ANDREI SAKHAROV VÀ ALEKSANDR SOLZHENITSYN, TƯƠNG LAI VÀ QUÁ KHỨ NƯỚC NGA
Nửa khuya ngày 22 tháng 12, 1986 trên chuyến tàu đêm từ Gorky đến Moscow, Nga có một người khách 65 tuổi và người đó không ai xa lạ mà chính là Tiến sĩ Andrei Sakharov. Nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng thế giới cùng đi với vợ ông, bà Yelena Bonner, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng châu Âu. Ông vừa được Mikhail Gorbachev trả tự do và trên đường về nhà.
Đoạn đường chỉ 250 cây số nhưng dù
rời Gorky 11 giờ đêm, bảy giờ sáng hôm sau tàu mới đến Moscow. Chuyến tàu đêm
phải dừng lại ở nhiều ga nên chắc là Sakharov không ngủ được. Nhiều câu hỏi dội
lại trong ý thức ông và nhắc nhở ông một định hướng cho chặng đường còn lại của
đời mình.
Andrei Sakharov bị bịnh tim nên vốn
thời gian có thể không còn nhiều. Những ngày tháng sắp tới là thời gian quyết
định và đầy thử thách dành cho số phận của riêng ông lồng trong số phận nước
Nga.
Khi được trả tự do trong thời điểm
1986, hơn ai hết Andrei Sakharov biết hành động của Mikhail Gorbachev không
phải vì lòng tốt mà thuần túy chính trị. Mikhail Gorbachev nắm chức tổng bí thư
đảng CS Liên Xô gần hai năm chứ không phải mới lên tháng này hay tháng trước.
Gorbachev đang gặp khó khăn và cần
Sakharov để giúp mở rộng vây cánh trong giới trí thức ngoài đảng. Viện Hàn Lâm
Khoa Học vẫn dành cho Sakharov một chỗ ngồi đầy trọng vọng với tất cả đặc quyền
mà ông được hưởng trước ngày bị bắt.
Nhắc lại, Tiến sĩ Andrei Sakharov
từng được tưởng thưởng ba lần danh hiệu “Anh hùng Lao Động”, bốn lần “Huân
Chương Lenin”, “Giải thưởng Lenin”, “Giải thưởng Stalin”. Mỗi giải thưởng đều
kèm theo các giá trị vật chất hàng năm. Tuy nhiên, khi về lại Moscow, ông đã từ
chối nhận lại các giải thưởng nêu trên.
Gorbachev cần Sakharov có uy tín để
ủng hộ cho hai chính sách chính sách Cải Tổ Kinh Tế (Perestroika) và Cởi Mở Văn
Hóa Chính Trị (Glasnost). Trao trả tự do cho Sakharov là một bằng chứng cụ thể
cho thế giới thấy chính sách “cải tổ” và “cởi mở” của Gorbachev đang được tiến
hành.
Gorbachev cần Sakharov, giải Nobel
Hòa Bình 1975 và có ảnh hưởng quốc tế để đóng vai trò đặc sứ hòa bình với Tây
phương. Tên tuổi của Sakharov trên quốc tế được biết còn nhiều hơn tại Liên Xô.
Không chỉ nhiều giải thưởng khoa học và nhân quyền mang tên Sakharov mà tại Mỹ
cả phim ảnh cũng được dựng để vinh danh ông.
Nhưng Gorbachev lầm. Bổng lộc không
mua được Sakharov và danh vọng không làm ông thay đổi.
Trên chuyến xe lửa từ Gorky về lại
Moscow, Sakharov chỉ nghĩ đến một con đường, một buổi sáng, một tương lai, đó
là lộ trình dân chủ và tự do cho đất nước Nga sau 69 năm dưới chế độ độc tài
toàn trị CS.
Thay vì làm việc cho Gorbachev hay
với Gorbachev, Sakharov đã hợp tác với những người đang chống lại Gorbachev như
cựu ủy viên Bộ Chính Trị Boris Yeltsin, sử gia Yuri Afanasyev, Thị trưởng
Moscow Gavril Popov, học giả Viktor Palm để thành lập một liên minh đối lập.
Năm người này có quá khứ, nghề
nghiệp, tham vọng và cá tính khác nhau. Chẳng hạn, Yuri Afanasyev là nhà nghiên
cứu sử, Boris Yeltsin là cựu đảng viên CS cao cấp, Viktor Palm là học giả người
Estonia và Sakharov là nhà vật lý nguyên tử. Họ lãnh đạo khối chống độc tài CS
gồm 566 đại biểu còn khá ô hợp trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga vừa được
bầu.
Mục tiêu duy nhất của nhóm năm người
này là giới hạn sự độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng CS Liên Xô cụ thể là
xóa bỏ điều sáu hiến pháp, tương tự như điều bốn trong hiến pháp CSVN.
Có thể sau đó nhóm lãnh đạo cánh đối
lập với đảng CS lập ra những đảng chính trị riêng và thậm chí đối lập lẫn nhau
nhưng trong thời điểm 1988, họ rất đoàn kết. Họ biết rằng chỉ có đoàn kết và
dứt khoát bám lấy những mục tiêu cụ thể mới thắng được bộ máy cai trị CS được
tổ chức tinh vi với hàng ngũ cán bộ đầy kinh nghiệm sau bảy chục năm cầm quyền.
Nhưng quan điểm của tiến sĩ Sakharov
không phải được mọi người đồng thuận. Một trong những người không chia sẻ là
nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí
TIME ngày 21 tháng 5 năm 1990 sau khi ông qua đời, Tiến sĩ Andrei D. Sakharov
bên cạnh những kính trọng dành cho nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, đã phê bình
những quan điểm hẹp hòi của Aleksandr Solzhenitsyn về những vấn đề rất căn bản
trong đời sống của mỗi người Nga và tương lai Nga.
Sự kính trọng dành cho Solzhenitsyn
“Sau ngày Tết Dương Lịch 1974, con
trai của vợ Solzhenitsyn đến nhà chúng tôi. Cậu vào phòng tắm và trở ra với một
cuốn sách được giấu trong quần áo: Quần Đảo Ngục Tù. Cuốn sách là một trải
nghiệm khủng khiếp, gợi lên một thế giới ảm đạm của những trại tù được bao
quanh bởi hàng rào thép gai, văn phòng điều tra viên và phòng tra tấn, những mỏ
băng giá ở Kolyma và Norilsk. Ngày 12 tháng 2, 1974, Solzhenitsyn bị quản thúc.
Nhóm chúng tôi soạn thảo kháng thư yêu cầu trả tự do cho Solzhenitsyn cũng như
đòi hỏi thành lập một ủy ban điều tra tội ác được mô tả trong tác phẩm. Nhưng
ông ta đã bị trục xuất khỏi Liên Xô và bay sang Tây Đức.
Trước khi thảo luận về những vấn đề
gây chia rẽ chúng ta, tôi muốn nhấn mạnh sự kính trọng sâu sắc của tôi dành cho
ông, dành cho tài năng của ông như một nhà văn và thành tựu lịch sử của ông
trong việc phanh phui tội ác của nhà cầm quyền CS. Tôi đồng ý với rất nhiều
điều ông ta nói.”
Phê bình Solzhenitsyn chỉ nhìn vào
mặt nổi của xã hội Tây phương
“Nhưng ngay cả khi tôi chia sẻ luận
điểm chung của Solzhenitsyn, tôi vẫn thường thấy phiền lòng về tính chất khẳng
quyết trong các phán đoán của ông, thiếu tôn trọng những khác biệt và sự thiếu
khoan dung của ông đối với ý kiến của người khác. Ông thể hiện thành kiến chống
phương Tây và chủ nghĩa biệt lập rõ rệt, đôi khi biến thành chủ nghĩa dân tộc
phô trương quá đáng của Nga.
Theo quan điểm của Solzhenitsyn, phương
Tây đang thua trước sự tấn công của chủ nghĩa toàn trị diễn ra khắp nơi. Không
thống nhất quan điểm, không đoàn kết, thiếu các hướng dẫn tôn giáo hoặc đạo đức
vững chắc, nó đang chìm đắm trong những thú vui của xã hội tiêu thụ, trong tự
do thái quá. Nó đang tự hủy hoại mình một cách vô tâm trong bụi mù và khói của
các thành phố và tiếng nhạc cuồng loạn.
Chắc chắn có nhiều sự thật cay đắng
trong những lời phàn nàn của Solzhenitsyn. Tôi cũng đã kêu gọi sự chú ý đến
việc phương Tây thiếu hành động phối hợp, những ảo tưởng nguy hiểm của nó, nạn
bè phái, thiển cận, ích kỷ và hèn nhát của một số chính trị gia. Tuy nhiên, tôi
tin rằng xã hội phương Tây cơ bản là lành mạnh và năng động, có khả năng đáp
ứng những thách thức mà cuộc sống liên tục mang lại. Sự thiếu đoàn kết của
phương Tây là cái giá phải trả cho sự đa nguyên, tự do và tôn trọng cá nhân vốn
là nguồn sức mạnh và tính sinh động cho bất kỳ xã hội nào.”
Phê bình Solzhenitsyn về chủ nghĩa
dân tộc và quyền con người
“Solzhenitsyn gợi ý rằng đã có những
dấu hiệu rõ ràng về một thời kỳ phục hưng dân tộc và tôn giáo, rằng người Nga
luôn thù địch với hệ thống xã hội chủ nghĩa và thậm chí họ đã nuôi dưỡng tình
cảm chống đối trong Thế chiến Thứ Hai.
Tôi không chia sẻ mối ác cảm của
Solzhenitsyn đối với sự tiến bộ. Nếu con người là một sinh vật khỏe mạnh và tôi
tin là như vậy, thì tiến bộ, khoa học và ứng dụng mang tính xây dựng của trí
thông minh sẽ cho phép chúng ta đối phó với những nguy hiểm mà chúng ta phải
đối mặt. Đã đặt ra trên con đường tiến bộ cách đây vài thiên niên kỷ, nhân loại
không thể dừng lại ngay bây giờ và cũng không nên dừng lại.
Solzhenitsyn và tôi khác biệt rõ ràng
nhất về việc bảo vệ các quyền công dân, tự do của lương tâm, tự do ngôn luận,
tự do lựa chọn quốc gia cư trú, sự cởi mở của xã hội. Tôi không nghi ngờ gì về
giá trị của việc bảo vệ những cá nhân cụ thể. Solzhenitsyn xem nhân quyền là
thứ yếu và lo ngại rằng việc tập trung vào chúng có thể làm xao lãng những vấn
đề quan trọng hơn.”
Sự khác nhau chính giữa hai nhân vật
nổi tiếng của Nga là một người chủ trương phục hưng quá khứ Đại Nga (Nga,
Ukraine, Belarus và khu vực gốc Nga của Kazakhstan) và một người đưa nước Nga
hướng tới một tương lai với các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền chung của
thời đại.
Nhà bình luận Peter Finn viết trên
Washington Post 2008, “Solzhenitsyn đã ấp ủ từ lâu về một nước Nga như một
cường quốc có nền văn minh độc đáo với các giá trị của nhà thờ Chính Thống Giáo
và chủ nghĩa dân tộc Slav.”
Sakharov thì khác. Khi bước ra khỏi
trạm xe lửa Moscow, những người ông nhắc đến đầu tiên là những tù nhân lương
tâm vẫn còn đang bị nhà cầm quyền CS giam giữ. Ông không thỏa hiệp, không bị
lôi cuốn vào ảo tưởng quyền lực hay danh vọng cá nhân.
Tiếc thay bệnh tim đã cướp đi của
phong trào dân chủ Nga một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Nhà vật lý nguyên tử và
nhà tranh đấu cho quyền làm người Andrei D. Sakharov qua đời tối ngày 14 tháng
12, 1989 thọ 68 tuổi. Hàng trăm ngàn người dân Nga đã đến tiễn đưa ông. Mikhail
Gorbachev và toàn bộ Bộ Chính Trị đảng CS Liên Xô đến cúi đầu trước linh cửu
ông.
Andrei D. Sakharov ra đi nhưng để lại
cho các phong trào dân chủ tại các nước độc tài nhiều bài học lớn trong đó gồm
(1) đoàn kết qua hành động, (2) có thái độ chính trị dứt khoát, (3) có mục đích
đấu tranh cụ thể và (4) theo đuổi lý tưởng phụng sự nhân quyền.
Với xu hướng các nhà dân chủ trở
thành lãnh đạo các quốc gia cựu CS như tại Tiệp, Ba Lan, các nước Baltics, các
nhà phân tích tin rằng, nếu còn sống thêm ba năm nữa, Andrei D. Sakharov với tư
tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, sẽ trở thành tổng thống của Cộng Hòa Nga và
khuôn mặt chính trị thế giới sẽ khác hơn nay nhiều.
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga
cho thấy trong tất cả các yếu tố cần thiết của một nhà lãnh đạo, tầm nhìn là
quan trọng nhất.
Nước Nga có nhiều điều kiện để trở
thành một cường quốc nhưng tham vọng của Putin với sự khích lệ bởi các quan
điểm chủ nghĩa dân tộc bảo thủ cực đoan như của Solzhenitsyn đã đưa nước Nga
trở lại thời chuyên chế.
Với chế độ Putin và tư tưởng chủ
nghĩa dân tộc của Solzhenitsyn, nước Nga đang đi dần về quá khứ. Đôi bàn tay
của Putin đã nhuộm quá nhiều máu của người dân Ukraine vô tội đến mức khó có
thể rửa sạch được trong một sớm một chiều. Putin có thể phải bị lật đổ bằng
cách này hay cách khác nhưng nước Nga sẽ phải chịu đựng một hậu quả trầm trọng
và lâu dài do tham vọng của ông ta.
Khác với Solzhenitsyn, trong diễn từ
trước ủy ban giải Nobel do vợ ông thay mặt đọc, nhà vật lý nguyên tử Nga Andrei
Sakharov phát biểu: “Hòa bình, tiến bộ, nhân quyền - ba mục tiêu này liên kết
chặt chẽ với nhau: không thể đạt được một trong những mục tiêu này nếu bỏ qua
hai mục tiêu kia.”
Tiến sĩ Andrei Sakharov đã qua đời
nhưng ba mục tiêu đó luôn luôn là kim chỉ nam cho loài người tiến bộ. Quan điểm
của ông là quan điểm của một tương lai nước Nga sau Putin.
Việt Nam dưới chế độ CS cũng đã vọng
lên nhiều tiếng nói. Con số những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động
dân chủ Việt Nam nếu cộng lại từ thời Nhân Văn Giai Phẩm đến nay có thể còn
đông hơn Cu Ba, Bắc Hàn, Nga và một số nước Đông Âu thời CS. Tiếng nói của các
tù nhân lương tâm Việt Nam có thể không vang xa như tiếng nói của Sakharov
(Nobel Hòa Bình 1975), không dội mạnh như tiếng nói của Giám mục Desmond Tutu
(Nobel Hòa Bình 1984) nhưng vẫn là tiếng nói của tương lai, của khát vọng tự do
giống như của mọi người khác trên thế giới.
Khao khát tự do phát triển theo đà
phát triển tự nhiên của nền văn minh nhân loại ngay cả trong trường hợp bản
thân của một người bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài như trường hợp đầu
tháng 2, 2021 một người dân Bắc Hàn bơi suốt 6 tiếng đồng hồ ngoài biển khơi để
vượt tuyến vào Nam.
Ngày nào nhân loại còn chia nhau một
nguồn ánh sáng ngày đó loài người còn có chung một khát vọng tự do và cuộc
tranh đấu vì các quyền tự do bẩm sinh của con người sẽ được tiếp tục cho đến
khi các chế độ độc tài sụp đổ.
Trần Trung Đạo
(Viết thêm từ bài “Người Khách Trên
Chuyến Tàu Điện Gorky-Moscow”)
Nhận xét
Đăng nhận xét