Miền Tây thiếu bệnh viện và bác sĩ nhi khoa

Miền Tây thiếu bệnh viện và bác sĩ nhi khoa

 

Dân Trần

(VNTB) – Cả miền Tây Nam bộ với 13 tỉnh thành chỉ có một bệnh viện nhi ở Cần Thơ.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, hiện nay toàn miền Tây chỉ có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa nhi. Miền Tây có 13 tỉnh thành với 18 triệu dân, trong đó có khoảng 4,5 triệu trẻ em. Nhưng cả vùng chỉ có Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cùng 6 bệnh viện sản – nhi và một số khoa nhi ở bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện. (1)

Trong khi đó, những ngày qua thời tiết nóng bức, nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm thay đổi thất thường khiến số trẻ em bị bệnh tăng cao. Nhiều nơi bệnh viện ở miền Tây bị quá tải. Điển hình ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.600 – 1.900 lượt bệnh nhân đến khám. Còn tại Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi đến điều trị bệnh viêm đường hô hấp, hơn 300 em bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp và đặc biệt có 6 trẻ bị viêm màng não, viêm não. (2)

Có thể thấy vấn đề y tế đang vô cùng cấp bách với người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long. 13 tỉnh mà chỉ có 7 bệnh viện sản – nhi. 4,5 triệu trẻ em mà có 1000 bác sĩ chuyên khoa nhi. Tỷ lệ 45 ngàn trẻ mới có một bác sĩ. Quá nhiều bất cập xảy ra.

Với địa bàn rộng lớn, sông nước chằng chịt, việc đi lại đến các cơ sở y tế gần nhất cũng trở nên khó khăn và tốn kém đối với nhiều gia đình. Thu nhập của cha mẹ thì không ổn định, đã vậy năm nào cũng dính hạn mặn, thiếu nước,  thì làm sao trẻ em con trẻ có thể phát triển khoẻ mạnh, không bệnh tật. Ở độ tuổi định hình cơ thể và sức khỏe lâu dài cho cả cuộc đời, nhưng các điều kiện dinh dưỡng, y tế lại ở mức tệ nhất, thì nòi giống dân tộc sau này sẽ ra sao? 

Thay vì xây thêm bệnh viện và trường học, nhà nước lại tập trung xây tượng đài, chùa chiền để kinh doanh tâm linh. Đi về miền tây, hầu như mỗi xã phường đều có vài ba ngôi chùa, nhưng cả một huyện lại không có một cái bệnh viện đàng hoàng. Ở một bệnh viện cấp huyện, chỉ cần nhìn qua nhà vệ sinh là có thể đánh giá được cơ sở vật chất, sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ nơi đó. Nhà vệ sinh là nơi có nhiều vi khuẩn nhất, dễ lây truyền bệnh tật nhất, và có vẻ là nỗi ám ảnh nhất của mỗi người bệnh lẫn người nuôi bệnh.

Đó là chưa kể những yếu tố như căn tin, giường bệnh, thuốc men… cũng không đủ chất lượng, đủ tiêu chuẩn. Hầu như khi con trẻ có bệnh là cha mẹ đưa con vượt tuyến thẳng lên tỉnh, hoặc các bệnh viện lớn ở Cần Thơ, Sài Gòn, chứ không dám vào bệnh viện ở địa phương. Việc này lại làm cho các bệnh viện tuyến trên quá tải, đi lại tốn kém, tốn thời gian của cha mẹ. Nhưng nếu vô bệnh viện địa phương, thì cha mẹ lại không an tâm. Vô đó có khi lại càng nguy hiểm hơn vì thiếu thốn đủ đường, từ thuốc men, tới cơ sở vật chất chưa kể trình độ chuyên môn của y bác sĩ còn hạn chế.

Năm ngoái, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi từng nói về tình hình thiếu nhân lực trong ngành y tế do các chính sách bất cập. Tại phiên họp quốc hội ngày 29/05/2023, bà Nhi nói: “Nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp, 10-15 năm nữa, trạm y tế cơ sở sẽ không còn bác sĩ. Sinh viên trường y phải học 6 năm, đầu vào điểm rất cao, học phí cũng rất cao, trên dưới 200 triệu/năm, nhưng khi ra trường đi làm chỉ nhận được mức lương trên dưới 5 triệu đồng/tháng, rất khó sống”. (3)

Tức là Nhà nước Việt Nam thừa biết vấn đề bất cập trong chính sách tiền lương và học phí ngành y,  nhưng họ không sửa đổi. Trái lại học phí ngành y ngày càng tăng phi mã, trái ngược với mức lương tăng nhỏ giọt của nhân viên y tế. Nhắc tới cơ sở vật chất thì lại nhà nước than “ngân sách như một dòng sông đã cạn”. Ngân sách thì thiếu, nhưng nhà chùa, tượng đài mọc lên khắp nơi. Có lẽ vì tiền cúng chùa dễ thu hơn tiền bệnh viện.

Sức khỏe của người dân là yếu tố quan trọng trong sản xuất và phát triển kinh tế bền vững. Khi không có sự hỗ trợ y tế đầy đủ, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc tham gia vào hoạt động sản xuất và gặp trở ngại trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Tương lai đất nước phụ thuộc và sự phát triển thể chất của trẻ em trong hiện tại. Nếu không chăm lo cho sức khoẻ toàn dân hiện tại, tương lai còi cọc của người dân chỉ có thể còn biết trông chờ vào tâm linh.

Dân Trần
__________________
Tham khảo:

(2) https://tuoitre.vn/troi-nang-nong-tre-em-mien-tay-vao-vien-nhieu-hon-20240323155448743.htm

(3) https://laodong.vn/y-te/hoc-phi-truong-y-200-trieunam-nhung-ra-truong-muc-luong-chi-5-trieu-dong-1198123.ldo

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180