TRÁO TRỞ

 TRÁO TRỞ

B$ Trần Sĩ Tuấn, 'Thầy thuốc Nhân dân', Tổng Biên tập báo Sức khỏe & Đời sống,
Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Nguồn: NB&CL
Bs Võ Xuân Sơn

LTS: Xin gửi đến bạn đọc 2 bài viết trích từ Facebook của Bs. Võ Xuân Sơn , hiện đang làm việc tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON tại Thành Hồ . Thành thật cám ơn Bs. Võ Xuân Sơn.

Nếu TP.HCM mà không có lực lượng quân đội giúp sức, không giãn cách triệt để hơn, không có 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế với những trang thiết bị máy móc tối tân nhất của cả nước chi viện thì tôi đảm bảo trên 1/3 dân số bị lây nhiễm và gần nửa triệu người tử vong rồi”.
Trên đây là phát biểu của một người, có vai vế trong ngành y nhà nước, có vai vế trong bộ máy truyền thông nhà nước. Thì ra người dân TPHCM phải cám ơn nhà nước này đã cứu vớt họ, và phải câm mồm lại khi phê phán việc xét nghiệm vô tội vạ của họ. Xin cho phép tôi nói một tiếng Đan Mạch nó.
TPHCM bị rơi vào khủng hoảng chính là do sự yếu kém và chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền này. Tất cả những khủng hoảng đó đã được cảnh báo, nhưng chính quyền cứ nhắm mắt làm ngơ. Và khi khủng hoảng xảy ra, lại còn bao biện, rằng nếu không làm như vậy, nếu nghe theo những ý kiến đề nghị, thì bây giờ tình hình còn tệ hơn.
Đó là ngụy biện. Bằng chứng là bây giờ, chính quyền bắt buộc phải thừa nhận việc sống chung với con virus Vũ Hán. Bằng chứng là chính quyền đã quá yếu kém, xử lí dịch quá tệ hại, để đất nước này được xếp hạng bét trong bảng xếp hạng của Nikkei. Bằng chứng là số lượng và tỉ lệ tử vong của TPHCM đã thuộc hàng đứng đầu thế giới.

Bs Võ Xuân Sơn: Nhờ các bạn nhìn xem, thực sự thì tấm hình này có sức sống hay không? Hay chỉ là tâm trạng cá nhân của tôi thôi? 

Để xảy ra thảm cảnh đó, là trách nhiệm của chính quyền này. Chính quyền đã phong tỏa, đã xét nghiệm, đã bóc tách F0, và đã làm đủ trò khác. Chính quyền đã lấy 82% thu nhập của TPHCM, khi dịch xảy ra, đã từ chối cấp tiền cứu trợ cho dân nghèo TPHCM, những người trực tiếp làm ra tiền cho họ thu 82%.
Chính quyền cũng đã phá sập thành công hệ thống y tế của TPHCM, bằng các qui định cách li tàn bạo, kể cả với ngành y tế, bằng việc không cung cấp các trang thiết bị tối tân. Để rồi kể công đã đưa lực lượng quân đội giúp sức, đưa 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế với những trang thiết bị máy móc tối tân nhất, nếu không thì sẽ có nửa triệu dân Sài gòn chết.
Bưng bô thì cứ bưng, húp bô thì cứ húp. Nhưng đừng thở ra những lời kể công với dân Sài gòn. Đừng đổi trắng thay đen. Đừng biến tội thành công.

----------

DŨNG VÀ HÈN


Không biết tự bao giờ, người ta truyền tụng nhau câu vè “Đấu tranh thì tránh đâu” như một câu thần chú, giải thích cho sự chấp nhận những nghịch lí của cuộc sống.
Đọc Đèn Cù, tôi cứ suy nghĩ mãi về những nhân vật như Thân Mỡ, Thướng, những người đã tự tử trong đợt chỉnh huấn, chết rồi nhưng vẫn còn bị mang ra kiểm điểm, phê phán. Rồi Nguyễn Tư Nghiêm, người nhất định không chấp nhận căm thù mẹ đẻ ra mình, để rồi sau này phải trốn khỏi đội cải cách ruộng đất, và trở nên điên dại.
Một câu chuyện khác trong Đèn Cù cũng làm cho tôi suy nghĩ. Đó là chuyện Tô Hoài nhào xuống đường, đấm hụt tù binh Mỹ, và giải thích là phải thể hiện lòng căm thù cho người khác nhìn thấy. Không biết có phải do có tính cách như vậy mà sau này Tô Hoài có thể tồn tại và cho ra “Ba người khác”, khắc họa một giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc.
Ngay cả tác giả Trần Đĩnh. Ông đã vượt qua được cuộc chỉnh huấn, cũng đã từng tham gia đội cải cách, tham gia xét và xử địa chủ… và tồn tại mãi đến sau này để bây giờ viết ra được một cuốn sách gây xôn xao dư luận với những thông tin “động trời” mang tầm vóc quốc tế. Câu chuyện về Tô Hoài liệu có phải là cách lí giải cho khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn của chính ông?
Những câu chuyện, những chi tiết trong Đèn Cù không biết chính xác tới đâu, không biết được viết ra với dụng ý gì, nhưng những câu chuyện như vậy có vẻ rất gần gũi với tôi, với những gì tôi đã trải qua. Có những lúc tôi thật sự cô đơn, lầm lũi giữa một tập thể anh em mới ngày nào gắn bó với nhau, chỉ vì sếp tỏ vẻ căm ghét tôi. Ngược lại, có lúc tôi lại phải đặt dấu hỏi to tướng trước sự vồ vập của một số người.
Tôi chưa bao giờ là Đảng viên, chưa bao giờ biết khi họp Đảng thì người ta đấu tranh với nhau như thế nào, có gay gắt như hồi xưa họ họp Đoàn đòi khai trừ tôi ra khỏi Đoàn hay không? Nhưng thực tình thì kể từ cái năm 18 tuổi đó, sau những buổi họp mà cả chi đoàn cùng đứng ra chống lại sự áp đặt vô lí và điên cuồng của Đoàn cấp trên, rất ít khi tôi được thấy ai đó dám mạnh dạn đứng ra bênh vực lẽ phải.
Đã có lúc tôi phải thốt lên: “Cứ thế này riết rồi mình thành thằng hèn, thấy sai không dám chống, thấy đúng không dám ủng hộ”. Nhưng lại một tiếng nói khác: “Đấu tranh thì tránh đâu?” vang lên. Cái dũng trong tôi cứ thập thò, thập thò… Thò ra thì sợ, mà thụt vào thì lại thấy nhục, thấy hèn. Cứ thế mà lay lắt, lay lắt…

Nhận xét

Bài được quan tâm