Lập đàn cầu mưa: Âm mưu lừa đảo trục lợi ngân sách
Lập đàn cầu mưa: Âm mưu lừa đảo trục lợi ngân sách
(VNTB) – Trong khi học sinh lớp 8 sáng tạo ra máy lọc nước cho người dân. Tiến sĩ lập đàn cầu mưa…
Bằng tiến sĩ “chưa kiểm chứng”
Một tiến sĩ tại Việt Nam đang gây xôn xao dư luận khi có văn bản giới thiệu người có thể hô mưa gọi gió, giúp người dân thoát cảnh “mất nước”. Cụ thể, trong văn bản gửi Chi cục Thuỷ lợi, ông Nguyễn Hoàng Điệp nhận mình là tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Đồng thời ông Điệp cũng cho biết đang giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người. (1)
Tiến sĩ phải có những nghiên cứu khoa học thực tiễn, có đóng góp vào chuyên ngành qua những phát hiện, nghiên cứu, diễn giải mới… Trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, phải có một vài bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế để các nhà khoa học trên thế giới thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu, và dĩ nhiên, phải chứng minh được những lập luận của mình là đúng.
Tự nhận mình là tiến sĩ, giảng viên đại học, giám đốc trung tâm, phó viện trưởng, ông Nguyễn Hoàng Điệp phải thừa hiểu khi đề xuất vấn đề gì thì bắt buộc phải có thể kiểm chứng được thông tin. Nhưng trong văn bản, tiến sỹ Điệp giới thiệu ông Lê Minh Hoàng là “người có khả năng cầu mưa hiệu quả, nhưng chưa kiểm chứng” thì rõ ràng cái bằng tiến sĩ của ông Điệp có vấn đề.
Hoặc tiến sĩ Điệp đang có ý đồ đồng loã với ông Hoàng để lừa đảo chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Bởi vì nếu thật sự “xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán, thất bát mùa màng của người dân” như trong văn bản, thì tại sao ông Điệp và ông Hoàng không tự lập đàn cầu mưa?
Nếu đủ khả năng hô mưa gọi gió, nhưng sợ mình lập đàn mà dân không biết ơn, biết danh tiếng, thì có thể livestream trên mạng xã hội. Gọi mưa xong thì chốt lịch khi nào mưa để người dân xác nhận. Làm được đúng ngày, có mưa thật thì tự khắc tiếng tăm sẽ vang dội, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới biết tới. Những ông hoàng ở Ả Rập sẽ qua tận nơi mời về làm mưa cho sa mạc, lúc đó không chỉ là tiếng tăm, mà ông tiến sĩ còn tha hồ thụ hưởng tiền tài vật chất.
Đã vậy, khi được báo chí phỏng vấn về khả năng cầu mưa, ông Lê Minh Hoàng lại trả lời nước đôi rằng mưa nhanh hay chậm là do khát khao của người dân (2). Như vậy, giả sử được chi ngân sách để lập đàn cầu mưa, thì nếu cầu mưa được thì là nhờ công của ông Hoàng, còn cầu không được thì do lỗi cho dân không có khát khao đủ hay sao?
Hàng chục ngàn giáo sư tiến sĩ nhưng sáng tạo còn thua học sinh lớp 8
Không chỉ là dấu hiệu trục lợi, mà chuyện lập đàn cầu mưa “hiệu quả nhưng chưa kiểm chứng” còn cho thấy một thực trạng buồn của nền giáo dục Việt Nam. Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam Hội đồng giáo sư Nhà nước đã công nhận 15.004 giáo sư, phó giáo sư. Trước đó, từ năm 2014, Việt Nam đã có 24.000 tiến sĩ, cứ mỗi năm tăng khoảng 1.500 tiến sĩ, vậy thì đến nay, đã có hơn 40.000 tiến sĩ. (3)
Nhưng theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả hệ thống giáo dục đại học mới chỉ sở hữu khoảng gần 200 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích trong nước và vài chục bằng sáng chế quốc tế. Như vậy, có thể thấy rằng các giáo sư, tiến sĩ hiện nay làm nghiên cứu khoa học nhưng không có sáng chế. Tức là những công trình nghiên cứu của tiến sĩ Việt Nam không thể áp dụng trên thực tế để rồi do bất lực trước thực tế nên chỉ có thể vẫn bày trò lập đàn cầu mưa hô phong hoán vũ kiểu “hiệu quả nhưng chưa kiểm chứng”.
Trong khi đó, nhân tài Việt Nam không thiếu. Sáng tạo thực tiễn từ người dân rất nhiều nhưng lại không thể triển khai trên diện rộng, không được đầu tư đúng mức. Ngay cả các em học sinh lớp 8 cũng đã có thể chế tạo thành công máy lọc nước cho người dân từ 10 năm trước.
Năm 2014, hai em học sinh cấp 2 trường làng là Nguyễn Hoàng Phi Long (lớp 8/1) và Hồ Văn Anh Kim (lớp 9/1) trường THCS Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã chế tạo mô hình “Lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời”. Đề tài thiết thực này đã đạt giải 3 trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật dành cho thanh – thiếu niên và nhi đồng Thừa Thiên Huế lần thứ VII – năm 2014. (4)
Năm 2016, hai nữ sinh Nguyễn Thị Thu Ngân và Nguyễn Thị Yến Linh (lớp 8A3, Trường THCS Thuận Hưng, Hậu Giang) cũng đã sáng tạo ra thiết bị lọc nước bằng năng lượng mặt trời giúp ích cho cuộc sống. Các em chỉ cần những dụng cụ đơn giản trị giá chưa tới 200.000 đồng, nhưng có thể làm ra thiết bị lọc ra khoảng 6 lít nước ngọt/ngày. Hệ thống lọc của Thu Ngân và Yến Linh với khả năng ứng dụng vào thực tiễn ở từng hộ gia đình đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo xanh tỉnh Hậu Giang năm 2016 .
Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm ngập mặn cần những giải pháp vĩ mô, bền vững, lâu dài. Các em học sinh có thể tạo ra máy lọc nước để giải quyết vấn đề cấp bách cho người dân. Nhưng các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ cần phải nghiên cứu ra những phương án thiết thực, giải quyết vấn đề một cách triệt để. Một cơn mưa bất chợt không giải quyết được cả mùa hạn dài. Đằng này, lại là lập đàn cầu may…
Chánh Thành
______________
Tham khảo:
Nhận xét
Đăng nhận xét