THÁNG TƯ KỂ CHUYỆN

THÁNG TƯ KỂ CHUYỆN

1.BÀ GIÀ TRẦU


Anh Hai tôi, sau một thời gian dạy ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ thì được chuyển về dạy ở Long Tuyền, Cần Thơ. Năm đó, chiến tranh biên giới Tây Nam căng thẳng nên nhà trường ra sức thuyết phục các thầy trẻ, là đoàn viên viết đơn “tình nguyện” đi nghĩa vụ quân sự để họ lấy điểm với Sở Giáo Dục, và hứa hẹn sau này xuất ngũ sẽ được trở lại tiếp tục dạy học và thăng chức (ai tin lời hứa của cộng sản thì bán lúa giống!). Nói mãi nói hoài gần như ép uổng, cuối cùng cũng có vài thầy “tình nguyện” ra chiến trường. Buổi tối tiễn đưa có ăn uống và văn nghệ vui vẻ, một thầy trẻ đại diện nhóm “tình nguyện” lên sân khấu ôm đàn hát bài “Mẹ Ơi, Hãy Yên Lòng”:
Rừng thay lá bao mùa rồi,
  Đoàn quân chiến đấu xa làng quê./
  Mẹ ơi hãy yên lòng đi,
  Dù bao gian nan ngày tháng….
  A!!!, ai giục lòng ta!
  Mẹ ơi có nghe!…

Mới hát được tới đó, có một bà già trầu từ dưới chạy lên, tay cầm chổi chà (thì ra là mẹ của thầy ấy), đánh tới tấp vào người thầy và rủa xả :
– Yên lòng cái tổ cha nhà mày! Mẹ ơi có nghe cái tổ cha nhà mày!!!
Người con bỏ đàn chạy khỏi sân khấu, bà vừa rượt theo vừa chửi đổng :
– Tổ sư cha quân ăn cướp, lũ ăn cháo đá bát, vắt chanh bỏ vỏ …

Sáng hôm sau, người con vẫn lên đường ra trận, bà già trầu bị đưa vào viện “tâm thần” một hai tuần lễ . Về nhà, bà ngồi nhai trầu, mỉm cười nói với chòm xóm:
– Nhờ có …bệnh mà ở trỏng tui thoải mái chửi tụi nó!
– Vậy giờ bà hết bệnh rồi phải hôn ?
Bà nhổ bãi trầu, quẹt mỏ bằng cái khăn rằn, cười lớn:
– Thì hết bệnh rồi, nhưng lâu lâu bệnh sẽ …tái phát, tao lại. ..lên cơn chửi nữa !!!

Hơn một năm sau, bà già trầu …hết bệnh thiệt . Té ra, người con trai, khi bị ép uổng làm đơn “tình nguyện đi chiến đấu” đã âm thầm lên kế hoạch đào ngũ. Trong thời gian ở chiến trường Cambodia, anh đã quen đường đi nước bước, học hỏi thêm tiếng Cam khá sành sõi, rồi một ngày “đẹp giời”, anh đã đào tẩu, chạy qua biên giới Thailand, vào được trại tỵ nạn . Bà già trầu sung sướng cầm lá thơ của con trai đi khoe khắp xóm .
Chòm xóm lại bảo:
– Vậy là hổi nẳm nó ca bài “Mẹ Ơi, Hãy Yên Lòng” là có …ý đồ nhắn nhủ bà đó, ai dè bà lại đi goánh thằng nhỏ chạy té khói, thiếu điều sắp gãy giò! Mẹ mà hổng…thông minh, hổng hiểu ý con gì ráo!
Bà già trầu biết lỗi, thẹn thùng như gái …mười tám:
– Mồ tổ nó! Ai biết đâu nà!!

*****

2. ÔNG PA-TÊ



Trước năm 1975, dãy phố xóm tôi, vì bao quanh bởi những trại quân cụ, truyền tin, quân trang, trại lính, khu gia binh của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, nên nhà nào cũng kinh doanh, buôn bán. Nhà tôi là quán giải khát, nhà kế bên là quán phở, bánh cuốn, rồi tiệm bánh mì, tiệm depot nước đá, bia, nước ngọt, tiệm sinh tố, và cuối dãy là tiệm tạp hoá kiêm bán Pa-tê, thịt nguội, giò lua.

Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc cho đến ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm. Cả xóm lao đao vì thời cuộc đảo điên, nhà nhà có người đi tù cải tạo, kinh tế mới, cửa nhà trống hoác trống hơ, lạnh lẽo. Nhưng riêng nhà ông Pa-tê thì không hề hấn gì, mà ngược lại, ông còn được làm chức Phó Chủ Tịch phường. Lúc ấy tôi mới 9-10 tuổi, chẳng hiểu gì, chỉ nghe lõm bõm người lớn xì xào, rằng nhà ông Pa-tê có lý lịch sạch sẽ nhứt trong xóm, không dính líu gì đến chế độ cũ nên ổng được chức quyền là đương nhiên. Kẻ khác thì hoài nghi, chắc ổng là dân “nằm vùng” chớ không phải tự dưng mà được cái chức ngon cơm vào cái thời “gạo châu củi quế” ấy!

Một ông anh của tôi vừa tuổi 18 bị gọi đi “nghĩa vụ quân sự” cùng lúc nhận giấy báo đậu đại học. Bà chị tôi vội vã mang đến nhà ông Pa-tê một bịch lạp xưởng và một hộp sữa, mong ông dùng quyền thế và tình làng nghĩa xóm, mà giúp cho anh tôi được đi học thay vì đi lính. Nhưng cuối cùng, lạp xưởng và sữa hộp thì họ ăn hết mà anh tôi vẫn phải nhập ngũ Sau đó gia đình tôi đã cho anh đảo ngũ ngay khi chưa xong quân trường, rồi phiêu bạt về miền tây chờ ngày vượt biên. Hoá ra, ông Pa-tê, tuy là phó chủ tịch, cũng chẳng có “ép phê” gì với bên phường đội để can thiệp cho anh tôi.

Sau một thời gian khá dài làm phó, rồi chuyển qua vài chức vụ nho nhỏ khác trong Uỷ Ban phường, ông Pa-tê cũng lui về vườn khi chưa đến tuổi hưu, hay là vì đấu đá nhau bên trong nội bộ, có trời mới biết. Ông bán căn nhà ở dãy phố, đưa gia đình về miền cây trái An Phú Đông, ở ẩn, vui thú vườn tược giản đơn. Một vài người hàng xóm thân cận hay qua lại thăm ông, đã hỏi thẳng, rằng ông là “nằm vùng” hay “cách mạng 30/4” (nghĩa là loại…trở cờ, gió chiều nào theo chiều nấy). Ông đáp rành mạch:

– Nằm vùng con khỉ khô! Trở cờ cũng chẳng phải! Hồi đó cứ hai lần một tuần, tôi thức dậy từ khuya để đi lấy Pa-tê về bỏ mối và bán tại nhà. Có lần, đang chạy xe trên con đường vắng, hai bên đồng trống, bỗng có mấy thằng Việt Cộng nhào ra chặn đường. Tụi nó mặc đồ bà ba đen, quấn khăn rằn, người gầy ốm, da bọc xương, bẩn thỉu như ma đói, dí súng vào đầu tôi, xin Pa-tê thịt nguội, rồi bảo từ nay cứ đi qua đoạn này phải nộp Pa-tê cho chúng, nếu không chúng bắn vỡ sọ, còn nếu đi báo Cảnh Sát thì vợ con tôi cũng chung số phận. Tôi vì lo cho cái gia đình một vợ tám con mà không dám hé răng nửa lời, cứ phải âm thầm cung cấp Pa-tê cho chúng nó cho đến ngày “giải phóng”!

Rồi ông nổi sùng, giận dữ, chửi đổng:

– Bọn ăn cướp khốn nạn! Tao đâu ngờ vì quá nhút nhát an thân mà tao đã tiếp tay cho chúng mày “giải phóng” Miền Nam đang ấm no, hạnh phúc. Nếu được làm lại từ đầu, tao xin thề, tao thà bỏ nghề chứ không đời nào thông đồng với lũ khỉ rừng tụi bay! Tổ sư cha bay!!!

Kim Loan

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025