Ngày Cuối Tháng 4

Ngày Cuối Tháng 4

Tưởng Năng Tiến
        Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng
        Đêm qua ai có bạc đầu không? (Tản Đà)

Bây giờ là cuối tháng Tư. Một tháng Tư ở Việt Nam (thường) là một ngày mưa. Một buổi chiều mưa, trời chuyển âm u thấp xám. Thời gian và không gian như ngưng đọng lại trong giây phút chuyển mùa. Rồi sấm chớp và kế tiếp là những giọt mưa nặng hạt, ào ạt, xối xả, phủ kín vạn vật.

Mưa gội sạch cây lá, tưới mát những bãi cỏ úa vàng, thấm ướt đất khô cằn cỗi. Nước mưa, nguồn sinh lực kỳ diệu đã làm vạn vật hồi sinh sau những ngày nắng cháy .

Rồi mưa tạnh, trời quang. Mặt trời lại hiện ra từ một nơi nào đó, rọi những tia vàng ấm khắp nơi. Đất bốc hơi thơm nồng ngai ngái. Cây cỏ sạch tươi dịu mát. Chim chóc ca hát trong trẻo líu lo …

Những buổi chiều mưa não nề diễm tuyệt như vậy rồi cũng mất hút trong đời.

Có những buổi chiều mưa đầu mùa bao nhiêu kẻ bỗng dưng bị bỏ rơi rồi rã ngũ. Hốt hoảng, căm hận, sợ hãi, người ta chạy tán loạn về thành phố. Những thành phố quê hương yêu dấu thoáng chốc mà ngùn ngụt khói lửa. Súng nổ râm ran ở khắp nơi. Dân chúng bồng bế dắt díu nhau để chạy.

Chạy đi đâu nữa? Có còn nơi nào an toàn để chạy khi mà chính mình cũng đành buông súng với sự ray rứt, xót xa, đớn đau, hoang mang, sợ hãi.

Rồi đến những buổi chiều mưa tháng Tư của những năm tháng kế tiếp. Có bao nhiêu kẻ nằm mê man chờ chết bởi những cơn sốt rét ở trại tù binh xa xôi, heo hút. Trong cái cảm giác rối loạn của một thần trí không còn tỉnh táo, người ta vẫn mơ hồ cảm nhận được cái tâm cảm não nề u uẩn vào những lúc chuyển trời u ám. Người ta vẫn cứ nghe tiếng sấm chớp ngang trời và vẫn cứ thầm mong đó là tiếng súng. Chao ôi ! Phải chi mà có những tiếng súng gầm thét vang trời vào những ngày tháng lao tù nghiệt ngã ấy thì dẫu có phải chết, chết ngay tức khắc, chắc chắn cũng có nhiều kẻ cam lòng.

Nhưng người ta đã không chết dù phải chịu đựng hàng trăm thứ đòn thù thâm độc, dù đã trải qua bao nhiêu là cơn sốt thập tử nhất sinh. Con người còn sống được không phải chỉ nhờ vào cái kháng lực mong manh của cơ thể mà còn là nhờ vào cái ý chí khao khát được sống, cái ước mơ có ngày được trở lại thành phố quê hương của mình để nhìn cảnh khói lửa, để nghe súng đạn nổ ròn. Và lần này thì do chính tay họ siết cò…

Cái giấc mơ đó chưa bao giờ đến. Nỗi ước vọng được nghe tiếng súng đại bác nổ vang giữa đêm tù cũng chưa hề xảy ra trong suốt thời gian người ta bị giam cầm. Vậy mà bao kẻ vẫn cứ mãi trông chờ, ngóng đợi!

Trong bao nhiêu đêm khuya, có người chợt thức giấc vì chợt nghe tiếng súng vọng lại từ một nơi xa xôi nào đó. Tiếng nổ mơ hồ, nhỏ bé phát ra từ một nòng súng cá nhân đến khi lọt vào thính giác của một tù binh bỗng bùng vỡ lên trong óc họ như tạc đạn.

Tim người ta liền đập hụt đi mấy nhịp, rồi sau đó là những nhịp dồn dập, rộn ràng. Mạch máu da thịt của những người tù căng ra. Mắt người ta mở lớn, trợn trừng trong bóng đêm. Tai vểnh lên như tai của loài thú rừng khi đang rình rập. Họ nằm nín thở, nghe ngóng, chờ đợi đặt hết niềm tin hy vọng vài tiếng súng vừa phát ra. Họ chờ đợi một tiếng nổ kế tiếp, rồi một tiếng nổ kế tiếp nữa. Sau đó là hàng loạt những tiếng nổ xé gió vang trời thì càng tốt.

Rồi họ tưởng tượng thêm, lẫn trong tiếng nổ đều đặn ấy là tiếng nổ ròn tan của những nòng súng cộng đồng. Chưa hết, bằng vào cái ảo giác của những kẻ đã bao năm trông chờ khao khát người ta như nhìn thấy được cả ánh hỏa châu soi sáng đêm tối bao la. Sau đó là bom đạn, phi pháo và nhà cửa, đồn bót cháy sáng một góc trời…


Đã bao nhiêu kẻ ước ao, nếu có phải chết xin cho họ được chết trong bối cảnh khói lửa bom đạn ngất trời như vậy. Không ai có thể đành tâm chết mỏi mòn, khắc khoải giữa những vòng rào thép gai tù ngục. Hận thù không phải là một tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, rửa hận là một điều cần thiết và công bằng.
Suốt những năm dài của đời sống tù binh khắc nghiệt bao người đã nhờ vào sự trông chờ hy vọng để giữ cho mình khỏi bị gục ngã. Niềm hy vọng thỉnh thoảng lóe lên khi họ chợt nghe được tiếng súng nổ; rồi tắt lịm dần trong những giây phút im lặng tàn nhẫn phũ phàng sau đó.

Vậy mà người ta vẫn cứ không thôi trông chờ, mong đợi. Đợi mãi cho đến một lúc, lẫn trong cái tâm trạng mong chờ mòn mỏi người ta bắt gặp trong tâm hồn mình có thêm một thứ tình cảm buồn phiền oán hận.

Người ta oán hận những kẻ đang sống ngoài vòng tù ngục. Chắc chắn họ có nhiều đồng ngũ đang sống lẩn quất bên ngoài, có nhiều đồng ngũ khác đang sống tự do ở những phương trời xa xăm nào đó. Rồi người ta cảm thấy chua chát khi biết mình đã bị bỏ quên cho chết dần mòn, khắc khoải trong vòng tay kẻ thù. Có phải rằng chính họ đã bặm môi, cắn chặt răng bắn đến viên đạn cuối cùng để cho cấp chỉ huy, để cho đồng đội có đủ thời gian “di tản!”.

Và rồi người ta quyết định … phải tìm cách đào thoát, không ít kẻ may mắn đã thoát thân.
o O o

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Tháng Tư ở một vùng đất thuộc miền ôn đới. Nơi đây bây giờ không phải là những ngày tháng bắt đầu cho mùa mưa. Ở đây bây giờ là mùa Xuân. Mùa xuân xứ người.

Một buổi sáng mùa Xuân ở một nơi an bình và phú túc. Đường phố nhộn nhịp người đi. Những bộ quần áo ngắn, mỏng, lạ mắt và đẹp mắt. Những cặp đùi thon. Những cánh tay trần, hồng, trắng, nõn nà. Những bộ ngực căng đầy nhựa sống. Có kẻ lái xe đi giữa phố phường, hòa nhập với giòng người, giòng đời, vui lây với niềm vui của những người dân bản xứ bao quanh. Mùa Xuân đến với vạn vật với mọi người, kể cả người tị nạn.

Bất chợt có một tiếng còi. Tiếng còi lanh lảnh ghê rợn xoáy vào thính giác. Người ta giật bắn người tắp ngay xe vào lề đường. Có một chiếc xe khác thắng gấp phía sau. Một khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ quay lại nguýt nhìn, lầu bầu chửi rủa. Người ta không quan tâm đến điều đó. Người ta chỉ muốn ngoái người lại nhìn xem chuyện gì đã xảy ra?

Không có gì cả. Tiếng còi chỉ do một người vừa thổi để chận đứng giòng xe đang xuôi ngược cho những đứa bé được an toàn băng qua đường đến trường học. Thế thôi! Thế là thở phào nhẹ nhõm, rút khăn lau mồ hôi trán.

Hoàn toàn chả có chuyện gì nghiêm trọng cả. Tiếng còi lanh lảnh ở đây không còn biểu tượng cho sự bắt bớ, khủng bố, giam cầm đày ải nữa. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Ở đây mọi-chuyện-đều-luôn-luôn-rất-bình-thường.

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một buổi chiều Xuân. Trời xanh cao, mây trắng nõn, nắng hanh vàng. Có kẻ đứng trước sân nhà, mải mê nhìn những con bướm trắng tung tăng trên thảm cỏ xanh, những con ong bầu bĩnh lượn vòng quanh những khóm hoa … và chợt người ta nghe tiếng súng.

Tiếng súng nổ gần. Người ta lại giật thót người. Ly rượu trên tay sóng sánh. Vài giọt tràn ra tay. Điếu thuốc đang hút dở dang tắt ngấm. Những con chim sâu nhỏ bé đang lẩn quẩn, an bình trên những cành mai hồng thắm vụt cánh bay. Người ta không thấy sợ hãi nhưng chợt cau mày với cái cảm giác bực dọc khó chịu. Không có thêm một tiếng súng nào tiếp theo đó. Không gian, khung cảnh trở lại an bình, yên tĩnh.

Chỉ có tâm hồn người là không an bình nữa. Mặt người ta chợt đỏ lên dù ly rượu trên tay chưa kịp uống. Người ta vừa trực nhận một cái cảm giác hổ thẹn. Tại sao lại bực dọc và khó chịu nhỉ? Có phải vì tiếng súng đã làm hỏng mất một buổi chiều Xuân êm đềm và thi vị không?

Vậy mà đã có lúc người ta thiết tha mong nhớ một tiếng súng. Một loạt những tiếng súng thì càng tốt ! Mới ngày nào tiếng súng nổ còn là dấu hiệu cho sự bạo động quật khởi, báo thù rửa hận. Bây giờ ở một nơi an bình, tiếng súng chỉ còn là biểu hiện cho sự bất an và lâm nguy !

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một đêm tháng Tư xứ lạ. Có kẻ buổi chiều quá chén, nửa đêm thức giấc không biết mình đang nằm ở đâu? Có tiếng máy sưởi tự động giảm nhiệt độ. Sự đàn hồi của kim loại phát ra những tiếng kêu tí tách. Trong cái cảm giác ngái ngủ người ta tưởng như mình đang nghe tiếng mưa rơi.

Tiếng mưa rơi trên mái tôn của một căn nhà trong một con hẻm lầy lội, hắt hiu vàng ánh điện câu. Đã bao đêm mưa người ta được bao che để sống chui nhủi dưới một mái nhà tôn như vậy. Đã bao đêm người ta thức giấc nằm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi, tiếng ú ớ của những đứa em thơ nói trong mơ, tiếng động lục đục của những người mẹ già tảo tần lo lắng cho gánh hàng rong bán vào sáng sớm, tiếng xe xích lô nổ ròn đầu xóm. Và đôi khi tiếng ru con ầu ơ buồn não ruột của một người đàn bà hàng xóm.

Chiếc máy sưởi nguội dần, những tiếng kêu tí tách của kim loại đàn hồi từ từ nhỏ lại. Người ta lại nghe như là tiếng mưa rơi trên những mái tranh. Những mái tranh trống lốc, gió thổi tứ bề của trại tù Suối Máu, Cà Tum. Những mái nhà tranh của trại Minh Rồng, Đại Bình, Đại Lộc… người ta đã thức giấc bao nhiêu lần ở những trại tù heo hút đó để nghe tiếng mưa rơi, để chờ mong một tiếng súng vọng về từ rừng thẳm.

Đêm nay ở phương trời xa xăm cũ biết trời có mưa không?

Đêm nay trong vòng rào tù ngục có bao nhiêu kẻ (chợt) thức giấc giữa đêm trường nằm mong chờ khắc khoải trong đói lạnh một tiếng súng mơ hồ?

Và đêm nay – ở chốn xa xôi, an bình này – ai có bạc đầu không?
(Tháng Tư 1984 TNT)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025