BÀN RỘNG VỀ QUAN ĐIỂM “PHÒ NGA” TẠI VIỆT NAM
BÀN RỘNG VỀ QUAN ĐIỂM “PHÒ NGA” TẠI VIỆT NAM
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
Lý trí, trong một cách dễ hiểu, là khả năng của ý thức để thu nhận, hiểu, phân tích và phán đoán một sự kiện của mỗi người. Những người có phán đoán giống nhau tạo làm nên một thành phần xã hội. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Cộng Hòa Ukraine tạo ra ít nhất hai thành phần, ủng hộ Nga và ủng hộ Ukraine, trong xã hội Việt Nam.
Tại cấp chính phủ, sự ủng hộ dành cho Ukraine chiếm phần đông trên thế giới. Tại diễn đàn LHQ, quyết nghị LHQ ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận” ngày 2 tháng 3, 2022 do 96 quốc gia bảo trợ, có 141 nước ủng hộ Ukraine, 5 nước ủng hộ Nga, và 35 nước vắng mặt. Nếu không tính Nga và vệ tinh Belarus, chỉ có 3 nước ủng hộ, đó là Bắc Hàn ở Á Châu, một Bắc Hàn ở Phi Châu là Eritrea và một bệnh nhân đang thở bằng bình dưỡng khí Nga tên là Bashar al-Assad ở Syria.
CSVN VẮNG MẶT
CSVN vắng mặt và điều này không khó hiểu. CSVN vắng mặt theo TC. Về mặt cơ chế chính trị, hệ thống lý luận, nền tảng tư tưởng và một phần lớn nền kinh tế, CSVN đã bị “Phần Lan Hóa” bởi Trung Cộng qua “Mật ước Thành Đô” 4 tháng 9, 1990 và được chính thức hóa sau khi quan hệ giữa hai nước CS được tái lập ngày 7 tháng 11 năm 1991. Khi cơ chế chính trị Liên Xô lung lay tận gốc, giới lãnh đạo CSVN phải đích thân sang TC cầu cứu mặc dù trước đó không lâu TC đã chiếm Gạc Ma và tàn sát 64 binh sĩ CSVN.
“Phần Lan hóa” là gì? “Phần Lan hóa” (Finlandization) “để trở nên Phần Lan”, là một khái niệm chính trị để chỉ ảnh hưởng của một cường quốc trên các chính sách đối nội, đối ngoại và quốc phòng của một quốc gia láng giềng nhỏ, bị cô lập, không phải là thành viên của một liên minh quân sự và không nhận được sự bảo vệ của các cường quốc. Khái niệm này bắt nguồn từ chính sách của chính phủ Phần Lan chấp nhận không đi ngược lại các chính sách của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ năm 1947 đến năm 1990 nhằm mục đích duy trì chủ quyền đất nước. (Trần Trung Đạo, Hiểm Họa Trung Cộng và Bài Học Phần Lan Hóa, Chính Luận 2, Bánh Mì Ai Cập Cá Việt Nam Khát Vọng Con Người, Cổ Loa 2017)
Từ khi bị “Phần Lan Hóa” khuôn mặt Biển Đông dần dần thay đổi. Các căn cứ quân sự nổi của TC như Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef (Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga Ven), Hughes Reef (Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef (Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn) được TC xây trước những “quan ngại sâu sắc” quen thuộc được lặp đi lặp lại của các lãnh đạo đảng CSVN.
ĐA SỐ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ỦNG HỘ UKRAINE
Mặc dù không có thống kê khách quan, nhìn chung qua các mạng xã hội, đa số người Việt ủng hộ Ukraine. Ngoài tình nhân loại có máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, sự ủng hộ Ukraine còn biểu hiện của niềm cảm thông của những con người cùng hoàn cảnh.
Phân tích trên lãnh vực địa lý chính trị, vị trí của Ukraine đối với Nga không khác mấy so với vị trí của Việt Nam đối với Trung Cộng. Đại Nga là Đại Hán, Hắc hải là Biển Đông, Kharkiv là Hà Giang, Belarus là Cambodia (căn cứ TC tại Sihanoukville), Aleksandr Lukashenko (Tổng thống Belarus từ 1994 đến nay) là Hun Sen (Thủ tướng Cambodia từ 1985 đến nay). Điểm khác quan trọng nhất và có tính quyết định là Ukraine có một Volodymyr Zelenskyy anh hùng trong khi Việt Nam lại có một Tô Định thời đại toàn cầu hóa.
THÀNH PHẦN “PHÒ NGA”
Thành phần “phò Nga” phát xuất từ 3 nguyên nhân chính (1) mê muội, (2) quá khứ Liên Xô, (3) tin tưởng vào một Putin kiêu ngạo
“Phò Nga” Do Mê Muội
Người viết đã bàn về lý do thứ nhất này nhiều lần. Mê muội là hậu quả của chính sách tẩy não. Dưới chế độ CS lịch sử một dân tộc không được viết bằng sử liệu mà bằng sử quan. Sử quan tại Việt Nam là sử quan của đảng CS và lịch sử được giải thích phù hợp với đường lối, chính sách của đảng CS trong từng thời kỳ chứ không phải là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thăng trầm, vinh quang và thống khổ của dân tộc.
Bộ máy tuyên truyền CS chi phối không chỉ trong các sinh hoạt nhân văn, xã hội mà cả khoa học tự nhiên. Tuổi trẻ miền Bắc không lớn lên trong tinh thần của những anh hùng Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng mà bằng mà bằng những vi trùng Pêlêvôi (Người mẹ cầm súng), Marétxép (Anh hùng phi công Marétxép) v.v… Thật đáng buồn cho đất nước sau gần nửa thế kỷ vẫn còn một số không ít người sống trong mê muội. (Trần Trung Đạo, Bàn Về Tẩy Não, Chính Luận 1, Cổ Loa 2014).
Bài viết này không bàn rộng về thành phần mê muội. Sản phẩm của bộ máy tuyên truyền này vẫn sẽ tiếp tục hoành hành và cần nhiều thế hệ mới hy vọng dứt. Nếu bệnh nhân dưới 30 tuổi căn bệnh mê muội hy vọng còn chạy chữa được nhưng trên tuổi đó thì khó và trên 50 tuổi thì khó khăn hơn nhiều. Không có thuốc trụ sinh chống mưng mủ do vi trùng mê muội gây ra. Bệnh nhân sẽ bị vật lộn trong đau nhức với những đúng và sai, khôn và dại trong đời sống cho đến khi, nếu may mắn, tự thay đổi được theo thời gian, và nếu không may mắn, sẽ qua đời không biết mình mê muội.
May thay, xã hội thay đổi không phải từ thành phần mê muội mà từ thành phần có khả năng thay đổi, những người mà nhà kinh tế Vilfredo Pareto gọi là thành phần 20%. Người viết sẽ trở lại với đề tài này để cùng nhau tìm hiểu 20% đó là ai.
Quan điểm “phò Nga” của những người phát xuất từ sự thiếu hiểu biết căn bản về lịch sử nên cần được phân tích bởi vì họ thường là những người có ít nhiều ảnh hưởng trong xã hội.
“Phò Nga” Do Quá Khứ Liên Xô
Một số khá đông người Việt trong nước xem hồng quân Liên Xô như thiên binh, thiên tướng. “Đại nguyên soái Stalin” và Hồng Quân Liên Xô đã giải phóng Châu Âu. Bộ phim tuyên truyền nhiều tập nói về “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945” vẫn còn in sâu trong tâm trí của nhiều người.
Những người này không biết rằng hai ngày trước khi Hitler mở chiến dịch Barbarossa, 22 tháng 6, 1941, để tấn công Nga, Stalin còn là đồng minh thân cận của Hitler theo tinh thần của hiệp ước Molotov–Ribbentrop quy định hai nước sẽ không xâm lăng nhau trong vòng mười năm.
Việc hai quốc gia cam kết không xâm lăng nhau là vấn đề xảy ra nhiều lần trong lịch sử bang giao quốc tế. Đó là vấn đề của hai nước và không cần phải tranh luận. Nhưng hiệp ước Molotov–Ribbentrop, ký ngày 23 tháng 8, 1939, còn có một nghị định thư bí mật trong đó Hitler và Stalin chia nhau lãnh thổ của các quốc gia Ba Lan, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia và Romania.
Hai tuần sau khi Hitler tấn công Ba Lan từ hướng Tây, ngày 17 tháng 9, 1939, Stalin cũng tấn công Ba Lan từ hướng Đông. Dĩ nhiên Ba Lan không thể chống cùng lúc cả Đức lẫn Liên Xô. Quân đội Ba Lan bảo vệ biên giới chỉ với quân số 20,000 chống lại đạo quân Liên Xô 600,000. Khi Đức và Liên Xô bắt tay nhau, Ba Lan tan rã, gần nửa triệu quân bị bắt làm tù binh.
Từ ngày 5 tháng 3 đến tháng 5, 1940 có khoảng 22 ngàn sĩ quan Ba Lan bị tổ chức mật vụ Liên Xô giết tại rừng Katyn. Quyết định giết có sự đồng ý của Stalin và các ủy viên Bộ Chính trị Kliment Voroshilov, Vyacheslav Molotov, Anastas Mikoyan, Mikhail Kalinin và Lazar Kaganovich. (Republic of Poland Government, Decision to commence investigation into Katyn Massacre, 12, 1, 2004)
“Hậu quả thảm khốc của Hiệp ước Hitler-Stalin không chỉ giới hạn ở Ba Lan. Nguồn cung cấp nguyên liệu thô quy mô lớn từ Liên Xô cho bộ máy quân sự Đức, chẳng hạn như dầu và sắt. Đổi lại, Đức, dựa trên một thỏa thuận kinh tế đạt được với Liên Xô vào tháng Hai, đã gửi nhà máy và thiết bị công nghiệp sang phía đông. Với việc quân Đức tiến vào Paris và sự sụp đổ của nước Pháp vào tháng 6 năm 1940, sự bành trướng của Đức Quốc xã ở Tây Âu sẽ không thể thực hiện được nếu không có Hiệp ước Hitler-Stalin.” (Claudia Weber, The Changing Reading of the Hitler–Stalin Alliance, Wilson Center, August 23, 2019)
Với những sử liệu này, Stalin là tội phạm chiến tranh tại một mức độ trầm trọng tương đương như tội ác của Hitler (Đức), Mussolini (Ý) và Tojo (Nhật Bản). Hai đồ tể Hitler và Stalin đều giấu súng trong tay áo nhưng Stalin suy bụng ta ra bụng người nên nghĩ Hitler tập trung đánh gục Anh trước. Không phải một nguồn mà rất nhiều nguồn tin tình báo, kể cả từ tòa đại sứ Liên Xô tại Đức, cho Stalin biết ý định của Hitler nhưng Stalin không nghĩ Hitler tấn công Liên Xô vào năm 1941 cho đến khi các chiến xa của tướng Đức Heinz Guderian vượt biên giới Đức-Liên Xô.
Vì vai trò quá lớn của Liên Xô trong các mặt trận miền Đông Châu Âu từ tháng 6 1941 đến khi Đức Quốc Xã sụp đổ nên tội ác của “Đại nguyên soái Stalin” được xem như “chuyện đã qua” tại các hội nghị quốc tế.
“Phò Nga” Do Tin Tưởng Vào Một Putin Kiêu Ngạo
Ngày 10 tháng 12, 2021, một Putin kiêu ngạo cùng lúc ồ ạt đưa trên 100,000 quân tập trung sát biên giới Nga-Ukraine, Putin đưa ra yêu sách 8 điểm đòi hỏi các chính phủ Mỹ, NATO phải chấp nhận nếu muốn tránh chiến tranh. Chấp nhận không chỉ bằng một vài lời tuyên bố suông thôi mà phải bằng văn bản phù hợp với luật quốc tế. Hai trong số tám đòi hỏi gồm điều 4: “Các bên không được phối trí lực lượng quân sự và vũ khí trên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác ở Châu Âu ngoài các lực lượng và vũ khí đã có ở đó trước ngày 27 tháng 5 năm 1997”, và điều 6: “NATO cam kết sẽ kiềm chế trước bất kỳ sự mở rộng nào, bao gồm cả việc nhận Ukraine cũng như các quốc gia khác”.
Một cách chi tiết hơn, khi phải rút lui về vị trí của thời điểm trước 1997 cũng có nghĩa quân đội NATO không được đóng trên lãnh thổ các quốc gia như Ba Lan, Estonia, Lithuania, Latvia và các nước hội viên NATO vùng Balkans như Albania, Bulgaria,Montenegro v.v..
Với những đòi hỏi phi lý này, Putin muốn tái lập ảnh hưởng của Nga trên một diện tích lãnh thổ có kích thước tương tự như Liên Xô trước khi sụp đổ. Putin hình dung nước Nga năm 2021 trong cùng một vị trí của LX vào thời điểm 1989 nhưng ông ta quên rằng năm 1989, GDP của Liên Xô là 2600 tỷ dollar, bằng một nửa của Mỹ, 5200 tỷ dollar. GDP của Liên Xô lớn nhưng tập trung vào lãnh vực quốc phòng trong khi hàng hóa thỏa mãn các nhu cầu đời sống của người dân như xe hơi (phải chờ sáu năm từ khi đặt hàng), tủ lạnh, một chuyến nghỉ hè, có căn nhà riêng không chung đụng ai là những ước mơ.
Nhưng LX phá sản không phải vì thiếu bom nguyên tử, thiếu vũ khí, thiếu quân đội, thiếu dầu hỏa mà vì thiếu tự do.
Báo El País, một trong những báo lớn nhất tại Tây Ban Nha, cho biết Putin còn kiêu ngạo đến mức soạn sẵn một tối hậu thư dưới dạng bản dự thảo cam kết để Mỹ và NATO tham khảo.
Ngày 2 tháng 2, 2022, Mỹ và NATO bác bỏ thẳng thừng hai yêu sách chính của Nga. Tuy nhiên để Putin khỏi mất mặt, trong thư hồi đáp riêng cho Putin, Mỹ hứa sẽ tiếp tục đàm phán việc phối trí hỏa tiễn tại các quốc gia hội viên NATO có cùng biên giới với Nga.
Về nguyên tắc, NATO và Mỹ không thể thỏa mãn các đòi hỏi của Putin, bởi vì thỏa mãn tức là đi ngược lại điều 10 của hiến chương NATO trong đó khẳng định “Các hội viên của NATO nếu hoàn toàn đồng ý có thể mời bất kỳ quốc gia Châu Âu nào khác gia nhập hiệp ước này…”
Vì đàm phán không còn là một phương án, Putin phải chọn lựa giữa rút quân hay phát động chiến tranh. Rút 175,000 quân về là không đánh mà thua. Putin đánh bạc bằng cách đánh mạnh và thắng nhanh để khi chiếm đóng sẽ đàm phán có lợi.
CANH BẠC CỦA PUTIN
Gần 6 giờ sáng, giờ Moscow, 24 tháng 2, 2022 Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công Ukraine từ ba mũi, Belarus hướng bắc, Donetsk và Crimea hướng nam nhằm mục đích “phi quân sự hóa” (demilitarisation) và “Phi Nazi hóa” (denazification) Ukraine. Hai mục đích giả tưởng này là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền Nga.
Theo nguồn tin tình báo Mỹ cho tạp chí Newsweek biết, với hỏa lực của Nga, họ lo ngại thủ đô Kyiv có thể phải rơi vào tay Nga trong vòng 96 giờ. Tuy nhiên, 96 giờ trôi qua, một tuần trôi qua, một tháng trôi qua, không chỉ Kyiv mà các thành phố lớn khác đều dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ Ukraine. Các diễn biến của cuộc chiến cho thấy, dù quân số và hỏa lực vượt trội Putin chẳng những đang thua và thua to.
Mặt trận trên không với năm Nga đánh một Ukraine, Nga vẫn chưa làm chủ được không phận Ukraine. Làm chủ bầu trời (Air supremacy) là một trong những chiến lược tối quan trọng đã được các lãnh đạo quân sự nhấn mạnh nhiều lần trong lịch sử chiến tranh từ Thế Chiến Thứ Nhất tới nay. Trong Chiến Tranh Sáu Ngày (Six-Day War) giữa Do Thái và liên minh Ả Rập, chỉ trong vài giờ sáng ngày 5 tháng 6, 1967, không quân Do Thái đã làm tê liệt 90% không quân Ai Cập. Nhờ làm chủ bầu trời Do Thái chỉ bị thương vong 800 sĩ quan và binh sĩ trong khi ba nước Syria, Ai Cập và Jordan con số thương vong lên đến 20,000.
Bộ quốc phòng Nga dĩ nhiên cũng cố vô hiệu hóa không quân Ukraine. Tuy nhiên muốn là một chuyện làm được hay không là chuyện khác. Nga không làm được như Do Thái dù chỉ đánh một nước nhỏ, dù Belarus cho mượn đường, dù đã chuẩn bị từ nhiều tháng và dù đánh trước. Hôm 24 tháng 3, NATO ước lượng Nga tổn thất có thể tới khoảng 15,000 quân. Số quân Nga bị giết trong một tháng xâm lăng Ukraine bằng tổng số quân LX tổn thất mười năm tại Afghanistan.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Putin vào Ukraine sẽ chấm dứt. Sớm hay muộn. Và dù kết quả ra sao, Putin vẫn là người thua đậm nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược do ông ta chủ mưu.
Canh bạc mà Putin đang đánh không phải là mới. Từ cổ chí kim, các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã được nhiều nhà chính trị và quân sự khai thác. Hitler đã dùng hai lần trước Thế Chiến Thứ Hai. Putin học lại của Hitler nhưng trò không hơn được thầy.
Về mặt địa lý chính trị, có lẽ Áo hay Tiệp Khắc thích hợp để so sánh với Ukraine hơn, nhưng về chiến lược quân sự cuộc hành quân tái chiếm vùng Rhineland hay sáp nhập vùng Sudetenland vào Đức ngày 7 tháng 3, 1936 thích hợp hơn để phân tích nước cờ của các lãnh đạo quốc gia ngày nay.
Hitler thành công vì (1) biết gần như chắc chắn của chính phủ chủ hòa Anh Pháp đứng đầu là Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng liên minh cánh tả Pháp Édouard Daladier sẽ bất động, (2) các liên minh quân sự giữa Pháp và Liên Xô hay giữa Pháp và Tiệp Khắc là những liên minh không đáng tin cậy vì họ chưa hề tham khảo nhau trong suốt cuộc xung đột, (3) qua bộ máy tuyên truyền của Joseph Goebbels, Hitler được dân chúng địa phương đa số là người gốc Đức tại cả hai vùng Rhineland và Sudetenland ủng hộ, (4) chính quyền và đảng chính trị thân Quốc Xã Đức tại Rhineland và Sudetenland ủng hộ, (5) có đồng minh đóng vai trò môi giới quan trọng ở Châu Âu là Benito Mussolini ủng hộ.
Putin không có được bất cứ tiện nghi nào trong năm yếu tố nêu trên. “Đồng minh” duy nhất của Putin là Tập Cận Bình cũng không quá mặn mà và không công khai ủng hộ Putin. Trong chính trị học, “phù thịnh” chứ ai không “phù suy”.
Tập Cận Bình không muốn chiến tranh xảy ra trong giai đoạn này không phải vì lòng yêu chuộng hòa bình mà vì mục đích ngắn hạn cũng như dài hạn của ông ta chưa hoàn tất. Tập Cận Bình không dại gì phải hy sinh những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc vì một người bạn đường vài cây số như Putin. Trong mắt họ Tập, thế giới không còn là ba trục (Liên Xô, Mỹ, Trung Cộng) như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh trước. Nước Nga của thời LX chỉ còn trong sách vở. Putin là một nhà độc tài cơ hội nhưng không tự lượng sức mình.
Một số quan điểm bênh vực Nga cho rằng việc mở rộng về hướng Đông Âu của NATO đã đẩy Nga vào thế phải phản công.
Những người theo quan điểm này hoặc là chỉ nói theo hoặc là không theo dõi sát chính sách đối ngoại của Nga từ khi Putin lên nắm quyền và khai triển chủ thuyết Primakov, gọi theo tên của cựu Giám Đốc KGB, cựu Ngoại trưởng và cựu Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov. Nội dung căn bản của chủ thuyết Primakov là Nga thay vì phát triển hòa đồng với Tây phương sẽ liên minh với Trung Quốc, Ấn Độ thành một tam giác chiến lược đương đầu với Mỹ. Quan điểm đối đầu với Mỹ đã có trong đầu óc của giới lãnh đạo Nga trước thời kỳ NATO mở rộng sang Đông Âu và Baltics.
Những ai “phò Nga” tại Việt Nam thay vì nhìn sang Nga hãy mở mắt to để nhìn ra biển Đông, nhìn sang Cambodia, nhìn lên Hà Giang, nhìn sang Lào (Lào công nhận chủ quyền của TC trên Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa) để thấy một Việt Nam đáng thương đang co ro trong rọ TC.
Các nhà làm chính sách Mỹ dù dưới tổng thống nào cũng đều nghĩ đến mục tiêu cô lập TC nhưng cô lập tại một giới hạn nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố thời gian.
Tại thời điểm 2022 này, Việt Nam vẫn còn giữ một vị trí chiến lược ở vùng Đông Nam Á và Biển Đông nhưng tại một thời điểm khác trong tương lai vị trí đó có thể không còn nữa. Một khi chiến lược Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) mở rộng, Việt Nam có thể được xem đã nằm trong “không gian sinh tồn” của Trung Cộng giống như khi Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt xem Ba Lan thuộc “không gian sinh tồn”của Liên Xô tại hội nghị Yalta tháng 2, 1945. Khi đó các vị trí chiến lược mà thế giới tự do cần bảo vệ là Philippines, Singapore, Mã Lai, Nam Dương hay xa hơn chứ không phải Việt Nam.
Những người theo trường phái “phò Nga” xin đừng khóc cho Putin, cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan Nga mà hãy dành nước mắt để khóc cho Việt Nam.
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét