu cáng, xấu xa đê tiện, một kẻ hèn nhát núp váy mẹ, không dám làm gì cả. Anh không xứng đáng với tình yêu của tôi.”

Tôi nghe mà bàng hoàng, như bị sét đánh. Hai đứa giận nhau. Tôi chợt nhớ tới lời nhận xét của mẹ, và thấy bà cũng có lý phần nào. Nhưng tim tôi vẫn nát tan xót xa vì chuyện tình đổ vỡ. Ngay sau đó, Lam có người yêu mới là Tuân. Tuân cũng là trong đám bạn bè quen biết lâu dài với tôi, tính tình Tuân hiền lành, chịu đựng, và Tuân đã bền bỉ theo đuổi Lam từ lâu.

Nửa năm sau, tôi đi dự đám cưới Tuân, Lam với trái tim vỡ nát, nhưng cũng vui mừng vì Lam lấy được chồng hiền lành và đàng hoàng có thể bảo đảm đời sống tinh thần vật chất cho gia đình sau nầy. Tôi thật tình nghĩ rằng, tôi không bằng được Tuân về nhiều mặt. Lam bỏ tôi là phải.

Mẹ tôi làm như lấy vợ cho bà, cứ khóc lóc thúc dục mãi. Tôi tâm sự với một người bạn cũ. Anh cười và nói: “ Hay là cậu thử tìm hiểu Mai, em gái tôi xem sao. Nó cũng sẵn có cảm tình với cậu đó. Mai hiền lành lắm”.

Ðược bạn khuyến khích, tôi bắt đầu tìm hiểu Mai. Nàng không đẹp, không xấu, chăm chỉ, hiền lành. Trước đây, đến nhà bạn chơi, tôi chỉ thấy Mai thấp thoáng đâu đó sau bàn học, hoặc lẳng lặng rút lui sau khi cúi đầu chào lễ phép. Dẫn Mai đi chơi, tôi không tìm hiểu được chi nhiều về Mai, vì nàng quá thụ động, khi nào cũng nhẹ nhàng chìu chuộng, ít đưa ý kiến riêng. Khi hỏi ý, nàng thường bảo: “Dạ, anh cho em đi đâu cũng thích cả, anh vui thì em cũng vui.”

Tôi đem nhận xét về cái hiền lành của Mai nói với một người bạn. Anh cười hô hố và nói : “Trời ơi, khi mới quen thì em nào mà không hiền lành như thánh mẫu, dịu dàng như tiên cô. Khi cưới về thì cái đuôi dài thòng mới lòi ra, và dữ như chằng tinh . Em nào cũng vậy cả.” Tôi hỏi thẳng anh của Mai, anh trả lời: “Con nhỏ hiền lành, biết nhường nhịn và rất dịu dàng. Cậu có phước lắm mới gặp nó. Không phải vì nó là em gái mà tôi khen đâu.”

Mẹ tôi đến thăm gia đình Mai nhiều lần, khen mẹ của Mai phúc hậu, hiền lành, cư xử lịch sự, phải phép với chồng . Bà nghĩ rằng, nhất định Mai cũng học được nề nếp gia dình của mẹ, không nhiều thì ít. Bà thúc tôi làm đám cưới ngay. Tôi xin hoãn một thời gian để tìm hiểu thêm, mẹ không chịu, và bảo: ”Lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.”

Tôi nói rằng, nếu nghe được lời dèm pha đúng, thì cũng là điều tốt, mình khỏi phải xét đoán lầm người. Mẹ tôi lại giảng cho tôi rằng, chín mươi phần trăm cách cư xử của con cái là do ảnh hưởng sinh hoạt tốt xấu của cha mẹ. Cha mẹ gieo vào đầu con cái thứ tư tưởng nào, thì nó sẽ hành dộng theo lối đó.

Thương mẹ, tôi tạm quên kinh nghiệm ghê gớm trong đời sống gia đình của bạn bè và đồng sự, liều thân lấy vợ cho mẹ vui lòng. Có một ông bạn bảo rằng, lại thêm một thằng đàn ông ngu muội đi vào vết xe đổ nghìn năm của nhân loại.

<0><0><0>

Tôi cưới Mai, nàng như cái bóng dịu hiền bên tôi. Tôi thấy mình tan loang vào tình yêu êm đềm, và chợt nhận ra đời sống gia đình êm ái, thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều lần đời sống độc thân. Không thấy gò bó tù túng trong dây ràng buộc của gia đình như nhiều người thường bảo.

Mai lo lắng cho tôi những thứ cần thiết lặt vặt trong cuộc sống bình thường, bổ khuyết cho tôi những thiếu sót, dịu dàng an ủi tôi những khi lo buồn. Tôi nói với vợ: “Anh ngu quá, biết lấy vợ mà sung sướng hạnh phúc như thế nầy, thì đâu để độc thân đến gần ba mươi tuổi. Uổng thật.” Những khi chúng tôi có ý kiến trái ngược, Mai dịu dàng phân tách thiệt hơn cho tôi nghe, rồi để cho tôi quyết định. Sau khi quyết định xong, dù có trái ý nàng, Mai cũng vui vẻ cố gắng giúp tôi hoàn thành công việc.

Không như các bà khác, những lúc chồng làm trái ý, thì các bà mong cho ông chồng thất bại để chứng tỏ ý kiến của bà là đúng, là hay. Mai thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát nước bể Ðông cũng cạn. Nếu ai cũng khăng khăng giữ ý của mình, thì chẵng làm nên được việc gì cả.”

Cũng có khi quyết định của tôi sai lầm, đưa đến kết quả không tốt. Những lúc nầy, Mai thường hết lời dịu dàng an ủi tôi, và cho rằng tôi không có lỗi gì cả, vì ai cũng có thể sai lầm, và Mai cho rằng nàng cũng có một phần lỗi, vì chưa tận tình giúp tôi đầy đủ ý kiến để làm quyết định.

Từ đó, tôi cảm thấy mình phải lắng nghe ý kiến của vợ nhiều hơn. Tôi nghĩ, nếu những lúc nầy mà Mai dằn vặt, nằng nặc buộc tội tôi, thì chưa chắc tôi đã thấy mình lầm lổi. Mai không như một số đàn bà khác, đúng hay sai cũng đổ lổi cho chồng, và những khi chồng thất bại trong đời, là cái dịp cho các bà chê bai, mai mĩa, nói những lời tàn nhẩn.

Ngoài xã hội, có những lúc tôi vô tình hoặc thiếu may mắn, gây nên những sai lầm với người khác, Mai tự đứng ra, gánh vác hết trách nhiệm thay tôi. Tự ái đàn ông, đâu cho phép tôi để vợ gánh vác trách nhiệm thay mình. Tôi thấy thương và quý vợ nhiều hơn. Mai bảo: ”Chuyện nhỏ, để em gánh vác giúp, anh để tâm trí làm những việc khác ích lợi hơn”.

Tôi thầm nghĩ, tôi thì làm chi có việc lớn mà gánh vác. Những năm mới lấy nhau, tài chánh gia đình khó khăn, đắp trước bù sau hàng tháng. Áo quần đơn sơ, ăn uống dè xẻn. Thế mà Mai bao giờ cũng vui vẻ, chưa bao giờ nghe Mai thở than hoặc so sánh với các bạn bè khác. Nàng thường nói: “Chúng ta nghèo vật chất, nhưng giàu hạnh phúc, tinh thần thanh sạch, thế là đủ. Ðời sống biết đủ là đủ.”

Chính vì Mai không than thở, nên tôi thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn về tài chánh gia đình. Buổi chiều về, tôi đi dạy thêm cho các lớp đêm. Ngày nghỉ, tôi mở lớp dạy kèm luyện thi cho từng nhóm nhỏ. Tài chánh gia đình nhờ đó mà dồi dào hơn, có thêm tiền, nhưng Mai không vui, mà chỉ lo cho tôi thiếu sức khỏe sinh bệnh hoạn.

Năm đó, tôi không chịu theo bè cánh với nhóm tham nhũng, chúng đày tôi về một tỉnh nhỏ xa xôi. Tôi buồn phiền lắm. Không đi thì không được, đi thì bỏ hết công chuyện làm ăn riêng tư. Mai khuyên tôi nhẫn nhịn, và gắng tìm vui trong hoàn cảnh mới. Khi chúng tôi về tỉnh nhỏ, Mai thường an ủi và nâng đở tinh thần tôi, đặt mua các thứ sách báo tôi thích, để giải trí và quên đi phần nào nỗi buồn nơi tỉnh nhỏ. Mai xin được việc ở một nhà dạy trẻ, để phụ thêm kinh tế cho gia đình.

Mỗi ngày, Mai thường đọc báo, và khoanh cho tôi các bài hay, các tin tức cần thiết. Nàng ghi danh cho tôi học ở Ðại Học Luật Khoa Sài Gòn, mua bài gởi về tỉnh. Nàng đọc và làm tóm tắt từng bài học, ghi các ý chính của từng đoạn vào bên lề giấy. Nhiều đêm trước khi đi ngủ, Mai đọc bài cho tôi nghe, và nói lại đại cương của vấn đề. Ban đầu, tôi chìu vợ mà nghe những bài học khô khan đó. Nghe lơ là, không quan tâm lắm.

Nhưng về sau, tôi thấy cũng hiểu được nhiều điều hay của luật pháp, kinh tế, các vấn đề xã hội khác. Tôi thành chăm chỉ. Nhờ vậy mà ngày tháng ở tỉnh lẻ thành bận rộn trong êm đềm. Sau bốn năm, hai vợ chồng đều tốt nghiệp cử nhân Luật khoa và tôi xin chuyển ngành. Tôi thường nói đùa với bạn bè rằng, vợ tôi là giáo sư duy nhất mà tôi theo học trong chương trình cử nhân luật khoa. Tôi thật sự khâm phục vợ, vừa đi dạy trẻ kiếm thêm tiền, vừa chăm sóc con cái, nấu nướng, và học bài, ôn bài cho tôi mà khi nào cũng vui vẻ, dịu dàng, không than phiền, kêu ca.

Khi chạy vội về Sài Gòn vào năm 1975, chúng tôi mất tất cả, trở thành trắng tay. Tôi lo lắng và muộn phiền lắm, nhưng nhờ thái độ trầm tĩnh và chịu đựng của Mai mà tôi bớt bối rối. Trước ngày miền Nam sụp đổ, chúng tôi bàn nhau là nên ở hay đi.

Ý Mai thì nên đi để bảo toàn tính mạng cho gia đình, khi yên ổn thì quay trở về cũng chẵng mất mát gì. Phần tôi thì vì yêu mến quê hương một cách lãng mạn, quyết ở lại, muốn cùng chia xẻ khổ đau, sống chết cùng quê hương. Chủ nghĩa đối với tôi không quan trọng, tôi nghĩ chính thể nào cũng thế thôi, cũng cùng là người Việt, cùng giòng giống tổ tiên, thì việc gì mà phải bỏ chạy?

Tôi đã lầm to. Thảm họa trùm xuống khắp miền Nam. Ðau khổ, lao tù, đói lạnh, đè nén, áp bức. Tôi cũng ôm gói đi tù như mọi bạn bè. Trong tù, tôi vô cùng ân hận về quyết định sai lầm, để thân xác mình bị tù đày, để vợ con bơ vơ, đau khổ, đói rách, không vốn liếng không tài sản.

Ba tháng sau khi tôi đi tù, Mai thấy chồng chưa được thả về, đã xoay xở rất mau. Nàng mua áo quần cũ, cắt ra may thành áo quần trẻ em đem bỏ mối bán tại các chợ trời hè phố. Ðêm nào cũng may đến mười hai giờ khuya. Một mình nuôi chồng tù tội, nuôi con thơ dại, ngược xuôi trong cuộc đổi đời. Những năm tháng nằm tù, có nhiều thì giờ suy nghĩ, tôi mới sâu sắc nhận ra mình mang ơn vợ quá nhiều. Tình cảm nàng dành cho tôi tràn đầy dịu dàng, bao dung, âu yếm và hy sinh. Tôi biết mình là kẻ có phước được vợ hiền.

Bằng tiền bạc, Mai mua chuộc được tên cán bộ cai tù, cho nó một cái đồng hồ, hứa hẹn cho thêm cái đài (radio) và hứa thêm khi tôi được thả về, sẽ cho một chiếc xe đạp. Ðó là ba niềm ước mơ cao sang của nhân dân anh hùng miền Bắc dạo đó: “đạp, đồng, đài”, ai có ba thứ nầy thì được xem như tột đỉnh giàu có. Thanh niên có đủ “đạp đồng đài” thì có thể cưới bất cứ cô gái nào trong xứ.

Tên cai tù đã tiếp tế cho tôi thuốc men, mì gói và các thức cần thiết,và phục vụ tôi như một tên đầy tớ trung thành. Nhờ thuốc từ gia đình,tôi thoát chết qua hai lần bệnh nặng không hy vọng sống sót. Sau nầy, gã cai tù tội nghiệp đã trở thành kẻ chịu sự sai khiến của tôi trong trại cải tạo. Tôi đã sai nó mua cho anh em nhiều thứ cần thiết, bí mật đưa tin tức về cho gia đình.

Trong thời gian tôi đi tù, một người bạn cũ của ông anh Mai, trước kia có theo đuổi nàng, sau vào bưng biền theo Cộng Sản, hắn đã đến viếng thăm và nói xa gần, rằng muốn giúp đỡ nếu Mai chịu hắn. Hắn sẽ xin việc làm cho Mai và sẽ tìm cách bảo lãnh cho tôi. Mai đã khéo léo nói cho nó bỏ đi và về sau tránh tiếp xúc.

Khi tôi được ra tù, thể xác tiều tụy, tinh thần suy nhược, đời sống bất ổn, bị đe dọa thường trực. Hàng tuần bị tên công an khu vực đến thúc dục đuổi đi về vùng kinh tế mới, và nói lời hăm dọa. Tôi nản lòng bàn với Mai để dọn về vùng kinh tế mới cho yên thân.

Nàng đã khôn ngoan giải thích rằng, bằng mọi giá phải bám vào thành phố, để sống còn và để bớt bị độc tài áp bức, bớt khốn khổ vì cái u mê của chế độ hành hạ. Nàng thường khuyên tôi : ”Mình hãy xem cuộc đời nầy như một trò chơi không vui, đừng quá quan tâm đến những gì xẩy ra cho mình, cho thiên hạ chung quanh. Những đau khổ mà mình đang chịu đựng cũng là một thứ thử thách, làm cho mình lớn thêm lên, trưởng thành hơn, và cứ vui với những gì nhỏ nhoi nhất có thể có trong thời gian nầy. Không xấu xa nào có thể tồn tại mãi mãi được, ánh sáng tương lai sẽ có ngày chiếu rọi trên quê hương.”

Mai đã an ủi, khuyên nhủ và dịu dàng dắt tôi đi qua quãng đời đau khổ trong chế độ mới. Chúng tôi bữa đói bữa no dắt nhau đi trong đời sống mịt mù của xã hội chủ nghĩa bao cấp (kinh tế chỉ huy, kinh tế tập trung-TC)

Nàng vay mượn và bán hết đồ đạc trong nhà, đóng tiền cho tôi bí mật vượt biên. Ngày chia tay, Mai rất bình tỉnh, mà tôi thì trong lòng nhũn ra vì yếu mềm, cố cầm dòng nước mắt cho khỏi tuôn trào. Mai dặn dò: “ Anh phải giữ gìn sức khỏe. Em đủ sức lo cho các con và bản thân. Ðừng bao giờ quên cả dân tộc đang khổ đau, đợi chờ! Thôi anh đi“. Tôi ôm vợ vào lòng, nước mắt chảy tràn đầy gò má. Tôi cố cầm tiếng nấc cho Mai đừng biết tối đang khóc.

Lời dặn dò của vợ làm tôi cứ ngỡ mình đang ôm cả khối hào quang sáng rực, ôm cả mặt trời chói lọi trong vòng tay. Tôi tự hứa sẽ không phụ lòng kỳ vọng của vợ trong phút chia ly. Tôi tự hứa, ra đi không phải chỉ để tìm tự do riêng cho bản thân mình thôi.

Chuyến đi không thành, phải dời lại một tháng sau. Nhiều người bỏ cuộc nên thuyền trống. Phút cuối chủ thuyền cho vợ con tôi cùng đi với lời hứa trả tiền sau. Tôi cám ơn Trời Phật đã xui khiến cho chúng tôi còn có bên nhau trong đời.

Trên biển đói khát Mai nhường phần ăn uống cho con, cho chồng, với lý do là tôi cần sống hơn nàng, tôi có thể làm được nhiều việc ích lợi hơn. Nhưng theo ý tôi, thì chính Mai mới xứng đáng để sống sót vì đời sống nàng có nhiều ý nghĩa, tốt đẹp hơn.

Những ngày khó khăn nắng cháy cực khổ tại trại tỵ nạn, nàng dành lấy hết tất cả việc vặt vãnh như lãnh thức ăn, xách nước, nấu nướng, chăm sóc con cái. Ðể cho tôi có thì giờ tham gia tiếp tay phụ giúp các công tác chung trong trại. Mai dặn tôi tránh xa những nơi có tranh dành, có chút quyền lợi, chỉ kê vai gánh vác những việc có ích chung mà không ai làm. Với khuyến khích và an ủi của vợ, tôi làm được nhiều việc hữu ích cho cộng đồng.

Trong lúc đó, một vài anh bạn tôi, tham gia việc cộng đồng mà như làm việc quốc cấm, bị vợ cằn nhằn, ngăn cản, mỉa mai rằng việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Nhiều người than vãn về những thiếu thốn, khó khăn cực khổ trong trại tị nạn. Mai thì khi nào cũng vui vẻ, lạc quan, và cho rằng tương lai được sống đời tự do đang rõ ràng trước mắt.

Những thiếu thốn, khó khăn trong trại tị nạn là đương nhiên. Ở đây cũng còn sung sướng hơn những ngày tháng sống với chế độ Cộng Sản u ám, bất trắc, chèn ép, sợ hãi. Những khi con tôi chê cơm, Mai nhắc nhở cho chúng những ngày khoai sắn qua bữa, những ngày đói khát trên biển khơi, thì chúng vội vàng ăn ngon lành những chén cơm trong trại tị nạn.

Chúng tôi đến Mỹ vào mùa đông, tuyết phủ ngút ngàn, trắng xóa cả đất trời. Chưa biết có thể làm gì để nuôi sống gia đình trong miền đất mới, nhưng nhờ trợ cấp xã hội trong thời gian đầu, đắp đổi tạm sống qua ngày.

Dù không dư giả, tiền trợ cấp xã hội được Mai chia ra làm ba phần, hai phần ba nuôi sống gia đình với chi tiêu dè xẻn tiện tặn, một phần ba gởi về nuôi những bạn bè đang đói khó khắc khoải trong lao tù, trong các vùng kinh tế mới.

Trong vòng ba tháng, chúng tôi đi xin việc cả trăm nơi khác nhau, đâu cũng gõ cửa, đâu cũng xin việc. Hai vợ chồng lội bộ dắt nhau đi tìm việc, và không nản lòng. Tôi tìm được một chân rửa chén bát tại khách sạn Holiday Inn. Mai tìm được một chân làm bánh ngọt Donut. Chúng tôi tự túc được rồi, và từ đó mà tiến lên, tôi tìm được công việc khác trong hãng tiện có đồng lương khá hơn. Chúng tôi bắt liên lạc với bạn bè xa gần, và ao ước được đóng góp phần nào vào nỗ lực làm vơi khổ trên quê nhà. Thơ của bạn bè hồi âm với lời lẽ bi quan, nhiều người khuyên tạm quên chuyện quê hương đi, mà lo cho đời sống bản thân và gia đình trước đã.

Khi bỏ nước ra đi, hầu như ai cũng mang trong lòng một hứa hẹn, một trách nhiệm âm thầm, không nói ra nhưng vô cùng tha thiết. Nhiều đêm Mai thì thầm: “Chúng ta có yên lòng hưởng hạnh phúc, tự do khi cả quê hương đang chìm đắm trong khổ đau? Chúng ta có quên được bao nhiêu người đang kỳ vọng chúng ta nơi quê nhà? Liệu chúng ta có làm được gì không, hay chỉ mãi mê lo cho đời sống riêng tư?”

Mai thường an ủi tôi: “Thôi, mình ráng làm ăn, rồi làm được những gì nhỏ nhất có lợi cho quê hương thì làm. Em tin tưởng sẽ có một ngày nào đó, chúng ta sẽ có cơ hội đóng góp cho quê hương nhiều hơn.”

Chúng tôi đi làm việc toàn thời gian, và làm thêm những việc sửa chữa lặt vặt cho các gia đình trong nhà thờ họ đạo. Các bà cụ dành việc làm cho tôi với tinh thần giúp đỡ, trả cho tôi những thù lao nhiều hơn trị giá thực sự. Chúng tôi chỉ để dành một số tiền nhỏ phòng khi bất trắc và ăn tiêu hết sức tiện tặn. Hàng tháng, Mai gởi tiền giúp đỡ các gia đình bà con, bạn bè đang đói khó, gia đình những người đau khổ trong tù đày, các bạn đang quay quắt ở các vùng kinh tế mới. Giúp nhiều nhất cho những người tù không có thân nhân bới xách, thiếu thốn thuốc men, thiếu thốn chất bổ dưỡng. Vợ tôi thường bảo, dù cho những giúp đỡ nầy như muối bỏ biển trong một quê hương đầy đói rách, nhưng có còn hơn không. Mai vui sướng trong việc xẻ chia chút dư thừa vật chất cho những người cùng khổ.

Chưa bao giờ tôi nghe Mai phàn nàn, sanh nạnh với tôi về công việc trong nhà. Chưa bao giờ nàng lên giọng sai bảo tôi hút bụi, quét nhà, rửa chén bát. Nếu rảnh, thì tôi làm, nếu tôi bận xem những trận thể thao hấp dẫn, thì thôi. Nhiều lúc Mai không cho tôi rửa chén bát, dành lấy mà làm, vì những lúc đó nàng rảnh rang. Chúng tôi cùng làm việc nhà trong tinh thần chia sẻ, không phải trong trách nhiệm phân chia việc nào chồng làm, việc nào vợ làm.

Mai chưa bao giờ tranh hơn thua với chồng. Nàng quan niệm rằng, vợ chồng không cần tranh hơn thua nhau, hơn chồng cũng không được gì mà chỉ tổ tình yêu bị thương tổn. Chưa bao giờ Mai lớn tiếng hay khăng khăng quyết đoán việc gì. Khi nào cũng dịu dàng thảo luận và sẳn sàng chờ lúc thuận tiện để thuyết phục thêm.

Tôi đã nghe thấy vợ nhiều người bạn, sẵn sàng xẵng tiếng với chồng, mở miệng ra là nói nặng lời, nói điều chua chát khó nghe, và tôi biết mình may mắn có vợ hiền. Tôi đem nhận xét nầy nói với Mai, nàng cho rằng những người đàn bà đó, chỉ đáng thương, vì không ai dạy cho họ điều khôn ngoan phải đạo mà có lợi cho họ hơn là có hại.

Những lúc tôi gặp khó khăn ngoài xã hội, mang bực bội và cái không vui về nhà, Mai thường khuyên tôi rằng: ”Mục tiêu tối thượng của đời người là đi tìm hạnh phúc. Ði làm kiếm tiền cũng chỉ để mua hạnh phúc. Hạnh phúc đích thực của cuộc sống là gia đình vui vẻ, ấm êm và dễ chịu. Không tội chi đem cái khó khăn bực bội của bên ngoài về nhà cho mất vui, mà phí phạm ngày tháng yên ấm của gia đình. Dù giàu sang danh vọng đến mấy, mà gia đình thiếu hạnh phúc thì đời không còn ý nghĩa gì.” Thế là tôi tìm được nguồn vui và yên tỉnh tâm hồn.

Khi tôi bị thất nghiệp, Mai càng an ủi vỗ về tôi nhiều hơn, để tôi không có cái mặc cảm mình vô tích sự, sống nhờ vào người khác. Nàng nói, cứ từ từ tìm rồi việc khác, đừng nóng lòng, không gấp chi, vì một người đi làm, nếu ăn tiêu tiện tặn lại, thì cũng không thiếu thốn. Vả lại công việc, thì cửa nầy đóng, sẽ có cửa khác mở. Mai khuyên tôi ở nhà nghỉ ngơi một thời gian cho khỏe. Bởi vậy nên tôi không hốt hoảng lo âu như vài người bạn khác. Một anh nói chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, đùa rằng: “ Phải đi tìm việc gấp chứ, không thì ăn được của vợ một miếng cơm, thì phải mửa ra ba miếng máu”. Tôi không tin và không vui khi nghe câu đùa cợt đó.

Nhiều khi nằm bên nhau, tôi hỏi Mai: “Sao hơn mười mấy năm sống bên nhau, chưa bao giờ em làm cho anh buồn lòng, chưa bao giờ em làm cho anh phải nổi giận. Em có khi nào buồn giận anh không?”.

Nàng nói: “Ngày xưa đọc sách, em không nhớ tác giả nào đã viết rằng, con chó suốt đời không làm gì cả mà được mọi người thương yêu, vì cách xử sự của nó. Nó không giận hờn, không đòi hỏi, không trách móc. Cho đi tình thương chân thành, thì được nhận lại bằng tình thương. Nhiều người đàn bà đòi hỏi ở chồng quá đáng, ngoài khả năng của chồng. Bao nhiêu cũng không thỏa mãn cả. Họ không nhìn thấy sự hy sinh của người khác, mà chỉ cố bươi móc lỗi lầm cỏn con của chồng để mà trách móc, giận hờn. Làm thế không có lợi gì cả, mà chỉ là cách phá hoại hạnh phúc gia đình hữu hiệu nhất.”

Tôi thành thực mà nói rằng đã học rất nhiều điều tốt của vợ tôi. Nàng càng dịu dàng, càng thu mình nhỏ lại, thì tôi càng thương yêu trang trải bù đắp cho vợ nhiều hơn. Mỗi khi đi làm về, thấy nét mặt tươi vui hân hoan của vợ, thì bao nhiêu mệt nhọc bực bội trong ngày đều tiêu tan.

Khi tôi phạm phải lỗi lầm, hành động sai quấy, vợ tôi thường an ủi rằng, mình là con người chứ đâu phải là thần thánh chi, mà không có sai lầm. Ðừng buồn, cái thiệt hại nầy cũng là bài học tốt về sau.

Những an ủi, khuyến khích tinh thần của vợ, làm cho đời sống tôi nhẹ nhàng, êm ái, thư dãn, không bị dồn ép, không bị áp lực cuộc sống, không có căng thẳng gia đình như nhiều bạn bè khác.

Trên bước đường tha hương, một lần vợ chồng Tuân-Lam ghé thăm chúng tôi. Tuân là bạn cũ, Lam là người xưa. Vợ tôi biết rõ mối tình cũ giữa tôi và Lam, nhưng nàng tin chồng, và rất lịch sự, vồn vã đón tiếp họ hết lòng. Có lẽ Mai cũng biết chuyện xưa của chúng tôi đã nguội lạnh từ lâu, chẳng ai còn tiếc thương chi. Tuân vẫn hiền lành phúc hậu như xưa, nét mặt chịu đựng. Ðêm khuya tôi vẳng nghe tiếng Lam đay nghiến dằn vặt chồng ở phòng bên cạnh, nói những lời thiếu lễ độ.

Về sau, mỗi lần nghĩ đến Lam, lòng tôi phơi phới, vì may mắn, cuộc đời không phải gắn liền với một người đàn bà như Lam. Tôi biết ơn mẹ nhiều hơn. Kinh nghiệm sống của mẹ đã giúp cho cuộc đời tôi có hạnh phúc hơn. Và tôi biết thương yêu, nể trọng vợ hơn nhiều.

Một chị bạn gia đình không được hạnh phúc, hỏi vợ tôi bí quyết để được chồng thương yêu nể nang. Mai cười mà nói: “Không có bí quyết nào cả. Chỉ có câu chuyện sau đây, tôi thuộc nằm lòng từ thời còn đi học.

Chuyện ở trong sách tập đọc của Pháp. Rằng, có một anh nông dân đem bò ra chợ tỉnh bán. Suốt ngày không bán được dẫn bò về. Ðường xa mệt nhọc, con bò trờ chứng không chịu đi. Có người gạ đổi con bò lấy con ngựa hồng tung tăng. Anh tưởng được ngựa sẽ thong thả dong cương ra về, nhưng con ngựa lạ chủ không chịu cho anh cưỡi và cũng trì kéo dằng dai. Một người khác dẫn con heo nái ngoan ngoãn đi qua, gạ đổi heo lấy ngựa, anh đổi liền. Ðường xa mệt nhọc, con heo cũng nằm ì không chịu đi, bí quá, anh đổi heo lấy một con dê nái. Con dê càng cứng đầu khủng khiếp, anh vật lộn với dê phờ phạc. Ðêm đã tối mịt mù, một hành khách đề nghị đổi dê lấy một con gà trống lớn. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, anh ôm con gà vào quán đổi lấy một bữa cơm.

Thế là một bữa ăn trả giá bằng một con bò. Ăn xong, anh nông phu thong thả ra về, vừa đi vừa ca hát khỏe khoắn. Khi về đầu làng, có bạn quen hỏi đi đâu, mà về khuya thế. Anh kể chuyện đi bán bò, và đổi con gà lấy bữa cơm.

Người bạn hết hồn, khuyên anh khoan về nhà, mà bà vợ nổi cơn tam bành lên, không khéo vợ chồng xô xát gây ra án mạng. Anh nông dân bảo rằng, chắc vợ tôi cũng thấy việc làm của tôi là có lý. Anh bạn ức quá, đánh cá một con bò, nếu chị vợ mà không gây gổ, thì anh nông dân sẽ được một con bò, còn ngược lại, thì phải mất một con bò khác.

Người bạn đi theo núp bên ngoài nghe cuộc đối thoại của vợ chồng anh nông dân. Chị vợ hỏi anh, đã ăn gì chưa, đi đường có mệt lắm không, bò bán có được giá không? Anh đáp rằng đã ăn rồi, con bò không bán được mà trên đường về nó không chịu đi nên đã đổi con bò lấy con ngựa. Chị vợ nói rằng, có con ngựa cũng tốt, nó sẽ kéo xe, giúp mình di chuyển mau chóng hơn. Anh chồng cho biết con ngựa không chịu cho anh cưỡi nên đã đổi lấy con heo nái. Chị vợ cũng tán thành ngay và còn dự trù con heo mùa sau sẽ sinh ra một bầy heo khác, rất có lợi. Anh chồng cho biết thêm, con heo cũng trở chứng không chịu đi nên đổi lấy một con dê cái. Chị vợ tiếp liền, là con dê cũng rất có lợi, từ nay mỗi sáng gia đình sẽ có sữa dê mà uống. Anh chồng lắc đầu và cho biết đã đổi con dê ương ngạnh lấy con gà trống lớn. Chị vợ anh nông phu tiếp rằng, có con gà cũng tốt, mỗi sáng nó nghe gáy cũng vui tai. Anh chồng bảo là buổi sáng ra đi không đem tiền theo, đói quá, đã vào quán đổi con gà lấy bửa cơm.

Nghe xong, chị vợ anh nông phu đến quàng hai tay, ôm vai chồng và nói rằng, anh làm như thế là phải. Lấy của che thân, chứ đừng lấy thân che của. Ði cả ngày mệt nhọc đói khát, không ăn chịu sao nổi. Em đã để sẵn khăn, múc sẵn nước, anh đi tắm cho khỏe.”

Mai kết luận rằng: ” Muốn được chồng thương cũng rất dễ, đừng bao giờ tranh hơn thua với chồng, việc gì đã lỡ, thì cho qua luôn, vui vẻ chấp nhận, và dịu dàng, nhường nhịn chồng là yếu tố căn bản để được chồng thương.”

Ngoài song thân ra, người tôi biết ơn nhiều nhất là vợ tôi. Ðời sống tôi có ý nghĩa hơn, sung sướng hơn, hạnh phúc hơn nhờ vợ khôn ngoan, dịu dàng. Nhiều đêm thức giấc tôi nhẹ hôn lên mắt vợ, thầm so sánh tấm lòng hiền nhân của vợ với trái tim của một vị nữ thánh. Phần nàng, thì luôn luôn: ”Em chỉ muốn làm cái bóng nhỏ và âm thầm bên đời anh thôi”.

Mai chưa hề đọc thánh kinh, nhưng nàng đã biết chọn chỗ ngồi thấp nhất để được nâng lên cao nhất trong lòng chồng con.

Tràm Cà Mau

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209