Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói gì với Bắc Kinh?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói gì với Bắc Kinh?
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sáng ngày 8/4

Nguồn BBC
Báo chí Việt Nam và Trung Quốc thuật lại phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các chi tiết khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng thứ Hai ngày 8/4 tại Bắc Kinh.
Buổi chiều cùng ngày, ông Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Đây cũng là cuộc gặp mặt đầu tiên của hai vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội vào tháng 12/2023, khi hai nước nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”.
Ông Vương Đình Huệ sang thăm Trung Quốc chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước vào ngày 21/3.
Diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa miễn nhiệm chủ tịch nước và bị đánh giá là “bất ổn chính trị”, chuyến đi của ông Huệ đang trở thành tâm điểm chú ý.
Ông Vương Đình Huệ đã nói gì?
Trong buổi đón tiếp ông Vương Đình Huệ, theo tường thuật của Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại việc ông cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập vào cuối năm 2023.
Tân Hoa Xã đưa tin người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc nói với ông Vương Đình Huệ rằng đất nước ông sẵn sàng tạo điều kiện cho sự phối hợp giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và chiến lược “Hai hành lang và Một vành đai kinh tế”.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Vương Đình Huệ đã bày tỏ sự tin tưởng rằng “Trung Quốc sẽ xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh theo đúng kế hoạch và có những đóng góp quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới”.
CCTV cho biết ông Huệ khẳng định “Việt Nam kiên quyết thực hiện chính sách ‘Một Trung Quốc’, tin rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và kiên quyết phản đối mọi hình thức của các hoạt động ly khai ‘Đài Loan độc lập’.”
CCTV còn dẫn lời ông Huệ rằng “vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng cũng là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì ổn định và thịnh vượng dài lâu”.
Trong khi đó, cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam chỉ thuật lại chỗ này bằng một câu ngắn gọn rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”.
Các trang báo chính thống tại Việt Nam cũng có nội dung đồng nhất như vậy, có thể hiểu là đã có một sự “quán triệt” về cách đưa tin.
Trước đó, khi đưa tin về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại tỉnh Quảng Tây vào hôm 4/4, tờ Hoàn Cầu Thời báo đã tường thuật rằng ông Sơn khẳng định Việt Nam tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”.
Tờ báo này còn cho biết thêm rằng ông Sơn đã nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng, đồng thời phản đối việc lợi dụng nhân quyền và dân chủ để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Báo chí chính thống của Việt Nam khi đưa tin cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và ông Bùi Thanh Sơn chỉ tường thuật ngắn gọn, không đề cập đến các vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng.
Liên quan đến Biển Đông, là vấn đề mà giữa Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều xung đột, tranh chấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước và xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển theo tinh thần kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn.
Trước đó, theo tường thuật của tờ Hoàn Cầu Thời báo, ông Vương Nghị trong cuộc gặp với ông Bùi Thanh Sơn vào hôm 4/4 đã kêu gọi phía Việt Nam quản lý đúng đắn những khác biệt, thúc đẩy hợp tác hàng hải và tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để giải quyết xung đột.
Đồng thời, ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo rằng Việt Nam phải cảnh giác để không tham gia vào các "bè phái" nhằm phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực.
Có thể thấy, lời ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Trung Quốc và Philippines đang dâng cao, đồng thời với việc Philippines không ngừng thúc đẩy hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và các bên khác nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Do đó, có thể hiểu là nhân chuyện Philippines, Trung Quốc muốn nhắn gửi thông điệp cảnh báo tới Việt Nam.
Lời cảnh báo này càng trở nên thẳng thừng hơn khi được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines vừa có thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr mới đây, cũng như Việt Nam đang tăng cường “giao thiệp” và hợp tác với các cường quốc khác về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Báo chí nhà nước Việt Nam khi đưa tin đã bỏ qua lời cảnh báo của ông Vương Nghị.
Đây không phải là lần đầu tiên cách truyền thông của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam có độ vênh rõ rệt về ngôn ngữ.
Hồi cuối năm ngoái, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, báo chí Việt Nam cho biết hai nước đã nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trong khi đó, bản tiếng Trung đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội lại dùng khá nhiều lần cụm từ “vận mệnh chung”.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023
Định hướng ‘6 hơn’
Báo chí Việt Nam và Trung Quốc đưa tin, trong chuyến thăm của ông Vương Đình Huệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc lãnh đạo cao nhất hai đảng, hai nước nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược mở ra giai đoạn hợp tác mới, rộng mở cho quan hệ song phương với 6 phương hướng lớn (Việt Nam gọi là “6 hơn”, Trung Quốc gọi là “Lục cá canh”): tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.
Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, ông Vương Đình Huệ còn đề nghị hai bên nâng tầm kết nối chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới cho hợp tác hai nước với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác thương mại, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giữa Việt Nam với những chiến lược phát triển lớn của Trung Quốc, kết nối đường sắt, đường bộ cao tốc, đường biển, đường không, thúc đẩy hợp tác tài chính, tiền tệ, chuyển đổi số.
Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế, ông Vương Đình Huệ đã trao đổi về các vấn đề hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, một số vấn đề hợp tác kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Ông Triệu Lạc Tế cho rằng hai bên cần tiếp tục lan tỏa những câu chuyện tích cực về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

----------

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025