TRỞ VỀ VỚI UYÊN NGUYÊN DÂN TỘC
TRỞ VỀ VỚI UYÊN NGUYÊN DÂN TỘC
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
(Nhân ngày giỗ Đức Trần Hưng Đạo 20 tháng 8 Âm Lịch)
Sau cuộc chiến 29 ngày năm 1979, tương quan quân sự giữa Việt Nam và Trung Cộng đã thay đổi và đến nay sự chênh lệch đã xa đến mức Việt Nam không còn là một đe dọa quân sự đối với Trung Cộng nữa.
Bằng chứng, mặc dù giết hàng chục người và bắt giữ hàng chục ngư dân Việt Nam khác vào sáng ngày 8 tháng 1, 2005, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng chỉ lên tiếng vào ngày 15 tháng 1, tức sau khi CSVN chính thức gởi công hàm phản đối. Nếu CSVN không lên tiếng có lẽ Trung Cộng cũng chẳng buồn nhắc tới làm gì. Tại sao? Có thể họ nghĩ rằng, Việt Nam lại cố nhịn nhục bỏ qua như bao nhiêu lần trước và cũng có thể họ xem việc giết dăm ba người Việt chỉ là chuyện nhỏ. Trong cả hai trường hợp đều chứng tỏ sự khinh thường của Trung Cộng đối với Việt Nam.
Việt Nam phải làm gì để ngăn chận hiểm họa Trung Cộng?
Sau thảm sát 9 ngư dân Thanh Hóa, báo chí và đồng bào trong nước đã mạnh dạn hơn trong việc lên án hành động giết người dã man của hải quân Trung Cộng và đồng bào Việt ở hải ngoại cũng lên tiếng kết án, gởi thư phản đối Trung Cộng qua trung gian sứ quán hay lãnh sự Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Mỹ, Anh, Pháp v.v. đồng thời quy tội bất lực, không bảo vệ được sinh mạng người dân cho CSVN.
Cả hai phản ứng đều là phát xuất từ niềm tự ái dân tộc và tình cảm tự nhiên của tình nghĩa đồng bào, thế nhưng không phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chận hành động xâm lược của Trung Cộng.
Thành thật mà nói, với điều kiện kinh tế, chính trị, quân sự quá khiêm nhượng, nếu không muốn nói là nghèo nàn lạc hậu của Việt Nam hiện nay, ngoài việc kết án, biểu tình, phản đối, câu trả lời vẫn là "Không làm gì ngăn chận được".
Câu hỏi tuy quan trọng, nhưng một câu hỏi khác, người viết nghĩ còn quan trọng hơn, đó là, mỗi chúng ta thật sự muốn gì cho đất nước?
Sau 46 năm, người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn chưa thật sự trở thành khối đoàn kết có khả năng thay đổi vận mệnh của chính mình. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, nhân dân Đức đoàn kết để xây dựng một nước Đức thống nhất sau gần nửa thế kỷ phân chia, trong khi đó, người Việt Nam sống trên nước Đức, dù cùng chán ghét độc tài, cùng tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam, vẫn còn nhìn nhau bằng cặp mắt e ngại, hoài nghi.
Tại sao?
Phải chăng chúng ta thù ghét nhau đến mức không thể nhìn mặt nhau?
Phải chăng dân tộc chúng ta có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm nhưng không có khả năng hóa giải nội thù?
Phải chăng dân tộc Việt Nam có truyền thống bảo vệ đất nước nhưng không có khả năng xây dựng đất nước?
Không. Người Việt chưa đoàn kết bởi vì chúng ta chưa cùng tắm chung trong một dòng tâm thức Việt Nam, chưa cùng chia sẻ một suy nghĩ về tương lai và chưa thấy giống nhau khi đối diện với những nhu cầu chung của đất nước. Nói vắn tắt, chúng ta chưa thật sự có một ước muốn giống nhau cho đất nước mình.
Chọn lựa duy nhất để phá vỡ những bế tắc tư tưởng trong cộng đồng dân tộc hôm nay, không phải là đi xa hơn nữa, không phải rập khuôn từ ai khác, nhưng là trở về.
Sau bao năm chạy theo những ảo vọng, những chân trời không có thực, những ý thức hệ ngoại lai, hơn bao giờ hết, mỗi người Việt Nam phải tự thắp sáng niềm tin vào dân tộc trong lòng mình bằng một cuộc hành hương trở về với các giá trị tự chủ, nhân bản và khai phóng đã hun đúc nên giòng giống Đại Việt.
Ngoài các giá trị tinh thần và truyền thống, tổ tiên đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng phong phú với tất cả phương tiện cần thiết để đưa đất nước Việt Nam thành một cường quốc văn minh và hiện đại.
Chúng ta có một lãnh thổ đầy ắp tài nguyên trải dài trên 3 ngàn cây số biển. Chúng ta có khối nhân lực lao động với 65 phần trăm dân số dưới 30 tuổi. Chúng ta có hàng triệu tài năng đã và đang hấp thụ các nền giáo dục khoa học kỹ thuật hiện đại khắp thế giới. Cái duy nhất chưa có đó là một cơ hội. Và cơ hội sẽ không do ai ban cho, không do ai viện trợ, nhưng chính chúng ta, chứ không ai khác, phải là những người tạo ra cơ hội cho dân tộc mình. Con đường phục hưng Việt Nam cũng không phải là độc đạo của riêng ai mà là của nhiều người, nhiều thế hệ, nói chung, của tất cả người Việt yêu nước dù đang ở đâu trên trái đất nầy.
Nhân chuyện trở về với uyên nguyên dân tộc, chúng ta hãy cùng nhau đi thăm một làng đánh cá khác, không phải Hòa Lộc, Thanh Hóa, nhưng là một làng nhỏ ở xã Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định.
Từ nơi đó, hơn 800 năm trước, con cháu của những ngư dân họ Trần, khởi nghiệp trên những chiếc thuyền nan, sống bằng con cá con tôm, nhưng không lâu, đã lãnh đạo đất nước để đánh bại một đạo quân Nguyên hùng mạnh gấp nhiều lần và viết nên một trong những trang sử hào hùng nhất của lịch sử Việt Nam.
Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ hai năm 1285, cháu nội của một ngư dân làng Tức Mặc, Nam Định, có tên là Trần Quốc Tuấn đã viết trong Hịch Tướng Sĩ:
"Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sĩ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm tiền nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc." (Hịch Tướng Sĩ, bản dịch của Trần Trọng Kim).
Nếu chúng ta thắp một nén hương trên bàn thờ đức Hưng Đạo Vương để xin phép ngài được thay câu "chủ nhục" thành "quốc nhục", thay "việc chọi gà" thành "việc đá banh", thay câu "nghĩ về quyền lợi riêng mà quên việc nước" bằng "nghĩ về quyền lợi đảng mà quên việc nước", thay câu "thích rượu ngon, mê tiếng hát" bằng câu "tham ô, hủ hóa, lạm dụng của công" cho thích hợp với sinh hoạt xã hội Việt Nam ngày nay, sau đó, phổ biến đến mọi người dân, tận hang cùng ngõ hẻm, từ Bắc đến Nam, trong nước ngoài nước, trong đảng ngoài đảng, để học thuộc lòng và tự kiểm điểm mỗi ngày, đó cũng là một cách hay để đánh thức lương tâm của những người lãnh đạo và cũng của những ai đang mải mê trong cuộc chơi hay còn chìm trong giấc ngủ dài.
Lịch sử đã để lại nhiều bài học đầy xương máu. Họa phương Bắc của bốn ngàn năm trước và họa phương Bắc của ngày nay, phương pháp hẳn nhiên đổi khác nhưng bản chất vẫn như xưa.
Nhà cầm quyền Trung Cộng vẫn muốn Việt Nam nằm trong vòng kiểm soát của họ không những về kinh tế, chính trị mà cả về văn hóa, tư tưởng như họ đã cố làm đối với tổ tiên ta ngày trước và đang làm đối với hai dân tộc Nội Mông và Tây Tạng hiện nay.
Về phía Việt Nam, chính sách phát triển đất nước theo "định hướng xã hội chủ nghĩa" cũng không khác gì bao nhiêu so với chính sách bảo thủ trong bốn bức tường thành Nho Giáo thời nhà Nguyễn. Cả hai không những đều là sản phẩm của Tàu mà còn chứng tỏ sự lạc hậu, lỗi thời, tự cô lập với dòng phát triển đa phương của nhân loại và không mở ra một lối thoát nào cho tương lai dân tộc. Một em học sinh lớp mẫu giáo cũng biết rằng nếu chỉ theo đuôi người khác, suốt đời sẽ chẳng bao giờ qua mặt được ai.
Hoàn cảnh xã hội mỗi thời đại tuy khác nhau nhưng trách nhiệm của người dân đối với sự an nguy của dân tộc vẫn không thay đổi. Người viết thật sự tin nếu mỗi chúng ta biết bước xuống khỏi những chiếc xe ngoại đắt tiền, vất đi những bằng tiến sĩ giấy, từ bỏ các chức vị đảng viên, bí thư, đừng mỏi cổ trông chờ sự ban ơn cứu giúp của người Mỹ, người Nga, để cùng về cầm lại mái chèo như tổ tiên đã từng làm từ ngàn năm trước, con thuyền dân tộc sẽ vượt qua cơn sóng lớn và mở đường ra biển cả mênh mông.
Một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư dân Hòa Lộc, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Cộng mà chính sự khiếp nhược, ươn hèn, vong thân, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết chính mình và dân tộc mình.
Trần Trung Đạo
Nhận xét
Đăng nhận xét