CON SÂU ĐỎ
Chết dưới lá cờ sao Phúc Kiến. Tranh Babui. |
CON SÂU ĐỎ
Tác giả: Lâm Chương
Gốc gác gia đình của cậu Hai Say là nhà nông, nhưng cậu ít khi ngó ngàng đến ruộng nương. Mùa màng cấy gặt, cậu giao hết cho vợ trông nom. Còn cậu, cứ tà tà đi tán dóc, coi cuộc đời như chốn rong chơi. Đầu thôn cuối xóm, ai cậu cũng quen. Ra đường, gặp nhau chào hỏi mệt nghỉ. Chào mãi đâm nhàm, chỉ cần nhìn mặt, nhếch mép cười là đủ.
Có
một thời cậu theo cách mạng vô bưng biền. Công cuộc kháng chiến trường kỳ, cần
nhiều hy sinh gian khổ, không hợp với cái tính ưa hưởng nhàn của cậu. Cậu bỏ
về, mang theo căn bệnh sốt rừng. Da cậu tái nhợt như tàu lá chuối non. Thầy
thuốc Nam bảo, cậu ăn uống nhiều vật thực mang tính âm hàn, nên sinh ra dị
chứng. Phải xổ độc để tống khứ nhiễm khí rừng thiêng. Cậu uống bao nhiêu thang
thuốc Nam, vẫn không xổ hết chất độc. Mợ Hai, vợ cậu phải bán một bồ lúa, đưa
cậu ra tỉnh thành trị bệnh. Bác sĩ nói, cậu bị sốt rét kinh niên. Nếu không
chữa trị kịp thời, để con vi trùng xâm nhập vào gan thì bỏ mạng. Sau một thời
gian dùng thuốc Tây, cậu khỏi bệnh. Và từ đó, cậu lấy chữ nhàn làm gốc.
Cái
tên của cậu, làm tôi thắc mắc. Cậu là Hai Say hay Hay Say? Cách phát âm của
người miền tôi, không phân biệt giữa Hai với Hay. Và Say có phải là tên thật
của cậu, hay người ta thấy cậu thường có hơi rượu, rồi gán cái biệt danh Say?
Tôi còn nhỏ, không dám hỏi về điều này. Mà có hỏi, cũng chưa chắc cậu trả lời
thật. Bởi tính cậu, xưa nay vẫn hay thêu rồng vẽ rắn, chuyện thật như đùa,
chuyện đùa như thật, biết đâu mà lường.
Trước
cửa nhà tôi, có con đường đất. Cậu Hai Say thường đi trên đường này, mỗi ngày.
Đang đi, cậu ghé vào nhà này, nói năm ba câu trên trời dưới đất. Tạt vào nhà
kia, bàn chuyện thời tiết nắng mưa. Không bao giờ nghe cậu đặt vấn đề làm ăn
sinh kế. Cậu nói cậu là ông tiên ở trên trời bị đoạ xuống trần gian, và đọc:
Có
chồng say như trong chay ngoài bội
Ngó
vô nhà như hội Tầm Dương
Có
chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ
Ngó
vô nhà đèn đỏ đèn xanh
Đã là
tiên thì đâu cần phải làm gì. Cậu rong chơi, chờ ngày mãn kiếp về trời.
Nhà
tôi là nơi cậu thường vào nghỉ chân sau một chuyến đi rảo quanh làng, hoặc lừng
khừng sau khi lai rai vài ba sợi đế. Cậu đến nhà tôi, người lớn không cần phải
bận tâm đón tiếp. Quen thân quá, hoá lờn. Không ai vô công rồi nghề để ngồi
nghe cậu nói chuyện Nam Tào Bắc Đẩu. Cậu cũng rất tự nhiên, nằm trên cái võng
giữa nhà, đưa qua đưa lại, miệng phì phà điếu thuốc. Anh chị em tôi rất thích
cậu Hai Say. Cậu có cả một kho tàng chuyện lạ, kể hoài không hết. Muốn nghe cậu
kể chuyện, chúng tôi phải thay phiên đưa võng cho cậu lấy hứng. Đưa võng cũng
phải có nghệ thuật, cậu nói, đưa mạnh quá làm nôn ruột, đưa nhẹ quá dễ buồn
ngủ. Thế thì phải đưa thử, đến lúc nào cậu bảo được, là giữ nhịp võng ấy mà đưa
hoài. Mỗi khi cậu chấm dứt một câu chuyện kể, phải biết ý cậu, đưa mạnh hơn để tán
dương và phụ hoạ cho tiếng cười được phơi phới lên cao. Không phải lúc nào cậu
cũng chịu đưa võng. Những khi trời nóng nực, phải quạt cho cậu mát. Quạt mạnh
quá, cậu nói ngộp thở. Nhẹ quá, cậu bảo không mát. Phải quạt vừa vừa, đều đặn.
Cậu nằm phanh áo, bày ngực và bụng. Quạt từ trên mặt, quạt dài xuống bụng. Cái
quạt lớn làm bằng mo cau, tôi phải cầm hai tay, quạt mới xuể.
Những
chuyện kể của cậu Hai Say, mấy mươi năm qua rồi, tôi không nhớ hết. Sau đây là
một trong vài chuyện mà tôi còn nhớ được.
Thời
cậu còn theo kháng chiến làm cách mạng. Cậu đã đi rất nhiều nơi, từ chốn bưng
biền cho đến miền rừng sâu núi thẳm. Một hôm cậu ngang qua một vùng núi non
hiểm trở, bỗng nghe tiếng động ầm ầm dữ dội, như tiếng của Thần Rừng Thần Núi
giao tranh. Cậu hoảng hồn, mau chân chạy tránh xa nơi nguy hiểm. Cả năm sau,
cậu có dịp hộ tống Bác Hồ, ngang qua vùng ấy nữa. Cậu thấy hai con vật khổng
lồ: con rít chúa và con mảng xà vương nằm chết, xác đã rữa mục rồi. Bấy giờ,
cậu mới hiểu ra rằng tiếng động ầm ầm mà cậu nghe năm ngoái, là do hai con vật
đánh nhau. Cái đuôi của chúng vùng vẫy làm gãy đổ cây cối cả một vùng rừng rộng
lớn.
Con
mảng xà vương chết, còn lại bộ da, trải dài như con đường lát gạch. Bác Hồ là
người thông minh, có nhiều sáng kiến lạ, Bác bảo mỗi người cắt vài miếng da
mảng xà để làm dép râu. Và Bác đã mang đôi dép này đi suốt "Đường Kách
Mệnh". Đôi dép râu bằng da mảng xà, bền chắc vô cùng. Khi Bác lên làm chủ
tịch nước, người ta đưa đôi dép râu này vào trưng bày trong viện bảo tàng. Các
nhà khoa học lừng danh của Liên Xô có đến chiêm ngưỡng, và dùng phương pháp
khoa học tối tân để phân chất, nhưng vẫn không khám phá ra đôi dép làm bằng
nguyên liệu gì. Đó một bí mật mà nhà nước ta giấu kín, không công bố cho nước
nào biết, dù là nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng vậy. Tất cả những gì liên
quan đến Bác, đều được truyền miệng một cách hư hư thực thực như huyền thoại.
Để từ đó, người ta nhìn thấy Bác là một siêu nhân.
Con
rít chúa chết, còn lại cái vỏ. Vỏ rít có nhiều đốt, nối lại như một đường ống
dài. Lúc ấy, trời bỗng đổ mưa to. Bác Hồ bảo mọi người chui vào cái vỏ rít mà
trú mưa. Mưa to, thế mà không ai bị ướt.
Bác
Hồ nói: "Lấy cái vỏ rít này, dùng làm nóc hầm trú ẩn hoặc làm địa đạo, có
thể chống được bom đạn."
Đấy
lại là một sáng kiến độc đáo nữa. Có người rút nhật ký ra ghi chép lời Bác.
Anh
tôi hỏi: "Ghi chép làm gì?"
Cậu
nói: "Để sau này, Bác dùng làm tài liệu viết ký sự "Vừa Đi Đường Vừa
Kể Chuyện", dưới cái tên giả Trần Dân Tiên."
Cậu
tiếc rằng, ở giữa vùng rừng núi xa xôi, không thể khiêng vài cái đốt của rít
chúa về xóm làng.
Anh
tôi lại hỏi: " Khiêng về làm gì?"
Cậu
nói: "Để bán cho người ta làm mui xe bò. Mỗi đốt làm được một cái mui xe,
rất chắc. Xài cả đời cũng không hư."
Chị
tôi hỏi: "Cậu từng phục vụ cho Bác Hồ. Cậu thấy Bác ra sao?"
"Ồ,
đẹp lắm. Trông Bác có cái dáng vẻ tiên phong đạo cốt, dưới càm phơ phất một
chòm râu."
Tôi
hát: "Mong Bác Hồ cho chúng cháu xin, đôi sợi râu làm dây thân ái."
Và hỏi. "Sao cậu không xin Bác một sợi râu?"
"Dễ
gì? Bác chỉ có một chòm râu, mà trẻ em cả nước đứa nào cũng muốn xin một sợi.
Lấy đâu cho đủ? Nhưng cậu cũng tìm cách để có được một sợi râu của Bác."
"Khi
Bác ngủ. Cậu lén nhổ râu hả?"
"Không.
Nhổ râu Bác cũng giống như vuốt cái vảy ngược dưới cổ con rồng."
"Vuốt
cái vảy ngược của rồng thì sao?"
"Thì
chết chứ sao? Tương truyền, rồng là một linh vật, chúa tể của muôn loài. Vảy
rồng mọc xuôi về phía sau, nhưng dưới cổ nó, có một cái vảy mọc ngược về phía
trước. Ai chạm phải cái vảy ấy, nó giết liền. Người có chân mạng đế vương,
thường được ví với rồng. Vì thế, mỗi sợi râu của Bác được coi như một sợi râu
rồng, người đời thường gọi là long tu. Nhổ long tu của Bác, chẳng khác nào chạm
cái vảy ngược của rồng."
"Nguy
hiểm như vậy, làm sao cậu lấy được râu Bác?"
"Mỗi
buổi sáng, cậu có bổn phận bưng thau nước vào cho Bác rửa mặt. Khi xong, cậu
đem đi đổ. Trước khi đổ, cậu quan sát thật kỹ, những mong có được một may mắn.
Và cậu đã may mắn thật, trong thau nước rửa, có một sợi râu rụng của Bác. Cậu
giữ lại sợi râu quý này, làm kỷ niệm."
"Cho
tụi cháu xem thử đi."
"Ngồi
yên! Nghe cậu kể. Người ta nói cọp chết để da, nhưng không ai nói cọp chết để
râu. Vì mỗi lần hạ được một con cọp, việc đầu tiên phải làm là đốt ngay bộ
râu."
"Sao
thế?"
"Nếu
kẻ ác lấy được sợi râu cọp, họ sẽ dùng vào việc giết người."
Anh
tôi thắc mắc: "Râu cọp mà có thể giết người được sao?"
Cậu
Hai Say giải thích: "Họ nhét râu cọp vào mụt măng. Cháu biết măng là gì
không?"
Chị
tôi nhanh miệng: "Măng là mầm non của tre trúc mới nhú lên khỏi mặt
đất."
"Đúng
rồi. Nhét sợi râu cọp vào mụt măng. Lâu ngày, sợi râu sẽ hoá thành con sâu màu
đen. Cứt của con sâu này là một thứ thuốc độc ghê gớm. Chỉ cần cho một viên cứt
sâu nhỏ bằng đầu cọng tăm vào lu nước. Ai uống phải nước này, sẽ ngả ra chết
liền."
Chúng
tôi rúc cổ le lưỡi: "Ghê quá!"
"Im!
Bình tĩnh, nghe cậu kể tiếp. Râu Bác Hồ như râu rồng. Cậu nghĩ, nếu đem nhét
vào mụt măng, nó sẽ hoá ra con gì? Vì tò mò, cậu đã làm thử."
"Cháu
nghĩ nó sẽ hoá ra một con rồng nhỏ." Chị tôi nói.
"Không.
Chẳng phải rồng mà là một con sâu đỏ lòm, cháu ạ."
"Thế,
cậu làm gì với con sâu ấy?"
"Chẳng
làm gì cả. Thấy con vật lạ thì nuôi chơi vậy thôi. Cậu nhốt nó trong một chiếc
hộp nhỏ, đi đâu cậu cũng mang theo bên mình. Nhưng nó không chịu ăn, lừ đừ gần
chết, cậu không biết làm sao để có thể nuôi nó lâu dài. Có lần, cậu vô ý làm
đứt tay, một giọt máu tươi rớt vào trong hộp. Nghe mùi tanh của máu, nó như
được hồi sinh và hút sạch giọt máu. Thế là cậu khám phá ra, con sâu đỏ này chỉ
có thể nuôi bằng máu."
"Cậu
làm sao đủ máu mà nuôi nó hoài?" Anh tôi hỏi.
"Phải
có cách chứ. Đâu thể trích máu của cậu mãi được. Đi với Bác lâu ngày, cậu cũng
khôn ra. Nghĩa là tận dụng mọi thứ chung quanh, mà không hề làm tổn hại đến
mình. Cậu bắt con đỉa hút no máu con trâu. Xong cậu cho con đỉa vào hộp. Con
sâu đỏ hút lại máu từ con đỉa. Đỉa là loài sống rất dai, cho nên có câu
"sống dai như đỉa". Thế mà sau khi bị con sâu đỏ hút máu, con đỉa
chết luôn. Điều này cho cậu biết rằng, con sâu đỏ là một độc vật ghê gớm nhất
trên đời."
Chị
tôi nói: "Sao không giết nó đi, nuôi chi một con vật gớm ghiếc?"
"Cậu
đã nói, thấy con vật lạ, thì nuôi chơi. Mãi sau, có người biết được, tố giác
chuyện này lên Bác Hồ. Bác ra lệnh tịch thu con sâu đỏ. Cậu giao nạp con sâu,
nhưng vẫn còn sợ bị khép tội ăn cắp râu Bác Hồ, nên trốn về, không theo cách
mạng nữa."
"Rồi
Bác giết nó hay nuôi?"
"Nếu
giết nó thì đỡ khổ cho dân lành rồi. Bác nuôi mới chết người chứ!"
"Không
lẽ Bác nuôi nó bằng chính máu của Bác?"
"Bác
đâu có dại. Máu của nhân dân thiếu chi."
"Nhưng
Bác nuôi nó làm gì?"
"Làm
gì, ai biết? Mọi hành vi của Bác đều được giữ bí mật. Trong thời kỳ cải cách
ruộng đất, và thanh trừng thành phần trí phú địa hào bất mãn, có hàng vạn người
bỗng ngả lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Cậu nghi, họ bị đầu độc bằng cứt của con
sâu đỏ này."
Sau
mỗi chuyện kể của cậu Hai Say, thường là những tiếng cười vui thích thú. Nhưng
sau chuyện này, cậu không cười, và chúng tôi thì sợ.
* * *
Mùa
Xuân năm Ất Mão, tôi tơi tả trở về làng cũ. Cậu Hai Say bây giờ, đã già lắm
rồi.
Cậu
bảo: "Hãy chạy đi."
Tôi
hỏi: "Sao cậu không chạy?"
"Với
số tuổi của tao, bỏ thây không tiếc,"
"Cậu
thường hay nói chơi. Không biết lần này cậu nói chơi hay nói thật. Nhưng đất
nước vừa chấm dứt chiến tranh, không ở lại mà hưởng thái bình, còn chạy đi
đâu?"
Cậu
ngước mặt lên trời, than: "Người ngu mắc nạn, thường hay đổ thừa cho thiên
mệnh."
Mười
năm sau nữa, tôi ra khỏi tù, lại trở về làng cũ. Nghe nói, cậu Hai Say được
cách mạng mời đi dự tiệc mừng Đại Thắng Mùa Xuân. Và cậu đã chết ngay sau khi
rời khỏi bàn tiệc. Tôi chợt nghĩ đến con sâu đỏ. Chẳng biết cái chết của cậu,
có liên quan gì với cứt của loài độc vật này hay không?
Lâm
Chương
Nhận xét
Đăng nhận xét