‘Vở tuồng cung đình’ Việt Nam-Cuộc chiến ‘gió tanh mưa máu’

‘Vở tuồng cung đình’ Việt Nam -
Cuộc chiến ‘gió tanh mưa máu’
(Minh họa: Hasan Almasi/Unsplash)

Hiếu Chân

Cuộc tranh giành quyền lực trong cung đình Hà Nội đã gần ngã ngũ; các phe phái đã tạm thời thỏa hiệp ở cấp trung ương và tiếp tục cuộc giao đấu ở cấp tỉnh thành. Đáng buồn là trong cơn hỗn loạn chính trị vô tiền khoáng hậu này, gần 100 triệu dân Việt chỉ là khán giả bất đắc dĩ, hóng hớt và vui buồn theo những tin đồn thật giả bất phân. Họ không có tiếng nói nào, không có tác động nào dù nhỏ đến cục diện chính trị của đất nước. Một khi không còn tổ quốc thì thân phận con người thật buồn nản.

Cuối cùng thì ông Vương Đình Huệ – trụ thứ tư trong “tứ trụ” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam – đã bị đảng CSVN cho ra khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị, sắp tới sẽ bị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc Hội trong kỳ họp ngày 20 Tháng Năm sắp tới.

Tháng trước, “một trụ” là ông Võ Văn Thưởng, mới lên chức chủ tịch nước hơn một năm cũng bị đảng cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác từ ngày 20 Tháng Ba vì “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.”

Như vậy “tứ trụ” chỉ còn “hai trụ.” “Một trụ” là ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đau ốm triền miên chẳng biết đứt bóng lúc nào, và “một trụ” là ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, mang nhiều tai tiếng không biết còn trụ được bao lâu nữa.

Bộ Chính Trị đảng CSVN – tổ chức quyền lực nhất nước – bắt đầu nhiệm kỳ cách đây hơn hai năm (Tháng Giêng, 2021) với 18 ông bà “vua tập thể” nắm quyền sinh sát, nay đã có năm người (Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng và mới nhất là Vương Đình Huệ) bị đá ra ngoài. Con số 13 người còn lại trong Bộ Chính Trị, trùng với con số 13 của nhiệm kỳ, dường như báo hiệu giai đoạn lâm chung của đảng đã bắt đầu vì theo lý học Tây phương, số 13 là điềm báo rủi ro và những biến cố trọng đại.

Trên trang báo này, chúng tôi đã có nhiều bài phân tích cơn hỗn loạn ở thượng tầng chính trị Ba Đình hơn một năm qua và phản bác quan điểm của một số nhà quan sát chính trị quốc nội để hầu độc giả, xin phép không nhắc lại. Bây giờ khi cuộc đấu gần tàn, các đấu thủ rơi mặt nạ, lộ ra một lũ đầu trâu mặt ngựa, có người vẫn cố tiếc nuối.

Có phải đây là một tổn thất? Có phải nhân dân thật sự hoang mang? Chúng tôi không thấy như vậy. Có thể sự ra đi của những kẻ như Huệ, Thưởng và những tên khác là một tổn thất cho bè đảng của chúng, nhưng đối với đất nước, loại ra khỏi guồng máy cai trị những kẻ tham nhũng, đạo đức giả và tàn bạo không bao giờ là một tổn thất mà ngược lại. Khi người dân nhìn thấy tận mắt bộ mặt thật xấu xí của những kẻ nhân danh tổ quốc để “ăn không chừa thứ gì” thì sự mở mắt đó tự nó đã là một điều cần thiết trên con đường khai dân trí để dân chủ hóa đất nước.

Trên mạng xã hội, chúng tôi không thấy người dân hoang mang, chỉ thấy các tầng lớp dân chúng, từ trí thức đến người lao động bần hàn, thể hiện một nỗi tò mò thích thú trước những diễn biến của cuộc đấu đá chốn cung đình. Nhiều người đặt vè, vẽ tranh châm biếm, chế lời bài hát để chế giễu các nhân vật bị đá văng khỏi ghế, cũng là để thể hiện niềm vui có phần tội nghiệp của chính họ.

Nhà báo Kim Ngữ, đồng nghiệp của chúng tôi, trong bài viết “Thấy gì qua việc Vương Đình Huệ gãy ghế” đăng trên nhật báo Người Việt nhắn nhủ: “Nhân dân chúng ta hãy thư thả đừng đóng trang Facebook vội mà hãy chờ xem những cảnh tượng trên khán đài chính trị sẽ tiếp tục diễn ra không thua bất kỳ loại phim cung đấu nào của Trung Quốc thời hiện đại.”

Có người lập luận, các nhân vật chóp bu theo nhau gãy ghế chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng đã không chừa ai. Thật buồn cười. Cái “lò” chỉ là một thủ đoạn mị dân để che đậy cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng CSVN. Nhưng ở đây phù thủy đang bị âm binh hại.

Do không cao tay ấn như ông Tập Cận Bình “đả hổ diệt ruồi” bên Tàu, ông Trọng phải dựa vào “thanh kiếm” là đội ngũ công an ngưu đầu mã diện do viên tướng Tô Lâm chỉ huy và hậu quả là âm binh lấn lướt phù thủy, chém cả tay chân của ông để giành ghế, thậm chí đe dọa cả chiếc ngai vàng đã mục ruỗng của chính ông ta. Trọng bây giờ ngộ ra thì đã muộn nên trong suốt cuộc chiến gió tanh mưa máu ông ta không hề hé răng, không dám nói lời công đạo để bênh vực cho thủ túc của mình.

***

Nhưng bi đát nhất là người dân. Gần 100 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu đảng viên đảng CSVN, chỉ biết giương mắt nhìn tấn bi hài kịch đang diễn ra một cách bất lực. Người ta bàn tán sôi nổi trong các cuộc nhậu, các cữ cà phê xem ai lên ai xuống, ai biển thủ được bao nhiêu, ai sẽ được hạ cánh an toàn và ai sẽ mặc áo sọc đội Juventus (ý nói ở tù)… Điên lắm thì thốt ra vài tiếng chửi thề. Và chỉ vậy thôi.

Vài người lên mạng Facebook chia sẻ những tin tức nóng hổi hoặc đăng những lời bình luận bày tỏ niềm vui hay nỗi bất bình. Nhưng có điều, khi chia sẻ tin tức hoặc bình luận như vậy, gần như ai cũng phải giấu tung tích hoặc dùng những từ ngữ ẩn dụ như mật mã để tránh bị phiền nhiễu. Đồng nghiệp Kim Ngữ lưu ý: “Có một điều quan trọng nhất mà mọi nhân dân phải lo tới, đó là đừng hào hứng quá độ mà viết lời phê phán cái chế độ này, những gương tày liếp của hàng trăm người viết trên Facebook những điều có thật và họ bị lính ông Tô dẫn thẳng vào nhà giam không cần xét xử thì rõ, cảm thán hay cổ vũ, tức tối đều là những trọng tội.”

 Hai phụ nữ đi ngang qua tấm áp phích tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam ở trung tâm Hà Nội. 
(Hình: Andy Soloman/UCG/Universal Images Group via Getty Images)

Thật thảm hại. Ở một nước tự xưng là “dân chủ gấp vạn lần tư bản,” người dân chỉ có quyền cúi mặt làm lụng và đóng thuế nuôi một băng đảng côn đồ ăn trên ngồi trốc mà không có quyền yêu nước, không có quyền lên tiếng vì vận mệnh đất nước. Thực tế cuộc đấu đá giành chức giành quyền ở thượng tầng càng làm cho người dân cảm nhận một cách thấm thía thân phận của những kẻ lạc loài trên quê hương mình, những người bị tước mất tổ quốc, dù vẫn đang còn sống trên mảnh đất mà tổ tiên để lại.

Trong những vụ đảng thay ngựa giữa dòng vừa qua, người dân vẫn không thể biết các ông Minh, Đam, Phúc, Tuấn Anh, Thưởng, Huệ phạm tội gì, ở mức độ nào và vì sao họ không bị đưa ra tòa xử theo pháp luật.

Vụ cách chức ông Huệ hôm 26 Tháng Tư chẳng hạn, người ta biết rõ tội lỗi của ông này qua “tin đồn” và mạng xã hội, còn nhà nước chỉ thông báo vắn tắt: “Trung Ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ.” Thông cáo cho ông Huệ thôi chức thậm chí còn sao y thông báo cho ông Thưởng nghỉ việc tháng trước, đúng đến cả dấu chấm dấu phẩy, chỉ thay tên người bị đuổi việc. Thật là đảng CSVN chẳng coi dân ra gì, hành xử như một thế lực chiếm đóng, chẳng có luật lệ, chẳng có pháp quyền gì ở đây cả, chỉ có đảng quyền là trên hết!

***

Những ngày này cộng đồng người Việt ở các nước phát triển đang chuẩn bị kỷ niệm 49 năm ngày Sài Gòn sụp đổ trước cuộc xâm lược của miền Bắc. Tháng Tư Đen làm sống lại bao niềm uất hận, đau buồn. Nhưng xét cho cùng, không chỉ những người Việt tha hương mới bị mất tổ quốc, mới phải đau đáu nỗi niềm “nhớ nước đau lòng con quốc quốc” mà ngay cả người Việt ở trong nước – nếu không ở trong thiểu số quan chức, đảng viên – và nếu còn chút ưu tư về vận mệnh dân tộc thì cũng bị coi là một thứ công dân hạng hai, một loại “phó thường dân” không được phép bày tỏ chính kiến, không được nghe và nói sự thật, nói gì tới những chuyện cao xa hơn như tham gia quốc sự hoặc bỏ phiếu lựa chọn người đại diện cho mình trong guồng máy cai trị.

Khi không có tự do thì người ta cũng không còn tổ quốc. Hiểu như vậy để thông cảm cho nhau trong thời kỳ biến động dữ dội hiện nay.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025