Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 8



 Bài 8 - VỀ NHÂN VẬT NGUYỄN NGỌC LAN 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan (cựu linh mục) qua đời ngày 26-02-2007 tại Sài Gòn. Cái chết của ông làm nổ ra cuộc tranh luận về hành trạng cuộc đời ông: Con đường ông đi đúng hay sai? 

I. QUAN ĐIỂM ĐÔI BÊN 


Đầu năm 2007, nghe tin sức khoẻ của Gs. Nguyễn Ngọc Lan đến hồi suy kiệt, Gs. Nguyễn Văn Lục viết bài Nói Về Một Người Sắp Ra Đi (Huongduongtxd.com). Tác giả kể chuyện viết lách và chuyện hoạt động của Gs. Nguyễn Ngọc Lan, trước và sau ngày 30-4-1975, để chứng minh Gs. Lan là người “viết nhiều nhất, xông xáo nhất và mạnh mẽ nhất trong nhóm trí thức phản chiến”. Điều quan trọng hơn cả là tác giả cho biết Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã “chọn lựa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” “... đã từng nhiều lần lên tiếng biện hộ, ủng hộ và ca tụng chế độ ấy ít lắm cũng đến cuối năm 1978”

Tiếp lời tác giả Nguyễn Văn Lục, nhà báo kì cựu Sức Mấy (Đinh Từ Thức) viết bài Mùi Cộng sản (talawas.org) quy kết Gs. Nguyễn Ngọc Lan “tội đâm sau lưng chiến sĩ”

Thế là Bà Quỳnh Thi xuất hiện với bài “Đâm sau lưng chiến sĩ”, bà tâm sự: “Ðọc bài viết ‘Mùi Cộng sản’, tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm cho số phận một nhà trí thức khí phách yêu nước, khi tác giả Sức Mấy cho rằng: ‘Nguyễn Ngọc Lan là người đâm sau lưng các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà’”. Theo Quỳnh Thi, “Gs. Nguyễn Ngọc Lan và những nhà đối lập khác đã hành xử đúng quyền của mình. Ðó là lẽ đương nhiên” và Gs. Nguyễn Ngọc Lan “thuần tuý là người yêu nước, không Cộng sản”, chỉ có những “tướng tá, chính khách xôi thịt ‘đâm sau lưng chiến sĩ’ và còn hèn hạ, buôn xương bán máu, bòn rút vàng bạc kim cương Đô-la cho vợ con trốn thoát trước 30-4- 75”

Thấy tác giả Quỳnh Thi lập luận Gs. Nguyễn Ngọc Lan chỉ sử dụng quyền đối lập của mình và bảo “Đó là lẽ đương nhiên” thì nhà văn Kiều Phong (Lê Tất Điều) không đồng ý. Ông viết bài Lẽ Đương Nhiên (talawas.org), trong đó có mấy điểm chính: “Trước 75, tôi chỉ biết Nguyễn Ngọc Lan dùng văn chương báo chí chửi bới phe quốc gia, tối ngày đề cao Cộng sản, tạo thành tích ‘chống Mỹ, Nguỵ cứu Bác Đảng’ rất lẫy lừng”“Suốt đời tận tuỵ phục vụ Cộng sản, lúc Cộng sản thành công thì bị đẩy ra rìa”. Theo ông, công dân nước VNCH được hưởng quyền đối lập trong chế độ dân chủ, nhưng không có nghĩa là công dân Nguyễn Ngọc Lan “đương nhiên” có quyền “hợp tác chặt chẽ” với kẻ thù Cộng sản chống lại Miền Nam tự do.

Đáp lời ông Kiều Phong, bà Quỳnh Thi viết bài "Đôi Điều Về Bài Viết ‘Lẽ Đương Nhiên’ Của Kiều Phong” (ngày 11-6-2007. talawas.org). Trong bài này, tác giả Quỳnh Thi nhiệt tình bênh vực cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan. Theo bà, “Nguyễn Ngọc Lan là nhà trí thức khí phách yêu nước... ông đã đương đầu chống lại một cuộc chiến tranh vô nghĩa, cốt nhục tương tàn, một cách công khai, trực diện với một chính quyền đầy bất công, tham nhũng thời đó. Nhưng hành vi chống đối của ông được luật pháp quốc gia bảo vệ, chứ không hề bí mật, lén lút”, tức là không “... ném đá giấu tay, giấu tên, giấu mặt, tránh sự lộ diện của mình”. Còn việc ông Kiều Phong cho rằng: “Trong vụ Việt cộng tổng tấn công đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Ngọc Lan đã liều mạng, cải trang, lặn lội đến tận Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh tiền phương Nam…” và việc hai ông Kiều Phong và Sức Mấy gán cho Gs. Nguyễn Ngọc Lan tội “đâm sau lưng các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà... là sự mạ lỵ, vu khống, sỉ nhục một người đấu tranh cho đất nước vừa từ trần cách nay chưa lâu”

Trong cuộc đời này, nếu có thể tử tế với ai, đó là một điều đáng quý. Song nhận thấy tác giả Quỳnh Thi không có nhiều kinh nghiệm về sách lược Cộng sản, cũng chưa thấy hết mặt trái của cuộc chiến Quốc - Cộng trước 30-4-1975. Riêng về nhân vật Nguyễn Ngọc Lan, tác giả Quỳnh Thi hoàn toàn có quyền “thương cảm” ông và việc ông có là “một giáo sư Đại học, một nhà văn, nhà báo lừng lẫy”, “được mọi giới kính trọng, yêu mếu” như bà Quỳnh Thi xưng tụng hay không, đó vẫn là quan cảm cá nhân của bà. Và nếu như Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã thật sự chỉ hành xử đúng đắn quyền đối lập chính trị của một công dân nước VNCH, chắc là cũng không có ai lên tiếng làm chi. Thế nhưng, vì tác giả Quỳnh Thi lập luận cho rằng Gs. Nguyễn Ngọc Lan “thuần tuý là người yêu nước, không Cộng sản” và “Gs. Nguyễn Ngọc Lan và những nhà đối lập khác đã hành xử đúng quyền của mình. Ðó là lẽ đương nhiên”, thì lại là một vấn đề cần làm sáng tỏ thêm. 

Cuộc chiến Quốc - Cộng đã qua lâu rồi, nhưng chúng ta, những người còn sống sót, chúng ta không được quên những mất mát to lớn về sinh mạng, tài sản và hạnh phúc mà đồng bào và chiến sĩ Miền Nam phải gánh chịu trong cuộc chiến do Cộng sản Bắc Việt phát động và những di luỵ khốc hại nhiều mặt từ khi Cộng sản chiếm được trọn đất nước. Do đó, người Quốc gia có bổn phận không làm ngơ để mặc dư luận và nhất là những thế hệ tiếp nối bị hướng dẫn sai lạc về một số những tên tuổi hoạt động chính trị thiên Cộng thời chiến tranh ở Miền Nam, trong đó có Gs. Nguyễn Ngọc Lan. Thay vì bọn họ phải hiện nguyên hình trước dư luận, trước lịch sử là những kẻ nối giáo cho giặc Cộng thì họ lại được choàng vòng hoa và gắn huy hiệu anh hùng đối lập. 

Thời chiến tranh, bất cứ ai quan tâm cũng có thể nhận diện được trong giới nào ở Miền Nam, cũng có một số là kẻ nội thù, kẻ nối giáo cho giặc Cộng và đâm sau lưng chiến sĩ. Riêng trong giới Đại học, Gs. Nguyễn Ngọc Lan và Gs. Lý Chánh Trung là hai nhân vật nổi bật, đã lợi dụng quyền hoạt động chính trị đối lập để viết lách chống chính quyền Quốc gia và cổ võ cho những đòi hỏi giải quyết chiến tranh theo yêu sách của Cộng sản. Hai ông này cũng kích động và phát động những cuộc biểu tình hồi đầu năm 1970, làm dấy lên một cao trào đấu tranh sôi nổi nhằm bênh vực cho 21 cán bộ Thành Đoàn Cộng sản bị đưa ra toà xét xử, trong đó có sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm và đòi chính quyền VNCH phải trả tự do bọn họ. Vì lẽ đó, trong chủ đề Mặt Trận Đại Học, chúng tôi cố gắng thâu thập thêm chứng cứ để vạch trần chân tướng của mấy ông giáo sư thiên Cộng này. Ở đây, chúng tôi xin mượn quan điểm của tác giả Quỳnh Thi để gợi ý, hành trạng của nhân vật Nguyễn Ngọc Lan mới là chủ đích của bài này. 

Trước hết, xin mời quý độc giả đọc lại Điều 4 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà năm 1967. 

ĐIỀU 4: 

Việt Nam Cộng Hoà chống lại chủ nghĩa Cộng sản dưới mọi hình thức. 

Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa Cộng sản đều bị cấm chỉ. 

Căn cứ vào Điều 4 Hiến pháp VNCH, những công dân nào hoạt động tuyên truyền, tiếp tay cho Cộng sản là phạm pháp và bị ngăn cấm. 

Từ điều khoản Hiến pháp này, chúng tôi sẽ theo dấu vết hành trạng của Gs. Nguyễn Ngọc Lan xem ông có hành xử đúng đắn quyền hoạt động chính trị đối lập theo Hiến định hay ông đã vượt quá mức giới hạn của một người đối lập, tới chỗ ngả sang cộng tác trực tiếp với Cộng sản. Nếu ông chỉ hành xử quyền hoạt động chính trị đối lập của một công dân thì danh dự phải trả lại cho ông. Nếu ông đã vượt quá ranh giới Hiến định mà tiếp tay cho giặc Cộng đánh chiếm Miền Nam tự do thì đích thị ông là kẻ nội thù, kẻ nối giáo cho giặc, là kẻ “đâm sau lưng chiến sĩ” vàtoàn dân Miền Nam yêu tự do. 

II. HOẠT ĐỘNG CÔNG KHAI 

1. Hoạt động bằng báo chí 

Ngay khi còn ở bên Pháp, Nguyễn Ngọc Lan đã bắt đầu viết lách chống chính phủ của TT. Ngô Đình Diệm về việc ông cho là chính phủ đã đàn áp Phật giáo bằng bài báo nhan đề “Phật tử, người anh em của tôi, Bouddhiste, mon prochain”, đăng trên báo Témoignage Chrétien, 29-8-1963. 

Từ 1964 tới 1968: Nguyễn Ngọc Lan cộng tác với các báo có khuynh hướng cấp tiến: Hành Trình, Đất Nước. 

Từ 1970 tới 1971: Viết cho Tin Sáng có xu hướng khuynh tả. Những bài này được gom thành sách Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá, gồm 50 bài. 

Tất cả các bài viết của Nguyễn Ngọc Lan cho thấy ông là một trí thức đầy ảo tưởng. Giá trị của những bài viết của các trí thức loại này sẽ đưa tới hậu quả đúng như Gs. Nguyễn Văn Trung đã nhận xét: “Tham gia Cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này” (Tạp chí Văn Học (HK) Số 174 Tháng 10-2000).

Đặc biệt là Nguyễn Ngọc Lan đã cộng tác với Lm. Chân Tín chủ trương báo Đối Diện (1970), quy tụ những cây bút với các bài viết thiên Cộng rõ rệt: Bài Học Cách Mạng Của Lênin (Đối Diện, 12.1970); Diễn Tiến Cuộc Xây Dựng và Phát Triển Chính Sách Thực Dân Mới Của Mỹ Tại Việt Nam (Đối Diện, 8-1971); Khái Niệm Về Chủ Nghĩa Thực Dân Mới (Đối diện, 6-1972); Diễn Tiến và Ý Nghĩa Của Cách Mạng Tháng Tám (Đối Diện, 8.1972); Miền Bắc Có Gì Lạ (Đối Diện, 2-1974)...

Trong bài “Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan nhìn từ phía người đọc trong nước”, Gs. Nguyễn Văn Trung đã viết: “Nhóm linh mục Chân Tín (CT), Nguyễn Ngọc Lan (NNL) cho ra tờ Đối Diện số 1 tháng 7 năm 1968. Xu hướng thiên Cộng càng ngày càng rõ rệt, lộ liễu, vì có một số bài làm người đọc tưởng đây là tờ báo của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam (GPMN) xuất bản ở thành phố. Theo anh Lý Chánh Trung đã có một trao đổi giữa anh và NNL, Lý Chánh Trung chủ trương cần kín đáo, dè dặt hơn. Và ông Tạ Bá Tòng phụ trách trí vận hồi đó cũng tán thành ý kiến của anh Trung (Lý)” (thangphai.blogspot.com). 

Ba ngòi bút chủ chốt của báo Đối Diện: 

Chủ nhiệm: Lm. Chân Tín. Lm. Chân Tín được Việt Cộng gài vào chức Chủ tịch của cái gọi là Uỷ ban vận động cải thiện chế độ lao tù Miền Nam Việt Nam. Sau 30-4-75, Lm. Chân Tín ra tranh cử Quốc hội Cộng sản, nhưng Cộng sản đã chọn một linh mục khác, đó là Lm. Huỳnh Công Minh, thành ra Lm. Chân Tín mờ nhạt dần đến chỗ trở lại chống Cộng sản (dĩ nhiên còn có thêm một số những nguyên do khác nữa). Trong tạp chí Văn Học số 124, trang 67, Gs. Nguyễn Văn Trung nhận xét về Lm. Chân Tín: “Linh mục Chân Tín khi làm chủ nhiệm báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chống Cộng rõ rệt, nhưng khi làm tạp chí Đối Diện thay đổi lòng chuyển sang CHỐNG CHỐNG CỘNG... Bây giờ linh mục lại chống Cộng!” 

Chủ bút: Gs. Nguyễn Ngọc Lan. Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan như hình với bóng, luôn sát cánh nhau. Học giả Cao Thế Dung ghi nhận: “Năm 1975, ông Nguyễn Ngọc Lan viết và công khai tuyên bố: ‘Chế độ CS ở Bắc Việt là chế độ không còn mối mọt’” (Cao Thế Dung. Công Giáo Việt Nam Trong Dòng Sinh Mệnh Dân Tộc. Dân Chúa xuất bản, 1988. Trang 240).

Theo Gs. Nguyễn Văn Trung, trong bài đã dẫn, thì “NNL còn phụ trách làm kinh tài, đổ ngoại tệ cho T4 (ký hiệu Chi khu Sài Gòn Gia Định), đi Khu nhiều lần. Còn việc lấy Nhà Dòng Chúa Cứu Thế làm cơ sở hoạt động cách mạng, thì Đứng Dậy số 100 (tháng 10.1977) đã tường thuật rồi. Dòng Bénédictine là một cơ sở cách mạng cũng do NNL móc nối”

Lm. Trương Bá Cần: Cũng trên báo Đối Diện, Lm.Trương Bá Cần viết bài “25 Năm Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Miền Bắc”, đăng 3 kì vào năm 1971, để ca ngợi CSVN. Vì bài này mà Đối Diện bị truy tố, khiến cho tự nhiên tạp chí vô danh này được nhiều người biết tới. Sau 1975, Lm. Trương Bá Cần nắm tờ Công Giáo Và Dân Tộc. Tờ này do một linh mục thiên Cộng khác ở Pháp tên là Nguyễn Đình Thi chuyển về VN cho nhóm Trương Bá Cần. Trên tờ Công Giáo và Dân Tộc, Lm. Trương Bá Cần đã khoe khoang thành tích cúc cung tận tuỵ “với Bác với Đảng” như sau: “Năm 1972, trong khí thế vô cùng phấn khởi của cuộc tiến quân anh dũng sau Trị Thiên, Tây Nguyên, Bình Long, Phước Long đang đem cuộc chiến tới hồi kết thúc, anh Phan Khắc Từ nhất định tổ chức lễ giỗ Bác một cách rộng rãi hơn mọi lần…Với ý định như vậy, chúng tôi họp nhau để làm giỗ Bác, chung quanh một bàn tiệc Thánh…Ý định của Thiên Chúa quả đã bắt đầu được thực hiện trên đất nước Việt Nam, nhờ công lao của Hồ Chủ tịch. Nếu Hồ chủ tịch muốn vào nước Trời, Người sẽ vào trước ai hết”. (Công Giáo Và Dân Tộc số 8, tháng 9.1975 và số 44 tháng 5.1976. Cao Thế Dung trích dẫn. Sđd). 

2. Vài nhận xét về Báo Đối Diện 

Nói chung, tất cả những tội gì Đối Diện nêu ra để tố cáo VNCH (làm tay sai cho đế quốc Mĩ, không bảo vệ được độc lập, không đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào, đàn áp bắt bớ, tham nhũng, bầu cử gian lận, vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp...) thì Cộng sản Việt Nam còn vi phạm trầm trọng gấp trăm lần, nhưng Đối Diện lờ đi, không bao giờ nói tới. Đối Diện chỉ một chiều bôi lọ, vu cáo VNCH với mục đích làm mất uy tín của VNCH đối với dư luận trong và ngoài nước, đồng thời xúi giục người dân chống chính quyền VNCH. 

Đành rằng tại Miền Nam còn những khiếm khuyết nhất định, xã hội Miền Nam chưa phải là toàn bích, nhưng nếu đem so sánh với chính quyền độc tài đảng trị ở Miền Bắc và chế độ Cộng sản vừa không tưởng vừa dối trá, tàn ác đã kềm kẹp toàn dân Miền Bắc trong đói khổ cùng cực suốt mấy chục năm, thì người dân sẽ lựa chọn bên nào? Giữa hai sự khốn khó, đương nhiên người ta sẽ chọn sự ít khốn khó hơn. 

Nếu là một người có nhận xét khách quan và công bằng, chắc chắn phải thấy rõ Cộng sản Hà Nội không đem lại cho dân cho nước nhiều độc lập, nhiều tự do, nhiều hạnh phúc hơn VNCH. Sau 30-4-1975, có biết bao nhiêu người từ Miền Bắc vào Nam đã có dịp so sánh thực trạng quá chênh lệch về mọi phương diện trong đời sống giữa hai miền đất nước. Thực trạng quá nghèo khổ và mất đủ mọi thứ tự do của dân chúng Miền Bắc, đã vạch trần bài viết “25 Năm Xây Dựng XHCH ở Miền Bắc” của Lm. Trương Bá Cần trên báo Đối Diện chỉ là một lời nói dối, một trò lửa đảo, một mánh khóe tuyên truyền. 

Nhìn ra thế giới bên ngoài, ngày nay nhân loại được chứng kiến và có đủ yếu tố để so sánh giữa thực trạng lầm than khốn khổ của dân chúng Bắc Hàn với cuộc sống phát triển thịnh vượng vượt bậc của người dân Nam Hàn. Thế giới cũng biết khi nước Đức thống nhất trở lại, Tây Đức tự do đã phải bỏ ra hàng trăm tỉ Đô la để vực dậy nền kinh tế của miền đất trước đây thuộc Đông Đức Cộng sản. 

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống chống ngoại xâm. Để khích động lòng yêu nước củadân chúng và giành lấy chính nghĩa, Đảng Cộng sản rêu rao khẩu hiệu “Chống Mĩ cứu nước” và tìm mọi cách tuyên truyền rằng họ phát động cuộc chiến là để bảo vệ độc lập cho nước nhà. Nhưng những gì đã diễn ra sau cuộc chiến (dâng đất, dâng biển cho Tầu; cho Tầu thuê dài hạn rừng đầu nguồn; cho Tầu khai thách bâu xít miền cao nguyên chiến lược; làm ngơ để Tầu xâm lăng và chèn ép nền kinh tế nước ta...), chứng tỏ tất cả chỉ là một trò bịp bợm khổng lồ. Rốt cuộc, sau khi người dân VN đã phải hi sinh quá to lớn, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, thì đất nước tuy được thống nhất, nhưng không được độc lập thật sự, không bảo toàn được lãnh thổ, không hề “sạch bóng quân thù”! Đúng như ông Ngô Đình Nhu đã cảnh báo về tai hoạ này trước đây cả nửa thế kỉ: “Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian” (Tùng Phong. Chính Đề Việt Nam. Sàigòn - Việt Nam. Trang 212). 

3. Các hoạt động công khai khác 

Ngoài những hoạt động báo chí, Nguyễn Ngọc Lan còn hăng say tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ và đã từng nếm khói lựu đạn cay, dùi cui, đã từng bị đá trúng “dinh độc lập”! Nguyễn Ngọc Lan cũng tích cực ủng hộ “Trùm sinh viên tranh đấu” Huỳnh Tấn Mẫm và cùng các thành phần tranh đấu “dàn chào” gây áp lực tại các phiên toà xét xử bọn sinh viên Việt Cộng. Ông và các linh mục cùng phe nhóm như Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Trần Thế Luân… luôn luôn khoác áo nhà tu trong mọi cuộc xuống đường tranh đấu. Mấy ông coi tấm áo thầy tu vừa như một thứ bùa hộ mạng, vừa để gây ấn tượng đối với dư luận trong và ngoài nước. Bởi thế, trong những năm rối loạn này, người ta thường thấy vài bóng áo chùng thâm sát cánh cùng với Ni sư Huỳnh Liên của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống hoặc nhập bọn với các kí giả để đi ăn mày… Trong đám kí giả đó, có một số là Việt Cộng hoặc thân Cộng như: Tô Nguyệt Đình, Nam Đình, Thiếu Sơn, Trần Tấn Quốc... 

III. NHỮNG HOẠT ĐỘNG LÉN LÚT 

Trở lên, đã thấy Nguyễn Ngọc Lan lợi dụng những quyền tự do dân chủ do Hiến pháp quy định để chống phá VNCH một cách công khai. Chưa đủ, Nguyễn Ngọc Lan còn tham gia các “hoạt động bí mật, lén lút”, và làm “kẻ thù giấu tên, giấu mặt... tránh sự lộ diện của mình”. 

Sau khi báo Đối Diện bị truy tố và bị đóng cửa, Nguyễn Ngọc Lan và Lm. Chân Tín in báo trên Thủ Đức, nhưng phịa ra là in tại Canada! In xong, họ nhờ một nữ tu già người Tây Ban Nha dùng xe Deux Cheveaux chở báo về Sài Gòn. Hành động này cũng là một hành động “lén lút” để “tránh sự lộ diện”, không phải là hành động của một nhà đối lập công khai hợp pháp. 

Đêm 30-4-1966, đi trên đường phố Đà Lạt cùng với Nguyễn Đắc Xuân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Trọng Thức, “chị” Sâm, ca sĩ Khánh Ly, Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã nói: “Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng” (Nguyễn Đắc Xuân. Thư gửi Hoạ sĩ Trịnh Cung. Huế, chớm Hè 2009. Damau.org). 

Như vậy, muộn nhất là từ 1966, Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã chọn đứng hẳn về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam VN, viết lách và hành động dưới sự chỉ đạo từ mật khu. Cán bộ điều khiển của Nguyễn Ngọc Lan là Tạ Bá Tòng. Đương nhiên, họ phải bí mật liên lạc với nhau. Núp dưới chiếc áo thầy tu, Nguyễn Ngọc Lan đã lập được nhiều công trạng, cho nên Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng chỉ thị phải bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan. Về điểm này, Trần Bạch Đằng xác nhận như sau: “Tôi nhớ, ở chiến khu, Bí thư T.Ư Cục - anh Phạm Hùng có lần bảo tôichú ý bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan, nghe đâu ông đi lại bằng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất dễ bị ám hại. Tôi truyền đạt ý trên cho anh Tạ Bá Tòng, người trực tiếp liên hệ với Nguyễn Ngọc Lan” (Trần Bạch Đằng. Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan. vietbao.vn). 

Sau đợt tổng tấn công vào Thủ đô Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Ngọc Lan đã bí mật ra “bưng” để ra mắt và nhận lệnh của Trần Bạch Đằng. Việc này lại càng phải bí mật hơn nữa. Trong hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức, trang 186, thuật lại cuộc tháo chạy khỏi Thủ đô Sài Gòn của Cộng quân sau khi bị Quân lực VNCH đánh cho chạy té khói, Trần Bạch Đằng cho biết: “Chúng tôi ngụ tại Tân Túc hai hôm và sau đó chuyển sang nam Bến Lức, xã Bình Chánh. Tại đây, tôi gặp Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Giáo sư Châu Tâm Luân, Cao Hoài Hà, nhà văn Thiếu Sơn, các Giáo sư Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí...” 

Khi Nguyễn Ngọc Lan qua đời, tác giả Lữ Phương (sinh viên tranh đấu hồi 1966, 67, 68) trong bài Tưởng Nhớ Một Người Anh Em, cũng xác nhận: “Đúng vào những ngày hôm đó, bằng một đầu mối khác, tôi cũng đã vào bưng như anh (tức Nguyễn Ngọc Lan), đúng cái nơi mà anh đã vào và cũng đã phải đi “chém vè” thục mạng dưới bom pháo dữ dội trong trận càn mà anh đã gặp. Sau đó cùng một số anh em khác (có Châu Tâm Luân, Thiếu Sơn…) anh trở về Sài Gòn, còn tôi thì ở lại, đội bom, nằm hầm bí mật mấy tháng, suýt chết mấy lần mới được chuyển lên R rồi ở lại đó mãi cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Cũng như anh, lúc đó tôi cũng đồng ý ra bưng gặp những người Cộng sản để tìm hoà bình cho đất nước (tôi được cấu tạo như thành viên của một tổ chức có cái tên lòng thòng là “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, khu Sài Gòn Chợ Lớn, Gia Định”), tưởng hoà bình đã đến trong tầm tay, nhưng rồi đã phải đợi chờ đến 7 năm sau mới có được nhưng với một nội dung ngoài sự hình dung của anh và tôi vào những ngày Mậu Thân năm ấy” (Diendan.org). 

Về việc làm sao mới có thể “đi khu” hay “đi bưng”, các đương sự phải tuân thủ từng bước một cách hết sức nghiêm ngặt. Trường hợp Nguyễn Ngọc Lan và đồng bọn chạy theo “Cách Mạng” quá vội vàng cho nên có thể đã đốt đi một số giai đoạn. Bình thường, để vào được tới “khu”, đối tượng phải tiếp xúc ít nhất từ 2 giao liên trở lên, phải áp dụng nguỵ thức, nguỵ trang, nguỵ danh, bí danh, bí số, mật khẩu, đường đi thay đổi bất ngờ để chống theo dõi. Thậm chí vào tới khu, các đối tượng đều phải bịt mặt để tránh lộ diện, họ chỉ có thể đoán ra nhau nhờ nghe giọng nói trong các buổi lên lớp... 

Sinh viên học sinh “đi khu” như vậy thì Nguyễn Ngọc Lan “đi khu” chắc chắn cũng phải theo một số những bước nghiêm ngặt ấy. Nghĩa là phải “giấu mặt, giấu tên, tránh sự lộ diện”. Tức là không thể gọi được là hành động công khai của một người hoạt động đối lập thuần tuý. 

Một sinh viên học sinh được chấm định “đi khu” để học tập, đại khái phải qua từng bước như sau: Được đánh giá là “hạt nhân quần chúng tốt” tuỳ theo thành phần gia đình và tư tưởng cá nhân có “tiến bộ” không, rồi tiến lên được kết nạp làm hội viên Hội Liên hiệp Học sinh, Sinh viên Giải phóng, lên nấc nữa là đoàn viên Đoàn Thanh niên CS (hay Thành Đoàn), mức cuối cùng là trở thành đối tượng kết nạp tạm thời vào Đảng và sau chót mới là đảng viên thực thụ. Mỗi đối tượng đều phải kinh qua thử thách và lập được những thành tích cụ thể trước khi được nâng lên một cấp.

Nguyễn Ngọc Lan là nhân vật nổi, có nhiều thành tích, cho nên trong “khu” (hay “bưng”) đánh giá ông rất cao. Nguyễn Ngọc Lan đã vào “khu” gặp Trần Bạch Đằng, nhưng may sao, ông chưa gia nhập Đảng, nếu không, chắc chắn đâu phải chỉ có “Nhóm 4 anh em chúng tôi Minh-Cần-Từ-Bích” (tức Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích)mà có tới “nhóm 5 anh em chúng tôi”. Trong thư riêng gửi cho Lãnh đạo Dân vận, Mặt trận và Ban Tôn giáo Tp. HCM ngày 25-12-1997, Lm. Vương Đình Bích viết: “Tôi đã thành khẩn nói với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên Cứu (thần học), mà là nhóm 4 anh em chúng tôi Minh-Cần-Từ-Bích đã được Lãnh đạo gầy dựng và giao nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo yêu nước tại thành phố này” (Tin Nhà số 32. Trang 18). 

Qua phần trình bầy trên đây, thiển nghĩ đã tạm đủ cho thấy luận điểm của Quỳnh Thi là sai lầm khi khẳng định Nguyễn Ngọc Lan đã hành xử quyền hoạt động chính trị đối lập, công khai và hợp pháp. Lập luận kiểu này chỉ có thể thuyết phục được những độc giả trẻ tuổi hoặc là những độc giả sống ở ngoài Bắc trước 1975, chứ không có thể che được mắt của những độc giả ở Miền Nam có chút quan tâm tới thời sự. 

Đang khi Quân đội VNCH nói riêng, và cả Miền Nam nói chung, hi sinh xương máu, chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của CSBV, để bảo vệ cho người dân Miền Nam, trong đó có Nguyễn Ngọc Lan và đồng bọn, được hưởng những quyền tự do căn bản, thì Nguyễn Ngọc Lan lại lợi dụng những quyền tự do Hiến định này để vừa hoạt động chống phá công khai, vừa hoạt động lén lút bí mật, tiếp tay cho cho CSBV thôn tính Miền Nam tự do. Như thế, không phải là vừa đâm thẳng vào mặt, vừa “đâm lén sau lưng chiến sĩ” thì là gì? 

IV. VỀ NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý KHÁC 

1. Bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn học trò 

“Ông đã chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của họ, chứng kiến bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn học trò của ông phải xếp bút nghiên lên đường tham gia cuộc chiến” (Quỳnh Thi. Đôi điều về bài viết “Lẽ đương nhiên” của Kiều Phong. 11-6-2007). 

Sự thật thì Gs. Nguyễn Ngọc Lan chỉ là “cha giáo” của một nhóm nhỏ tu sinh Dòng Chúa Cứu Thế, và một dạo là giáo sư thỉnh giảng Triết học ở Đại học Huế. Sinh viên theo môn Triết bao giờ cũng rất ít; hơn nữa, Đại học Huế toạ lạc tại một thành phố tương đối nhỏ. Cựu sinh viên Tuấn Nguyễn viết về lớp Triết của Gs. Nguyễn Ngọc Lan ở Đại học Huế trong bài Nhớ Cha Nguyễn Ngọc Lan như sau: “Lớp học chứng chỉ Luận lý và siêu hình học đâu chỉ vỏn vẹn có 6, 7 người, và khi nào cũng đông đủ” (Dactrung.net). Như vậy thử hỏi lấy đâu ra mà có “bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn học trò của ông phải xếp bút nghiên...”? 

2. Các giám mục Việt Nam có nể trọng Nguyễn Ngọc Lan không? 

Quỳnh Thi cho rằng: “Nguyễn Ngọc Lan cũng nổi tiếng về tính cách ngay thẳng, trung thực. Với tác phẩm Đường hay pháo đài, ông đã phê phán đường lối lãnh đạo của Giáo hội, khiến hàng giáo phẩm Công Giáo Việt Nam không hài lòng. Nhưng không vì thế mà sự nể trọng của các giám mục đối với ông giảm sút, vì ông là người dám nói sự thật theo đúng Tin Mừng” (Quỳnh Thi. Đôi điều về bài viết “Lẽ đương nhiên” của Kiều Phong. 11-6-2007). 

Tác giả Quỳnh Thi có quá lời chăng, có khẳng định điều mình không mấy thẩm quyền chăng? Làm gì có chuyện các giám mục phải “nể trọng” Nguyễn Ngọc Lan. Lúc đó, có thật là Nguyễn Ngọc Lan đã “dám nói sự thật” không? Và thế nào là “nói sự thật theo đúng Tin Mừng”? Nói “sự thật theo đúng Tin Mừng” đã khó, sống đúng Tin Mừng còn khó hơn? Nói mà không làm có khi lại là giả hình, là lạm dụng tôn giáo để tranh đấu hoặc mưu đồ chính trị đen tối. 

Sự thật thì khi còn giảng dậy tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, Gs. Nguyễn Ngọc Lan và Lm. Đinh Khắc Tiệu đã cổ xuý cho nền “Thần học Giải phóng” phát xuất từ Nam Mĩ. Do vậy, một số vị giám mục tỏ ý lo ngại khuynh hướng cấp tiến này sẽ bị lợi dụng và có thể là mầm mống gây khủng hoảng trong lòng Giáo hội CGVN. Giám mục Đà Lạt lúc đó là Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đã phải cấm Lm. Nguyễn Ngọc Lan không được làm công tác mục vụ trong phạm vi Giáo phận Đà Lạt (coi như phạt “treo chén”). 

Sau này, đôi khi Nguyễn Ngọc Lan còn nhắc lại vụ này một cách cay cú. Chẳng hạn như ông đã viết một bài báo có nhan đề là: Một giám mục không gậy không mũ là một thằng HÈN. Đây là thuật “chơi chữ” sâu cay sở trường của Nguyễn Ngọc Lan. Ông ta lấy tên của Giám mục HIỀN mà bỏ chữ I (tức cây gậy) và dấu mũ trên chữ E (cái mũ) thành ra chữ HÈN! 

Sự lo ngại càng lớn khi thấy Gs. Nguyễn Ngọc Lan từ Đà Lạt trở về Sài Gòn, vừa bằng ngòi bút vừa bằng hành động, đã tỏ ra hết sức hung hăng, tả xung hữu đột trong mọi cuộc tranh đấu chống phá chính quyền VNCH, gây xáo trộn thường xuyên ngay tại Thủ đô. Tuyệt nhiên, không ghi nhận một vị giám mục nào hoan nghênh phe nhóm Nguyễn Ngọc Lan. 

Thêm vào đó, còn nhớ một lần vào năm 1973, tôi cùng với một anh bạn thân được hầu chuyện Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình tại phòng khách Toà Tổng Giám mục và tôi đã hỏi tại sao Ngài không có phản ứng gì đối với đám linh mục thiên Cộng: Minh-Cần-Từ-Tín-Lan... thì Đức Tổng Giám mục trả lời ý chính như sau: Cha có quyền làm gì chứ, nhưng để yên vậy, ít ai biết tới hơn. Nếu cha có biện pháp này nọ thì lập tức họ nổi tiếng như cồn. Các đài phát thanh Giải phóng, đài Hà Nội, rồi bên Âu châu, Mĩ châu sẽ thi nhau khai thác ồn ào ngay... 

Xem như thế, lời khẳng định cho rằng các các giám mục vẫn nể trọng Nguyễn Ngọc Lan là không có căn cứ xác thực. 

3. Nguyễn Ngọc Lan có chỉ huy phong trào sinh viên tranh đấu không? 

Tác giả Quỳnh Thi ghi chú: “Cần phải nói thêm, trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, lúc mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang hồi ác liệt, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đi lại, điều phối, chỉ huy phong trào đấu tranh của các tổng hội sinh viên học sinh Miền Nam một cách công khai, bằng phương tiện xe máy bình thường như mọi người. Và ông vẫn tiếp tục đi dạy học hết trường này tới trường khác, từ Nam ra Trung. Chẳng ai dám đụng tới! Không phải vì ông có quyền lực gì khiến chính quyền khiếp sợ, mà vì ông được dân chúng, sinh viên học sinh, mọi giới kính trọng, yêu mến” (Quỳnh Thi. Đôi điều về bài viết “Lẽ đương nhiên” của Kiều Phong. 11-6-2007). 

Tác giả Quỳnh Thi không nắm vững tình hình sinh hoạt của các phong trào sinh viên học sinh tại Miền Nam. Nói vắn tắt: 

- Từ khoảng 1963-1966, hầu hết các phong trào sinh viên tranh đấu (đặc biệt là ở Sài Gòn) còn nằm trong tay các sinh viên Quốc gia như Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho, Trần Quang Trí, Tô Lai Chánh. 

- Từ khoảng 1966 tới cuối 1971: Các chi bộ Cộng sản chi phối được Tổng hội SVSG và một số Phân khoa tại Đại học Sài Gòn. Thế là xuất hiện những tên tuổi như Hồ Hữu Nhựt, Lữ Phương, Trần Triệu Luật, Nguyễn Đăng Trừng, Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Tôn Thất Lập, Hà Thúc Thoan, Huỳnh Thiện Kim Tuyến, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Cao Thị Quế Hương, Trầm Khiêm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Thị Yến, Phan Nguyệt Quờn, Huỳnh Quan Thư, Hạ Đình Nguyên, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, học sinh Lê Văn Nuôi...

- Từ cuối 1971 cho tới 30-4-1975, các chi bộ CS và các sinh viên thân Cộng hoàn toàn bị loại khỏi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và các Phân khoa. 

Như vậy, vì Nguyễn Ngọc Lan chống chính quyền Quốc gia, đương nhiên ông không dính dáng tới các tổ chức sinh viên Quốc gia khoảng thời gian 1963 tới 1966. 

Đối với các tổ chức sinh viên thân Cộng, cao lắm ông chỉ dùng chút tên tuổi của mình và chiếc áo dòng để yểm trợ cho hoạt động của những tổ chức do các chi bộ thuộc Thành Đoàn Cộng sản điều khiển, chứ ông không có vị thế nào để “điều phối, chỉ huy” các phong trào sinh viên học sinh thiên Cộng này. Các chi bộ Cộng sản “hoạt động trong lòng địch” này được chỉ huy chặt chẽ bởi các cán bộ Cộng sản cốt cán và xuất sắc nhất. 

Từ cuối 1971 tới 30-4-1975, các tổ chức sinh viên học sinh thiên Cộng hoàn toàn bị quét sạch khỏi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và các Phân khoa thì Nguyễn Ngọc Lan lại càng không có chút ảnh hưởng nào đối với Tổng hội SVSG và với ban đại diện của các Phân khoa nay nằm trong tay các sinh viên khuynh hướng Quốc gia. 

Thực tế, Nguyễn Ngọc Lan có ảnh hưởng đối với một số rất ít sinh viên Công giáo thân Cộng thuộc tổ chức Thanh Lao công và nhóm cựu học viên Dòng Chúa Cứu Thế. Nhóm Thanh Lao công Vườn Xoài như: Nguyễn Văn Ngọc (1), Đoàn Khắc Xuyên (cựu tu sĩ Phanxicô), Nguyễn Xuân Hàm, Nguyễn Xuân Phổ, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Chí Thành, Trịnh Viết Trung, Vũ Sĩ Hùng, Phạm Văn Phổ (Khoa Học)... Nhóm cựu học viên Dòng Chúa Cứu Thế như: Vũ Sinh Hiên (2), cựu Linh mục Nguyễn Nghị... Kể luôn một số nữ sinh viên và học sinh Công giáo thường xuyên sinh hoạt với Nguyễn Ngọc Lan, trong đó có cô Thanh Vân là người đến năm 1976 trở thành bà xã của ông. 

4. “Chẳng ai dám đụng tới!” Nguyễn Ngọc Lan 

Điều này có phần đúng. Một phần có thể là vì chính quyền chưa nắm được bằng chứng chính xác ông “đi khu”, phần khác là nhờ cái áo chùng thâm nhà tu của ông bao bọc che chở cho ông. Vả lại cái mạnh của chế độ tự do là ở thời bình, nhưng ngược lại, chế độ tự do trở thành rất yếu trong thời chiến, nó bó chân bó cẳng chính quyền. CSVN cũng là người Việt cho nên họ dễ xâm nhập trà trộn, họ lại được huấn luyện cực kì kĩ lưỡng để hoạt động bí mật, để hoạt động khuynh loát chính quyền; họ dám dùng bạo lực, và mọi mánh khoé, mọi thủ đoạn. Họ sẵn sàng bắt và tiêu diệt bất cứ ai cản trở con đường của họ hoặc ngay cả không theo họ. Trong khi đó, Chính phủ VNCH phải tôn trọng luật pháp, không đuợc bắt bớ ai nếu không có đủ bằng cớ phạm pháp. Trường hợp bắt do tình nghi, chỉ được tạm giam trong một thời gian ngắn để điều tra, nếu không đủ chứng cớ, bắt buộc phải thả ra. Thêm vào đó, chính quyền VNCH còn bị bó tay bởi các chính phủ và dư luận của các nước Âu Mĩ, nhất là Hoa Kì. Vì thế, mặc dù biết có những kẻ hoạt động cho Cộng sản, cơ quan an ninh VNCH vẫn chỉ theo dõi, không tiện bắt giữ. Nguyễn Ngọc Lan là một trong số những trí thức phản chiến, thiên Cộng được chế độ tự do Miền Nam bảo vệ để họ tha hồ hoạt động chống lại chính cái chế độ đó. 

5. Nguyễn Ngọc Lan có “đâm sau lưng chiến sĩ” không? 

Ngày 18-6-2007, trong một bài viết ngắn trên Talawas để trả lời Bs. Trần Văn Tích (Giáo sư Y khoa Đại học Minh Đức, y sĩ trưởng bệnh xá Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo VNCH, hiện cư ngụ tại Đức quốc), Quỳnh Thi vẫn nhất quyết cho rằng Gs. Nguyễn Ngọc Lan chỉ là nhà đối lập như bao nhà đối lập khác ở Miền Nam. Theo bà, những chính khách xôi thịt, những tay buônbán vũ khí, thuốc Tây, lương thực với Việt Cộng, những viên chức chính quyền và quân sự tham nhũng, lính ma lính kiểng, những cấp chỉ huy bỏ lính chạy... mới là những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ. Chúng tôi đồng ý ngay với tác giả Quỳnh Thi khi cho rằng những kẻ buôn bán với Việt Cộng, tham nhũng, buôn lậu, lính ma lính kiểng, cấp chỉ huy bỏ lính chạy... đều là những kẻ đâm sau lưng chiến sĩ. 

Thực sự là có nhiều loại người đã đâm sau lưng chiến sĩ. Ở đây, chỉ nói về nhân vật Nguyễn Ngọc Lan, không mở rộng ra tới các loại người đâm sau lưng chiến sĩ khác. Trong luật pháp có nguyên tắc: Không thể nại cớ thấy người khác phạm pháp mà cho là mình cũng được phép phạm pháp. Thí dụ: Lái xe vượt đèn đỏ..., nếu bị bắt, đương sự không thể nại lí do thấy kẻ khác cũng làm như vậy. 

Như phần đầu đã trình bầy, Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã vượt quá vị trí của một nhà hoạt động đối lập theo Hiến định, đã thiên Cộng rõ ràng. Xin nhắc lại, ngay từ đêm 30-4-1966, đi trên đường phố Đà Lạt cùng với Nguyễn Đắc Xuân, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Trọng Thức, “chị” Sâm, ca sĩ Khánh Ly, Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã nói: “Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng” (Nguyễn Đắc Xuân. Thư gửi Hoạ sĩ Trịnh Cung. Huế, chớm Hè 2009. Damau.org). Từ đó, ông làm ngơ trước mọi tội ác của Cộng sản, chỉ một chiều cáo giác phía VNCH, mục đích làm suy yếu VNCH. Nguyễn Ngọc Lan đã hoạt động chống chính quyền vừa công khai vừa lén lút và đã từng bí mật ra “khu”... Do đó, nói cho đầy đủ thì Nguyễn Ngọc Lan vừa là kẻ đâm thẳng vào mặt chiến sĩ vừa là kẻ đâm sau lưng chiến sĩ. 

V. HÍ HỬNG BỢ ĐỠ CỘNG SẢN 

1. Trước 30-4-1975 

Khi còn bợ đỡ Cộng sản, Nguyễn Ngọc Lan viết lách và ăn nói hết sức phóng túng. Ông đã gán ghép các đặc ngữ Công giáo vào những bài viết loại trở cờ, còn gọi là loại “ba mươi tháng tư” như: “Tin Mừng Ngày Giải Phóng”, “Anh em ơi hãy vui mừng, đó là tin mừng cứu độ được gửi tới anh em” (mượn ý tên một Hiến chế lừng danh của Giáo hội Công giáo. Đó là Hiến chế Gaudium et Spes: Vui Mừng và Hi Vọng). 

Nhớ lại hồi trước 1975, ông đã từng viết: “Chúa hôm nay vẫn ở ngoài đường”, “Xin được chối từ Thiên đường”, “Chiến tranh của 500.000 lính Chúa Kitô”, “Chúa sắp vác chiếu ra toà”... 

Vào khoảng Tháng 4-1975, khi thấy tình hình đang trên đà thắng lợi cho phía Cộng quân, Nguyễn Ngọc Lan bộc lộ huỵch toẹt xu hướng thiên Cộng của ông ta, đặc biệt là qua những bài giảng tại nhà thờ Phú Quý và nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đường Kỳ Đồng và được đăng trên báo Đứng Dậy. 

Báo Đứng Dậy số ra ngày 15-4-1975 đã đăng bài “Chúa hôm nay và ngày mai” (ghi âm bài giảng Tin Mừng ngày Chúa nhật 06-41975 tại nhà thờ đường Kỳ Đồng), đại ý nói: “Cách mạng sắp đến là giờ của Chúa, có thể anh em bị thử thách, nhưng để đức tin của anh em được tôi luyện, nếu anh em có đức tin và đừng cứng lòng tin, thì sẽ thấy hoàn cảnh chúng ta sắp rời bỏ không phải là lý tưởng, thuận lợi cho sự phát triển của đức tin; vì đó là xã hội thối nát... và vì thế, anh em đừng nhốt Chúa trong hộp đá, là cái thế giới tự do này từ lâu rồi, và Chúa không còn thở nổi nữa. Còn hoàn cảnh mới, dầu có khó khăn đi nữa, thì chắc gì Chúa chẳng đến với chúng ta dễ dàng hơn, qua nếp sống công bằng tình thương chia sẻ đó”. 

2. Sau 30-4-1975

Sau ngày 30-4-1975, báo Đứng Dậy, số 70 ngày 04-7-1975, tiếp tục đăng 3 bài giảng của Nguyễn Ngọc Lan, cũng tại 2 nhà thờ nói trên: 

Bài giảng Chúa nhật đầu tiên sau ngày Miền Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm, tức ngày 04-5-1975, Nguyễn Ngọc Lan nói trên toà giảng tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế như sau: “... 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, sau bao nhiêu tháng ngày hoang mang, lo lắng, sợ hãi hay hồi hộp mong chờ. Hoà bình đã đến trên đất nước ta, hoà bình đã đến như phải đến đã đành, nhưng đặc biệt hoà bình lại đến mà không đi qua biển máu lửa, đổ nát tại Sàigòn như mọi người đã phải lo ngại hay tiên đoán”. 

“Chúng ta đang sống trong 1 tuần lễ phi thường, có 1 không 2 trong cuộc đời chúng ta, cũng như trong lịch sử đất nước ta... 30 tháng 4: ngày vui chung, niềm vui lớn; mà những sự kiện ngoài đường, như là những tín chỉ, điềm lành; chẳng hạn khuôn mặt anh em bộ đội đi vào thành phố Sài Gòn, tư cách khiêm tốn, đạo đức của họ, đã làm cho tôi nói đùa với một ông thiếu tá: “... giá như quân đội Sài Gòn của anh vừa chiến thắng, xông vào thành phố Hà Nội; thì hầu như ngay ngày đầu tiên, đã có hàng chục ngàn đàn bà, con gái bị hãm hiếp... Mặc dầu họ phê bình quá nặng, nhưng không oan đâu: Thành phố Sài Gòn thật nguy nga, linh tinh lắm, nhưng trẻ con thì mất dạy”. 

Bài giảng Chúa nhật thứ hai, 11-5-1975, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Nguyễn Ngọc Lan giảng bài “Tại sao cứ đứng đó mà nhìn lên Trời”, ông nói: “Hoàn cảnh chúng ta đang sống không khác gì giờ phút đặc biệt của các đồ đệ chúa Yêsu đứng mải mê nhìn Trời, chúng ta cũng có khuynh hướng mải mê nhìn lại quá khứ, mà quên tiến về tương lai. Hỡi những tín hữu Miền Nam, tại sao còn đứng lặng đó mà nhìn vào đâu mê mải, tiếc nuối 1 quá khứ, mà không nhận ra nước Chúa ở đâu; 1 nơi thì tinh khôn, chụp giật, gạt gẫm, 1 nơi thì mộc mạc, thật thà” (Nguyễn Văn Trung. Bđd). 

Rồi ông ca ngợi con người Xã hội chủ nghĩa Miền Bắc tốt hơn hẳn con người sống ở Miền Nam: “Thế thì, thưa anh chị em, giữa hai giới đồng bào kia, một bên mộc mạc thật thà như thế, một bên quá tinh khôn và sẵn thói chụp giật, gạt gẫm như thế, chúng ta có thể tự hỏi: Chúa đang có mặt phía nào hơn. ‘Nước Trời’ đang bắt đầu tỏ hiện từ phía nào hơn” (Nguyễn Antôn. Công Giáo Miền Nam sau 30-4-75. Dân Chúa xuất bản. Trang 112,113). 

Ngày Chúa Nhật thứ ba, 18-5-1975, Lễ Hiện Xuống, Nguyễn Ngọc Lan giảng bài “Ngàn năm một thuở”, ông nói: “Cách mạng là đổi đời, đổi thế giới, chỉ chấm dứt vương quyền trên Israel. Đó là một mất mát, nhưng mất mà được, vì có thuận lợi đón nhận năng lực, khí phách Chúa Thánh Thần. Cách mạng giải phóng đặc biệt cho Giáo hội, vì kéo Giáo hội ra khỏi xã hội chỉ... nuôi béo con người cũ, chỉ thuận lợi cho vương quyền Israel, phản lại hẳn về thực chất nước Thiên Chúa. Lễ Hiện xuống 1975 là cơ may tuyệt vời để Giáo hội đi vào nếp sống mới đích thực hơn, với hy vọng chính đáng là càng mất quyền hành, thế lực, phương tiện bao nhiêu thì càng được Chúa Thánh Linh ban cho năng lực, khí phách anh hùng và đức yêu thương, vị Phụ tá của mình mỗi buổi sáng” (GS. Nguyễn Văn Trung. Bđd.). 

Để kỉ niệm 30 Năm Cách Mạng Tháng 8, trong Lời Nói Đầu số báo 71, nhan đề “Con đường đã vượt qua và con đường sẽ đi tới”, kí tên là ĐD, Nguyễn Ngọc Lan xác định lập trường của báo Đối Diện như sau: “... đã không ngừng chống lại đế quốc và nguỵ quyền tay sai, nhưng không phải chỉ trong một nhãn giới đối lập và cải lương - mà là, với ý tưởng cách mạng. Ngày nay Cách mạng đã thành công, thế đứng của ĐD (tức báo Đứng Dậy, thối thân của báo Đối Diện) đương nhiên đổi mới. Góp phần củng cố và xây dựng CM trở thành nhiệm vụ đương nhiêncủa ĐD, để trung thực với chính mình, đi đến con đường mình đã chọn. 

ĐD thú nhận trong giai đoạn đã qua, ĐD đã hoàn toàn tiêu cực, đối với chế độ Sài Gòn, vì nó đã đem hết nỗ lực vào việc phá hoại 1 chế độ bóc lột và thối nát toàn diện và tự nền tảng” (GS. Nguyễn Văn Trung. Bđd. Trang 5, 6). 

Như thế là quá rõ ràng: Nguyễn Ngọc Lan theo Cộng sản, tiếp tay cho Cộng sản xâm chiếm Miền Nam VN. Coi như ông đã “kịp chuyến tầu” (cách nói của Sức Mấy Đinh Từ Thức). 

VI. BỊ THẤT SỦNG VÀ BỊ ĂN ĐÒN 

Nguyễn Ngọc Lan đã “kịp chuyến tầu” Cộng sản, nhưng thật đáng tiếc cho ông, khi tầu cập bến thì ông bị Cộng sản đá văng ra, không thương tiếc. Cộng sản dùng thứ thiệt như “Nhóm 4 tên” Minh - Cần - Từ - Bích cho chắc ăn (tức là các Linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích), chứ không dùng những tay trí thức “lãng mạn” như ông. Sau khi ra đến số 114, tháng 12 -1978, Cộng sản bắt báo Đứng Dậy của ông (thối thân của Đối Diện, Đồng Dao) phải nằm xuống không được “đứng dậy”, phải chết. 

Thật vậy, Nguyễn Ngọc Lan “vinh dự” là một trong 25 nhân vật Miền Nam được chọn đi quan sát Hội nghị hiệp thương thống nhất đầu tháng 9-1975 tại Hà Nội. Khi về Nam, ai cũng khôn hồn lo trả bài, còn ông cứ tưởng bở như xưa, cho nên đã dại dột nói lên cả cái tốt lẫn cái chưa tốt trong bài Hà Nội Tôi Thế Đó (có kẻ “xỏ lá” đọc lái ra là Hà Nội Tồi Thế Đó). Chẳng hạn như thuật lại căn nhà khi ông rời Hà Nội trước 1954 nay trở lại thấy nước vôi cũ vẫn còn y nguyên... Hậu quả là Lm. Huỳnh Công Minh được phái tới gặp ông và nói: “Thôi thì tờ Đứng Dậy đã “hoàn thành nhiệm vụ” của nó rồi, mình tính sang chuyện khác. Lãnh đạo tính nhờ anh đứng chủ bút tờ báo Thần học Công Giáo” (Nguyễn Văn Lục. Nói Về Một Người Sắp Sửa Ra Đi: Nguyễn Ngọc Lan. Huongduongtxd.com). 

Gs. Nguyễn Văn Trung còn tiết lộ, sau khi Nguyễn Ngọc Lan đi gặp Võ Văn Kiệt về thì ông ta than với Gs. Nguyễn Văn Trung: “Bây giờ tôi chỉ còn giấy Chứng minh nhân dân”! (Gs. Nguyễn Văn Trung. Bđd.). 

Đúng thế, sau khi ra số cuối cùng 114 vào cuối năm 1978 vì “đã hoàn thành nhiệm vụ”, báo Đứng Dậy phải đình bản, cuộc sống của vợ chồng Nguyễn Ngọc Lan lâm vào hoàn cảnh bi đát. Ông đã tâm sự với nhà văn Thế Uyên: “Tôi bây giờ còn thua cả số phận của anh nữa. Hộ khẩu thường trú của tôi là toà soạn, bây giờ xin chuyển về nhà riêng, Công an nhất định không cho. Tôi không có hộ khẩu, không có quyền mua gạo, không được vô bệnh viện, không được di chuyển, TÔI KHÔNG CÒN HIỆN HỮU, TÔI KHÔNG CÒN CÓ MẶT TRÊN THẾ GIAN NÀY NỮA... Tôi (Thế Uyên) an ủi anh (NNL): Dù sao anh vẫn còn được tự do và vẫn còn có chị (tức Thanh Vân, vợ của NNL)” (Hồi ký của Thế Uyên. Nguyễn Văn Trung và Những Người Công Giáo Bạn Tôi. Phụ bản Tin Nhà số 4. Paris, Hè 1991. Trang 10). 

Đến đây thì ông mới vỡ lẽ ra. Ông mất tờ báo tức là ông mất hết “quyền lực”. Thế là ông quay ra chống Cộng. Bạn bè cũ của ông mỉa mai: Giả như Nguyễn Ngọc Lan vẫn còn giữ được cơ quan ăn nói, đã chắc gì ông chống Cộng? 

VII. VÀI NHẬN XÉT 

Tóm lại, chúng tôi công nhận Gs. Nguyễn Ngọc Lan có trình độ và bằng cấp cao, đỗ Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne với luận án về Thuyết Tiến Hoá (Nguyễn Văn Lục. Bđd.), có tài viết bút chiến sắc bén. Giọng văn ông đôi khi thông minh, dí dỏm, nhưng sâu cay, độc địa cho nên dễ làm cho đối phương buồn phiền, oán hận. Tư tưởng ông cấp tiến và quá lí tưởng, đến độ ảo tưởng. Còn lập trường chính trị của ông hồi đó thật sự là một chiều, bất công, phe phái, thiếu khách quan, rất bất lợi cho VNCH và đương nhiên ông trở thành kẻ có công lớn đối với Cộng sản. Đáng chú ý nhất là ngay từ năm 1966, Gs. Nguyễn Ngọc Lan (lúc đó còn là linh mục) đã chọn đứng hẳn về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, một tổ chức do Cộng sản Bắc Việt thành lập và điều khiển trực tiếp bởi Trung ương Cục Miền Nam, tức Cục R. 

Ngày 28-02-2007, hai ngày sau khi Gs. Nguyễn Ngọc Lan qua đời, Trần Bạch Đằng viết bài Tiễn Biệt Anh, Anh Nguyễn Ngọc Lan. Trong đó, có đoạn tuyên dương công trạng như sau: “Tôi nghĩ rằng nỗi buồn ấy không chỉ riêng của cá nhân tôi bởi trong phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở thành phố Sài Gòn anh được biết đến như một người xung trận quả cảm, đồng hành với trí thức, học sinh, sinh viên, phật tử và đồng bào nói chung, nếu chúng ta nhớ thái độ của anh đối với sự hy sinh của Nhất Chi Mai, của công nhân Hãng pin Con Ó và nổi lên cuộc chống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu cùng tai hoạ do cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ gây trên đất nước chúng ta” (vietbao.vn). 

Nhận xét cuộc đời GS. Nguyễn Ngọc Lan, thấy ông có tính bất mãn kinh niên, sống trong bất cứ môi trường nào ông cũng sẵn sàng phản kháng, khi còn tu cũng như khi cởi áo dòng ra sống ngoài đời. GS. Nguyễn Văn Lục đã lột tả tính khí ông vừa chính xác vừa rất dí dỏm: “Tôi chỉ có một nhận xét về Nguyễn Ngọc Lan như thế này. Không ở chế độ nào mà ông không là người đối lập. Đối lập là lý lẽ đời ông. Từ chối, phủ nhận, tranh đấu, bất đồng ý kiến, chính là bản thân con người của một trí thức khuynh tả. Mai mốt ông đi về nhà Cha thật là nước Thiên Đàng. Ở trên ấy chỉ có sướng. Một ngày nào đó ông sẽ bực mình hỏi Chúa rằng: Tại sao tôi lại sướng như thế này?” (Nguyễn Văn Lục. Nói Về Một Người Sắp Sửa Ra Đi: Nguyễn Ngọc Lan. Huongduongtxd.com). 

Với cá tính ấy, cho nên khi bị Cộng sản bạc đãi, Gs. Nguyễn Ngọc Lan không chịu được, ông ngoái cổ lại cắn vào gót chân chúng. Phản ứng như thế, đối với Cộng sản, chúng coi như là phản ứng của một con chó dại, cần phải thủ tiêu ngay. Đúng vậy, ngày 04-5-1998, Cộng sản sai bọn “ưng khuyển” kết liễu đời Gs. Nguyễn Ngọc Lan bằng cách đạp cho ông và đàn anh của ông là Lm. Chân Tín té xe Honda trên đường đi đám tang tay Cộng sản gốc Miền Nam, bất mãn và phản tỉnh là Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn). Theo tờ Tin Nhà số 34, tháng 7, 1998, Pháp, trang 20, thì “Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan bị bất tỉnh ngay tại chỗ, mất nhiều máu, đưa vào bệnh viện khâu năm mũi ở đầu và bị nứt xương vai. Chụp scanner thấy trong đầu có máu bầm... Chân Tín bị xây xát”. (Đọc thêm bài: “Tạ ơn đời, tạ ơn Trời, tạ ơn từng bạn và tất cả các bạn” của Nguyễn Ngọc Lan. Tin Nhà số 35, Tháng 9-1998. Trang 23). 

Cuộc chiến đã lui vào dĩ vãng, nhưng những chiến sĩ đã miệt mài chiến đấu chống Cộng sản bảo vệ Miền Nam tự do sẽ còn ôm mối hận cay đắng mãi cho tới ngày xuôi tay nhắm mắt vì bị những kẻ ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản này đâm sau lưng. 

Thực ra, trong chiến tranh Việt Nam, có nhiều trí thức giỏi chuyên môn nhưng dường như hiểu biết về Cộng sản rất ít, cho nên, một là đã hí hửng “theo đóm ăn tàn”, hai là đã để Cộng sản lợi dụng một cách quá dễ dàng. Trong số đó có những tên tuổi quen thuộc như: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa, Ngô Bá Thành... Nhóm Dương Văn Minh như Hồ Ngọc Nhuận, Trần Ngọc Liễng, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Ngô Công Đức... Một số giáo sư đại học như: Lê Văn Hảo, Châu Tâm Luân, Lý Chánh Trung, Trần Kim Thạch... Một số linh mục như: Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan KhắcTừ, Vương Đình Bích, Trần Tam Tỉnh (Canada), Nguyễn Đình Thi (Pháp), Lưu Hồng Khanh và Nguyễn Thế Hiển (Đức)... Đâu phải chỉ có Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan. 

Thế nhưng, sau khi Cộng sản chiến thắng, tất cả những trí thức này cùng với tất cả những tổ chức cò mồi đều lần lượt bị Cộng sản đào thải, kể luôn cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Chính sách cố hữu của người Cộng sản là “Được chim bẻ ná, được cá quên nơm” và “Hết mùa đi săn, chủ giết chó săn”. 

Cũng may, từ khi “bị thất sủng”, Gs. Nguyễn Ngọc Lan và Lm. Chân Tín đã tìm về đường ngay nẻo chính. 

Mùa Chay Tháng 4-1990, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, Lm. Chân Tín đã giảng 3 Bài Giảng Sám Hối: Sám Hối Cá Nhân, Sám Hối Trong Lòng Giáo Hội, Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc. 

Mở đầu bài giảng Sám Hối Cá Nhân, LM. Chân Tín nói ngay: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước nhất”. Nói thế, nhưng ông không chính thức nói lời sám hối về những hoạt động có lợi cho Cộng sản của ông trước đây. Ông không đủ can đảm nói lời xin lỗi nước VNCH và đồng bào Miền Nam tự do. Song ông đã dán tiếp nói lên tâm tình sám hối của ông bằng cách diễn giảng quan niệm sám hối “không phải đấm ngực khóc lóc... không phải chỉ có ân hận...”, nhưng “sám hối là đổi mới sau khi đã ân hận”. Có lẽ ông đã kín đáo ám chỉ bây giờ lời nói, hành động của ông đã khác trước, tức là ông đã đổi mới, chứng tỏ ông đã sám hối chăng? Lm.Chân Tín lặp lại quan niệm sám hối này trong bài giảng Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc: “Chúng ta thấy Liên Xô và các nước Đông Âu đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới” (viethoa.nl và Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ và Cho Quốc Hội. Tph. HCM. Trang 406). 

Cũng vậy, Gs. Nguyễn Ngọc Lan, tuy không chính thức nhận lỗi như cha con cụ Vũ Đình Huỳnh và Vũ Thư Hiên trong Đêm Giữa Ban Ngày, nhưng việc viết lách của ông đã khác trước 180 độ. Bộ 3 tập Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan: Nhật Ký 1988, Nhật Ký 1989 1990, Nhật Ký 1990 - 1991, đều do Tin Nhà Paris xuất bản, đã phản ánh sự chuyển biến lập trường của ông. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Gs. Nguyễn Ngọc Lan còn có thể để lại tiếng nói theo cách của riêng ông, không đến nỗi như Nhất Chi Mai “Chết Mới Được Lên Lời” (nhan đề tập sách nhỏ và mỏng của Nguyễn Ngọc Lan ca ngợi sinh viên Nhất Chi Mai tự thiêu cầu nguyện hoà bình).

Một khi đã thay đổi lập trường và lên tiếng phê phán chống lại Cộng sản, đương nhiên Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan phải chấp nhận hi sinh, phải chấp nhận đòn thù của Cộng sản. Vì 3 tập Nhật Ký, ngày 05-8-1990, công an tới khám xét nhà của Gs. Nguyễn Ngọc Lan và tuyên lệnh quản thúc ông 3 năm tại gia. Vì 3 Bài Giảng Sám Hối, Lm. Chân Tín bị phát vãng 3 năm ra Cửa Cần Giờ. Đặc biệt nghiêm trọng là việc Gs. Nguyễn Ngọc Lan và Lm. Chân Tín bị mưu sát ngay trên đường phố Sài Gòn như đã thuật lại trên đây. 

Sự chuyển biến tư tưởng của Gs. Nguyễn Ngọc Lan và Lm. Chân Tín tuy muộn màng, song vẫn hơn là không bao giờ. 

Tháng 12-2010, bổ sung tháng 6-2013 

Ghi chú

1. Từ sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Văn Ngọc, sinh viên Công giáo Khoa học hoạt động nằm vùng, từng làm Tổng Thư kí Tổng Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam. Trụ sở: Trung tâm Phục Sinh, 229 Hiền Vương, Sàigòn. Sau 30-4-1975, Ngọc làm ở Thành Đoàn, rồilàm Phó Trưởng Ban Tôn giáo đặc trách khối Kitô Giáo (1998-2003?) trong Ban Tôn giáo của chính phủ Hà Nội. (Theo Đỗ Hữu Nghiêm. Tập Thể Sinh Viên Công Giáo Việt Nam. Dunglac.org). 

2. Vũ Sinh Hiên vừa là học trò vừa là bạn của Gs. Nguyễn Ngọc Lan. Do đó, suy nghĩ của Vũ Sinh Hiên chịu ảnh hưởng rất lớn từ Gs. Nguyễn Ngọc Lan. Hồi Gs. Nguyễn Ngọc Lan còn tung hô “Cách Mạng” thì Vũ Sinh Hiên cũng mon men kiếm chút điểm với chế độ mới. Trên Đối Diện số 71, ngày 19-8-1975, Vũ Sinh Hiên viết: “CMT8 tôi tròn 4 tuổi rưỡi... cho đến khi lớn lên. Bẵng đi một thời gian, cho đến lúc vào đại học, chẳng ai dạy tôi về CMT8. Bây giờ tuy tôi đã không có mặt lúc khởi điểm, nhưng những công việc bề bộn còn đó... đòi hỏi sự đóng góp của mọi người. Tôi xin được xếp hàng vào hàng những người đến sau chân thành này” (Gs. Nguyễn Văn Trung. Bđd .Tr. 27). “Khi Đại hội Đảng họp, Vũ Sinh Hiên mượn cơ hội này, viết thư gửi một người xa quê hương, nêu một vài ý nghĩa về sự kiện quan trọng, có tính cách lịch sử đang diễn ra - mà nếu tác giả ở địa vị kẻ xa kia, thì không thể nào có được... Những lần Đại hội Đảng trước, tác giả không được ai cho biết; nhưng lần này, tác giả được sống trọn vẹn từng ngày, chuẩn bị họp đại hội, nên hiểu được những mái tóc bạc phơ ấy, đâu có phải một tay võ biền từ trời rớt xuống, một trò công kênh, sau một cú chỉnh lý chỉnh liếc. Cứ nhìn các kẻ thù đã thua chạy, từ thực dân Pháp, phát xít Nhật, đến đế quốc Mỹ; cứ nhìn lại các chặng đường đã đi, dài dằng dặc, những kiên trì, liên tục, sáng tạo và đều đặn ấy... Tôi hiểu được rằng Đảng phải thế nào đó, mới có thể lãnh đạo dân tộc đi những bước kỳ diệu như chúng ta đã thấy...” (Đứng Dậy số 91-92, tr. 21-20). 

Vũ Sinh Hiên là anh ruột của Vũ Đức Vượng, kẻ từng gây lình xình dư luận một dạo về vụ Trung tâm tái định cư người tị nạn Đông Nam Á (The Center for Southeast Asian Refugee Resettlement) ở Bắc California. Vũ Đức Vượng về hoạt động thường xuyên ở Việt Nam  và đã nhiều lần được Cộng sản Việt Nam tưởng thưởng.

BẠCH DIỆN THƯ SINH


Bài liên quan:

- Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Lời Giới Thiệu
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 1
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 2
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 3
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 4
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 5

- Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 6 
Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 7


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209