CPTPP và mối tình tay ba Việt-Đài-Trung: Việt Nam chọn ai?
CPTPP và mối tình tay ba: Việt-Đài-Trung: Việt Nam chọn ai?
Tác giả: Nguyễn Quốc Tấn Trung
Chỉ một tuần sau khi Trung Quốc nộp đơn chính thức để được xem xét trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), Đài Loan cũng đề nghị tham gia vào hiệp định thương mại tự do quan trọng này. [1] Theo giới chức Đài Loan, họ đã chuẩn bị, tham vấn, nghiên cứu vấn đề này từ lâu, dường như muốn lý giải rằng việc họ đệ đơn ngay sau Trung Quốc chỉ là sự trùng hợp.
Cùng lúc đó, có thông
tin về việc đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trực tiếp với
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. [2] Những câu hỏi liệu
Trung Quốc có đang nhắc nhở Việt Nam về việc hạn chế con đường gia nhập CPTPP
của Đài Loan hay không đã được phóng viên quốc tế gợi ý trong buổi họp báo của
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 23/9 mới đây. [3]
Câu trả lời của bà Lê
Thị Thu Hằng, như mọi khi, là một câu nói nước đôi và nhấn mạnh vào vai trò tập
thể của các thành viên còn lại của CPTPP. Nhưng rõ ràng nó không trả lời cho
câu hỏi liệu Việt Nam có dùng quyền thành viên của mình để phản đối Đài Loan
gia nhập cùng lúc với Trung Quốc hay không. Điều này đặc biệt quan trọng khi
chính quyền Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng mình không bằng lòng với đơn xin gia
nhập của Đài Bắc. [4]
<0><0><0>
Đây không phải là lần
đầu tiên Trung Quốc và Đài Loan kèn cựa nhau về việc tham gia vào một tổ chức
thương mại quốc tế lớn.
Đầu thiên niên kỷ này,
Trung Quốc đã chạm đích trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc
tế (WTO) vào năm 2001, vừa trước Đài Loan một năm. Sự hiện diện và vai
trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc trên chính trường quốc tế đồng nghĩa với
việc Đài Loan không thể lấy bất kỳ tên gọi nào khác có ngoài một cái tên vô hồn
“Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu” (thường được
gọi ngắn là Chinese Taipei). [5]
Tuy nhiên, ở một mức
độ nào đó, cần nhớ rằng WTO còn có Hoa Kỳ, người bạn lớn của Đài Loan, và ở
thời điểm đó, Việt Nam vẫn còn loay hoay đọc hiểu những quy định của tổ chức
này (Việt Nam gia nhập chính thức WTO vào năm 2005).
Nay, khi CPTPP không
còn Hoa Kỳ, Việt Nam lại đang đóng vai thành viên sáng lập, liệu tương lai của
Đài Loan với hiệp định này có bị hai người anh em cùng đảng Đông Á ngăn cản?
Thủ tục và ngôn ngữ
tiếp nhận thành viên mới của CPTPP
Điều mà độc giả cần
lưu ý trước tiên là quy định của CPTPP. Theo đó, chương về Quá trình Gia nhập
(Accession Process có vài điểm đáng chú ý. [6]
Đầu tiên là việc
chương này không dùng thuật ngữ quốc gia (nation-state hay state) để gọi các
thành viên, thay vào đó là từ “nền kinh tế” (economy). Ví dụ, trong thủ tục
thông báo, CPTPP quy định: “Khuyến khích các nền kinh tế tiếp cận và thương
thảo không chính thức với các thành viên về mong muốn tham gia vào CPTPP trước
khi đệ trình đơn gia nhập chính thức”. (Aspirant economies are encouraged to
engage informally with all CPTPP Signatories…)
Như vậy, ở một mức độ
nào đó, có thể thấy CPTPP đã tính trước đến việc cho phép các vùng lãnh thổ
chưa thể có danh tính quốc gia tham gia vào Hiệp định.
Vấn đề khác là, tương
tự như WTO, CPTPP cũng dành khá nhiều thời gian yêu cầu các nền kinh tế muốn
gia nhập phải làm tốt quá trình tham vấn các thành viên (consultation process)
và từ đó tạo điều kiện cho Hội đồng CPTPP (the Commission) chính thức khởi động
quá trình đàm phán (negotiation process). Đây có lẽ là lý do chủ yếu khiến Đài
Bắc phải đẩy nhanh tiến trình tham vấn quốc gia thành viên và khởi động quá
trình đàm phán trước khi Trung Quốc trở thành thành viên của tổ chức này.
Đài Loan hiểu rõ tính
ương ngạnh của đại lục và những lý luận cùn mà họ có thể viện dẫn trong mối
quan hệ giữa hai vùng lãnh thổ.
Dù không ngăn được Đài
Loan trở thành thành viên chính thức của WTO, Trung Quốc chưa bao giờ chấp
thuận để Đài Loan sử dụng các công cụ của WTO để giải quyết tranh chấp giữa hai
nền kinh tế. Ví dụ, trong năm 2003, sau khi cả hai cùng là thành viên của WTO,
Trung Quốc đột ngột hạn chế nhập khẩu polyester từ Đài Loan mà không có thông
báo hay giải thích rõ ràng. [7] Khi Đài Loan vận dụng cơ chế giải quyết tranh
chấp của WTO, phía Bắc Kinh ngúng nguẩy từ chối bảo rằng đây là “việc nội bộ
của Trung Quốc”.
Gia nhập trước hoặc
cùng lúc với Trung Quốc là cơ hội duy nhất để Đài Loan có thể trở thành một
thành viên của CPTPP mà không gặp quá nhiều những rào cản từ chính người anh em
cùng mẹ khác cha của mình.
Nhưng còn câu chuyện đàm phán với từng thành viên thì sao?
Việt Nam chọn ai
“Chọn” là một từ hơi
mạnh.
Nếu thật sự buộc phải
chọn, không quốc gia nào dám chọn Đài Loan cả.
Nói đúng hơn phải là,
Việt Nam có vì tình bạn 16 chữ vàng với Trung Quốc mà gây khó dễ hay công khai
phản đối việc Đài Loan trở thành thành viên trước mặt Hội đồng CPTPP hay không?
Hành vi này đòi hỏi sự cam kết và lòng trung thành chính trị vững vàng với Trung Quốc. Người viết không tin rằng Việt Nam thật sự có đủ can đảm làm điều đó.
Bằng chứng mắt thấy
tai nghe đầu tiên là Việt Nam không dám đứng chung hàng ngũ với 65 quốc gia lên
án việc các quốc gia phương Tây sử dụng nhân quyền như là một công cụ để “can
thiệp” vào nội bộ Trung Quốc, ngay trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
(Human Rights Council). [8]
Có thể, Việt Nam vẫn
bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc về nhiều vấn đề quan trọng, mà đặc biệt
là biển Đông.
Có thể Việt Nam tin
rằng việc các hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra tại Trung
Quốc và việc can thiệp là cần thiết.
Nhưng dù lý giải ra
sao đi nữa, có thể thấy chính quyền Hà Nội dường như cũng không tin tưởng mù
quáng vào tình bạn trung thành với Bắc Kinh, hoặc ít ra là nó không được son
sắt như quan hệ của Pakistan hay một số quốc gia châu Phi khác với Trung Quốc.
Mặt khác, cũng không
thể xem thường mối quan hệ bang giao thực dụng (pragmatic diplomacy) giữa Việt
Nam và Đài Loan.
Đài Loan là một trong
những nền kinh tế đầu tiên đổ tiền vào thị trường mới mở cửa của Việt Nam, và
hiện nay vẫn đang tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau ba anh
đại khác của khu vực là Hàn, Nhật và Singapore (bất ngờ là tổng đầu tư của
Trung Quốc chỉ đứng thứ bảy). [9] Nói về con số, các doanh nghiệp và nhà đầu tư
Đài Loan đang vận hành gần 2.500 dự án với tổng giá trị lên đến hơn 30 tỷ Mỹ
kim. [10] Tổng giá trị mậu dịch song phương cũng lên đến 16 tỷ Mỹ kim với hàng
loạt các ngành nghề từ sản xuất cho đến dịch vụ du lịch. [11]
Hiển nhiên, so với con
số 100 tỷ Mỹ kim giữa Việt Nam và Trung Quốc thì con số này chỉ là tép muỗi.
[12] Song nếu cân nhắc việc Việt Nam vẫn còn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc,
lợi ích từ những đồng đô-la Mỹ do thương nhân Đài đem đến tận nơi tận chỗ là
không thể chê bai.
Theo quan sát của giáo
sư Samuel C. Y. Ku từ những năm 1999, việc Đài Loan đầu tư sớm và quyết liệt
vào Việt Nam không đơn thuần chỉ là để tận dụng nguồn lực giá rẻ của quốc gia
này. [13] Việt Nam, theo đó, là một phần quan trọng trong chính sách Hướng Nam
(Southward policy) của Đài Loan với kỳ vọng rằng sự kết nối chặt chẽ về mặt
kinh tế sẽ giúp ràng buộc các mối quan hệ bang giao hơn. Ông cũng nói thêm,
tính đến năm 1995, Việt Nam là quốc gia nhận nhiều viện trợ nhất của Đài Loan
(dù các số liệu này không còn dễ tìm trong giai đoạn hiện nay).
Việt Nam nối biển cùng
Đài Loan và nằm ở đường biên giới quan trọng nhất phía Nam của Trung Quốc, khoá
đường ra biển của Bắc Kinh. Với vị trí chiến lược này, có thể thấy kỳ vọng của
Đài Loan để nâng cấp mối quan hệ Đài – Việt trở thành “substantive relations”
(quan hệ thực chất) là điều dễ hiểu. Đổi lại cho Việt Nam, nguồn cung đầu tư
đều đặn từ Đài Loan cùng khả năng nâng cấp chất lượng lao động phổ thông nhờ sự
hiện diện của các công ty phần cứng, bán dẫn hàng đầu thế giới như Foxconn là
một cơ hội không thể bỏ qua.
<0><0><0>
“Đi hai hàng” trong
quan hệ quốc tế đã trở thành thói quen khó bỏ của các chính khách Việt Nam, và
thật sự thì nó cũng giúp mang lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho các đời chính phủ.
Trong bối cảnh đó, Đài Loan vẫn là một người bạn “còn dùng được”. Đứng ra thay
mặt Trung Quốc để trực tiếp chống lại khả năng gia nhập CPTPP của đảo quốc Đài
Loan chắc chắn không phải một hành vi sáng suốt trong tư duy về quan hệ quốc tế
của nhà nước Việt Nam.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Nguồn: Tạp chí Luật Khoa
Nhận xét
Đăng nhận xét