Tú Lê, phụ nữ trẻ gốc Việt đầu tiên có cơ hội làm dân biểu Liên bang Úc
Tú Lê, phụ nữ trẻ gốc Việt đầu tiên có cơ hội làm dân biểu Liên bang Úc
Vào tháng 03/2021 vừa qua, trong cuộc họp báo tuyên bố kế hoạch về hưu và không tiếp tục tranh cử, dân biểu vùng Fowler, ông Chris Hayes đồng thời công khai ủng hộ Luật sư Lê Nguyên Tú (Tú Lê) ra tranh cử trong cuộc bầu cử liên bang Úc sắp tới.
Ông Chris Hayes hy vọng Luật sư Tú Lê sẽ ngồi chiếc ghế mà ông giữ an toàn trong suốt 16 năm qua. Cũng từ đó, tên tuổi Tú Lê xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông chính mạch lớn của Úc và càng được biết đến nhiều hơn bởi các cộng đồng sắc dân; và được ưu ái hơn trong cộng đồng người Việt Úc Châu nói riêng. Sau đây, mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện của giữa RFI Tiếng Việt và Luật sư Tú Lê.
RFI: Chào Tú Lê, trước hết, Tú Lê có thể giới thiệu đôi nét về mình
với quý khán thính giả của đài RFI Tiếng Việt ?
Luật Sư Tú Lê: Tú xin chào chị Hằng và quý vị khán thính giả của Đài Phát
thanh Quốc tế Pháp RFI. Tú sinh ra và lớn lên ở Úc. Như đa số các bạn cùng
trang lứa với mình, gia đình Tú đến Úc theo diện tị nạn sau năm 1975. Tú cảm
thấy may mắn được lớn lên, được học hành trong một đất nước đa văn hoá, có nền
giáo dục tốt, và có nhiều cơ hội để phát huy khả năng, cũng như học hỏi được
nhiều kinh nghiệm sống đã cho Tú đến vị trí như ngày hôm nay.
Về công việc, hiện tại Tú làm cho một Trung tâm Pháp lý Cộng đồng. Trong
vòng hai năm nay, Tú đã thành lập và điều hành một Dịch vụ dành cho những người
di dân bị ngược đãi tại nơi làm việc. Hiện tại, Tú đang thành lập một Dịch vụ
pháp lý để giúp đỡ nam giới bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, bao gồm cả nạn
nhân và thủ phạm (help both victims and perpetrators) thông qua chương trình
“Domestic Violence Response Pilot Program”. Ngoài ra, Tú đang hợp tác với các
Dịch vụ liên quan khác để cung cấp các Dịch vụ hỗ trợ toàn diện.
Về sinh hoạt cộng đồng, Tú là thành viên của Ban chấp hành Hội Luật Sư
Việt Úc (VALA). Tú đã từng là Tổng Thư Ký của Cộng đồng Người Việt Tự do New
South Wales (CĐNVTD-NSW), từ năm 2015-2017. Ngoài ra, Tú cũng là một Huynh
trưởng trong Gia Đình Phật Tử mà Tú đã sinh hoạt từ hồi bé đến nay.
RFI: Sau tuyên bố của ông Chris Hayes, dựa trên những giá trị nào để Tú
Lê quyết định dấn thân vào con đường chính trị chông gai này?
Luật Sư Tú Lê: Biết rằng con đường chính trị nhiều chông gai và thử thách,
tuy nhiên nếu mình không chấp nhận và đối mặt với nó, mình không thể đạt được
những gì mà mình mong muốn. Những gì Tú đã, đang và sẽ làm là nhằm góp phần vào
việc xây dựng một xã hội mà ở đó mọi người được có một cuộc sống công bằng và
bình đẳng hơn. Nghe có vẻ lớn lao, phải không chị?!
Trong bất cứ công việc gì, từ nghề nghiệp, tới cộng đồng hay tình
nguyện, Tú luôn mong tìm cách cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác,
nhất là đối với những người dễ bị tổn thương trong xã hội của chúng ta. Tú nghĩ
đây là cơ hội để đại diện cho cử tri và quyết định hay đưa ra những chính sách
nhằm ảnh hưởng đến xã hội. Đây là hướng đi giúp Tú có thể đạt được ý nguyện của
mình.
RFI : Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn của đài Vietface TV Úc
Châu, ông Chris Hayes đã trình bày lý do công khai ủng hộ Tú Lê là người kế
nhiệm ông: “Trong Đảng Lao Động có rất nhiều thành viên chứ không chỉ có
những đảng viên gốc Việt có quan tâm và hội đủ điều kiện đứng ra đại diện tranh
cử để thay thế tôi. Tuy nhiên, tôi mong Tú sẽ là người ngồi vào vị trí này.
Những năm về trước, Tú làm việc cho tôi trong vai trò điều phối chiến dịch
tranh cử. Tú đã góp phần mang lại thành công cho tôi. Trong quá trình làm việc,
tôi thấy được năng lực làm việc tích cực và tỉ mẩn của một phụ nữ trẻ tuổi như
Tú. Và trên hết, tôi chứng kiến khả năng làm việc để phục vụ cộng đồng của cô.
Tú không chỉ hỗ trợ cộng đồng người Việt mà còn hỗ trợ rất nhiều cho các cộng
đồng sắc dân khác trong vùng Western Sydney. Trước khi đại diện cho Đảng Lao
động ra tranh cử, Tú phải vượt qua cuộc tuyển chọn của nội bộ đảng như các ứng
viên khác theo cách thông thường. Do vậy, mỗi ứng viên đều phải thể hiện được
những năng lực và đóng góp của họ. Tuy nhiên, theo tôi, Tú hội đủ những tiêu
chuẩn để trở thành người đại diện đảng đứng ra tranh cử liên bang. Tôi đánh giá
cao những gì mà bản thân cô Tú thể hiện…” Đó là sự kỳ vọng mà ông
Chris Hayes dành cho Tú Lê. Tuy nhiên, chắc hẳn, không ít người khác sẽ hoài
nghi về một Lê Nguyên Tú xuất thân từ một gia đình tị nạn, một phụ nữ với tuổi
đời còn khá trẻ, và dĩ nhiên chưa có kinh nghiệm nhiều trong chính trường Úc
Châu. Tú có nghĩ những định kiến xã hội tưởng chừng như vô hình này sẽ là
rào cản hữu hình trải dọc trên hành trình mà Tú đang đi?
Luật Sư Tú Lê: Mọi người có quyền đánh giá người đại diện của họ và những người ra
ứng cử để đại diện cho họ. Tú nghĩ sự phê bình về những người lãnh đạo, không
chỉ về lời nói, hành động, mà cả đạo đức của họ là rất cần thiết. Đây là cách
mà chúng ta có thể giữ được tính trách nhiệm và sự trung thực của người lãnh
đạo.
Chúng ta đang sống
trong thời đại mà xã hội phải công nhận sự đóng góp to lớn của người phụ nữ, dù
xuất thân từ đâu. Nước Mỹ đã có một vị phó tổng thống da màu đầu tiên; Nữ
thủ tướng Phần Lan lên nhậm chức khi mới chỉ 34 tuổi. Trước Tú, đặc biệt là
những nữ lãnh đạo, họ đã vượt qua những rào cản và định kiến xã hội như vậy.
Thực tế, chúng ta đã thấy một số nữ dân biểu trong Quốc hội Liên bang Úc Châu.
Tuy nhiên, để đạt sự cân bằng giới trong Quốc hội cần nhiều thời gian. Sự thay
đổi là tất yếu, do vậy chúng ta cần nỗ lực để tạo ra sự thay đổi này.
Về tuổi tác, đã có
những người trẻ hơn Tú gia chính trường, vì vậy Tú nghĩ tuổi tác không phải là
một vấn đề lớn. Và không ai trước khi trở thành nghị viên mà đã từng có
kinh nghiệm làm công việc này. Kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống và cộng
đồng đã giúp Tú chuẩn bị cho cuộc hành trình này. Bên cạnh đó, để có sự đa dạng
về màu da và chủng tộc trong Quốc hội là cả một chặng đường dài. Bởi thực tế,
tại Úc Châu có khoảng 16% dân số là người Á Châu nhưng chỉ có vài người trong
Quốc hội.
Người ta thường nói,
“You can’t be what you can’t see", tạm dịch là “Bạn không thể là những
gì bạn không thể thấy", vì vậy cần có những người tiên phong đưa
đường. Tú hy vọng được trở thành người phụ nữ Úc gốc Việt đầu tiên trong Quốc
hội Liên bang. Và Tú cũng mong điều này sẽ trở thành hiện thực để khuyến
khích nhiều bạn trẻ gốc Việt tham gia chính trị và có thể đại diện cho cộng
đồng.
RFI: Việc có chạm được đến chiếc ghế dân biểu của chính trường liên bang
hay không là cả một quá trình của sự chứng tỏ năng lực bản thân, kêu gọi
sự ủng hộ và yểm trợ từ cá nhân, cơ quan, tổ chức và cộng đồng và trải qua
các bước tuyển chọn cạnh tranh. Tú Lê đang ở điểm nào của hành trình này?
Luật Sư Tú Lê: Kể từ khi Ông Chris Hayes tuyên bố sẽ về hưu, thì mọi người, từ nội bộ
của đảng Lao động đến công chúng đều biết nguyện vọng của Tú là mong được thay
thế ông. Trước khi được tuyển chọn làm người đại diện Đảng ra ứng cử, Đảng sẽ
tổ chức bầu ứng cử viên của Đảng từ địa phương hoặc từ trung ương tuyển chọn
(pre-selection). Hiện tại, do đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử liên bang đã bị
chậm trễ và có thể sẽ được tiến hành vào năm sau.
Tú may mắn là không
những được ông Chris Hayes ủng hộ, mà Lãnh tụ đảng Lao Động, ông Anthony
Albanese cũng ủng hộ Tú. Bên cạnh đó, mấy tháng vừa qua, Tú cũng được sự hỗ
trợ, cố vấn và hướng dẫn của vài dân biểu trong Đảng để chuẩn bị cho cuộc bầu
cử. Đồng thời, Tú vẫn tích cực sinh hoạt trong Đảng chi nhánh địa phương,
Ngoài ra, Tú đã được
mời phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Đảng Lao động toàn tiểu bang New South Wales
dành cho phụ nữ. Tú cũng có tổ chức một buổi gây quỹ nhỏ tại Cabramatta và nhận
được ủng hộ bằng sự hiện diện của lãnh tụ Đảng Lao động, ông Bộ trưởng đối lập
về Nghệ thuật và Quan hệ Công nghiệp, và Tổng thư ký một công đoàn.
RFI: Dù chưa đến vạch đích để biết thắng hay bại, nhưng đây được coi như
một cơ hội hiếm có, một kỳ vọng lớn của cộng đồng người Việt Úc Châu. Tú Lê là
người trẻ gốc Việt đầu tiên khai mở lối vào chính trường liên bang. Vậy Tú
Lê có chia sẻ gì đến các bạn trẻ, nhất là những bạn có xuất thân như Tú Lê?
Luật Sư Tú Lê: Nếu không tự tin, không dấn thân, mình sẽ không bao giờ thấy được kết
quả của những gì mong đợi. Đối với Tú, mặc dù chưa thể biết được thắng hay bại,
nhưng dù có thua, Tú nghĩ điều đó chưa hẳn đã là một sự thất bại. Bởi
vì mọi thử thách đều là một bài học, một kinh nghiệm để chúng ta đạt được
thành tựu trong tương lai. Vì kinh nghiệm là trường học không bao giờ tốt
nghiệp. Theo Tú, chúng ta - những người trẻ - nên tự hòa mình vào cuộc sống xã
hội. Là một người Úc gốc Việt, với phông văn hoá đa dạng, chúng ta nên hãnh
diện về những gì tốt đẹp mà chúng ta đang có. Ba mẹ đã dạy cho Tú: “Cái
răng cái tóc là gốc con người.”
Để đạt được mục đích,
mình nên học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, nhất là những người đi trước và sự
tự nỗ lực bản thân vượt qua mọi khó khăn. Và, nếu có bạn trẻ nào có quan tâm
đến chính trị, hãy mạnh dạn dấn thân. Nếu muốn có sự thay đổi và đa dạng trong
chính trị, phải có nhiều hơn những người từ các nguồn gốc khác nhau tham gia.
Cá nhân Tú chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ bé. Tuy nhiên, nếu chúng ta kết
hợp, chung sức với nhau thì sẽ đạt được những thành quả lớn hơn và tốt đẹp hơn
cho cộng đồng và xã hội.
<0><0><0>
Trong lịch sử 46 năm hình thành và phát triển cộng đồng người Việt Úc
Châu, Tú Lê là người đầu tiên có được cơ hội ngồi vào chiếc ghế chính trị
cấp liên bang. Con đường dẫn đến đích còn lắm thử thách, nhưng với cộng đồng
người Việt, dù thuộc đảng phái chính trị nào, thiết nghĩ cũng đều vui mừng và
tự hào với cơ hội mở ra con đường mà Tú Lê đang đi. RFI Tiếng Việt chúc Tú Lê
thành công và trở thành nữ dân biểu trẻ gốc Việt đầu tiên trong chính trường
liên bang Úc Châu.
Nhận xét
Đăng nhận xét