2 Mảnh Đời Sau Ngày “Giải Phóng!”
2 Mảnh Đời Sau Ngày “Giải Phóng!”
MỖI THÁNG
TƯ VỀ VÀ NỖI RAY RỨC TRONG LÒNG TÔI!
“Ngày nào còn Đảng, chén phở hóa thành…mơ!”
Chúng tôi cưới
nhau vừa được hơn 3 năm thì Ngày 30 Tháng Tư ập đến! Đúng nghĩa là Ngày Đau
Thương.
Lúc đó tôi vừa
28 tuổi và có hai con. Cháu gái vừa lên hai và cháu trai chừng 5
tháng. Cũng như hàng ngàn, hàng vạn người khác trước đây, đã từng đi
lính hoặc làm việc với chính quyền cũ, chồng tôi cũng được gọi đi
học tập về chế độ mới. “Chừng 10 ngày thôi!” họ trấn an chúng tôi
như vậy. Sau này thì chúng tôi hiểu, họ nói 10 ngày, nhưng là 10 năm!
Nhưng may mắn,
chồng tôi chỉ đi học tập cải tạo 9 năm thôi! Tôi đi thăm nuôi được khoảng
mươi lần. Mỗi lần đi, tốn khoảng 10 đồng tiền xe, chưa kể tiền mua vật
dụng lặt vặt và chuẩn bị thức ăn cho anh, trong khi lương giáo viên của
tôi chỉ có 30 đồng một tháng. Thường là tôi mượn tìền của bà con
và đồng nghiệp, để đi thăm chồng. Sau đó lãnh lương trả lại và xoay
tua với nhau cho đỡ tốn, vì cũng có nhiều chị em khác cũng đồng cảnh
ngộ như tôi.
Có lần, chồng
tôi bị chuyển vào khu vùng sâu vùng xa tít mù khơi, mấy ngày mới có
chuyến xe đi vào. Đi về mất cả tuần lễ, mà chỉ được gặp nói chuyện
có 15 phút, rồi thân gái một mình lại phải lủi thủi đi về, có khi phải
chờ cả năm mới có giấy báo được gặp lại!
Đồng lương giáo
viên ít ỏi của tôi trở thành nguồn thu nhập chính, để nuôi bản thân, hai con
nhỏ, bà ngoại già 90 tuổi. Và còn cộng thêm nuôi chồng trong trại cải tạo. Chưa
bao giờ đời tôi cực khổ và nghèo đói như thế. Tối tối, tôi dắt hai con ra bến
xe đò, bán vé số kiếm thêm tiền, hơn 10 giờ đêm mới dọn hàng về đến nhà.
Có lần, tôi đang
lui cui dọn hàng thì nghe tiếng: “Thưa cô, chào cô!” Nhìn lên mới thấy đó là
Huy, đứa học trò trong lớp, thường hay bị tôi rầy vì lỗi ngủ gật và thường
xuyên nộp bài trễ. Em cũng đến bến xe hàng đêm để bán vé số, kiếm sống phụ gia
đình cho nên không có thời gian ngủ và học bài. Ban đầu tôi còn thấy xấu hổ,
nhưng sau đó hiểu nhau hơn và hai cô trò cùng ngồi tâm sự và rảnh là khóc với
nhau cả tối!
Tôi ngẫm nghĩ đến
câu danh ngôn thật chí lý: “Xã hội tư bản, có người giầu người nghèo, Xã Hội
Chủ Nghĩa, thì ai cũng nghèo như nhau!”
Có một lần, tối
hôm trước khi đi thăm nuôi chồng, tôi cố gắng chạy ra bến xe bán thêm
vài tấm vé số, để có thêm tiền lo cho anh. Gần đến lúc dọn hàng đi
về, thì có một người đến mua vé số. Họ mua đâu khoảng 2 đồng và đưa
tờ 10 đồng. Tôi vét hết tiền lẻ trong túi mới đủ tiền thối. Về đến
nhà tôi mới nhận thấy ra là tờ giấy 10 đồng đó là tiền giả! Đau xót
quá, tôi bật khóc nức nở.
Chẳng những
người ta đã không trả tiền vé số, mà còn gạt lấy hết số tiền thối
của tôi, số tiền mồ hôi nước mắt mà tôi đã dành dụm lâu nay, để dự
định cho ngày đi thăm nuôi chồng!
Tôi đã khóc suốt
đêm! Sao cái khổ cực, cái nghèo khó, tôi đã quen, nhưng cái giành giựt,
gian trá, lừa đảo, sau cái ngày “giải phóng” lại làm tôi chưa quen, rất
đau lòng! Tại sao họ có thể nhẫn tâm gạt tiền của những người nghèo
như tôi hỡi Trời! Rồi ngày mai đây, làm sao tôi có tìền xe đi thăm nuôi
chồng? Nếu không gặp anh lần này, lỡ họ chuyển anh đến chỗ khác thì
sao? Tôi chỉ còn biết khóc và cầu nguyện, cầu xin Ơn Trên cho con tìm
ra giải pháp, bí lối này.
Ba giờ sáng,
trời vẫn còn tối mịt, tôi đã vội ra bến xe. Khi xe nổ máy sắp lăn
bánh, thì chạy mua 2 ổ bánh mì để đem theo. Tay tôi run run, ngập ngừng
do dự khi đưa em tờ giấy bạc 10 đồng giả, mà tôi vừa bị gạt hôm qua.
Vì gấp gáp và trời tờ mờ chưa sáng, nên em đã không phát hiện ra tiền
giả. Em đã vét hết tiền trong túi để thối lại cho tôi, và vui vẻ đưa
tôi hai ổ bánh mì, còn chúc tôi đi đường bình an!
Chưa bao giờ cuộc
đời tôi có giây phút đối diện với lương tâm xấu hổ như thế! Tôi không dám
nhìn thẳng mắt em, mà chỉ lí nhí nói lời cảm ơn, trong lòng chỉ biết
nói thầm: “Cô xin lỗi em, cô xin lỗi em trăm lần! sau này cô sẽ kiếm cách
đền bù lại cho em!”
Trên suốt quãng
đường đi, tôi đã không ngừng cầu nguyện cho em cùng gia đình em được mạnh
khỏe, lòng luôn sám hối chuyện xấu sa mà tôi vửa làm! Không những tôi
đã không trả tiền bánh mì cho em, mà còn gạt lấy thêm cả số tiền
thối của em nữa. Cả một gia tài nhỏ, mồ hôi nước mắt của em, sao mà nhẫn tâm
quá! Để tôi có tiền đi thăm gặp chồng, nhưng em đó phải trả một giá quá
mắc thay tôi? Trong lòng tôi cứ mãi vang lên lời xin lỗi em và cầu xin
cho em được bình yên! Tôi cảm thấy có lỗi với lương tâm của mình, vì
đã không làm tròn thiên chức và đạo đức của một nhà giáo, một người
được xã hội trọng vọng xem là mẫu mực, là thước đo của đạo đức! Tôi cũng thấm
xin lỗi cha mẹ và ngoại tôi, vì đã không giữ đúng lời dạy của ông
bà: “Không được gian tham trộm cắp của ai, dù chỉ là một đồng, một
xu!”
Trời ơi, XHCN này
đã mau chóng biến tôi thành con người hư đốn, khốn nạn như thế!
Sau lần đó, tôi
đã trở lại bến xe tìm em bán bánh mì đó, nhưng giòng đời đã đưa
chúng tôi đi hai hướng khác nhau, biết đâu mà tìm!
Hơn bao nhiêu năm
đã qua, nhưng tôi vẫn không quên được hành động lừa gạt khốn nạn đó
của mình. Nó trở thành bài học thâm thúy, sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi,
cho tôi thấy rõ một người tốt, đôi khi vẫn có thể có hành động xấu, vì hoàn
cảnh bắt buộc. “Túng thế phải tùng quyền! Nghèo đói sinh ra trộm cướp!” Tôi vẫn
nhủ thầm trong lòng, sau này có được đến phương trời xa…sẽ làm nhiều điều tốt
khác đền bù. Cố kiếm lý do ngụy biện, an ủi chính mình! Điều này, đã giúp tôi
rất nhiều trong việc nuôi dạy con và giáo dục học trò, giúp tôi thông cảm hơn
khi học trò ngủ gật trong lớp, hoặc không làm bài tập đúng hạn, và cũng giúp
tôi tha thứ cho người nhiều hơn!
Cuối cùng may mắn,
gia đình tôi được xuất ngoại theo diện HO. Có lần về lại Việt Nam thăm mẹ và
người thân, cố nhiều lần ra bến xe, tôi đều mua bánh mì hoặc đậu phọng
hay một món gì nho nhỏ từ các em, không quên dúi vào tay chút tiền đủ để
các em ăn tô phở hay hủ tíu. Hành động này nhằm xoa dịu lương tâm mình, có thể
tạm xem như là đền trả món nợ ân tình năm xưa. Nhưng lương tâm thì không
bao giờ quên!
Có câu: “Người ta
dù đã nhổ những cây đinh trên miếng gỗ, nhưng vẫn để lại những…lỗ đinh!”
Nên ngày nào còn
Đảng, con người còn mãi mãi còn lừa gạt nhau để sống! “Đảng biến thanh niên
thành trộm cướp! Biến phụ nữ, thành đĩ, thành trâu!”
Tôi vui mừng, giờ
được sống trong không khí tự do, dù trên xứ người. Thoát khỏi phải sống trong
vũng bùn nhơ nhớp của XHCN, thiếu tình người! Nhưng mỗi dịp vào Tháng Tư, làm
cho tôi gợi nhớ về chuyện này.
(Theo chuyện của
Đinh Trực)
CÂU CHUYỆN THEO
CÁCH MẠNG CỦA MÁ NĂM
Má Năm có 2 đứa
con, đều là Liệt Sĩ: Thằng út chết vì đạp nhằm chông do chính đơn vị gài. Trạm
giao liên hết thuốc tây, chỉ chữa trị bằng lá thuốc dân tộc, rồi đổi qua Xuyên
Tâm Liên, rốt cuộc bị hoại tử, nhiễm trùng ăn lên tới đùi thì chết! Còn thằng
lớn, đơn vị tập kích đồn địch, chết nhiều quá, rút đi hết, quên không kêu nó.
Từ đó không ai nghe nói gì về nó nữa! Mấy năm sau nó mới được truy tặng huy
chương lên tới chức Liệt Sĩ! Vậy mà má vẫn như người máy Rôbô, không còn trái
tim, không rung động thương tiếc! má vẫn hăng hái đào hầm nuôi quân. Từ du kích
cho tới quân chủ lực, hễ đứa nào tới nhà má, đều được cho ăn, cho uống no nê.
Má má, con con, nghe sướng lỗ tai lắm, thời “nuôi quân diệt gặc!” hồn má như
sống trên mây!
Ngày giải phóng, má
“hồ hởi” nghĩ chính quyền đã về tay nhân dân, hiểu ngĩa đen, tức là về tay má!
Má bận bộ đồ bà ba đen, lăng xăng chạy lên uỷ ban xã để giúp “tụi nhỏ” điều
hành… đất nước!
Chuyện gì má cũng
hăng hái làm: Tới từng nhà kêu đi họp tổ, nhà nào mắc công chuyện không đi, má
chửi cho tắt bếp. Thấy thanh niên để tóc dài, má nắm đầu kéo lên xã, giảng cho
một bài học về con người mới, trong thời đại cách mạng. Mỗi khi có đợt đi lao
động đào thuỷ lợi, đố đứa nào trốn được với má, trừ khi trốn lên trời.
Má làm riết, cả xã
không ai ưa má, đến cả đứa con nít. Thấy má đi tới đâu, người ta tránh…như hủi.
Đi ăn đám cưới, mấy bàn khác cười nói ồn ào, vui vẻ. Còn bàn của má ngồi, con
ruồi bay cũng nghe tiếng. Chủ nhà sắp bàn 10 người, bàn của má, người ta trốn
đi ngồi chỗ khác gần hết, chỉ còn chừng ba bốn người, mà mặt ai cũng gục xuống,
buồn thiu như đang đi ăn đám cưới, mà tưởng là đi ăn đám ma!
Má lăng xăng đâu
được vài năm, thì ở trên đưa một lớp cán bộ mới về xã. Những người này không
muốn má lên uỷ ban nữa. Họ nói má già rồi, về nghỉ ngơi đi…cho khỏe! Cống hiến
cho cách mạng đủ rồi! Má nói, má nói còn sức, muốn phục vụ cho đảng, cho nhà
nước tới… hơi thở cuối cùng. Họ nói khỏi đéo cần! Đã thế họ còn hăm dọa, má mà
cà chớn, tự ý lên đây, trụ sở xã, sẽ cho an ninh bắt nhốt, đi tù, điều tra xem
má có phải là gián điệp Mỹ Ngụy cài lại hay không. Nghe là hết hồn! hết vía!
Má về nhà, buồn như
mùa thu chết...không lá thu rơi! Sống với đứa con gái lớn bị bịnh tâm thần,
nhưng lại có vẻ còn sáng suốt, biết suy nghĩ đúng sai hơn má nhiều. Vì thế hai
má con suốt ngày chửi lộn với nhau. Ngoài việc gây lộn với nó ra, má không còn
niềm vui nào khác nữa.
Khắp xóm làng làm
như quên hẳn hình ảnh cách mạng vinh quang một thời của má rồi. Không nói ra,
nhưng ai cũng coi má như là một miếng giẻ rách, cần phải xa lánh, lãng quên, bỏ
vào thùng rác!
Nói cho ngay, họ
cũng còn có chút tình nghĩa…đãi bôi! Lâu lâu vào dịp lễ lạc gì đó, nhà nước
cũng nhớ tới má. Có thế chứ! Nhưng vài lần, theo má, thà đừng nhớ còn hơn.
Nhớ đến đó, má chửi
đổng. Không biết trên rót ngân sách bao nhiêu mà xuống tụi xã ăn chặn hết. Đang
đói, nó tặng quà cho má chỉ có mấy gói mì gói là ăn được, còn đủ loại hình bác
hồ, nhìn nghiêng, nhìn dọc, lộng kiếng với hàng tá cờ đảng sao má ăn?
Rồi có lần nhân dịp
kỷ niệm mấy chục năm giải phóng gì đó, má quên rồi, nó mời má đi coi duyệt
binh. Hân hạnh quá, tưởng sướng lắm, ai dè đứng xếp hàng phơi nắng như con khô
mực, nghe mấy thằng mập ú như con heo…nọc! đọc diễn văn ca ngơi cách mạng. Mà
nó đọc lâu lắm, cho sướng cái miệng, trong khi má mắc tiểu thấy mẹ nội. Cuối
cùng nhịn không nổi, má đái luôn trong quần, chảy ra mặt đường thành vũng! Tụi
cán bộ xã giận lắm, nói má bôi bác cách mạng, làm mất thành tích đấu tranh, có
âm mưu phản động! Tụi nó đuổi má về, không cho má ăn bữa cơm liên hoan luôn! Chai
nước cũng không có.
Từ đó má nghỉ chơi
với cái đám chính quyền khốn nạn này luôn. Thỉnh thoảng lòng căm thù trổi lên,
má chửi tục: “Cách mạng cái quần què nhà tụi mày! Đồ ăn cháo đái bát! (má giật
mình nhớ lại mình, thật ra, ăn cháo đái trong quần) đồ vắt chanh bỏ vỏ, tổ cha,
tổ mẹ, tổ tiên nhà chúng mày, sao không chết hết đi!”
Mừng ngày chiến
thắng 30/4 năm nay.
Má đang nằm ép bụng
vào tấm vạt giường cho đỡ đói, thì đứa con gái, lúc này mắt nó gần như mù rồi,
chỉ còn thấy lờ mờ, mò lại giường má kiếm chuyện:
- Bữa nay mừng ngày
giải phóng nè, sao má không dậy sửa soạn đi coi bắn pháo bông cho no, rồi về kể
con nghe, như những năm trước đây?
- Giải phóng cái
thằng cha khốn nạn mày. Lúc trào ông Thiệu, ông Kỳ cục, tao nghèo chứ chưa đói
bữa nào. Còn dư cơm gạo nuôi mấy thằng chó đẻ, chó má đó ăn. Ai dè gặp toàn thứ
quỷ tha, ma bắt, lường gạt, qua cầu rút ván, vắt chanh bỏ vỏ….
- Thì má cũng vậy
thôi. Tui thấy má mỗi lần làm nước mắm, má vắt chanh xong cũng bỏ vỏ, chớ má
đâu có giữ lại đâu.
- Con ngựa cái nhà
mày. Đừng chọc tao chửi nhe mày. Tao đang tức hai thằng con tao hy sinh xương
máu cho tụi nó, để bây giờ tụi nó, xe to xe nhỏ, xây toàn biệt phủ…
- Xây biệt phủ nhằm
nhò gì? Tụi nó còn chiếm cả chục mẫu đất để dành, mai mốt chết, xây mồ mả cho
“hoành tráng” nữa kìa. Còn má mai mốt chết, tui không biết chôn má ở đâu nữa,
hổng lẽ chôn trong cái chòi lá này luôn sao?
- Mày khỏi trù ẻo
tao con quỷ cái. Tao còn sống lâu lắm. Tao phải sống, chống mắt, đặng coi cái
ngày tàn mạt của tụi cướp công ơn của nhân dân này sụp đổ ra sao, lúc đó tao
mới nhắm mắt.
- Thôi má đừng nói
chuyện tào lao nữa. Nó vô nó còng đầu má bây giờ. Bất ngờ nói đổi chữ Má thành
Bà ngon ơ! Bà ngu bà theo tụi nó, thì bà chịu đi. Nói thiệt, ổng chết là cũng
tại bà. Bà không che giấu tụi nó, sao tụi nó ban đêm tự do đi lùng kiếm được
ổng mà giết. Nói thiệt, nhiều khi tui cũng hận bà lắm, bà tiếp tay giết tía của
tui!
- Mày đi chỗ khác
đi. Con ngựa, con chó cái. Ngồi đó nói một hồi tao tức hộc máu chết bây giờ.
Chửi con gái xong,
má Năm nằm nhắm mắt thở dốc, muốn đứng cả tim. Đã lâu lắm rồi hôm nay má mới
nhớ lại hình ảnh người chồng lúc bị du kích giết, mắt mở trừng trừng oan ức. Mà
ổng có làm lớn gì đâu, chỉ là thư ký ấp. Nhưng lúc đó má say mê lý tưởng phỏng
giái, ý quên giải phóng, được nghe giải thích là vì lợi ích cách mạng, mọi
người cần phải hy sinh, kể cả bản thân mình, cho nên má đã ngu ngốc bỏ qua
luôn, không gây chuyện.
Một chút ánh nắng
chiếu xuyên qua mái lều. Má Năm he hé mắt ra nhìn. Bên kia con lộ nhỏ là căn
biệt thự to lớn năm tầng đang xây dở dang của Bí Thư đảng ủy xã. Căn biệt thự
này xây ngay trên nền nhà cũ của má. Mấy năm trước, lúc phóng lộ, chính quyền
đã cưỡng chế nhà đất của má. Sau đó họ chia lô, bán nền. Và má, tiền đâu mà
mua, đành dựng tạm căn lều sống cho qua ngày, đoạn tháng, sống cho qua hết cái
kiếp ngu như lừa, nên bị cách mạng gạt!...cả đời! Đã thế “Ngu mà còn tỏ ra nguy
hiểm! nên cuộc đời má mới thê thảm như thế này!”
Nhìn lên trên vách,
thấy hình “Bác Hồ Lộng Kiếng” mỉm cười thích thú.
(Theo chuyện của
Lộc Dung)
Nhận xét
Đăng nhận xét