“Ưu việt”

 


“Ưu việt”
Sổ Tay Ký Thiệt, kỳ 479

Tuần báo Đời Nay ra ngày 15.10.2021, dẫn nguồn của RFA (Á Châu Tự Do), đã đăng một tin trên trang nhất, mở đầu như sau: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 7/10 trong phần phát biểu mở đầu cho bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Đảng CSVN, nhấn mạnh: “Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, truyền thống đoàn kết, yêu nước, ‘thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” của dân tộc ta lại tiếp tục được phá huy cao độ, nhờ đó đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba”.



Việt Nam từng tự hào và được khen ngợi về thành tích chống địch COVID-19 từ đầu năm 2020 cho đến tháng ba năm 2021. Suốt thời gian này Việt Nam báo cáo chỉ có 35 ca tử vong vì virus corona chủng mới.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch thứ tư từ ngày 27.4.2021 đến nay, trên cả nước có trên 800 ngàn ca nhiễm COVID-19 và có hơn 20 ngàn người tử vong tính đến ngày 7 tháng 10. (ngưng trích)

Có lẽ trên đây là những lời tuyên bố ngu ngốc và xảo trá nhất của kẻ đang nắm nhiều quyền lực nhất của cái chế độ được gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã được tờ báo này đăng lên để cho thấy giữa lúc sự khổ đau của toàn dân Việt Nam đã đến tận cùng, và mặt thật của cái “nhà nước XHCN” phơi bày toàn diện trước sự hoành hành của cơn dịch Tàu Covid-19.

Không bao lâu trước những lời tuyên bố không biết nên khóc hay nên phá ra cười của kẻ có biệt danh là “Trọng lú”, chương trình BBC tiếng Việt đã chọn đăng một số bài viết của những người ở trong nước cho thấy tình cảnh thảm thương của họ dưới cái chế độ “ưu việt” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau:

Covid: Có cảnh dân van lạy xin về quê, còn lãnh đạo VN đi lại miễn cách ly?

Dân bị ngăn không được về quê, cán bộ cấp thứ trưởng trở lên không bị cách ly là hai chuyện được mạng xã hội Việt Nam tuần qua chú ý, với các câu hỏi về cách đối xử theo nhiều đẳng cấp khác nhau cho các nhóm công dân nước này.

Sau nhiều tháng phong tỏa vì Covid, hiện tượng nhiều ngàn người, nhiều lần tháo chạy khỏi TPHCM và luôn bị chính quyền ngăn cản, chắc còn gây nhức nhối.

Tin mới nhất cho hay hôm 04/10, nhà chức trách ở Biên Hòa đang xác minh hình ảnh một nhóm người "mặc áo dân quân, dân phòng đã dùng gậy đánh liên tiếp dã man hai người dân", trong khi có công an đang ở đó.

Cùng lúc, có câu hỏi về quyền đi lại thoải mái của một nhóm thiểu số rất nhỏ là lãnh đạo ở VN.

Dư luận đặt câu hỏi có đúng là cán bộ cấp thứ trưởng trở lên không phải cách ly y tế và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, kể từ khi nhập cảnh và thực hiện 5K.

Tối 6/10, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết sẽ mở cửa hầm Hải Vân để hỗ trợ người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê, theo truyền thông nhà nước Việt Nam.

Dòng người bỏ chạy khỏi các khu công nghiệp quanh TP HCM về quê trong đại dịch Covid vẫn tiếp tục những ngày qua, và ảnh của một bạn đọc BBC gửi từ đèo Hải Vân cho thấy cảnh những đoàn xe máy chờ qua đèo, trước khi có quyết định mở cửa hầm.

Dư luận Việt Nam lo ngại chuyện vượt đèo trong cơn mưa do bão từ Biển Đông gây ra có thể nguy hiểm.

Theo báo Giao Thông (06/10), kế hoạch "qua hầm" là vào khoảng 23 giờ đêm, giờ địa phương ở miền Trung Việt Nam trong ngày "đoàn xe máy đầu tiên sẽ đi qua hầm".




Đơn vị vận hành hầm Hải Vân sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tạm dừng các ô tô qua hầm để người dân đi lại an toàn, nhanh chóng." 

Vẫn trang báo trên nhấn mạnh vai trò của công an Việt Nam trong công tác này:

"Được biết, từ ngày 3/10 đến 5/10, Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, dẫn nhiều đoàn xe với hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về ngang qua thành phố. Riêng đêm 5/10, lực lượng CSGT Đà Nẵng đã dẫn đoàn với khoảng 2.000 người qua đèo Hải Vân an toàn."

"Trước đó, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả hỗ trợ, tạo điều kiện trung chuyển miễn phí các phương tiện xe máy của người dân qua hầm Hải Vân."

Tôi đã đi trên quốc lộ 1A và đường Trường Sơn nhiều lần, từ khi con đường Trường Sơn còn chưa hoàn thiện, chỗ này cây cầu xây dở, chỗ kia vách núi mới cắt, phơi màu đất đỏ lói.

Mùa này trong năm, đường Trường Sơn đang đẹp vô cùng. Những cơn mưa tưới lành đất đai, bật mầm cho thảm rừng một màu xanh biếc.

Cùng với quốc lộ 1A, đường Trường Sơn là xương sống của đất nước Việt Nam vốn dài và hẹp giữa, như có nhạc sĩ từng ví von chính xác là chiếc đòn gánh, gánh nặng hai đầu đất nước.

Nhưng cả tuần nay, những tán rừng xanh ngắt không còn cuốn được mắt người trong hành trình.

Chiếc đòn gánh nhẫn nại oằn thêm vì hàng chục ngàn người nghèo bỏ lại Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, chạy xe máy về quê trốn dịch.

Những đoàn người chở gần như hầu hết của cải quý giá, chở vợ con, người ruột thịt… lầm lũi đi suốt mấy ngày đêm, phơi mình trong mưa nắng. Mỏi mệt cũng không dám dừng, và không được dừng trong thị tứ, bởi địa phương nào cũng sợ đoàn người không kiểm soát mang theo bệnh dịch.

Đêm đến, họ cố chạy xa khỏi vùng tập trung dân cư. Chỉ cần tìm được một chỗ đất bằng phẳng đặt được lưng, đoàn người ngã ra ngủ mê mệt để mờ sáng lại tiếp tục hành trình.

Xót xa cảnh người dân vượt trăm cây số, ăn bờ ngủ bụi, nặng trĩu hành trang về quê tránh dịch

Trên quốc lộ không còn tiếng súng, chỉ còn tiếng nổ oành oành của động cơ xe máy, nhưng cảnh tượng hôm nay khiến tê liệt tâm can không khác gì cảnh những đại lộ kinh hoàng trong chiến tranh vài chục năm trước.

Họ là ai?

Là những người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Đắc Lắc, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An…

Họ là những tế bào sinh ra trong chiếc đòn gánh nghèo khó, quanh năm lụt bão, hoặc không có nghề nghiệp gì mưu sinh nơi quê nhà.

Họ phải rời quê đến những vùng đất trù phú kiếm sống, để có tiền về nuôi cha mẹ già, nuôi con đi học.

Họ là những sinh viên khao khát sẽ thay đổi cuộc đời bằng học hành. Họ làm công nhân, bán vé số, bán hàng rong, buôn bán nhỏ, thợ hồ, thợ sơn…

Họ sống ở đâu?

Họ sống trong những khu nhà trọ, tiện nghi tương ứng với túi tiền. Hầu hết là những căn phòng 12 m2-18 m2, một cửa sổ nhỏ, kiến trúc bất di bất dịch với chiếc gác xép làm nơi ngủ nghỉ, ở dưới có chiếc bếp nhỏ hoặc không.

Ở giữa là lối đi, cũng là nơi để xe máy, xe đẩy đi bán hàng, hàng hóa, phơi áo quần, khu sinh hoạt công cộng.

Giá những phòng trọ như vậy khoảng một triệu đồng đến hai triệu đồng. Để tiết kiệm tiền, họ thường thuê một căn ở chung nhiều người. Nghề nào, tỉnh nào lại có những khu trọ tập trung cho nghề ấy, tỉnh ấy.

Có những khu trọ chỉ cho phụ nữ thuê. Những người phụ nữ độc thân gánh trên vai trách nhiệm nuôi cha mẹ già, nuôi anh em bệnh tật, nuôi cháu, những người phụ nữ chồng làm thuê một nơi, vợ bán rong một nẻo, họ nằm chung san sát trên nền nhà, đồ đạc chất gọn trong thùng carton.

Bây giờ, về quê để còn sống.

Dân tự cứu nhau, dân Sài Gòn, dân cả nước và dân hải ngoại gửi về cứu trợ đồng bào.

Tôi tin rằng số người nghèo cùng kiệt, mất khả năng mưu sinh trong vài tuần qua ở TP HCM không thể nào tiêu thụ hết lượng tiền, hàng cứu trợ nhiều đến mức đó.

Nếu được tính toán, lên kế hoạch từ trước, số tiền-hàng cứu trợ này dư đủ để trích một phần hỗ trợ người dân kiệt lực bám trụ lại thành phố.

Dư đủ để thuê xe, thuê tàu đưa dân về quê an toàn về thể chất và dịch tễ. Hệ thống tàu xe chở khách của hệ thống nhà nước đều đang nhàn rỗi, việc tổ chức cũng không hề khó.

Nhân dân, không phải nạn dân

Hôm nay, trong số đoàn người chạy loạn về quê đã có những người bệnh. Dư luận phần nhiều thương xót họ, nhưng cũng không ít người chỉ trích họ mang dịch về gây hại cho quê hương.

Thái độ của các địa phương hoàn toàn không thống nhất. Có nơi tổ chức được vài đoàn về, chưa biết khi nào mới đưa về tiếp, theo báo nhà nước. Thái độ của các địa phương hoàn toàn không thống nhất.

Có nơi thẳng tay từ chối như Long An cấm đoàn 300 công nhân từ Đồng Nai về miền Tây cách đây vài ngày. Có nơi như Huế, trì hoãn mãi cho đến khi áp lực dư luận bùng nổ.

Và, dưới đây là ghi nhận của một người dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về làn sóng người đã bỏ thành phố để trở về quê giữa sự tái bộc phát của cơn dịch Tàu Covid-19:

Cho đến hôm nay, từ khi cơn đại dịch bùng phát mạnh ở Sài-Gòn và một số tỉnh phía Nam, người ta ước tính có khoảng gần nửa triệu người đã bỏ Sài-Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê. Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau.

Họ từ muôn phương tụ lại dây và rồi quay đầu về cố hương trong cơn đại dịch. Họ đến với đôi bàn tay trắng, mong có một cuộc sống khá hơn nhưng rồi trở về cũng trắng đôi bàn tay.

Có người đã đến hơn chục năm, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đất này. Nhưng cũng có người vừa đến chưa đầy đôi ba tháng. Họ có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng giống nhau ở một điểm là trải qua cơn dịch, họ không còn phương tiện sống, không còn công việc để kiếm cơm, không còn lối thoát và chọn giải pháp cuối cùng là trở về.

Có người trở về trên chiếc xe gắn máy chở cả gia đình vợ chồng con cái với chút gia sản ít ỏi cột theo xe. Cũng có người trở về với chiếc xe đạp trên con đường diệu vợi hàng trăm hàng ngàn cây số. Cũng có người trở về bằng đôi chân trần, lếch thếch trên con đường cái quan với hành trang chỉ là chiếc ba lô nhỏ. Cũng có ba cha con trở về bằng chiếc xe kéo tự chế, con ngồi, cha kéo như một trò chơi để mong về mảnh đất còn xa hơn trăm cây số. Cũng có gia đình ba thế hệ cùng đi bộ về, bước chân không còn vững nhưng cố gắng rời rạc bước khi cơn dông và bầu trời đen kịt kéo về báo hiệu cơn mưa lớn.

Trong đoàn người về quê tối 6 tháng 10, tại chốt kiểm soát của thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, đoạn giáp ranh với địa phận tỉnh Long An. Trạm Cảnh sát Giao thông thị trấn Tân Túc phát hiện bà Trần Thi Ớt, 76 tuổi, đi bộ đẩy chiếc xe nôi từ thành phố về Thoại Sơn, An Giang, vì chồng tai biến trở nặng. Hình ảnh cụ bà lưng đã còng, chậm rãi đẩy chiếc xe chất đầy đồ đạc đi hàng trăm cây số khiến ai nhìn thấy cũng lặng người.

Đỗ Duy Ngọc (Trở Về Với Máu, Nước Mắt Và Buồn Tủi) (ngưng trích)

Đúng là “trở về với máu, nước mắt và buồn tủi”, nhưng theo tin RFA ngày 13 tháng 10, chủ tịch Quốc hội CHXHCN Việt Nam Vương Đình Huệ ngày 12 tháng 10 vừa qua đã “phát biểu gây bão dư luận” rằng “hiện tiền trong dân còn khá nhiều” sau 4 tháng các tỉnh thành áp dụng những biện pháp phong tỏa để đối phó với dịch bệnh.

“Bão dư luận” đâu không thấy, chỉ thấy dân đói khổ, màn trời chiếu đất, tương lai tối đen, trong lúc các quan cách mạng, những đại gia đỏ, ung dung sống đế vương trong những biệt thự, lâu đài tráng lệ, tiền rừng bạc bể.

Vậy mà người dân vẫn cúi đầu cam chịu, chỉ khóc thầm, hay than thở với nhau, chia cơm xẻ áo cho nhau, như lời Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng: dân ta “thương người như thể thương thân’, ‘lá lành đùm rá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Chủ nghĩa Mác-Lê đã do "bác Hồ" (giả) học được ở Liên Xô, đem về cấy vào Việt Nam.

Liên Xô và khối Cộng Sản chư hầu Đông Âu đã chết hơn 30 năm rồi mà cái quái thai XHCN vẫn còn sống để báo hại dân Việt Nam và được “Trọng lú” ca tụng là “ưu việt”!

Bao giờ mới có “bão dư luận”, rồi "bão cách mạng" và dân Việt Nam mới thoát cái đại nạn XHCN "ưu việt"?

K‎‎‎ý Thiệt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025