Miền Tây khát: 'Nước giờ còn quý hơn vàng'
Miền Tây khát: 'Nước giờ còn quý hơn vàng'
Anh Trần Công Thương cho biết các nhà hảo tâm đang đổ về huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với xe bồn kích cỡ 4 khối, 6 khối để giúp đỡ bà con chống chọi với hạn mặn khốc liệt |
Nước bây giờ quý hơn vàng”, một người dân tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nói với BBC News Tiếng Việt ngày 9/4.
Suốt tháng qua, hàng ngàn người dân tại các tỉnh miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã quen với cảnh phải lỉnh kỉnh can nhựa ngồi chờ xe bồn đến để lấy nước sạch bất kể ngày đêm trong cái nóng hầm hập.
Dù biết hạn mặn sẽ xảy ra, nhưng dường như họ không ngờ tình hình lại nghiêm trọng như vậy.
Giọt nước nghĩa tình
Nhiều nhà hảo tâm từ một số nơi khác như TP HCM đã tổ chức các chuyến xe bồn chở nước xuống tiếp tế cho bà con miền Tây.
Mong muốn giúp đỡ bà con ngay tại quê hương là huyện Gò Công Đông, anh Trần Công Thương và người thân trong gia đình đã lập nhóm tình nguyện viên để giúp đưa nước sạch đến tay người dân.
Cách làm của nhóm là đăng thông tin lên mạng xã hội vào tối hôm trước rồi bà con báo tin khu vực nào cần nước thì xe bồn sẽ được huy động đến vào ngày hôm sau.
Trong gần một tháng cùng các nhà hảo tâm mang nước sạch đến cho bà con ở tỉnh Tiền Giang, anh Trần Công Thương ở ấp 7, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết khi xe bồn chở nước sạch tới bà con ai nấy đều vây quanh xe, rất đỗi vui mừng.
Anh Thương cho BBC News Tiếng Việt biết bà con đang thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là tại xã Tân Phước, ấp Rạch Già, biển Rạch Bùn, xã Tân Điền, sông Ba Rày thuộc huyện Tân Phú Đông… Mức độ nghiêm trọng tùy theo vùng.
Trước đó, ngày 5/4, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô tại huyện Tân Phú Đông, địa phương bị xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Thương cho biết: “Ai ở đường dây ngoài thì nước vô tới, vùng sâu xa thì nước không tới, không có nước xài. Có những nơi như Tân Phú Đông khó tiếp cận."
"Ban đầu còn nước ở kênh thì họ có thể lấy nước dùng nhưng giờ nước ngập mặn nên họ không thể dùng được. Nhà cập kênh thì hiện họ đã dẫn cho nước vô để đỡ sạt lở."
"Có đợt đầu tiên tôi đi vào ấp Lăng, xã Tân Phước, mấy cô bác nói nước giờ hiếm lắm, khi tắm phải chừa nước lại để làm chuyện khác.”
Anh Thương cho biết các nhà hảo tâm đang đổ về Gò Công từ các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp với xe bồn 4 khối, 6 khối.
“Ngày nào cũng có xe bồn về để đưa nước sạch đến với bà con. Ít nhất một ngày về tầm 3 xe, nhiều thì còn hơn nữa.”
“Nhóm của chúng tôi là mấy anh em trong gia đình. Khi xe bồn xuống, không biết đường đi nước bước thì chúng tôi dắt họ đi đến mấy chỗ thiếu nước.”
“Khi xe đến thì người dân rất mừng, họ bao xung quanh mình. Nhiều người nói nước bây giờ quý hơn vàng,” anh nói.
Khô hạn đi kèm sạt lở
Trẻ em cùng người thân dùng can nhựa đi lấy nước tại ấp 3 Rạch Già, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang từ xe nước của các mạnh thường quân vào ngày 9/4
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An... có 50.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, nói với BBC News Tiếng Việt rằng theo đánh giá của ông, năm nay do đã có sự chuẩn bị trước nên vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít thiệt hại hơn kỳ “đại hạn” năm 2016.
Sự chuẩn bị trước cho hạn hán bắt đầu từ năm 2023, khi nước chảy từ thượng nguồn sông Mekong ít hơn.
“Năm 2016 là năm khô hạn gần như lịch sử. Gần 100 năm mới có một năm khô hạn như vậy, lúc đó người dân chưa có chuẩn bị gì cho trận hạn lớn như vậy, do đó thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản rất là lớn, kể cả cây ăn trái nữa.”
“Năm hạn 2020 dù hạn mặn tương đương mức của năm 2016, người dân biết cách đối phó tốt hơn, nên bị thiệt hại ít hơn. Chúng tôi đã khuyến cáo chính quyền địa phương, người dân xuống giống lúa liền khi mực nước bắt đầu hạ. Sau Tết thì họ đa số đã thu hoạch lúa rồi."
"Năm 2024, thì theo một chu kỳ 4 năm hạn nặng xuất hiện một lần, tương ứng với sự trở lại của hiện tượng El Niño”, Tiến sĩ Tuấn đánh giá.
Nhưng một vấn đề hiện nay mà Tiến sĩ Tuấn nhận thấy chính là vấn đề sụt lún nghiêm trọng, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, đường sá nông thôn.
“Tôi đánh giá là thiệt hại nông nghiệp không lớn so với năm 2016. Nhưng có thiệt hại lớn là đất bị sụt lún, xảy ra ở Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, những nơi có nhà bị sụp đổ xuống.”
“Nguyên nhân sụp lún đó là do mùa khô năm nay khá gay gắt thì nước mặn đi vào, nước ngọt không đủ, khiến đất co cứng lại, nên thiệt hại cơ sở hạ tầng nhiều hơn năm 2016 và năm 2020,” Tiến sĩ Tuấn nói.
Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cảnh báo trên Facebook:
"Cà Mau đã 4 tháng không có mưa khiến sông hồ cạn kiệt, các dòng kênh lớn nhỏ cạn trơ đáy để lộ ra những lớp muối trắng kết tinh trên bề mặt bùn. Nước ngầm tụt giảm làm nền đất trở nên rỗng xốp và kéo theo sạt lở trên diện rộng."
"Từ đầu năm nay, tôi đã khuyến cáo bà con phải tích trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm. Giờ thì khô khốc hết rồi. Từ kênh, mương, ao, hồ, sông, suối đều cạn khô hoặc có nước nhưng không dùng được (do nhiễm mặn và ô nhiễm)."
"Làm sao để người dân trụ được qua tháng 4 tiếp tục khô cằn và một tháng 5 mưa về rất ít?!"
'Lo lắng' về đập Thác Bạt và kênh đào Phù Nam Techo
Người dân lấy nước từ xe bồn do các nhà hảo tâm cung cấp tại xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vào ngày Chủ nhật 7/4
Trước câu hỏi của BBC News Tiếng Việt về nguyên nhân hạn hán nghiêm trọng trong năm nay và nhận định về diễn biến tiếp theo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra hai quan ngại của ông: Thứ nhất là con đập Thác Bạt mà Trung Quốc cho vận hành từ tháng 2 vừa qua và đang trong giai đoạn tích nước. Thứ hai là dự án kênh đào Phù Nam Techo dự kiến được Campuchia khởi công trong quý 4 năm nay.
“Theo dõi số liệu mực nước đầu nguồn sông Mekong thì tôi thấy mực nước xuống khá thấp, một phần là do các quốc gia ở thượng nguồn như Thái Lan, Lào cũng lấy nước nhiều từ sông Mekong hơn vì họ cũng bị khô hạn. Chẳng hạn Thái Lan đã lắp đặt các trạm bơm, Lào tuy diện tích canh tác không nhiều nhưng cũng lấy nước, rồi Campuchia cũng lấy nước làm cho tình hình khô hạn trầm trọng hơn.”
“Chúng tôi cũng đang theo dõi và khá lo lắng. Thứ nhất là bên Trung Quốc mới làm xong đập Thác Bạt, hoàn thành tháng 2. Đập này sẽ tạo hồ chứa, hồ chứa tích nước. Khi tích nước ở hồ chứa thì mất khoảng một năm hồ chứa mới đầy. Khi tích nước thì lượng nước đi xuống hạ lưu sẽ giảm đi. Có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục bị thiếu nước. Đập Thác Bạt đang trong giai đoạn tích nước trong hồ chứa, Trung Quốc thì không chia sẻ thông tin về kế hoạch vận hành của chuỗi đập,” ông nói.
“Dư luận chưa bàn nhiều về đập Thác Bạt vì thông tin rộng rãi thì chưa thấy gì. Họ quan tâm về kênh Phù Nam Techo ở Campuchia hơn. Đối với những người làm môi trường nước như chúng tôi, các tác động từ thượng nguồn tới biên giới Việt Nam đều phải được quan tâm,” ông nói.
Về kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, Tiến sĩ Tuấn cho biết cũng đã được đề nghị tham khảo ý kiến. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là ông và các chuyên gia khác đều không có số liệu đầy đủ dự án này, để từ đó có thể đánh giá mùa khô Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất bao nhiêu nước, ngoài hơn mười trang tài liệu về con kênh.
“Khi con kênh này được đào thì có thể Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiếu nước, dù phía Campuchia nói là con kênh chỉ phục vụ cho giao thông thủy thì nước cũng có thể bị thất thoát khi 1,6 triệu người dân Khmer sống dọc con kênh này có thể phải dùng nước.”
“Thật ra, chúng tôi cũng được hỏi ý kiến nhưng vấn đề là chúng tôi thiếu quá nhiều số liệu về con kênh này. Tài liệu về dự án này rất ít, chỉ có mười mấy trang, không đầy đủ, chỉ là phán đoán cảm tính hơn là định lượng, không có con số để tính toán được.”
Liên quan đến một số giải pháp căn cơ cho nguồn nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất:
• Phải đánh giá tài nguyên nước của Đồng bằng sông Cửu Long còn bao nhiêu;
• Chuyển trồng lúa từ nước mặn sang nuôi trồng thủy sản, nhưng cần phải đảm bảo về mặt kỹ thuật để người nông dân tránh thất bại;
• Trữ nước trong mùa mưa để phục hồi lại các vùng đất ngập nước… Các vùng như Tứ giác Long Xuyên thì không nên làm lúa 3 vụ nữa, mà chỉ nên 2 vụ, và trả lại chức năng chứa nước lũ mùa mưa cho vùng này;
• Cần tìm cách bơm nước lũ hoặc nước mưa để trữ trong tầng ngầm để mùa khô sử dụng.
Đập Thác Bạt khiến ĐBSCL khô hạn?
Theo Mekong Monitor, nhiều con đập ở Trung Quốc đã xả nước chậm vào năm nay, có lẽ là vì lý do tích nước ở đầu nguồn con đập Thác Bạt (Tuoba). Ảnh vệ tinh so sánh lượng trữ nước tại con đập này từ ngày 29/1 đến 28/3 vừa qua.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 9/4, nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ), đánh giá qua nghiên cứu và theo dõi, việc con đập Thác Bạt (Touba) của Trung Quốc đang tích nước không phải là nguyên nhân đáng kể gây nên tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và chỉ có tác động “rất ít”.
Hiện tại, ông cho biết sông Mekong đang ở tình trạng dòng chảy gần như bình thường cho mùa khô từ miền trung Thái Lan cho đến Campuchia và Ủy hội sông Mekong (MRC) đã xác nhận với Stimson điều này.
Theo ông, hạn hán ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay hầu như là do thời tiết nắng nóng, không phải do mực nước sông Mekong sụt giảm.
“Những năm qua, tình trạng khai thác cát quá mức ở các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã khiến lòng các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nạo sâu đáng kể và làm sụt giảm lượng nước ở những kênh nội thủy của con sông Mekong,” ông phân tích thêm.
Theo thông tin do trung tâm Stimson cung cấp cho BBC, con đập Thác Bạt bắt đầu tích nước vào khoảng từ ngày 1/2/2024.
Đây là con đập thứ 12 của Trung Quốc trên dòng chảy chính của sông Mekong và là con đập thứ 14 trên sông Mekong nếu tính thêm hai con đập khác đang vận hành của Lào.
Tổng công suất điện năng khi đập Thác Bạt đi vào hoạt động sẽ là 1.400 MW. Đây sẽ là hồ chứa nước lớn thứ tư trong chuỗi hồ chứa trên sông Mekong đoạn qua Trung Quốc. Tuy nhiên, sức chứa hiện tại (lượng nước có thể dùng được) là 258 triệu mét khối nước, ít hơn nhiều so với con đập Hoàng Đăng, con đập lớn thứ 3 của Trung Quốc, và có sức chứa nhỏ hơn khoảng 50 lần so với hai con đập khổng lồ khác của Trung Quốc là đập Tiểu Loan và đập Nọa Trát Độ, theo trung tâm Stimson.
Mekong Dam Monitor, một chuyên trang theo dõi các con đập của Trung Quốc, ước tính hồ chứa nước của đập Thác Bạt đã dâng cao thêm 65 m kể từ ngày 1/2/2024 và đã làm đầy gần 300 triệu mét khối nước.
Khi đầy thì hồ chứa của đập Thác Bạt sẽ chứa tổng cộng 1,2 tỷ mét khối nước, nhưng hầu hết đều là lượng nước chết, được trữ vĩnh viễn sau bức tường của con đập và sẽ mất vài tháng để con đập được làm đầy.
Khi trang Mekong Dam Monitor lần đầu phát hiện qua hình ảnh vệ tinh về việc con đập này đang trong quá trình tích nước, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã xác nhận với trung tâm Stimson rằng Trung Quốc đã không đưa ra thông báo cho họ.
MRC cũng lưu ý trước đó rằng khi đập Thác Bạt được xây dựng hồi năm 2019 thì Trung Quốc cũng không đưa ra thông báo.
Ngay sau khi hồ chứa nước bắt đầu được làm đầy, tác động từ đập Thác Bạt bắt đầu xuất hiện ở hạ nguồn sông Mekong khi dòng chảy bị suy giảm.
Trung Quốc đã cam kết cải thiện quá trình thông tin liên lạc với MRC và các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong và thậm chí sẽ chia sẻ dữ liệu hoạt động của con đập.
“Rõ ràng Trung Quốc đã không thực hiện cam kết này. Khi có nhiều thông tin từ Trung Quốc thì các nước ở hạ nguồn sông Mekong sẽ hiểu đầy đủ hơn về tình hình hiện tại và sắp tới," ông Brian Eyler nhận định.
Nguồn BBC
Nhận xét
Đăng nhận xét