Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Phụ bản 3


 

PHỤ BẢN 3 - SINH HOẠT CHÍNH TRỊ CỦA TỔNG HỘI SINH VIÊN ĐÔNG DƯƠNG THỜI ĐẦU NHỮNG NĂM 1940 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

I. VÀI HÀNG VỀ ĐẠI HỌC ĐÔNG DƯƠNG HÀ NỘI (Université Indochinoise) 

Đại học Đông Dương Hà Nội là trường Đại học theo tân học đầu tiên ở nước ta, được thành lập bởi Nghị định số 1514a của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau, kí ngày 16-5-1906. Đại học Đông Dương là một tập hợp của 5 trường cao đẳng. Một số trường đã thành lập trước đó, một số vừa mới mở. Đó là các trường: Trường Cao đẳng Luật và Hành chính, Trường Cao đẳng Khoa học (Toán, Vật lí, Hoá học và Sinh vật), Trường Cao đẳng Y khoa, Trường Cao đẳng Xây dựng và Trường Cao đẳng Văn chương (Ngôn ngữ và Văn học cổ Đông phương, Lịch sử và Địa lí các nước Viễn Đông, Pháp, Lịch sử Triết học và Nghệ thuật). 

Cơ sở trường Đại học khánh thành ngày 10-11-1907. Lễ khai giảng được tổ chức vào cuối tháng 11-1907. Tổng số sinh viên là 193, hầu hết là người Việt, 94 sinh viên mới, 62 sinh viên dự thính và 37 sinh viên năm thứ nhất của Trường Cao đẳng Y khoa. Đa số các giáo sư là công chức hoặc là viên chức của các cơ quan nghiên cứu khác, cho nên các lớp không dạy trong giờ hành chánh mà dạy vào các buổi tối, từ 17 đến 22 giờ.

Năm học đầu tiên kết thúc ngày 15-6-1908; rồi tự nhiên thấy đóng cửa, không có một lời giải thích từ phía nhà trường lẫn chính quyền thuộc địa. 

Dư luận cho rằng trường phải đóng cửa vì một số lí do khách quan như thiếu ngân sách và hầu hết các sinh viên thời đó chưa được chuẩn bị kiến thức và tiếng Pháp đầy đủ ở bậc Trung học, cho nên rất khó theo học ở bậc Đại học. Một số sinh viên mới tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học cũng được nhập học. Vì lẽ đó, cuối năm học đầu tiên, chỉ có 41 trên tổng số 193 sinh viên đạt đủ điểm để lên lớp. 

Về sau, người ta tìm ra các lí do chính yếu khiến Trường Đại học Đông Dương bị đóng cửa. Đó là vì phe thực dân bảo thủ bên Pháp chống đối chính sách cải cách giáo dục nói chung, Trường Đại học Đông Dương nói riêng, của Toàn quyền Paul Beau. Họ cho đó là “một sai lầm tày trời”. Một lí do khác cũng khá quan trọng, đó là Trường Đại học Đông Dương xuất hiện vào đúng thời điểm những phong trào yêu nước mới của người Việt Nam phát triển mạnh mẽ, như Phong trào Đông Du, Phong trào Đông Kinh nghĩa thục và Phong trào Duy Tân; rồi Phong trào Nông dân Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung đòi “xin xâu, hoãn thuế” từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1908. Thế là, khi phe thực dân bảo thủ thắng thế ở bên Pháp, Toàn quyền Paul Beau bị bãi chức ngày 25-6-1908. Toàn quyền mới là Klobukowski đã âm thầm bóp chết Đại học Đông Dương vừa chào đời và thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước kiểu mới của người Việt Nam. 

Sau Thế Chiến lần thứ nhất, cựu Toàn quyền Albert Sarraut lại được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương lần thứ hai (A. Sarraut làm Toàn quyền lần thứ nhất 1911-1914). Tiếp nối cuộc cải cách giáo dục của Toàn quyền Paul Beau, ông quyết định tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai ở Đông Dương. Ngày 21-12-1917, Toàn quyền Albert Sarraut ký nghị định ban hành Học chính tổng quy (Règlement général de l’Instruction publique); theo đó, nền giáo dục ở Việt Nam được chia làm 3 cấp, đồng thời tái xác định cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của Đại học Đông Dương. 

Như thế, sau 9 năm, trường Đại học duy nhất ở Đông Dương lại được hồi sinh và mở cửa liên tục cho tới năm 1945. 

Với thời gian, Trường Đại học Đông Dương phát triển thêm các khoa, thêm giáo sư và sinh viên; nhất là từ năm 1925, khi nhiều học sinh đậu Tú tài có đủ điều kiện để lên Đại học. 

Tuy nhiên, vào thời kì suy thoái kinh tế toàn thế giới 1929-1933, Trường Đại học Đông Dương Hà Nội cũng bị ảnh hưởng, phải tạm thời đóng cửa một số khoa, chỉ còn lại Y, Luật và Hành chính. 

Niên khoá 1943-44: Tổng số sinh viên Đại học Đông Dương Hà Nội là 1222. 

Sau biến cố tháng 8-1945, Trường Đại học Đông Dương Hà Nội đổi tên thành Đại học Quốc gia Việt Nam. 

Khi người Pháp trở lại, họ lại đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội, Viện trưởng là một giáo sư người Pháp; đồng thời, theo yêu cầu của người miền Nam, Viện mở ra chi nhánh ở Sài Gòn do viên Phó Viện trưởng người Việt phụ trách. 

Sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, phần lớn Viện Đại học Hà Nội di vào Sài Gòn lấy tên là Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Đến năm 1957, đổi thành Viện Đại học Sài Gòn. Sau biến cố 30-4-1975, Viện đổi thành Trường Đại học Tổng hợp Thành phố HCM vào năm 1977. 

Ở miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập vào năm 1956, đến năm 1993, đổi thành Đại học Quốc gia Hà Nội.

II. ĐÔNG DƯƠNG HỌC XÁ VÀ TỔNG HỘI SINH VIÊN 

1. Đông Dương Học Xá 

Đông Dương Học Xá do Toàn quyền Decoux xây dựng vào năm 1941 dành cho sinh viên toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp, tức là 3 kì Bắc, Trung, Nam, Miên và Lào. Người Pháp nắm quyền quản trị học xá. Vì học xá nằm ở khu Phố Huế, sinh viên phải đi xe điện để vào trường tại trung tâm Thành Phố Hà Nội. 

Số sinh viên được nhận vào học xá có giới hạn cho nên sinh viên khắp nơi tranh nhau nộp đơn để được cứu xét. Những sinh viên chưa được nhận vào học xá, phải chung nhau thuê phòng trọ ngoài phố. 

Đến nay, Ls. Lâm Lễ Trinh còn nhớ tên một số sinh viên đã may mắn được nhận vào học xá đồng thời với ông như em ông là Lâm Trọng Thức (Y), Trần Công Dung (Dược), Xuân Diệu, Huy Cận (Canh nông)... Đang khi đó, một số sinh viên, cũng từ miền Nam ra, nhưng không được nhận vào học xá, phải thuê phòng ngoài phố, như Lưu Hữu Phước (Nha), Trần Văn Khê (PCB: Lí, Hoá, Sinh), Mai Văn Bộ (PCB), Nguyễn Thành Nguyên (Luật), Huỳnh Văn Tiểng (Luật)... Nhóm từ miền Trung ra Hà Nội học có những sinh viên xuất sắc, như Lê Bá Hoan, Lê Bá Toại, Nguyễn Văn Chiến, Ngô Thúc Lanh, Ngô Điền, Hoàng Đình Phu... Lớp sinh viên đàn anh đã ra học tại Hà Nội từ trước thì có Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Trần Vỹ, Phạm Biểu Tâm, Trần Trung Dung, Trần Chánh Thành, Nguyễn Hữu Châu... Sau năm 1954, nhiều người trong số những sinh viên Đại học Đông Dương Hà Nội này sẽ trở thành những nhân vật có tên tuổi. 

Học xá mở cửa được hơn 3 năm thì Nhật đảo chính Pháp vào ngày 09-3-1945. Theo cựu sinh viên Trần Đỗ Cung, tác giả Hồi Ức Hà Nội 1945, thì quá nửa đêm hôm ấy, sinh viên Bùi Diễm cùng con gái cụ Trần Trọng Kim là Anita Kim và sinh viên người Nhật tên là Yamaguchi đến học xá báo tin cuộc chính biến đã thành công và yêu cầu cô lập các sinh viên người Pháp. Sinh viên vơ lấy bất cứ cái gì làm vũ khí rồi bắt các sinh viên người Pháp và ban quản trị nhốt vào biệt thự của Bác sĩ Giám đốc Henri Rivoalen để chờ xe quân đội Nhật đến chở đi. Sáng hôm sau, viên Đại tá Nhật tên là Kudo tới yêu cầu các sinh viên bầu ra ban quản trị mới. Sinh viên Trần Đỗ Cung được các bạn bầu làm Quản đốc thay Bs. Rivoalen (Trần Đỗ Cung sau này là Trung tá Không quân VNCH), sinh viên Lê Văn Thuấn làm Tổng Thư kí thay Lafont (Lê Văn Thuấn sau này là bác sĩ trưởng ở Cần Thơ), và sinh viên Phạm Phú Khai làm quản lí (Phạm Phú Khai sau này là Đô trưởng Sài Gòn).

2. Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương 

Đồng thời với Đông Dương Học Xá, Tổng hội Sinh viên Đông Dương (Association générale des Étudiants Indochinois, viết tắt là A.G.E.I.) cũng được thành lập vào năm 1941. 

Tổng Hội trưởng là sinh viên Dương Đức Hiền. Sau này, sinh viên Hiền ngả theo Việt Minh và thoát li lên chiến khu Việt Bắc. Kế nhiệm là sinh viên Phan Thanh Hoà. Phan Thanh Hoà và em gái là sinh viên Phan Thị Bình là hậu duệ Đại thần Phan Thanh Giản. Trưởng ban âm nhạc là sinh viên Nguyễn Tôn Hoàn (Y Dược). Trưởng ban biên tập tuần san sinh viên “Le Monôme” là sinh viên Mai Văn Bộ... 

III. SINH HOẠT CỦA TỔNG HỘI SINH VIÊN ĐÔNG DƯƠNG 

1. Sơ lược tình hình chính trị 

Tổng hội Sinh viên Đông Dương ra đời trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển mạnh mẽ do cuộc Đệ nhị thế chiến đã bùng nổ bên Âu châu vào năm 1939, ban đầu là giữa Anh, Pháp và Đức Quốc Xã. Pháp phải đầu hàng Đức quá mau chóng vào ngày 22-6-1940. 

Tình hình bên Đông Á thì từ 1937, quân Nhật đã đánh vào Trung Hoa, chiếm đóng Mãn Châu và các tỉnh duyên hải nước Tầu. Khi Đại chiến 2 bùng nổ, Nhật tham gia khối Trục: Đức - Ý - Nhật. Năm 1940, Nhật đưa quân tiến xuống các nước Đông Nam Á, vốn là thuộc địa của Anh, Pháp, Hoà Lan, trong đó có Việt Nam. 

Sau khi Pháp kí thoả ước với Nhật ngày 08-10-1941, Nhật tiến hành chèn ép Pháp tại Việt Nam. 

Người Nhật cũng bắt đầu vận động chính trị với chiêu bài “Một nền thịnh vượng chung cho Đại Đông Á”. 

Ngày 07-12-1941, Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng của Hoa Kì. 

Đây là thời cơ cho các đảng phái ở Việt Nam bắt đầu lộ diện. 

Vào năm 1944, các đảng phái Quốc gia cùng mang tên Đại Việt đã liên kết với nhau thành Đại Việt Quốc Gia Liên Minh. Liên minh gồm có Đại Việt Quốc Xã (tức Đại Việt Quốc Gia Xã Hội Đảng do Nguyễn Xuân Tiếu và Trần Trọng Kim lập năm 1936), Đại Việt Duy Dân (Lý Đông A lập năm 1943), Đại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Tam lập năm 1940). Chủ trương của Liên Minh là bắt tay với Nhật để chống Pháp. Liên Minh này cũng bắt tay với Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng do Nhượng Tống lãnh đạo.

Thế nhưng, sau khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 09-3-1945, người Nhật không dùng Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, họ lại muốn duy trì chế độ quân chủ với vua Bảo Đại và mời cụ Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại ra chiếu bãi bỏ Hoà ước Patenôtre nhận quyền bảo hộ của Pháp mà nhà Nguyễn đã phải kí với Pháp năm 1884, tuyên bố Việt Nam độc lập. Ngày 17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời. Chính phủ Trần Trọng Kim được coi là chính phủ của những chuyên gia giỏi và đã thực hiện được một số cải cách, nhưng tầm hoạt động chỉ thu hẹp ở trung ương, chưa có khả năng tổ chức chính quyền tại các địa phương.

Đang khi đó, các đảng phái Quốc gia có vẻ lúng túng; hơn nữa, bên ngoài là liên kết với nhau nhưng bên trong lại không thực sự đoàn kết. 

Phía Việt Minh Cộng sản thì khác, họ hoạt động hết sức tích cực và có sách lược. Một đàng Việt Minh lập các chiến khu trên vùng Việc Bắc để làm hậu cứ vững chắc, một đàng họ ra sức tuyên truyền nhân vật Nguyễn Ái Quốc như một lãnh tụ huyền thoại.

Lúc này cục diện chiến sự cho thấy rõ Nhật sắp thua ở Đông Á châu. Ngày 06-8-1945, Mĩ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima và ngày 09-8-1945, thả quả thứ hai xuống Nagasaki. Thấy Nhật chắc chắn thua trận, ngày 09-8-1945, Liên Xô vội vàng tuyên chiến với Nhật và xua quân tấn công Nhật ở Mãn Châu. Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh ngày 15-8-1945. 

Chớp thời cơ quân Đồng Minh thắng trận chưa kịp vào Việt Nam, Việt Minh nhanh tay cướp lấy chính quyền. Ngày 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa Việt Nam (tổ chức trá hình của Việt Minh Cộng sản) ra lệnh tổng khởi nghĩa. Từ 13 tới 15-8-1945, Đảng Cộng sản cũng mở Đại hội Đảng ở Tân Trào, Tuyên Quang. Ngày 16 và 17-8-1945: Tổng bộ Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân cũng tại Tân Trào. Đại hội bầu Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, làm Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng. 

Từ khi có lệnh tổng khởi nghĩa, tại một số địa phương, lực lượng Việt Minh đã tự động nổi dậy cướp chính quyền. 

Riêng 3 thành phố lớn thì Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945, ở Huế ngày 23-8-1945, ở Sài Gòn ngày 25-8-1945. Ngày 25-8-1945, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cùng với Uỷ ban Dân tộc Giải phóng về Hà Nội. Đại Việt Quốc Gia Liên Minh tan rã và lần lượt bị Việt Minh truy nã, ám hại. 

Việt Minh cướp chính quyền thì chính phủ Trần Trọng Kim từ chức ngày 23-8-1945 sau gần 5 tháng thành lập. Tình hình chính trị rất căng thẳng ở Hà Nội. Việt Minh tổ chức nhiều cuộc mít tinh ra kiến nghị đòi vua Bảo Đại thoái vị. 

Trước tình hình mới, vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị ngày 25-8-1945. Một tuần sau, ngày 02- 9-1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. 

Đầu tháng 9, hai trăm ngàn quân Tầu (quân của Tưởng Giới Thạch) kéo sang Bắc Việt để giải giới quân Nhật. Các sinh viên rất thất vọng khi chứng kiến lãnh tụ Nguyễn Hải Thần của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh (Việt Cách), Vũ Hồng Khanh của Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) theo quân Tầu trở về nước. 

Đang khi đó, tại miền Nam, Tướng Leclerc đem quân Pháp vào theo chân quân Anh.

Trong khoảng thời gian này, ở Hà Nội, Việt Cách, Việt Quốc, cùng với các đảng Đại Việt, Duy Dân công khai chống phá Việt Minh. 

Trước áp lực bên ngoài của quân Anh, Pháp, Tầu và bên trong là của các đảng phái không Cộng sản, Hồ Chí Minh đã giở nhiều chiêu xảo quyệt. Trước hết, Hồ Chí Minh giở chiêu hoán chuyển vị trí. Ông yêu cầu Bảo Đại ra nắm chính quyền, còn ông ta sẽ làm cố vấn. Ban đầu Bảo Đại từ chối, nhưng vì Hồ Chí Minh năn nỉ, Bảo Đại chấp nhận và yêu cầu Hồ Chí Minh đưa ra danh sách các nhân vật có thể tham gia chính phủ. Hồ Chí Minh hứa sẽ chuyển danh sách sang ngay, nhưng thực tế Hồ Chí Minh chỉ hứa suông vì ông ta đang giở chiêu thứ hai (Theo Nguyễn Khắc Ngữ. Lịch sử Các Đảng phái Việt Nam. Tủ sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1989. Trang 44). 

Tiếp theo là việc thành lập một chính phủ liên hiệp hầu hoá giải sức chống phá của các đảng phái đối lập. Hồ Chí Minh phát động Tuần Lễ Vàng để có vàng mà lo lót với viên tướng Tầu là Lư Hán. Lư Hán bị mua chuộc cho nên đã ép các đảng phái Quốc Gia phải ngồi chung với Việt Minh trong một chính phủ liên hiệp (24-02-1946), gồm có Việt Minh, Việt Cách (Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, Bồ Xuân Luật nắm Bộ Canh nông, Trương Đình Chi nắm Bộ Xã hội và Y tế), Việt Quốc (với Nguyễn Tường Tam nắm Bộ Ngoại giao và Nguyễn Tường Long nắm Bộ Kinh tế. Nguyễn Tường Tam sáng lập Đảng Đại Việt Dân Chính. Năm 1941, quân Nhật vào Việt Nam, họ lùng bắt ông và các đồng chí. Ông chạy sang Quảng Tây nhưng bị chính quyền bên đó bắt vì nghi ông làm gián điệp cho Nhật. Sau được Việt Nam Quốc Dân Đảng bảo lãnh ra, ông đem Đại Việt Dân Chính sáp nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng). 

Ngày 26-02-1946, Tầu kí hiệp ước với Pháp, công nhận quân Pháp vào thế cho quân Tầu chiếm đóng ở Đông Dương với tư cách quân Đồng Minh. Vì thế, ngày 06-3-1946, chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh lãnh đạo cũng buộc phải kí hiệp định sơ bộ đồng ý cho Pháp kéo quân từ miền Nam ra qua vĩ tuyến 16 để giải giới quân Nhật thay cho quân Tầu. Quân Tầu lục tục triệt thoái. Các đảng Việt Quốc, Việt Cách... mất chỗ dựa và lần lượt bị Việt Minh thanh toán và tàn sát dã man, một số lãnh tụ các đảng phái chạy thoát sang Tầu. Các đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đại Việt Duy Dân cũng bị Việt Minh tiêu diệt. 

Trong năm 1946, nhiều cuộc đàm phán Pháp - Việt Minh diễn ra, nhưng không đạt được kết quả. Sự hoà hoãn hai bên không kéo dài được lâu. Ngày 18-12-1946, Pháp đưa tối hậu thư đòi nắm toàn quyền tại Hà Nội. Ngày 19-12-1946, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chiến tranh bùng nổ. 

2. Sinh hoạt văn hoá, chính trị từ 1941 tới 1942 

Nói chung, trong mấy năm đầu, các sinh viên thuộc Tổng hội Sinh viên Đông Dương vẫn còn sống thân thiện với nhau, vẫn chịu khó học hành và đặc biệt hơn cả là, mặc dù chịu ảnh hưởng nền văn hoá giáo dục Pháp, nhưng nhiều sinh viên thời 1940 có tinh thần yêu nước rất cao. Họ luôn ưu tư cho tiền đồ dân tộc, và mong sao đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập và dân Việt được sống tự do, hạnh phúc như bao dân tộc khác trên thế giới. 

Khi nghe tin tức chiến sự bất lợi về phía Pháp và tin Pháp phải đầu hàng Đức quá mau chóng vào ngày 22-6-1940, tinh thần tập thể sinh viên Đại học Đông Dương giao động mạnh. Sinh viên tin rằng chế độ thực dân Pháp đang tới hồi cáo chung. Họ không còn sợ sệt khi bàn tán chuyện chính trị như trước. Sau khi Pháp kí thoả ước với Nhật ngày 08-10-1941, Nhật bắt đầu chèn ép Pháp tại Việt Nam. Qua bao năm bị thực dân Pháp áp chế, đến nay sinh viên cũng như đồng bào Việt Nam cảm thấy hả dạ được chứng kiến nhãn tiền sự lép vế nhục nhã của người Pháp trước thế lực mạnh mẽ và kỉ luật của quân đội Nhật Bản. Ngày 07-12-1941, Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng của Hoa Kì, càng làm cho tập thể sinh viên Việt Nam cảm thấy phấn chấn và thúc đẩy họ đem nhiệt tình ái quốc thể hiện qua những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ đặc sắc có tính lịch sử, biến tập thể sinh viên Hà Nội thành trung tâm tinh thần ái quốc của cả nước.

Tình hình thế giới biến chuyển biến dữ dội tác động mạnh tới tình hình Việt Nam. Sinh viên nhận ra Việt Nam đang ở khúc quanh của lịch sử. Họ chuyền tai nhau những tin đồn về các tổ chức bí mật đang chuẩn bị xuất hiện để tranh đấu đánh đuổi thực dân Pháp. Mặc dù biết mật thám Pháp đang theo dõi, nhiều sinh viên vẫn gần như công khai chọn lựa cho mình một đảng phái, Việt Minh, Đại Việt hoặc Việt Nam Quốc Dân Đảng... Tuy nhiên vào thời điểm 1941– 42, nếu có ai ngả theo đảng phái nào thì vẫn còn thân thiện với nhau vì có cùng mẫu số chung là tình yêu nước, chưa trở nên thù địch như mấy năm sau này.

Tuần san của Tổng hội Sinh viên: Le Monôme 

Tờ tuần san chính thức của Tổng hội Sinh viên Đông Đương là tờ Le Monôme, còn có tên là Tự Trị, do sinh viên Mai Văn Bộ làm trưởng ban biên tập, với sự cộng tác của các sinh viên Nguyễn Sỹ Quốc, Phạm Văn Hải, Lê Khánh Cận, Nguyễn Xuân Sanh, với tranh biếm hoạ của Phạm Văn Hải... Tờ tuần san thường viết những bài đề cao lòng yêu nước bằng tiếng Pháp. 

Việc phổ biến tờ tuần san trong điều kiện thời ấy là một vấn đề. Theo cựu sinh viên Trần Đỗ Cung, các sinh viên Trần Đỗ Cung, Nguyễn Kèn (tức Thế Lâm, một tướng của Cộng sản), Lê Văn Giạng (sau là bí thư của Hồ Chí Minh) đã từng phải đạp xe chở báo đi phổ biến từ Phủ Lý xuống tới Thanh Hoá, Nghệ An... Đến năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp thì người Nhật (Đại tá Kudo) lấy lại quyền quản trị học xá và trục xuất tờ tuần san của sinh viên. May có một nhà hảo tâm cho các sinh viên mượn biệt thự đối diện Hồ Thiền Quang để làm trụ sở. Nhà bếp của học xá vẫn bí mật cung cấp thực phẩm cho các sinh viên làm báo. Đáp ứng tình hình mới, tờ tuần san đổi chủ đề từ tự trị sang độc lập, nội dung bài vở gay gắt hơn, cho nên đổi tên báo là Gió Mới. Chưa bao lâu thì có tin Nhật ruồng bắt, sinh viên phải đạp xe di chuyển vào làng Quỳnh Lôi. Ở đó, các sinh viên làm báo được phu nhân Gs. Hoàng Xuân Hãn cho tá túc ở chuồng heo đã bỏ phế, nằm trong vườn sau nhà, để làm “trụ sở” tạm thời. Tuy đã phải di tản, vậy mà vẫn có một cô bé bò qua cỏ tranh cung cấp thực phẩm cho các sinh viên làm báo. 

Sinh hoạt ca, kịch 

Từ đầu thập niên 1940, sinh viên Đại học Đông Dương Hà Nội đã có sáng kiến thể hiện nhiệt tình ái quốc bằng các hình thức sinh hoạt văn hoá, xã hội, kịch nghệ và gây được tác động tâm lí rất lớn. Đặc biệt là sinh viên đã sáng tác những bài hát yêu nước với nhạc điệu hùng tráng, ca từ dạt dào niềm tự hào về các tiền nhân anh hùng. Loại hình sinh hoạt này rất mới, là công trình sáng tạo có tính cách lịch sử của những sinh viên vừa có tài vừa đầy nhiệt tình yêu nước, cho nên đã có sức lôi cuốn, hấp dẫn và mau chóng phổ biến khắp nơi, làm thức tỉnh lòng ái quốc trong tâm khảm người dân Việt.

Khởi đầu, vào những ngày cuối tuần hay ngày lễ nghỉ, một nhóm khoảng 15, 16 nam nữ sinh viên rủ nhau đi thăm viếng những di tích lịch sử như Đền Hùng, Cổ Loa, Đền Hai Bà Trưng, đền thờ các vua nhà Lí ở Bắc Ninh, sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Chi Lăng, di tích Lam Sơn, lăng Nguyễn Kim, chùa Bách Môn, chùa Hương, lò gốm Bát Tràng..., rồi tổ chức cắm trại và tập cho nhau hát những bài ca yêu nước. 

Sinh hoạt tích cực và đều đặn nhất là các sinh viên Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Tú Vinh, Nguyễn Văn Thiêm, Hồ Văn Huê, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê, Phan Thanh Hoà, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ... Nhóm sinh viên này là những người đầu tiên hát và phổ biến những bài hát yêu nước lừng danh do Lưu Hữu Phước sáng tác như: Người Xưa Đâu Tá, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Sinh Viên Hành Khúc, Hội Nghị Diên Hồng, Hát Giang Trường Hận (Hồn Tử Sĩ), Xếp Bút Nghiên... Theo Ls. Lâm Lễ Trinh trong bài Ký Ức Về Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê và Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương, thì nhân một cuộc picnic ở chùa Trầm, Hà Đông, nhóm khám phá ra 2 giọng hát xuất sắc của Phan Thị Bình và Nguyễn Thị Thiều. Cả hai là sinh viên nội trú Trường Nữ Hộ Sinh (École des Sage-femmes). Trưởng Ban Âm nhạc Nguyễn Tôn Hoàn đã mời hai sinh viên Thiều và Bình gia nhập Đoàn Văn nghệ Sinh viên. Sau đó ít lâu, chính hai nữ sinh viên miền Nam này đã hát bài Sinh Viên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước trước công chúng ngay giữa khuôn viên Trường Đại học Đông Dương và trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. 

Tổng hội Sinh viên là tổ chức công khai, cho nên đã có thể tổ chức các buổi diễn thuyết tại các rạp hát ở Hà Nội về các đề tài lịch sử, ái quốc, văn chương…nhằm cổ vũ học sinh, thanh niên về nguồn, phụng sự xã hội, yêu nước, chống thực dân Pháp; những buổi hoà tấu dương cầm, vĩ cầm với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Trọng Thường; các cuộc triển lãm hội hoạ với hoạ sĩ Diệp Minh Châu, Nguyễn Văn Sáng... thu hút rất đông khách thưởng ngoạn, nhất là giới trẻ. 

Nhằm gây quỹ cứu trợ bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện thuộc Trường Y, Dược, Tổng hội Sinh viên tổ chức một trình diễn ca nhạc vào ngày Chủ nhật 15-3-1942 tại Grand Amphithéâtre trong khu Đại học, do Giám đốc Nha Học chánh Đông Dương chủ toạ. Buổi trình diễn văn nghệ thành công tốt đẹp. Mùa hè năm đó, Tổng hội Sinh viên lại tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên tại Nhà hát lớn Hà Nội, có Toàn quyền Đông Dương Decoux và các viên chức Pháp tới dự. Khai mạc buổi lễ, ban nhạc Hải quân Pháp cử bài quốc ca Pháp La Marseillaise; tiếp theo ngay là bài Sinh Viên Hành Khúc (La Marche des Étudiants) của Lưu Hữu Phước, nhạc điệu hùng hồn thôi thúc, quan khách Việt Pháp vẫn đứng nghiêm chỉnh như đang làm lễ chào quốc kì. Sau Hà Nội, những buổi trình diễn tương tự cũng được tổ chức ở Nhà hát lớn Sài Gòn (sau này là toà nhà Quốc hội VNCH) đã thu hút đông đảo quần chúng, thúc giục lòng yêu nước trong lòng mọi người. 

Tráng Đoàn Lam Sơn 

Ngoài các sinh hoạt văn hoá, nhiều sinh viên thuộc Tổng hội Sinh viên Đông Dương còn tham gia vào sinh hoạt Hướng Đạo của Tráng Đoàn Lam Sơn do Tráng Trưởng Hoàng Đạo Thuý phụ trách. Vì Hoàng Đạo Thuý ngả theo Việt Minh cho nên đã lôi kéo được một số sinh viên theo Việt Minh. Lúc đó, Hướng Đạo cũng thường tổ chức đi cắm trại và tham gia các công tác xã hội. 

3. Sinh hoạt văn hoá, chính trị từ 1943 tới 1944 

Tập thể sinh viên phân ra hai khuynh hướng chính trị đối nghịch 
Càng tới hồi kết thúc Đại chiến thế giới 2, cục diện chính trường Việt Nam càng biến chuyển dữ dội. Các thế lực cũng như các đảng phái chính trị tích cực hoạt động hầu nắm bắt lấy thời cơ. 

Người Cộng sản cũng hoạt động mạnh và len lỏi vào các tổ chức khác. 

Các đảng phái chính trị đã xuất hiện thì các hoạt động yêu nước của sinh viên cũng thoát ra khỏi những cái vỏ an toàn trá hình như hội thể thao, hội du ngoạn di tích cổ, hội ái hữu…

Trước đây, sinh viên đã lập ra Đảng Tân Dân Chủ (Dương Đức Hiền, Thanh Nghị) thu hút đông đảo sinh viên. Lúc ấy, tập thể sinh viên còn thân thiện với nhau, chưa chia rẽ, chưa thù hằn nhau, mặc dù có khác nhau về chính kiến. Nhưng vì giới sinh viên là thành phần ưu tú cho nên các thế lực chính trị tìm cách lôi kéo, kết nạp họ vào tổ chức của mình. Theo cựu sinh viên Bùi Diễm, tác giả cuốn Gọng Kìm Lịch Sử, thì sau một một thời gian, nhiều sinh viên đã chọn lấy một hướng đi riêng, người theo Việt Minh, người theo Đại Việt, người theo Việt Nam Quốc Dân Đảng... Đâu đâu cũng bàn tán chuyện chính trị. Thực ra trong khoảng thời gian này, các sinh viên chưa đủ kinh nghiệm cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về các đảng phái. Đảng nào cũng nói là tranh đấu giành độc lập cho nước nhà. Đối với sinh viên, như thế là đủ, vì tất cả đều sôi sục lòng yêu nước. Rất nhiều trường hợp, chỉ vì bạn bè rủ rê mà gia nhập đảng này hay đảng kia, thậm chí không chắc có sinh viên nào biết rõ Cộng sản đã nắm trọn quyền kiểm soát tổ chức Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội). 

Sự thể là, càng về sau, tập thể sinh viên càng quy về hai phía đối nghịch nhau. Đảng Tân Dân Chủ của sinh viên chia ra 2 phe: phe Quốc gia và phe Cộng sản, tức Việt Minh. 

Những sinh viên ngả theo Việt Minh như: Dương Đức Hiền (Tổng trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ liên hiệp đầu tiên), Đinh Gia Trinh, Phan Mỹ, Đỗ Xuân Soạn, Trần Bửu Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Phạm Thành Vinh, Nguyễn Việt Nam, Trần Văn Khê (Y), Nguyễn Tấn Gi Trọng (Y), Trương Cao Phước (Y), Huỳnh Bá Nhung (Y), Nguyễn Kèn (Thuỷ Lâm, sau là Tướng Thế Lâm), Lê Văn Giạng, Diệp Minh Châu (Cao Đẳng Mĩ Thuật), Lê Thiệu Huy (Toán), Phạm Thành Chính (Luật, tức Trung tướng Phạm Hồng Sơn lừng danh trong trận đánh đoàn quân Lepage-Charton và mặt trận Nam Lào), Lê Đình Luận (trưởng nam Bs. Lê Đình Thám, tử trận ở Nam Trung Bộ), Nguyễn Thế Lương (Khoa học, tức Tướng Cao Pha, chỉ huy Quân báo)...

Các sinh viên hoạt động chính trị, nhưng không theo Việt Minh, như: Cao Xuân Vỹ, Nguyễn Tôn Hoàn (Bộ trưởng, Phó Thủ tướng VNCH) và vợ là Phan Thị Bình (Phụ khoa), Hà Thúc Ký (Bộ trưởng), Nguyễn Tường Bách, Võ Sum (Hải quân Đại tá VNCH), Từ Bộ Cam (Đại tá Không quân VNCH), Trần Đỗ Cung (Trung tá Không quân VNCH), Nguyễn Trung Trinh, Bùi Diễm (Bộ trưởng, Đại sứ), Nguyễn Tấn Hồng, Phạm Xuân Chiểu (Y khoa, Trung tướng VNCH), Nguyễn Sỹ Quốc, Phạm Văn Hải, Lê Khánh Cận, Nguyễn Xuân Sanh... 

Hoạt động chính trị của nhóm sinh viên miền Nam 

Nhóm sinh viên từ miền Nam ra học Đại học Đông Dương Hà Nội hoạt động rất tích cực trong giai đoạn đất nước chuyển mình 1941-1945. 

Mùa Hè 1942, đã có một số sinh viên trở về Sài Gòn và liên kết với các học sinh để tổ chức các buổi diễn thuyết về chủ đề “Cách mạng quốc gia”, hô hào “Trở về với chân giá trị của dân tộc”. Họ còn tổ chức diễn các vở kịch phê phán xã hội ở Nhà hát thành phố. 

Cuối năm 1942, Tổng hội Sinh viên Đông Dương cử vào Nam một nhóm khoảng 100 sinh viên để tham dự Hội chợ Sài Gòn. Nhóm sinh viên này liên kết với các học sinh Sài Gòn để tổ chức các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ mang nội dung ái quốc. Sau buổi trình diễn văn nghệ tại Nhà hát Thành phố, bài đồng ca Tiếng Gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước cất lên, gây hào khí sôi nổi “chưa từng thấy”. Diễn giả sinh viên Nguyễn Ngọc Minh được hoan hô về đề tài “Trận Bạch Đằng”, “Hưng Đạo Vương Đại Phá Quân Nguyên”; cuộc triển lãm về “Nguồn gốc dân tộc Việt” của sinh viên Vương Quang Lễ cũng thu hút được rất đông khách thưởng lãm. 

Mùa Hè năm 1943, sinh viên lại về Sài Gòn để tổ chức diễn kịch, diễn thuyết. Sinh viên Đặng Ngọc Tốt diễn thuyết đề tài “Con đường mới của thanh niên”, còn Huỳnh Văn Tiểng là tác giả của 3 vở kịch lịch sử “Đêm Lam Sơn”, “Nợ Mê Linh” “Hội Nghị Diên Hồng” được dân Sài Gòn hoan nghênh nhiệt liệt. 

Theo chủ trương của Tổng hội Sinh viên Đông Dương, các trại hè được tổ chức ở Bắc, Trung, Nam: Trại Khương Hạ, Tương Mai ở miền Bắc; trại Bằng Trì ở vùng Lam Sơn, Thanh Hoá. 

Ở miền Nam, trại tổ chức vào năm 1943 tại suối Lồ Ồ, Thủ Đức, thu hút được 200 sinh viên, học sinh. Trại Thanh Niên suối Lồ Ồ do sinh viên tổ chức cho nên đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận và báo chí, nhưng vẫn chưa có thể tạo nên được một cao trào thanh niên có sức mạnh chính trị. 

Mùa đông năm 1944, bắt đầu có phong trào thoát li đi kháng chiến, Huỳnh Mai Lưu (tức Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) sáng tác bài Xếp Bút Nghiên, hô hào sinh viên bỏ học đi kháng chiến; sau đó là các bài Mau Về NamGieo Ánh Sáng. 

Đến cuối năm 1944 đầu 1945 xẩy ra nạn đói chết hàng triệu người ở miền Bắc. Trường Đại học đóng cửa ba tháng. Tổng hội Sinh viên Đông Dương tích cực tham gia phong trào cứu đói. Mỗi buổi sáng, các sinh viên là tráng sinh Hướng đạo mặc đồng phục Hướng đạo, cứ hai người một, đẩy một xe đi lượm xác chết những người chết đói và phụ giúp việc chôn cất. 

Một số sinh viên gốc miền Nam, phần vì nghe lời kêu gọi “Xếp Bút Nghiên” đi kháng chiến, phần vì gặp thời buổi đói kém, không còn nhận được tiếp tế từ gia đình, cho nên đả rủ nhau trở về Nam bằng xe đạp vì đường xe lửa bị phi cơ Đồng minh oanh tạc đứt quãng nhiều khúc. 

Về tới miền Nam, một số sinh viên đi theo kháng chiến chống Pháp, như Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Tú Vinh, Lê Văn Tài... Các sinh viên Đặng Ngọc Tốt, Huỳnh Bá Nhung, Ngô Tấn Nhơn lập ra chi nhánh Tân Dân Chủ Miền Nam, thâu nhận thêm Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Mã Thị Chu, Nguyễn Thị Bình. 

Sau này, Nguyễn Lưu Viên thoát về thành qua ngả Khu An Toàn Phát Diệm, Ninh Bình (Bacaytruc.com ngày 18-02-2013). Ban biên tập tờ Thanh Niên của nhóm này gồm có Mai Văn Bộ, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Hải Trừng. 

Sinh viên Đặng Ngọc Tốt thành lập ban tuyên truyền đi từ Sài Gòn về các tỉnh để kể chuyện lịch sử và hát nhạc Lưu Hữu Phước để khích động lòng ái quốc. Sinh viên Trần Văn Khê đứng đầu nhóm kịch, gồm có Huỳnh Văn Tiểng, Hồ Thông Minh, Phan Văn Chức và một số diễn viên trẻ. Họ đã dàn dựng một chương trình ca nhạc kịch, trình diễn tại Nhà hát lớn Sài Gòn và ở quán nhảy Aristo. Ban kịch cũng đi lưu diễn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ trong vòng 5, 6 tháng và đã thâu được một số tiền để mua gạo gửi ra miền Bắc cứu đói. 

4. Sinh hoạt văn hoá, chính trị của sinh viên từ 1945 tới 1946 

Tháng 3-1945, thực dân Pháp bị quân Nhật đảo chính. Không còn sợ mật thám Pháp rình rập, Tổng hội Sinh viên Đông Dương quyết định tổ chức nhiều hình thức hoạt động công khai. 

Trước hết, các sinh viên hăng hái tham gia vào Phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá nhằm xoá nạn mù chữ. Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời năm 1938, do cụ Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Tuy đã cho phép hoạt động nhưng chính quyền thực dân Pháp vẫn theo dõi sinh hoạt của hội rất sát. Vì thế, vừa khi thực dân Pháp bị quân Nhật đảo chính, Hội Truyền bá Quốc ngữ phát triển mạnh thành Phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá. 

Sang đầu tháng Tư, sinh viên mở chợ phiên sinh viên tại khuôn viên Toà đốc lí Hà Nội.

Lễ Hai Bà Trưng năm đó mở đầu rầm rộ với đoàn phụ nữ Hà thành đi diễn hành trên các phố, rồi kéo về Nhà hát lớn Hà Nội để khai mạc đại hội, có diễn văn và ca vũ nhạc kịch. 

Vài ngày sau, lại tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương rất long trọng. Các sinh viên Kiến trúc phụ trách dựng lễ đài lớn trong khuôn viên Đại học xá; ban tài chánh đi quyên tiền; ban tiếp tân kêu gọi đồng bào tới dự lễ cho thật đông. Theo tác giả Bùi Diễm trong cuốn Gọng Kìm Lịch Sử thì “hầu như tất cả dân chúng thành phố Hà Nội đến dự lễ”. Để tỏ lòng kính nhớ tổ tiên, mỗi gia đình đem tới một chiếc bánh chưng đặt dưới chân lễ đài. Dân chúng tới đông đến nỗi số bánh chưng dâng cúng “được chất lên cao như núi”. Nhiều đại diện các giới lên phát biểu về ý nghĩa và tinh thần dân tộc bất khuất. Sau mỗi bài phát biểu, dân chúng cùng hô “Việt Nam Muôn Năm” và đồng ca bài Hùng Vương của Thẩm Oánh: 

Bốn nghìn năm văn hiến 
Nước Nam khang cường 
Là nhờ công đức người xưa 
Nay cháu con Tiên Rồng 
Sắt son một lòng 
Cất cao lời thề 
Nguyện khói hương say

Ý thức được nỗi tủi nhục của một dân tộc bị ngoại bang thống trị quá lâu dài, đến hôm nay người dân Việt mới được tự do tung hô tổ quốc Việt Nam, cho nên già trẻ lớn bé đều nghẹn ngào, nhiều người không cầm được nước mắt. Hôm nay mới thật sự là ngày của người Việt Nam. Sau buổi lễ, mọi người đổ xô ra đường tuần hành trên các đường phố, giơ cao khẩu hiệu “Việt Nam Độc Lập, Việt Nam Độc Lập”. 

Ra về, ai cũng cảm thấy hả hê, sung sướng vì vừa được cảm nghiệm những giờ phút linh thiêng của hồn thiêng sông núi. 

Mấy tháng kế tiếp, Việt Minh đánh giá cục diện chiến tranh ở thế giới đang đến hồi kết thúc cho nên họ ráo riết chuẩn bị lực lượng vũ trang và đẩy mạnh chiến tranh tuyên truyền, kết hợp với những vụ thanh toán sắt máu những phần tử đối kháng để chuẩn bị khi thời cớ tới, sẽ nổi dậy cướp chính quyền. 

Như đã tường thuật trên đây, vào gần giữa tháng 8-1945, Hoa Kì thả 2 quả bom nguyên tử xuống đất Nhật và Liên Xô vội vàng tuyên chiến với Nhật thì Việt Minh cũng ra lệnh tổng khởi nghĩa. Rồi ngày 19-8-1945, họ cướp chính quyền tại Hà Nội và sau đó là Huế và Sài Gòn. Nhiều địa phương cũng đã tự động cướp chính quyền. 

Riêng tại Sài Gòn vào thời điểm đó, tổ chức Thanh niên Tiền phong nổi bật lên là một tổ chức có sức mạnh thật sự, quy tụ được hàng vạn thanh niên. Thanh niên Tiền phong do Bs. Phạm Ngọc Thạch cùng một số đồng chí khởi xướng. Tham gia Hội đồng Quản trị tổ chức này còn có các Gs. Lê Văn Huân, Ks. Kha Vạng Cân, Bs. Nguyễn Văn Thủ, Ls. Thái Văn Lung, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng... Các sinh viên Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm cũng hoạt động tích cực trong tổ chức này. Thanh niên Tiền phong là lực lượng xung kích lớn đã tích cực giúp Việt Minh cướp chính quyền tại Sài Gòn vào ngày 25-8-1945. Sau biến cố cướp chính quyền, tổ chức Thanh niên Tiền phong dần dần tan rã. 

Ngày 02-9-1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Trong thành phần chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh lãnh đạo, có Dương Đức Hiền, cựu Tổng hội trưởng Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Hồ Chí Minh xuất hiện thì vua Bảo Đại không thể tại vị. Việt Minh dùng nhiều thủ đoạn áp lực nhà vua thoái vị. Do ảnh hưởng của phe sinh viên theo Việt Minh như Dương Đức Hiền, Phan Mỹ..., Tổng hội Sinh viên cũng gửi điện văn vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. 

Sau khi nắm được chính quyền, Việt Minh tìm cách thuyết phục mọi tổ chức gia nhập Việt Minh. Theo cựu sinh viên Bùi Diễm, Việt Minh rất chú ý tới tập thể sinh viên và cố lấy lòng giới này. Khoảng đầu tháng 10, ông Hồ và Võ Nguyên Giáp đều tới Đông Dương học xá để tiếp xúc với sinh viên. Ông Giáp tới trước. Ông kể cho sinh viên nghe chuyện những năm tháng ở chiến khu để chuẩn bị cho “Cách Mạng Tháng 8” như thế nào. Ông Giáp có khiếu kể chuyện rất hấp dẫn. Hơn một tuần sau, đích thân ông Hồ tới học xá. Đa số sinh viên lúc ấy không theo Việt Minh. Một số sinh viên đã tham gia các đảng phái khác; họ chống đối Việt Minh ra mặt. Thậm chí có sinh viên còn giở trò nghịch ngợm, biết ông Hồ đang đi thăm các phòng, một anh trần như nhộng chạy từ phòng tắm ra, gặp ông Hồ, anh ta giả vờ giật chiếc khăn nhỏ che thân mình. Ông Hồ nhanh trí nói: “Các chú thì lúc nào cũng đùa nghịch được!” rồi ông thản nhiên bắt tay thăm hỏi mọi người. 

Khoảng tháng 11-1945, Đảng Đại Việt mở khoá huấn luyện tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Chapa gần biên giới tỉnh Vân Nam. Khoá huấn luyện quy tụ gần 200 học viên. Trong đó có nhiều sinh viên Đại học Đông Dương. Ba bốn tháng sau, Việt Minh mở đợt đàn áp khủng bố các đảng phái Quốc gia từ Nam ra Bắc. Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đã bị Việt Minh tấn công và tàn sát. 

Các sinh viên gia nhập Đảng Đại Việt bị sát hại trong đợt này như Đặng Vũ Chứ, Quản Trọng Ứng, Đỗ Ngọc Phúc, Nguyễn Ngọc Trác (học Luật, anh trai của Tổng Giám đốc Việt tấn xã VNCH Nguyễn Ngọc Linh), hai anh em Đặng Văn Bút và Đặng Văn Nghiên (con Bs. Đặng Văn Dư), Trần Kế Tạo (học Luật, con Thượng thư Trần Thanh Đạt), ba anh em Đỗ Quang Hiển, Đỗ Quang Lung, Đỗ Quang Vỹ (học Canh nông, con Tri phủ Đỗ Quang Giai, Nghị sĩ VNCH), sinh viên Nguyễn Đình Tú (thời VNCH làm kí giả báo Chính Luận, bị chém vào lưng vất xuống sông, may mắn thoát chết), Lê Hữu Hoài (Y khoa, trốn thoát về nhà bán bánh mì độ nhật), Nguyễn Xuân Chiểu (Y khoa, Trung tướng QLVNCH) và một số chạy thoát sang Tầu, phải đầu quân cho tướng Tầu Cộng là Lâm Bưu. Năm 1949, sau khi Trung Cộng chiến thắng ở Hoa Lục, các sinh viên này mới trở về và được Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí cho gia nhập Bảo chính đoàn. 

Từ đầu những năm 1940, Việt Minh có nội thù là các đảng phái người Việt Nam và ngoại thù là 3 lực lượng lớn: Pháp, Nhật và Tầu. Sang năm 1946, coi như Việt Minh đã thanh toán xong các đảng phái người Việt, còn quân Nhật đã bị giải giới, quân Tầu thì đã về nước, Việt Minh chỉ còn lo đối phó với quân Pháp. Tuy ngày 06-3-1946, Việt Minh và Pháp đã kí hiệp định sơ bộ với nhau, nhưng Pháp đang lăm le tái chiếm Hà Nội và khống chế toàn thể Bắc Việt, còn Việt Minh cũng ráo riết chuẩn bị kháng chiến. 

Trong tình hình ấy, để chuẩn bị kháng chiến, Việt Minh thành lập ra các Đội tự vệ cứu quốc. Tại Đông Dương học xá, cũng thành lập ra một Đại đội sinh viên chiến đấu, trang bị súng trường mousqueton, ban đêm thay nhau đi canh gác một số vị trí, ban ngày thì luyện tập quân sự. Khi chiến sự giữa Pháp và Việt Minh nổ ra ngày 19-12-1946, dân chúng Hà Nội tản cư thì Đại đội sinh viên chiến đấu cũng rút khỏi Hà Nội, tới làng Cự Đà bên bờ sông Nhuệ thì tản mác mỗi người mỗi nơi. 

5. Tổng hội Sinh viên Đông Dương bỏ phiếu không chấp nhận Việt Minh Cộng sản
 
Trong âm mưu muốn lôi kéo Tổng hội Sinh viên Đông Dương về với mình, Việt Minh đã cử những tay lợi khẩu, như Trần Văn Giầu, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh, tới để thuyết phục sinh viên. 

Trước khi biểu quyết, các sinh viên đã tranh luận sôi nổi, có khi nặng lời và ẩu đả về việc có nên đổi tên Tổng hội Sinh viên Đông Dương thành Tổng hội Sinh viên cứu quốc hay không. Kết quả, đa số sinh viên không đồng ý gia nhập Việt Minh, tức là không chấp thuận nối cái đuôi “Cứu quốc” vào tên Tổng hội Sinh viên như tất cả các tổ chức khác của Việt Minh lúc bấy giờ. 

Thất bại trong cuộc biểu quyết, Việt Minh đưa ra 2 quyết định: 

Một là ra lệnh thanh toán sinh viên Phan Thanh Hoà, Tổng hội trưởng Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Vào một đêm tối trời năm 1946, Việt Minh cử người vào Đông Dương học xá để bắt cóc sinh viên Phan Thanh Hoà mang đi thủ tiêu. Lí do vì Phan Thanh Hoà tuyên bố Tổng hội Sinh viên đứng ngoài các đảng phái và công khai chống hai anh em Phan Anh, Phan Mỹ là người của Cộng sản gửi tới lôi kéo Tổng hội Sinh viên đi theo Việt Minh. Sau này, thời chiến tranh Quốc - Cộng, CSVN sẽ lặp lại trò giết người này để trả thù sự thất bại và răn đe tập thể sinh viên trong vụ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật tại Đại học Luật khoa Sài Gòn vào năm 1971. Lí do là vì sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật đã thắng các cán bộ Thành Đoàn Cộng sản trong cuộc bầu cử Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa và Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. 

Hai là chính Trường Chinh, kí tắt là TC, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đã viết bức thư “Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên”, phổ biến trên báo Sự Thật, số 4, ra ngày 15-12-1945, mục đích là để cố thuyết phục và chiêu dụ sinh viên đi theo Việt Minh (Xem nguyên văn bức thư của Trường Chinh ở phần Chú thích cuối bài). 

IV. MỘT SỐ NHẬN XÉT 

1. Thế hệ các sinh viên Đại học Đông Dương Hà Nội khoảng đầu những năm 1940 là thế hệ được đào luyện từ hệ thống giáo dục Pháp cho nên họ chịu ảnh hưởng văn minh, văn hoá Pháp sâu sắc. 

Đa số sinh viên thời đó xuất thân từ những gia đình khá giả cho nên mới có điều kiện ăn học lên cao. Những sinh viên con nhà giầu này chỉ muốn sống an phận thủ thường, lo “giật” lấy mảnh bằng để sau này có chút địa vị trong xã hội (do thực dân Pháp cai trị), và đó cũng là nguyện vọng của cha mẹ và gia đình họ. 

Tuy nhiên, vẫn có một số khá đông sinh viên biết đặt dân tộc và đất nước lên trên những lợi lộc vật chất và công danh, sự nghiệp bản thân. Do đã lĩnh hội được tư tưởng khai phóng và tinh thần cách mạng Pháp, họ hiểu biết về các quyền lợi căn bản của người dân, như các quyền bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại. Họ hiểu như thế nào là chế độ thực dân, là áp bức bóc lột, là độc lập, tự do, dân chủ và họ đã đem những kiến thức mới mẻ ấy để nâng nhiệt tình yêu nước của chính mình lên một bước trưởng thành mới. Sau đó, họ dùng báo chí, ca, kịch để khơi dậy lòng ái quốc và thúc giục đồng bào đứng lên chống lại thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà. 

2. Các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên Đông Dương thời đó chưa quy tụ lại thành một phong trào sinh viên tranh đấu có tổ chức chặt chẽ, cũng chưa tranh đấu quyết liệt nhắm vào các mục tiêu cụ thể như các phong trào sinh viên tranh đấu sau này ở Miền Nam từ 1963 tới 1971. Nhưng xuất phát từ nhiệt tình yêu nước và mới chỉ phát huy hình thức ca kịch mà thôi, các sinh viên thời ấy đã tạo nên được những kì tích có tính cách lịch sử. 

Một điều khá lí thú là những sinh viên hoạt động văn hoá, văn nghệ hăng say nhất trong thời điểm ấy lại là nhóm các sinh viên từ miền Nam ra học tại Hà Nội, như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Tôn Hoàn, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê, Phan Thanh Hoà, Đặng Ngọc Tốt, Nguyễn Thành Nguyên, Nguyễn Mỹ Ca, Phan Thị Bình, Nguyễn Thị Thiều... 

3. Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật có sức sức lôi cuốn hấp dẫn và dễ phổ biến xa rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ một mình sinh viên Lưu Hữu Phước đã có thể sáng tác ra nhiều bài hát ái quốc vượt thời gian, như Tiếng Gọi Sinh Viên, Người Xưa Đâu Tá, Bạch Đằng Giang (lời của Mai Văn Bộ), Ải Chi Lăng (lời của Mai Văn Bộ), Hội Nghị Diên Hồng, Hát Giang Trường Hận (Hồn Tử Sĩ), Xếp Bút Nghiên... Đây là những bài hát có tính cách lịch sử, đã làm bừng sống dậy tình yêu quê hương đất nước. Những bài hát này được đồng bào khắp nơi, từ Nam chí Bắc, hưởng ứng nhiệt liệt bởi vì tâm tình của những bài hát phản ánh đúng tâm tình yêu nước của mọi người dân Việt.

Những bài hát ái quốc này, chẳng những được mọi người Việt Nam thời tiền chiến (trước 1945, 1946) hoan nghênh mà còn được thưởng thức và phổ biến rộng rãi ở khắp Miền Nam tự do sau ngày chia đôi đất nước năm 1954. Cho tới tận ngày nay, những bài hát ấy vẫn còn được người Việt hải ngoại yêu mến đặc biệt. 

Lí do khiến các tác phẩm tiền chiến của các tác giả trên được dân Miền Nam tự do trân trọng và thưởng thức là vì đó là những sáng tác có giá trị nghệ thuật cao; hơn nữa, khi sáng tác các tác phẩm trên đây, tất cả các tác giả ấy chưa biết Đảng, chưa theo Đảng, chưa trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Và vì thế các tác phẩm ấy không có tính Đảng, không nhằm phục vụ Đảng. Lúc đó, các tác giả được tự do sáng tác theo cảm hứng tự nhiên, trung thực và đầy tính nhân bản. 

Trước hết, bài Sinh Viên Hành Khúc là bài hát có lịch sử rất đặc biệt. Các chính phủ Quốc gia đã chọn bài này làm bài quốc ca với tên gọi là Tiếng Gọi Công Dân. Ngày nay, bài Tiếng Gọi Công Dân vẫn còn là bài quốc ca của các cộng đồng người Việt tại hải ngoại. (Chúng tôi sẽ có riêng một bài viết về bài hát danh tiếng này). 

Bài Hồn Tử Sĩ ai oán được người Miền Nam tự do và người Việt hải ngoại tấu lên trang trọng trong mọi buổi lễ chính thức, để mặc niệm các anh hùng, tử sĩ vị quốc vong thân.

Bài Hội Nghị Diên Hồng thường xuyên được trình diễn thành nhạc cảnh tại các trường học, trên các sân khấu lớn nhỏ ở Miền Nam tự do ngày xưa và tại hải ngoại ngày nay... Bài này có giá trị giáo dục mọi người dân Việt Nam hãy noi gương tiền nhân mà đoàn kết một lòng mỗi khi đất nước gặp cơn nguy biến trước hiểm hoạ ngoại xâm. 

4. Gặp thời buổi thế giới đại loạn, cục diện Việt nam cũng đi vào khúc quanh quan trọng. Đảng Cộng sản và các đảng phái Quốc gia xuất hiện. Chỉ trong một thời gian ngắn “so găng”, Đảng Cộng sản, tức Việt Minh, đã tiêu diệt được tất cả các đảng phái khác. Các đảng phái bị thất bại vì nhiều lí do. Nếu có dịp đọc Chương 8, Những Vấn Đề Của Chính Đảng Việt Nam trong cuốn Lịch Sử Các Đảng Phái Việt Nam của Gs. Nguyễn Khắc Ngữ (Tủ sách Sử Địa, 1989. Trang 119-142), chúng ta sẽ thấy tác giả căn cứ vào nhận định của các lãnh tụ đảng phái như cụ Vũ Huy Chân, cụ Nguyễn Văn Lực và của Gs. Trần Tuấn Nhậm, rồi phê phán các đảng phái như sau: 

Thiếu lãnh tụ đủ tài, đức. 

Đường lối lãnh đạo “sai lầm, mù quáng” vì chỉ biết “dựa vào các thế lực ngoại bang”.

Không có lí thuyết hoặc có lí thuyết nhưng lí thuyết bất cập hoặc lỗi thời cho nên không có phương hướng chỉ đạo đúng đắn chiến lược hành động. 

Cán bộ điều khiển của các đảng phái thường hay có thói “quan liêu” và tác phong “lãnh tụ”. Các cán bộ cấp địa phương và cấp thừa hành thì vừa thiếu vừa không được huấn luyện chu đáo. 

Các đảng phái không nắm được quần chúng bởi vì họ chỉ biết lo cho đảng của mình, không đóng góp gì cho xã hội vì cho rằng đó là việc của chính quyền. 

Vì tất cả những khiếm khuyết kể trên cho nên dân chúng, nói chung, thường cho rằng đảng phái “là xôi thịt, bê bối, bất lực..., không có ích lợi gì cho công cuộc xây dựng đất nước”. 

Đúng vậy, quan sát tình hình chính trị xáo trộn triền miên ở Miền Nam từ cuối thời Đệ Nhất Cộng Hoà trở về sau, người ta thấy các lãnh tụ một số đảng phái thường cho mình là “duy ngã độc tôn”, chỉ có mình mới xứng đáng nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Từ đó phát sinh tâm lí “trâu buộc ghét trâu ăn”, nhưng tệ hại nhất là “không được ăn thì đạp đổ”. Đảng phái không có đủ khả năng tranh quyền bằng phương thức chính trị, theo quy định của Hiến pháp có sẵn như ở các nước văn minh, thì họ tìm mọi cách để lật đổ chính quyền Quốc gia hợp pháp đương nhiệm bằng những cuộc đảo chính quân sự, thậm chí còn sẵn sàng giết chết vị lãnh đạo do dân bầu lên. Chính quyền đổ rồi, cờ đến tay thì mấy lãnh tụ đảng phái không biết phất làm sao... Số các đảng phái chủ trương làm chính trị theo kiểu “bạo loạn” ấy, có xứng đáng được gọi là đảng phái Quốc gia như thường thấy trong sách báo xưa nay không? Thiển nghĩ, thay vì gọi họ là đảng phái Quốc gia thì chỉ nên gọi là đảng phái không Cộng sản mà thôi. 

Thực chất các đảng phái không Cộng sản có những điểm yếu kém như thế cho nên đã bị Đảng Cộng sản tiêu diệt mau chóng. Đau đớn thay, có nhiều sinh viên ưu tú, đầy nhiệt huyết, đã dám từ bỏ tất cả để đi theo các đảng này cũng và đã bị Việt Minh Cộng sản giết hại thê thảm.

Riêng Đảng Cộng sản Việt Nam do Cộng sản quốc tế chỉ đạo cho nên họ có thế quốc tế, có sách lược, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhiều quỷ kế và sẵn sàng dùng bất cứ phương tiện nào để đạt mục đích, cán bộ được huấn luyện và kỉ luật sắt máu... 

Một thành phần sinh viên ưu tú thuộc Tổng hội Sinh viên Đông Duơng thời đó có nhiệt tình yêu nước, nhưng chưa đủ kinh nghiệm để khám phá ra thực chất Việt Minh là Cộng sản, cho nên đã bị Việt Minh Cộng sản thuyết phục và chiêu dụ bằng các khẩu hiệu tốt đẹp như: “yêu nước phải cứu nước”, “chỉ có Việt Minh mới có khả năng cứu nước”, “chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc”, “kháng chiến cứu quốc”... Song, sau hơn một nửa thế kỉ nhìn lại, chúng ta thấy rõ ràng, tất cả những sinh viên thời đó đi theo Việt Minh Cộng sản đều đã bị họ lợi dụng nhất thời rồi đào thải không thương tiếc, ngoại trừ một số sinh viên tốt nghiệp trở thành những bác sĩ Y khoa tài giỏi được trọng dụng trong lãnh vực chuyên môn, như các Gs. Tôn Thất Tùng, Gs. Đặng Văn Chung... Lí do đơn giản là vì đa số các sinh viên thuộc thành phần trí thức, tiểu tư sản hoặc địa chủ. Trong lãnh vực chính trị, trường hợp cựu sinh viên Mai Văn Bộ leo lên được vị trí đại sứ là hết sức hoạ hiếm. 

Đang khi đó, tại Miền Nam, không kể đến các cựu sinh viên ra trường trước năm 1940, như Bs. Phan Huy Quát (Thủ tướng), Trần Trung Dung (Bộ trưởng)..., đường “hoạn lộ” của các cựu sinh viên thuộc Tổng hội Sinh viên Đông Dương tại Hà Nội xem ra rất thênh thang, như Bs. Nguyễn Tôn Hoàn (Phó Thủ tướng), Bs. Nguyễn Lưu Viên (Phó Thủ tướng), Gs. Vũ Quốc Thông (Bộ trưởng), Ls. Trần Chánh Thành (Bộ trưởng), Bs. Trần Vỹ (Bộ Trưởng), Ls. Lâm Lễ Trinh (Bộ trưởng), Bùi Diễm (Bộ trưởng, Đại sứ), Cao Xuân Vỹ (Tổng Giám đốc tổ chức Thanh niên Cộng hoà thời Đệ Nhất Cộng Hoà), Gs. Vũ Quốc Thúc (Thống đốc Ngân hàng Quốc gia), Phạm Xuân Chiểu (Trung tướng, Đại sứ)... 

Ước mong những điều trình bầy trên đây giúp đôi chút tài liệu để các thế hệ mai sau “ôn cố nhi tri tân”. 

Tháng 10-2013 

Chú thích: 

Nguyên văn bức thư của Trường Chinh gửi các sinh viên Đại học Đông Dương như sau: 

Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên 

Hà Nội, ngày 12-12-1945 
Các bạn, 
Luôn hai kỳ các bạn họp để bàn: có nên ở trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh. 
Các bạn đã tranh luận nhiều, hơi nhiều một chút, trong khi các chiến sĩ cứu quốc – mà phần lớn là chiến sĩ Việt Minh, nghĩa là có cả một số sinh viên cứu quốc nữa – đang xông pha trong lửa đạn để ngăn cản quân thù. 
Trong buổi họp hôm 9-12-1945 mới đây, các bạn đã chia làm hai phe: phe tán thành đứng trong Việt Minh, phe chủ trương ra khỏi hàng ngũ Việt Minh. Lúc biểu quyết phe sau trội hơn phe trước 8 phiếu. Cuộc đầu phiếu này đã bóc trần một nhược điểm của sinh viên ta: trong khi toàn dân đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thì sinh viên lại chia rẽ, chia rẽ về thái độ chính trị. 
Ở trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh, cố nhiên đó là việc riêng của các bạn. Song lấy tư cách vừa là một người công dân, vừa là một cựu sinh viên, tôi tự xét cần phải phát biểu một vài ý kiến về việc làm của các bạn, vì các bạn há không phải là tinh hoa của đất nước, là các phần tửanh tuấn trong dân tộc? Chủ trương hành động của các bạn đúng, quốc dân tự lấy làm vinh. Chủ trương hành động của quý vị sai, quốc dân không thể không hổ thẹn. 
Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, các bạn đã quyết nghị lấy danh nghĩa TỔNG HỘI SINH VIÊN CỨU QUỐC gia nhập Việt Minh. 
Đúng lắm! Trong bao năm nô lệ, muốn yêu nước không được yêu, muốn cứu nước không được cứu. Ngày nay rũ được xiềng xích, các bạn mạnh bước lên đài chính trị, quyết làm tròn SỨ MẠNG CỦA KẺ SĨ VIỆT NAM; các bạn quyết kề vai sát cánh với các đoàn thể trong Việt Minh. Suốt mấy năm nay đã vào sinh ra tử để giành độc lập cho Tổ quốc. 
Điều quyết nghị ấy của các bạn thích hợp lắm. Ai dám bảo sinh viên Việt Nam là hèn đớn? Thực ra không phải bấy giờ sinh viên Việt Nam mới tham gia công cuộc cứu nước. Từ năm 1924- 25 đến nay, gia đình sinh viên Việt Nam chúng ta, thường có người hiến thân cho nước, hoặc đã hy sinh, hoặc đang chiến đấu. Điều quyết định của các bạn chỉ chứng tỏ thêm các bạn luôn luôn trung thành với tập truyền yêu nước của sinh viên Việt Nam mà thôi. 
Ngày nay nhân những khó khăn về ngoại giao và nội trị của nước nhà, một bọn nhát gan và khiêu khích đặt giữa các bạn vấn đề nên đứng trong Việt Minh hay ra ngoài Việt Minh. Trong khi Việt Minh đang cùng Chính phủ lâm thời lĩnh đạo cuộc chiến đấu vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược mà đặt ra vấn đề ấy! Còn gì xúc phạm đến tinh thần của sinh viên hơn nữa? Song những kẻ khiêu khích cứ nói, nói hệt như giọng thực dân Pháp trước đây vậy. Họ bảo sinh viên chỉ nên học và “yêu nước” thôi; sinh viên nên đứng trung lập, không nên tham gia chính trị đảng phái. Họ phỉnh lòng tự ái của sinh viên và bảo cho các sinh viên “không nên để cho đảng phái nào lợi dụng”. Họ kháy tính tự cao, tự đại của sinh viên mà nhủ sinh viên nên “đứng trên các đảng phái” để hoà giải mọi sự phân tranh, v.v.... Đến nỗi họ đưa ra những luận điểm đê hèn và gian dối, ví dụ: từ ngày giành được chính quyền, Việt Minh đã hắt hủi sinh viên, không để sinh viên có một địa vị xứng đáng; Việt Minh là Cộng sản, những Uỷ ban Nhân dân do Việt Minh lĩnh đạo đang tịch thu tài sản của nhà giàu (vì họ biết phần đông sinh viên là con nhà khá giả). Họ lừa phỉnh, khinh miệt sinh viên ta đến thế là cùng! Họ nói nhiều nữa và chính họ đã la ó một cách khiếm nhã trong các buổi họp của các bạn gần đây. Chính họ là cái loa của nhóm “Việt Nam”, một nhóm chuyên môn chia rẽ trong sinh viên đó. 
Không, không! Hỡi các bạn sinh viên yêu quý! Tôi tin rằng các bạn không để cho họ khiêu khích, cũng không thể tự hợm mình. Tôi tin rằng các bạn các bạn đủ trí thông minh mà nhận chân thời cuộc, đủ lòng kiên quyết vượt mọi gian nan, đặng thẳng tiến trên con đường cứu nước. 
Đúng thế, lúc nào nước đang gặp nạn. Sinh viên đi học không để cứu nước thì để làm gì? Hãy trông: nhi đồng, phụ nữ, học sinh, thầy thợ v.v... còn biết hăm hở cứu nước. Sao sinh viên lại có thể nói: chỉ biết học, không biết yêu nước? Sinh viên yêu nước nhưng không cứu nước có được không? Không thể được. Nước đang bị xâm lược, yêu nước mà không cứu nước là yêu nước ngoài miệng. Sinh viên đứng trung lập có được không? Cũng không. Vận nước đang chênh vênh; trung lập là trốn tránh trách nhiệm, là hèn nhát. Từ trung lập đến phản bội, chỉ một bước mà thôi. Sinh viên không muốn cho ai lợi dụng. Được lắm. Sinh viên gia nhập Việt Minh là tự mình “lợi dụng” tài năng của mình trong công việc cứu nước; sinh viên ra ngoài Việt Minh là bắt đầu bị bọn khiêu khích chuyên nghề lợi dụng rồi. 
Sinh viên đứng trung gian dàn xếp sự xung đột đảng phái. Nếu được thế còn gì hay bằng? Nhưng sinh viên hãy tự dàn xếp trong hàng ngũ mình trước đã. Sinh viên không nên bắt chước: “con ruồi của cái xe ngựa” trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten. Sinh viên cũng như các giới khác trong nhân dân, không thể làm một việc mà lúc này chỉ có Quốc hội và sự thành tâm của chính đảng mới làm nổi. Vả chăng tại sao cứ đứng ra ngoài Việt Minh, mới dàn xếp sự xích mích đảng phái được? Muốn mau “dàn xếp” chỉ có một cách là đứng trong Việt Minh mà đập lại bọn chia rẽ kia. 
Hỡi các bạn sinh viên! Hai nẻo đường – mà chỉ có hai nẻo đường – đã mở ra trước mắt các bạn: cứu quốc và phản quốc. Trong hai đường ấy các bạn phải chọn lấy một. Phản quốc ư? Quyết không! Cứu quốc ư? Nhất định thế. Đã cứu quốc, phải chọn bạn đồng hành, phải tìm vây cánh, vì không một giới nào có thể riêng mình làm tròn được nhiệm vụ cứu nước. Có bạn đáp: Phải, chúng tôi sẽ tìm bạn đồng hành ấy không cứ phải là Việt Minh. Các bạn tự do chọn. Song có điều chắc chắn là trên con đường cứu quốc, ở nước ta hiện nay, ngoài Việt Minh ra, các bạn không thể tìm được một người bạn đồng hành trung thành, khoẻ mạnh và can đảm thứ hai nữa. 
Tóm lại, theo ý kiến của tôi, các bạn sinh viên nên và cần đứng trong mặt trận Việt Minh. “TỔNG HỘI SINH VIÊN CỨU QUỐC”, cái tên ấy ta nên giữ như một vật báu chừng nào nước vẫn chưa hoàn toàn độc lập. Bạn nào tự nhận chưa xứng đáng là người cứu quốc thì gắng trở thành người cứu quốc. Bạn nào trong giờ phút nghiêm trọng này còn do dự, hoài nghi, không dám đi vào con đường cứu quốc, xin hãy tạm rút lui. Ta giữ làm sao được họ? Trong cơn bão táp, những lá vàng nhất định phải lià cành!... Song ta không thể vì sự hoang mang, hèn nhát hay thiếu thành thực của một số người mà bỏ tên cứu quốc. Ta cũng không thể lià bỏ Việt Minh, trong khi một bọn người tự nhận là “cách mạng” hoà nhịp với thực dân Pháp công kích Việt Minh. “Khi vui thì vỗ tay vào”, đó quyết không phải là thái độ của sinh viên chúng ta. 
Trong buổi hội họp 9-12-1945, cuộc biểu quyết của các bạn chưa được hợp lệ. Chủ nhật tới đây, các bạn lại biểu quyết lại. Tôi đề nghị các bạn sinh viên có mặt tại Hà Nội đi họp tất cả để ném thêm quả tạ vào đĩa cân. 
Danh dự các bạn sẽ được định đoạt trong buổi họp tới và quốc dân sẽ căn cứ vào thái độ của các bạn mà xét các bạn. 
Mong các bạn đừng phụ lòng ái mộ của đồng bào. 
Chào quyết tâm. T.C. 

(“Mấy lời tâm huyết cùng các bạn sinh viên”, Văn kiện Đảng 1945– 1954, Lưu hành nội bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam – Ban chấp hành Trung ương, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội – 1978, (từ trang 149 đến trang 154). 

Tham khảo: 

• Trần Ðỗ Cung, Hà Nội 1945 (Hồi ức). Baovecovang2012.word-press.com  

• Lâm Lễ Trinh. Mạn đàm với Bs. Nguyễn Lưu Viên: Từ Hà Nội La Celle-Saint Cloud đến những ngày VNCH hấp hối. 01.8.2001. 

• Lâm Lễ Trinh. Vài ký ức về Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê và Tổng hội SVVN. Tuần báo Vietnam Weekly News. Issue # 952. July 27, 2007. 

• Bùi Diễm. Gọng Kìm Lịch Sử. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai. 2000. 

• Trần Văn Giàu. Lược sử Thành phố Sài Gòn từ khi Pháp xâm chiếm (1859) đến tháng Tư năm 1975. Địa Chí Văn Hoá TPHCM. Tập I: Lịch sử. NXB TPHCM, 1998. 

• Trần Thị Phương Hoa. Đại học Đông Dương, sự đoạn tuyệt với quá khứ. Vanhoanghean.com.vn

• Gs. Phạm Cao Dương. Chương trình PGVN Thống Nhất, Văn phòng Viện Hoá đạo II, Đài SBTN, thứ Bảy ngày 29-10-2011. 

• Nguyễn Khắc Ngữ. Lịch sử Các Đảng phái Việt nam. Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1989. 

• Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm. Đại Học Việt Nam Thời Khai Sinh.http://ttntt.free.fr.archive/huunghiemDo.html 

• Nguyễn Quang Duy. Sinh Viên Hà Nội 1945: biểu quyết dời bỏ hàng ngũ Việt Minh, 2008 talawas.

BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180