Vợ Người Tù Cải Tạo: Trại Kà Tum.

 


Vợ Người Tù Cải Tạo: Trại Kà Tum

Lời người viết: 

Kính tặng Anh Lê Phụng Chữ. Người chồng lý tưởng của Em và là người cha gương mẫu của Các Con. 

Nguyễn Thị Lộc

Tháng 4 năm 1975, cơn lốc xoáy hung bạo ập đến, Sài Gòn hoảng loạn, không chốn bình yên! Tương lai mù mịt! Mọi người đổ xô nhau đi tìm những nơi chốn khác, mà họ nghĩ là sẽ đem đến cho họ, cuộc sống an bình hơn. Trong dòng người đó, chúng tôi cũng tìm đến anh chị QuyHiếu, anh chị MaiPhát, hầu mong có một phương tiện, cứu cánh cho gia đình nhỏ bé này. Nhưng khi đến nơi, tất cả đều vừa mới bỏ đi, không lời từ giã. Thất vọng vô cùng!

Lại nữa, chàng và những người anh em không thoát được, phải “ Tự Đi Trình Diện Tập Trung Cải Tạo “. Ngày đưa chàng đến nơi nhận tạm, tim nàng bàng hoàng đến se thắt lại. Nhưng ngoài mặt, nàng phải cố gắng chịu đựng, để chàng được yên lòng. Cũng như bao nhiêu người khác đồng cảnh ngộ, tiễn chồng, tiễn cha, tiễn anh ….. Tiễn họ vào đây rồi “ bặt vô âm tín “. Không biết đến bao giờ có thể gặp lại nhau được đây?

Nàng nghĩ, riêng đối với nàng, Sài Gòn không thể là miền đất dung thân, về lâu, về dài cho cuộc sống mai sau. Nàng nhận thức được những khó khăn trong cuộc sống đang chờ đợi. Nàng quyết định đưa các con về lại Nha Trang. Vì dẫu sao đi nữa, ở thành phố biển hiền hòa này, là nơi nàng đã được sinh ra và lớn lên. Nàng nghĩ sẽ là nơi dung thân tốt cho mẹ con nàng. Ở đây, còn có ông bà Ngoại, các Cậu, các Dì có thể dang tay, đón nhận mẹ con nàng. Nàng cám ơn Me và anh chị Nhiễu đã cho gia đình nàng được tá túc ở đây, trong thời gian di tản. Cũng không quên cám ơn chị, đã nhờ Hiệt (một người cháu họ) đưa mẹ con nàng về đến Nha Trang an toàn.

Nàng nhớ đến chàng, nhớ đến quay quắt lận đó! Trước đây, chưa bao giờ hai vợ chồng lại xa nhau, thời gian dài như thế bao giờ! Nàng vẫn còn hình dung ra được, gương mặt chàng với cái cười rạng rỡ lần đó. Hồi đó chưa có con, chỉ một lần xa nhau một tuần lễ, chàng phải đi học thêm khóa huấn luyện ở Vũng Tàu. Gửi nàng ở nhà anh chị Nhiễu ở Sài Gòn. Đến khi mãn khoá học, vừa bước vào nhà gặp nàng, chàng đã ôm chầm lấy nàng, với nụ cười rạng rỡ, ánh mắt âu yếm, yêu thương. Rồi thôi. Có đi họp ở Nha Trang, quá lắm cũng chỉ một ngày. Bây giờ thì thời gian xa nhau biền biệt. Biết đến ngày nào mình mới gặp lại nhau đây?

Về đến Nha Trang, nàng trình diện ở Ty Giáo Dục Tỉnh. Họ xếp nàng vào khóa học tập chung với các giáo chức. Ở đây, nàng gặp được một số thầy cô giáo, đã dạy nàng thời trung học và một số đồng nghiệp trong tỉnh. Hầu hết, trên gương mặt mọi người đều lộ vẻ lo lắng, không vui. Nghe theo các bạn, nàng cũng đã nộp đơn, xin đi dạy lại ở đây. Họ cũng nhận đơn, nhưng mỗi lần nàng đến chầu chực, chờ đợi câu trả lời, họ đều bảo: 

_ Chúng tôi cần môn cô dạy, hãy chờ đi!

Ròng rã đến 2 năm, bỏ công, bỏ sức. Cuối cùng, khi vào gặp, họ nói thẳng:

_ Chúng tôi cần giáo viên như môn cô dạy. Nhưng mà theo lý lịch, chồng cô là Ngụy Quyền, hiện còn đang học tập cải tạo chưa về, chúng tôi không thể nhận. Cô không thể đứng trên bục giảng, dạy cho học sinh được!

Thế là “ Cánh cửa Giáo dục đã khép kín “ từ đó.

Mặc dù nàng và các con, được sống trong vòng tay thân ái, của ông bà Ngoại, các Cậu, các Dì … Nhưng “ Cái cảm giác hụt hẫng “ vẫn luôn canh cánh trong lòng. Chàng bây giờ ở trong tù cải tạo, biệt tâm, chẳng biết ở phương trời nào. Một nách, ba đứa con dại, vừa lo cho chúng nó ăn, cũng vừa phải lo dạy dỗ cho chúng nó nữa. Cái cảm giác vừa làm Mẹ, vừa làm Cha. Thật thấm thía vô cùng!

Cứ nghĩ đến chàng, nàng lại cố nuốt những dòng lệ cứ chờ chực để tuôn trào ra, hết lần này rồi đến lần khác và nhiều lần … nhiều lần … như thế. Cũng may, các cháu ngoan ngoãn, biết nghe lời. Chúng biết thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Nàng chưa thấy chúng cãi nhau hay đánh lộn với nhau bao giờ. Nhìn thấy cả ba nhường đồ chơi cho nhau. Nàng thấy thật thương các con vô cùng. Lúc trước chàng mua cho con, nào hỏa tiễn, máy bay, xe lửa, xe hơi …., chạy trên đường rây, qua cầu, qua sông, qua suối, nhà cửa, thành phố …, khi đi di tản, đã bỏ lại hết. Còn bây giờ, các con để dành tiền ăn sáng, mua những chiếc xe hơi bằng nhựa nhỏ xíu, chúng dùng những hộp diêm đã hết, gắn lại thành những toa xe lửa…. Rồi cùng nhau gắn lại thành hàng, cùng chơi với nhau …..

Trước mắt, phải tự bươn chải để kiếm sống, nuôi con và phải tự nuôi chính bản thân mình nữa. Phải làm gì bây giờ? Biết bao nhiêu suy nghĩ diễn đến trong đầu. Theo chân bạn bè, xuôi ngược buôn bán, thì không ai dạy dỗ con. Đành rằng nhờ có ông bà Ngoại, các Cậu và các Dì. Nhưng ông bà Ngoại, phần lớn tuổi, không lo nhiều cho các cháu được. các Cậu và các Dì cũng chỉ giúp được phần ăn uống. Cái chính là phải dạy dỗ nữa! Trẻ con mới vào đời, cần phải được chăm sóc, dạy dỗ kỹ càng, sau này lớn lên, mới dễ thành công trong xã hội được. Cháu lớn nhất, mới vào lớp mẫu giáo mà thôi. Con người không phải là loài cây cỏ dại, tự sinh, tự diệt. Ý nghĩ đó làm nàng chùn bước!

Nhưng mà bản năng tự sinh tồn vẫn mạnh hơn. Nàng bạo gan theo chân bạn bè, đi xuôi ngược buôn bán. Tiền kiếm về chẳng được bao nhiêu, so với công sức đã bỏ ra. Mà lại bỏ con nữa. Một vài lần, rồi thôi. Nàng quyết định chấm dứt. Không theo con đường này nữa. 

Đâu cũng khoảng nửa năm sau, nàng nhận được tin chàng. Mặc dù chưa được gặp mặt chàng, chưa hình dung được chàng ở tận nơi đâu. Nhưng giờ đọc được thư chàng, những nét chữ thân thương, tuy chỉ vài hàng ngắn ngủi. Đại khái biết chàng còn khỏe, cũng đã yên tâm và vui mừng lắm rồi. 

Lúc bấy giờ, phương tiện di chuyển, đường sá khó khăn lắm. Đi xe đò hay tàu hỏa cũng vậy. Dậy thật sớm, nàng ra bến xe để mua vé xe đò đi Sài Gòn. Phía trước quày bán vé, được chia làm 2 dãy, một dành cho Cán Bộ Công Nhân Viên và dãy kia dành cho dân. Ưu tiên, họ bán vé cho Cán Bộ Công Nhân Viên trước, rồi mới bán cho dân. Hàng này, bấy giờ lưa thưa chỉ một vài người và toàn là những cục đá sắp hàng. Thì ra, đó là chỗ để của những người dân cùng đường. Đói quá! Họ nghĩ ra cách làm như vậy để kiếm sống qua ngày mà thôi… Cũng không trách tại sao! Vì cần đi nên nàng buộc lòng phải mua một chỗ đứng. Nhưng không may mắn, lúc gần đến lượt nàng, quầy vé thông báo đã hết vé. Nàng vừa toan quay ra, đi về, có người chạy theo, bán cho nàng một vé với giá cao hơn trong quầy. Vì cần đi nên nàng đã đồng ý. 

Phải qua bốn đoạn đường gian truân, nàng mới đến chỗ thăm nuôi chồng được. Còn thời gian thì tùy theo thời lúc, có mua được vé xe đò, tàu lửa, chỗ ngồi trên xe đò trong tỉnh hay không. Cũng may mắn về đến Sài Gòn, có nhà anh chị Nhiễu để ở lại.

Sáng sớm hôm sau, nàng và thím Hà ra bến xe đi Tây Ninh. Cũng hay, cả hai cùng nhanh chân, nên kiếm được một chỗ ngồi trên xe. Xe chạy tốt. Đến nơi tương đối sớm, nên chúng tôi còn kịp đi chuyến xe cuối cùng trong ngày từ Tây Ninh đi Bổ Túc. 

Trời chiều xuống nhanh. Chiếc xe đò cũ kỹ chạy bằng than, phần chở người và hàng hoá buôn bán nhiều quá. Chỗ ngồi chật ních trong xe, lớp ngồi trên các bao hàng để trên sàn, lớp đứng đeo theo phía sau. Người đeo ở phía sau nhiều quá, chiếc xe như oằn xuống. Tuy vậy, nó cũng cố ì ạch bò, lúc nào đến nơi thì đến. Lại còn có thêm một vài người ngồi ở trên mui xe nữa. Nàng và thím Hà ngồi ở băng sau. Họ đốt than để chạy. Nóng quá! Nàng nghe tiếng than cháy, nổ nghe rèn rẹt…, rèn rẹt… Nhìn ra hai bên thân xe, những tia lửa xẹt ra, chớp chớp, rồi tắt lịm trong cảnh trời chiều bảng lảng. Nàng nghĩ đến, nếu những tia lửa, chẳng may chạm trúng ai, chắc chắn người đó sẽ bị phỏng nặng, còn có thể nguy đến tính mạng nữa. Nàng nhắm mắt lại và không dám nghĩ tiếp!

Chiếc xe cũ kỹ, cũng nặng nề lết được đến bến xe Bổ Túc. Trời sập tối nhanh. Xuống xe, hầu hết là người buôn bán, trao đổi hàng hoá từ Tây Ninh. Họ nói chuyện với nhau, có lúc nàng nghe tiếng Việt, nhưng đôi khi không phải. Nàng đoán là tiếng Miên. 

Chúng tôi đến phòng vé hỏi thăm, họ cho biết đây là chợ Bổ Túc, còn nhà dân ở cách đây khoảng một cây số nữa. Nàng đề nghị với thím Hà, cùng đi vào trong làng, tìm nhà dân, để ngủ nhờ qua đêm. Thím không đồng ý:

_ Mình là phụ nữ. Đêm hôm đi vào xa trong đó. Có là họ sẽ “ăn thịt “ mình mất, cháu ạ! 

Thím Hà nói thế cũng phải. Nàng nghe theo và đi về hướng chợ. Nói là chợ nghe cho xôm thôi. Đó là một bãi đất trống, ai đó dựng năm ba cái chõng tre. Để cùng ban ngày gặp gỡ, trao đổi, buôn bán. Cũng nhờ đó, nàng và thím Hà tìm được một chỗ nằm dưới màn đêm. Nàng lấy cái áo mưa trong giỏ, mặc ngược, mũ áo mưa che kín cả khuôn mặt nàng. Mặc dù là ban đêm, nhưng khí trời ở đây nóng bức dữ lắm. Mồ hôi ra ướt đẫm cả lưng. Nàng biết thế, nhưng không thể cởi áo mưa ra được. Vậy mà lũ muỗi rừng cũng cố rủ nhau, vo ve, ca hát hai bên tai nàng. Nàng đập đập liên hồi. Rồi cuối cùng, mệt quá, đã ngủ thiếp đi, không biết tự lúc nào. 

Sáng sớm hôm sau, nàng thuê một chiếc xe lôi. Thân sau giống như xe bò, được móc vào với một chiếc xe Honda cũ phía trước. Phương tiện độc nhất ở đây, để chạy lên trại cải tạo, trên núi Kà Tum. Đường lên núi dốc, đá lởm chởm gập ghềnh. Cứ mỗi lần người lái xe len lách, rồ ga mạnh, cả hai thím cháu lại ngã lăn theo chiều xe. Nhất là nàng, bây giờ như “ con mắm “, nằm rạp trên sàn gỗ xe. Lúc đầu, nàng còn ước gì được nằm trên đống cỏ, rơm khô. Riết rồi thiếp đi, lúc nào không biết, mặc cho nó có ra sao thì ra!

Khi gần đến cổng trại, xe dừng lại. Toàn thân nàng ê ẩm, đau nhức. Nhưng cứ nghĩ đến, sắp được gặp mặt chàng, nàng lại cố gắng, giữ vẻ vui tươi. Nàng trình giấy tờ thăm nuôi, người bộ đội làm việc ở đây, bảo nàng và thím Hà chờ. Anh ta kêu người vào dẫn chàng ra. Độ một tiếng sau, chàng đến cùng với một người bộ đội. Chúng tôi gặp nhau và nói chuyện được đâu gần một tiếng đồng hồ. Nhìn gương mặt chàng sạm đen, khắc khổ, nàng chạnh lòng quá. Nước trong mắt cứ ứa ứa, nhưng nàng tự nhủ, phải cố gắng giữ để hai hàng lệ, không được tuôn trào ra ngoài! Cứ nhìn nhau, và cả hai đứa, chẳng nói được ý mình muốn nói! Hết giờ thăm nuôi. Nhìn chàng tay xách giỏ thức ăn, đi trở vô rừng với người bộ đội. Lòng nàng thấy se thắt lại. 

Nơi đây gần biên giới với Cam pu chia. Trời sập tối nhanh nơi rừng thiêng, nước độc này. Khí lạnh của núi đá, của rừng cây cao vút, chằng chịt dây leo, thấm dần vào da thịt nàng. Lạnh buốt! Cũng may, đây là phép thăm nuôi đặc biệt, nên thím Hà và nàng, được ngủ qua đêm ở đây. Bởi muốn xuống núi, cũng chẳng có phương tiện nào nữa. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi cám ơn và chào người bộ đội làm việc ở đây. Chúng tôi đi bộ. Cứ nghĩ đi đến đâu, được đến đó mà thôi. 

 

Xuống đến bến xe Bổ Túc, họ nói chưa biết lúc nào mới có xe về Tây Ninh. Vì phải chờ xe lên, rồi mới có xe về. Chúng tôi lại đi bộ nữa. Những gì cầm trên tay, mệt quá, nàng cứ muốn liệng bỏ đi. Nhưng rồi tiếc quá, lại cố gắng giữ lại. May mắn, chúng tôi gặp được một xe máy cày. Nàng mừng quá, vẫy xe:

_ Anh ơi, xin hỏi từ đây về Tây Ninh bao xa? Chúng tôi đi bộ có được không?

_ Xa lắm, làm sao hai chị đi bộ được. Sẵn tôi cũng đi Tây Ninh để mua thêm phân bón. Hai chị lên đây đi. 

Người lái xe vừa nói, vừa cúi xuống. Đồng thời anh ấy cũng thắng xe lại, kéo tay chúng tôi lên vì xe cao lắm. Vui mừng quá! Chúng tôi được quá giang về Tây Ninh. Chúng tôi cám ơn và chào người lái xe tốt bụng này. Và cũng còn kịp chuyến xe cuối cùng đi về Sài Gòn trong ngày nữa. 

Cám ơn thím Hà nhiều lắm. Nhờ thím mà cháu có được, lần thăm nuôi đặc biệt này.

Về đến Sài Gòn, vội thăm Me và chị Nhiễu. Cũng vội về Nha Trang với các con. Về đến nhà, nàng ôm chầm các con vào lòng. Tội nghiệp quá! Cả ba cùng tranh nhau nói. Phụng Minh khoe có Giấy Khen bảng điểm tháng này, Phụng Giao khoe cô giáo tuyên dương học sinh giỏi. Còn Minh Huy vì chưa đến trường, nhưng cũng khoe, con ở nhà ngoan lắm. Rồi cả ba thi nhau khoe chuyện, chúng chơi sắp xe với nhau, ăn uống và chơi banh với nhau …

Sau đó, cứ khoảng 3 tháng, nàng nhận được thư kèm Giấy Phép cho thăm nuôi. Lần đầu, nhờ có Me, anh Quán và cậu Quyền đi cùng, nên nàng đem theo cả ba đứa đi thăm bố. Chúng vui mừng, hớn hở lắm. Những lần sau các cháu thay phiên nhau đi với mẹ. Cũng từ đó, nàng nhờ Tường Vy, bạn của Bích Liên, em gái nàng. Tường Vy làm ở Sở Giao Thông Vận Tải, cô ấy xin giấy đi công tác. Nàng mua được vé xe đò hay tàu lửa dễ dàng hơn. Thật cám ơn Tường Vy!

Một lần, Tường Vy đưa nàng và Phụng Minh ra ga Nha Trang để đi Sài Gòn. Toa xe nào cũng chật ních người. Tìm được một toa hơi thoáng. Nàng nhờ người trên tàu, kéo Phụng Minh lên theo lối cửa sổ. Giỏ thức ăn cũng được chuyển lên theo sau. Bây giờ chỉ còn nàng. Thật khó mà đi lên tàu theo lối này. Xách áo quần của hai mẹ con, nàng cuốn gọn lại và ôm theo bên mình. Thế mà bọn móc túi, giựt dọc cũng đã để ý. Chúng len xuống, rạch cho 4 nhát dao lam, dài gần cả gang tay. Cũng may, hành khách đứng trên tàu nhìn thấy, họ kêu nàng và chỉ chỗ đã bị cắt. Nàng nói cám ơn, vội cuốn tròn cái xách lại, ôm chặt vào người rồi nhanh chân theo lối cầu thang. May mắn nàng lên được toa tàu. Không còn chỗ ngồi trên ghế. Hai mẹ con vẫy tay chào và ra dấu cám ơn Tường Vy, rồi ngồi bệt xuống sàn tàu. Suốt cả đêm như vậy. 

Nàng ghi tên theo học lớp thêu xuất khẩu ở Nha Trang. Có lẽ là con đường duy nhất, dành cho “ Vợ Người Tù Cải Tạo “ như nàng. Dù chưa biết sau này thu nhập được bao nhiêu, nhưng hiện tại cũng tạm yên về mặt tinh thần. Đúng như nàng đã nghĩ, những người vào đây, đa số là vợ người tù cải tạo thật. Chúng tôi học thêu và thêu những bộ Drap giường để xuất khẩu. Họ trả tiền công với giá rẻ mạt, so với công sức chúng tôi đã bỏ ra. Cũng mua được 10 ký gạo với giá quy định nữa. Đành phải chịu vậy thôi. 

Bạn thân ở lại chỉ còn Tường Khanh. Nghe nói cả nhà Phi Hồng và Phương Phú đã đi thoát được, vào cuối tháng 4 năm 1975 rồi.

Nhờ khéo tay, nên được nhiều người biết đến và đặt hàng. Nàng nhận thêu áo dài, đồ bộ v. v…. Nàng cũng nhận áo quần thêu cho tiệm may nữa. Nhưng dù cố gắng làm và cố gắng tiết kiệm đến mấy đi nữa, thì số tiền thu vào cũng không thấm vào đâu, so với số tiền chi ra hàng tháng. Vốn liếng cạn dần. Nhiều lần, các bạn nàng rủ nàng đi ăn phở, nàng cũng tìm cách từ chối khéo. Nàng cứ nghĩ đến chồng trong tù cải tạo, đến các con ở nhà không được ăn. Mà nàng lại đi ăn một mình sao đành! Một lần, hai lần, ba lần …. Rồi thôi, các bạn không rủ nàng nữa. 

Thêu chung với Phi, chồng Phi là Sĩ Quan, cũng trong Tù Cải Tạo ở Tuy Hoà. Thỉnh thoảng, hai đứa cũng gác khung thêu đi ăn chè đậu đen ( chè Quốc Doanh ) ở cạnh Nha Trang Hotel thì có. Chắc hồi đó cơ thể thiếu ăn, nên chúng tôi ăn mà cảm thấy ngon miệng vô cùng! Mỗi lần như vậy, nàng đều mua về cho ba đứa con, mỗi đứa một bịch ny lon chè. Chúng nó mừng húm!

Mặt khác, phường khóm lại kêu đi họp liên miên. Thường thì hay ngồi họp ngoài sân trường Mẫu Giáo. Những đêm họp như vậy, nàng bị mất nhiều giờ, không thêu được hàng ở nhà. Vừa ôm con, Minh Huy ngủ ngon trong vòng tay của mẹ, mặc cho sương đêm, mặc cho muỗi mòng …

Thỉnh thoảng, biết rạp xi nê có chiếu phim hay, thích hợp với thiếu nhi, có tính cách giáo dục thiếu nhi. Nàng cũng quyết định đưa các con đi xem. Phim Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Cô Bé Lọ Lem v.v… Nhưng các cháu thích nhất là phim Thuyền Trưởng Nê Mô ( Hai Vạn dặm dưới Biển Sâu ). Vãn phim, bốn mẹ con nắm tay nhau tung tăng ngoài phố. Cũng cho các cháu ăn kem nữa. Những lúc như vậy, nàng lại nhớ đến chàng. Nàng nói với các con : 

 _Các con cố gắng học nghen. Ba sẽ mau về. Chừng đó ba mẹ và các con lại đi xem xi nê, đi ăn kem nữa. Cả ba chúng nó, không hẹn mà cùng nói: Lạy Phật cho Ba con mau về!

Mỗi lần đi thăm nuôi chàng, ba đứa con tuần tự thay phiên nhau đi với mẹ. Lần này đến lượt Phụng Minh. Đã thăm xong rồi, bây giờ tính chuyện đi về. Hôm nay ngày 23 tháng Chạp Âm lịch (Ngày đưa Ông Táo về Trời), Me và chị Nhiễu nói ở lại chơi vài hôm. Nàng nóng lòng quá, vì gửi hai con nhỏ cho ông bà Ngoại, mấy Cậu, mấy Dì, nên bây giờ chẳng vui vẻ gì mà ở lại đây chơi. 

Hai mẹ con ra bến xe Petrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ), mua vé về Nha Trang. Đang sắp hàng mua vé, một phụ nữ đến ve vãn nói chuyện. Nàng không biết là bà ta, đã để ý nàng từ lúc nào. Nàng sắp hàng nhưng không mua được vé. Vừa trở ra, một phụ nữ khác tới làm quen và đưa cho nàng một tờ Điện tín. Đại khái, nhắn con về gấp, cha đau nặng. Nàng tin lời bà ta đến nỗi, bà ta nói gì nàng cũng nghe theo. Nàng đọc thấy quầy bán vé Phan Rang, nhưng bà ta cứ nói quầy bán vé Nha Trang. Hai mẹ con nàng cứ đi theo bà ta, đi qua, đi lại cả chục vòng. Nàng nghĩ đến chuyện người ta nói, kẻ gian bỏ bùa, bỏ ngãi để mình mê đi và tin theo. Vừa đi với con, nàng vừa dặn nó chỉ nghe theo mẹ, mặc ai nói gì, cũng không nghe hết. Phụng Minh nói dạ với mẹ và gật đầu. 

Ba người trở lại quầy vé Nha Trang. Nàng tin lời bà ta, Nghĩ bà ta là người tốt. Nàng để con ngồi trên xách áo quần, tay giữ giỏ lon guigoz trống. Dùng để đựng thức ăn cho chàng, kỳ tới. Đứng sắp trong hàng, vừa quay ra nhìn thăm chừng con. Không thấy Phụng Minh và người đàn bà ấy đâu cả. Hoảng hốt, nhưng cũng còn nhanh trí, nàng chạy lên quầy vé, nhờ họ thông tin giùm Tìm Trẻ Lạc. Nàng vừa khóc, vừa chạy đi tìm khắp bến xe. Vừa nghĩ cảnh mất con trong hoàn cảnh như vầy. Cũng nghĩ, nếu chàng biết mất con, thì chàng đau đớn biết chừng nào!

Phải mất cả buổi sáng, gần đến trưa, may mắn nàng mới tìm thấy được bà ta cùng với Phụng Minh đứng khuất sau những xe car đang đậu nghỉ trong bến. Hai mẹ con nhìn thấy nhau, ôm chầm, cả hai cùng khóc, nước mắt ràn rụa. Không thấy xách áo quần và giỏ lon guigoz trống. Chắc bà ấy đã chuyển đi rồi. Ba người đến đồn Công An, Nàng kể rõ sự việc và xin xác nhận, Giấy khai mất giấy tờ. Người Công An nghi bà ta là thủ phạm, định giữ lại. Nhưng nàng lại xin cho bà ta.

Cũng may mắn, còn một ít tiền, nàng để trong túi quần, nên không mất. Hai mẹ con về lại nhà chị Nhiễu. Nàng kể lại sự việc từ sáng sớm đến giờ. Cả Me và chị Nhiễu cùng nói: Hai người đàn bà đó thông đồng với nhau, lừa bịp để lấy đồ của mẹ con nàng. 

Sáng hôm sau, hai mẹ con ra ga Bình Triệu thật sớm. Có hai người khách trên tàu, đi xa mà không có một chút hành lý nào cả!

Cũng có những lần, các bạn rủ nhau đi biển chơi. Đây toàn là Vợ Người Tù Cải Tạo. Người nào cũng đèo theo một đứa con nhỏ ngồi sau xe đạp. Lần nào nàng cũng cho ba đứa cùng đi. Phụng Minh chở Phụng Giao, còn Minh Huy lúc nào cũng ôm theo mẹ. 

Gió biển thoáng mát, dễ chịu. Những bà mẹ cùng kể chuyện thăm nuôi chồng. Các đứa trẻ thích lắm, cùng chạy nhảy vui đùa trên bãi biển, chơi banh với nhau hay rủ nhau tìm bắt những con dã tràng trên bãi cát ướt. 

Trời vẫn trong xanh với những đám mây trắng bàng bạc. Nước Biển vẫn sóng sánh màu xanh đại dương. Những làn sóng nhẹ vẫn nhấp nhô, men theo bờ cát  trắng…. Chúng tôi vẫn luôn nuôi hy vọng, một ngày không xa, chồng được thả về. Lúc đó, vợ chồng, con cái lại được hạnh phúc bên nhau. Nghĩ rồi, tự nhủ: Biết đến bao giờ!

 Bởi vì các anh là “ Những Người Tù Cải Tạo Không Có Bản Án “. Một năm, hai năm …. Năm năm, sáu năm …. Mười lăm năm, mười sáu năm ……

 Thôi! Cứ cho là Ngày Mai, Ngày Mai đi! Để còn hy vọng cho tương lai Các Con nữa. Phải không Anh?…..

Nguyễn Thị Lộc

Nguồn: Tiếng Thông Reo

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025