Công an của nhân dân hay ác quỷ của nhân dân
Công an của nhân dân hay ác quỷ của nhân dân
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Điều 3 Luật Công an nhân dân 2018 nêu rõ:
“Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.”
Thêm vào đó CSVN cũng đã ký kết ngày 07 tháng 11 năm 2013 và phê chuẩn ngày 5 tháng 2 năm 2015 “Công Ước Liên Hiệp Quốc Chống lại Tra Tấn, Cư Xử và những hình phạt tàn ác, phi nhân hoặc làm tổn hại nhân phẩm”.
Như thế tại sao số nạn nhân Việt Nam chết trong các đồn công an lên đến hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân?
Gần đây nhất, theo tường thuật của Đài Á Châu Tự Do, là trường hợp anh Vũ Minh Đức 31 tuổi lại bị tử vong sau khi làm việc với công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, không lâu sau đó với nhiều vết bầm trên cơ thể và có dấu hiệu bị tra tấn. Được biết anh Đức bị công an triệu tập để làm việc về một vụ “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã An Phước vào đầu tháng 10 năm 2023.
Vấn đề các nhân viên công lực bạo hành người dân vẫn xảy ra tại các quốc gia dân chủ trên thế giới, không chỉ riêng tại một quốc gia độc tài công an trị như tại Việt Nam. Sự khác biệt quan trọng nằm tại 3 trọng điểm như sau:
Thứ nhất là nhịp độ tại các quốc gia dân chủ pháp trị như Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi thì chậm hơn và hiếm hoi hơn Việt Nam rất nhiều. Tại Việt Nam thì công dân vô tội chết trong đồn công an nhiều không đếm xuể.
Thứ nhì là tại các quốc gia dân chủ, có báo chí và truyền thông tư nhân, độc lập và có các sắc luật về “Quyền tự do tiếp cận thông tin” của công dân, nên nội vụ các vụ việc hầu như hoàn toàn được bạch hóa cho quần chúng.
Thứ ba và rất quan trọng là những nạn nhân hay gia đình của họ được bồi thường xứng đáng bởi các cơ quan cảnh sát vi phạm và sai trái. Cá nhân cảnh sát phải chịu tội trước một tòa án công minh và hoàn toàn độc lập với hành pháp.
Riêng ở điểm thứ ba này, tại Hoa Kỳ, chúng ta nhớ tới trường hợp của người đàn ông da đen George Floyd 46 tuổi bị cảnh sát Derek Chauvin 44 tuổi, dùng đầu gối đè chết ngày 25 tháng 5, năm 2020 tại Thành Phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota.
Kết quả là gia đình George Floyd được thành phố Minneapolis bồi thường $27 triệu Mỹ Kim và Derek Chauvin bị tòa kết án 22 năm rưỡi tù giam vì tội Ngộ Sát.
Chúng ta thử tưởng tượng các trường hợp chết trong đồn công an như tại Việt Nam, nếu xảy ra tại Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi, tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân sẽ là bao nhiêu và hình phạt cho công an liên hệ sẽ như thế nào. Hầu như chắc chắn Bộ Công An của Tô Lâm sẽ bị dẹp bỏ vì ngân sách kiệt quệ.
Câu hỏi chúng ta phải nêu ra là:
Tại sao cả luật pháp Việt Nam và cả những công ước quốc tế về nhân quyền, dân quyền và công ước chống tra tấn mà CSVN ký kết đều theo nguyên tắc “Công an phải phục vụ cho nhân dân” mà công an CSVN, trên thực tế, lại là những hung thần ác sát của nhân dân như thế?
Lý do nằm nơi xuất xứ ý thức hệ của CSVN.
Trước khi trở thành đồ đệ của Mao Trạch Đông, thì Hồ Chí Minh là đồ đệ của Lê Nin, Stalin và CS Liên Xô.
Ông Hồ sáng lập và xây dựng đảng CSVN trên mô hình LX, không phải mô hình CSTQ.
Cũng như CSLX, chỉ có 2 thực thể CSVN sợ hãi nhất đó là:
1. Sức mạnh vạn năng của nhân dân khi vùng dậy. Đảng ý thức rằng, một khi nhân dân vùng dậy thì công an trở nên vô dụng, chỉ có thể trốn chui trốn nhủi. Chỉ có quân đội mới có khả năng đàn áp nhân dân.
2. Tuy nhiên nghịch luận nguy hiểm là: Nếu quân đội đứng về phía nhân dân, thì đảng chắc chắn diệt vong.
Lê Nin và Hitler chính là 2 thiên tài chính trị của thế kỷ 20. Đó là họ đã tiên phong trong sáng kiến sự dụng quân đội để khống chế những lực lượng võ trang đối thủ và chính nhân dân, nhưng sử dụng công an để khống chế quân đội và các tướng lãnh có tham vọng.
Hồ Chí Minh đã được các trường đảng thuộc Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế huấn luyện rất kỹ về sách lược này.
Dĩ nhiên, khi Lê Nin, Stalin và Hồ Chí Minh nghĩ đến sách lược này, họ chủ quan rằng, sách lược này sẽ giúp cho đảng nắm vững không những quân đội, công an mà cả toàn bộ xã hội dân sự hầu “muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ”.
Tuy nhiên sự thật có thể không như họ tưởng tượng.
Trong thể kỷ 21, trong khi tiến trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” tàn phá hàng ngũ đảng dưới sự lãnh đạo của hậu duệ là TBT Nguyễn Phú Trọng, thì quyền lực của công an dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm và phe nhóm lại bao trùm không những nhân dân, xã hội dân sự mà bao trùm luôn cả toàn đảng.
Bề ngoài thì có vẻ như Tô Lâm và Công an thi hành lệnh của đảng khi truy tố những thành phần tham nhũng trong chiến dịch “Đốt Lò” của Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên trong thực chất, Tô Lâm đã đủ thực lực để qua mặt điều lệ đảng bắt giam bà Hoàng Thị Thúy Lan, ủy viên trung ương, bí thư thành ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, 10 ngày trước khi Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của ông chủ nhiệm Trần Cẩm Tú quyết định.
Vụ án này còn kéo theo nhiều nhân vật đàn em thuộc phe cánh Cựu Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng, một đối thủ Tô Lâm quyết hạ bệ trong cuộc tương tranh quyền lực.
Nguyên tắc “Tập trung dân chủ” trong điều lệ đảng lẫn trong điều 8 Hiến Pháp 2013 quy định rằng, như một đảng viên thì Tô Lâm phải thông qua Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương vì ủy ban này phản ảnh ý chí của Ban Chấp Hành Trung Ương và Bộ Chính Trị. Như là một bộ trưởng thành viên của hành pháp Tô Lâm phải chờ quyết định của thủ tướng và chủ tịch quốc hội nếu liên hệ đến CTN Võ Văn Thưởng.
Tuy nhiên quyền lực của công an và Tô Lâm hiện nay bao trùm đến mức độ họ không còn coi đảng ra gì vì không những họ đã trở thành hung thần ác sát của nhân dân mà còn là ông kẹ đầy quyền năng hăm dọa cả đảng CSVN nữa.
Nhận xét
Đăng nhận xét