Tiếng Việt từ trong nước ra hải ngoại

Tiếng Việt từ trong nước ra hải ngoại



Tôi có chị bạn học cùng trường, vượt biển sang Mỹ từ đầu thập niên 1980; mỗi lần gặp nhau chị thường hỏi về chữ nghĩa. “Này ông, ‘đăng ký’ là cái gì vậy, ‘đăng ký kết hôn’ là sao?”. “À, ‘đăng ký’ tiếng Anh là ‘register’, trước 75 gọi là ‘ghi danh’, ‘đăng ký kết hôn’ là ‘lấy nhau thành vợ chồng’, là làm giấy hôn thú đó”. Cứ thế, mỗi lần chị hỏi nghĩa của một “từ Việt cộng”, tôi lại tìm trong vốn ngữ vựng tiếng Anh ít ỏi của mình một từ tương ứng và tìm một từ tiếng Việt khác, có trước năm 1975 ở miền Nam, để giải thích cho chị. Bạn tôi là người ham hiểu biết; tủ sách của chị có nhiều tác phẩm của các cây bút trong nước như Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư… mà chị mua và đọc để nguôi nỗi nhớ quê nhà. Những lời giải thích từ ngữ của tôi, tuy vụng về nhưng cũng giúp ích phần nào cho việc đọc của chị.

Biến cố Tháng Tư năm 1975 như một nhát cắt, người Việt bị chia thành người trong nước và người hải ngoại, tiếng Việt cũng bị chia cắt như vậy. Nhưng tiếng Việt là một sinh ngữ, tuy bị chia cắt nhưng nó vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở – nhiều từ ngữ mất đi, nhiều từ ngữ khác sinh ra hoặc được nhập vào, cách nói năng cũng thay đổi – có điều do hoàn cảnh chia cắt mà tiếng Việt ở trong nước với ngoài nước phát triển theo hai con đường không giống nhau, làm cho người Việt đôi khi “khó hiểu” nhau.

Các bậc trưởng thượng từ miền Nam ra đi sau năm 1975 mang theo trong hành trang tâm hồn thứ tiếng Việt đã định hình trước khi biến cố đó xảy ra. Sinh sống ở nước ngoài, trong một môi trường xa lạ về ngôn ngữ và văn hóa, giao thoa với đồng bào trong nước bị đứt gãy nên tiếng Việt của họ hầu như ít vận động, phát triển. Có chăng là tiếng Việt ở hải ngoại có thêm một số từ ngữ tiếp nhận từ các tiếng Anh, Pháp… nhất là trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Đến bây giờ những bậc cao niên trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn quen với cách nói, cách viết của người miền Nam trước năm 1975 và nhiều người cảm thấy xa lạ, khó hiểu với cách nói cách viết của người Việt ở trong nước. “Từ ngữ Việt cộng; chữ của cộng sản” là cách nói miệt thị mà họ dùng để chỉ những từ ngữ mới, cách nói mới, không có ở miền Nam trước năm 1975, đang từ trong nước truyền ra hải ngoại thông qua báo chí truyền hình, mạng xã hội và Internet.

Mới đây, một người bạn của tôi sinh sống ở Đức, bị mắng xối xả là “Việt cộng” chỉ vì anh dùng từ “phượt” trong một bài đăng trên Facebook để mô tả một chuyến lang bạt kỳ hồ của anh; một người khác bị phê bình vì dùng chữ “chất lượng” thay vì “phẩm chất” như thời trước 75, dùng “động thái” thay vì “động tác” dù hai chữ này có nghĩa khác nhau, không thay thế cho nhau được. Trong khi đó, ở trong nước tiếng Việt có bước phát triển khá mạnh.

***

Thực ra tiếng Việt đã bị “chia cắt” từ năm 1954 khi đất nước phân đôi; trong 20 năm sau đó tiếng Việt ở miền Bắc vận động khác với tiếng Việt ở miền Nam. Nếu tiếng Việt của miền Nam chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp và tiếng Anh thì người miền Bắc cũng thu nhận nhiều từ ngữ mới, cách nói mới của Trung Quốc và Nga. Một ví dụ, từ ngữ cửa miệng của người Nga là “хорошо” (tốt) và người miền Bắc bị ảnh hưởng dùng “tốt” mọi nơi mọi lúc, thay vì bảo các em học sinh học giỏi, làm việc cần cù thì người ta lại bảo “học tập tốt, lao động tốt”.

Chính quyền miền Bắc có chiến lược tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Marx-Lenin cho dân chúng, từ cán bộ tới sinh viên học sinh qua các lớp “học chính trị” và hệ thống trường học các cấp. Mà chủ nghĩa Marx-Lenin là một thứ triết học, chứa rất nhiều khái niệm, thuật ngữ triết học, như các từ “biện chứng”, “phạm trù”, “mâu thuẫn”, “phủ định”, “vận động”, “hiện tượng”, “phản động”, “thặng dư”, “đối tượng” v.v.…

Hầu hết những từ ngữ triết học đó được mượn từ tiếng Trung Quốc vì “sư phụ” của cán bộ tuyên giáo miền Bắc không ai khác hơn là cán bộ Trung Quốc. Trò chuyện với người miền Bắc không khó nhận ra họ dùng nhiều từ ngữ triết học như vậy, dùng từ ngữ có nghĩa trừu tượng, trong cách nói hằng ngày, dù nhiều lúc họ dùng sai, một phần do không hiểu nghĩa gốc của tiếng Hán. Một ví dụ, thay vì nói “chỗ dở” hay “khuyết điểm”, “nhược điểm” họ thích dùng “yếu điểm” vì tưởng “nhược” = “yếu” mà không biết “yếu điểm” và “nhược điểm” có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ở miền Nam trước 75 chúng tôi không thấy có hiện tượng từ ngữ triết học đi vào lời nói hằng ngày một cách rộng rãi như vậy; người miền Nam vẫn thích cách nói giản dị, chân chất, dễ hiểu hơn.

Một điểm đáng chú ý là trước năm 1975, học sinh miền Nam học ngoại ngữ rất sớm, lên bậc trung học đệ nhị cấp đã học song song hai ngoại ngữ, một sinh ngữ chính và một sinh ngữ phụ. Việc học ngoại ngữ – nhất là học phân tích ngữ vựng, văn phạm, cấu trúc câu của tiếng Anh-Pháp – có tác dụng bồi bổ rất nhiều cho cách nói cách viết tiếng mẹ đẻ; những học sinh giỏi ngoại ngữ thì đồng thời diễn đạt tiếng Việt trôi chảy, ít bị lỗi.

Sau Tháng Tư 1975 thì tiếng Việt hợp nhất hai miền và phát triển trong môi trường mới trong đó tiếng Việt của người miền Bắc chiếm vị thế áp đảo. Hàng triệu người miền Bắc và người miền Nam tập kết ra Bắc đã đi vào miền Nam, chiếm đa số về đội ngũ nhân sự trong mọi lĩnh vực “thượng tầng” từ cán bộ hành chính, hải quan, sân bay đến truyền thông báo chí, giáo dục, văn hóa ở các thành phố, đô thị. Tiếng Việt của họ từ đó trở thành “dòng chính”, lấn át dần tiếng nói của người miền Nam. Đã dần dần hình thành một thứ tiếng Việt thống nhất, hòa trộn những đặc điểm về từ ngữ, cách nói của cả hai miền Nam Bắc trong đó tiếng Việt của người miền Bắc nổi trội hơn, ngay cả ở miền Nam.

***

Sau năm 1975, chế độ mới coi thường nghề dạy học và việc dạy tiếng Việt trong nhà trường. Có một thực tế ít người để ý là sau năm 1975, hệ thống trường học ở cả hai miền đều thiếu giáo viên rất trầm trọng; người ta đã phải tuyển làm giáo viên những người chưa được đào tạo đầy đủ. Ở miền Nam trước 1975, trường sư phạm là loại trường có yêu cầu khắt khe nhất về trình độ học vấn và phẩm chất tư cách của người học. Trong khi đó, sau 1975, một học sinh miền Bắc học hết lớp 7 (hệ trung học 10 năm), thêm hai năm trung học sư phạm đã có thể ra trường đi dạy tiểu học.

Chưa nói kiến thức nghề nghiệp như tâm lý học, giáo dục học, một người mới chỉ học chín năm trong trường thì năng lực nói và viết tiếng Việt còn rất “mỏng”, người đó đứng trên bục giảng dạy dỗ tiếng Việt cho thế hệ mầm non – ở những năm tháng đầu đời rất quan trọng cho việc hình thành năng lực ngôn ngữ và tư duy – thì hậu quả tất nhiên là rất tệ. Chính hệ thống giáo dục phổ thông sau năm 1975 là nguyên nhân chính làm cho các thế hệ lớn lên sau này không được rèn luyện để nói đúng viết đúng tiếng Việt; những cách nói sai, viết sai – sai từ chính tả đến ngữ nghĩa – ngày càng lan rộng trong xã hội.

Không khó thấy những bảng hiệu, bảng tên đường viết sai chính tả hoặc sai nghĩa một cách ngô nghê mọc lên khắp nơi. Bên cạnh nhà trường, hệ thống truyền hình và báo chí ở trong nước góp phần rất lớn vào việc quảng bá các cách nói sai; mở tivi lúc nào cũng bắt gặp chuyện người dẫn chương trình nói không đầu không đuôi, ý tứ lủng củng, dùng từ lặp lại, thiếu chủ ngữ vị ngữ, hoặc dùng sai trạng ngữ. Lâu dần, cách nói sai của truyền thông thấm vào các tầng lớp xã hội, thành thói quen của nhiều người, rất khó sửa.

Nhận ra mối nguy này, một số tờ báo cố viết đúng chuẩn tiếng Việt cả về ngữ âm, chính tả và ngữ pháp. Có báo mở chuyên mục “dọn vườn” để nêu ra và phê phán những cách nói cách viết sai; có báo thuê hẳn một nhân viên chuyên đọc lại các bài để tìm và sửa những câu những chữ viết sai, diễn đạt sai trước khi đưa bài vào trang báo, dân trong nghề (trong nước) gọi các nhân viên này là “tỉnh táo viên”, phân biệt với “người sửa bản in” (morassier) là người chỉ sửa lỗi chính tả của bản in thử. Nhưng những tờ báo quan tâm viết tiếng Việt đúng chuẩn, trong sáng và “sạch lỗi” thì không nhiều trong cả ngàn tờ báo ở Việt Nam.

Nếu như tìm một điểm sáng của tiếng Việt trong nước sau năm 1975 thì có thể kể tới xu hướng giảm dần các từ ngữ gốc Hán, thay bằng từ thuần Việt những nơi những lúc nào có thể. Người Việt ở hải ngoại hiện vẫn còn dùng nhiều từ Hán-Việt có từ trước năm 1975 nên cảm thấy khó chịu khi nghe người trong nước dùng từ thuần Việt, “sân bay” thay cho “phi trường”, “tàu ngầm” thay cho “tiềm thủy đĩnh”, “phần mềm” thay cho “nhu liệu”, “cấp trên” thay cho “thượng cấp”, “tên lửa” thay cho “hỏa tiễn” v.v… Tất nhiên cũng đã có nhiều trường hợp “Việt hóa” một cách ngô nghê, phản cảm và không thể chấp nhận được. Hồ Chí Minh dùng chữ “dân quân gái” thay vì “nữ dân quân”, “học sinh gái” thay cho “nữ sinh” v.v… nhưng hầu như không ai bắt chước ông ta cả.

***

Từ khi Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao dưới thời Tổng thống Bill Clinton năm 1995 đã có hàng triệu người Việt ở nước ngoài về thăm quê và hàng chục triệu người trong nước ra nước ngoài du lịch, du học, định cư. Một nhịp cầu ngôn ngữ, văn hóa đã được nối lại giữa người trong nước và người hải ngoại. Người dân ở Sài Gòn thích thú xem các chương trình Thúy Nga Paris, Asia; nghe ông Nguyễn Ngọc Ngạn, đọc các tờ báo hải ngoại; còn người ở California hay Texas cũng xem Truyền hình Vĩnh Long, đọc báo chí trong nước qua mạng Internet… Những điểm khác nhau giữa tiếng Việt trong nước và ngoài nước đang được xóa dần, mọi người ngày càng dễ nói, dễ nghe và dễ hiểu nhau hơn. Đó là tác động tích cực của giao thoa văn hóa trong và ngoài nước.

Suy cho cùng, tiếng Việt là một thực thể sống, luôn vận động và phát triển. Tiếng Việt cũng là một sản phẩm xã hội như bao ngôn ngữ khác, một “quy ước” do cộng đồng đặt ra và chấp nhận chứ không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân hoặc tập thể nào.

Mà cái cộng đồng tiếng Việt trước tiên là cộng đồng 100 triệu người Việt ở trong nước. Người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, cùng với nỗ lực duy trì tiếng nói và chữ viết Việt Nam cho các thế hệ mai sau, có thể chỉ ra và phê phán những chỗ sai lầm trong cách nói, cách viết tiếng Việt của cộng đồng người Việt trong nước nhưng không thể “ly khai” tiếng Việt của người trong nước bằng cách dán cho nó cái nhãn “Việt cộng”.

Cách xử sự đúng có lẽ là vừa phê phán chỗ sai, vừa tiếp nhận những cái mới hợp lý của tiếng Việt trong nước để bổ sung vào tiếng Việt nói chung, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, giàu và đẹp, đủ năng lực phản ánh cuộc sống và biểu đạt tư tưởng tình cảm của người Việt, cả trong và ngoài nước.

Huỳnh Hoa

Xem Thêm:
Sự thô lậu của “chữ nghĩa cộng sản” - Nguyễn Anh Khiêm

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025