Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ - Bài 6
Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam:
Căn Nguyên Đổ Vỡ - Bài 6
(Đọc chương 10 tập 2 tác phẩm “The Viet-Nam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ)
Bài 6: Thói “gia trưởng” trong não trạng người Mỹ
Trần Phong Vũ
Trong bài 5, chúng tôi đã nhắc tới mối quan hệ êm đềm, thuận thảo của chính quyền TT Eisenhower đối với TT Diệm, người đặt nền móng cho Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, chúng ta lại thấy xuất hiện một khía cạnh tiềm ẩn khác làm tăng thêm tính đa dạng và phức tạp trong mối quan hệ ấy.
Theo nhận định của Catton được tác giả họ Vũ trích dẫn thì đấy chỉ là cái vỏ bọc cho một chủ trương chuyên nhất phát xuất từ não trạng của một số chính trị gia và truyền thông quá khích tả phái, vốn tự coi “nước Mỹ của họ” như cỗ xe vạn năng để lèo lái thế giới. Cụ thể là thế giới bao gồm những quốc gia đệ tam như Việt Nam vào thời điểm nghiệt ngã rất cần sự hỗ trợ của cường quốc đồng minh như Hoa Kỳ! Và đây chính là cơ hội họa hiếm bộc lộ cho công luận thế giới thấy rõ một góc cạnh khác thường của Hiệp Chúng Quốc Mỹ.
Theo những ghi nhận của Catton trong “Thất bại cuối cùng của ông Diệm”, thì trong thực tế ứng dụng, mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Sàigòn, dù Cộng Hòa hay Dân Chủ, thản hoặc vẫn lộ ra là mối quan hệ giữa hai “khách hàng” khi được lèo lái bới những cá nhân, phe nhóm với quan điểm và tham vọng của riêng họ.
Catton nhắc lại câu nói của Ngoại trưởng Foster Dulles trong cuộc họp báo năm 1955: ông Diệm cần đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, và như thế mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Theo Catton, lời phát biểu của ông Dulles đã bóc trần thứ ngôn ngữ ngoại giao như tinh thần “bình đẳng”, “tôn trọng chủ quyền”. Rốt cuộc nó chỉ là những lời dối trá đầu môi.
Cho dù có thể chính giới Mỹ sẽ phẫn nộ phủ nhận khi có người chỉ ra rằng quan điểm của các quan chức Hoa Kỳ và quan điểm của những người Pháp mới rời đi gần đây không có gì khác biệt, theo quan sát của Catton nó vẫn là một sự thật không thể phủ nhận. Theo ông: cả hai đều đánh giá rất thấp nếu không muốn nói là bôi nhọ khả năng của người Việt Nam. Cả hai đều tự tin cho rằng chỉ có họ mới biết điều gì là tốt nhất cho Việt Nam khi ấy.
Với định kiến về sự bất lực của người Việt Nam, và giả định tương ứng về ưu thế trên chân của người Mỹ đã lan tràn và tạo hình trong suy tưởng cái não trạng bệnh hoạn “kẻ cả” trong tâm thức một số chính trị gia Hoa Kỳ vào những thập niên 50/60 thế kỷ trước. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi ấy đã tưởng tượng người Việt Nam là những người không có khả năng bẩm sinh và rất cần sự dựa dẫm vào Hoa Kỳ.
Arthur Schlesinger Jr., một cố vấn của TT Kennedy, nhận xét: Người Mỹ có xu hướng coi trọng Việt Nam theo cung cách riêng của họ. Vì thiếu kiến thức về nền văn hóa lâu đời của các dân tộc Á Châu, cách riêng dân tộc Việt Nam, đa số chính trị gia Mỹ nhìn Việt Nam như một quốc gia trẻ, không phức tạp, nơi tập trung những người đàn ông nhỏ thó dễ mến, xa lạ với thế giới văn minh tiến bộ hiện đại. Từ cách lượng giá phiến diện, thiếu chiều sâu ấy, họ cho rằng người Việt Nam, nếu đủ sáng suốt, được hướng dẫn và khuyến khích, có thể ‘trở thành một thứ gì đó’. “Thứ gì đó” tuy không được nói ra cụ thể như thế nào, nhưng đặt vào bối cảnh những năm 50/60 khi Hoa Kỳ đang trực tiếp can dự vào tình hình chính sự và chiến cuộc nam VN, người ta có thể hiểu “như một mẫu người Phi Luật Tân” dễ dãi. hồn nhiên chấp nhận cảnh ngộ.
Catton huỵch toẹt chỉ ra rằng người Mỹ mang trong mình tâm lý gia trưởng.
Nó được nuôi dưỡng từ thời Phi Luật Tân còn là một thuộc địa. Điều này khiến họ mặc nhiên coi miền nam VN cũng sẽ không khác, một khi vì nhu cầu phải cần tới sự trợ giúp của Hoa Thịnh Đốn. Nhưng sự thể đã không giống như điều họ mặc định.
Thế nên, khi trực tiếp đối mặt với ông Diệm, người Mỹ không khỏi cảm thấy hụt hẫng trước ý chí cương quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc của ông. Khi ấy, họ chợt nhận ra là họ đã lầm. Nhưng đã trót đâm lao đành phải miễn cưỡng nhắm mắt theo lao.
Ngoài ra, sự gia tăng vai trò của người Mỹ về ảnh hưởng toàn cầu tạo được trong một thời gian quá ngắn đã khiến họ sinh lòng kiêu hãnh coi đó như một khuôn mẫu cho sự phát triển để có thể mặc tình đem ra áp dụng trên toàn thế giới. Vẫn theo Catton, trong suy nghĩ đơn giản của họ, giống như một công thức “cà phê có ngay” (instant coffee), nền dân chủ phát xuất từ Hoa Kỳ có thể và nên được “tháp nhập” vào miền Nam Việt Nam.
Lấy lại những kinh nghiệm của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ về cách mạng và xây dựng đất nước cả trăm năm trước, người Mỹ kỳ vọng rằng quá trình phát triển hậu thuộc địa sẽ tương đối dễ dàng, không đau đớn. Do đó họ chủ quan nghĩ rằng mọi chuyển đổi đương nhiên sẽ diễn ra theo qui trình tự nhiên, trật tự, nhịp nhàng, trong đó các xã hội di chuyển với sự điều động hợp lý từ tình trạng “lạc hậu” chuyển sang “hiện đại ”.
Với sự hiểu biết cơ bản trên đây về não trạng người Mỹ, người ta dễ dàng nhận ra những nan đề Tổng thống Diệm đang đối mặt. Một đàng phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của họ Hồ. Đàng khác lại liên tục phải đương đầu với những đòi hỏi cải cách dân chủ đến từ sứ quán Mỹ. Chưa nói đến chuyện những thế lực trong nước như các đảng phái chính trị đối lập kể cả một số lãnh tụ Phật Giáo, nương theo đòi hỏi của Mỹ để tạo áp lực lên chính quyền Sàigòn. Hiểu và hành động như vậy tuồng như có những người Mỹ không nhận ra là vô hình chung họ đang ỷ thế “ông chủ chi tiền”, thản nhiên vi phạm chủ quyền quốc gia của nam Việt Nam.
Giới quan sát không khỏi đặt ra câu hỏi, khi nuôi ý định áp đặt chính quyền của TT Diệm phải tăng tốc việc cải cách dân chủ theo kiểu Tây phương trong hoàn cảnh đất nước và người Việt Nam chưa sẵn sàng, như thế phải chăng Mỹ đã quên một số thực tế cơ bản mà chính tiền nhân của họ đã kinh qua.
-Thứ nhất, xét riêng về hoàn cảnh đặc thù của đối tác Việt Nam, nền móng dân chủ của Đệ Nhất Cộng Hòa tuy hứa hẹn nhưng vẫn còn rất non yếu, trong khi đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, tứ bề thọ địch. Một mặt phải đối đầu với cuộc chiến xâm lăng bằng mọi giá của CS Bắc Việt với sự hỗ trợ tận tình của Trung Cộng và Liên xô. Mặt khác lại đang phải gánh chịu áp lực nặng nề của các phe phái đối lập nội bộ.
-Thứ hai,nhìn về phía đối tác Hoa Kỳ, ai cũng biết là tiền nhân của họ đã phải mất 200 năm thử nghiệm nền dân chủ Mỹ mới đạt đến giai đoạn gọi là ổn định. Và cũng đừng quên rằng trong suốt hai thế kỷ ấy, nền dân chủ của Mỹ đã an nhiên phát triển một cách hòa bình mà không có một cuộc chiến tranh xâm lược có hệ thống, kéo dài và đổ máu được chỉ đạo từ bên ngoài. Hơn thế, khác với nam Việt Nam. Hoa Kỳ cũng không phải đối phó với một thứ “Đường cao tốc Harriman” cho phép quân đội đối phương xâm nhập người và vũ khí, chiến cụ cách qui mô vào Hoa Kỳ trong suốt Thế chiến I và Thế chiến II.
Một chi tiết quan trọng khác cũng cần được nêu ra là trong Đệ nhị Thế chiến, xét về lý do khẩn cấp và an ninh, các quyền tự do dân sự của chính công dân Hoa Kỳ cũng đã bị hạn chế, với cái giá phải trả qua trường hợp những người Mỹ gốc Nhật. Đấy là chưa nói tới những gì TT Lincoln đã làm, cụ thể là bãi bỏ các quyền hiến pháp trong thời nội chiến!
Dựa vào những nhận định sâu sắc trên đây của Catton, tác giả “The Việtnam Upheaval” đi tới kết luận:
Từ cách nhìn về mối quan hệ giữa hai đối tác Việt-Mỹ trong các thập niên 50/60 thế kỷ trước, phải nói ngay rằng hành động và chính sách miễn cưỡng phải hạn chế quyền tự do dân sự của Tổng thống Diệm tại nam Việt Nam khi ấy thể hiện một sự lựa chọn hợp lý. Nếu không vì thái độ hãnh tiến mang nặng tinh thần “gia trưởng”, hẳn rằng người Mỹ đã biết thông cảm để chấp nhận sự chọn lựa của phía Sàigòn và kiên nhẫn xem xét, nếu không muốn nói là phải hỗ trợ và khuyến khích thêm.
TT Diệm và chính phủ dân sự của ông có đầy đủ lý do chính đáng để quyết định là phải dồn mọi nỗ lực, tiềm năng để đạt bằng được thắng lợi trong cuộc chiến ngăn chặn làn sóng đỏ từ phương Bắc, tạo điều kiện cho những cải cách chính trị để kiến lập một nền dân chủ vững vàng sau đó.
Điều đáng tiếc là những người theo chủ nghĩa lý tưởng tự do thuộc bộ ngoại giao Mỹ - nhất là những khuôn mặt chính trị vốn nuôi sẵn lòng thù hận cá nhân ông Diệm, như Averell Harriman, Roger Hilsman, Kenneth Galbraith, Michael Forrestal- và truyền thông thiên tả đã vô tình hoặc cố ý không nhận ra điều này. Họ liên thủ cùng nhau tạo thành một giàn đồng ca, tiếp tục lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính quyền Đệ Nhất CHVN và Tổng thống Diệm.
Năm 1965, Joseph Alsop đã viết trên Tạp chí Time (ngày 1 tháng 1 năm 1965), bày tỏ quan điểm không đồng ý với chủ trương cải cách chính trị trước theo khuyến cáo của người Mỹ. Theo Alsop phải đặt ưu tiên hàng đầu vào mọi cố gắng gia tăng tiềm lực quân sự nhằm đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn bước chân xâm lăng, phá hoại của cộng sản Bắc Việt trước khi tính tới việc cải cách chính trị, xây dựng dân chủ.
Ông viết:
Thật là ngớ ngẩn một cách hài hước khi cố gắng tổ chức một thể loại chính quyền ở Việt Nam phù hợp với khẩu vị của các cây bút xã luận người Mỹ, những người không biết gì về châu Á. Dường như họ quên là nếu làm khác đi, thì hậu quả sẽ dẫn đến sự thống trị tàn bạo của Cộng Sản Á Châu".
Joseph Alsop cho rằng: không còn lối thoát nào khác, ngoại trừ phải dành ưu tiên một cho cố gắng chấm dứt cuộc chiến xâm lăng do CSBV theo đuổi trước, và việc xem xét lại tình hình chính trị để sau. Đối phó với cuộc khủng hoảng chiến tranh là cách duy nhất để tạo ra những điều kiện thiết yếu cho sự ổn định của chính phủ. Cần ghi nhớ một điều nếu chính quyền không ổn định chính là vì chiến tranh đang diễn ra tồi tệ.
William Colby dường như dễ dàng đồng ý với quan điểm trên đây của Alsop.
Trong bài 3, sau khi vạch mặt chỉ tên những khuôn diện sát thủ Đệ Nhất CHVN xoay quanh Averell Harriman, người viết điểm qua một số những chính trị gia nổi tiếng ít nhiều có chung quan điểm với cá nhân TT Diệm và chính quyền của ông. Đó là Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara; Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Maxwell Taylor; Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy. Kế tiếp là Giám đốc CIA John McCone; chưa kể tới những nhân vật có tầm quan trọng trong quá khứ và tương lai như Đại sứ Mỹ tại Sàigòn Frederic Nolting; Giám đốc Bộ phận Viễn Đông của CIA William Colby. Xa hơn nữa cũng phải kể tới những diện mao lớn như PTT Lyndon Johnson, TT Dwight Eisenhower, TT Richard Nixon.
Ở những dòng cuối bài viết, chúng tôi ghi nhận, hẳn có người sẽ nêu câu hỏi: thế thì những chính khách được coi là ủng hộ cá nhân ông Diệm và chính quyền miền nam khi ấy ở đâu mà để cho bọn Harriman mặc tình múa gậy vườn hoang?
Ngay sau đó người viết hứa hẹn là vào một dịp khác, sẽ có dịp trở lại để trả lời câu hỏi chính đáng này.
Và đây là cơ hội thuận tiện, phần nào giúp tìm ra lý giải cho vấn đề.
Nhìn sâu vào sự kiện, chúng ta thấy có hai lý do:
-Thứ nhất: nguyên do chính như có lần chúng tôi đã xác định, tuồng như hầu hết các chính trị gia Mỹ, dù Cộng Hòa hay Dân Chủ đều có chung một não trạng tự tôn luân lưu trong huyết quản. Khác chăng là ở mức độ nhiều hay ít, ôn hòa hay cực đoan, có tinh thần khiêm tốn và thái độ khoan dung để sẵn sàng cúi mình xuống chấp nhận người kém mình đến đâu.
Thế nên, cho dù trong chừng mực, những khuôn mặt lớn trong chính trường Hoa Kỳ thời TT Kennedy tỏ ra có thiện cảm với ông Diệm và đường lối, chính sách của ông, nhưng nó vẫn chưa đủ để dám quyết liệt đương đầu với đối phương. Nhất là đối phương đó lại là một nhóm có tổ chức vây quanh chủ nhân ông Nhà Trắng, sẵn sàng “ăn thua đủ” trong mưu toan lật đổ TT Diệm và chính quyền của ông.
Từ nguyên do thứ nhất trên đây dẫn tới:
-Nguyên do thứ hai: Như trong loạt bài này chúng tôi đã từng viết, vì ỷ thế nắm được cảm tình của ông Kennedy, Averell Harriman đã hơn một lần qua mặt cả xếp trực tiếp của ông ta là Ngoại trưởng Dean Rusk. Xoay quanh Harriman còn có những nhân vật sừng sỏ dám nói, dám làm (kể cả nói bậy, làm càn), tất cả những gì mà các đương sự muốn, tiêu biểu như Roger Hilsman. Không phải chỉ những năm sau này, mà theo tiết lộ của John Mecklin, nhân viên giao tế công chúng của Đại sứ quán HK ở Sàigòn, trong cuộc họp báo ngày 8-3-61: để dọn đường cho những phần tử bất mãn, Hilsman đã ngạo ngược nói rằng một cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm có lợi không những cho Việt Nam mà còn cho cả Hoa Kỳ!
Vào năm 1963, khi một thiểu số lãnh đạo PG, tiêu biểu là ông Thích Trí Quang, khởi động chống lại chính quyền nam VN, để hỗ trợ cho điều mà cao trào này thường rêu rao là PG chiếm tuyệt đại đa số dân miền Nam, có lần Hilsman đã khuếch đại con số này lên tới 98%!*
John Mecklin nhận xét thêm: với định kiến là bằng mọi giá phải lật đổ Đệ Nhất CHVN, nhóm Harriman, trong đó có Hilsman đã phớt lờ tất cả mọi quan điểm khác. Họ âm thầm tiến hành kế hoạch và chỉ chờ thời cơ, khi cuộc khủng hoảng Phật giáo cuối cùng nổ ra, một cơ hội bằng vàng, để đẩy mạnh mục tiêu của mình.
Trong điều kiện như thế, dù ở vị trí thứ hai tại tòa Bạch Ốc, ông Johnson cũng đành thúc thủ đứng nhìn bi kịch diễn ra.
Chẵn 20 ngày sau cái chết thảm khốc của ông Diệm, ông Kennedy, TT Mỹ bị ám sát.
Nhắc lại hậu chấn kinh hoàng của biến cố kép trên đây, tác giả ”Vietnam Upheaval” viết: sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân TT Johnson chỉ vào bức ảnh của ông Diệm treo tại tư gia nói với Hubert Humphrey:
“Chúng ta đã nhúng tay vào việc giết ông ấy. Bây giờ nó đang xảy ra ở đây."**
Miền nam California, ngày Thứ Tư, 15-9-2021
<0><0><0>
*Liên quan tới vấn đề số người theo Phật Giáo tại nam Việt Nam, cho tới tháng 7 năm 1954, chưa có một thống kê chính thức nào được ghi nhận. Sau đây là số liệu được nhà báo Marguerite Higgins tìm được trong “Pocket Guide to Vietnam”:
Catholics: 1,500,000
Other Christians 500,000
Cao Dai 1,500,000
Hoa Hao 1,000,000
Hindus and Muslims 500,000
Animism (Montagnards) 1,000,000
Confucianists 4,000,000
Taoists 500,000
Sub total …………… … 10,500,000
Theo cô Higgins, tổng số cư dân Việt miền nam VN tính từ sau Hiệp Định Genève là 14,000,000.
Đem trừ đi tổng số10,500,000 tín đồ các tôn giáo ghi trong “Pocket Guide to Vietnam”, số tín đồ Phật Giáo là 3,500,000, tức khoảng 25% dân số miền Nam.
** Những đoạn tô đậm, gạch đáy do người viết muốn nhấn mạnh
TRẦN PHONG VŨ
Bài liên quan:
- Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ - Bài 7
Nhận xét
Đăng nhận xét