Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!

Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!
Mùa hạn Miền Tây!

Đoàn Xuân Thu

1. Mùa nước nổi

Thưa! Ðời ông sơ, ông cố mình từ miền Trung khô cằn sỏi đá, dắt díu vợ con vào vùng đất mới, Ðồng bằng sông Cửu Long nầy lập nghiệp thì cái đầu tiên phải nghĩ tới là kiếm cái chỗ cất nhà để có chỗ che mưa đụt nắng chớ! Bởi có an cư mới lạc nghiệp được.

Cất nhà là phải lựa rẻo đất nào cao ráo, mùa nước nổi không có ngập tới nhà mình. Cái rẻo đất cao đó là giồng do phù sa bao đời tích tụ, nên đất xốp và màu mỡ… Thế mới có câu hát là trên đất giồng mình trồng khoai lang. Cha! Củ nào củ nấy nó bự ế kinh luôn. Chính vì vậy mà quý “anh Hai” mình ít khi bị vợ bỏ lắm ?!

Cái tiếng tăm cái vùng đất làm chơi ăn thiệt nầy vang ra tới ngoải; bà con mình nghèo không đất cày, lũ lượt kéo vô! Cứ bám dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu! Ai tới trước khai khẩn trước; ai tới sau khai khẩn sau! Chừng mười hay hai chục mẫu là thường. Nên nói điền chủ ở Miền Tây thuộc Nam Kỳ Lục Tỉnh là phải nói vài trăm mẫu trở lên cho chó chạy cong đuôi mới được coi là điền chủ.

Khi các khu đất giồng đã bị nạn nhân mãn, do cưới nhau sanh con đẻ cháu, chắt, chít… thì bà con mới tới đành cất nhà sàn mà ở! Mùa nước nổi vẫn phẻ re, cao lắm là nước mấp mé bờ hè. Muốn đi nhậu thì chịu khó chống xuồng ba lá một chút qua anh Hai hàng xóm, cách chừng vài rẻo đồng.

Thưa! Ðồng bằng sông Cửu Long! Ðồng thì đúng quá xá mà bằng thì chưa chắc. Dù đất năm nào cũng được phù sa bồi lấp; tuy vậy cũng còn chỗ cao, chỗ thấp.

Cao thì gọi là Gò như Gò Công, Gò Quao hay Giồng như Giồng Riềng, Giồng Dứa! Còn thấp thì gọi là Vũng như Vũng Liêm, Vũng Thơm chẳng hạn!

Cuối dòng sông, chín cửa đổ ra Biển Ðông mà mùa nước nổi thường là từ Tháng Chín âm lịch khi Biển Hồ bên Campuchia đầy, nước tràn ra, trôi về xuống hạ lưu qua sông Tiền, sông Hậu.

Nước nổi nhảy bờ, cứ tìm cái vùng trũng mà lấp cho đầy (như vùng Tứ giác Long Xuyên chẳng hạn). Ðầy nước và phù sa trong đó lắng xuống bồi đắp năm nầy qua năm nọ; đời nầy qua đời khác cả ngàn năm nên bây giờ quê mình mới có Ðồng bằng Sông Cửu Long. Mới hôm qua còn đồng không mông quạnh mà bữa nay nước dâng lên từ từ là thấy mênh mông luôn như biển.

Trời thương trên cánh đồng giờ mênh mông biển nước đó có một loại lúa của Trời cho mà bà con có nơi cũng gọi là lúa ma! Nước dâng tới đâu là chú vọt lên tới đó; vì cây lúa cũng như con người mà thôi. Bám vào đất nhưng phải ngoi lên mặt nước mà thở chớ!

Ðến lúc nước giựt thì thân cây lúa rạp mình trên đất; chờ bà con xách liềm, hái, cù nèo ra gặt, về giã gạo trăng thanh là có nồi cơm chiều! Hột cơm ngon ăn đứt mấy cái loại lúa Thần Nông sau nầy chừng vài cây số!

Thưa! Khi những về lục bình từ đồng đất Campuchia bị ngập, tróc rễ trôi về là mùa nước nổi đó bà con ơi! Nước đầy mặt sông, đầy kinh rạch thì tràn vô ruộng! Một là rửa phèn, hai là mang theo phù sa là một loại phân bón thiên nhiên của ông Trời ban tặng cho cánh đồng thêm màu mỡ. Ba là cùng với con nước đục ngầu đẫm phù sa, là các loại cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng! Miễn phí hổng tốn cắc nào nên khoái làm sao đâu. Dân mình đâu có nghe lời mấy thằng ngu mà đắp đê làm chi cho phí của Trời!

Mùa mưa trên thượng nguồn đã hết, nước sông ít thì mực nước đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh gọi là “nước giựt”.

Miệt Tân Châu Hồng Ngự nước giựt trong đồng giựt ra sông mà miệt hạ lưu Vĩnh Long Cần Thơ nước lại nổi. Ông Trời công bằng chia đều hết, không sót một ai.

Ðến lúc nước giựt từ trong các đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá lúc nhúc từng bầy, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch để ra sông lớn. Dân đặt lờ, đóng đáy bắt cá dọc theo các kinh rạch này. Cá nhiều tới mức phải giở lưới lên xả bớt; kẻo bị rách lưới.

Mùa nước nổi ngày một chút cứ lên tà tà chơi, rất hiền hoà khác hẳn với các mùa lũ lụt tàn phá dữ dội như ở miền Bắc hoặc miền Trung. Do đó nói miền Tây lũ là hổng trúng chút nào! Lũ khác lụt chớ! Lũ, nước lên cái ào; còn lụt nước lè phè ngày vài tấc! Năm nào mưa nhiều nước lắm thì lụt là cùng… Nghĩa là những căn nhà vùng trũng, nước lé đé dưới sàn ra phải chịu khó leo lên bộ ván ngựa mà ăn cơm vậy.

Cái khác với ngoài Trung ngoài Bắc là nhà miền Tây đa phần lợp lá; ít có cái lợp bằng tranh; vì dừa nước dọc theo kinh rạch nó vô thiên lủng! Nhưng mấy tay nhà thơ, nhà nhạc cứ mái tranh không hè! Chắc để dễ gieo vần, dễ hát nhưng mà trật lất!

Ðồng bào miền Tây mình bao đời nay, sống chan hòa với thiên nhiên như vậy hàng trăm năm rồi… mà có nghe ai khóc lóc than thở gì đâu?

Thưa vốn là dân ‘’vưỡn’’; nên tui chỉ biết mùa nước nổi về là bà con mình vui lắm. Có cá mà ăn; có phù sa cho ruộng. Dân nhậu thì càng khoái nữa! Rủ nhau vài đứa lên mấy rẻo đất cao, nơi rắn, chuột đang chùm nhum trên đó, mặc sức bắt về lột da khìa với nước dừa hay xào sả ớt ăn với cơm trắng.

Sau nầy đột nhiên tui nghe mấy cô ca sĩ khi mùa nước nổi quê tui về lại đấm mặt, đấm mũi, nước mắt chảy ròng ròng, than khóc như vầy mới lạ!

        Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ!
        Anh về quê em , khắp nơi như là biển khơi!
        Chập chờn máy tranh ngoi lên giữa ngọn triều dâng!
        những đàn gà con bơ vơ đứng nhìn trời xanh!
        Bao ngày trôi qua lũ cao dân thêm nữa rồi!
        Không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi!
        Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh căm!
        Xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này!
        Ôi ! Nước lũ dâng cao dâng cao dâng theo bao nỗi sầu đau!
        Ôi ! nước tràn bờ đê nước tràn bờ đê tang thương khắp một miền quê!
        Bên bờ đê cao mái tranh tạm che kiếp người!
        Ơi đồng bằng ơi , biết bao thân phận nổi trôi!
        Còn 1 trái tim ai ơi nhớ lại Miền Tây
        " Nhiễu điều " mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường.

Thì ra ông nhạc sĩ Tiến Luân Ba ke nầy là dân sanh đẻ ở Sài Gòn, cô ca sĩ Hương Lan cũng vậy… Nên đâu có biết mùa nước nổi là cái giống gì đâu! Ổng chỉ coi truyền hình rồi ổng khóc rồng lên. Ông nhạc sĩ nầy bày tỏ cái tưởng tượng như cái ‘tưởng voi’ của mình như vầy: “Bài hát ‘Quê em mùa nước lũ’ được viết từ gợi ý của ca sĩ Hương Lan. Qua truyền hình, tôi thấy ống kính quay cận cảnh một bà mẹ ngồi thu lu trong góc tối ôm xác đứa con ướt sũng, gương mặt mẹ thất thần dường như bà đã khóc con đến không còn nước mắt. Cảnh tan hoang điêu tàn, nước ngập mênh mông, đàn gà chạy táo tác…”

Bài hát được (ngu ngơ) phủ sóng trên khắp mọi miền quê hương đất nước, góp phần kêu gọi đồng bào cả nước hướng về… miền Trung ruột thịt mỗi khi mùa lũ tới (?!)

À há! Té ra ông viết Quê em mùa nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long nầy để hướng về lũ Miền Trung đó đa!

Thiệt là giành dốt hết ráo. Miền Tây từ thời tạo thiên lập địa tới giờ làm gì có lũ. Miền đồng bằng chỉ có lụt nước từ từ lên rồi từ từ rút xuống. Lũ là nước dâng lên cái ào lũ quét chỉ có ở ngoài Bắc ngoài Trung.
Thế mới hay nhà văn Sơn Nam khuyên một câu rất chí lý: ‘’Viết văn làm nhạc gì cũng phải biết Sử Ðịa nhe mấy cha! Kẻo trật bàn đạp!’’

Thưa theo ngu ý của tui là mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long tràn về là mình cười mình vui mới phải. Còn khóc, còn rên như bài hát nói trên là để dành cho khi quê mình khi không còn mùa nước nổi nữa mới đúng.

Mà đâu có lâu! Mấy năm nay Miền Tây không có mùa nước nổi. Úy Trời!

Nghĩa là ruộng không có phù sa và con cá linh sẽ trở thành đặc sản. Ðứa nào có tiền mới được quyền ăn, nghèo là chịu khó nhịn thèm đi nhe cưng! Ðó mới chính là thảm kịch. Mới đáng khóc ròng!

Mà tại ai gây ra để quê mình không có mùa nước nổi, để nước mặn Biển Ðông xâm thực, ngược dòng tới 80 cây số từ cửa biển! Tới chừng đó nước uống sợ còn không có… Chớ nói chi tới cá, tới tôm.

Thủ phạm là mấy đứa phá rừng là một. Mấy đứa làm đập thủy điện là hai!

Ðó là thằng Trung Cộng, xây hằng chục cái đập thủy điện khổng lồ trên đất Vân Nam. Rồi quân phiệt Thái Lan xúi Lào Cộng xây đập thủy điện trên dòng sông Mekong để bán điện cho nó, làm “Mùa nước nổi” ở đồng bằng sông Cửu Long thành cổ tích.

2. Mùa hạn

Còn mùa hạn năm nay, năm 2024 thiệt là khốc liệt. Dưới cái nắng đầu tháng 4 như đổ lửa, hàng ngàn người miền Tây quê tui phải dùng thùng, can nhựa trữ nước từ các xe bồn.

Huyện Tân Phú Đông tỉnh Tiền Giang có 44.000 dân đang thiếu nước ngọt. Không chỉ Tiền Giang, người dân khác ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng cũng đang cơn khát nước.

Mùa nước nổi không còn. Mùa hạn ngày càng thêm khốc liệt mới đúng là dân ta lắm nỗi đoạn trường.

Mùa hạn năm nay gợi nhớ gần nửa thế kỷ trước nhà thơ Tô Thuỳ Yên (1938-2019) đã viết những đoạn thơ đầy tính tiên tri về Mùa hạn của quê mình.

        "Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
        Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
        Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt,
        Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn.
        Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng.
        Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn.
        Dân làng lũ lượt kéo lên rú
        Lùng sục đào khoai củ đã khan.
        Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng,
        Thân gầy nhóm, tóc cháy, da cằn…
        Địu con, một dúm thịt nhăn nhúm,
        Ra ruộng khê tìm mót cái ăn.
Ông Tô Thuỳ Yên tự vấn:
        Còn ở đâu miền xanh bóng cây
        Còn ở đâu làn nước giếng khơi
        Để ta đến uống một hơi dài,
        Nước giếng quê nhà mát ngọt thay!

Tui cũng như ông Tô Thuỳ Yên để nhớ
        Quê ta đâu cũng là sông nước,
        Phơi phới triều lên bát ngát bờ,
Để hy vọng:
        Lòng ta nay vẫn lòng ta trước,
        Vẫn chảy về con nước thuở nào.

Nhưng sự thực đau đớn là chúng ta đã và đang vĩnh biệt mùa nước nổi. Quê nhà của tui vật vã mỗi lần mùa hạn tới.

Khóc lên đi quê hương yêu dấu!

Melbourne

Cà Mau Khô Hạn Cả Con Sông


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180