Vẫn trò chơi đổ lỗi

 

Vẫn trò chơi đổ lỗi

Tác giả: KÝ THIỆT

Trong cuộc điều trần của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày13 tháng 9 vừa qua trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, các dân biểu Cộng Hòa đã gay gắt chỉ trích Tổng thống Joe Biden và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vụ tháo chạy hỗn loạn ra khỏi Afghanistan trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, đưa đến chiến thắng chớp nhoáng của phiến quân Taliban.

 


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Dân biểu Michael T. McCaul, một thành viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa trong ủy ban, đã đay nghiến ông Blinken như sau:

Thưa ông ngoại trưởng, nhân dân Mỹ không thích bại trận - đặc biệt là thua bọn khủng bố. Nhưng việc đó đã xảy ra đúng như vậy. Cuộc rút chạy này đã mở đường cho Taliban – một nhóm khủng bố chính hiệu – bây giờ được trang bị với nhiều vũ khí của Mỹ hơn tất cả mọi quốc gia trên thế giới.

Các dân biểu Cộng Hòa hàng đầu khác cũng đã gay gắt chất vấn ông Blinken về việc đã bỏ rơi lại Afghanistan công dân Mỹ và những đồng minh A-Phú-Hãn, mặc dầu đã có những lời hứa trái ngược được lặp đi lặp lại và về việc đã bỏ ngỏ quá sớm những căn cứ, doanh trại quan yếu của Hoa Kỳ, thí dụ như Phi trường Bagram.

Nhưng, trong mắt những người đảng Dân Chủ thì chính quyền Biden đã tiến hành cuộc triệt thoái ra khỏi Afghanistan một cách đáng ca ngợi sau khi bị ông Trump và ông Pompeo trói chân bằng cái thỏa hiệp với Taliban ký vào tháng 2 năm 2020 đã mở đường cho một cuộc triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan.

Dân biểu Brad Sherman, Dân Chủ - California, nói rằng “thật là đáng kinh ngạc nó đã không tệ hại hơn, tệ hại hơn rất nhiều” và ông ta bảo rằng không thể nào ra khỏi Afghanistan một cách êm thắm sau 20 năm chiến tranh.

Ông Blinken xác nhận ít nhất có 100 người Mỹ muốn ra khỏi Afghanistan còn kẹt lại, và có quan ngại gia tăng rằng Trung cộng có thể đã được Taliban thỏa thuận cho nắm quyền kiểm soát sự điều hành tại Bagram.

Ông Blinken ca ngợi các viên chức Bộ Ngoại Giao làm việc suốt ngày đêm để đưa công dân Hoa Kỳ và đồng minh A-Phú-Hãn qua những cái cổng tại phi trường ở Kabul, kể cả đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bom tự sát của quân khủng bố ISIS-K đã giết chết 13 quân nhân Mỹ và hơn 160 người A-Phú-Hãn. Ông Blinken nói rằng Washington sẽ tiếp tục làm việc để đưa những người Mỹ và thông dịch viên A-Phú-Hãn ra khỏi Afghanistan.

Ông ngoại trưởng lặp lại nhiều lần rằng những chính sách của ông Trump đã trói tay chính quyền của ông Biden. Xuất hiện trên màn ảnh truyền hình trực tiếp thu hình từ văn phòng của ngoại trưởng tại Bộ Ngoại Giao, ông Blinken nói:

Khi Tổng thống Biden nhận nhiệm sở vào tháng giêng, ông ấy đã thừa hưởng một cái thỏa hiệp mà người tiền nhiệm đã đồng thuận với Taliban để triệt thoái tất cả quân lực Hoa Kỳ còn lại ra khỏi Afghanistan trễ lắm là vào ngày 1 tháng 5 năm nay. Vào tháng 1, 2021, Taliban ở vào lợi thế quân sự mạnh nhất kể từ ngày 11 tháng 9, và chúng ta có quân số trên bộ nhỏ nhất kể từ năm 2001. Chúng tôi thừa hưởng cái kỳ hạn chót. Chúng tôi không thừa hưởng một kế hoạch.” Ông Blinken bỏ qua sự kiện Tổng Thống Biden đã tự ‎ý quyết định dời hạn chót để rút quân tới ngày 31 tháng 8. Thực ra, chính quyền Trump đã ký một thỏa hiệp với Taliban vào tháng hai 2020 cho một cuộc rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Afghahistan có điều kiện để đổi lại sự bảo đảm an ninh của Taliban. Những người chỉ trích đã vặn hỏi ông Biden và ông Blinken sao không sửa đổi cái thỏa hiệp đó một khi sự thật hiển nhiên cho thấy Taliban không có ý định thi hành những điều đã cam kết, trong đó đáng chú ý nhất là cam kết chấm dứt tất cả liên hệ với các tổ chức khủng bố, như al Qaeda.

Những người này nói rằng cho dù chính quyền Biden gắn bó với lịch trình rút quân, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng cũng nên có sẵn một kế hoạch tốt hơn để đưa người Mỹ và đồng minh A-Phú-Hãn ra khỏi nước này một cách nhanh chóng – và ai đó phải chịu trách nhiệm về sự thiếu chuẩn bị này.

Tới đây, Dân biểu Joe Wilson, Cộng Hòa – South Carolina, nói thẳng với Ngoại trưởng Blinken: “Ông nên từ chức đi !

Nhưng, ông Blinken được sự hậu thuẫn của các dân biểu đảng Dân Chủ, nhất là Dân biểu Gregory W. Meeks, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, tiếp tục đổ tội cho cựu Tổng thống Trump.

Dân biểu Meeks nói: “Thỏa hiệp của Trump đã buộc chính quyền Afghanistan phóng thích 5 ngàn tù nhân và hứa hẹn cho Taliban sự hợp pháp quốc tế.

Sự cáo buộc ấy tức thì đưa đến phản ứng trực tiếp của ông Trump qua một bản tuyên bố được phổ biến vào chiều ngày 13 tháng 9 trong khi ông Blinken còn đang điều trần trước ủy ban. Bản tuyên bố có đoạn như sau:

Chính quyền Afghanistan bất lực do Ghani lãnh đạo đã phóng thích 5,000 tù nhân – chứ không phải chính quyền Trump.

Ngoại trưởng Blinken đang làm mọi điều trong quyền hạn của ông ta để tiến hành một cuộc triệt thoái vụng về nhất trong lịch sử. Bây giờ, trên tất cả mọi chuyện khác nữa, hàng tỉ đô-la sẽ phải trả cho Afghanistan để giúp kéo dài vụ này. Cái gọi là những nhà lãnh đạo quốc gia của chúng ta đều đã trở nên điên khùng.

” Vào giờ chót của buổi điều trần không khí đã trở nên sôi động khi Dân biểu Brian Mast, Cộng Hòa – Florida, chất vấn ông Blinken về bản sao cuộc điện đàm cuối cùng của ông Biden với ông Ghani, Tổng thống Afghanistan, diễn ra vào tháng 7. Bản văn này đã bị tiết lộ, trong đó ông Biden được cho là đã thúc đẩy ông Ghani “thay đổi nhận thức” về sự thất bại của lực lượng an ninh của Afghanistan chống lại cuộc tấn công của quân Taliban. Ông Mast hỏi ông Blinken: “Việc ấy có thật hay không?” Nguyên văn tạm dịch như sau:

Thưa ông ngoại trưởng, như phiên bản, ‘phiên bản đã bị tiết lộ’ mà ông nói đến, Tổng thống Biden đã làm việc với tên tổng thống hèn nhát đã đào thoát của Afghanistan để tráo đổi tin tình báo về Taliban?

Ngoại trưởng Blinken đáp:

Những gì ông tổng thống đã nói với Tổng thống Ghani khi ấy trong chỗ riêng tư đúng như những gì ông ấy đã nói nơi công cộng, rằng vấn đề không phải là Afghanistan có khả năng đương đầu với quân Taliban hay không. Vấn đề là nó có ý chí và kế hoạch để làm như vậy hay không.

Tóm lại, cũng chỉ là những câu trả lời mà không trả lời gì cả, kiểu “đấm bùn sang ao”, như diễn tả tài tình của ngôn ngữ bình dân Việt Nam.

Ngày hôm sau, 14 tháng 9, một lần nữa, ngoại trưởng Blinken lại có một buổi điều trần khác trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Lần này đích thân ông Blinken bằng xương bằng thịt đã xuất hiện trước ủy ban để trả lời những câu hỏi của các nghị sĩ đảng Cộng Hòa, không phải qua màn ảnh truyền hình như ngày hôm trước.

Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã luân phiên công khai hỏi ông Blinken có phải Tổng thống Biden thực sự là người đưa ra những quyết định về Afghanistan và về chính sách đối ngoại của Mỹ nói một cách rộng rãi hơn? Họ dẫn chứng nhiều trường hợp trong đó các viên chức Tòa Bạch Ốc dường như đã cắt đứt giữa những cuộc điện đàm của ông tổng thống mà họ cho rằng có kẻ nào đó trong chính quyền mới là người nắm thực quyền trong Tòa Bạch Ốc.

Ông Blinken đã thẳng thừng bác bỏ những lời cáo buộc này, và cũng như ngày hôm trước, ông ngoại trưởng đã cùng các nghị sĩ đảng Dân Chủ ở Thượng Viện xoay ngược sự cáo buộc về phía cựu Tổng thống Trump, người đã ký cái hòa ước với Taliban vào tháng 2.2020, mở đường cho việc rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ông Biden đã chỉ làm theo những điểm chính của bản thỏa hiệp và rút hết quân Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã không chấp nhận luận cứ của ông Blinken và các viên chức khác bảo rằng không ai có thể tiên liệu được chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn với một lực lượng 300 ngàn quân đã sụp đổ mau lẹ và dễ dàng.

Một số nghị sĩ Cộng Hòa nói rằng Hoa Kỳ nên ở lại trừng phạt Taliban khi Taliban vi phạm thỏa hiệp tháng 2/2020 với chính quyền Trump, tiến chiếm phần lớn lãnh thổ Afghanistan, thì thay vì rút quân trong hỗn loạn.

Theo tường thuật trên báo chí, Nghị sĩ Marco Rubio, Cộng Hòa – Florida, đã nói như sau:

Nếu sự thật những người có trách nhiệm về chính sách ngoại giao của chúng ta đã không nhìn thấy những yếu tố này và kết luận rằng có khả năng thực sự của một cuộc sụp đổ rất nhanh chóng thì chúng ta có những người ngồi không đúng chỗ đang làm những quyết định về quân sự và ngọi giao trong chính quyền chúng ta.

Nhưng ông Blinken đã giữ vững lập trường, tiếp tục biện hộ cho cuộc tháo chạy cuồng loạn bằng không vận ra khỏi Kabul diễn ra trước mắt thế giới, và đổ lỗi cho chính quyền Afghanistan về phần lớn của sự hỗn loạn. Ông nói:

Cuộc di tản khẩn cấp ấy đã diễn ra do sự sụp đổ của lực lượng an ninh và chính quyền Afghanistan. Ngay cả những đánh giá bi quan nhất cũng không thể tiên đoán quân lực của chính quyền tại Kabul sẽ sụp đổ trong khi quân đội Hoa Kỳ còn đang có mặt tại đây.

Ông Blinken cũng đã phải đối mặt với những câu hỏi về tình huống trong đó chính quyền Hoa Kỳ có thể sẽ chính thức nhìn nhận và làm việc với chính quyền Taliban mới tại Afghanistan. Đang có những quan ngại rằng Taliban lại sẽ dung dưỡng những tổ chức khủng bố như bọn al Qeada, mặc dù “bộ trưởng ngoại giao” của Taliban nói với các phóng viên báo chí tại Kabul ngày 14 tháng 9 rằng sẽ “không cho phép bất cứ người nào hay nhóm người nào dùng đất của chúng tôi để chống lại những quốc gia khác”.

Chính quyền Taliban bây giờ ở trong số những lực lượng chiến đấu được trang bị hùng hậu nhất trong vùng, nhờ kho vũ khí của Hoa Kỳ bỏ lại và những quân xa chiếm đoạt được khi các lực lượng tác chiến Mỹ hối hả ra đi.

Nghị sĩ Rand Paul, Cộng Hòa – Kentucky, nói: “Không bao giờ trong những cơn ác mộng đáng sợ nhất tôi có thể tưởng tượng một chính quyền có thể bỏ 80 tỉ đô-la vũ khí cho Taliban.

Nghị sĩ Paul và các nghị sĩ Cộng Hòa khác cũng còn quạt chính quyền Biden về việc đã bỏ ngỏ phi trường quân sự Bagram ở phía Bắc Kabul trước khi hoàn tất rút quân. Ông Blinken đã không trực tiếp liên hệ tới quyết định ấy mà là do quyết định của các cấp chỉ huy quân sự tại Ngũ Giác Đài, vậy mà trong cuộc điều trần ngày 14 tháng 9 lại không có mặt ông tướng nào, kể cả Tướng Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng, để… đổ lỗi cho ai – hay cũng lại chỉ tay vào ông Trump. Trăm dâu đổ đầu tằm!

Ngay đến cả Nghị sĩ Robert Menendez, Dân Chủ - New Jersey, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao, cũng tỏ ra thất vọng và lên tiếng than phiền:

Tôi rất thất vọng Bộ trưởng Austin đã từ chối yêu cầu của chúng tôi tới điều trần đối chất ngày hôm nay. Một cuộc kiểm thảo đầy đủ về đáp ứng của Hoa Kỳ đối với cuộc khủng hoảng này không thể hoàn tất mà không có mặt Ngũ Giác Đài, đặc biệt là khi tìm hiểu về sự sụp đổ toàn diện của quân đội Afghanistan do Hoa Kỳ đào tạo và tài trợ.

Quyết định của ông Austin không hiện diện trước ủy ban sẽ ảnh hưởng tới sự phán xét của riêng tôi đề cử của Bộ Quốc Phòng. Tôi trông đợi ông bộ trưởng sẽ tự sắp xếp để hiện diện trước ủy ban trong tương lai gần. Nếu không, tôi sẽ phải cứu xét tới việc dùng quyền xuất trát đòi (subpoena power) ông ấy và những người khác tới đối chất trước ủy ban.

Ông Austin và những người khác có đối chất hay không đối chất thì cũng sẽ lại chẳng đi tới đâu. Không đi đến đâu cả, không có ai từ chức và cũng không có ai phải chịu trách nhiệm về cuộc tháo chạy nhục nhã của siêu cường Hoa Kỳ, và về số phận của hàng trăm người Mỹ và người A-Phú-Hãn đã hợp tác với người Mỹ bị bỏ lại, bây giờ nằm trong tay phiến quân Taliban mà phần chắc là sẽ trở thành những con tin, số phận tùy thuộc vào “tình thương” của những kẻ coi mạng người như cỏ rác và tùy theo số đô-la của dân đóng thuế mà chính quyền Biden sẽ phải trả để chuộc mạng họ.

Chưa hết, tờ New York Times ra ngày 17 tháng 9 loan tin Ngũ Giác Đài đã nhìn nhận cuộc oanh kích bằng một chiếc “drone” (máy bay nhỏ không người lái) ngày 29 tháng 8 trước khi quân đội Mỹ rút ra khỏi Afghanistan là một lỗi lầm thảm khốc đã giết chết 10 thường dân, trong đó có bảy trẻ em, mà sau đó nói là “cần thiết để ngăn ngừa một cuộc tấn công vào quân đội”.

Chất nổ mà quân đội nói là chứa trong thùng sau của một chiếc Toyota du lịch màu trắng đã trúng một hỏa tiễn Hellfire do chiếc “drone” phóng ra có thể chỉ là những chai nước uống, và một tiếng nổ thứ hai trong sân của một khu xóm đông dân cư ở Kabul nơi cuộc không kích xảy ra có thể là do chất “propane”.

Quốc Hội lại đang muốn một cuộc điều trần từ Ngũ Giác Đài. Trong khi đó các viên chức cao cấp ở Ngũ Giác Đài thú nhận rằng người lái chiếc xe, Zemari Ahmadi, một nhân viên lâu năm của một nhóm hợp tác với Hoa Kỳ, không liên hệ gì tới tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS.

Tướng Kennth F. McKenzie Jr., đứng đầu Bộ Chỉ Huy Trung Ương Hoa Kỳ, nói với các phóng viên báo chí ở Ngũ Giác Đài: “Tôi gửi lời phân ưu sâu xa tới gia đình và bạn hữu của những người đã tử thương trong vụ này.” Ông tướng nói rằng vụ oanh kích đã được thi hành “trong sự tin tưởng sâu xa” rằng ISIS đang sắp sửa tấn công phi trường Kabul, như chúng đã làm ba ngày trước, giết chết 140, gồm cả 13 quân nhân Mỹ.

Tướng McKenzie Jr. nói rằng cuộc điều tra sơ khởi đã cho thấy có sự lầm lẫn về mục tiêu oanh kích.

Ai lầm lẫn? Tại sao lầm lẫn? Và ai là người chịu trách nhiệm?

Hay lại cũng chỉ là “trò chơi đổ lỗi quanh” (blame game) trên chính trường Mỹ?

Trong khi giới lãnh đạo nước Mỹ đổ lỗi quanh cho nhau về cuộc tháo chạy ô nhục ra khỏi Afghanistan, có tin thủ tướng Nhật, ông Yoshihide Suga, đã tuyên bố vào ngày 3 tháng 9 vừa qua, xin từ chức và không tái tranh cử vì l‎ý do như ông cho biết như sau:


Thủ tướng Nhật Abe Shinzo

Như tôi đã nhiều lần nói với mọi người, bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng. Đó là những gì mà bản thân tôi đã cống hiến.

Tôi nhận ra rằng tôi cần nguồn năng lượng rất lớn để làm tròn nhiệm vụ. Tôi không thể làm cả hai việc - tái tranh cử và đối phó với đại dịch – cùng một lúc. Và tôi không thể chọn một việc mà thôi.

Ông Yoshihide Suga mới làm thủ tướng Nhật được một năm, sau khi Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố từ chức vào ngày 28.8.2020 sau 8 năm cầm quyền. Ông Abe Shinzo (65 tuổi) cho biết ông bị bệnh viêm loét đại tràng tái phát và nói trong một cuộc họp báo như sau:

"Tôi đã quyết định từ chức vì tôi không muốn bệnh tật dẫn tới những sai lầm trong các quyết định quan trọng.

Tôi xin lỗi từ tận đáy lòng mình rằng mặc dù được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, nhưng tôi vẫn quyết định từ chức dù còn một năm nhiệm kỳ. Tôi không nên làm thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân”.

Bây giờ, người kế nhiệm ông, Thủ tướng Yoshihide Suga lại xin từ chức sau một năm cầm quyền vì tự thấy không thể...làm hai việc cùng một một lúc!

Uổng quá! Sao các nhà lãnh đạo nước Nhật không học hỏi và bắt chước các ông bà lớn nước Mỹ nhỉ?

Không lì không thể làm chính trị!

Ký Thiệt

Nguồn: BA CÂY TRÚC

 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025