Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 11


 Bài 11 - VỀ NHÂN VẬT LÝ CHÁNH TRUNG

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH


Trước 1975, Lý Chánh Trung là một viên chức được hưởng nhiều ưu đãi của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH). Ông từng làm Giám đốc Nha Trung học, Đổng lí văn phòng Bộ Giáo dục, Giảng sư tại Văn khoa Đại học Sài Gòn và được chính phủ VNCH cấp đất và phương tiện xây dựng căn biệt thự tại Làng Đại học Thủ Đức, nơi gia đình ông cư ngụ cho tới nay.
 
Là một trí thức, hành trình tư tưởng của Lý Chánh Trung đi từ cấp tiến tới thiên tả, rồi thiên Cộng. Hồi mới du học về nước, ông suy tư, ông băn khoăn về vận mạng dân tộc vừa thoát nạn thực dân Pháp lại đến chiến tranh với “Đế Quốc Mĩ xâm lược”. Ông muốn đất nước được giải phóng, được độc lập. Ông đi tìm giải pháp và ông tỏ ra hớn hở vì đã “khám phá” ra một giải pháp mà ông cho là thần hiệu, vạn năng, đó là hai chữ “Dân tộc”. Thế là ông ôm ngay lấy hai chữ thiêng liêng ấy. Ông diễn thuyết về “Dân tộc” (tại Văn Khoa, 1967) và viết sách Tìm Về Dân Tộc (Trình Bày, 1967).  

Vấn đề then chốt là Lý Chánh Trung không thấy, không quý cái nội dung căn bản của hai chữ “Dân tộc” đang được thể hiện, đang được bảo vệ ngay tại Miền Nam tự do. Miền Nam tự do dù đang phải chiến đấu chống Cộng sản nhưng vẫn hi sinh xương máu để bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, vẫn tôn trọng tự do của người dân, vẫn bảo vệ những quyền căn bản của người dân, và vẫn gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp mọi mặt trong công cuộc phát triển đất nước... Lý Chánh Trung là một trí thức ảo tưởng, không tỉnh táo để phân biệt trắng đen, cho nên đã đứng núi này trông núi kia cao. Ông quay lưng lại với chế độ tự do ưu đãi ông. Xin đan cử một chi tiết nhỏ là ở Miền Nam thời ấy, khó tìm đâu ra được một vị giáo sư chỉ có bằng Cử nhân mà được mời làm giảng sư Đại học như trường hợp Lý Chánh Trung. Tại Đại học Văn khoa, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt liên quan tới Việt học và Hán học, theo luật lệ trường ốc, nếu không có bằng Cao học trở lên thì vị giáo sư cần có công trình biên khảo hoặc nghiên cứu thuộc lãnh vực chuyên môn có giá trị và được một ban giám định của Bộ Giáo dục xét duyệt mới đủ điều kiện được phong cấp giảng sư hay giáo sư Đại học. Thế mà Lý Chánh Trung đã vào mật khu để tìm “Dân tộc”. Khổ nỗi, chỉ cần có kiến thức phổ thông cũng biết Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam là do Cộng sản Hà Nội dựng nên để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước, nó được điều khiển trực tiếp bởi Trung ương Cục Miền Nam (Cục R) là đại diện của Cộng sản Hà Nội. Vậy cho nên tìm “Dân tộc” mà tìm Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tức là chọn lựa chủ nghĩa Cộng sản phi dân tộc. 

Thật vậy, năm 1968, cũng giống như Lm. Nguyễn Ngọc Lan (lúc ấy ông Lan còn là linh mục, chưa cởi áo dòng về lấy vợ), Lý Chánh Trung đã vào mật khu Cộng sản, nhưng Cộng sản bảo hai ông trở về Sài Gòn để chống VNCH trong vai trò là linh mục (ông Lan), là giảng sư Đại học (Lý Chánh Trung) thì mới hữu hiệu. Sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968, Lm. Nguyễn Ngọc Lan chạy ra “bưng” gặp Trần Bạch Đằng. Chính Trần Bạch Đằng đã xác nhận việc này trong cuốn hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức (NXB Trẻ, 2006, trang 186). Còn việc Lý Chánh Trung vào mật khu gặp Huỳnh Tấn Phát được Gs. Nguyễn Văn Lục kể lại trong bài 20 Năm Giới Trẻ MNVN (Motgoctroi.com). Theo lệnh của Cộng sản, từ đó, Lý Chánh Trung và Nguyễn Ngọc Lan viết các bài chống chính quyền VNCH đều đặn trên các tờ báo thiên tả như Tin Sáng, Đối Diện, Điện Tín, Đại Dân Tộc. Hồi 1970, khi các sinh viên Việt Cộng bị bắt, trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm, và bị đưa ra xét xử, Lý Chánh Trung và Lm. Nguyễn Ngọc Lan là hai trí thức hăng hái nhất trong các cuộc biểu tình tuyệt thực chống chính phủ đòi thả các sinh viên Việt Cộng. 

Sau 30-4-1975, Lý Chánh Trung hân hoan chào đón thắng lợi của Cộng sản, ông ra mặt nịnh bợ trơ trẽn Cộng sản và được Cộng sản đưa vào quốc hội bù nhìn, kèm theo một vài chức “Phó vớ vẩn”. Xem ra, Cộng sản có khả năng tác động mạnh mẽ và toàn diện con người Lý Chánh Trung, khiến cho ông ta chẳng những tự nguyện làm “cách mạng” trong hành động, trong tư tưởng mà còn làm cuộc “cách mạng” trong niềm tin tôn giáo của ông ta nữa. 

Trong giới chữ nghĩa ở Miền Nam trước 1975, ai cũng biết, trước khi sang Bỉ học tại Đại học Công giáo Louvain vào năm 1950, Lý Chánh Trung đã theo đạo Công giáo. Mấy chục năm sau, khi Cộng sản thắng lợi thì “Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác”. Gs. Nguyễn Văn Lục viết: “Điều đáng trách nhất nơi ông- mà điều gì khác cũng có thể xí xoá được- là khi Cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công khai kể từ nay, ông bỏ đạo công giáo. Việc công khai hoá ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm…Có ai bắt ông phải làm một điều như vậy?” (Nguyễn Văn Lục. Trường hợp Lý Chánh Trung. www.danchimviet.info). 

Thế nhưng, sau một thời gian mê muội, thực tế xã hội dưới chế độ Cộng sản trở nên tồi tệ toàn diện đã làm cho Lý Chánh Trung sáng mắt ra. Ông bắt đầu có phản ứng. Năm 1988, ông viết bài đăng trên báo Tuối Trẻ chê môn Triết học Mác – Lênin là môn “chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn dậy”! Thế là ông bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu với dụng ý ám chỉ răn đe: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của chúng ta” (Đoàn Thanh Liêm. Nỗi Khó Xử Của Gs. Lý Chánh Trung. Nhanquyenchovn.blogspot.com). Vốn tính cẩn trọng và biết sợ Cộng sản, Lý Chánh Trung vội viết thư trần tình và thanh minh cho nên đã được Nguyễn Văn Linh viết thư hồi âm xí xoá, “thoa dịu”. Kết quả là Lý Chánh Trung không bị Cộng sản bắt bỏ tù hoặc ám hại như trường hợp Lm. Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan... Cộng sản tha cho Lý Chánh Trung nhưng chắc chắn kèm theo điều kiện là ông ta phải chấp nhận sống “ẩn tu” (cũng giống như là chết rồi mà chưa chôn vậy!).

Chung quanh chủ đề Mặt Trận Đại Học với các phong trào sinh viên tranh đấu do Thành Đoàn Cộng sản chỉ đạo, chúng tôi đã có một bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan, và hai bài Đối Diện Với Lm Chân Tín, là hai nhân vật đã tích cực bênh vực bọn sinh viên Việt Cộng thì chính ra cũng nên có bài Về Nhân Vật Lý Chánh Trung. Chúng tôi đang bắt đầu viết thì được đọc bài Trường hợp Lý Chánh Trung của Gs. Nguyễn Văn Lục (www.danchimviet.info). Nhận thấy ít ai có điều kiện thuận lợi hơn Gs. Nguyễn Văn Lục để viết về Lý Chánh Trung. Vì thế, thiết tưởng chúng tôi không cần phải viết thêm một bài nữa về nhân vật này. 

Thay vì viết bài, chúng tôi dành thì giờ đánh máy nguyên văn một bài viết của Lý Chánh Trung, nhan đề là Làm Và Tin đăng trong cuốn sách của Thành Đoàn Cộng sản có tên là Trui Rèn Trong Lửa Đỏ (NXB Trẻ, 2005). Đọc bài này, quý độc giả sẽ trực tiếp “nghe” chính Lý Chánh Trung bộc bạch tư tưởng tình cảm của ông ta, để thấy ông ta suy tôn “Cụ Hồ” cũng như Đảng Cộng sản lên tận mây xanh và gọi miền đất tự do đã ưu đãi ông ta là “kẻ địch” rồi đạp nó xuống đáy bùn đen; đồng thời để thấy cái tư tưởng vong thân, ảo tưởng, cái tư cách phản trắc, xu nịnh hết sức lố bịch của Lý Chánh Trung. 

Thật vậy, bài Làm Và Tin của Lý Chánh Trung và tấm hình chụp ông ta hí hửng được đứng cạnh Tố Hữu đính kèm sau đây là bằng chứng không thể chối cãi về quá trình lột xác theo đuôi Cộng sản của Lý Chánh Trung. Còn cái hậu quả bi thảm cuối cuộc đời của bản thân Lý Chánh Trung và của gia đình ông ta ra sao thì xin mời quý độc giả tìm đọc bài Trường hợp Lý Chánh Trung của GS. Nguyễn Văn Lục mà chúng tôi đã nhắc tới trên đây.


Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn đình Thi

 BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209