Tương lai Việt Nam dưới mắt các tác giả

 LỜI PHI LỘ

Mai Thanh Truyết-EviroVN

Lịch sử Việt Nam (VN) cận đại gắn liền với hầu hết những biến cố quan trọng của dòng sử thế giới. Trong đó những biến cố lớn là những xung đột của các cường quốc, và gần như là một định mệnh, dân tộc VN chịu rất nhiều mất mát và đau thương trong những cuộc đổi đời dâu bể này.

Ngày nay, một lần nữa, dân tộc VN lại phải gánh chịu ảnh hưởng nghiệt ngã của cuộc thư hùng giữa hai đại cường kinh tế, bắt nguồn từ nhiều nguyên do; chính yếu là do mức độ phát triển kinh tế không đồng đều giữa độc bá quyền Mỹ và quốc gia thách đố Trung Cộng (TC). Tính chất của sự tranh chấp này nằm trong khảo luận mà sử gia Hy Lạp, Thucydides, đã dàn dựng hơn hai thiên niên kỷ qua.

Hệ quả của cuộc thư hùng được gọi là “thương chiến” này có thể thay đổi trật tự thế giới mà chúng ta đang trải nghiệm (Pax Americana).

Do vị trí địa lý chính trị của VN, dù diễn tiến thế nào, hệ quả cuộc chiến nầy đưa đến nhiều thử thách và đồng thời là cơ hội cho dân tộc VN.

Hơn nữa, một dân tộc không có niềm tự hào hay hãnh diện sẽ không thể tiến bộ, mà có thể cũng không tồn tại qua thời gian. Ngày nay, người VN dàn trải khắp năm châu. Nhìn chung, người Việt khắp mọi nơi rất thành công và vẫn tự hào là người Việt. Do đó, người viết tin rằng dù dưới vòm trời bao trùm các nẻo đường quê hương hay nơi góc biển chân trời xa xôi đâu đó, người Việt luôn quan tâm đến và theo dõi những diễn tiến liên quan đến vấn đề tranh chấp quan trọng này.

Trong tinh thần và suy tư đó, người viết, dù tự biết là kiến thức thô thiển, cũng xin mời quý vị cùng tìm hiểu sự kiện và suy luận về bản chất, nguyên nhân, và hệ lụy của cuộc “thương chiển” này.

Văn hóa bị điều kiện hóa bởi lịch sử, hay hoa mỹ hơn, lịch sử của một dân tộc là một dòng nước luân lưu đẩy đưa chiếc nôi văn hóa của dân tộc đó. Do đó, khởi điểm của hành trình này là tìm hiểu về cách hành xử, hay văn hóa, của hai dân tộc, Mỹ và TC.

TC có một lịch sử dài và một nền văn minh lâu đời. Do đó, chúng ta sẽ tìm hiểu các biến cố lịch sử quan trọng ảnh hưởng đến tư duy và cách hành xử của TC, nhất là trong lãnh vực phát triển kinh tế.

Dưới cái nhìn và luận thuyết của sử gia Thucydides, cuộc tranh chấp Mỹ-Trung hiện nay xảy ra là do kết quả của sự đồng quy hay mức độ tăng trưởng không đồng đều giữa hai nền kinh tế của hai quốc gia. Sau một thế kỷ bị hạ nhục theo quan điểm của Bắc Kinh và gần 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Mao Trạch Đông (Mao Zedong), xã hội TC vô cùng lạc hậu về mọi mặt, kể cả kinh tế; trước khi cải tổ. 

Dù sự tranh chấp Mỹ-Trung khởi đầu bằng một công cụ trong lãnh vực ngoại thương, và  truyền thông cho đây chỉ là một cuộc thương chiến và chiến tranh mậu dịch sẽ không có bên thắng mà chỉ có kẻ thua nhiều người thiệt ít mà thôi. Nhưng thực chất, đây là cuộc tranh giành bá quyền cổ điển của TC để thiết lập một trật tự thế giới mới (Pax Sinica) nên sẽ rất trường kỳ và nguy hiểm, còn có thể là bẫy Thucydides. Do đó, cụm từ “Mậu Dịch” trong tựa đề của những dòng biên khảo này được đặt trong ngoặc kép.

Tổng Thống Nixon, đi vào lịch sử Mỹ với vết nhơ của vụ Watergate, là vị tổng thống duy nhất của Mỹ phải từ chức để tránh bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, không mấy ai có thể phủ nhận khả năng, kiến thức và viễn kiến của TT Nixon trong việc hoạch định và thực thi chính sách ngoai giao của Mỹ. Do đó, tiếp theo chúng ta tìm hiểu quan điểm của TT Nixon khi ông thiết lập bang giao với TC.

Các cơn hậu chấn chính trị của vụ Watergate gây quá trình thiết lập bang giao Mỹ-Trung bị đình trệ cho đến khi TT Carter chính thức thiết lập bang giao Mỹ-Trung, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1979.

Để lèo lái TC trong bối cảnh mới, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cùng với Trần Vân (Chen Yun) và Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) triển khai chính sách cải cách và mở cửa TC: Tứ Đại Cải Cách (TĐCC). TĐCC là mô hình phát triển tập trung vào bốn lãnh vực quan trọng của quốc gia.  Đó là: canh nông, kỹ nghệ, khoa học và kỹ thuật, và quốc phòng.  Thật ra, mô hình này dựa theo kế sách mà Thủ Tướng Chu Ân Lai (Zhou Enlai) phác họa và trình bày tại Quốc Hội Nhân Dân Thứ Tư, ngày 13 tháng 1 năm 1975. Nhưng lúc đó cuộc cách mạng văn hóa còn đang sôi động, nên bị Mao Trạch Đông bác bỏ. 

Về phương diện kinh tế, TĐCC nhằm vào thay đổi đối tượng: (i) từ nền kinh tế trung ương hoạch định sang nền kinh tế “chim bị nhốt trong lồng (nền kinh tế thị trường trong định hướng của xã hội chủ nghĩa)”, (ii) từ nền kinh tế đóng kín sang nền kinh tế mở, và (iii) từ phát triển canh nông sang phát triển công nghệ. Đây là mốc quan trọng làm thay đổi TC, trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay.

Phát minh khoa học và kỹ thuật, phát minh ra cái gì mới (technological inventions), chỉ là điều kiện cần, còn cải tiến khoa học và kỹ thuật (technological innovations) mới là điều kiện đủ cho công trình phát triển kinh tế đưa đến sự giàu mạnh của một quốc gia.

 Cải tiến khoa học và kỹ thuật khác biệt với phát minh khoa học kỹ thuật ở chỗ phát minh khoa học kỹ thuật là phát minh ra cái mới.  Cải tiến khoa học và kỹ thuật đòi hỏi phát minh ra cái mới và ít nhất một quá trình dùng cái phát minh này để tạo ra một cái gì có giá trị.

Tuy nhiên, văn dĩ phương Tây “không tải đạo” tại phương Đông, nhất là theo văn hóa của TC. Theo Tây Phương thì cải tiến khoa học và kỹ thuật cần phải có một cái gì đó mới lạ và chưa từng được ứng dụng tại bất cứ nơi nào: cải tiến khoa học và kỹ thuật phải “mới đối với thế giới (new to the world)”.  Trong khi đó, cải tiến khoa học và kỹ thuật, trong văn hóa thời thượng của TC, chỉ cần “mới đối với thị trường (new to the market)”, hoặc “mới đối với một tổ chức (new to an organization)”.  Đồng thời, TC đã là một quốc gia với trình độ kỹ thuật hảo hạng so với các quốc gia Tây Phương trong nhiều thiên niên kỷ của thời vàng son xa xôi trong quá khứ của họ. Do đó, cuộc hành trình của chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thú vị, nếu chúng ta không tìm hiểu kết quả của sự “văn dĩ bất tải đạo” này, cũng như nhận định về khả năng phát minh khoa học và kỹ thuật của TC trong lộ trình thay đổi đối tượng từ phát triển canh nông sang phát triển công nghệ của TĐCC. Đáp án của nghi vấn này là một yếu tố quan trọng trong các yếu tố quyết định cách mà cuộc tranh giành bá quyền kết thúc.

Một câu hỏi có vẻ định mệnh là sự trổi dậy không những về mặt kinh tế mà cả trong các lãnh vực khác như chính trị, quân sự, ngoại giao, và thái độ trịch thượng mà TC phô trương dựa vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình đã được nhiều học giả và truyền thông tranh cãi trong nhiều năm qua: tại sao cuộc xung đột Mỹ-Trung cho đến gần đây mới xảy ra? Để giải thích phần nào vấn đề nầy, chúng ta sẽ dựa vào lý “thuyết độc bá quyền ổn định” và sự vận hành cuả xã hội Mỹ.

Kinh tế luôn mang màu sắc chính trị, và cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ tô đậm nét sắc màu này hơn. Thucydides cho rằng cuộc chiến trường kỳ và đẫm máu giữa Athens, quê hương của ông, và Sparta, một xứ sở quân phiệt, là do Athens tăng trưởng nhanh hơn Sparta. Và, danh từ thời thượng được Giáo Sư Graham Allison (2017) của đại học Harvard sáng tạo để mô tả sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và xung đột chính trị là “bẫy Thucydides (The Thucydides’ Trap)”. Đồng thời, nghiên cứu 16 biến cố tương tự hay có cùng bối cảnh của bẫy Thucydides trong 500 năm qua, Giáo Sư Graham Allison kết luận rằng 12 trong số 16 trường hợp mà ông nghiên cứu đã dẫn đến chiến tranh vũ lực.

Trong quá trình TĐCC, nền kinh tế TC  đạt được một mức độ đồng quy khá nhanh. Nhờ vào sự đồng quy nhanh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật dân sự vào lãnh vực quốc phòng, TC đã xây dựng được một quân đội hiện đại. TC đang có cuộc chạy đua về hiện đại hóa quân sự để mong theo kịp Mỹ.  Trong tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Cộng, liệu một sự đụng độ quân sự có khả năng xảy ra hay không?

Đối với VN, một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, chẳng những về kinh tế, mà cả chính trị, ngoại giao và an ninh. Cuộc thương chiến này, dù còn tiếp diễn hay sẽ chấm dứt như thế nào, đều đem đến cho VN một số thử thách lớn, nhưng đồng thời cũng có một số lợi thế, ít nhất trong ngắn hạn. VN phải dự phóng một vài cảnh huống cho sự kết thúc của cuộc đối đầu Mỹ-Trung hôm nay.

Phát triển kinh tế là chất liệu cần thiết để kiến tạo xã hội và cải thiện mức sống của người dân, mà phát triển kinh tế phải có khởi điểm. Do đó, mức độ của quá trình hội nhập, vị thế và tương quan kinh tế, cả tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt của VN đối với thế giới cũng như đối với hai phe tham chiến hiện nay sẽ phải được duyệt qua.

Quá trình hội nhập toàn cầu của VN đến nay đã hơn 30 tuổi và trong quá trình đó VN đã ký rất nhiều thương ước với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên toàn cầu, cả song phương lẫn đa phương. Qua các hiệp thương này, hoạt động kinh tế VN đã quấn quyện chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới.

Do đó, thay đổi mức độ tương đối của các biến số kinh tế vĩ mô như thu nhập, lạm phát, lãi suất, và can thiệp của chính quyền trong nền kinh tế của quốc gia đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế tại VN, và ngược lại.

Phương tiện hay ngã chuyển tải ảnh hưởng giao thoa của những thay đổi trong các biến số kinh tế vĩ mô này giữa bất kỳ hai nền kinh tế nào là thị trường ngoại hối của đơn vị tiền tệ của hai nền kinh tế đó; đồng bạc VN và đồng Mỹ kim chẳng hạn. Thị trường ngoại hối cũng là nơi mà ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể thực hiện hành vi thao túng tiền tệ.  Để giải thích các ảnh hưởng giao thoa này, cũng như tác nghiệp thao túng tiền tệ, một tóm lược về bản chất và lối vận hành của thị trường ngoại hối sẽ được trình bày.

Trong khi đó, nghiên cứu trải nghiệm thực tiễn cho thấy tại các nền kinh tế đang chuyển đổi (transitional economies), như nền kinh tế VN, là gia tăng số lượng tích lũy của FDI (Foreign Direct Investment) vào nền kinh tế, hay mức thâm nhập FDI, đo lường bằng tỷ số tích lũy FDI trên GDP, không đương nhiên đưa đến phát triển kinh tế. Ngược lại, FDI còn có thể mang đến kết quả tiêu cực, vì ảnh hưởng của FDI trên nền kinh tế tùy thuộc vào điều kiện và hạ tầng cơ sở của nền kinh tế tiếp nhận (host economy). Hạ tầng cơ sở bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn trong, các lãnh vực sau đây của nền kinh tế tiếp nhận: hệ thống luật pháp, khả năng quy định và kiểm soát độ an toàn của cơ sở về mọi mặt như tài chính, kỹ thuật, xã hội, môi trường v.v...

Điểm quan trọng nhất trong chương trình đổi mới của VN năm 1986 là chuyển đổi từ mô hình “Kinh tế trung ương hoạch định” sang mô hình “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Ngày nay nghiên cứu phương cách mà chính quyền VN dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản hành xử, gợi lại câu nói bất hủ của cố TT Nguyễn Văn Thiệu, “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Khẩu hiệu “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ Nghĩa” có hai phần là “Kinh tế thị trường” và “theo Định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Về phần “kinh tế thị trường”, chính quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) thực hiện theo bản tính cố hữu là lấy “vải thưa che mắt thánh”. Bằng chứng là VN đã nhiều lần xin các đối tác ngoại thương công nhận là nền kinh tế VN thật là nền kinh tế thị trường; nhưng cho đến ngày nay, mọi yêu cầu đều bị khước từ. Không những thế, các đối tác xác quyết rằng VN thật sự không có nền kinh tế thị trường.

Trong khi đó, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cả quốc nội lẫn quốc tế, cho đến vài năm qua, đã tạo một môi trường cho phép lãnh đạo đảng và nhà nước VN độc quyền tự do thao túng, chiếm đoạt, ăn chia, và làm giàu. Và, từ đó các người cộng sản hình thành một văn hóa kinh tế và kinh doanh của phần “theo định hướng của xã hội chủ nghĩa” trong chính sách kinh tế thị trường mà đảng cộng sản và chính phủ VN thực thi trong nhiều thập niên qua.

Do được điều kiện hóa trong một văn hóa, môi trường kinh tế và kinh doanh của phần “theo định hướng của xã hội chủ nghĩa - bao gồm cả chính sách công hữu” trong chính sách kinh tế thị trường của đảng cộng sản và chính phủ VN trong nhiều thập niên qua, nên trong quá trình hội nhập hơn 30 năm qua, cấp lãnh đạo VN đã không thể mà cũng không cần kiến tạo “một xã hội công bằng, một nhà nước có trách nhiệm, và minh bạch”. Thay vào đó họ phát minh ra một mô hình phát triển kinh tế mới có thể gọi là mô hình “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển .”

Mô hình này với chính sách công sản dưới chế độ độc đảng là môi trường hun đúc cho nhiều hình thức tham nhũng dưới dạng lạm quyền cưỡng đoạt đất đai cũng như các hình thức bòn rút bao gồm cả hành tung cố ý làm sai để có cơ hội tham nhũng của lãnh đạo.

Điểm vô cùng quan trọng là thiệt hại kinh tế của tham nhũng cho nền kinh tế quốc gia to lớn gấp nhiều lần so với số lượng các tham quan cướp giựt để ăn chia vì tham nhũng sẽ đưa đến nhiều vấn nạn khác.

Phương cách để giải thích sự nguy hại kinh tế tiềm ẩn ngút trời này là liệt kê và phân tích các phương cách mà các đảng viên cao cấp được đảng điều động đi quản trị các đại xí nghiệp quốc doanh bòn rút hay tạo cơ hội để bòn rút từ ngân sách hay từ người dân để phơi bày hệ quả nghiêm trọng của những vấn đề tham nhũng như: lạm quyền chiếm đất, đàn áp nhân quyền, v.v…

Cũng từ tư duy hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển mà lực lượng lao động tại mỗi cấp đều không được phối trí hữu hiệu. Mô hình phối trí lao động cấp lãnh đạo cho mọi tầng lớp tại VN là dựa theo nguyên tắc kẻ được chống lưng đi vơ vét đề làm giàu và chia với nhóm quyền lực chống lưng trong phe nhóm của mình để bảo toàn quyền lợi và quyền lực của nhóm. Trong khi đó thành phần lao động phải “mua” việc. Phương thức phối trí lực lượng lao động này hoàn toàn ngược lại với lý thuyết phân phối lực lượng lao động tối ưu trong kinh tế vi mô. Và lý thuyết này sẽ được trình bày như là một phản biện phương thức phân công để bảo toàn phe nhóm tại VN.

Mặt khác, Tổng Liên Đoàn Lao Động VN (TLĐLĐVN) hiện nay là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) mà  MTTQ là một cơ  sở ngoại vi của đảng cộng sản. TLĐLĐVN mang sứ mệnh của một tổ chức chính trị-xã hội của đảng; do đó, TLĐLĐVN   đóng vai trò “cầu nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm nỗ lực xây dựng “quan hệ lao động hài hòa”, đảm bảo thực hiện cả mục tiêu về việc làm và sản xuất? Vì vậy, đình công bị xem là không tạo dựng môi trường ổn định để phát triển đất nước.

Hơn nữa, mọi hoạt động của công đoàn, kể cả thương lượng tập thể, đều thực hiện theo cách “xin-cho” trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, mà không dựa vào tình đoàn kết người lao động để tạo thế cân bằng về sức mạnh, cũng như không sử dụng quyền đình công để hỗ trợ cho thương lượng.

Do đó, hiện nay VN không có công đoàn độc lập; tuy nhiên, theo quy định trong EU-VFTA, VN phải cải sửa luật lao động cho phép lực lượng lao động được thành lập công đoàn tự do và được bảo vệ quyền lợi như được quy định bởi Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization-ILO) vào năm 2023.

Nợ công (sovereign debts) là tích lũy cả vốn lẫn lời của các khoản vay mượn của chính quyền để bù đắp ngân sách khiếm hụt hay vay mượn của các tổ chức khác được chính quyền bảo đảm mà chưa được hoàn trả. Do nhiều lý do khác nhau, hầu hết các quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới ngày nay đều hoạt động với ngân sách khiếm hụt, mặc dù cán cân mậu dịch ngoại thương có thể thặng dư; như TC chẳng hạn.

Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân hợp lý của sự khiếm hụt ngân sách như giải quyết nạn thất nghiệp hay cứu trợ các tai họa như thiên tai, đại dịch, khủng hoảng kinh tế; thiếu hụt ngân sách…, chính quyền CSVN còn có các nguyên nhân vô lý khác sau đây:

  1. Tham nhũng có hệ thống làm thất thu ngân sách và gia tăng chi phí đầu tư cùng chi phí điều hành của những dự án đầu tư của chính phủ.
  2. Phối trí lực lượng lao động không hữu hiệu làm giảm GDP đưa đến thất thu ngân sách.
  3. Ngân sách quốc gia phải tài trợ đầy đủ cho nhân viên, văn phòng và các hoạt động của của các tổ chức sau đây của đảng cộng sản: (a) ban chấp hành trung ương đảng với hơn 5 triệu đảng viên; (b) các văn phòng ở cấp tỉnh, thành phố, huyện và thôn (VN có 58 tỉnh và 5 thành phố lớn thuộc trung ương); (c) các ủy ban trung ương đặc biệt như: Ủy Ban Đối Ngoại Trung Ương, Ủy Ban Kinh Tế Trung Ương, Quân Ủy Trung Ương, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, và Ủy Ban Phổ Biến và Giáo Dục, tất cả đều có chức năng tương tự như các bộ tương ứng trong chính phủ; và  (iv) các tổ chức ngoại vi của đảng, đặc biệt là Mặt Trận Tổ Quốc VN, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Phụ Nữ VN, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Nông Dân và Tổng Liên Đoàn Lao Động VN.

Cũng như những khoản nợ khác, nợ công cũng có ngày đáo hạn và ảnh hưởng của sự vay mượn và thanh toán nợ công khá phức tạp. Do đó, sơ lược của lý thuyết kinh tế vĩ mô về ảnh hưởng đến nền kinh tế của tác nghiệp vay/trả của nợ công sẽ được trình bày để giải thích ảnh hưởng nợ công trên nền kinh tế.

Sau cùng, tương lai là sự nối tiếp của phần nào đó của ngày qua và những gì đang xảy ra ngày nay. Đồng thời, để hình dung một bức tranh, dù chỉ khiêm nhường là một bức tranh thủy mạc về VN trong những tháng năm tới thì thực tại hay cái “Đây” hiện tại của VN cần phải xác định. Tổng quan hay tóm lược của những thay đổi và biến động, đã và đang xảy ra, trong cộng đồng thế giới cũng như tại VN nhất là khởi đầu và diễn biến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, sẽ giúp nhận diện cái “Đây” hiện tại của VN là “Đâu”.

Cái “Đây” hiện tại của VN cho thấy vì các nguyên do di truyền của chủ thuyết cộng sản, tham nhũng tại VN bất trị. Thêm vào đó, các vấn đề dân quyền, nhân quyền, và công đoàn độc lập đặt Tổng Bí Thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng và giới lãnh đạo của đảng CSVN trước hai lối rẽ. Trên bất cứ lối rẽ nào quyền lợi cũng như sự trường tồn của đảng cộng sản trong hình trạng và với quyền lực hiện nay và mức độ cải thiện của phúc lợi của dân tộc Việt luôn biến nghịch chiều.

Nếu để được tiếp tục hội nhập vào cộng đồng thế giới thì phải tôn trọng dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, công đoàn độc lập và những cải sửa khác như VN đã cam kết. Kết quả là quyền tự do ngôn luận sẽ giúp phơi bày những hành vi tham nhũng và sai trái của đảng cũng như những hành vi từ chủ thuyết “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển” của viên chức chính quyền. Công nhân sẽ có công đoàn độc lập yểm trợ cùng với những thành phần bị đàn áp hay bị lợi dụng sẽ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của họ.  Kết quả là quyền lực của đảng cộng sản sẽ bị xói mòn, tạo bất ổn chính trị, điều mà người cộng sản rất lo ngại vì nó có thể đe dọa sự hiện hữu và tồn tại của đảng trong hình trạng và với quyền lực ngày nay. Trong khi đó, phúc lợi về nhiều mặt của gần 100 triệu (97.338.579 người vào cuối năm 2020) người Việt sẽ được cải thiện.

Ngược lại, để bảo vệ quyền lực của đảng, và cũng có lẽ đây là một trong các lý do mà Nguyễn Phú Trọng vẫn lưu lại chức vụ TBT. Đảng CSVN sẽ không tôn trọng dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, và công đoàn độc lập; thắt chặt tự do báo chí; và tiếp tục đàn áp các cuộc đứng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của người dân và công nhân. Hệ quả là các sửa đổi cần thiết khác để phát triển kinh tế và gia tăng phúc lợi xã hội cho người Việt sẽ không thể thực thi. VN sẽ bị cộng đồng thế giợi lên án vì vi phạm nhân quyền và Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, CPTPP) và EU-VFTA có thể sẽ bị đình chỉ, vì VN đã không tuân thủ những điều họ cam kết trong các hiệp thương của thế hệ thứ hai này. Đây không phải là một quy định nêu ra lấy lệ. Ngày 20 tháng 5 năm 2021, Nghị Viện Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đình chỉ quá trình phê chuẩn Hiệp Định Đối TácToàn Diện Về Đầu Tư giữa Liên Âu và TC.

Điều này cũng sẽ xói mòn khả năng độc quyền chính trị của đảng và mất đi sự trung thành của nhóm lợi ích khi cơ hội cho “hướng tôi, kê tính, và chọn đối tác để phát triển” không còn nữa. Trong khi đó, VN sẽ khó tránh bị nhiễm bệnh Hòa Lan, bị sập bẫy thu nhập trung-bình, thậm chí còn có thể lâm vào vấn nạn là nguồn cung cấp thực phẩm quốc nội không đủ để nuôi sống dân, vấn nạn còn được gọi là “bị rơi vào bẫy Malthus”.

Do đó, có lẽ người dân VN cần chuẩn bị đứng lên để nhắc nhở đảng CSVN về sức mạnh của thành phần cơ cực và đang bị lợi dụng, nếu họ không chọn đúng ngã rẽ. Đồng thời cũng để nhắc nhở cộng đồng thế giới rằng đảng CSVN không đại diện cho người Việt và cũng không phải là nước VN.

Trong khi quyền lực của đảng cộng sản sẽ bị xói mòn, chính sách của chính quyền CSVN trong gần ba phần tư thế kỷ qua đã đưa đến:

  1. Tình trạng “tự diễn biến” vô cùng phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau, và dàn trải trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội.
  2. Ngoài thành phần bất đồng chính kiến, ngay cả một số các đảng viên kỳ cựu, đã công khai bày tỏ sự bất bình và đứng lên tranh đấu cho dân quyền và nhân quyền, còn một thành phần bất đồng chính kiến nhưng chưa công khai tuyên bố tư duy của mình.

Kuran (1989) nghiên cứu các cuộc cách mạng chính trị thế giới trong các quốc gia dưới thể chế độc tài và chỉ ra rằng nếu nhìn lại thì một số những cuộc cách mạng này lẽ ra phải không có điều gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, kết quả lại gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà lãnh đạo, người tham gia, nạn nhân và quan sát viên thế giới.

Để giải thích các biến cố chính trị thế giới này Kuran (1987-a, 1987-b, 1989) triển khai lý thuyết che giấu tư duy (preference falsification) dựa trên luận cứ rằng do sự đàn áp của các chế độ độc tài các nhà bất đồng chính kiến nhưng chưa công khai tuyên bố tư duy của mình cố che dấu tư duy thật của mình cẩn mật nên không có thể uớc lượng sức mạnh của thành phần này với mức độ chính xác khả tín.

Tuy nhiên, thay đổi điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách điều hành quốc gia trong nước và với tầm cỡ nào đó các điều kiện này trên thế giới có thể làm cho một số người trong thành phần của các nhà bất đồng chính kiến duy lý, âm thầm, công khai tuyên bố tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu.

Điều này có thể đẩy tỷ số giữa số người trong thành phần của các nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố nơi công cộng tư duy bất đồng chính kiến của mình, hay đứng lên tranh đấu và dân số vượt túc số khuynh đảo hay điểm sôi, đưa đến cuộc cách mạng chính trị một cách đột biến. Sự thay đổi hành vi của chính quyền hay biến cố này là một đốm lửa nhỏ có thể làm cả cánh đồng bốc cháy trong trong lý thuyết che giấu hay giả mạo tư duy mà Kuran triển khai.

Điều kiện xã hội, chính trị, và kinh tế tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và có thể bất thường. Để thỏa mãn sự hiếu kỳ và tìm xem lý thuyết tương đối mới này có giúp gì trong cố gắng dự phóng những thay đổi trong những tháng năm tới tại VN, lý thuyết che giấu tư duy sẽ được tóm lược trong phần đầu của chương cuối của những dòng biên khảo này.

Ước mong là những thay đổi dự phóng về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách điều hành quốc gia trong nước và với tầm cỡ nào đó theo các điều kiện này trên thế giới, cuộc thương chiến Mỹ-Trung, và qua lăng kính của lý thuyết che giấu tư duy hé một tia hy vọng là người Việt có một cơ hội tái định hình Việt Nam.

Để xây dựng một đất nước mới thích nghi với các yếu tố địa lý chính trị của nước nhà, định hình cho một quốc gia bao gồm: (i) định hình của thể chế công quyền trong quốc nội, (ii) vị thế của quốc gia hay chính sách ngoại giao trên diễn đàn quốc tế, (iii) chính sách kinh tế thích nghi; và cả ba lãnh vực này phải được hổ trợ bởi một hệ thống giáo dục đồng hành hữu hiệu.  Cũng vì các yếu tố địa lý chính trị của VN, Phần Lan Hóa có thể là chính sách ngoại giao sẽ được đề nghị cho VN; tuy nhiên, đây lại là một chính sách mà ít khi được nhắc đến nên nguyên nhân và quá trình hình thành của thể chế này sẽ được lượt qua.

Trong niềm hy vọng đó và chỉ là một đôi điều để hướng về tương lai nếu chúng ta duyệt qua các vấn đề thiết yếu trong quá trình định hình cho một quốc gia nếu cơ hội này đến với VN.  Bởi sự giao thoa, hỗ tương và cộng hưởng của thể chế, chính sách ngoại giao, kinh tế, và giáo dục đồng hành hữu hiệu sẽ quyết định tương lai và phúc lợi của dân tộc.

  Nguyễn Văn Chữ - Nguyễn Phi Hiệp - Nguyễn Bá Lộc 

http://chinhnghiavietnamconghoa.com/ra-mat-sach-mot-goc-nhin-ve-chien-tranh-mau-dich-my-trung-va-he-qua-den-viet-nam-cua-3-tac-gia-nguyen-van-chu-nguyen-phi-hiep-nguyen-ba-loc/

 

Phát biểu nhân ngày Ra Mắt sách 

“Một góc nhìn về chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung và hệ quả đến Việt Nam” 

ngày 16/4/2022 tại Houston:

Tương lai Việt Nam dưới mắt các tác giả 

Thưa Quý Vị,

Trước mắt Quý vị là quyển sách với tựa đề vừa nêu do ba tác giả Nguyễn Phi Hiệp, Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Văn Chữ, cùng đóng góp nội dung hết sức phong phú cho chuỗi biên khảo đan kẽ nhau giữa chủ đề Mỹ - Trung và Việt Nam chập chùng trong muôn trùng dây mơ rễ má qua cuộc chiến mậu dịch giữa hai đại cường.

Xin đi ngay vào vấn đề. Như đề tựa cuốn sách:”Một góc nhìn về chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung va hậu quả đến Việt Nam”, trong suốt 14 Chương đầu tiên, ba tác giả lần lượt phân tích từng chiến lược kinh tế của Trung Cộng, hướng đi của Hoa Kỳ; để rồi, từ đó suy ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến Việt Nam qua cuộc thương chiến của hai đại cường.

Xin nhường phần trao đổi nầy giữa Quý vị và chủ tọa đoàn trong phần thảo luận. 

Riêng người viết trong phần phát biểu hôm nay xin được chia xẻ về “một vài lối rẽ có thể của Việt Nam và các vấn đề tiềm ần” mà tác giả ghi lại trong phần kết luận nhằm định hướng cho tương lai của Việt Nam.

Bây giờ xin được đi vào đề…

Thưa Quý vị,

Ngay trong Chương 7 “Tại sao bây giờ cuộc chiến (mậu dịch Mỹ - Trung) mới xảy ra”, ba tác giả đã hé ra ngay cho người đọc “luận đề” của quyển sách. Đó là:”Hầu như toàn bộ những dòng biên khảo nầy đặt trọng tâm vào cuộc thương chiến Mỹ-Trung và hệ quả đền Việt Nam...” Để rồi, đưa đến lối ra của Việt Nam trong phần kết luận, đúc kết những hệ quả và đề nghị  một…lối thoát cho quê hương.

Xin nói ngay, kết luận đó là:”Nếu tôi là anh thì tôi sẽ không đi đến Đó từ Đây”. Và Đó hay Đây, các tác giả đã lần lượt nêu ra trong hai Chương 15 và 16, để từ đó bỏ lững… để cho người đọc quyền lựa chọn cái Đó và cái Đây theo cảm quan của mình. Đây chính là lối trình bày kết luận “đóng” và “mở” rất thú vị và độc đáo của các tác giả!

Có những câu hỏi mở như:

·       Tại sao chủ nghĩa Tư bản – kinh tế thị trường thất bại?

·       Tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng cách xa ra…

·       Tại sao chủ nghĩa Xã hội – kinh tế chỉ huy thất bại?  Thành hình do bóc lột, độc quyền, chiếm đoạt nhằm đào tạo một lớp tư bản mới.

·       Một Chủ nghĩa dung hòa trong tương lai, một trật tự chính trị - kinh tế - văn hóa mới nhằm ổn định trật tự xã hội rất cần thiết cho tương lai toàn cầu.

·       Việt Nam hiện đang nằm trong thế chiến lược của toàn cầu hóa và nằm trong gọng kềm Tư bản – Xã hội cần phải vượt thoát, cần chuyển hóa chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường thành một chủ nghĩa dân tộc qua những nét văn hoá đặc thù của dân tộc.

Đó chính là những câu hỏi tương đối khó trả lời về vị trí Việt Nam giữa hai gọng kềm Mỹ - Trung. Việt Nam một quốc gia mảnh mai hình chữ S nằm trên hải lộ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua nhiều thế kỷ đã thu hút sự chú ý của các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực. Đường bờ biển dài khoảng 3.400 km tất nhiên là một tiếp nối cho tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên biển nhộn nhịp nhất thế giới. Đó là Việt Nam, có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.281 km với Trung Cộng qua chin tỉnh địa đầu. Quốc gia sau nầy là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với thương mại hàng hóa song phương đạt 117,6 tỷ đô la trong 11 tháng năm 2020, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Khi ngành sản xuất phát triển, nhập cảng từ TC, tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2019. Đối lại, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng hàng hóa đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, với doanh thu 49 tỷ đô la trong chín tháng tính đến tháng 11, 2020.

•         Thặng dư thương mại ngày càng tăng với Hoa Kỳ khiến Việt Nam phải chịu các loại thuế quan mà chính quyền Trump đã áp đặt lên TC.

•         Dòng chảy trùng lặp của các sản phẩm xuất xứ từ TC như nhôm và gỗ dán, được chuyển hướng về phía nam qua biên giới và dán nhãn giả "Sản xuất tại Việt Nam" để tránh thuế của Hoa Kỳ, đang tiếp tục căng thẳng quan hệ của Hà Nội với Washington.

•         Ngược lại, cán cân thương mại âm so với TC khiến cho Việt Nam ngày càng thâm thụt ngân sách quốc gia và ngày càng lệ thuộc vào TC nhiều hơn nữa, nhứt là nguyên vật liệu sản xuất.

Từ những câu hỏi mở trên nảy sinh ra thêm vài câu hỏi được đặt ra là:

·       Việt Nam ngày nay có phải là nước cộng sản hay không?

Trả lời rằng: Có và Không. Không là vì Việt Nam đã mở cửa và giao thương với thế giới bên ngoài. Và Có là vì tất cả các cơ quan của chính phủ Việt Nam đều do Đảng Cộng sản kiểm soát. Hầu hết những người được chính phủ bổ nhiệm là thành viên của đảng.

·       Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Cộng hiện nay như thế nào?

Ngày nay, TC là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của TC trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 nói chung. Thương mại hai chiều đạt 106,7 tỷ USD vào năm 2018, gấp 3.300 lần so với năm 1991.

·       Việt Nam có thích Hoa Kỳ không?

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, một cuộc khảo sát vào năm 2015, 40 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, cho thấy 76% người Việt Nam có quan điểm “thuận lợi” về Hoa Kỳ, con số này thậm chí còn cao hơn 89% ở “những người có học vấn cao hơn. Đó là một trong những tỷ lệ phần trăm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào được đưa vào cuộc thăm dò.

Vì vậy, quả thật Việt Nam đang ở giữa hai ngã đường.

Khả năng đi dây kinh tế của Việt Nam giữa các đối cực như TC và Tây phương trong quá khư đã đưa đất nước từ nghèo đói sau chiến tranh đến thành công qua kinh tế toàn cầu. Việc mở nhà máy của Intel Corp., LG Electronics Inc., Samsung Inc. v.v… và các công ty đa quốc gia khác đã biến quốc gia này trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng, giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu gia tăng.

Hiện tại, quan hệ TC - Việt Nam đang xấu đi do các hành động khiêu khích của Bắc Kinh, và Hà Nội đã có chỉ dấu báo hiệu một sự thay đổi liên minh với Mỹ có thể xảy ra. Mặc dù vậy, Việt Nam có thực sự đi theo và kết ước với liên minh mới được hay không, còn phụ thuộc vào kết quả của Đại hội Đảng thứ XIII sẽ diễn ra vào ngày 25/1/2021 đến 2/2/2021 tới đây (sách viết xong trước khi ĐH Đảng xảy ra).  Và sự dằn co nầy khiến cho Việt Nam hiện đang bị một sức ép rất lớn và bị cuốn hút vào cuộc chiến giữa hai đại cường.

Mặt khác, Hà Nội vẫn giữ thái độ dè chừng với TC, vì cũng phải xem xét sự thất bại về ngoại giao và kinh tế của việc liên kết chặt chẽ hơn với Washington. Việt Nam đã từng duy trì mối liên kết kinh tế gắn bó với TC trong một thời gian dài, cho nên, việc xoay trục qua hướng Mỹ có thể làm cho các nhà đầu tư TC sợ hãi và rút lui khỏi Việt Nam!

·       Và quan trọng hơn cả, Việt Nam vẫn còn nghi ngờ việc Hoa Kỳ sẽ đến giúp để bảo vệ Việt Nam nếu một cuộc xung đột lớn nổ ra ở Biển Đông hay không?

·       Có thêm một câu hỏi nữa là người Mỹ và chánh phủ Hoa Kỳ nghĩ gì về Việt Nam và vị trí chiến lược của Việt Nam ở Thái Bình Dương?

Câu hỏi sau cùng được GS Nguyễn Chữ đã trả lời như sau qua nhận xét về suy nghĩ của TT Nixon năm 1967, như sau:” Trong quá trình giải thích quan điểm của mình, “với tư cách là một công dân” Mỹ, ông Richard M. Nixon đã đưa ra các nhận định sau đây:

·       Thứ nhất, có dấu hiệu cho thấy sự hoài nghi của tất cả các chủ thuyết hay giáo điều cũ vì chúng đã trói buộc nhiều tư duy và chính phủ; do đó, các chính quyền không cộng sản tại Á Châu đang tìm giải pháp có thể giải quyết vấn đề thay vì giải pháp phù hợp với các chủ thuyết hay giáo điều định trước. Và hầu hết các chính quyền này nhận thức một nguy hiểm chung và biết nguồn góc của nó là từ Bắc Kinh.

·       Thứ hai, một trong các hành động nổi bật nhất ngay sau đệ nhị thế chiến là các đế quốc đã trả độc lập cho các thuộc địa và các khẩu hiệu mà các quốc gia mới được độc lập dùng để đổ lỗi cho các đế quốc cho những khó khăn và trở ngại của quốc gia đã không còn được giới trẻ chấp nhận như thế hệ cha ông của họ trong những ngày tháng sau đó. Bởi vì họ không biết hay gặp một “đế quốc” nào trong cuộc đời của họ, cho nên các khẩu hiệu này không thuyết phục được họ, và giới trẻ còn cho đây là một luận cứ chạy tội hay trốn trách nhiệm đối với những khó khăn hiện tại trong xã hội. Do đó, nếu không hài lòng với những gì họ cảm nhận, họ sẽ quy trách nhiệm cho các lãnh đạo hiện thời.

·       Thứ ba,  “con người,” trong ý nghĩa rộng nhất là “dân tộc”, đã trở thành tập thể để được phục vụ chứ không phải để xử dụng.

·       Thứ tư, không phải cơ cấu của tất cả chính quyền không cộng sản tại Á Châu, được tổ chức theo, hay phù hợp hoặc thích nghi với thể chế dân chủ lập pháp với ba quyền phân định, thật ra thì họ rất khác biệt với thể chế này. Hơn nữa, Mỹ phải hiểu rằng hệ thống chính trị vô cùng phức tạp và vô cùng tiến bộ mà phương Tây phải mất nhiều thế kỷ để triển khai và hoàn chỉnh có thể không là một thể chế tối ưu cho các quốc gia, với văn hóa và truyền thống rất khác biệt, và đang ở giai đoạn phôi thai trong quá trình phát triển của họ. Ông Nixon cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là các chính phủ đang thực thi những chính sách theo kế hoạch, có ý thức, và cân nhắc để mang đến tự do, giàu mạnh; gia tăng sự chọn lựa, và bao gồm nhiều cá nhân và tổ chức vào quá trình điều hành quốc gia.

          Và sau cùng, Ông và Mao Trạch Đông, đưa đến Thông cáo chung Thượng Hải      (the Shanghai Communiqué) đã được công bố vào  ngày 28 tháng 2 năm 1972 tại       Thượng Hải”. Sau đó, Nixon thậm chí còn đề cập đến Ấn Độ là một thành viên có          thể của một liên minh khu vực chống TC. Rõ ràng là vào năm 1972, TT Nixon đã    hình dung được chiến lược bao vây TC bằng trục Ấn Độ - Thái Bình Dương     ngày          hôm nay, 2021.

Và suy nghĩ về điều trên, GS Nguyễn Chữ kết luận:” Trên địa bàn quốc tế, khi Hoa Kỳ tạo dựng một trật tự thế giới mới đã giúp các nền kinh tế của đồng minh trở nên thịnh vượng và ổn định, Hoa Kỳ cũng vô tình gia tăng khả năng để đồng minh thành kẻ “phá đám (spoilers)” khi Hoa Kỳ  trừng phạt Trung Cộng trong các cuộc tranh giành bá quyền. Liên minh châu Âu và Trung Cộng vừa kết thúc các cuộc đàm phán về Hiệp định toàn diện về đầu tư (The Comprehensive Agreement on Investments - CAI), sau bảy năm đàm phán. Dù CAI không là một hiệp thương tự do mậu dịch nhưng là hành vi của kẻ phá đám. Ý (Italy) mở rộng vòng tay sằn sàng hợp tác với Trung Cộng trong chương trình BRI, vào tháng 3 năm 2019, là một thí dụ khác.”

Thấy được quan điểm của Hoa Kỳ, thử hỏi, Việt Nam với một tâm cảm như trên, liệu có hành động theo ngôn ngữ cứng rắn mà các nhà chiến lược quốc phòng đưa ra hay không?

Thưa Quý vị,

Trong suốt 76 năm qua ở Bắc Việt và 46 năm ở Nam Việt, CSBV đã cai trị đất nước và dân tộc Việt bằng sức mạnh, bằng đàn áp, bằng bóp nghẹt sức sống của người dân, xóa bỏ căn tính căn bản của tộc Việt là ‘gia đình’; vì vậy, họ thất bại và bị cả dân tộc ruồng bỏ, bất hợp tác.

Từ những thất bại trong việc tạo dựng hay cai trị một quốc gia liệt kê trên cho chúng ta thấy rõ rằng:

Việc cai trị một dân tộc bằng sức mạnh, bằng vũ lực, đi ngược lại “bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc” của quốc gia bị cai trị, chắc chắn sẽ đi đến thất bại mà thôi!

Vì vậy:

Trong trường hợp Việt Nam qua sự cai trị của người “Tàu” trong suốt chiều dài lịch sử, có một yếu tố lớn khác tác động đến việc kiến tạo căn tính quốc gia là “chứng lãng quên lịch sử” - “historical amnesia”. Sở dĩ, dân tộc Việt còn tồn tại cho đến ngày nay vì vẫn còn nhớ ‘hoài’ ngàn năm nô lệ từ một “tội ác lịch sử” – original crime do người “Tàu” gây nên, vì vậy mới tồn tại được!

Qua những suy nghĩ trên, việc chọn lựa hướng đi cho tương lai Việt Nam không thể bỏ qua yếu tố căn tính dân tộc nầy.

Chúng ta cần nên nhớ, hơn bao giờ hết, người Việt Nam, dù ở hài ngoại hay trong quốc nội, cần phải trực diện với một thực tế tàn nhẫn và phũ phàng: Trung Cộng, với mộng bá quyền sẽ không bao giờ rời bàn tay nhám nhúa khỏi Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng như bất cứ đồng minh nào luôn luôn đặt quyền lợi của họ lên trên hết, Việt Nam phải cảnh tỉnh. Và đồng minh thì chỉ là giai đoạn, nên phải thấy lúc nào ta cần đồng minh nào và dung hòa quyền lợi của đồng minh nào cần cho đất nước và dân tộc.

Chỉ còn con đường duy nhứt là tự chủ và độc lập dân tộc và trở về với căn tính dân tộc.

Và, muốn trở về với căn tính dân tộc, cần phải định hình lại cho Việt Nam mà chúng ta thấy bàn bạc trong suốt quyển sách mà ba tác giả trình bày xuyên suốt trong phần kết luận như sau:”Tất cả những cải sửa cần thiết cho Việt Nam có thể tiếp tục hội nhập vào cộng đồng thế giới và phát triển kinh tế đều tùy thuộc tuyệt đối vào khả năn bài trừ tham nhũng mà tham nhũng là kết quả tất nhiên của độc quyền chính trị và chính sách công sản. Trong khi đó tôn trọng nhân quyền, bao gồm công đoàn độc lập và các quyền căn bản khác của con người đòi hỏi bởi hai hiệp thương thuộc thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết : CPTPP và EU-VFTA. Khó khăn trong hai lãnh vực nầy mang tính di truyền hay DNA của chủ nghĩa cộng sản nên sẽ vô cùng khó khăn cho chính phủ và đảng CSVN với chính sách công hữu đất, để thực thi và tuân thủ mà không thay đổi DNA của chính quyền và đảng cộng sản”… Để rồi sau cùng đưa đến kết luận là Việt Nam cần phải định hình quốc gia qua: - Chính sách giáo dục, -  Định hình thể chế, - Chính sách ngoại giao.”

Sau cùng các tác giả gợi ý cho Việt Nam về khái niệm Phần Lan hóa, mô tả hiện tượng xảy ra khi một quốc gia nhỏ, do sống kề cận với một láng giềng lớn và hung hăng là Nga Sô, cho nên chấp nhận giảm chủ quyền của mình, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại để duy trì độc lập một cách tương đối. Nhưng thử hỏi, trong hiện tình thời sự hôm nay, qua cuộc chiến giữa Nga Sô và Ukraine đang diễn ra, hiệu ứng Phần Lan có còn là một thực tế nữa hay không khi chánh phủ Phần Lan đang xin vào Liên hiệp Âu châu – EU để được bảo vệ?

Thưa Quý vị,

Qua suốt 16 Chương, cuối cùng các tác giả tin tưởng tuyệt đối rằng:”Khi cơ hội cho tái định hình Việt Nam đến, chỉ có dân tộc Việt Nam mới thực sự hiểu được khát vọng của người Việt Nam và có quyền quyết định vận mạng quốc gia; và, cũng chính dân tộc Việt Nam sẽ được hưởng hay gánh chịu hậu quả, ngay cả khi bị đổ máu vì các chọn lựa của mình”.

Hy vọng những suy nghĩ và tâm huyết của ba tác giả Nguyễn Văn Chữ, Nguyễn Phi Hiệp và Nguyễn Bá Lộc được những người cộng sản Việt Nam tiếp nhận và suy gẫm ngõ hầu mở ra một sinh lộ cho Việt Nam trong tương lai.

Muốn làm được vậy, CSBV cần phải:

* Chối bỏ tâm thức nô lệ Tàu đã in sâu trong trí não của người CS BV.

Một khi vết tích của luồng tư tưởng trên được xóa sạch, người CSBV có thể từ đó nhận thức được “bản lai diện mục” của một dân tộc nhân hậu, ôn nhu trước mọi tình huống, cư xử với nhau với tình đồng loại, đồng chủng, không phân biệt “chỉ có sĩ phu Bắc Hà mới biết lý luận” như tuyên bố của NP Trọng.

Có được như vậy, con đường tự chủ và độc lập dân tộc sẽ hé mở báo hiệu một tương lai rực rỡ cho dân tộc Việt như dưới triều đại Đinh Lê Lý Trần.

Hỡi những người cộng sản Việt.

Chủ nghĩa cộng sản không tưởng đã cáo chung rồi.

Chỉ còn con đường duy nhứt phải chọn là:”Việt Nam trong gọng kềm Tư bản – Xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay cần phải vượt thoát, cần xóa bỏ chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường thành một chủ nghĩa dân tộc qua những nét văn hoá, phong tục đặc thù, và trở về với căn tính dân tộc nguyên thủy của con dân Việt tộc”.

Cám ơn Quý vị đã lắng nghe.

Mai Thanh Truyết

Houston 16/4/2022

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025