CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG

 


CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG

 

 Bài phát biểu của GS Nguyễn văn Canh

Ngày 23 tháng 4, 2022

 

 

Lời mở đầu: Trước hết, tôi cần nói về chữ công hàm. Trong lãnh vực ngoại giao, người tà dùng chữ  Công Hàm thay vì dùng chữ văn thư hành chánh của một Thủ Tướng gửi cho một Thủ tướng của một nước khác. Trường hợp này, Thủ tướng Phạm văn Đồng của Việt Cộng gửi văn thư, đươc gọi là công hàm cho Thủ tướng Chu ân Lai của Trung Cộng.

 

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là trọng tâm của ‘vấn đề Công Hàm Phạm văn Đồng’. Vì thế, chúng ta cần nói sơ qua về 2 quần đảo này để các anh chị thanh niên, giới trẻ biết dễ hiểu  hơn đề khi bàn tới vấn đề này.

 

Hội Nghị Genève, Thuỵ sỹ, năm 1954 về chấm dứt chiến tranh Đông Dương và Việt Nam bị chia ra làm 2 ở vĩ tuyến 17. Phần về phía Bắc dành cho Cộng sản, gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt cộng (VC)  và Phạm văn Đồng là Thủ tướng của VNDCCH. Phần phía Nam, cho Quốc gia, gọi là Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).

 

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở dưới vĩ tuyến 17, nghĩa là tài sản  của VNCH.

 

*****

 

Có 2 văn kiện cần được bàn tới trong bài nói chuyện này: Bản Tuyên Bố của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa (TC)  về lãnh hải và Công Hàm Phạm văn Đồng gửi cho Chu ân Lai.

 

Nội dung hai văn kiện:

 

1) Bản tuyên bố của  Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được Thường Vụ Quốc Hội Nhân Dân Trung Hoa thông qua nhân kỳ họp thứ 100 vào ngày 4 tháng 9, năm 1958.

 

Sau đây là điểm chính trong bản Tuyên Bố để phân tích trong buổi nói chuyện hôm nay.

 

“Lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lýÐiều khoản này bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi…, và các đảo phụ cận…., quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

 

 Tây Sa là Hoàng Sa và Nam Sa là Trường Sa của Việt Nam.

 

2) Thư của Phạm văn Đồng đề ngày 14 tháng 9, 1958:

 

Phạm văn Đồng gửi cho Chu ân Lai Văn thư  về Bản Tuyên bố của Quốc Hội TC với nội dung như sau:

 

Thủ Tuớng Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà

 

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà  ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.

Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn  trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung  hoa trên mặt bể…-

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Hà nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958.

Phạm văn Đồng

Thủ tướng Chính Phủ

Nước VNDCCH.”

*****

                     

PHÂN TÍCH  VĂN KIỆN

 

Nhìn vào 2 bản văn trên, ta thấy có 2 vấn đề  được nêu ra:

 

Vấn đề 1: CHNDTH (TC) phổ biến bản tuyên bố để loan báo cho toàn thế giới (không gửi riêng cho VC) biết về lãnh hải 12 hải ý của Trung Cộng, bao gồm cả đất liền, các hải đảo ngoài khơi, và các đảo phụ cận…. Bản tuyên bố có nói tên các đảo, ngoài khơi, phụ cận, như Hoàng Sa và Trường Sa.  Điều này có nghĩa là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của TC (mặc dù là tài sản của VNCH).

 

Để đáp ứng loan báo của TC,  Phạm văn Đồng tự nguyện  gửi thư trên xác nhận và tán thành quyết định của TC. Văn thư ấy nói thêm rằng “sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý.”  của TC.


Tuy nhiên, văn thư của Phạm văn Đồng bỏ ngỏ vấn đề TC đơn phương tự nhận có chủ quyền trên Hoàng Sa và Hoàng Sa của Việt nam, dù lúc đó là của VNCH. Trước mắt quần chúng, thì sự im lặng trước một vấn đề rõ rệt như vậy (có điều gì khuất tất bên trong, có gì mờ ám), vì lẽ im lặng là thú nhận, là đồng ý, là chấp thuận. Phạm văn Đồng không dám công khai nói rõ ý định của VC, nhưng mập mờ này có vẻ làm cho TC hài lòng.

Đây là một điều rất bất thường.

 

Vấn đề 2: Văn thư của Phạm văn Đồng công nhận 2 quần đảo của Việt nam có giá trị trong việc chuyển nhượng tài sản hay không?


Đó là Giá trị pháp lý của Công Hàm.


*****

 

Vấn đề 1: Mờ ám trong việc chuyển nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho TC.


Những gì được thoả thuận giũa 2 bên đều được giữ kín.

 

Cho đến khi Miền Nam bị Công Sản Bắc Việt thôn tính vào năm 1975, hai quần đảo này là của Miền Nam Việt Nam. Nay, chúng trở thành lãnh thổ của chính quyền mới. Và lúc này, TC đòi VC chuyển giao  hai quần đảo này. VC không chấp thuận.

 

TC viện các lý do sau đây để chứng minh  chúng là chủ của 2 quần đảo ấy:

 

1) Bằng chứng quan trọng nhất mà TC dựa vào đó để biện minh rằng chúng có chủ quyền là văn thư của Phạm Văn Đồng (nói trên) đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về TC.


2) Tuyên bố của Ung văn Khiêm:

Các tài liệu sau đây còn ghi thêm một chi tiết mà TC viện dẫn để biện minh chủ quyền trên Biển Đông. Đó là lời nói của thứ trưởng Ngoại giao của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Ung văn Khiêm với Đại lý sự vụ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Li Zhimin vào ngày 15 tháng 6 năm 1956 rằng  “Hoàng Sa và Trường Sa về phương diện lịch sử thuộc về Trung Hoa.” Lời tuyên bố này được phát biểu ở văn phòng Bộ Ngoại Giao Bắc Việt, có sự chứng kiến của một viên chức Bộ Ngoại Giao VC là Lê Đốc.

 

3) Sách Giáo Khoa về Địa Lý của Hà Nội trước năm1974:

Bài học về Địa lý dạy học sinh nói rằng: Hoàng Sa và Trường Sa lập thành vòng đai bảo vệ Trung Quốc.Từ đó, người ta hiểu rằng nếu Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Hoa, thì các quần đảo ấy được sử dụng để bảo vệ Trung Hoa.

 

- Để phản bác lại quan điểm của TC, Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào ngày 7 tháng 8 năm 1979 biện minh:

“Ngày 30 tháng 7 năm 1979 tại Bắc Kinh, phía Trung quốc đã cho công bố một vài tài liệu với ý định để minh chứng cho việc tuyên bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.  Về vấn đề này,  Bộ Ngoại Giao nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố:

 

*****

 

Sự diễn giải của Trung quốc về bản công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một sự công nhận chủ quyền của phiá Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc”.

 

*****

 

Sau đó, lãnh đạo VC thú nhận có nhượng 2 quần đảo ấy cho TC dù đã phản bác: 

1. Thú Nhận của Phạm văn Đồng và nêu lý do tại sao “bán” 2 quần đảo này:

Phó thủ tướng Lý tiên Niệm  của TC nói rằng  vào năm 1958, Thủ tướng Phạm văn Đồng tán thành bản Tuyên Bố của CHNDTH nhận có chủ quyền trên 2 quần đảo này, nhưng từ năm 1975, Việt Nam kiểm soát được một phần nhóm Hoàng Sa. Năm 1977, Đồng đổi giọng : “lúc đó là thời gian chiến tranh và tôi phải nói như vậy” Far Eastern Economic Review ( FEER), 16 tháng 3, 1979.

Biện minh của Đồng lại gây thêm thắc mắc, vì lẽ trong khu vực này vào thời kỳ ấy, không có một cuộc chiến tranh nào xảy ra.

Rồi phải tới năm 1992, trước sức ép của công luận về hành vi này, Nguyễn mạnh Cầm, với tư cách Bộ trưởng Ngọai Giao của Việt nam Dân Chủ Cộng Hoà khai triển thêm lời phát biểu về ‘cuộc chiến tranh’ mà Đồng nói, trong cuộc họp báo vào ngày 2 tháng 12 năm 1992 kể trên.


2. Thú nhận  của Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn mạnh Cầm:


Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có tuyên bố lúc trước về Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên tinh thần sau: Lúc đó, theo Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, các lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 về phía nam, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền miền Nam. Hơn nữa, Việt Nam đã phải tập trung tất cả các lực lượng cho mục tiêu cao nhất để chống lại cuộc chiến tranh xâm lăng của Mỹ, nhằm bảo vệ nền độc lập quốc gia. Việt Nam đã phải kêu gọi sự ủng hộ của bè bạn trên toàn thế giới. Đồng thời, tình hữu nghị Trung-Việt rất thân thiết và hai nước tin tưởng lẫn nhau. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã là một sự ủng hộ rất vĩ đại và trợ giúp vô giá. Trong tinh thần đó và bắt nguồn từ những đòi hỏi nêu trên, tuyên bố của các nhà lãnh đạo của chúng tôi ‘ủng hộ Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’ là cần thiết vì nó trực tiếp phục vụ cho sự đấu tranh bảo vệ độc lập và tự do cho tổ quốc. Đặc biệt thêm nữa là cái tuyên bố đó đã nhắm vào sự đòi hỏi cần thiết lúc bấy giờ nhằm ngăn ngừa bọn đế quốc Mỹ dùng những hải đảo này để tấn công chúng tôi. Nó không có dính dáng gì đến nền tảng lịch sử và pháp lý trong chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “….Trung Hoa đã thuận cung cấp cho Việt Nam một yểm trợ đồ sộ và viện trợ vô giá. Trong bối cảnh đó và bắt nguồn từ nhu cầu cấp bách kể trên, việc lãnh đạo của chúng tôi công nhận chủ quyền  trên Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Hoa  đòi hỏi  là điều cần thiết để ngăn ngừa đế quốc Mỹ dùng các hải đảo tấn công chúng tôi, vì nó phục vụ trực tiếp cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập và tự do của tổ quốc” (Họp báo tại Hà Nội ngày 2/12/1992, được loan tải bởi Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 3/12/1992).

Như vậy, Nguyễn mạnh Cầm đã khai triển rõ hơn về cuộc  “chiến tranh” mà Phạm văn Đồng nêu ra. Đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Nhằm vào cái mà gọi là bảo vệ độc lập quốc gia, Hồ đã phải nhượng bộ theo đòi hỏi của Mao, cho Phạm văn Đồng chuyển nhượng 2 quần đảo ấy cho Mao  với danh nghĩa là ngăn ngừa đế quốc Mỹ dùng hai quần đảo ấy tấn công Việt Nam.

Thực sự,  Đồng và Cầm nói về  vấn đề chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra lại là vấn đề Nói Dối. Viện trợ mà TC thoả thuận cho VC là để  VC đánh chiếm Miền Nam Việt Nam.

Tóm lại, tuyên bố của Nguyễn mạnh Cầm về việc Mao đòi Hồ công nhận hai quần đảo trên của Việt nam để đổi lấy viện trợ to lớn của TC là hành vi bán nước.

Nhận xét của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông:

Tập San Kinh Tế Viễn Đông (FEER) số ra ngày 16 tháng 3 năm 1979 kể trên nhận xét về vấn đề này:  “Những gì xảy ra ngày nay có liên hệ đến 2 quần đảo chỉ là những hậu quả của sự dàn xếp mờ ám của hai người cộng sản anh em trong qúa khứ.  Không một ai trong cộng đồng thế giới muốn bước vào để dàn xếp sự bất đồng giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Lý do rất rõ ràng: cái công hàm ngoại giao và sự công nhận của Cộng sản Việt Nam (2 quần đảo này là của TC) không thể nào xoá bỏ được bởi một nước nhỏ như Việt Nam, kẻ đã dùng một ‘tiểu xảo’ để lừa dối Trung Quốc.  Hơn nữa, Cộng sản Việt Nam không thể nào thoát được khỏi bàn tay của Trung Quốc, trong khi họ lại phải theo cách ‘đổi mới’ của Trung Quốc để tiến lên chủ nghĩa xã hội.” 

Do sự hồ hởi  muốn tạo ra một cuộc chiến thê thảm cho cả hai miền Bắc và Nam, và góp phần vào phong trào quốc tế cộng sản, ông Hồ Chí Minh đã hứa, mà không có sự tự trọng, nhượng một phần đất “tương lai sẽ có” để cho Trung Quốc, dù  biết không chắc gì có thể nào sẽ nuốt được miền Nam Việt Nam.

 “ Vậy thì ai đã tạo ra cuộc chiến Việt Nam và sẵn sàng làm tất cả mọi sự có thể làm được để chiếm miền Nam Việt Nam, ngay cả việc bán đất?  Bán đất trong thời chiến và khi cuộc chiến đã chấm dứt, Phạm Văn Đồng lại chối bỏ điều đó bằng cách bịa đặt ra việc đổ thừa cho chiến tranh”.

- Frank Ching  trong Tạp Chí này trong số  ra ngày 10, thàng 3, 1994 kết luận:

“Rõ ràng là Hồ chí Minh qua tay của Phạm văn Đồng đã dâng hiến cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa một cái “ bánh ngọt to lớn” (món quà quá hậu hĩ) vì lúc đó họ Hồ đang chuẩn bị xâm lăng Miền Nam. Hồ cần viện trợ to lớn và đã nhắm mắt chấp nhận mọi điều kiện Bắc Kinh đưa ra.   Thật là rất dễ cho Hồ chỉ bán trên giấy hai quần đảo ấy vì vào lúc đó thuộc Miền Nam.” 

Tóm lại, riêng nói về hai quần đảo này, thì một tay đại gian hùng như Hồ chí Minh, dù rất khôn ngoan, thành thạo dùng tiểu xảo trong mọi trường hợp, nay gặp phải Trung cộng là bậc Thày thâm độc lừa lại vì lẽ TC biết rằng Hồ đâu có làm chủ 2 quần đảo ấy vào lúc đó. Hơn nữa, Trung Cộng theo truyền thống bành trướng của của Hán Tộc nên có thể “mai phục trường kỳ” dù mất 100 năm chờ cơ hội thuận tiện đánh chiếm  “vật” ấy.  Vì trí đoản, Hồ chỉ biết và  quen dùng mưu thuật nhằm đạt chiến thắng nhất thời, như chỉ tìm kiếm ít lợi lộc trước mắt, nên đã bị mắc kẹt trong vụ này. Về sau, việc biện hộ rằng vì bị chiến tranh, vì cần phải bảo vệ tổ quốc chống đế quốc Mỹ xâm lăng, nên đã “tôn trọng quyết định” ấy của Mao  là một sự chạy tội, phản ảnh trạng thái trí tuệ u mê của họ Hồ. Không có bóng ma chiến tranh nào, cũng chẳng có đế quốc Mỹ nào hiện diện, hay rình rập để thực hiện âm mưu xâm lăng vào lúc đó.  Ngoài ra, đổ tội cho Đế quốc Mỹ rình rập đánh phá là bịa đặt trắng trợn để che dấu mưu đồ đen tối là cần tiền đẻ xâm chiến Miền Nam.

Tuy nhiên, với “yểm trợ đồ sộ và viện trợ vô giá” cho Hồ, Mao đã đạt được cả 2 mục tiêu:

a) Thụ đắc được 2 quần đảo này một cách hoà bình.  Mao không mất một giọt máu để được làm chủ. Ngược lại, Hồ và đồng bọn tỏ ra rất hồ hởi vì hưởng được món viện trợ lớn, mà không thấy mất mát gì.

b) Đánh chiếm Miền Nam, Việt Nam. Thay vì phải tự mang quân xuống đánh chiếm Nam Việt Nam, Mao  không làm nổi và đã dùng Hồ và đồng bọn làm lính tiền phong cho công tác này.

Thực vậy, những lời giải thích của Phạm văn Đồng và Nguyễn mạnh Cầm cho thấy điều đó. Sau khi chiếm được Miền Bắc vào năm 1954, Hồ đã lập một dự án bành trướng thế lực cộng sản trên bán đảo Đông Dương trước khi tiến xa hơn.  Hồ chia vùng này làm 4 chiến trường : A, Bắc Việt; B, Nam Việt; C, Miên Lào; và D, Thái Lan và Hồ lãnh nhiệm vụ tiền phong thực hiện cuộc chiến tranh này. Đây là một “nghĩa vụ cao cả” của người Cộng Sản quốc tế.

Trong kế hoạch này, B là Nam Việt nam, là mục tiêu đâu tiên. Hồ cần Mao gấp  rút “yểm trợ đồ sộ  (cần hậu thuẫn của các bạn bè khắp thế giới) và viện trợ vô giá ( tiền bạc, súng ống và các quân dụng khác…) , vì đó là “nhu cầu cấp bách.”

Mao  biết rằng  Nam Việt Nam là bàn đạp để  Mao tiến xa hơn trong chủ nghĩa bá quyền. Các lực lượng dân tộc Việt, đối kháng với bá quyền Bắc Kinh còn lại, nằm ở Nam Việt nam. Mao biết rằng kẻ ngoại xâm như Mao không làm nổi. Hơn 1000 Bắc thuộc đã là những bài học tủi nhục. Cách hay nhất là dùng người bản xứ làm công việc này. Mao đã quá khôn ngoan biến Hồ và các thế hệ tay em trở thành lính đánh thuê, mà các kẻ này không ý thức được vai trò của chúng.  Chính những kẻ này gây ra cuộc chiến tranh tương tàn khủng khiếp giúp Mao tận diệt các thế lực dân tộc Việt thù địch ấy. Trong cuộc chiến này, Hồ và đồng bọn đã không nương tay chém giết tàn bạo đồng bào của họ, tiêu huỷ các giá trị nền tảng của chủ nghĩa dân tộc và các sức mạnh khác chống lại Mao để bảo vệ độc lập và tự chủ của dân tộc. Nếu xét về mọi phương diện như văn hoá, xã hội, lãnh thổ, kinh tế, chính trị…., những gì đã và đang xảy ra trên tòan cõi Việt nam  từ thập niên 1950  đến nay,  ta có thể thấy âm mưu thực hiện mục tiêu này đã lộ rõ.

Hồ và đàn em chiếm được Nam Việt nam vào tháng 4, 1975 và cho đến nay chúng vẫn còn đang nỗ lực làm tròn sứ mạng hoặc đặt ách thống trị trên lãnh thổ  như xưa kia hay biến Việt Nam thành một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Liệu những kẻ nội thù này có đạt được mục tiêu này hay không?


*****

 

Tóm lại, Hồ chí Minh và Đảng CSVN đã phơi bày rõ ý định và đã thực hiện xong các hành vi chuyển nhượng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng, đổi lại lấy được sự yểm trợ “đồ sộ” của TC để có phương tiện đánh và chiếm Miền Nam.


Viện trợ mà Nguyễn mạnh Cầm gọi là đồ sộ và vô giá là bao nhiêu? Đặng tiểu Bình nói là 20 tỷ MK.

 

Hồ chí Minh và đồng bọn đã thực sự phạm tội bán nước.

 

*****

Vấn đề 2. Dựa vào Công hàm của Phạm văn Đồng, TC công khai nói rằng  đây là bằng chứng VC đã công nhận 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của TC.

 

Vậy ta hãy xét Giá Trị Pháp Lý của Công hàm ấy về sự công nhận 2 quần đảo này là của TC.

 

1. Việc chuyển giao một phần lãnh thổ hay lãnh hải của một dân tộc là do quyết định của toàn dân.  Ý định của toàn dân về vấn đề ấy phải được phát biểu công khai và tự do. Nếu là trực tiếp, thì đó là trưng cầu dân ý. Nếu là gián tiếp, thì Quốc hội có trọng trách thể hiện ý định này của quốc dân. Thường thì  việc chuyển nhượng được thực hiện bằng  một hiệp ước do 2 bên ký kết có sự phê chuẩn của quốc hội, và phải được ban hành hợp lệ.

Lưu ý: nếu thủ dục ban hành không theo đúng các qui định, văn kiện không có giá  trị (due process).

 

Như vậy đây là thẩm quyền của Lập Pháp.

 

Hành pháp là một bộ phận công quyền của quốc gia với nhiệm vụ thi hành quyết định ấy của quốc dân. Hành pháp không có quyền quyết định tối hậu về việc này. Và một văn thư hành chánh của Hành pháp , như công hàm này,  không hội đủ điều kiện để có giá trị trong việc chuyển nhượng lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia,

 

Nhìn vào sự việc, ta thấy Phạm văn Đồng với tư cách thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) trong công hàm đề ngày 14 tháng 9, 1958  công nhận lãnh hải của Trung hoa trong bản tuyên bố 10 ngày trước đó đã vượt ra ngoài quyền hạn của Hành Pháp. Phạm văn Đồng đã làm một việc mà ông ta không có quyền và không được phép làm. Hành vi ấy như vậy là bất hợp pháp, nó không có giá trị gì về phương diện pháp lý.

 

2. Tuyên bố của Chu ân Lai về 12 hải lý gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa là một hành vi xâm lăng vì lẽ hai quần đảo này chưa bao giờ thuộc quyền sở hữu của Trung Hoa và Chu ân Lai đã  tự coi là đất của Trung Hoa trong bản tuyên bố đó. Đây là hành vi vi phạm luật pháp.

 

Hành vi của Phạm văn Đồng vốn dĩ đã là một sự lạm quyền (bất hợp pháp rồi), nay lại có mục đích công nhận hành vi bất hợp pháp của Chu ân Lai, thì hành vi đó không có một giá trị gì.

 

3. Nội dung của công hàm tuyệt nhiên không nói gì đến chuyển nhượng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho Trung Cộng. Công hàm chỉ đề cập đến công nhận lãnh hải của TC 12 hải lý. Sự công nhận này không thể được giải thích hay có nghĩa là một sự chuyển giao quyền sở hữu chủ một tài sản cho một chủ thể khác.

 

4. Không ai có thể chuyển nhượng cho một đệ tam nhân cái gì mà mình không có.

Khi thừa nhận hai vùng quần đảo này là của Trung Cộng, Phạm văn Đồng được hiểu là thay mặt VNDCCH với tư cách là ‘chủ nhân ông’ hai vùng quần đảo ấy. Thực sự thì hai quần đảo này lúc ấy thuộc quyền sở hữu của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Như vậy Phạm văn Đồng  đã mạo nhận, có ý định chuyển giao một cái mà mình không có, với âm mưu lừa gạt Trung cộng. Lời hứa ấy tự bản chất là không có giá trị.

 

5. Lãnh thổ hay lãnh hải là đối tượng chuyển nhượng phải được mô tả với chi tiết cụ thể, rõ rệt và đầy đủ, hay nói khác đi là phải có mô tả pháp lý rõ rệt với các toạ độ như kinh tuyến và vĩ tuyến của từng đảo một, với các cột mốc tham chiếu thiên nhiên hay nhân tạo… Không thể nói mơ hồ hay khơi khơi là “ các đảo ngoài khơi hay ở vùng phụ cận,,,,  và gồm Hoàng Sa, Trường Sa “ như trong Tuyên Bố của CHNDTH kể trên.

 

6. Động cơ thúc đẩy 2 bên sang nhượng lãnh hải phải được trong sáng hay nói rõ ra là chính đáng. Thí dụ như  có liên quan đến các tội phạm như buôn người, tổ chức cướp biển, buôn bán ma tuý… không được luật pháp cho phép. Trong trường hợp này, VC  cần viện trợ đồ sộ  của TC để thực hiện xâm lăng hay gây chiến,  không được chấp thuận.


Tóm lại, công hàm của Phạm văn Đồng về mọi mặt không có giá trị pháp lý về chuyển nhượng lãnh hải.

*****

Tham chiếu & Trích dẫn: Nguyễn văn Canh,  “Hồ sở HS & TS và Chủ Quyền Dân Tộc” ấn bản 8, UBBVSVTLT, 2017, các trang 197-227; 383-399

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180