TIN VN - 28/09/2021

TIN VN - 28/09/2021

Đang thực hiện chỉ thị 16 nhưng nhà cầm quyền Đăk Lăk vẫn kéo quân đi cướp đất của dân



Ngày 20/9/2021, trang Facebook của Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết, mặc dù nhà cầm quyền tỉnh Đăk Lăk đang thực hiện chỉ thị 16 tại thành phố Buôn Ma Thuột cấm người dân ra đường, nhưng nhà cầm quyền tỉnh này lại tổ chức kéo quân đi cướp nhà, đất của người dân.



Trong đoạn video mà người dân quay lại vào sáng 20/9 cho thấy, đội quân cướp đất với lực lượng khá đông gồm cả đồng phục như công an, lẫn côn đồ mặc thường phục xông vào đánh người dân, đẩy cả phụ nữ và trẻ em ra khỏi nhà.


Một người phụ nữ là nạn nhân của sự việc cho biết, hai con chị đang học online thì bị nhà cầm quyền cúp điện, đẩy ra ngoài đường để cướp nhà đất. Trong video, hai đứa con của chị, một cháu thì đang mặc đồng phục tham gia lớp học bị đẩy ra đường đã khóc rất ai oán.

Theo luật sư Bình thì có một người dân bị đánh chảy máu mồm. Thông tin từ trang tạp chí Luật sư Việt Nam cho biết, nhà cầm quyền tỉnh Đăk Lăk đã thu hồi đất của người dân phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột để làm dự án quốc lộ 14, bùng binh Km5, quốc lộ 26. Tuy nhiên việc thu hồi đất lại không tuân theo luật pháp, không ra quyết định thu hồi và áp giá bồi thường, không tổ chức họp dân để lấy ý kiến về thu hồi đất, không hỗ trợ, không bồi thường cho người dân, không bố trí tái định cư cho người dân nhưng vẫn ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, ai oán, căm phẫn.

Và sau 11 ngày ra quyết định cưỡng chế để lấy nhà đất của người dân phường Tân An được 11 ngày, lợi dụng lúc người dân đang bị cấm ra khỏi nhà thì nhà cầm quyền tỉnh Đăk Lăk đã thực hiện lấy đất của người dân mà chưa giải quyết khiếu nại, tố cáo của họ.

An Nhiên

Nông sản Trung Cộng được tăng cường nhập cảng về Việt Nam trong khi hàng nội địa tràn ngập không được bán



Trong khi rất nhiều nông sản như rau củ, trái cây của nông dân Việt Nam đang ế ẩm, không bán được thì những mặt hàng này của Trung Cộng lại được ồ ạt nhập vào Việt Nam với khối lượng lớn (theo báo Thanh Niên hôm 21/9/2021).

Ông Đàm Văn Đua, Chủ tịch hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, một vựa rau lớn nhất huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, việc rau củ, trái cây của Trung Cộng được nhập nhiều vào Việt Nam đã khiến  giá bán của nông sản nội địa giảm như, giá mỗi kg củ cải vụ trước là từ 8,000 đồng đến 13,000 đồng, nhưng nay chỉ còn 5,000 đồng đến 6,000 đồng một kg.

Ông Nguyễn Văn Hồng, một tiểu thương tại chợ đầu mối Mê Linh cho biết, nếu những năm trước rau củ, trái cây từ Lâm Đồng và các tỉnh miền Nam được chuyển ra miền Bắc rất nhiều, thì năm nay do nhà cầm quyền chống dịch Covid-19 nên lượng hàng chuyển ra miền Bắc chỉ còn rất ít. Nhiều tiểu thương không mua được hàng trong nước nên phải chuyển qua mua hàng Trung Cộng.

Theo ông Hồng, hiện tại nông sản của Trung Cộng chiếm 70% trong các quầy hàng, còn hàng Việt Nam chỉ có 30%. Dữ kiện thống kê tại cửa qua đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành, tỉnh Lào Cai chỉ trong ngày 14 tháng 9 đã có đến hơn 350 xe chở rau, củ của Trung Cộng với số lượng khoảng 3,200 tấn đưa vào Việt Nam. Trong khi, lượng rau, củ Việt Nam xuất sang Trung Cộng chưa đến 200 tấn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các mặt hàng rau củ sản xuất trong nước, đặc biệt là phía Nam đang gặp khó khăn về lưu thông nên nhiều nơi rau củ bị bỏ hư thối trên đồng do nhà cầm quyền chống dịch. Điều này tạo cho cơ hội hàng Trung Cộng tràn vào chiếm lĩnh thị trường miền Bắc và miền Trung.

Theo ông Nguyên, hiện nhiều nông dân không còn mặn mà trồng trọt, nên đây là nguy cơ lớn dẫn đến thiếu hụt rau củ quả vào những tháng cuối năm.

An Nhiên


2.700 ngư dân trên biển Vũng Tàu đang trong tình trạng nguy cấp vì nhà cầm quyền chống dịch cấm tàu đi tiếp tế



Báo Tuổi trẻ ngày 19/9/2021 loan tin, hiện tại có 284 tàu cá chở gần 2.700 ngư dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang trong tình trạng nguy cấp vì nhiều tàu cá đã hết nước ngọt, hết gas nấu ăn, sắp hết dầu vì nhà cầm quyền tỉnh này thực hiện chỉ thị 16, cấm ngư dân ra biển, cấm các tàu trong bờ đi tiếp tế. Để duy trì được cuộc sống, các tàu đã phải mượn nước ngọt, và nguyên liệu của nhau trong thời gian chờ đợi tiếp tế.

Trước đó, vào ngày 25/8, nhà cầm quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có lệnh cấm không cho tàu cá trên địa bàn ra biển để tìm người nhiễm dịch đưa đi cách ly, nhằm phòng chống dịch. Vì vậy, 284 tàu cá đã ra biển trước ngày cấm đến nay đã được khoảng 1 tháng chưa thể vào bờ đã không được tiếp tế các vật dụng và dầu cho tàu chạy.

Trước tình trạng này, nhà cầm quyền thành phố Vũng Tàu đã đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, và nhà cầm quyền tỉnh cho phép 72 tàu dịch vụ hậu cần được ra biển để tiếp tế cho gần 300 tàu cá, đồng thời chuyển tải hải sản về đất liền. Tuy nhiên, nhà cầm quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đồng ý và đang ở trong giai đoạn xem xét.

Trong một diễn biến khác, cách đây khoảng 1 tuần nhiều ngư dân ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kéo nhau đi biểu tình đòi quyền ra biển mưu sinh vì bị nhà cầm quyền cấm biển suốt hơn 2 tháng qua để chống dịch. Đến ngày 19 tháng 9, báo Vnexpress cho biết, nhà cầm quyền địa phương đã cho phép ngư dân ra biển theo hình thức cấp thẻ cho đi đánh bắt hải sản theo ngày chẵn, ngày lẻ.

An Nhiên


Đại sứ Cộng sản Phạm Sanh Châu tại Ấn Độ ám chỉ thuốc Remdesivir về Việt Nam ‘đội giá chục lần’

Ông Phạm Sanh Châu, đại sứ cộng sản Việt Nam tại Ấn Độ, vừa đăng bài trên trang Facebook cá nhân về giá thuốc Remdesivir khi về Việt Nam khá đắt. Bên dưới bài đăng của ông Châu, một người dùng nhắc nhở vị đại sứ rằng “bài viết này dễ gây thù chuốc oán với Cơ Quan Quản Lý Dược”.

Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt “khẩn cấp” để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và từng được cựu Tổng Thống Donald Trump sử dụng khi bị nhiễm bệnh này. Theo báo Zing, đến nay gần 384.000 lọ thuốc Remdesivir được Bộ Y Tế phân bổ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 và Sở Y Tế tại một số địa phương.

Một bản tin của báo này cho biết tòa đại sứ  cộng sản Việt Nam làm việc với rất nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… và các doanh nghiệp này “cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều thuốc Remdesivir”.

Cũng theo báo Zing, do đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và gây ảnh hưởng đáng kể đến đời sống của người dân Ấn Độ hồi cuối Tháng Tư, chính phủ nước này ban hành lệnh cấm xuất cảng thuốc điều trị COVID-19. Quyết định này sau đó được nới lỏng thành lệnh hạn chế xuất cảng vào giữa Tháng Sáu.

Trước nghi vấn đội giá “hơn chục lần” thuốc Remdesivir, Việt Nam từng có tiền lệ về chuyện đội giá thuốc, nhất là những thuốc liên quan đến bệnh dịch hoặc đang khan hiếm trên thị trường.

CSVN ký thỏa thuận mua 10 triệu liều vaccine chống COVID-19 của Cuba

Vào hôm  20/09, Cuba đã đồng ý cung cấp cho cộng sản Việt Nam 10 triệu liều vaccine COVID-19 sản xuất trong nước có tên Abdala, sau khi Việt Nam phê duyệt khẩn cấp sử dụng loại vaccine này. Chính phủ cho biết, một thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới quốc đảo được cai trị bởi chế độ Cộng sản Cuba.

Truyền thông Cuba đưa tin, thỏa thuận ban đầu liên quan đến 5 triệu liều vaccine, nhưng Việt Nam đã cho phép mua tổng cộng 10 triệu liều. Vào thứ Bảy, Việt Nam trở thành quốc gia ngoại quốc đầu tiên phê duyệt sử dụng vaccine Abdala trong trường hợp khẩn cấp, mặc dù tổ chức y tế thế giới (WHO) chưa phê chuẫn loại vaccine này. Hiện tại, Cuba đang sử dụng vaccine Abdala cùng với vaccine Soberana 02 – một loại vaccine khác cũng được phát triển trong nước.

Venezuela cũng đã ký hợp đồng mua 12 triệu liều vaccine Abdala, trong khi Iran đang sản xuất vaccine Soberana 02 theo thỏa thuận. Argentina và Mexico cũng bày tỏ sự quan tâm đến vaccine của Cuba.

Vào tuần trước, Cuba bắt đầu tiến trình xin phê duyệt sử dụng vaccine Abdala và Soberana 02 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 2 loại vaccine này là hai loại vaccine chống COVID-19 đầu tiên được phát triển ở khu vực châu Mỹ Latin và vẫn chưa trải qua đánh giá khoa học quốc tế. Các nhà khoa học Cuba cho biết các liều vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng.


Nhà cầm quyền CSVN mua thêm 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Trung Cộng

Báo Vietnamnet ngày 22/9/2021 loan tin, Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ Cộng sản vừa ban hành Nghị quyết 110 cho phép mua 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Vero Cell của tập đoàn Sinopharm của Trung Cộng.

Phạm Minh Chính cũng đồng ý cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong thường hợp đặc biệt theo điều 26 luật Đấu thầu của nhà cầm quyền. Kèm theo là các điều kiện khác như chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm với các khiếu nại phát sinh liên quan đến vaccine hoặc sử dụng vaccine của Trung Cộng.

Chấp nhận thanh toán các điều khoản trong hợp đồng, chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Phạm Minh Chính giao cho bộ Y tế Cộng sản chịu trách nhiệm, và nhanh chóng tổ chức thực hiện mua vaccine của Trung Cộng để tiêm cho người dân.

Được biết, trước đó vào ngày 15/9, truyền thông loan tin, Tổng cơ quan Hải quan Cộng sản đã yêu cầu cơ quan Hải quan tại Sài Gòn kiểm nghiệm các lô vaccine Vero Cell của Trung Cộng vì hàm lượng kháng nguyên của các lô vaccine này trên giấy phép và trên phiếu kiểm nghiệm là khác nhau. Tuy nhiên, lúc này, hàng triệu liều vaccine Vero Cell đã được tiêm cho người dân rồi.


Người dân vùng biên giới Việt Nam dỡ bỏ hàng rào điện của Trung Cộng



Theo thông tin đài RFA nhận được, người dân ở khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam giáp ranh với vùng Quảng Tây, Tây Nam, Trung Cộng đã cắt đứt hàng rào kẽm gai do chính quyền Trung Cộng xây dựng gần đây dọc theo biên giới 2 nước dài 620 dặm.

Trong một video được đăng tải trên mạng xã hội Trung Cộng cho thấy cảnh sát thuộc Bộ Biên phòng cộng sản Việt Nam đã chứng kiến sự việc và quay lại video khi người dân địa phương dỡ bỏ các đoạn hàng rào biên giới gần cột mốc số 57.



Một học giả họ Ngô đến từ thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, cho biết đảng Cộng sản Trung Cộng cầm quyền gần đây đã xây dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn chặn người dân vượt biên. Ông chia sẻ, hàng rào ở biên giới Việt Nam là hàng rào điện khí hóa, trong khi họ đã gài mìn dọc biên giới với Myanmar.

Một thương gia họ Trương, người quen thuộc với tình hình khu vực cho biết sự phản đối của người Việt bắt nguồn từ sự nguy hiểm của hàng rào đối với tính mạng con người và động vật hoang dã. Ông nói rằng hàng rào sẽ làm gián đoạn cuộc sống chung của các nhóm dân tộc với các thành viên ở cả hai bên biên giới – những người đã quen với việc đi bộ qua lại giữa 2 nước để kinh doanh, hoặc thăm bạn bè và người thân.

RFA trước đó đưa tin rằng Trung Cộng đã ngừng cấp sổ thông hành mới cho công dân và áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất nhập cảnh với lý do biến thể Delta đang hoành hành, mặc dù các nhà bình luận cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng đại dịch này như một cái cớ để kiềm chế tự do đi lại.


Các công ty ồ ạt di chuyển chuỗi sản xuất khỏi Việt Nam nhằm cung ứng đủ hàng hóa cho mùa lễ mua sắm

Theo bà Ankiti Bose, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nhà cung cấp thời trang Zilingo, cho biết Việt Nam đã “hoàn toàn sụp đổ” vì các chính sách kiểm soát COVID nghiêm ngặt. Số ca nhiễm COVID gia tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đóng cửa một số nhà máy sản xuất quần áo và giày dép.

Bà Bose chia sẻ với CNBC rằng, đây là thời điểm thực sự không tốt cho Việt Nam. Các chuyến hàng trong mùa lễ cần phải được tiến hành ngay lập tức. Bà cho hay, các khách hàng đang tìm cách mở rộng không gian sản xuất của họ ở các quốc gia ngoài Việt Nam.

Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka và Indonesia trở thành những lựa chọn phù hợp khi các quốc gia này hiện đang hoạt động tốt về năng lực sản xuất. Do đó, Việt Nam có thể sẽ chịu thua lỗ nặng trong thời gian ngắn.

Theo Joyce Chang, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại JPMorgan, cho biết bất chấp chính sách kiểm soát dịch hà khắc, các trường hợp nhiễm COVID-19 mới của Việt Nam vẫn tăng cao và căng thẳng kinh tế vĩ mô đang lan sang lĩnh vực sản xuất.

Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG cho biết việc đóng cửa nhà máy đã gây ra các thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là ở các thành phố miền Nam như Sài Gòn, nơi một số công ty may mặc và giày dép sản xuất sản phẩm tại đây.

Chưa đến 10% nhà cung cấp của Zilingo ở Việt Nam nhưng do việc chuyên sản xuất sợi tổng hợp khó tìm thấy ở nơi khác đã khiến Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng. Tuy nhiên, Trung Cộng hiện là lựa chọn thay thế nhanh chóng về nguồn nguyên liệu này cho nhiều thương hiệu.


Nhà cầm quyền Cộng sản tại Sài Gòn thắc mắc: nộp cho ngân sách 330.000 tỷ đồng, xin lại 28.000 tỷ nhưng chỉ được xem xét 2.000 tỷ

Báo Tuổi trẻ loan tin, vào tối 23/9/2021, Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Cộng sản, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tại Thành Hồ cho biết, hiện kinh phí để chống dịch của thành phố đang rất căng thẳng, nhưng nhà cầm quyền Trung ương lại đang có thái độ làm ngơ, ngoảnh mặt.

Theo ông Ngân, trong 5 năm vừa qua, nhà cầm quyền thành phố thu thuế và chuyển về Trung ương Cộng sản 1,4 triệu tỉ đồng; riêng năm 2019 chuyển về khoảng 330.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm đều phải nộp cho ngân sách Trung ương 300.000 tỷ đồng, chiếm 27% nguồn ngân sách quốc gia. Vậy nhưng, khi Sài Gòn xảy ra dịch nặng, dự toán cần 38.000 tỷ đồng để chống dịch nên đề nghị xin nhà cầm quyền cấp Trung ương hỗ trợ gần 28.000 tỷ đồng, đến nay nhà cầm quyền Trung ương cân nhắc chỉ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng.

Dù không dám nói thẳng sự bất mãn, nhưng ông Ngân cho biết, nhà cầm quyền thành phố đã huy động mọi nguồn lực dự phòng, dự trữ chỉ được 10.800 tỷ đồng nên con số 2.000 tỷ đồng là quá khiêm tốn. Trong khi hiện tại các ngành sản xuất kinh doanh tại thành phố đều đang tạm ngưng hoạt động, nguồn thu ngân sách bị giảm sút mạnh nên nhà cầm quyền Trung ương cần xem xét, hỗ trợ cho nhà cầm quyền thành phố lúc khó lăm, ít nhất là có thể tạo ra cơ chế để nhà cầm quyền thành phố có thể xoay sở, tìm nguồn thu bù đắp.

Trước tình trạng các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch phản ánh không nhận được hỗ trợ của nhà cầm quyền, thậm chí tiền lương còn chậm được nhận, có người còn bị trừ không còn đồng lương nào vì bị đưa đi cách ly thì bà đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị ngành y tế triển khai hỗ trợ cho người làm tuyến đầu chống dịch.

An Nhiên

Việt Nam đặt ‘quan tài giấy’ từ Sri Lanka trong lúc tử vong vì Covid-19 tăng cao



Truyền thông Sri Lanka hôm 24/9 cho biết hai container chứa 1.200 quan tài bằng giấy carton mà Việt Nam đặt hàng vừa được vận chuyển về Việt Nam, giữa bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 bùng phát kiến cho số ca tử vong tại Việt Nam tăng đột biến và cao hơn cả tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên thế giới.

Tờ Daily Mirror cho biết hợp đồng mua quan tài giấy là kết quả của cuộc thảo luận giữa tòa đại sứ cộng sản Việt Nam tại Sri Lanka, công ty Sangnayake Thero của Sri Lanka tại Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng thành phố Dehiwala-Mt.Lavinia của Sri Lanka. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đặt hàng mua quan tài giấy của Sri Lanka. Hợp đồng diễn ra giữa bối cảnh số ca tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam tăng cao kể từ đợt dịch bắt đầu từ cuối tháng 4.

Theo thông tin từ Bộ Y tế cộng sản Việt Nam, cho tới nay, đã có hơn 18.200 người tử vong tại Việt Nam vì COVID-19, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Những chiếc quan tài giấy có giá khoảng 5.000 Rupee đã giúp cho thân nhân các nạn nhân COVID-19 tiết kiệm 5-7 lần chi phí. Ngoài ra, theo người sáng lập dự án của Sri Lanka, để làm một chiếc quan tài bằng gỗ, cần phải chặt đi 2 cây xanh. Do đó, việc sử dụng quan tài giấy ngày càng phổ biến ở Sri Lanka đã giúp nước này cứu hàng ngàn cây xanh và góp phần bảo vệ môi trường.

Fanpage ‘Save Tam Đảo’ biến mất khỏi Facebook



Theo bản tin của RFA, Fanpage ‘Save Tam Đảo’ (STĐ) tại địa chỉ facebook.com/savetamdao.vn đã biến mất khỏi Facebook vào ngày 24/9. ‘Save Tam Đảo’ là chiến dịch bảo vệ Vườn Quốc gia Tam Đảo khỏi sự đe dọa của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng của tập đoàn Sun Group.

Dự án có tên ‘Khu Du lịch Sinh thái Tam Đảo 2 – Bến Tắm – Thác 75’, được khởi công vào tháng 12/2016, bao gồm các hạng mục chính như công viên, vườn thực vật, triển làm nghệ thuật, các khu vui chơi giải trí, các khu du lịch tâm linh. Mặc dù dự án được khởi công cách đây 5 năm, nhưng báo cáo đánh giá tác động của môi trường, nếu có, không hề được công bố.

Trong khi đó, các thông tin và hình ảnh được đăng trên fanpage ‘Save Tam Đảo’ cho thấy các tác động xấu về môi trường của dự án này. Sự biến mất của ‘Save Tam Đảo’ khỏi Facebook là điều đã được dự đoán, khi fanpage này bị khóa vài lần gần đây, mà một nguyên nhân, theo Green Trees, là một hình ảnh Vườn Quốc gia Tam Đảo trên fanpage cho thấy sự cố sạt lở và rửa trôi đất từ việc san ủi con đường vào dự án.

Sự biến mất của ‘Save Tam Đảo’ khỏi Facebook cho thấy các hoạt động bảo vệ môi trường trên không gian mạng đã, đang và sẽ còn bị ngăn chặn bởi những bàn tay thô bạo, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến các nhóm lợi ích, và các chiến dịch bảo vệ Tam Đảo nói riêng và môi trường nói chung còn những chặng đường rất dài phía trước.


Mưa lũ ở miền Trung làm ít nhất 6 người chết và nhiều ngôi nhà bị ngập


Truyền thông trong nước loan tin, từ đêm 25/9 đến 26/9, mưa to đã xảy ra tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khiến 6 người tử vong, trong đó có 3 cha con và một phụ nữ đang mang bầu. Mưa lũ cũng khiến nhiều ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều tài sản bị cuốn trôi và hư hại.

Theo báo Tuổi trẻ, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Nghệ An, nhiều khu dân cư bị ngập sâu trong nước từ 0,5 mét đến 1,2 mét. Tính đến ngày 26,  tại Nghệ An đã có 1 người tử vong và 3.380 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị thiệt hại. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, nước lũ dâng cao rất nhanh nên người dân đã phải bỏ nhà cùng tài sản lại để đi tìm nơi cao hơn tránh lũ.

Sau cơn mưa lớn dài ngày, sáng 26/9 khu vực trung tâm huyện Quỳnh Lưu bị chia cắt bởi nước lũ lên nhanh (ảnh: BaoNgheAn/Dân Trí)


Bà Đinh Thị Xuyến, ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, gia đình nhà bà mới thu hoạch lúa nhưng đã bị nước mưa lũ nhấn chìm, toàn bộ gà trong chuồng nhà bà cũng không còn con nào. Bà Xuyến kể, đây là lần đầu tiên bà thấy mưa lũ lớn như hai ngày qua, hai người con của bà phải chạy sang nhà hàng xóm trú tạm.

Theo người dân, ngoài mưa lớn thì việc các đập thuỷ điện, thủy lợi xả nước đã khiến cho nước lũ tràn về và dâng cao rất nhanh, làm cho người dân không kịp trở tay trong việc bảo vệ tài sản. Ông Nguyễn Xuân Dinh, phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu cho biết, đến sáng 27, nước đã rút khoảng nửa mét so với ngày hôm qua, nhưng vẫn còn hơn 3,000 ngôi nhà vẫn còn ngập nước.

An Nhiên

Giá bộ test mua ở ngoại quốc chỉ 35.000 nhưng giá test nhanh của bộ y tế gần 200.000 đồng một test

Báo Thanh niên ngày 27/9/2021 loan tin, tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Cộng sản với cộng đồng công ty và các địa phương, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, giá một Bộ test Covid-19 mua ở ngoại quốc chỉ 1,5 Mỹ kim tương đương khoảng 35.000 đồng Việt Nam. Và nếu tính toàn bộ chi phí từ kho bãi và các chi phí khác tại Việt Nam thì giá mỗi bộ cũng chỉ mất khoảng 50.000 đồng.

Trong khi đó, hiện tại các tỉnh, thành trên cả nước đang phải đấu thầu mua mỗi bộ test với giá từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng. Còn theo vụ Trang thiết bị- Công trình y tế thuộc bộ Y tế Cộng sản thì tính đến trước ngày 20/8 đổ về thì giá test nhanh khoảng 100.000 đồng đến 198.000 đồng một bộ test. Nhưng từ ngày 25/9 đến nay thì giá được điều chỉnh ở mức chỉ còn 20.000 đồng đến 70.000 đồng một bộ test.

Ông Anh đề nghị Thủ tướng Cộng sản nên lưu ý đến vấn đề trên vì rất lãng phí tiền, và nếu mua các bộ test theo giá của ông Anh nói thì có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách.

Trước thông tin của ông Anh, người đứng đầu vụ Trang thiết bị - Công trình y tế cho biết, giá các bộ test xét nghiệm do công ty tự công bố và chịu trách nhiệm, bộ Y tế không kiểm soát giá thiết bị y tế do chưa có quy định. Tuy nhiên, theo thông tin từ Facebook Tâm Trần Nguyễn, trong thời gian qua, bộ Y tế Cộng sản đã mua lại của Vingroup hơn 84 triệu bộ test xét nghiệm.

Đây cũng là nguyên nhân  bộ Y tế Cộng sản bắt dân vùng dịch cứ 2 đến 3 ngày phải đi xét nghiệm 1 lần, và cũng là nguyên nhân khiến giá bộ test tăng cao. Vì họ nghi ngờ giữa bộ Y tế Cộng sản và Vingroup có “bắt tay” với nhau.

An Nhiên

Nguồn SBTN.TV


Nhận xét

Bài được quan tâm