VÀI Ý NGHĨ VỀ NHÂN VẬT THIỀU CHỬU

VÀI Ý NGHĨ VỀ NHÂN VẬT THIỀU CHỬU

Tác giả: HỚN CHIÊU - TUYẾT MAI

Nhân vật “THIỀU CHỬU” ( ,  còn đọc “điều trửu”, nghĩa thông thường là “cây chổi bằng bông lau”) trước năm 1975 chỉ được biết là tác giả cuốn HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN và những quyển sách dịch kinh Phật giáo. Từ ngày có internet, ông được biết đến khá rộng rãi, chỉ cần tìm trên Google ta có ngay 45.600 kết quả trong nửa giây. Không kể độc giả miền Nam vì thiếu thông tin thời “kháng chiến” nên không biết nhiều hơn cuộc đời của một học giả nghiêm cẩn, chu đáo khi làm tự điển; những người quan tâm đến văn hóa, văn học ngoài Bắc cũng không thể biết nhiều hơn về ông. Vì sao? Có lẽ vì lý do ông tự trầm do bị đội cải cách ruộng đất vu oan là địa chủ và bị mắng nhiếc, làm nhục. “Vụ tự vẫn bi thảm đó đã bị một số người lợi dụng để phủ bóng đen lên quá khứ sáng ngời của Thiều Chửu. Nhiều năm sau không ai dám nhắc đến ông nữa.

Cuối thập niên 1960, bài vị và ảnh của ông trong chùa Quán Sứ bỗng dưng biến mất. Một số quan chức xưa kia từng cùng ông hoạt động trong Hội Tế Sinh, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Phật giáo Bắc kỳ, ngay cả một thầy giáo được ông thuê dạy học các em Tế Sinh liền nhiều năm trời… đều phủ nhận sạch trơn mối quan hệ với ông. Cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn có người thân còn ngại việc minh oan cho ông sẽ ảnh hưởng xấu tới tiền đồ con cháu họ! Thật khó hiểu vì sao con người trở nên sợ hãi đến thế?” (Tác giả Nguyễn Hải Hoành, xem thêm: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha: Bi kịch của một vị Bồ Tát, P1 và P2).

Bài này tôi có ý nghĩ nhỏ về hai sự việc liên quan đến Thiều Chửu, một nhà văn hóa, nhà báo, dịch giả, cư sĩ Phật giáo, chí sĩ yêu nước, nhân tài xuất chúng, một vị bồ tát tại thế, một “dân oan” (nói theo ngôn ngữ hiện nay).


1- Thiều Chửu là tác giả biên soạn (Thiều Chửu ghi khiêm nhường là “biên tập”) cuốn HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN, tự tay in ấn và xuất bản đầu tiên vào năm 1942 tại Hà Nội (Nhà in ĐUỐC-TUỆ). Trong “Mấy lời nói đầu” bản in đầu tiên, tác giả cho ta biết sự khó khăn khi biên soạn và in ấn tác phẩm này như thế nào, trong tình trạng ngành in còn sơ khai, thiếu thốn. Tác giả phải mất hơn một năm mới in xong phần Bị yếu (備要 tạm dịch: phần cốt yếu đầy đủ, không có phần tra chữ Hán Việt theo mẫu tự ABC). 


Nếu không có “tâm” (nói theo ngôn ngữ hiện nay), có chí, kiên nhẫn, chăm lo cho sự phát triển của Phật giáo, của văn hóa, tiền đồ của đất nước, như Thiều Chửu, thì quyển tự điển Hán Việt đầu tiên của nước ta khó hình thành và trở thành tác phẩm có giá trị cho đến ngày nay. Theo Nguyễn Hải Hoành (sđd), cuốn HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN (tác giả ghi nhầm “Tự điển Hán Việt”) của Thiều Chửu được tái bản mấy lần tại Sài Gòn, tới nay đã tái bản mấy chục lần, rất được hoan nghênh”. 


Tôi rất lấy làm tiếc, những lần tái bản sau khi nhà in Hưng Long “tái bản lần thứ hai, có thêm mục lục 92 trang tra theo mẫu tự” năm 1966, những người chủ trương “tái bản mấy chục lần” (theo NHH, sđd) đã không cho in lại MẤY LỜI NÓI ĐẦU của tác giả, để những người hậu học thấy được việc làm công phu, khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức của Thiều Chửu. Nay tôi kèm theo bài viết này phần thiếu thốn ấy, xin các bạn bỏ chút thời giờ quý báu đọc kỹ để biết được công lao của người xưa. (các ảnh 1,2,3,4,5,6 dưới đây)


2- Về cái chết của Thiều Chửu: Trong trang web https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiều­Chửu có ghi rõ: “Năm 1945, ông được Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội… Trong cải cách ruộng đất năm 1954, ông bị đấu tố là địa chủ và sau đó tự tử.

Tiếp theo trong phần “Tuổi thơ” (của Thiều Chửu) thì nói rõ ông kể "Nhà nghèo quá, chị em tôi 7-8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng". 16 tuổi, Hữu Kha (Thiều Chửu) một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí đi ăn xin. Hai năm trời cực nhục ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật.

Thiều Chửu “xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo”, vậy mà “Trong Cải cách ruộng đất, ông bị đội cải cách ruộng đất ở xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, … quy là địa chủ và bị đội xỉa xói mắng nhiếc nhiều giờ, vu cho đủ các tội ác, dùng những lời nói khinh bỉ hà khắc. Bị vu cáo, … Thiều Chửu thức trắng đêm viết thư tuyệt mệnh gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh,… và viết lời kết bản Tự bạch (cũng gửi Hồ chủ tịch)…” trước khi tự trầm vào ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ (ngày 15 tháng 7 năm 1954) tại Sông Cầu chỗ đập Thác Huống, thuộc xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Chúng ta lưu ý mấy điểm sau:

a) Vì sao Thiều Chửu xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo, mà bị quy là địa chủ? 

b) Tài liệu (vi.wikipedia.org đã dẫn) cũng cho biết: “Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong chính phủ Lâm thời, nhưng ông từ chối để tiếp tục việc giảng dạy cho các lớp Phật giáo, cùng Cô nhi, để theo con đường tu trì lợi tha mà mình đã chọn.” Nếu ông đồng ý tham chính, thì có bị quy là địa chủ không?

c) Cái chết của Thiều Chửu không giống cái chết của bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), nhưng nguyên nhân chắc không khác nhau.

d) “Thư tuyệt mệnh (của Thiều Chửu) gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bản tự bạch có hay không? Nếu có sao không thấy những thành viên trong chính phủ lúc ấy và mãi đến bây giờ đề cập?

đ) “Đội cải cách ruộng đất ở xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên” chỉ là một bọn tay sai dốt nát. Ai chịu trách nhiệm cao nhất về cái chết bi hùng, oan ức của một tu sĩ tại gia, một bồ tát giữa đời thường?

e) Những người “gọi là phản tỉnh” hiện nay đều có công bố, công khai một số trường hợp về những cái chết oan ức, về sai lầm của “cải cách ruộng đất” năm 1954; vả lại đã gần 70 năm qua sao vẫn chưa “bạch hóa” sự việc liên quan đến một nhà văn hóa nổi tiếng như Thiều Chửu.

HỚN CHIÊU - TUYẾT MAI 







Nhận xét

Bài được quan tâm