Trung Quốc đang muốn làm gì trong vùng biển của Việt Nam?

Trung Quốc đang muốn làm gì
trong vùng biển của Việt Nam?


Ảnh dẫn theo sputniknews

Trần Phong

Cấm biển tập trận dồn dập ở Biển Đông, Hải quân Trung Quốc đang tìm xác máy bay Y-8, cứu nạn phi công hay thu thập thông tin tình hình đáy biển vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam?

Giới nghiên cứu cho rằng, phạm vi các đợt tập trận lần này cho thấy Trung Quốc không chỉ muốn phô trương sức mạnh Hải quân, cảnh báo ‘đối thủ tiềm tàng’, mà thực chất, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ yêu sách đường lưỡi bò/đường chín đoạn phi pháp ở Biển Đông.

Trung Quốc tập trận dồn dập ở Biển Đông

Trước đó, ngày 28/3, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục đăng liền hai thông báo tập trận ở Biển Đông.

Đây là động thái kỳ lạ khi Hải quân TQ trước đó đã thông tin về 3 cuộc tập trận ở những khu vực tọa độ khác nhau của Biển Đông, trong đó có đợt bắn đạn thật 3 ngày trên vùng biển gần Vịnh Bắc Bộ, tiếp giáp với Việt Nam. Tất cả các cuộc tập trận này, phía Trung Quốc đều không đề cập cụ thể quy mô.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã có lệnh cấm mọi hoạt động của tàu thuyền qua lại khu vực diễn tập.

Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành và lên kế hoạch cho ít nhất là 19 cuộc tập trận ở vùng Biển Đông, với 5 đợt huấn luyện trong số này nằm trong vùng biển quanh Vịnh Bắc Bộ, giáp với Việt Nam.

Máy bay săn ngầm Y-8 của Trung Quốc rơi ở Biển Đông?

Theo tờ Bưu điện Nam Hoa Buổi sáng (SCMP) ngày 25/3 đưa tin, ít nhất có đến 7 tang lễ được tổ chức để an táng cho một số phi công và phi hành đoàn của Quân đội Trung Quốc không may thiệt mạng khi máy bay săn ngầm Y-8 rơi ở Biển Đông hồi đầu tháng 3 đến nay.

Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin truyền thông tham chiếu tuyên bố của lãnh đạo Cục An ninh tình báo Đài Loan. Đến nay, Quân đội Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào xác nhận vụ tai nạn rơi máy bay săn ngầm Y-8 phía tây nam thành phố biển Tam Á, tỉnh Hải Nam vào ngày 1/3. Tuy vậy, theo SCMP, việc báo đài đưa tin về đám tang cho các quân nhân thiệt mạng dường như là một động thái xác nhận ngầm.

Theo SCMP, người đứng đầu Cục An ninh Đài Loan hôm 10 tháng 3 xác nhận báo cáo của một nhà báo Việt Nam (không nêu tên cụ thể) rằng chiếc máy bay Y-8 đã bị rơi ngoài khơi vùng biển Việt Nam. Đồng thời, có rất ít thông tin về các thành viên nhóm tác chiến chống ngầm trong phi hành đoàn Y-8 rơi ở Biển Đông, chỉ có 1 điểm chung là họ đều hy sinh hôm 1/3. Báo chí Hong Kong dẫn ý kiến chuyên gia quân sự nêu khả năng chiếc Y-8 có thể đã gặp sự cố khi bay ở độ cao thấp.

Theo đó, các hoạt động triển khai sonar hoặc thủy lôi từ máy bay Y-8 chỉ có thể được thực hiện ở độ cao dưới 150m so với mặt nước biển. Do vậy, máy bay có thể đã gặp nạn do động cơ có vấn đề khi bay thấp.

Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan Chen Ming-tong báo cáo với lãnh đạo Đài Loan rằng chiếc tiêm kích Trung Quốc bị rơi là máy bay tác chiến chống tàu ngầm Thiểm Tây Y-8 và thực chất những cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc đã công bố trong khu vực liên quan ngay sau vụ tai nạn đều là hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Vớt xác Y-8 hay thăm dò biển Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Nhật Linh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao của Việt Nam vừa có ý kiến xung quanh ý đồ phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua việc tăng cường hoạt động tập trận, huấn luyện quân sự dài ngày trên Thế Giới & Việt Nam.

Như tin đã đưa, từ ngày 4-15/3, Trung Quốc thực hiện cấm biển, phục vụ cho hoạt động tập trận tại cửa Vịnh Bắc Bộ có phần lấn sang vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí ngày 7/3, một phần khu vực thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982).

Kế đó, từ ngày 19/3-9/4, Trung Quốc tiếp tục cấm biển để phục vụ tập trận. Chuyên gia Nhật Linh nhắc lại một thực tế rằng, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tập trận lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và duy trì liên tiếp 2 lần tập trận như vậy, tạo nên một cuộc tập trận dài ngày (hơn 1 tháng) và có phạm vi tương đối rộng.

Đáng chú ý, trong hai cuộc tập trận liên tiếp, các tàu khảo sát Thám Tác 1, Thám Tác 2, Hải Dương Địa Chất 6 của Trung Quốc đã có mặt trong khu vực tập trận.

Việc các tàu khảo sát Trung Quốc hiện diện trong khu vực cấm biển là điều hiếm thấy và có thể đang thực hiện hoạt động tìm kiếm, trục vớt xác máy bay Y-8.

Chuyên gia Việt Nam nêu quan điểm: “Tuy nhiên các hoạt động và kết quả thăm dò của tàu khảo sát Trung Quốc đa số đều được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau, điển hình trong lần này một phần là tìm kiếm xác máy bay Y-8 nhưng phần khác có thể là để thu thập thông tin về tình hình đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Theo nhà nghiên cứu từ Viện Biển Đông, vùng biển cấm di chuyển trong cuộc tập trận lần này bám sát tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn/đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Điều này khác với hiện tượng trong thời gian gần đây nước này không tuyên truyền hoặc nhắc đến nhiều khái niệm “đường lưỡi bò” như trước.

Nhà nghiên cứu Việt Nam khẳng định: “Phạm vi tập trận lần này cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ yêu sách phi pháp – đường lưỡi bò”.

Đồng thời, việc Trung Quốc thiết lập vùng cấm biển để huấn luyện quân sự đồng thời đưa tàu thăm dò khảo sát vào sẽ khiến tàu thuyền chấp pháp các nước khó tiếp cận vì vấp phải sự ngăn chặn từ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

Chuyên gia Nhật Linh nhấn mạnh rằng, việc khảo sát của các tàu và giàn khoan tại Biển Đông sẽ được lực lượng Hải cảnh, dân binh hoặc thậm chí là Hải quân của Trung Quốc yểm trợ.

Đại diện của Viện Biển Đông lưu ý, với nhu cầu về tài nguyên, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thăm dò khảo sát tại khu vực Biển Đông, và thậm chí nước này sẽ thực hiện những cuộc khảo sát bí mật hơn trong những vùng biển cấm, bất chấp sự phát triển của hệ thống vệ tinh theo dõi và AIS được sử dụng phổ biến hiện nay.

Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang và sẽ thông qua các cuộc tập trận để mở rộng khảo sát trên khắp các vùng vùng đặc quyền kinh tế của những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Thậm chí, kể cả khi việc Y-8 bị rơi là một sự cố phát sinh thì Trung Quốc cũng sẽ tận dụng sự cố đó để tạo ra những tiền lệ tại Biển Đông như cấm biển tập trận trong vùng vùng đặc quyền kinh tế của nước khác hay điều tàu thăm dò hoạt động trong vùng cấm biển.

Vẽ bản đồ đáy biển

Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng Trung Quốc tận dụng số liệu khảo sát để lập bản đồ các nguồn tài nguyên phi sinh học trong vùng đặc quyền kinh tế các nước.

Đồng thời, Trung Quốc cũng có ý định vẽ bản đồ đáy biển tại khu vực Biển Đông để các tàu ngầm của nước này có thể dễ dàng di chuyển và hoạt động mà không phải lo ngại về va chạm với các địa hình đáy biển như vụ tàu ngầm USS Connecticut của Hoa Kỳ.

Hoạt động này của Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Theo nhà nghiên cứu Nhật Linh, theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các hoạt động thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của nước khác cần phải có sự chấp thuận của nước đó.

“Tuy nhiên những hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các nước khác của Trung Quốc hầu như không xin phép và đều bị các nước lên tiếng phản đối, chỉ trích và yêu cầu giải trình”, chuyên gia khẳng định.

Dẫn chứng từ các vụ các tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (HD08 năm 2019, HD04 năm 2020), Malaysia (HD08 năm 2020) và Indonesia (Hướng Dương Hồng, HD10 năm 2021) có thể thấy rõ hành vi coi thường pháp luật quốc tế của Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhóm tàu khảo sát Trung Quốc còn thường xuyên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước tại Nam Thái Bình Dương như đảo Guam (Mỹ), New Guinea, phía Bắc biển Australia.

Nhà nghiên cứu Việt Nam bày tỏ: “Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang coi thường và không tôn trọng các quy định trong UNCLOS 1982 nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung”.

Trần Phong

Nguồn: vn.sputniknews

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209