Văn thơ mọc lên từ đất đá.
Văn thơ mọc lên từ đất đá.
Chuyện vãn với
nhà báo, nhà văn Vương Trùng Dương
Triều Hoa Đại
(Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Triều Hoa Đại & tôi đã đăng tải trên tạp chí Ngôn Ngữ số 14, tháng 7 năm 2021. Trong thời gian qua vì xảy ra vài biến động chính trị và dịch bệnh không vui nên tạm ngưng phổ biến bài viết về văn nghệ. Từ trước đến nay, trong công việc, tôi có dịp phỏng vấn, trò chuyện rất nhiều với bạn văn… Với bản thân, đây là lần thứ ba phải “đáp lễ” bạn ta trong ngày tháng cuối đời (Lần đầu của Du Tử Lê & Bạn Hữu trên SBTN với Lâm Tường Dũ & tôi. Với Uyên Vũ của Saigon Nhỏ). Nay cũng là thời điểm 31 năm trước, tôi được định cư tại Hoa Kỳ - VTrD).
<0><0><0>
Dưới đây là câu chuyện vãn giữa nhà báo, nhà văn Vương Trùng Dương và chúng tôi, hy vọng với những gì mà ông đã trải qua trong suốt chặng đường dài “lam lũ” cùng chữ nghĩa, người mà chúng tôi phải gọi là sống đã lâu và sống thật bền, dai dẳng cùng chữ nghĩa hy vọng sẽ giúp soi sáng lâu nay những gì chìm khuất bây giờ sẽ được khai quật.
Vậy thì, trước tiên xin cám ơn ông đã
nhận lời để cùng chúng tôi có buổi trò chuyện này và cũng xin mời quý bạn đọc
theo dõi và góp chuyện cho vui – Triều Hoa Đại.
Triều Hoa Đại (THĐ): Ông nghĩ có nên giới thiệu chút ít về mình với độc giả đang theo dõi cuộc trò chuyện này?
Vương Trùng Dương (VTrD): Chào nhà thơ từ Bắc lạc vào sông Hàn, bỏ “Con Phố Ðiêu Tàn” nay “Lên Rừng Đếm Lá”… Một trong những nhà văn, nhà thơ của quê hương xứ Quảng, tôi ngưỡng mộ có Bùi Giáng. Trước năm 1975 ở Sài Gòn, nhiều nhà văn đã hỏi về “tiểu sử” của ông và ông cho đó là “chuyện rong chơi” vì cuộc đời ông đã ẩn chứa qua thơ. Với tôi, trong vài bài viết trước đây đã đề cập bàng bạc về nơi chốn, thời binh nghiệp trong nước và ba thập niên làm báo ở hải ngoại. Không muốn và không thể liệt kê hết trong các sinh hoạt văn học nghệ thuật đã tham gia và những tờ báo đã đảm trách. Với tôi, mỗi thời điểm gắn bó với nghề và nghiệp trong công việc như từng đợt sóng vỗ ập vào bờ, trắng xóa, tung tóe rất đẹp rồi tan biến, rồi “Dã tràng ngoài biển... cát. Hồn mộng vẫn se... hoài” như lời trong ca khúc Cát Biển của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, quê tôi. Trước năm 1975 có hai bút hiệu, khi sang Mỹ, ngoài bút hiệu Vương Trùng Dương, tôi vẫn ký VTrD trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa vì vấn đề tế nhị và không muốn xuất hiện nhiều tên mình trên tờ báo. Từ năm 1991 đến năm 2016 viết phiếm kiểu “mì ăn liền” qua nhiều bút hiệu khác nhau cho mỗi tờ báo. Sau nầy chỉ viết lai rai.
THĐ: Với ông, viết lách như trong ca dao “Dã tràng xe cát biển Đông. Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”?
VTrD:
Vâng, trước năm 1975, lúc bận bịu với đèn sách rồi đời lính với thú vui viết
lách khi cảm hứng và rảnh rỗi. Năm 1990, định cư tại Mỹ (diện H.O) với ước mơ
của thuở còn đi học, khi còn sống trong nước… nhưng thực tế trong cuộc sống
nơi xứ người không cho phép. Tôi đã chia sẻ trong bài viết “Viết văn, viết báo
(nếu có) “tiếng” nhưng không có “miếng”. Sống nhờ layout có “miếng” để hỗ trợ
có “tiếng”. Có khi cả hai đều bù trớt nhưng có cái “tình” với nhau…”. Tôi
mua sách xử dụng các software rồi mày mò trên computer, nghề dạy nghề… từ đó
đảm nhận layout sách, đặc san, các tờ báo (bài viết và kỹ thuật) gần ba thập
niên qua.
THĐ: Ở bên Mỹ này càng giàu càng phải đóng thuế nhiều, ông có những hai nhà: Nhà báo và nhà văn thế thì thuế má phải nhiều lắm nhỉ?
VTrD:
Trước năm 1975 ở Sài Gòn, chúng ta thấy phóng viên ngoại quốc ở khách sạn
Caravelle, ngồi cà phê ở Brodard, Cheap Charlie, sân thượng Continental… như
giới thượng lưu, như là ước mơ xa vời của nhà báo An Nam. Khi ở Mỹ, với báo chí
Việt ngữ, thực tế lại phũ phàng với giấc mơ đó, tôi đã khuyên vài bạn trẻ khi “dấn
thân” với nghề báo Việt ngữ nên lấy mảnh bằng, kiếm việc làm ổn định, lương cao
hơn. Thế hệ chúng ta khi sang Mỹ thì “trâu chậm uống nước đục”, phải lo
cho con cái học hành để hội nhập với xã hội. Vì vậy, làm báo, viết văn với thế
hệ chúng ta phần nào về sở thích, hoài bảo của con người mất nước tìm tự do.
Và, phần nào đó góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ, báo chí, cộng đồng người
Việt.
Trong nhiều lần trò chuyện với thân
hữu, đồng nghiệp… có người được gọi: nhà báo, nhà văn, nhà soạn nhạc… đều “than
thở” không sống nổi để trả tiền nhà, chỉ là sở thích văn nghệ như món quà tinh
thần, niềm an ủi. Điển hình như nhạc sĩ Lam Phương, trước năm 1975 ở Sài Gòn,
nhạc phẩm ra đời nổi tiếng bán bản quyền đủ nuôi sống một đời, chẳng hạn ca
khúc Thành Phố Buồn của ông, tiền bán nhạc phẩm nầy thu được 12 triệu đồng, trị
giá gần nửa triệu đô la lúc đo (1 đô la khoảng 275 đồng). Giá vàng tại thị
trường Sài Gòn trong thời gian đó khoảng 25.000$ một lượng. Tháng Tư năm 1975,
Lam Phương phải bỏ lại gia sản khổng lồ 30 triệu đồng trong nhà băng để ra đi
trên con tàu Trường Xuân với đôi bàn tay trắng. Khi Lam Phương định cư ở Mỹ Năm
1975, ông phải làm đủ thứ nghề nặng nhọc để mưu sinh... Thời gian sống ở Pháp
và Mỹ, ông sáng tác khoảng 100 ca khúc trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng
nhưng không có thu nhập nào đáng kể. Đầu năm 2000, ông bị liệt, ngồi xe lăn
trong hai thập niên rồi mất giữa mùa dịch năm 2020 trong cô đơn. Bất hạnh trong
tình yêu chỉ còn lại nhiều ca khúc tuyệt vời gởi lại trần gian.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy nhắc lại thời
viết feuilleton và in sách ở Sài Gòn, tiền bạc rủng rỉnh, tiêu xài thoải mái,
khi ở Mỹ, ông ấn hành nhiều tác phẩm nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Hồi tôi
làm tờ Tân Văn thường giới thiệu sách của ông nhưng lai rai vài độc giả mua
sách.
Họa sĩ Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị
Hợp suốt những thập niên qua sống với nghề layout cho tờ nhật báo.
Thế hệ của chúng ta đã trải qua thời
kỳ nghiệt ngã, may mắn được sống trên mảnh đất tự do nơi xứ người, khi không
còn nặng gánh gia đình thì thích sống với tâm hồn văn nghệ trong nghiệp dĩ, góp
mặt với mọi người, đó cũng là thú vui tao nhã.
Vậy thì chuyện “thuế má” ở Mỹ với
ông/bà làm báo viết văn An Nam ta cũng là “chuyện rong chơi”. Đóng thuế và khai
thuế được đến bù lại, có khi được lời.
THĐ: Trong hai cái “nhà” ông thích nhà nào nhất, nhà báo hay nhà văn, lý do nào lại bên “trọng, bên khinh” như thế?
VTrD:
Người bạn văn vong niên là Trần Hoài Thư, từng là phóng viên chiến trường, nhà
thơ, nhà văn nhưng anh ta thích mình là nhà thơ. Với Vũ Uyên Giang cũng vậy, và
anh cũng thế thôi… Với tôi, sống với nghề báo, tuy viết nhiều thể loại về văn
học nghệ thuật và cũng thích mình là nhà báo. Ai gọi là nhà văn tùy cảm nhận
của họ, chẳng hạn vào Google hay Yahoo gõ “nhà văn vương trùng dương” sẽ xuất hiện
nhiều bài viết của tôi. Với tôi, cái “nhà” không quan trọng mà bài viết, tác
phẩm… Có lần bạn tôi nhờ viết giới thiệu tuyển tập thơ, văn vừa ra lò, nể tình
bạn tôi chỉ viết tác giả… không gọi nhà văn, nhà thơ… bị giận!
THĐ: Lui về kỷ niệm của những ngày xưa thân ái, cái thuở mà: “Rộn cả nhà lên tiếng hát vang” tôi thấy trong ông còn đầy ắp những phượng đỏ và nắng vàng trải khắp quanh sân trường Trần Quý Cáp nơi mà ngày ấy bạn bè cùng ông không dấu được buồn vui, ông giúp tôi tìm lại cái thân thương ấy chút xíu được không?
VTrD:
Tuổi già, sống xa quê hương thường nhớ lại những kỷ niệm thời xa xưa, tôi đã
viết nhiều bài nói lên tâm trạng, nỗi niềm, bạn văn một thời dưới mái trường,
một thời chinh chiến… Tác phẩm “Một Thời Để Yêu & Một Thời Để Chết” của Erich
Maria Remarque với hình ảnh tình yêu giữa chiến tranh với lửa đạn, nước mắt,
bất hạnh lẫn hoài vọng… trở thành câu nói của chúng ta khi nhắc lại nơi chốn,
hình bóng người tình, bạn bè đã ra người thiên cổ hay lưu lạc khắp nơi. Oscar
Wilde cho rằng “Ký ức… đó là cuốn nhật ký tất cả chúng ta đều mang theo bên
mình”, ông ta là nhà văn, nhà soạn kịch, nhà phê bình nhưng tập thơ đầu tiên
của ông khởi nghiệp cầm bút gắn liền với tên tuổi ông.
Với bao hình ảnh và kỷ niệm nơi phố
cổ, không thể chia sẻ hết qua cuộc trò chuyện, năm 2016 tôi viết bài Phố Cổ
Trường Xưa & Bóng Dáng Nhà Thơ, vừa edit lại cho tuyển tập với 7 văn hữu
viết về Quảng Đà & Bằng Hữu Thi Văn do bạn văn thực hiện trong nay mai. Tôi
không thể nào nhớ hết từng con đường, góc phố, địa danh của phố cổ nên qua thơ,
văn của bạn bè gom lại thành bài viết.
THĐ: Ông có thể chia sẻ cuộc “hội ngộ” bạn văn ngoài phố cổ Hội An?
VTrD:
Cuối năm 1966, tôi bước vào “Ngưỡng Cửa Quân Đội” Khóa I của Trường Đại Học
CTCT Đà Lạt. Khóa I trong giai đoạn đầu theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức
cùng với Khóa 24, lúc đó tờ nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức thành lập Ban Biên Tập
liên khóa 23 & 24 có Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Chu Tân, Luân Hoán, Trần
Hoài Thư, Mê Kung Phan Nhự Thức, Cao Thoại Châu, Lâm Chương, Hồ Minh Dũng, Phạm
Văn Bình… Mỗi sáng Thứ Tư chúng tôi gặp nhau… Khi chia tay quân trường ở Thủ
Đức, tôi tiếp tục 2 năm ở quân trường trên Đà Lạt. Anh em khóa 23 & 24 ra
trường, số đông dân miền Trung về phục vụ ở Vùng I, Vùng II, và Quảng Ngãi là
môi trường của các bạn sinh hoạt văn nghệ, báo chí…
Thời gian trôi qua, khi định cư tại
Mỹ, qua internet chúng tôi lại gặp nhau. Đây cũng là dịp tôi viết về các bạn
văn, trong đó có Phan Nhự Thức chết tại quê nhà, tôi gặp anh lần cuối vào Hè
năm 1990, trước khi đi Mỹ.
THĐ: Hà Khánh Quân (Luân Hoán) cũng đã có lần viết “Ở cái đất chưa mưa đã thấm, chỉ cần cào nhẹ tay lên mặt đường, đã lượm được sỏi đá” nhưng dù là ở nơi sỏi đá như vậy nhưng “những tâm hồn thi ca” thì có “hơi nhiều thi sĩ”, là một con dân xứ Quảng ông nghĩ gì, nghĩ sao về cái “hẩm hiu” của đất đá và cái “lạm phát thi sĩ ấy”?
VTrD:
Anh trải qua thời gian ở Đà Nẵng giữa thập niên 50-60 cũng hiểu, ca dao Quảng
Nam rất phong phú, các thể loại truyền thống dân ca từ thời cha ông vẫn lưu
truyền nên ảnh hưởng phần nào ở tuổi học sinh. Nơi quê nhà nghèo khó nên bậc
sinh thành muốn con cái chăm lo học hành để lập thân; hơn nữa không có nhiều
phương tiện để giải trí như Sài Gòn nên tìm nguồn vui, cảm hứng dễ dàng nhất là
làm thơ. Thật vậy “thơ không ở đâu xa” mà ở trong tâm hồn đồng điệu đồng cảm
đến với nhau. Hình như lúc đó ở nơi phố cổ, một bài thơ được đăng trên báo ở
Sài Gòn, bạn bè chuyền cho nhau… nó như bông hoa nở trên sỏi đá. Cái “hẩm hiu”
của đất đá được “đền bù” với những dòng thơ lãng mạn, tình người.
Khách quan nhận xét, ở Quảng Ngãi có
nhiều nhà thơ nổi danh vào thời tiền chiến hơn Quảng Nam nhưng đến thế hệ chúng
ta từ đầu thập niên 60 đến nay, từ trong nước ra hải ngoại có nhiều nhà thơ,
nhiều thi phẩm nổi tiếng hơn các tỉnh thành khác. Ngay cả những nhà thơ đã xuất
thân dưới mái trường ở Đà Nẵng đã nổi tiếng đến nay rất đông. Tôi cũng thừa
nhận qua các bài viết, có đầu óc “cục bộ” địa phương nhưng không muốn dẫm chân
với Luân Hoán, Phương Tấn, Phan Xuân Sinh, Hạ Quốc Huy (hay Triều Hoa Đại)… chỉ
viết về thi phẩm của bạn hữu mà thôi nên nhường sân chơi cho các nhà thơ Đà
Nẵng để họ xây vuờn thượng uyển bên bờ sông Hàn.
THĐ: Dép, giày, áo, mũ… còn có số nữa là, thế thì cái số ông nó thế nào, nó làm sao những năm, tháng ngồi “bóc lịch”, dù chẳng hay ho chi nhưng giá ôn lại một chút ông nghĩ có nên chăng?
VTrD:
Trong bài thơ Phương Xa của Vũ Hoàng Chương mà Trần Hoài Thư, bạn bè và tôi rất
tâm đắc với hình ảnh:
“Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi
khinh,
… Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang
sơ”.
Nếu nói về số mệnh, tôi viết về “lý
lịch bản thân” trên Facebook: Đi Học – Đi Lính – Đi Tù – Đi Mỹ… cũng là số mệnh
chung của thế hệ chúng ta, nó cùng một số. Nếu hỏi “giá ôn lại một chút” thì
anh em chúng ta đã viết qua thơ, văn trong những thập niên qua. Chẳng hạn như
anh, người bạn vong niên Luân Hoán viết thay “tiểu sử” qua bài thơ Triều Hoa
Đại. Hầu như chúng là mang số 8, lúc đeo còng và khi được mở còng để rong chơi
với cặp kính lão trước cái PC để “Nhìn nhau chợt nhớ ra sông núi. Có chút gì
nghe rất thốn đau” (Du Tử Lê). Tôi cũng thường ví von cái số của chúng ta
“đầu thai nhầm thế kỷ” là số con rệp, tuy nó không nằm trong 12 con giáp nhưng
với thân phận chúng ta, con giáp thứ 13!
THĐ: Chiến tranh, ôi chiến tranh ta thù mi, có người đã phải thốt lên như vậy, với chúng ta dân tình hai miền Nam, Bắc đã chịu đựng quá nhiều chết chóc, mất mát tang thương, khi bước chân vào đời quân ngũ ông đã chọn cho mình ngành Chiến Tranh Chính Trị, sao không là những binh chủng ngày đêm trực diện với quân thù, với súng, đạn, với ba lô và nón sắt?
VTrD:
Triết gia Pascal Blaise nói “Le moi est haïssable” (Cái tôi đáng ghét) trong
quyển Les Pensées của ông trở thành câu nói thông dụng với nhân vật hay “nổ”
coi mục hạ vô nhân. Khoảng hai thập niên về trước, đọc vài hồi ký viết chẳng ra
gì chỉ có ca ngợi “cái tôi”. Lúc đó còn “hăng tiết vịt”, tôi lấy câu nói đó để
viết phiếm nói chung chung, không nêu tên nhân vật nào cả “ai ở trong chăn
mới biết rận”, khi nói ba hoa chích chòe thì gió thoảng mây bay nhưng viết
ra thì “gà nuốt dây thun”. Sau nầy cũng có vài hồi ký như vậy… nhưng chẳng bận
tâm. Thế nhưng gần đây, tôi cũng viết “cái tôi đáng thương” trong bài viết Làm
Báo… Đôi Khi Bị Báo Đời!... “Tháng 12 năm 1966, trong cuộc thi tuyển (hơn hai
nghìn thí sinh dự thi) của Khóa Nguyễn Trãi I SVSQ của trường đại học CTCT Đà
Lạt để chọn 200 khóa sinh… Khi bước vào Ngưỡng Cửa Quân Đội có dịp may gặp gỡ
với anh em trong văn giới, báo giới… Nào ngờ niềm vui mang theo phiền phức.
Khi vào quân trường ở Đà Lạt và phục
vụ ở đơn vị, tôi cũng bị ANQĐ “hỏi thăm” vì ở QN-ĐN có nhiều tên làm báo cùng
trang lứa theo VC hoạt động ở Sài Gòn. Thật tình lúc đó, tôi chẳng biết ai
trong giới văn nghệ và báo chí ở QN-ĐN có ai hoạt động nằm vùng cho VC mà Cảnh
Sát & An Ninh Quân Đội theo dõi. (Tôi biết vì bạn thân, cậu và anh tôi cảnh
báo).
… May mà khi 168 sĩ quan tốt nghiệp,
có 1/4 được phục vụ trong ngành CTCT. Tôi về Tiểu Đoàn CTCT và sau đó về lại
quân trường ĐH.CTCT. (Nếu…?) ra đơn vị tác chiến thì không biết “nghi vấn” có
bị đem ra “thử lửa” con tốt đại đội phó trên chiến trận?. Đó cũng là lý do,
sống bất cần đời khi không biết nay mai sẽ ra sao! Mà cũng may mắn, mọi điều
không gây rắc rối cho bản thân...”.
Số đông bạn bè ra các Sư Đoàn và Biệt
Động Quân theo chiến dịch Chân Trời Mới. Trong thời gian thử lửa, anh em Khóa I
về Sài Gòn họp mặt lên tiếng “đem con bỏ chợ, con tôm con tép”, sau đó được
thuyên chuyển sang Hải Quân, Không Quân… trong ngành CTCT.
Tôi nhớ, trước khi vào lính, tôi về
quê báo cho mẹ biết. Mẹ tôi hỏi: “Có cầm súng bắn nhau không con?” Và, tôi cũng
an ủi, xoa dịu nỗi lo của mẹ với ngành nầy ở hậu phương với báo chí, văn nghệ
mà thôi. Thật tình với tuổi trẻ chấp nhận đời binh nghiệp với “ngày đêm trực
diện với quân thù, với súng, đạn, với ba lô và nón sắt” như lời của bạn văn
cũng chẳng sao, bạn bè thế nào, mình thế đó. Nhưng với tôi lúc đó đau lòng nhất
là dối mẹ, người con út được mẹ quan tâm nhiều.
Nhìn lại cuộc đời mình từ trẻ đến già,
nỗi đau không thể nào quên, khi ở trong nước, mẹ mất mà không về được để nhìn
mẹ, tiễn mẹ vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh người mẹ cao cả, thiêng liêng, tôi đã ghi
lại qua vài bài viết. Và, mỗi khi đọc bài viết của bạn bè cùng hoàn cảnh và bất
hạnh như tôi, nỗi đau lại đến, mắt nhòa!
THĐ: Chắc ông có biết người cộng sản họ có những hai trường đại học mà theo họ thì rất ư là quan trọng:
a/ Trường đại học công an và b/
Trường đại học viết văn.
Chúng ta có thể hiểu về cái trường
đại học công an nhưng còn trường đại học viết văn thì theo ông, ông thấy và
nghĩ thế nào? Và, người cộng sản còn cho rằng: “Văn học phải phục vụ chính trị,
được sự lãnh đạo của chính trị” thế thì nếu có sự so sánh giữa hai trường đại
học viết văn của cộng sản và trường đại học Chiến Tranh Chính Trị nơi mà ông đã
học ông thấy có khác nhau không, nếu có thì khác ở chỗ nào?
VTrD:
Từ thời tiền chiến đã xảy ra vụ tranh cãi “Nghệ thuật vị nghệ thuật & nghệ
thuật vị nhân sinh” giữa hai phe tự do và giáo điều… Sau năm 1945, lộ diện mấy
ông “vị nhân sinh” theo giáo điều Mark-Lê. Tôi không biết mấy cái trường đại
học đó dạy gì, tuyên truyền gì (chắc không ngoài tư tưởng, lý thuyết, học
thuyết khởi nguồn từ Đức với Karl Max, Friedrich Engels qua Nga, qua Tàu rồi
đến hang Pác Bó)… Tôi chỉ biết “Đại Học Máu” của Hà Thúc Sinh mà những người
lính ngày tàn cuộc chiến bị lùa vào đó! Nếu nhắc về chương trình đào tạo ở
trường đại học CTCT thì dông dài. Đại khái trong 2 năm, mỗi năm mùa Văn Hóa có
9 tháng học các bộ môn: Triết, Luật, Chính Trị, Kinh Tế, Xã Hội Nhân Văn do các
giáo sư đại học và Quốc Gia Hành Chánh giảng dạy như chương trình ở các đại
học. Mùa Quân Sự có 3 tháng, ngoài thời gian học Quân Sự ở trường Võ Bị Quốc
Gia, học chuyên môn CTCT như Lục Đại Chiến, Tìm Hiểu Cộng Sản, Kỹ Thuật CTCT do
các sĩ quan nhà trường (Huấn Luyện Viên)… Như đã đề cập ở trên, Sinh Viên Sĩ
Quan được học như vậy nhưng khi rời quân trường vào Sư Đoàn Bộ Binh, Liên Đoàn
Biệt Động Quân, Tiểu Khu… có Khối CTCT, phòng CTCT… không được xử dụng mà trấn
về Đại Đội lội rừng, đánh giặc nên mới gọi “đem con bỏ chợ”, “con tôm con tép”,
bao nhiêu lý thuyết vất lại ngọn đồi 4648. Ngay bản thân tôi cũng chẳng nhớ
nhưng thời gian qua thực hiện đặc san của Khóa I: 50 Năm Ngày Nhập Ngũ, 50 Năm
Ngày Ra Trường… đọc đi đọc lại các bài viết mới nhớ.
Bạn của anh và tôi, dân miền Trung,
khi vào quân trường BB Thủ Đức, ở trong Ban Biên Tập tờ báo lúc đó như đã đề
cập, hy vọng ra trường về phục vụ trong ngành CTCT nhưng không có ô dù, con ông
cháu cha nên “lao vào lửa” như Trần Hoài Thư, Luân Hoán gởi lại bàn chân… Phải
chăng “Sách vở ích gì cho buổi ấy” của thời chinh chiến?
THĐ: Lại nói về chiến tranh ngay cả đối với họ, những người cộng sản lúc bấy giờ Tố Hữu là thần tượng, là “đại thi hào” đã từng có thơ rằng: “hì hà hì hục / anh cuốc em cuốc / đá lở đất nhào / nào anh bên trai / nào em bên nữ /t a thi nhau thử / ai nào hơn ai! / anh tài thì em cũng tài / đường dài ta xẻ, sức dai ngại gì / đường đi ngoắc nghẻo chữ chi, hố ngang hố dọc, chữ i chữ tờ / thằng Tây mà cứ vẩn vơ / cái hố này chờ chôn sống mày đây / ớ anh ớ chị nhanh tay / nhanh tay ta cuốc chôn thây quân thù!...”. Thơ thẩn như thế nhưng nó đã “vận” vào cả một nửa dân tộc có đại học viết văn để đến nỗi ngay cả những văn nghệ sĩ của một nửa đất nước ấy phải cáu sườn mà viết: “Giống như vại nước to, đầy pha loãng một màu sữa. Loãng quá, tôi thèm một cốc dù nhỏ thôi nhưng chan chứa những chất nuôi sống tâm hồn”. Nó là như thế, là như vậy nhà báo, nhà văn Vương Trùng Dương nghĩ gì về chuyện này?
VTrD:
Anh nhắc đến Tố Hữu làm tôi nhớ đến bài thơ Đời Đời Nhớ Ông:
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Xta-lin!
… Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông
thương mười”.
Có nhiều bài viết mỉa mai thơ Tố Hữu
nhưng bài của Bùi Bảo Trúc quá hay, viết châm biếm như vậy quá tuyệt. Trong
quyển Nhân Văn & Tình Sử, tôi viết về các nhà thơ tiền chiến trong vụ Nhân
Văn & Giai Phẩm bị điêu đứng bởi Tố Hữu mà ra. Câu thơ “Nhanh tay ta cuốc
phơi thây quân thù” cũng tựa như lời trong bản Quốc Ca của họ “Thề phanh thây
uống máu quân thù”. Kinh hoàng quá, xin miễn bàn. Ngay cả Nguyễn Tuân sống dưới
quyền của Tố Hữu bày tỏ: “Phải biết sợ để tồn tại”, điển hình như Hữu Loan vì
không biết sợ nên bị trù dập cả cuộc đời còn lại sống ở chốn thâm sơn “khỉ ho
cò gáy”. Trong bài Hữu Loan, Mối Tình Thiên Thu, tôi viết những lời của Hữu
Loan sống tận đáy xã hội… Là nhà thơ cam đảm và dũng cảm, tôi ngưỡng mộ khí
phách của ông.
Anh hỏi tôi nghĩ gì về Tố Hữu, xin
trích trong Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh: “Tôi đã nghe Hoàng Cầm nói, ông đã từng ra
lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác bằng sáu tiếng ngắn gọn: “Gọi nó về, bắt lấy nó”.
Tôi đã chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví như con cua co dúm
người lại trước con ếch”… Cỡ như Nguyễn Đình Thi (Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn Việt
Nam 1958-1989) mà sợ như vậy thì dĩ nhiên ở trong nước, Tố Hữu được tâng bốc.
Ông Nguyễn Đăng Mạnh dạy đại học ở Hà Nội, là nhà phê bình văn học, gần gũi với
“tai to mặt lớn” trong giới văn nghệ. Cuốn hồi ký của ông năm 2008 không được
ấn hành nên phổ biến trên internet. Lúc đó tôi phụ trách Section B của nhật báo
Saigon Nhỏ, trích số bài về nhân vật ông đề cập trên tờ báo.
THĐ: Ông đã từng đi qua một chặng đường phải nó là khá dài chữ nghĩa tôi đoán rằng trong ông hẳn phải có cả “bồ” vui, buồn. Thế thì tiện đây xin ông vì độc giả mà khơi lại một chút được chăng?
VTrD:
Trong cuộc sống ai cũng có vui, buồn lẫn lộn, trong tình yêu cũng vậy. Từ miến
Đông Hoa Kỳ, khi chân ướt chân ráo đến Little Saigon, gặp Lâm Tường Dũ, tôi nói
muốn viết về văn học nghệ thuật vì đọc sách cũng khá nhiều, LTD nói viết thể
loại nầy chỉ cho các tạp chí hằng tháng, nếu có nhuận bút cũng tùy họ, nên học
layout và viết phiếm cho các tuần báo vừa dễ dàng vừa đáp ứng thị hiếu độc giả,
có nhuận bút hằng tháng. Thấy cũng có lý và thực tế nên tôi lao vào cuộc chơi,
theo thời gian tôi mở các mục riêng cho tờ báo như Chuyện Ruồi Bu, Thiên Hạ Sự,
Thế Thái Nhân Tình, Ngẫm Chuyện Nhân Sinh… với các bút hiệu khác nhau. Rồi cũng
theo lời xúi giục của bạn ta, ấn hành quyển Ngẫm Chuyện Nhân Sinh năm 2004.
Không ngờ loại nầy bán được, năm 2008 tôi muốn ra cuốn Nhân Tình Thế Thái,
chẳng may cái PC bị virus, lục trong USB chỉ có số ít bài còn lưu, loại nầy tôi
không phổ biến trên các trang web vì có tính cách giai đoạn. Và, trong lúc
“hưỡn” (quỡn) tôi mới nhận làm tờ nhật báo Saigon Nhỏ.
Trong thời gian nầy cũng có dịp viết
thêm về văn nghệ vì nhật báo SGN số Thứ Bảy với chủ đề Văn Học Nghệ Thuật và tờ
Tân Văn. Với các bài nầy và những bài viết từ tờ Thế Giới Nghệ Thuật (Lâm Tường
Dũ chủ bút & tôi, tổng thư ký), gom lại, tôi ấn hành quyển Văn Nhân &
Tình Sử năm 2015. Loại sách nầy ít tiêu thụ hơn sách phiếm nhưng có chút giá
trị về văn học nghệ thuật. Thái Tú Hạp nói tôi cũng là “văn nhân” sao không
viết “tình sử” về mình. Mấy ông nhạc sĩ, thi sĩ gởi “tình sử” qua ca khúc, bài
thơ… với tôi thì không dám và dại gì “ôm bom tự sát”! Mấy ông bạn thân cứ xúi
dại, cũng biết khôn một chút để yên bề gia thất. Trong tùy bút Tình Khúc Gởi…
Nha Trang, tôi viết từ thời trẻ, thích lang bạt đến khi gặp mẹ tôi việc lập gia
đình, coi như “dừng bước giang hồ”… nhưng còn chút vương vấn. Nói như Song Ngọc
qua vài lần trò chuyện qua vài tình khúc của anh, và theo lời SN, tâm hồn lãng
mạn dễ bị “đưa đẩy” mà giữ được cuộc tình thủy chung cho đến cuối đời như vượt
qua “đoạn đường chiến binh”. Những “cái lăng nhăng” như thơ cụ Tú Xương, theo
dòng thời gian, qua bao thăng trầm, nghiệt ngã… trở thành đống tro tàn!
THĐ:
Người đời mỗi khi nói đến những nhọc nhằn của kiếp con tằm họ đều ví von mấy
chữ: “Con tằm đến chết vẫn còn nhả tơ, nghĩ đến chỗ này chẳng hiểu là sao tôi
bỗng nhớ đến ông, từ cái thời ắc... ê… ‘đường trường xa muôn vó câu bay chập
chờn’ ở quân trường Thủ Đức ông đã lăn vào làm báo, sau này bôn ba khắp mọi nẻo
đường cũng vẫn ông “ngủ” chung với báo bổ, ông ôm đủ thứ báo trong đời, ông thì
thế đấy nhưng cho tôi hỏi nhỏ ông một câu: Bà xã của ông bả nghĩ gì, bả có “hối
hận” đã gieo duyên lầm người?
VTrD:
Câu hỏi thật thú vị, không những cho tôi mà anh em chúng ta (trong đó có anh).
Câu thơ “Con tằm đến thác cũng còn vương tơ” của hai nhà thơ Nguyễn Du và Lý
Thương Ẩn… như cái nghiệp, và cái nghiệp ấy của chúng ta bị dang dở thời trai
trẻ, nay có cơ hội thì “nhả tơ”. Anh đã dành thời gian để “Lên Rừng Đếm Lá”…
cũng khoảng hai thập niên rồi, những lá, những con tằm đó giống nhau. Riêng bản
thân tôi cũng ôm đồm với “báo bổ” cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy. Thi nhân ngày xưa
dễ động lòng trắc ẩn kiếp con tằm nhả tơi rồi chết, tơ được chế thành lụa, sản
phẩm cho nữ lưu từ cung đình đến giới giàu sang mà sau nầy Nguyên Sa qua bài
thơ Áo Lụa Hà Đông đến nỗi “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo
lụa Hà Đông” qua ca khúc của Ngô Thụy Miên.
Với nghiệp dĩ thì con tằm, với đời
người như chiếc lá giữa nắng mưa, người xưa đã nói “lá rụng về cội” hay “lá
vàng khóc lá xanh”… Thương cho chiếc lá chỉ đếm khi ở trên cành, rơi xuống đất
về với cát bụi, chúng ta như những chiếc lá vàng, anh có nhã ý đếm nên tôi phải
“chường mặt” trước khi lìa cành. Nếu anh có tiếp tục gom lá lại để đốt cho có
ánh lửa trong đêm tối ở cõi ô trọc nầy, cũng tốt thôi. Đó là lý do có cuộc
chuyện vãn hôm nay. Chẳng có gì gọi là “áo thụng vái nhau” mà khâu lại “áo lính
một thời tả tơi”, trí óc cũng mai một, nhớ điều gì được điều đó.
Năm 1998, con cái ra trường hết, mua
căn nhà, dành cái garare cho bố có văn phòng làm báo. Vài năm sau, con cái lập
gia đình sống riêng nhưng cũng gần bố mẹ. Vợ tôi thông cảm thú đam mê làm báo
của tôi, có khi cũng là cuốn tự điển vì dân Hà Nội và dạy học nên nhờ vả đôi
chút. Năm 2005 tôi ra tờ Cali Weekly, mời Nguyễn Ngọc Chấn làm chủ bút và Việt
Hải ở Los Angeles làm tổng thư ký. Tờ báo khổ standard như nhật báo, chuyển qua
file PDF gởi nhà in ở Los Angeles. Một mình một ngựa từ bài vở, layout đến giao
báo. Có vài lần chở vợ đi theo lấy tiền quảng cáo… phải chờ, phải đợi! Vợ nói
bỏ quách cho rồi, tội tình gì phải khổ công như vậy. Trong thời điểm đó tôi vẫn
viết và layout tuần báo Trách Nhiệm của anh em cựu Tù Nhân Chính Trị. Nghe lời
vợ cũng hữu lý nên tôi bỏ tờ báo và thực hiện trang web cho vui. Đây là lần đầu
tiên và duy nhất, vợ tôi “can thiệp” vào cái nghiệp của tôi.
Nếu vợ có “hối hận” thì có lẽ ở trong
cái garage, tôi không ngừng “nhớ nhà châm điếu thuốc”, thức khuya… cho đến nay
vẫn “nhớ nhà”… may mà vợ không cằm rằm mà chỉ nhỏ nhẹ “nhớ nhà ít thôi” vì vợ
biết tôi ngày xưa là “con ngựa chứng” nay “ngoan” như vậy, tốt rồi. Vẫn còn
đây, kỷ niệm của vợ chồng, năm 1973 tôi viết bài Hà Nội, Giấc Mơ Mịt Mù
trên đặc san Ức Trai (TĐH.CTCT), không ghi tặng vợ mà “Tặng con trai đầu lòng
với quê ngoại”, gần nửa thập niên rồi cũng “giấc mơ mịt mù”!
THĐ: Hiện nay việc cai quản tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa ra sao, lời lỗ ai chịu trách nhiệm, phân phối đi đến những nơi nào hả ông nhà báo?
VTrD:
Hình như tôi có “duyên nợ” với các tờ báo lính từ tờ Trách Nhiệm đến KBC Hải
Ngoại và Chiến Sĩ Cộng Hòa. Trước đây có vài đồng nghiệp muốn phỏng vấn tôi
nhưng từ chối vì tự nghĩ bản thân có gì đâu của kiếp dã tràng “nhọc nhằn mà
chẳng nên công cán gì”. Năm 2019, nhà báo trẻ Uyên Vũ làm việc ở Saigon
Nhỏ, mời đi uống cà phê, nhân dịp nầy Uyên Vũ nói “Anh là người thận trọng, hơi
khó tính… nhưng với tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa, anh có thể chia sẻ với nhau có được
không?”. Tôi nói OK và trao đổi với nhau. Bài viết của Uyên Vũ “Nhà báo Vương
Trùng Dương kể chuyện người lính làm báo lính”.
Đại khái “Thật tình tờ Chiến Sĩ Cộng
Hòa không có bộ mới, bộ cũ nào cả. Đầu tháng Ba, 2016, anh Đinh Quang Anh Thái
gọi tôi, hẹn nhau ở Z Cafe, cũng tại nơi này. Trước đó tôi đã biết chuyện
“chuyển đổi” chủ nhân từ cơ quan ngôn luận này sang cơ quan ngôn luận khác. Tôi
không quan tâm chuyện nội bộ, giữa hai bên. Khi gặp nhau, anh ĐQAT hỏi tôi về
việc đảm trách tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa. Tôi nói, tôi là người lính, việc duy trì
và tiếp tục với tờ báo lính cũng nên, và tôi nhận lời. Trong 15 phút xong
chuyện tờ báo.
Chiến Sĩ Cộng Hòa số 82, tháng Tư,
2016, vẫn liên tục cho đến hôm nay, gần kỷ niệm 10 năm. Trang bìa 2 tờ báo cũng
không có tên chủ bút, tổng thư ký gì cả. Có các bài viết tôi viết đôi dòng “Lời
Tòa Soạn” ký tắt VTrD, quý độc giả lâu năm cũng đoán biết là tôi…”.
Nhân đây, tôi cũng nói qua quá trình
tờ báo để tránh sự hiểu nhầm tôi là chủ nhân. Hè năm 2008, tôi được giới thiệu
với chị Hoàng Dược Thảo về đảm trách Section B tờ nhật báo. Bạn bè nói chắc
được thời gian ngắn vì giữa hai người không ai nhường ai… Trước khi bắt tay vào
công việc, tôi đề nghị “khoán việc” lo bài và layout, tính ra giờ, được đồng ý
với nhau. Lúc đó có tờ Tân Văn (văn học nghệ thuật), Saigon Nhỏ ra thêm tờ
Chiến Sĩ Cộng Hòa, số thứ tư bàn giao cho tôi…
Trong thời gian khoảng 4 năm, có lúc
tôi đảm trách tờ Tân Văn và Chiến Sĩ Cộng Hòa, có lúc chỉ một tờ và có lúc
không… vì lo cho 7 số trong tuần mất nhiều thời gian… Năm 2012 xảy ra vụ kiện
giữa báo Người Việt và Saigon Nhỏ vì bài Phiếm Dị (Section A) của Đào Nương
(HDT) về nhân vật trong báo NV… Vụ kiện lình xình kéo dài cho đến tháng 2 năm
2016 mới có phán quyết của tòa án về phía công ty NV thắng kiện và tiếp nhận hệ
thống báo SGN. Năm 2012 tôi đảm nhận tờ CSCH tờ từ nội dung đến kỹ thuật. Khi
hệ thống báo SGN về tay công ty NV, tờ Tân Văn không tiếp tục và tờ CSCH giao
cho tôi như đã đề cập ở trên. Vẫn hình thức “khoán” tôi đảm trách như cũ ở SGN,
không qua ai kiểm duyệt, chuyển thẳng cho nhà in và phát hành. Số lượng khoảng
2,500 ẩn bản nhờ hệ thống phân phối của tuần báo SGN đến đại diện các tiểu bang
và thành phố ở Mỹ. Nếu phân phối ở Nam Cali cũng chỉ vài trăm số là cùng, có lẽ
cũng dẹp rồi. Với tờ báo nầy, tôi coi như chủ bút mà thôi, kể từ năm 2016 đến
nay, trên 5 năm, hơn 60 số báo… tôi cũng chưa gặp chủ nhân ở công ty Người Việt
góp ý. Thật tình, tôi chẳng biết và quan tâm đến chuyện lời lỗ, mỗi tháng ghé
tòa soạn SGN lấy vài tờ CSCH, hỏi cô Thu Nga đã làm chung với nhau từ năm 2008.
Tôi nói với Thu Nga, khi nào không đủ sở hụi thì báo cho chú biết để nghỉ quách
cho rồi.
Riêng tôi cũng muốn gác kiếm nhưng
lại thương tờ báo lính đã gắn bó quá lâu, nhiều độc giả, chiến hữu đã ưu ái nên
“bỏ thì thương mà vương thì mỏi mệt”. Thật ra, công ty NV không cần thu nhập gì
với tờ CSCH mà tôi cũng nói trước nếu có lỗ thì báo trước để viết lời chia tay,
đừng để độc giả hụt hẫng. Với lớp trẻ hiện nay giỏi về software inDesign, mắt
tinh, trình bày đẹp nhưng về nội dung bài vở lại rất khó. Mỗi số dày 128 trang
(khổ magazine) không đăng quảng cáo, ngốn bài vở quá nhiều, điều khó khăn việc
xem bài đã phổ biến chưa, khó kiểm chứng được. Ngay bản thân tôi, có đôi khi
cũng đăng lại bài cũ. Thôi đành ca bài “Đã mang lấy nghiệp vào thân”
(Nguyễn Du) được ngày nào hay ngày đó. Thật tình tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa sống được
nhờ qua hệ thống phân phối báo Saigon Nhỏ gởi chung với tuần báo đến các thành
phố và tiểu bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Giá tờ báo chỉ bằng ly cà phê để nhớ lại
thời chinh chiến… Nếu không được phân phối qua hệ thống nầy có lẽ đã “ngủm” từ
lâu.
THĐ: Nhiều người bảo với tôi giá như ông chịu khó gom những bài viết về những: Nhà Văn Hoàng Hải Thủy “Vĩnh Biệt Rừng Phong” - Một Thoáng “Hương Xưa” - Phố Cổ Trường Xưa… - Hồi Ký Tuổi Thơ & Chiến Tranh… – Hồi Ký Chiến Trường… - Bùi Giáng, Đại Lão Cái Bang - Kỷ Niệm Với Song Ngọc, Hà Nội Ngày Tháng Cũ - Còn Đâu Với “Tiếng Dân Chài”…v…v… để in thành sách thì thật là một tư liệu quý, ông có nghĩ như thế không?
VTrD:
Tôi thấy tờ CSCH khô khan nên mở thêm mục văn nghệ, ngoài các bài của thân hữu,
chiến hữu… mỗi tháng tôi viết một bài. Đầu năm 2020, tôi gom khoảng 20 bài và
khởi sự layout cuốn Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ, dự trù dày khoảng 350
trang như cuốn VN & TS. Layout được một phần ba thì xảy ra vụ dịch
covid-19, mọi người đang lo sợ, chết sống trong gang tấc… thì tiếp tục in sách
làm gì nên dở dang từ đó đến nay. Ngoài ra còn cuốn dã sử Vó Ngựa Đại Hãn &
Nỗi Nhục Thiên Triều… nói về Mông Cổ bị coi như man di mọi rợ nhưng triều đại
Nguyên Mông đè đầu cưỡi cổ cả dân tộc tự hào cái rốn của vũ trụ… và vó ngựa Đại
Hãn đó mưu đồ mở rộng bờ cõi phía Nam bị thảm bại dưới các danh tướng đời nhà
Trần.
Với tôi, những gì viết được thì viết,
không phải là nhà nghiên cứu văn học, bậc thức giả, sử gia… nên nếu in sách
cũng chỉ góp mặt với đồng nghiệp cho vui, chẳng có gì là “tư liệu quý”. Khi đam
mê thì bất kể ngày đêm lao vào công việc nhưng cũng dễ chán, đó là ưu, khuyết
điểm của bản thân. Thích rong chơi nhưng lại “con mọt sách” hình như đối chọi
nhau… nhưng trời sinh nên đành chịu.
TDH: Ông ở nơi gọi là “thủ đô tị nạn” coi như cái nôi báo chí của người Việt, chắc ông hiểu rõ hơn tôi, vậy thì xin ông thử “bói” cho một quẻ xem lành, dữ thế nào, “nó” còn thoi thóp được bao lâu?
VTrD:
Trong năm 2020 Viết Về “Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại & Đại Hội Truyền
Thông” để nhìn lại quãng thời gian với làng báo Việt ngữ ở Little Saigon mà hai
thập niên trước như “trăm hoa đua nở” và bài Khái Quát Báo Chí Việt Ngữ Tại
Little Saigon (còn phổ biến trên internet). Trong bài thứ hai nầy tôi chỉ “khái
quát” về nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san & nguyệt san, báo lính… Các nhà
báo, chủ báo đã qua đời. Tôi chỉ biết từ năm 1990 đến năm 2020 khi định cư ở
đây. Tôi muốn viết về giai đoạn trước nhưng vài đồng nghiệp không nhớ rõ. Về
truyền thanh, truyền hình chỉ biết sơ sơ nên không dám “múa rìu” ngoài lãnh vực
bản thân.
Nhìn lại quá khứ vàng son và thời
điểm dịch bệnh bị phong tỏa, cô lập vừa qua, báo Việt ngữ rơi rụng khá nhiều.
Báo sống về quảng cáo mà “ngăn sông cấm chợ” thì in ra làm gì. Nay chỉ còn các
tờ báo có thể đếm trên mười đầu ngón tay! Có nhật báo chỉ in ra cuối tuần, còn
“vương vấn” tin hằng ngày trên trang web.
Những đồng nghiệp ngang lứa tuổi
chúng ta, nay ở đây đã “lá rụng về cội” với cát bụi thời gian. Thỉnh thoảng còn
vài người viết cho khuây khỏa. Giới trẻ bây giờ chỉ liếc qua internet mà thôi.
Con em chúng ta hội nhập xứ người nên “cha làm thầy con đốt sách”. Nhìn tới
nhìn lui, tôi mang nặng nghiệp nên “ta với ta”.
Nói như vậy, anh ở xa cũng “bói” linh
hơn tôi.
THĐ: “Tiếng ta còn, nước ta còn!” cụ Phạm Quỳnh đã nói vậy, ví như chữ Việt và tiếng Việt một mai ở thủ đô của người Việt hải ngoại không còn nữa thế có nghĩa nước “Việt” ở hải ngoại sẽ không còn vậy thì buồn quá lắm phải thế không thưa ông nhà báo?
VTrD:
Tôi có bảy cháu nội, ngoại trong đó mỗi trưa làm bác tài vì bố mẹ nhờ khi “em
tan trường về” với ba, bốn cháu, khác lớp khác trường. Vợ tôi lại vui vì hằng
ngày còn thấy mặt cháu, nếu không thì buồn chán. Tôi thì luận điệu ông già gàn
“ghét của nào trời trao của đó”, ngày xưa hay trốn học, rủ rê bạn bè nhập bọn…
trở thành học trò “siêng” vì cuối tuần được ưu ái đến trường trả nợ “cấm túc”!
Xưa hay bỏ học, nay rất chăm chỉ đến trường, đang bận việc nhưng đến giờ phải
lái xe. Bố mẹ tụi nhóc cũng cho con học thêm Việt ngữ nhưng chỉ biết nói đôi
chút, còn đọc thì khuya. Lên đến High School, học thêm bilingual (language),
chọn tiếng Spanish… Tôi hỏi sao không chọn tiếng Việt, ông bà dạy cho (chỉ có
hai trường ở đây dạy tiếng Việt mà thôi). Các cháu trả lời không thông dụng như
tiếng Spanish! Hết ý. Với thế hệ thứ ba thì tiếng Việt “Buồn ơi! Chào mi”… ông
bà cũng phiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng.
THĐ: Ngay giờ phút hai ta ngồi chuyện vãn lúc này đây, ông nghĩ gì về: Chiến Tranh? Giữa hai người lính giữa hai miền Bắc/Nam… Ông có thể lý giải, bởi theo như Tô Thùy Yên thì: “Vì sao ngươi tới đây? / hỡi gã cộng quân sốt rét, đói” và ngay chính cả với TTY hay những người lính miền Nam cũng tự hỏi: “Vì sao ta tới đây / Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn” và rồi thì: “Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm / có cùng gom góp lại / mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?” Nếu như thế thì Chiến Tranh là gì nhỉ?, Ai hạnh phúc và ai tang thương?
VTrD:
Câu hỏi nầy bao quát quá không thể nói ngắn gọn được, và vấn đề rất tế nhị khó
trả lời và cũng nhắc đến ở trên rồi... Tác phẩm “Three Comrade” của nhà văn Đức
Erich Maria Remarque, Tâm Nguyễn dịch là Chiến Hữu và xuất bản năm 1972 tại Sài
Gòn, dày hơn 700 trang. Nội dung nói về tình bạn ba người sau chiến tranh, với
thân phận người lính sau chiến tranh, bên thắng và thua cảm thấy ê chề, vật lộn
với những khó khăn trong cuộc sống, họ bên nhau trong nỗi bất hạnh. Họ sống
trong tủi nhục bên lề xã hội trong khi đó kẻ cầm quyền hưởng lợi. Họ bị buộc
phải cầm súng và họ bị nhập ngũ để chiến đấu rồi ngày tàn cuộc chiến, cuộc đời
họ cũng tàn theo. Nhìn lại cuộc chiến xảy ra trong nước, con cờ của thế lực
ngoại bang, ngày tàn cuộc chiến, kẻ cầm quyền Cộng Sản nắm tất cả lợi lộc… giới
lãnh đạo miền Nam có điều kiện đã dọt ra khỏi nước! Hầu hết người lính như
chúng ta và những vị chỉ huy trong Quân Đội đang xông pha trên chiến trường,
nghe lệnh buông súng… bị kẹt nên vào chốn lao tù. Đọc cuốn “Khi Đồng Minh Tháo
Chạy” của TS Nguyễn Tiến Hưng với bao nỗi ngậm ngùi, xót xa!
Câu nói của Thống Tướng Douglas
MacArthur khi sau 52 năm trong quân ngũ bị cất chức Tư Lệnh quân đội Hoa Kỳ ở
Ðông Nam Á, ngoài câu nói “Người lính già không bao giờ chết…” là câu hát của
người lính Mỹ trong doanh trại thời trước, thường được nhắc đến, về chiến tranh
theo lời ông “Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai,
bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và vết
sẹo chiến tranh nặng nề nhất”. Với câu nói đó thì tùy theo quan niệm trong anh
em chúng ta tự thẩm định.
THĐ: Tôi đọc trên facebook của ông có viết về thời điểm cuối cùng ông ở lại trong nước, nếu quay ngược thời gian với tình thế đó, ông có quyết định ra sao?
VTrD:
Tôi có viết bàng bạc trên facebook để chia sẻ với thân hữu và các cháu ở trong
nước về người cậu, người chú xa cách lâu ngày. Ngày 30/3/1975, Đà Lạt “di tản
chiến thuật”, trước đó vợ con tôi về Nha Trang và gia đình hai người chị từ
Pleiku đến được Nha Trang. Đến Phan Rang, tôi rời đơn vị tìm đường ra Nha Trang
nhưng không được, tôi lạc đơn vị nên bám theo dòng xe di tản vào Bình Tuy, Phan
Thiết, ra bờ biển tìm thân nhân. Về đến Sài Gòn, hai lần mò ra Vũng Tàu, lang
thang trên bãi biển, có gặp tàu thủy nhưng không dọt. Tôi nghĩ đến gia đình vợ
từ năm 1954, Hà Nội vào Nam, trong hai thập niên “bóng chim tăm cá” với người
thân còn kẹt lại, nay dọt ra xứ người thì biệt tăm nhau. Hơn nữa còn mẹ già ở
Hội An, vợ đang mang bầu với hai đứa con thơ không biết lưu lạc nơi nào,
sống/chết ra sao! Không gặp người thân nào để nhắn tin cho gia đình tôi, gia
đình vợ… nên quyết định ở lại. Ngày 28/4 về lại Sài Gòn trong tình trạng hỗn
loạn vì vụ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất! Và, tôi nghĩ anh em ở trong trường
hợp như tôi, cũng quyết định như vậy, ngoại trừ những trường hợp trong tình thế
“bắt buộc”.
Nếu quay ngược thời gian, tình
thế… Tôi cũng quyết định như vậy vì giữa bản thân và đại gia đình đã ảnh hưởng
nhiều đến vận mạng.
THĐ: Abraham Lincoln nói “Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ”. Ông cũng có mẹ như bao nhiêu tỷ người trên trái đất ông có cảm thông được cái đau của một người mẹ khi mất con không?
VTrD: Từ
Đông sang Tây, từ nghìn xưa cho tới nay, hình ảnh người mẹ là hình ảnh thiêng
liêng cao cả nhất, hy sinh vô bờ bến với con... Trong cuộc chiến trên đất nước,
dù xa xôi, người mẹ lúc nào cũng theo bóng đứa con. Tôi có may mắn với mẹ không
gặp “cái đau của một người mẹ khi mất con” nhưng khi đọc những bài viết, tác
phẩm… tôi lặng người vì người mẹ nào cũng vậy.
THĐ: Chiều đã lên dần nơi cuối phố, ông cùng tôi chuyện trò như vậy cũng khá lâu, xin ông nhận cho tôi một lời cám ơn và xin lỗi đã làm phiền. Ông còn điều gì cần bổ xung thêm mà trong lúc vui câu chuyện tôi lại bỏ quên đi?
VTrD:
Chúng ta là con tằm, chiếc lá… nhả tơ và sắp lìa cành. Tuy “được” hay “bị” tôi
cảm ơn nhã ý của anh. Ngày nào “thực sự bất ngờ” với câu hỏi với Luân Hoán, nay
anh đá trái banh sang tôi. Thật tình tôi cũng phân vân có nên làm thủ môn để
chụp trái banh nhưng rồi chấp nhận bởi mặt trời cũng sắp lặn! Nhân đây, theo
lời anh với Luân Hoán “Anh em gặp nhau đã là một điều qúy, trao đổi với nhau
một vài câu chuyện văn chương, chữ nghĩa” cũng là niềm vui. Mượn lời nầy để gởi
lại anh.
Triều Hoa Đại
(Tạp Chí Ngôn Ngữ số 14 Tháng 7 năm
2021)
Nhận xét
Đăng nhận xét