Những bóng ma đánh thuê của Putin
Những bóng ma đánh thuê của Putin
Một tweet của Conflict Intelligence Team cho thấy tấm ảnh được cho là thành viên Wagner ở Syria |
Lính Wagner là dân “đâm thuê chém mướn” chuyên nghiệp, với kinh nghiệm quân sự được tích lũy trong các cuộc xung đột ở Trung Đông và từng đóng vai trò cố vấn an ninh cho các chính phủ khác nhau, trong đó có Cộng hòa Trung Phi, Sudan và gần đây là Mali. Đầu năm nay, các cơ quan tình báo phương Tây đã phát hiện những toán nhỏ Wagner rời Libya và Syria để đến khu vực Crimea do Nga kiểm soát. Ngày 28 Tháng Hai, tờ Times của Anh cho biết hơn 400 lính đánh thuê Wagner được triển khai để ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ukraine nói rằng, tính đến ngày 9 Tháng Ba, Zelensky đã thoát khỏi ít nhất 12 vụ ám sát và hai trong số đó có bàn tay Wagner).
Sorcha MacLeod, người điều hành nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc liên quan việc sử dụng các công ty tư nhân chuyên đánh thuê nhà nghề, nói với The Economist: “Từ góc độ pháp lý, Wagner không tồn tại”. Candace Rondeaux, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tương lai Chiến tranh (Center on the Future of War), nói với chuyên san ngoại giao Foreign Policy rằng việc gọi Nhóm Wagner là “lính đánh thuê” là “cực kỳ có vấn đề” (“extremely problematic”) vì trong thực tế thành viên Wagner chẳng khác gì những bóng ma không thể truy vết chứ không phải là những tay súng đánh thuê thuần túy hiểu theo hiểu như một quân đội tư nhân chuyên nghiệp.
Wagner hiện có ít nhất 6,000 thành viên và được vài tờ báo cho biết họ đăng ký hoạt động ở Argentina với văn phòng tại Hong Kong và St. Petersburg-Nga. Bất luận là bóng ma hay không, Wagner lâu nay vẫn được xem là cánh tay vô hình của Vladimir Putin thò đến nhiều nước thế giới, giúp Kremlin thực hiện nhiều trò bí mật. Lính Wagner nổi tiếng tàn độc. Năm ngoái, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói rằng Wagner đã vi phạm nhân quyền ở Cộng hòa Trung Phi, với việc hành quyết hàng loạt và tra tấn. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào tám người liên quan Wagner.
Một bài viết của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Washington DC) đã cung cấp nhiều chi tiết về lực lượng này, cho thấy tổ chức này có mối liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Nga và Quân đội Nga. Người sáng lập Wagner là Dmitry Utkin. Là cựu chiến binh từng tham chiến hai lần tại Chechnya, Utkin phục vụ trong Cơ quan phản gián Nga (GRU) cho đến năm 2013, sau đó đương sự chỉ huy một đơn vị biệt kích (Spetsnaz) với cấp bậc trung tá. Năm 2013, Dmitry Utkin gia nhập Nhóm an ninh Moran; và năm sau thành lập Wagner (được đặt tên theo mật danh cũ của đương sự – “Vagner”).
Một tweet cho thấy chân dung Dmitry Utkin, người sáng lập Wagner |
Thành viên Wagner, tương tự bản thân Utkin, từng tham gia các chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào năm 2014. Trong giai đoạn từ 2014 đến 2015, các tín hiệu tình báo mà Ukraine chặn được cho thấy có ba cuộc điện thoại của Utkin gọi cho Đại tá GRU Oleg Ivannikov cũng như với Thiếu tướng Evgeny Nikiforov, tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 58 của Nga. Nội dung các cuộc trao đổi giúp cho thấy Dmitry Utkin chịu sự điều hành của GRU lẫn bộ chỉ huy quân sự Nga. Một dấu hiệu khác cho thấy mối liên hệ rất chặt chẽ của Utkin với Nhà nước Nga là tấm ảnh chụp đương sự tại một tiệc chiêu đãi của Kremlin được tổ chức ngày 9 Tháng Mười Hai 2016, khi Dmitry Utkin mang lủng lẳng Huân chương Dũng cảm với thành tích từng đạt được ở chiến trường Ukraine năm 2014.
Căn cứ chính của Wagner Group nằm ở một thị trấn tên Molkino, thuộc thành phố Krasnodar (nằm ở Krasnodar Krai, Nam nước Nga). Điều bất thường là căn cứ này được vận hành không chỉ Wagner mà còn bởi Lữ đoàn Chiến dịch Đặc biệt số 10 nằm dưới sự giám sát GRU. Sau khi vượt qua trạm kiểm soát đầu tiên do lính GRU canh gác, nếu lái xe sang trái, người ta sẽ đến cơ sở GRU, trong khi con đường bên phải dẫn đến doanh trại Wagner. Một phóng sự điều tra đăng trên tạp chí Znak của Nga vào Tháng Ba 2018 tiết lộ rằng căn cứ liên tục được mở rộng với loạt tòa nhà xây mới.
Việc một công ty tư chuyên về an ninh-quân sự có chung căn cứ với lực lượng biệt kích chính qui là điều hết sức bất thường, và điều đặc biệt kỳ lạ là căn cứ Wagner thậm chí được lính chính qui GRU ôm súng bảo vệ. Trong thực tế, theo bài viết của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Wagner và quân đội Nga chẳng khác gì hai trong một. Khi lính đánh thuê Wagner được triển khai tới Venezuela hỗ trợ Tổng thống Nicolas Maduro, họ đã đi bằng máy bay vận tải của Không quân Nga – một chiếc Ilyushin Il-62M và một chiếc Antonov An-124. Tại Libya, máy bay chở hàng Ilyushin Il-76 của quân đội Nga cũng tiếp tế cho các đơn vị Wagner đang chiến đấu trên bộ. Lính Wagner thường xuyên bay vào và ra khỏi Syria bằng máy bay vận tải quân sự của Nga.
Chưa hết, thành viên Wagner thậm chí được điều trị trong các bệnh viện quân sự của Nga. Chi tiết này chỉ ra rằng Wagner có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ cấu quân sự của Nga đến mức lính của họ được hưởng quyền ưu tiên chăm sóc sức khỏe chuyên biệt theo tiêu chuẩn nhà binh – một lợi ích không bất kỳ công ty tư nhân bình thường nào có thể nhận được.
Còn nữa, theo báo cáo của cơ quan an ninh Ukraine (SBU), được xác minh bởi báo cáo điều tra của Bellingcat (một trong những tổ chức số một thế giới hiện nay chuyên nghiên cứu về Nga), lính Wagner sử dụng hộ chiếu được cấp bởi một cơ quan cực kỳ đặc biệt ở Moscow: Đơn vị 770-001 của Văn phòng Di trú Trung ương, nơi vốn chỉ cấp hộ chiếu cho những người có liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga. Chính Đơn vị 770-001 đã cấp hộ chiếu với danh tính giả cho hai thủ phạm ám sát Sergei Skripal.
Căn cứ Wagner tại Nga (CSIS) |
Hơn nữa, hộ chiếu được cấp cho thành viên Wagner có số thứ tự liền kề, cho thấy chúng được cấp theo nhóm, một cách có tổ chức. Như các nhà báo điều tra của Bellingcat cho biết, tất cả cho thấy nhà nước Nga không chỉ dung túng mà còn hỗ trợ tích cực cho hoạt động mật của Wagner ở nước ngoài. Chẳng phải không có lý do khi gần đây Tổng thống Volodymyr Zelensky nhắc đi nhắc lại rằng Putin đã cử một toán Wagner lẻn vào Ukraine để ám sát mình.
Những tuần cuối cùng của chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2020 ở Belarus xảy ra một diễn biến bất ngờ: Ngày 29 Tháng Bảy, chính quyền Belarus bắt giữ 33 người Nga được cho là thuộc Wagner. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko cáo buộc họ có kế hoạch can thiệp cuộc bầu cử. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng việc Wagner dùng Belarus làm quốc gia trung chuyển đến nhiều nơi khác nhau là điều vốn dĩ “bình thường”. Ngày 31 Tháng Bảy, Vladimir Putin triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia Nga về vụ trên. Sau đó, Putin gọi cho Lukashenko ít nhất hai lần. Thế là toán Wagner được thả ngay sau khi cuộc bầu cử Belarus kết thúc và hoàn toàn không bị buộc tội gì.
Nói cách khác, đứng sau lưng bóng ma Wagner là Vladimir Putin. Dù có thể chưa thể biết cặn kẽ hơn nhưng Wagner rõ ràng là một tổ chức nằm dưới sự chỉ đạo của Putin. Con ma ít nhiều bắt đầu hiện hình. Nó là một tổ chức tuyệt mật, thực hiện những chiến dịch tuyệt mật. Nó có thể tiến hành các chiến dịch tình báo, cũng có thể trở thành biệt kích thực hiện các phi vụ ám sát, hoặc trở thành những tay súng đánh thuê thuần túy trà trộn cùng quân đội Nga cho những chiến dịch quân sự hóc hiểm mà thậm chí biệt kích Nga không thể đảm trách nổi. Có điều, dù nổi tiếng tàn độc và có máu lạnh nhưng thành tích Wagner đến nay vẫn còn khiêm tốn hơn rất nhiều so với những “huyền thoại” được xây dựng bao quanh lực lượng này.
26 tháng 3, 2022
Nhận xét
Đăng nhận xét