Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 12



 Bài 12 - PHẢN ỨNG CỦA LÊ HIẾU ĐẰNG, ĐÀO HIẾU VÀ HẠ ĐÌNH NGUYÊN VỀ VỤ ÁN SINH VIÊN PHƯƠNG UYÊN 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH



Nói cho đầy đủ thì vụ án này là vụ án hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Còn Lê Hiếu Đằng, Đào Hiếu và Hạ Đình Nguyên là 3 cựu sinh viên ngày xưa đã tham gia đấu tranh tích cực chống “Mỹ Nguỵ”, dưới sự chỉ đạo của Thành Đoàn Cộng sản (Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh hoạt động nội thành Sài Gòn - Gia Định, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là Thành Đoàn Cộng sản). 

I. SƠ LƯỢC VỤ ÁN SINH VIÊN NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN, ĐINH NGUYÊN KHA

 Nguyễn Phương Uyên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh và Đinh Nguyên Kha, sinh viên Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Cả hai bị bắt vào tháng 10-2012, vì bị ghép tội rải truyền đơn với nội dung phản đối Tầu Cộng xâm lược Biển Đông và lên án nạn tham nhũng, bất công trong xã hội Việt Nam hiện nay. 
Vụ án kết thúc ngày 16-5-2013. Toà Long An buộc cho 2 sinh viên tội “tuyên truyền chống nhà nước” và tuyên án sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, 6 năm tù, 3 năm quản chế và sinh viên Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, 8 năm tù, 3 năm quản chế. 


Trước toà Cộng sản ở Long An, trái hẳn những gì công an Cộng sản đã ép cung và phổ biến ra ngoài, hai sinh viên yêu nước đã dõng dạc tuyên bố những lời ái quốc đanh thép.
Sinh viên Phương Uyên: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên toà hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”. Phương Uyên còn nói: “Việc tôi làm thì tôi chịu xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm hoạ Trung Quốc xâm lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày tốt đẹp tươi sáng hơn”
Sinh viên Nguyên Kha: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống Đảng Cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.
Phương Uyên và Nguyên Kha xứng đáng được xưng tụng là hai anh hùng trẻ tuổi trong thời đại ngày nay, theo gương ái quốc của hai anh hùng Trần Bình Trọng và Trần Quốc Toản thuở xưa. 

1. Phản ứng từ trong nước

Luật sư biện hộ Nguyễn Thanh Lương như bị ám ảnh: “…hình ảnh của họ ở phiên toà hôm nay nó đay đáy vào tận giấc ngủ của tôi trong nhiều ngày tới”. Một phóng viên báo Pháp Luật mỉa mai: “Thực chất thì mấy ông toà án không đủ tư cách và nhân cách để xét xử mấy sinh viên này”. Tiến sĩ Đặng Huy Văn xin đi tù thay cho Phương Uyên và Nguyên Kha. Trần Mạnh Hảo làm thơ ví hai em Phương Uyên và Nguyên Kha như “Đoá sen sáng loà giữa bùn đen”, kèm theo bức tranh biếm hoạ của Ba Bụi phê phán nặng nề bản án dành cho hai sinh viên trẻ. Bức hoạ vẽ một tên “vẹm” đang bổ những lát búa cuối cùng, đốn ngã hai em sinh viên trẻ Phương Uyên - Nguyên Kha đang đứng trên ngọn cây để kéo cao cờ Hoàng Sa - Trường Sa, quyết bảo vệ sự vẹn toàn của Tổ quốc Việt Nam... 

 2. Phản ứng ở hải ngoại 

Người viết chính luận Trần Trung Đạo kêu gọi: “Đừng khóc cho Phương Uyên mà hãy sống cùng mơ ước của em”.

Nhà thơ Ngô Minh Hằng viết bài thơ “Phù Đổng Đã Vươn Mình”.

Nhà báo Lão Móc làm bài thơ hào khí ngất trời: “Lời các em là lời sông núi”. 

Nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác bài “Tôi Thấy Em” theo ý của bài thơ “Tôi Thấy Em Thấp Thoáng Áo Về” của Hạ Huyên 72 - Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, đăng trên Danlambao, vào đúng ngày diễn ra phiên toà kết án 2 sinh viên yêu nước. Ca khúc này lập tức được phổ biến và được đón nhận nồng nhiệt rộng rãi khắp nơi qua tiếng hát nghẹn ngào của Nguyên Khang, Nguyễn Hồng Nhung và Mai Thanh Sơn. 

Và còn nhiều phản ứng tích cực khác nữa...

II. PHẢN ỨNG CỦA 3 CỰU SINH VIÊN TRANH ĐẤU LÊ HIẾU ĐẰNG, ĐÀO HIẾU VÀ HẠ ĐÌNH NGUYÊN 

Một số sinh viên tranh đấu chống “Mỹ Nguỵ” trước 1975, ngày nay, đã hiểu ra rằng “Mỹ Nguỵ” chưa hẳn đã là thù, còn Bác, Đảng không dắt dân lên thiên đàng mà là đẩy dân xuống hố và Tầu Cộng không là người anh em vĩ đại “môi hở răng lạnh” mà chính là kẻ thù truyền kiếp xâm lăng nước ta. 

 Lê Hiếu Đằng, Đào Hiếu và Hạ Đình Nguyên cũng nằm trong số các sinh viên đấu tranh ngày xưa. Ba anh này thường xuyên lên tiếng bày tỏ quan điểm về các vấn đề thời sự nổi cộm. Và đương nhiên, trước vụ án sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha, ba anh cũng đã có phản ứng. 

 Sau đây, hãy thử xét xem ba anh cựu sinh viên tranh đấu ngày xưa ấy, nay có vẻ “đã hiểu ra” chưa? 

 1. Lê Hiếu Đằng 

Anh này phản ứng coi bộ khá khôn khéo. Khi trả lời phỏng vấn của hãng RFI, Lê Hiếu Đằng không tự đề cao, không nói về mình; cũng không liên hệ cuộc đấu tranh của hai em Phương Uyên và Nguyên Kha chống Tầu Cộng xâm lược và những cái xấu đang xẩy ra trong xã hội ngày nay với cuộc đấu tranh chống “Mỹ Nguỵ” ngày xưa mà anh ta đã tham gia tích cực. Anh ta chỉ tập trung vào 2 ý chính: Một là phê phán nặng nề bản án dành cho hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha là bản án “phát xít”. Hai là tỏ lòng khâm phục, ngưỡng mộ ý chí quật cường của hai em.

Có lẽ ngày nay, tình hình đất nước quá tệ hại, cộng với kinh nghiệm đắng cay về tình đồng chí, đã làm cho trí óc Lê Hiếu Đằng sáng ra hơn. Ngày xưa, anh theo Đảng, có công tranh đấu, nhưng khi thắng lợi, anh chỉ được Đảng phân phát cho những phần thưởng hơi “bèo”. 

Hồi còn là sinh viên Luật, Lê Hiếu Đằng đứng Phó Chủ tịch trong liên danh Nguyễn Đăng Trừng đắc cử Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa niên khoá 1967-1968. Khi Cộng quân bị Quân đội và Cảnh sát VNCH đánh bật ra khỏi Thủ đô Sài Gòn trong trận “Tổng tấn công và nổi dậy” Tết Mậu Thân 1968, đến nỗi Phó Tư lệnh Trần Bạch Đằng (Võ Văn Kiệt là Tư lệnh) chỉ kịp mặc cái quần xà lỏn mà chạy thục mạng, thì sinh viên Lê Hiếu Đằng cũng vội vàng theo ra “bưng”. Sau 30-4-1975, tức sau 7 năm nằm gai nếm mật, Lê Hiếu Đằng mới được trở về Sài Gòn và được giao cho chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM, và nay là Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nghĩa là tuy ngày xưa, Lê Hiếu Đằng có công hãn mã đưa “Cách Mạng” tới thành công, nhưng khi “Cách Mạng” thành công, anh chỉ được hưởng “cái xái” với mấy chức phó hư vị trong một tổ chức ngoại vi của Đảng. Phản ứng trên đây của Lê Hiếu Đằng về vụ án hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha chứng tỏ anh ta khôn khéo hơn, vì đã biết dấu đi cái quá trình tranh đấu nhằm đẩy đồng bào Miền Nam tự do vào vòng kềm kẹp của Cộng sản...

Đang khi đó, phản ứng của hai anh Đào Hiếu và Hạ Đình Nguyên xem ra vẫn còn có vấn đề. Hai anh này chưa phân biệt nổi ý nghĩa hoàn toàn khác nhau của hai cuộc tranh đấu: cuộc tranh đấu ngày xưa của một số sinh viên học sinh dưới sự chỉ đạo của Thành Đoàn Cộng sản, nhằm chống “Mỹ Nguỵ” và cuộc tranh đấu của các sinh viên ngày nay chống Tầu Cộng xâm lược và chống những cái xấu xa, bại hoại trong xã hội dưới chế độ Cộng sản. Cũng có thể hai anh đã hiểu, nhưng cố tình đánh lận con đen, vẫn muốn tiếp tục đánh lừa dư luận? 

 2. Đào Hiếu 

Trong bài “Đã từng có rất nhiều Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha”, Đào Hiếu viết nguyên văn như sau: “Phiên toà xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vừa qua đã làm chúng tôi nhớ đến thời tuổi trẻ của mình. Họ chính là hiện thân của chúng tôi hơn 40 năm về trước: yêu nước, nhiệt tình và đầy sức sống. 

Hồi đó chúng tôi là những Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Hạ Đình Nguyên, Đào Hiếu... Chúng tôi không chỉ rải 700 tờ truyền đơn như Phương Uyên mà là hàng ngàn tờ truyền đơn. Chúng tôi không những chỉ treo vài lá cờ mà là hàng trăm lá cờ chống lại chế độ mà hồi đó chúng tôi cho là thối nát, tham nhũng và tay sai ngoại bang. 

Nhưng cái khác biệt rất lớn giữa hồi đó và bây giờ là: khi rải truyền đơn xong, treo cờ xong (có khi làm những công việc ấy ngay trong sân trường, sau khi tan học), chúng tôi vẫn tiếp tục đi học bình thường vào ngày hôm sau. Không có ai bắt bớ chúng tôi cả, không có công an mật vụ nào theo dõi, chặn đường, hành hung. Và cũng không có chuyện công an xông vào nhà trọ “hốt” đi mất tích như bây giờ, mặc dù căn cứ vào dấu vân tay mà chúng tôi để lại trên truyền đơn và cờ, họ có thể dễ dàng tìm ra chúng tôi.

Tại sao? Vì đơn giản là chính quyền chế độ cũ coi đó là cái quyền bày tỏ chính kiến, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu tình, quyền đối lập. 

Ngày nay QUYỀN ấy vẫn được ghi trong điều 69 của hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, vậy thì tại sao Phương Uyên phải bị 6 năm tù? Nguyên Kha phải bị 8 năm tù?”

Viết như vậy là Đào Hiếu phạm một sai lầm lớn. Anh ta dám bảo hình tượng tuổi trẻ anh hùng cứu quốc của hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha là “hiện thân” của đám sinh viên “ăn phải bùa mê thuốc lú Cộng sản” của mấy anh ngày xưa. Hồi ấy, mấy anh tranh đấu nhân danh đủ mọi khẩu hiệu, mọi mĩ từ, nhằm mục đích đánh sập Miền Nam tự do, để rước bọn Cộng sản về. Cộng sản về thì lập tức chúng bán nước hại dân. Như thế, tội lỗi đối với dân Miền Nam tự do của mấy anh rất lớn. Lẽ ra, bây giờ mấy anh cần hiểu ra, cần sám hối và nếu có can đảm thì hãy nói lên, viết ra hoặc là hành động như thế nào để chuộc tội với đồng bào Miền Nam tự do. Tối thiểu, nếu không dám làm gì, không dám “xuống đường” nữa, thì mấy anh hãy yên lặng và chống mắt lên mà nhìn, mà ngưỡng mộ các sinh viên trẻ anh hùng. Họ bất chấp gian nan nguy khó, lấy máu viết lên khẩu hiệu dõng dạc. Họ can đảm đứng lên cầm ngọn cờ đầu, xung phong chống quân Tầu Cộng xâm lược, chống bọn cầm quyền Hà Nội hèn với giặc, ác với dân. Cuộc đấu tranh của mấy anh ngày xưa là cuộc đấu tranh u mê, cuộc đấu tranh tự huỷ diệt, còn cuộc đấu tranh của các sinh viên trẻ ngày nay như Phương Uyên, Nguyên Kha, đã có và còn nhiều nữa, là cuộc đấu tranh ái quốc, cứu nước, thương nòi. Hai cuộc đấu tranh giống nhau phần nào về hình thức nhưng khác nhau một trời một vực về mục tiêu, về chính nghĩa dân tộc. 

Bài viết của Đào Hiếu trên đây chỉ được “điểm vớt” ở phần cuối vì đã thật thà công nhận có sự “khác biệt rất lớn giữa hồi đó và bây giờ “là chính quyền chế độ cũ coi đó (rải truyền đơn và treo cờ) là cái quyền bày tỏ chính kiến, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu tình, quyền đối lập”. 

Sinh viên Đào Hiếu là bạn tranh đấu thân thiết của “Trùm sinh viên tranh đấu” Huỳnh Tấn Mẫm. Cả hai ở chung phòng trong Đại học xá Minh Mạng gần Ngã Sáu, Chợ Lớn. Ngày nay, Đào Hiếu trở thành nhà văn viết khá nhiều, đã có dịp đi đây đi đó và được gọi là “Nhà văn phản kháng”. Tư tưởng của Đào Hiếu có dấu hiệu chuyển biến qua cuốn “Lạc Đường”. Nhưng với phản ứng trên đây, nhân xẩy ra vụ án 2 sinh viên Phương Uyên – Nguyên Kha, người ta có thể đặt câu hỏi không biết Đào Hiếu đã thật sự nhìn nhận ngày xưa mình đã đi “Lạc Đường” hay chưa? 

 3. Hạ Đình Nguyên 

Ngay khi vụ bắt bớ Phương Uyên vừa mới xẩy ra, Hạ Đình Nguyên đã có phản ứng với bài viết “Nguyễn Phương Uyên, Tôi Có Thể Làm Gì Cho Em?” 

Vừa nêu câu hỏi thì ngay ở đầu bài, tác giả đã trả lời là “không thể làm gì được cho các em” ngoài việc cảm thấy “ray rức” và “bất an trong lòng”.

Thiển nghĩ, tác giả viết cho Phương Uyên, nhưng có lẽ mục đích chỉ là để gửi lên mạng cho thiên hạ đọc, hầu biết thêm về chính bản thân tác giả. Phần Phương Uyên đang ở tù Cộng sản, em không có cách nào đọc được bài của tác giả viết cho em. Nếu em muốn đọc thì phải đợi 6 năm nữa khi em mãn tù thì mới có computer hoặc iPhone để đọc! 

Vả lại, không cần đọc bức thơ này, với bản án 6 năm tù, 3 năm quản chế, Phương Uyên cũng dư hiểu, ít là cho đến lúc này, chẳng những tác giả Hạ Đình Nguyên mà ngay cả các tổ chức quốc tế, các trí thức Việt Nam, các bạn đấu tranh, các bạn sinh viên, hằng ngàn chữ kí của đồng bào... cũng chưa làm gì được cho em. Bởi vì Đảng Cộng sản đã trở thành vô cảm, chỉ còn biết “chăm bẳm cho cái riêng của mình” (lời của Hạ Đình Nguyên) mà thôi. 

Như đã nói trên đây, cái đinh của bài viết đã được tác giả giải quyết nhanh gọn ngay từ đầu. Bài có thể chấm dứt được rồi. Nhưng tác giả đã kéo dài bài viết để nhắn gửi độc giả những điều phụ thuộc khác nữa, nhưng xem ra, đối với tác giả, đó mới là chủ đích chính của bức thư. 

Một là: Hạ Đình Nguyên muốn liên hệ cuộc đấu tranh của lớp tuổi trẻ ngày nay với cuộc tranh đấu của thế hệ tác giả. “Hình ảnh của các em là hình ảnh của chính chúng tôi ngày xưa đang sống lại”. Cũng “cái tuổi đầy nhiệt huyết”, “trái tim tuổi trẻ trong sáng, đã dám đứng lên vì một cảm xúc lớn”. Và “Chúng tôi không biết gì về mọi thứ mưu toan của người lớn, hay của thời cuộc. Chúng tôi hồn nhiên bay trong tình tự dân tộc, bất chấp hiểm nguy để chống xâm lược”. 


Đúng là Hạ Đình Nguyên và các đồng chí sinh viên ngày xưa đầy nhiệt huyết, nhưng lại quá “hồn nhiên”, nói trắng ra là quá ngây thơ, cho nên các anh đã “không biết gì về mọi thứ mưu toan của người lớn, hay của thời cuộc”. Chính cái nhiệt tình cộng với cái ngu dốt (“không biết gì”) của các anh đã biến các anh thành những tên phá hoại (Lênin: Nhiệt tình cách mạng + ngu dốt = phá hoại). Các anh phá hoại, các anh biểu tình, phát truyền đơn, bãi khoá, đòi hỏi đủ thứ, chống đủ thứ, đập phá, chống Chương trình quân sự học đường, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng... Các anh lập ra đủ thứ hội đoàn tranh đấu, xâm nhập vào các đoàn thể, Hội Bảo vệ phụ nữ, Đòi quyền sống đồng bào, Cải thiện chế độ lao tù, Hát cho đồng bào tôi nghe, Nói với đồng bào, Đốt xe Mĩ. Cùng vài tên sinh viên phản chiến Mĩ, các anh khiêng cỗ quan tài màu đỏ, ghi 2 câu thơ của Tố Hữu “Căm hờn lại giục căm hờn, Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu” và kéo nhau xuống đường giơ cao biểu ngữ “Stop War”, “Peace Now”. Rồi tổ chức đưa cán bộ ra căn cứ Thành Đoàn để huấn luyện, sau đó, về Thành ám sát giáo sư, giết sinh viên bạn bè trong trường học... Các anh quậy phá hậu phương của VNCH để chuẩn bị đón Cộng quân về “giải phóng” Miền Nam tự do. Thành phần nào trong xã hội Miền Nam cũng có một số ít phần tử đã góp phần làm mất Miền Nam tự do vào tay Cộng sản. Riêng thành phần sinh viên thì đám sinh viên tranh đấu, trong đó có Hạ Đình Nguyên, đã đóng góp khá ồn ào, khá tích cực và gây tác dụng tâm lí đáng kể. 

Nay thì hơn ai hết, chính Hạ Đình Nguyên đã biết rất rõ hậu quả của việc Cộng sản “giải phóng” đồng bào Miền Nam như thế nào. Trong thư, anh ta viết: “Ngày nay, đất nước đã thống nhất, với một chế độ duy nhất, của một đảng duy nhất lãnh đạo, đã qua 38 năm, là thời gian có thể làm nên những kỳ tích cho quốc gia như nhiều quốc gia khác, mà sao, chỉ cái việc bắt bớ con em trong nước lại còn quá bầy hầy, nói chi tới chuyện lớn hơn?... hằng vạn thanh niên nghiện ngập ma tuý, hằng vạn thiếu nữ liều mình, nhắm mắt đưa chân, lao đi kiếm chồng bất kể gian nguy, trước tình trạng đạo đức suy đồi, giết ngưới, cướp của, giựt dọc vì đói ăn khát uống, bắt trộm chó để bị đánh tới chết và bị thiêu... những thanh niên đang cầm súng giữ đảo, giữ bờ cỏi với lòng trung thành, chấp nhận hy sinh, mà không biết chắc mai sau có được Tổ quốc ghi ơn hay bị phản bội, bị quên lãng, bị khuyên ‘không nhắc tới’...” 

Hậu quả việc Cộng sản “giải phóng” Miền Nam tai hại đến thế nào thì trong và ngoài nước đều biết rõ. Trích dẫn trên đây cho thấy chính Hạ Đình Nguyên cũng đã nhìn nhận sự thật khốn nạn của “sự nghiệp giải phóng” mà Đảng Cộng sản mang tới cho dân tộc Việt Nam, mặc dù vẫn chưa kể ra hết. 

Hai là: Hạ Đình Nguyên đã có can đảm kể ra những tội lỗi hại dân hại nước của nhà cầm quyền Cộng sản, nhưng chưa dám chỉ thằng ngón tay vào ngay mặt Cộng sản Hà Nội. Anh ta chỉ dám xòe nguyên cả năm ngón tay và “chỉ thiên” lên trời, để…không trúng ai! Anh ta viết: “Chúng ta ray rứt tự hỏi, trách nhiệm đó thuộc về ai? Thật khó trả lời!”. 

 Tại sao khó trả lời? Khó trả lời hay tại anh rét? Ở hải ngoại có một cựu sinh viên Sài Gòn tên Nguyễn Thu Trâm viết bài hỏi mấy anh sinh viên tranh đấu ngày xưa: “Sao không xuống đường?”. Câu trả lời có thể đơn giản là: không xuống đường vì sợ Cộng sản. Mấy anh sinh viên Việt Cộng không ngán Cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà, nhưng mấy anh ngán Công an Cộng sản.

Ba là: Hạ Đình Nguyên kể chuyện Chủ tịch Tối cao Pháp viện VNCH là Trần Minh Tiết (Hạ Đình Nguyên nhớ sai là Nguyễn Minh Tiết) đã không chấp nhận yêu sách của TT. Nguyễn Văn Thiệu phải kết án 21 sinh viên tranh đấu là Việt Cộng. Ông Tiết viện cớ 21 sinh viên đó đã bị ép cung. Kể chuyện này, Hạ Đình Nguyên nhìn nhận rằng “Thể chế Cọng hoà ở Miền Nam, tồn tại 20 năm, trong chiến tranh khốc liệt và thiếu chính nghĩa, vì phụ thuộc nước ngoài”, và “dù chưa phải là thực chất của một thể chế dân chủ, nhưng ở đó có một số điểm tựa để cho người dân tin cậy, là hệ thống luật pháp về dân sự, dù thời điểm đó đang là chiến tranh”. 

Đang khi đó, Hạ Đình Nguyên chua chát thú nhận: ngày xưa, đi theo cách mạng vì “tin rằng, mai sau thể chế của chúng ta sẽ đàng hoàng hơn, minh bạch hơn, và tốt đẹp gấp vạn lần”. Nhưng đó chỉ là giấc mơ hão huyền. Khi tỉnh mộng, anh ta thấy: “Ngày nay, đất nước đã thống nhất, với một chế độ duy nhất, của một đảng duy nhất lãnh đạo, đã qua 38 năm, là thời gian có thể làm nên những kỳ tích cho quốc gia như nhiều quốc gia khác, mà sao, chỉ cái việc bắt bớ con em trong nước lại còn quá bầy hầy, nói chi tới chuyện lớn hơn?”.

Bốn là: Ở phần cuối bức thư, nhân đề cập việc Phương Uyên bị tố cáo là đã vẽ 3 sọc đỏ lên giấy để hoài niệm lá cờ VNCH (Phương Uyên ghi ở dưới là Đại Nam Quốc Kỳ và “Cờ Quốc Gia Việt Nam” theo lai lịch của lá cờ chứ em không ghi là cờ VNCH)), Hạ Đình Nguyên “triết lí” say sưa về sự cần phải thức thời, cần phải gác bỏ quá khứ, nên hoà giải hoà hợp và hướng về tương lai... 

Đó là những lời hay, ý đẹp. Nhưng tiếc thay, những ý đẹp đẽ ấy chỉ có những dân tộc văn minh, yêu con người, yêu đất nước thật sự mới thực hiện được. Người Mĩ đã làm được sau cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ (1861 – 1865) giải phóng cho 4 triệu người da đen nô lệ. Các nước Đông Âu, các nước thuộc Liên Bang Nga Xô Viết, rồi Albania, Nam Tư... cũng đã làm được. Tiếc thay, Cộng sản Việt Nam đã không làm được sau chiến thắng 1975 và tiếp tục bỏ lỡ nhiều cơ hội hoà giải trong suốt 38 năm qua. Giới quan sát thế giới khi so sánh việc hoà giải hoà hợp tại các nước Đông Âu với trường hợp Việt Nam thì họ lấy làm tiếc cho dân tộc Việt Nam. Lỗi lầm của Cộng sản Hà Nội dứt khoát không chịu hoà giải dân tộc sau chiến tranh là một tội lỗi vô cùng to lớn đối với đất nước, chứ không phải chỉ là một sự tiếc xót mà thôi. 

Tại sao? 

Nếu cần một trong những câu trả lời hay những lời giải thích, xin hãy nghe lời một chiến binh VNCH xưa nói với kẻ thắng: … 

sau chiến tranh 
đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến nhưng 
cùng tiếng nói, màu da 
biết bao nhiêu phương cách đưa ra 
các anh chọn phương cách tàn độc nhất 
các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách 
nay lại ngồi chễm chệ trên bờ 
í ới vẫy chúng tôi qua 
tiếc rằng... bờ vẫn... quá xa. 

(Bài “Bờ Vẫn Quá Xa” của Thiếu uý Dù Phạm Đức Nhì). 

Năm là: Trong thư, Hạ Đình Nguyên hai lần dùng những cụm từ “chống xâm lược” và “Thể chế Cộng hoà ở Miền Nam... thiếu chính nghĩa, vì phụ thuộc nước ngoài”. 

Hạ Đình Nguyên đụng chạm tới một đề tài lớn, xét thấy không thể đem ra bàn bạc ngay ở đây được. Song để gợi ý một chút, xin hãy đọc một đoạn trong bài “Thổn thức cho Việt Nam” của Đoàn Văn Toại, một trong những cựu sinh viên tranh đấu, đồng chí của Hạ Đình Nguyên, nay đã “sáng mắt ra”. (Toại là sinh viên Dược khoa, Phó Chủ tịch ngoại vụ trong Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1969 mà Chủ tịch là sinh viên Việt Cộng Nguyễn Văn Quỳ, bên Nông Lâm Súc)... 

Đoàn Văn Toại viết: “Khi tôi còn trong tù, Mai Chí Thọ, một Uỷ viên Trung ương đảng (lên Đại tướng Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ CSVN), đã nói chuyện trước một nhóm tù nhân chính trị chọn lọc. 

Ông ta đã nói với chúng tôi: ‘Hồ Chí Minh có thể là một quỷ dữ, Nixon có thể là một vĩ nhân. Người Mỹ có thể có chính nghĩa, chúng ta có thể không có chính nghĩa. Nhưng chúng ta đã chiến thắng và người Mỹ đã bị đánh bại bởi vì chúng ta đã thuyết phục được người dân rằng Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, Nixon là một tên sát nhân và người Mỹ là những kẻ xâm lược’. 

Ông ta đã kết luận,

‘Yếu tổ chủ chốt là làm thế nào kiểm soát người dân và ý tưởng của họ. Chỉ có chủ nghĩa Mác Lê mới có thể làm được như vậy. Không ai trong các anh đã từng biết đến một sự kháng cự nào đối với chế độ Cộng sản, bởi vậy không nên nghĩ đến điều đó nữa. Hãy quên chuyện đó đi? Giữa các anh ‒ những nhà trí thức ưu tú ‒ và tôi, tôi đã nói với các anh sự thật’”. 

Riêng tôi, xin gợi ý cho Hạ Đình Nguyên rằng, từ 1954 tới 1965, ở Miền Nam tự do chỉ có rất ít các cố vấn Mĩ không tác chiến. Mãi tới năm 1965, quân tác chiến Hoa Kì mới đổ vào Miền Nam. Nhưng nên nhớ, ngay từ ngày 13-01-1959, Hội nghị Trung ương Đảng Lao Động (Cộng sản) lần thứ 15 tại Hà Nội đã ra nghị quyết thống nhất đất nước bằng võ lực. Sang năm sau, Đại hội Đảng lần thứ 3, từ ngày 05-9 tới 10-9-1960, đã chính thức lấy tên là “Đại hội Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và Đấu tranh Thực hiện Thống nhất Nước nhà”. Ba tháng sau, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam chính thức ra đời ngày 20-12-1960. Vậy, ai là kẻ “xâm lược”? Ai là người chiến đấu tự vệ? Người bắt buộc phải chiến đấu tự vệ lại không có “chính nghĩa” sao? 

Và cũng nên suy nghĩ xem Quân đội Hoa Kì có xâm lược Tây Đức, Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân hay không. Những nước này “phụ thuộc” Hoa Kì nhiều hay ít. Cũng nên thử tìm hiểu xem, Miền Bắc có “phụ thuộc” khối Cộng sản hay không, nhất là có làm tay sai cho hai quan thầy Liên Xô và Tầu Cộng hay không. Chỉ mới đây thôi, khi chào đón Tập Cận Bình, trên tay bầy con nít có cầm lá cờ Tầu Cộng vẽ 6 ngôi sao; sao lớn là anh Tầu Hán chính cống, còn 5 sao nhỏ là Hồi, Mông, Tạng, Mãn, Việt Nam. Đúng thật là Tổ quốc đã lâm nguy! 

Nhắn gửi Hạ Đình Nguyên: Ngày xưa, Hạ Đình Nguyên từng làm Trưởng Ban Hành động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chuyên viên thảo kế hoạch và cầm đầu những biểu tình chống “Mĩ, Nguỵ”. Sau 30-4-75, không biết “cách mạng” có đối xử “tử tế” cho cân xứng với công lao của anh ta hay không. Nhân ngày xưa chúng tôi đi học cùng một thời và cũng có biết nhau, cho nên xin nhắn gửi rằng: Thôi, hãy ở yên, an hưởng tuổi già. Nếu còn có chút lòng với nước với non, thì hãy tiếp tục dùng ngòi bút để “xuống đường tranh đấu” tố cáo Tầu Cộng xâm lăng, tố cáo ác Đảng Cộng sản bán nước hại dân, xin chớ có xúi lớp trẻ anh hùng ngày nay “ăn cứt gà sáp hoà giải hoà hợp” của bọn cầm quyền Hà Nội. Bởi vì lịch sử cho thấy, Cộng sản Việt Nam đã tận dụng hai chiêu lừa đảo và bạo lực để cướp chính quyền và để nắm vững chính quyền. Họ dùng hai chiêu ấy ở mức độ lưu manh nhất và tàn độc nhất. Bằng chứng mới nhất là bản án nặng nề dành cho hai sinh viên trẻ anh hùng yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. 

Tháng 6-2013 

BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài liên quan:



 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025