Cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung cộng về kim loại đất hiếm
Antonio Graceffo _ Huệ Giao
Trong nhiều năm, Trung cộng đã vượt qua các quốc gia khác trong việc sản xuất và tinh chế các kim loại đất hiếm quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, thống trị thị trường toàn cầu.
Hiện tại, Trung cộng kiểm soát 85% nguồn cung cấp kim loại đất hiếm trên toàn cầu. Đảng Cộng sản Trung cộng (ĐCSTC) đe dọa ngừng việc cung cấp khoáng sản đất hiếm như một lợi điểm để thương lượng. Họ đã làm vậy khi Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, và một lần nữa khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung cộng, yêu cầu trao trả vị thuyền trưởng này trước khi ông ta bị thẩm vấn. Trung cộng thực sự đã cắt nguồn cung cấp của Nhật Bản vào năm 2010, trong bối cảnh tranh chấp liên quan đến Quần đảo Senkaku.
Khi Hoa Kỳ nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản đất hiếm trong nước, họ đã hợp tác với một công ty Trung cộng có tên Tài nguyên Thịnh Hà (Shenghe Resources), cổ đông lớn nhất của công ty này là một tổ chức chính phủ. Điều đáng quan tâm hơn nữa là Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang tài trợ cho sự hợp tác này. Điều này khiến Trung cộng một lần nữa nắm được quyền kiểm soát các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các kim loại đất hiếm, chẳng hạn như dysprosium và terbium, là vô cùng quan trọng cho công nghệ quốc phòng. Chúng cũng được sử dụng trong sản xuất xe điện. Neodymium và praseodymium, hai trong số các khoáng chất hiếm nhất, được sử dụng trong động cơ, tuabin, và công nghệ y tế. Lantan được sử dụng trong các ống kính camera cao cấp, với các ứng dụng trong ngành tình báo, giám sát, và trinh sát. Europium photpho được sử dụng trong đèn LED và màn hình plasma, cũng như trong hệ thống thanh điều khiển của các lò phản ứng nguyên tử.
Các mẫu khoáng chất đất hiếm: (từ trái qua phải) Cerium oxide, Bastnaesite, Neodymium oxide và Lanthanum carbonate tại cơ sở Đất hiếm Mountain Pass của Molycorp ở Mountain Pass, California, vào ngày 29/06/2015.
Trong suốt những năm 1980, Hoa Kỳ đã thống trị thị trường thế giới về kim loại đất hiếm. Tuy nhiên, làn sóng này đã chuyển sang Trung cộng do áp lực từ các nhà bảo vệ môi trường ở Hoa Kỳ, kết hợp với chi phí lao động thấp hơn, đã thúc đẩy hoạt động sản xuất ở hải ngoại.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tin rằng Trung cộng cố tình làm lũng loạn thị trường toàn cầu bằng các loại khoáng sản đất hiếm giá rẻ, khiến giá thành giảm, và buộc các nhà sản xuất Hoa Kỳ phải rút lui khỏi thị trường này.
Một máy xúc chuyển đất có chứa khoáng chất đất hiếm được chất tại một cảng ở Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung cộng, để xuất khẩu sang Nhật Bản. Trung cộng kiểm soát nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm của thế giới và Hoa Kỳ đang tìm kiếm quan hệ đối tác với các đồng minh để giảm sự phụ thuộc vào Trung cộng.
Terbium, được sử dụng trong nam châm, là một trong những khoáng vật hiếm và quan trọng nhất trong số các khoáng chất đất hiếm. Hiện tại, việc chiết tách và chế tạo nam châm tập trung ở Trung cộng. Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung cộng đã đe dọa đến việc Hoa Kỳ tiếp tục có được terbium. Điều này đặc biệt đáng lo ngại, bởi trong năm 2011, khi Trung cộng hạn chế xuất cảng kim loại đất hiếm, giá của mặt hàng này đã tăng vọt, chứng tỏ Trung cộng là một quốc gia quyết định giá, kiểm soát nguồn cung toàn cầu.
Kim loại đất hiếm tồn tại ở các tiểu bang Wyoming, Texas, và California của Hoa Kỳ. Một công ty của Hoa Kỳ, MP Materials, đã mua một mỏ ở California vào năm 2017, với hy vọng đưa chuỗi cung ứng này trở lại Hoa Kỳ. Thậm chí, ông ty này còn nhận được tài trợ từ Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng. Một trong những khách hàng lớn nhất và là người đồng sở hữu của công ty này là công ty Tài nguyên Thịnh Hòa của Trung cộng, vốn chuyển các sản phẩm khai thác của MP Materials đến Á Châu để chế tạo.
Tập đoàn Lynas của Úc là một trong những đấu thủ lớn nhất bên ngoài Trung cộng. Họ chiết xuất ở Úc và tinh chế ở Malaysia. Một phát ngôn viên của Lynas đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra chuỗi cung ứng để vượt qua Trung cộng. Trong khi đó, một công ty Úc khác là RareX đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty Tài nguyên Thịnh Hòa.
Các mỏ khoáng sản đất hiếm tồn tại ở nhiều nơi, kể cả ở Liên minh Âu Châu, nhưng hầu hết các quốc gia đều thiếu chuyên môn để chiết tách và tinh chế đất hiếm. Ngoài ra, các quy định về môi trường đôi khi ngăn không cho các nước phương Tây chiết xuất các chất này. Các khoáng chất này thường xuất hiện gần các mỏ phóng xạ có thể rò rỉ vào các tầng nước ngầm. Trung cộng không thực thi những hạn chế về môi trường giống như các nước khác trên thế giới, vì vậy họ đang tự tạo cho mình một lợi thế to lớn.
Công ty Thịnh Hòa dường như là một phần trong kế hoạch của ĐCSTC nhằm kiểm soát nguồn cung cấp đất hiếm trên toàn cầu. Cổ đông lớn nhất của công ty là một tổ chức nằm trong Cục Khảo sát Địa chất Trung cộng thuộc sở hữu nhà nước. Vào năm 2019, Thịnh Hòa đã công bố chung phần với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung cộng (CNNC) thuộc sở hữu nhà nước, một nhà sản xuất nguyên tử hàng đầu có liên hệ với quân đội Trung cộng.
Công ty này mở rộng từng bước trong chuỗi cung ứng, từ chiết tách đến tinh chế các khoáng chất thành kim loại thực tế được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Thịnh Hòa đang xây dựng các liên minh trên toàn thế giới, bao gồm Úc, Việt Nam, Greenland, và Hoa Kỳ.
Afghanistan là quê hương của kim loại đất hiếm trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD, và dường như ĐCSTC đang làm thân với Taliban để có được quyền tiếp cận.
Trong nỗ lực vượt qua Trung cộng, Hoa Kỳ đã thiết lập một chuỗi cung ứng đất hiếm kết nối tiểu bang Utah của Hoa Kỳ với thị trấn Sillamae ở Estonia. Việc chế tạo được thực hiện ở hai đầu của chuỗi cung ứng sẽ do hai công ty Neo Materials và Chemours đảm trách, cả hai hãng này đều có sự liên hệ khá gần gũi với Trung cộng. Neo là một công ty không phải của Trung cộng, nhưng công ty này thực hiện phần lớn hoạt động chế tạo và sản xuất ở Trung cộng.
Chemours, có ba cơ sở sản xuất tại Trung cộng, hai trong số đó là liên doanh với các đối tác Trung cộng. Theo China Daily, Chemours đang có những cuộc thảo luận với các công ty năng lượng quốc doanh của Trung cộng về khả năng hợp tác.
Việc sản xuất kim loại đất hiếm vô cùng phức tạp, đòi hỏi rất nhiều công đoạn và nhiều bên tham gia, đến nỗi không quốc gia nào có thể tự túc hoàn toàn được. Mặt khác, ĐCSTC đã cho thấy rằng họ sẽ cắt đứt nguồn cung cấp nếu các quốc gia khác có hành vi sai trái. Luật kiểm soát xuất cảng mới của Trung cộng sẽ áp dụng đối với kim loại đất hiếm, giúp ĐCSTC có quyền quyết định nhiều hơn về việc nước nào có thể sở hữu nguồn tài nguyên này và họ có thể nhận được bao nhiêu. Tất nhiên, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung cộng sẽ không bán đất hiếm cho các địch thủ của họ. Điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về vấn đề an ninh quốc gia.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung cộng. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung cộng, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung cộng của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung cộng” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung cộng.”
Antonio Graceffo _ Huệ Giao
Nguồn: BM
Nhận xét
Đăng nhận xét