Qua Cuộc Bể Dâu
Qua Cuộc Bể Dâu
Có lẽ trong lịch sử Việt Nam, 30 Tháng Tư 1975 là một ngày đặc biệt, hơn bất cứ ngày nào trong lịch sử. Mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam sẽ nhớ ngày này với nhiều cảm xúc khác nhau. Người vui kẻ buồn. Với người này thì đó là ngày chiến thắng, ngày đổi đời. Nhưng với người kia là ngày tang thương, mọi thứ đều sụp đổ. Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 – “Cuộc bể dâu” cho toàn thể người dân miền Nam Việt Nam.
Trải qua một cuộc bể dâu,Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Mặc dù mang tiếng chiến thắng, nhưng những người “chủ mới” vẫn đề phòng tàn dư Mỹ Nguỵ có thể lật ngược thế cờ. Vì vậy họ bắt tất cả sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hoà tập trung vào một chỗ cho dễ kiểm soát. Thật ra họ chỉ muốn tiêu diệt tất cả. Nhưng những mồ chôn tập thể ở Huế năm 1968 – chứng tích cho sự tàn ác vô nhân không thể che giấu – đã bị thế giới lên án. Vì thế họ đổi chiến thuật, giam cầm để những người tù cạn sức chết từ từ, một hành động ném đá giấu tay, hèn hạ. Nhốt vô tù được gọi bằng chữ nghe thật mỉa mai: Học tập cải tạo.
Ngọng líu ngọng lo, chữ quốc ngữ đọc còn không thông, cờ lờ mờ làm sao “dạy” được trò, là những người đầy một bụng chữ. Cải tạo là biến tình trạng xấu để trở nên tốt hơn, như cải tạo đất. Chứ nhốt vô tù, lúc vào là một thanh niên cường tráng, khi ra thành ông già thân tàn, sức lực cạn kiệt. Thì mục đích của cộng sản là vậy mà. Gian manh xảo quyệt. Sau khi cha anh vô tù, mẹ và các con phải đi kinh tế mới để họ chiếm nhà. Vô sản là những chữ dùng để tuyên truyền lừa bịp người dân, từ khi hô hào chống Mỹ cứu nước.
Kế hoạch thứ hai là cướp của trắng trợn bằng một danh từ mỹ miều: Đánh tư sản mại bản. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Tổng Thống Diệm đã cấm Hoa kiều làm một số việc (như kinh doanh). Thế là hầu như người Tàu vào miền Nam sinh sống đều vô quốc tịch Việt Nam, gọi là người Việt gốc Hoa. Phi thương bất phú. Không buôn bán thì không giàu được. Người Hoa đa số chủ trương buôn bán, nên họ làm chủ nhiều cửa tiệm kinh doanh đủ thứ mặt hàng. Đánh tư sản mại bản chẳng cho giai cấp vô sản, mà “vô túi” mấy tên chóp bu. Hoa kiều luôn luôn đề phòng. Các kho chứa hàng của họ ở những nơi hẻo lánh, khuất xa tầm mắt mọi người. Cộng Sản chỉ cướp được của nổi, làm sao lấy được của chìm họ giấu. Vì vậy họ ung dung lên tàu vượt biên bán chính thức, trả giá cắt cổ 15 cây vàng cho một đầu người, toàn Chệt.
Có hai đàn anh lớn là Nga và Tàu giúp cho miền Bắc chiếm được miền Nam. Thế nhưng sau khi chiến thắng, miền Bắc “phe lờ” Ba (Tàu). Ngả sang Nga. Nịnh bợ và trở mặt thì nón cối đứng hàng đầu. Bắt đầu từ năm 1975, lớp 6 phải học tiếng Nga. Còn radio ra rả bài hát Nga, ngay cả phim truyện Nga cũng tràn ngập. Thép đã tôi thế đấy là cuốn sách gối đầu giường cho đoàn viên, thanh niên xung phong. Miền Bắc trước kia ca tụng tình hàng xóm láng giềng rất thân thiết với anh Ba. Núi liền núi, sông liền sông.
Việt Nam quay lưng. Trung Quốc phản ứng. Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 79 là cách trừng phạt, dằn mặt đứa em tráo trở. Trong Nam, năm 79 suýt xảy ra nạn đói. Chúng tôi đi dạy, trong lớp thấy có em mặt mày nhợt nhạt rồi té xỉu. Hỏi ra mới biết từ hôm qua tới giờ không có gì ăn. Đó là thời gian kinh hoàng nhất, kể từ sau ngày mất nước. Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Bị anh Ba cảnh cáo, đàn em xin thuần phục. Mấy năm sau, trong môn sinh ngữ, tiếng Nga được thay thế bằng tiếng Hoa. Nhưng bây giờ trẻ em được học rất sớm, từ mẫu giáo không cần chờ tới lớp 6. Tiền lưu hành trong nước có cả tiền của anh Ba. Ngay cả bảng hiệu cũng xài luôn tiếng Tàu. Đến Việt Nam, nhiều nơi du khách tưởng đang ở bên Tàu. Con cháu anh Ba dọn qua ở khắp nơi từ Bắc chí Nam. Tất cả mọi người phải tuân theo tôn chỉ: Không nghe, không thấy, không biết. Hé môi là vô tù. Nhốt sĩ quan vô tù, đánh tư sản mại bản, đuổi dân đi kinh tế mới, là nét chấm phá tạo thành bức tranh vân cẩu của miền Nam Việt Nam. Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Che giấu tội ác, hành hạ tù nhân, cuối cùng quốc tế cũng biết. Cộng sản buộc phải phóng thích tù nhân, đóng cửa các trại tù sau 13 năm giam giữ. Đó là năm 1988. Cuối năm 1989, có chương trình HO của chính phủ Mỹ dành cho các cựu sĩ quan đã ở tù trên ba năm, được qua Mỹ tị nạn cùng với vợ con.
Hạt mầm tốt nảy mầm trên đất tốt. Cho đến nay, thế hệ con cháu của những người tù đã chứng tỏ điều này. Biết bao người thành danh ở tất cả mọi lãnh vực đều là hậu duệ của những người tù năm xưa. Dương Nguyệt Ánh, Lương Xuân Việt… và rất nhiều nhân tài khác, không kể hết. Hãy nhìn lại quê nhà yêu dấu. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chỉ chín năm cầm quyền, Tổng thống Diệm đã tạo ra biết bao công ăn việc làm cho người dân bằng khẩu hiệu đơn giản: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Ngay cả bảng hiệu cũng dùng tiếng Việt: Vinatexco, Sakymen (Sài Gòn kỹ nghệ mền len), nhà máy nước ngọt Chương Dương. Miễn phí cho học sinh tiểu học, trung học và đại học công lập. Sữa viện trợ cho học sinh tiểu học uống để tránh suy dinh dưỡng. Lập khu trù mật, phát triển nông nghiệp. Cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, giáo dục miễn phí, y tế miễn phí. Người nghèo có nhà thương công miễn phí hoàn toàn. Trong xóm tôi, mấy bà bầu đẻ năm một, không những mọi thứ miễn phí, còn được ở lâu (trọn một tuần).
Công chức là công bộc của dân. Tới bất kỳ cơ quan nào cũng không phải khúm núm sợ sệt. Chẳng có ai quát tháo nạt nộ, cũng chẳng lo kiếm phong bao đút lót mới được việc. Cảnh sát là bạn dân. Tiên học lễ hậu học văn. Luật lệ nghiêm minh, thi cử nghiêm ngặt. Chưa bao giờ có nạn mua đề thi. Dù con ông to bà lớn hay con dân thường cũng đều được đối xử như nhau. Năng lực chuyên môn là tiêu chuẩn để bổ dụng. Không có chuyện xét lý lịch ba đời.
Dù ông cố, ông sơ có là bộ trưởng hay tá, tướng trong quân đội. Khi nhập ngũ, trình độ học vấn là tiêu chuẩn xếp loại. Không có bằng cấp thì làm “đơ dem cùi bắp” (lính trơn-binh nhì); học hết Trung học Đệ nhất cấp (lớp 9) thì vô hạ sĩ quan; có tú tài đơn vô Thủ Đức thành sĩ quan trừ bị, hết hạn phục vụ được giải ngũ. Còn muốn chọn binh nghiệp suốt đời (sĩ quan hiện dịch), phải có tú tài kép, vô trường Đà Lạt học bốn năm. Ai có mộng hải hồ, muốn thành thuyền trưởng thì vô Hải quân, cũng phải có tú kép, học bốn năm như trường Đà Lạt. Bằng cấp là thước đo kiến thức.
Tất cả cấp chỉ huy VNCH đều có năng lực thực sự. Tổng thống Diệm hay Tổng thống Thiệu không cần thông dịch viên khi tiếp xúc với các viên chức ngoại quốc. Cả hai ông đều dùng ngoại ngữ nói chuyện trực tiếp. Thời VNCH, dù là người buôn gánh bán bưng, hay thợ thuyền, khi rảnh rỗi họ cũng có những tập nhạc bỏ túi, ngâm nga những bài ca vọng cổ. Nhật trình là tờ báo hàng ngày. Các anh tài xế, lơ xe, đạp xích lô, những khi rảnh rỗi, vẫn mang báo ra đọc. Trình độ dân trí càng lúc càng được nâng cao. Mù chữ chỉ có ở những thế hệ ông cố bà cố.
Vậy mà sau ngày đổi chủ, tất cả người cũ đều được thay thế bằng những người mới ở “ngoải” vô. Chuyện công an phường, công an khu phố không đọc thông chữ quốc ngữ là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Những cán binh CS mang cả gia đình vào Nam sinh sống. Nạn “kiêu binh” bắt đầu xảy ra. Con ông trưởng phòng nhà đất quận hay cháu bà trưởng cửa hàng chất đốt đều ở trong bưng chẳng học hành gì cả. Vô miền Nam xếp vô lớp 8, lớp 9. Không hiểu bài, chúng xoay qua quậy phá. Thầy cô không ai dám than phiền, vì có hiệu trưởng bao che. Sinh ra và lớn lên trong suốt thời VNCH, chưa bao giờ tôi nghe học trò nào gọi “ông giáo, bà giáo” rất xách mé. Chúng chẳng cần rỉ tai, mà cứ nói oang oang: Muốn lên lớp cứ “đấm mõm” bà này, lão nọ. Vì nợ áo cơm, giáo viên cũ (sau 75 tất cả thầy cô dạy tiểu học, trung học đều gọi là giáo viên), đành giả vờ không nghe.
Còn khi dạy môn chính trị, cô vừa nói: Mỹ Nguỵ thả bom để làng xóm hoang tàn thành thời kỳ “đồ đá”. Ấy vậy thằng học trò cá biệt con ông TP nhà đất, giơ tay xin trả lời tỉnh bơ: “Còn bây giờ là thời kỳ đồ đểu đó cô”.
Thời VNCH, hiệu trưởng của các trường tiểu học, trung học phải có các bằng cấp qui định. Chứ không phải bà hiệu trưởng trường tôi có trình độ học vấn: Bổ túc văn hóa miền núi. Tôi thắc mắc: Bổ túc văn hóa thì em biết. Chị ơi! Sao lại có thêm chữ miền núi?
Bắt chước VNCH, để khỏi mất ghế, ai cũng lận lưng một mảnh bằng. Khốn nỗi họ không thích bằng cấp thấp, xoàng xoàng cũng phải tiến sĩ. Tú, Cử nghe không kêu. Cụ Nguyễn Khuyến là người đi trước thời đại. Cụ mô tả mấy ông tiến sĩ giấy hồi xửa hồi xưa y chang bây giờ: Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/ Cũng gọi ông Nghè có kém ai. Nhìn mấy ông Nghè diện complet đi dự các hội nghị quốc tế, mẹ tôi chép miệng: Áo đi đàng áo, người đi đàng người.
Năm 1980 bắt đầu có giấy tờ bảo lãnh thân nhân (đa số từ Mỹ). Lúc đó bên Mỹ đã cho giấy nhập cảnh. Nhưng vì nạn tham nhũng lộng hành, xin được Visa xuất cảnh khó khăn vô cùng. Thường thường phải chạy chọt có chất lượng. Có khi phải hiến nhà, hay nộp vàng (10 cây cho bốn người trong gia đình tôi). Chính vì ăn chia không đồng đều, tên đại úy Năm Thạch đã bị giết chết ngay tại nhà riêng.
Bây giờ thì ngược lại, xin Visa xuất cảnh rất dễ dàng. Vấn đề có xin được nhập cảnh hay không? Nếu cây cột đèn có chân, nó cũng muốn quy mã (qua Mỹ). Nhà tổng thống khi xưa vẫn còn ở nơi cũ, trông như căn nhà cấp bốn. Chứ xã trưởng bây giờ cũng ở những ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ. Trẻ con thất học vì không thể đóng đủ thứ khi đến trường. Thời VNCH niên liễm là tiền duy nhất học sinh phải đóng, trị giá đúng một tô phở. Tôi còn nhớ mãi là hai đồng. Con nhà nghèo ở xóm tôi, nếu không đi học có thể đi làm công nhân ở các hãng dệt. Có xe đưa đón và được ăn trưa. Dưới quê cuộc sống bình yên. Canh tác ruộng vườn thu hoạch hoa màu. Tất cả mọi ngành nông ngư nghiệp đều có dư để xuất khẩu. Mặc dù có chiến tranh, nhưng chính phủ vẫn lo cho dân đầy đủ mọi mặt từ y tế đến giáo dục.
Khi trở về thăm quê nhà, lòng tôi se sắt khi nghe trẻ con nói tiếng lóng với ngay cả ông bà cha mẹ.
– Má đừng khủng bố con nữa má ơi! Bố già con đi thăm ghệ rồi, mốt mới dìa.
Một thằng nhóc bị mẹ nhắc coi lại bài vở để mai đi học. Nó nói mẹ nó quấy rầy (khủng bố), vì thầy giáo về quê (thăm ghệ) chưa lên. Ngày xưa truyền hình giới hạn thời gian chiếu. Có đủ mọi chương trình khác nhau: Y tế, giáo dục, ca nhạc, phim tài liệu, thoại kịch… Chỉ có vài đài truyền hình. Xổ số chỉ duy nhất của chính phủ: Xổ số kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta. Còn bây giờ không biết có bao nhiêu loại vé số nhiều không đếm nổi. Truyền hình suốt ngày chiếu phim, kịch hài, thi đủ thứ từ hoa hậu, tới người mẫu, ca sĩ. Trẻ con càng trả lời lắt léo càng được khen thông minh sáng tạo. Từ nhỏ dù trai hay gái đều mơ ước lớn lên được đi vào giới showbiz…
Phim ảnh hay hài kịch thì mỉa mai mấy anh nghèo với những lời nhìn muốn ói, là cái đinh gì mà theo tui. Đỉa đeo chân hạc. Quê hương tôi đó, sau 47 năm đổi chủ. Ngày xưa họ ra rả nói: Phồn vinh giả tạo. Còn bây giờ là phồn vinh thực sự? Chỉ có sản xuất người, không có nhà máy sản xuất, không còn đất canh tác, ruộng đã bán để xây sân golf, xây resort, khu vui chơi giải trí. Toàn dân thượng lưu sang trọng ở biệt thự có kẻ hầu người hạ, chạy xe sang, áo quần chẳng thua gì tài tử Hollywood. Họ nghĩ rằng họ cũng nằm trong giới showbiz, dù là sô bi lô can (local). Tiếng Việt không đủ dùng, phải xài tiếng Mỹ: Diva.
Người ta hãnh diện có một bề ngoài bảnh bao giàu có. Ở nhà to, xài đồ xịn. Bởi vậy mới có chương trình: Thăm nhà người nổi tiếng. Để khoe, làm cho khúc ruột ngàn dặm ở bên Mỹ tủi thân, cuối tuần toàn đi mua đồ ở chợ trời hay garage sale. Không hiểu tiền ở đâu mà họ có nhiều thế. Ở Mỹ đi xem ca nhạc vé chỉ có 20-40-60 đô, hết hơi quảng cáo mà bán không hết. Còn bên Việt Nam muốn nghe diva hát là phải mua vé từ 100 đô trở lên. Khán giả Việt Nam sao giàu có thế.
Ở xứ Mỹ cày như trâu, đừng kể mỗi tuần kiếm được 500, giới showbiz xứ mình họ cười cho đấy. Thế mà họ vẫn muốn quy mã, rồi cố lận lưng tờ thông hành, là tấm thẻ xanh. Nhỡ có gì là biến, hạ cánh an toàn. Nói đâu xa, ngay vụ Covid, chích ngừa ở Mỹ vừa miễn phí vừa yên tâm thuốc xịn. Thuốc của Mỹ làm ra mà. Nên dù chưa có giấy chứng nhận cư trú, họ vẫn xin đi du lịch. Chích xong rồi về, quảng cáo rầm rộ công khai khắp nơi: Du lịch chích ngừa.
Ngày 30 Tháng Tư năm 75 là cơn sóng dữ. Nó đã quăng chúng tôi trôi giạt vào bến bờ tự do. Đó là mảnh đất hồi sinh cho gia đình của những người tù năm xưa. Xin nhận nơi đây là quê hương thứ hai. Mảnh đất tạm dung của đời cha, nhưng là nguồn hy vọng cho đời con.
Một năm người có mười hai tháng.Ta trọn năm dài một tháng Tư.
(Thơ Thanh Nam)
Nhận xét
Đăng nhận xét