Khốn nạn thế là cùng
Khốn nạn thế là cùng
Thế Giang
Khi kẻng báo động vừa khua vang ngoài đầu xóm thì hai người khách lạ đã thập thò trước sân.
– Chúng tôi muốn gặp ông Đặng Đình Hưng…
– À, ra thế là các ông; các ông muốn gặp ông Đặng? Các ông là ai? Gặp có
việc gì?
Ông công an xã đưa mắt nhìn ông bí thư thở phào rồi xoi mói nhìn khách.
– Chúng tôi ở trên Bộ Văn Hoá về gặp ông ấy có chút việc riêng.
– Việc riêng không thể nói ra đây được à?
– Tôi là Huy Du, bí thư đảng đoàn Hội nhạc sĩ, yêu cầu ông mời hộ ông
Hưng ra cho chúng tôi nói chuyện!
– Dạ… dạ, bác Hưng ngồi ở góc kia…, đó ông có nhìn thấy không? Thôi để
tôi vào gọi hộ cho.
Vừa thoáng nghe đến cái tên Huy Du. ông Hưng đã xây xẩm mặt mày. Bao
nhiêu rượu uống từ đầu bữa tới giờ toát hết hơi lạnh sau gáy. Nhè miếng giò
đang nhai dở trong miệng vào bát, ông ngồi thừ ra lo nghĩ. Ông công an xã sốt
ruột bèn xốc nách ông đứng dậy.Chân nam đá chân xiêu, quên cả xỏ guốc, ông lảo
đảo vịn vai đám khách đang ngồi bệt dưới đất lần ra ngoài. Huy Du cái tên gợi
lại cho ông những hình ảnh đấu tố của Bộ Văn hoá 20 năm về trước. Huy Du, bạn
ông; Huy Du, người ngưỡng mộ ông; Huy Du đầu thú; Huy Du thủ trưởng; Huy Du,
người phát động đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm; Huy Du, cơn ác mộng của nửa đời ông…
và bây giờ Huy Du lại về đây…
Phần 2
Ông còn lúng túng chưa biết xưng hô làm sao thì hắn ta đã ào tới ôm lấy
vai, nụ cười gắn sẵn trên môi.
– Sao có khoẻ không Hưng? Bệnh tật vậy mà vẫn còn sức uống rượu à?
Ông cảm thấy nhột nhạt và lo sợ về cử chỉ thân mật bất ngờ nầy. Đã bao
lần người ta êm ái, ân cần, nhân danh sự giúp đỡ khuyên vợ ông bỏ ông… và đẩy
ông vào tù.
– Nghe tin cậu bị ung thư anh em rất lo. Hôm qua anh Trần Độ điện thoại
hỏi thăm và yêu cầu mình về đón cậu đi nhà thương. Anh ấy nhường cả chiếc xe
Volga thường ngày đi làm để cho cậu đấy.
Chúng nó vẫn để ý theo dõi mình? Vẫn chưa buông tha… sao chúng nó biết
mình ung thư?
– Đời sống dễ chịu không? Chắc cũng khó khăn nhiều phải không? Nhưng giờ
thì khá rồi! Cậu biết không, tay đại sứ của mình từ Ba Lan vừa điện về nhà xin
ý kiến nên chuyển 30.000 đô-la tiền thưởng vào Ban tiếp nhận viện trợ trung
ương hay chuyển vào ngân quỹ của sứ quán. Tụi mình chạy vội lên ông Phạm Văn
Đồng xin giúp đỡ… Và thế là Thủ tướng ký lệnh trả lại cho thằng bé số tiền đó.
– Tiền gì? Thằng bé nào…?
– Thì thằng Sơn nhà cậu ấy. Cậu chưa biết chuyện gì xảy ra à? Thằng Sơn
giật giải nhất thi Chopin ở Vác-sa-va ba ngày nay, báo chí đài phát thanh phát
ầm lên mà cậu không hay sao?
– Tôi có cái đài cái đóm nào đâu mà biết… Sao? Nó đoạt giải nhất Chopin
à?
– Ồ… ở đây sao người ta lại lười đọc báo, nghe đài quá! Các địa phương
chả bao giờ nắm vững tình hình được…
Ông đã bắt đầu yên tâm với chiều hướng của câu chuyện, nhưng lòng vẫn
còn bán tín bán nghi.
– Được ba ngày rồi à? Thế lúc nầy cháu nó ở đâu?
– Hiện cháu đã về lại Nga rồi. Nửa tháng nữa sẽ nghỉ phép về thăm nhà.
– Về Hà Nội à?
– Ừ, về Hà Nội. Sao? Cậu thấy trong người thế nào? Phải thu xếp lên ngay
Hà Nội ngay bây giờ, tớ đã liên hệ với bệnh viện K, họ hứa sẽ thu xếp ngay cho
cậu một chỗ nằm.
– Chả hy vọng gì đâu, xin cứ để tôi được yên ở đây. Cái bệnh nầy giỏi
lắm cũng chỉ năm sáu tháng nữa là cùng, mà đừng có đụng dao kéo gì tới thì mới
được…
– Cậu bệnh nầy lâu chưa?
– Nửa năm nay rồi…
– Bậy thật, thế mà chúng tớ có biết gì đâu, mãi đến hôm kia Thủ tướng
điện hỏi thăm xem thằng Sơn là ai, cha mẹ nó làm gì v.v… tụi mình mới hay.
Họ sánh vai nhau đi trên đường làng. Huy Du ôm riết lấy vai ông bạn cũ,
thỉnh thoảng lại ghé tai nói nhỏ điều gì rồi cười lên rinh rích. Những lúc đó,
ông Hưng dừng lại, chờ cơn cười của Huy Du qua đi, hai bàn chân đi đất gãi gãi
vào nhau cho đỡ ngứa rồi đi tiếp.
– Đi đây, rẽ đây… đường làng chật quá, tớ phải cho lái xe đỗ tuốt ngoài
đầu đình… cậu đi đâu vậy? Tớ nhận được chỉ thị của anh Trần Độ là phải đưa cậu
lên Hà Nội ngay lập tức!
– Cho tôi về nhà cái đã… còn nửa cút rượu uống dở giắt trong vách nhà…
mà tôi bỏ quên đôi guốc ở đâu rồi?
– Lấy rượu thôi nhé… đồ đạc không cần, lên Hà Nội lấy quần áo của tớ mặc
cho nó tươm tất một chút…
<0><0><0>
Gió Thu lờ lững vờn quanh dẫy nhà hai tầng quét vôi mầu vàng. Hàng sấu
già mọc giăng hàng trước cửa đài phát thanh sướng run lên vì được vuốt ve.
Mở toang cửa sổ của văn phòng điều trị, ông Hưng vươn cổ uống lấy từng
cơn gió. Bữa cơm chiều ba món nấu đơn giản nhưng đầy chất lượng của bệnh viện
dành cho những con người tuyệt đường sinh lộ đang óc ách trăn trở trong bụng
ông. Ăn uống kham khổ lâu ngày đã quen bỗng dưng từng khối thịt cá như đạn trái
phá nã thẳng vào dạ dầy đâm ra hỏng bét hết cả. May mà ông nghe lời bác sĩ
không ăn thêm món thịt ngỗng quay không biết của ai mua ở phố Hàng Buồm gửi
vào. Quà cáp thật nhiều, của người quen có, của những cái tên lạ hoắc cũng có.
Sau cái trò Phạm Tuân lên vũ trụ, giờ lại tới tin con trai ông trở thành
đệ nhất dương cầm thế giới đang gây dư luận sôi nổi trong cả nước. Quán rượu,
quán cà phê, nước trà, đang khi chen chúc nhau trên xe buýt, người ta kháo nhau
về cái tin bất ngờ đó. Nhiều gã thanh niên sau khi thêm thắt một vài chi tiết
chung quanh cuộc thi rồi xuống giọng trầm buồn kể về cuộc đời gian truân đầy éo
le của bố nó – Tôi vẫn thường uống rượu với ông Đặng Đình Hưng mà! – Một chi
tiết đáng giá bảo đảm cho sự quen biết đối với bậc danh nhân. Ngay cả đến ông
hàng xóm thật, hồi mà thiên tài của thằng Sơn còn mong manh trong vỏ trứng, đã
một ngày hai bận sang đấm cửa nhà nó yêu cầu câm ngay cái âm thanh không thích
hợp với rau muống, chuyện đấu đá ở cơ quan, để cho ông được yên tĩnh, cũng ngậm
ngùi oán trách sự ngược đãi của chế độ đối với nhân tài.
Thôi cũng chả sao; bất mãn đang là cái mốt của người Hà Nội mà. Giới văn
nghệ sĩ thì sung sướng ra mặt. Gặp nhau ngoài đường anh nào anh nấy mặt mũi
tưng tửng làm như mình là người đoạt giải vậy. Xưa nay vốn bị coi khinh bạc, bị
coi như một thứ xướng ca, mõ làng cho đảng giờ cũng đẻ ra được một cái gì, y
như nàng thứ phi bỗng dưng sinh hạ cho chúa thượng một đấng con trai bèn lên
mặt với đám thê thiếp. Cái đất nước quá nghèo nầy suốt đời ngửa cổ chờ đón tin
trúng số độc đắc và những phen có dầu… hụt của tổng cục dầu khí, giờ đang nở
mặt nở mày với thế giới.
Nhưng “Trung Ương” thì không được hài lòng lắm. Thật là một cú bất ngờ,
xưa nay đã trót kìm kẹp đè nén khiến bao tài năng bị sinh non đẻ bậy, giờ lại
phải ngậm đắng nuốt cay ẵm ngửa một cuộc đời đã thoát khỏi quỹ đạo của đảng bay
ra ngoài giao du với thế giới. Việc nhọc lòng đầu tiên là ông Phạm Hùng buộc
phải ký lệnh hết hiệu lực cái án phát vãng lưu vong cho ông bố thằng Sơn. Thứ
đến là Sở quản lý nhà đất phải lo cho ông cái buồng để ở. Rồi đây, khi quan
trên trông xuống, người ta trông vào, gia đình nó cũng phải có một chỗ trú thân
cho tươm tất. Giới lãnh đạo văn nghệ lại phải lựa lời để thay đổi cách xưng hô.
“Tên đồ tể Đặng Đình Hưng” (?) không hiểu ông nhạc sĩ Huy Du, bí thư đảng đoàn
Hội Nhạc Sĩ lấy đâu ra lòng căm giận để nguyền rủa người bạn thân, kẻ đã can tội
nhỏ nước mắt cho những oan hồn cải cách ruộng đất mà khi đó chính ông ta cũng
là thành viên của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Và cũng chính ông Huy Du nầy, khi
thằng Sơn đã học hết những cái gì có được của trường nhạc Việt Nam bèn lên
giọng lập trường quan điểm đe bác bỏ đề nghị gửi nó đi Nga học. May mà có dịp
ông Na-ta-xon, giáo sư dương cầm Nga, ghé Hà Nội, giữa rừng âm thanh bát nháo,
ông đã lọc ra tiếng đàn thằng Sơn. Nhưng ba năm liền Hà Nội vẫn lì ra với lời
yêu cầu gửi thẳng nó qua cho ông dạy. Đến độ ông nổi cáu, sát hạch lại trình độ
tất cả học sinh được gửi sang, đuổi về một mớ và dọa sẽ đuổi tất cả nếu không
cho thằng Sơn đi. Bị dồn vào bước đường cùng nên anh đội cẩm Huy Du đành duyệt
cho qua lý lịch của nó.
“… Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con
đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng
khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều
và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường,
tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt
ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà
Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ
sự cay đắng đó mà con gặp đươc Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật
lên tiếng đàn của hồn ông…”
Ông hiểu con ông như hiểu chính mình. Nó vẫn cô đơn và đầy dũng cảm như
cha nó. Nhưng ngôi sao bản mệnh của nó vững hơn nên đi hết được con đường ông
đã dắt nó vào và bỏ dở. Buông rơi lá thư tay nóng hổi của con trai gửi về, ông
liếc mắt xuống tờ báo Nhân Dân: “Công-cua Sô Phanh – Công-cua gốc mít”. Hàng
tít lớn chạy dài cắt ngang tờ báo – “…Đặng Thái Sơn, tiếng đàn vọng lên từ
những căn hầm trú ẩn. Tiếng đàn bay cao hơn tiếng bom Mỹ nổ. Tiếng đàn vọng lên
từ dưới những gốc mít của các trại sơ tán của trường nhạc Việt Nam. Đặng Thái
Sơn, những nỗi đau của một dân tộc đấu tranh đòi độc lập…”. Cái thằng Thép Mới
nầy “rỉ” quá rồi. Thi sĩ Tố Hữu vừa dồn hết cảm hứng cho Phạm Tuân vào vũ trụ
nên chưa lấy lại được hơi sức. Cũng may! Ông nhớ lại hình ảnh của những đứa trẻ
con đá bóng trên đường phố trong đêm khuya, từng bầy công an bịt chặt các ngã
đường – như đánh trận – để đuổi bắt chúng. Những đứa trẻ ở trần mồ hôi trơn
láng, khó bắt thì ngáng chân! Rồi mai đây khi những đứa bé gẫy răng, đổ máu đầu
để nứt đất chui lên thành Thế Anh, Cao Cường v.v… (hai cầu thủ nổi tiếng) thì
con mẹ mìn đó lại ẵm vội vào lòng. “Nhờ sự quan tâm vun trồng của đảng!”…
Ông thấy thương con ông, ông thương những đứa trẻ. Nó chỉ có một con
đường, cắm đầu mà đi, đằng sau không có lối về. Khi đụng đến bức tường cuối
đường thì úp mặt vào, đợi tiếng lên đạn…
Nhưng lần nầy thì đạn nổ ngược, nó đã nhảy bật qua khỏi bức tường bay
thoát ra thế giới bên ngoài. Ông nhẩm đếm những xác người đã ngã gục dưới bức
tường đó. Trần Dần, Phan Khôi… những Đoàn Phú Tứ lẩn thẩn suốt đời đi dép lệch,
những Lê Đạt lầm lũi chui trong đêm như con cóc, người quen gặp không dám chào
vì sợ liên luỵ, những thằng họa sĩ sau khi buộc lòng học nghề thợ mộc trong tù
nhìn bàn tay phế thải cứng như thợ đóng cối của mình mà trào nước mắt… Còn biết
bao nhiêu cuộc đời bị rút phép thông-công đẩy vào bóng tối như mình?
Ông nhớ lại những trại nuôi bò mà người ta đã lùa ông và bạn bè ông lên
đó để “lấy lại tình thương, lập trường giai cấp từ những con vật!…”. Để Văn Cao
bây giờ suốt ngày đi ngoài đường thơ thẩn như con bò. Còn Hoàng Cầm nữa, nó yêu
từ gốc rạ toả hơi ấm sớm mai, ngơ ngẩn hỏi “lá diêu bông” ở đâu… chứng nào vẫn
tật nấy, còn ngứa ngáy với thơ thì lại rũ xương trong tù mà thôi.
Khuôn mặt vợ ông từ từ hiện lên. Nàng vẫn sống mà ông như nhớ về người
đã chết. Hơn chục năm rồi không gặp lại kể từ lần cuối ra toà li dị. Tất cả đã
đổ vỡ, đổ vỡ từ nàng Thái Thị Liên đẹp mơ mộng, có tiếng đàn lãng mạn như tình
yêu đối với ông. Người ta không thể chịu được bà trưởng hệ Piano lại là vợ của
“thằng Nhân Văn Giai Phẩm.” Nàng cũng không thể chịu được con người ngày hôm
qua còn là đấng tao nhân hào hoa phong nhã ngước mắt nhìn trời là nhạc ý tuôn
theo mây, nay thành kẻ phẫn chí nát rượu. Con cái nàng không thể ngóc đầu lên
được nếu ngày nào còn là con “thằng Nhân Văn Giai Phẩm…”. Và ông đành gạt nước
mắt chia tay vợ ở tòa án rúc về xó quê hẻo lành đợi tuổi già đến khuân đi. Nghĩ
đến, ông vẫn còn tủi giận. Ông vẫn còn yêu, hằng đêm ông vẫn còn nhớ. Nhưng
trời đày làm sao để những con người xa thì nhớ thương mà lại gần thì thấy ghét.
Một cơn ho xé phổi kéo giật ông xuống giường. Người nữ y tá trực vội xô cửa
chạy vào.
– Ông lại uống rượu phải không?
– Không, tôi có uống nữa đâu, có lẽ tại lạnh, làm ơn đóng hộ cái cửa sổ.
Ông cố giơ tay chỉ ra phía sau mình.
– Ông tệ lắm, cấm thế nào vẫn lén uống. Ông Huy Du đã chỉ cho chúng tôi
mánh khoé giấu rượu của ông mà vẫn không sao ngăn được.
Có tiếng lao xao trò chuyện ngoài hành lang.
– Tôi chỉ vào năm phút thôi, tôi là cháu họ của ông ấy mà…
Anh đó cố vật nài.
– Đã bảo không được là không được mà!
Tiếng đàn ông xẵng giọng đáp lại.
– … Tôi đã nói với các người rất nhiều lần rồi, người bệnh cần được tĩnh
dưỡng. Yêu cầu 4 giờ rưỡi chiều mai trở lại!
Ông nhận ra giọng nói của nhạc sĩ Huy Du. – Cái thằng nầy thật lắm nghề,
khi méo khi tròn, nó định làm bầu gánh hát cho cha con nhà nầy hay sao vậy? –.
Cô y tá vừa khép cánh cửa lại là ông vùng dậy liền. Ngắm nghía bộ quần áo của
Huy Du đưa, ông tắc lưỡi rồi trút bỏ bộ đồ bệnh nhân, mặc nó vào. Tụt người
khỏi bệ cửa sổ, ông bò xuống đường. Khi chân vừa chấm đất thì chợt vang lên một
hồi kẻng. Ông giật mình đứng sững người lại để định thần. À, hoá ra tiếng kẻng
đổi gác của hỏa lò Hà Nội. Nháy mắt với chú công an đang bồng súng trợn mắt
nhìn mình trong chấn song sắt, ông đi cứ như chạy đến quán rượu của Hoàng Cầm.
– Thằng Sơn nó về là mình có quyền xoá tên trong “sổ thiên tào” của ông
bạn vàng rồi. Tiên sư nó, mỗi lần ghi nợ mình là nó xướng to lên cho vợ nghe
thấy rồi lẳng lặng dúi thêm cho nửa lít mang về.
* Thế Giang.
( Nguồn: Trích từ CÂY ĐẮNG NỞ HOA trong tập truyện ngắn Thằng Người Có
Đuôi; Nhà xuất bản Người Việt, 1987.)
<0><0><0>
Xin mời các bạn xem qua về một quá trình “dấm quả” của người Việt:
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1956 tại miền Bắc Việt Nam, nhiều nhà văn,
nghệ sĩ đã đứng lên tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở,
là chữ dịch từ “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”, thời kỳ “trăm hoa đua
nở, trăm nhà đua tiếng” của mao xủ xí.
Ngày đó, rất đông văn nghệ sĩ đã tham gia phong trào này. Nổi tiếng nhất
có các ông Phan Khôi - Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy - Thư ký tòa soạn,
Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Văn Cao,
Nguyễn Tuân, bà Thụy An... Có nhiều trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào
Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào
này và mọi người biết đến nó dưới cái tên là nhóm “Nhân văn Giai phẩm”.
Trong nhóm Nhân văn Giai phẩm có một nhà thơ tên là Đặng Đình Hưng. Ông
chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, hoạt động nghệ
thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm sáu tập thơ, với những vần thơ khó
hiểu, rất khác người. Ông còn đuợc biết đến như một kiến trúc sư, nhạc sĩ, hoạ
sĩ.
Năm 1957 Đặng Đình Hưng lấy bà Thái Thị Liên, một nhạc sĩ dương cầm
(piano) nổi tiếng đương thời. Bà Thái Thị Liên đã có hai đời chồng trước - khi
bà ở hải ngoại (Pháp, Tiệp Khắc) và đã có ba người con. Năm 1958, vợ chồng họ
Đặng và họ Thái sinh được một cậu con trai, họ đặt tên là Đặng Thái Sơn.
Niềm vui vầy con cái chẳng được bao lâu thì tai họa ập đến. Chính quyền
cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Đặng Xuân Khu, Võ
Nguyên Giáp đã ra tay dẹp phong trào Trăm hoa đua nở và nhóm Nhân văn Giai
phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ bị đưa đi nông trường, nặng hơn nữa thì bị khép án, tù
tội. Bị xử nặng nhất là bà Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang - quả chanh mọng nước
trước và sau cái gọi là cách mạng tháng 8.
Về người quyết định “đánh” Nhân Văn Giai Phẩm, chính thức được nêu danh
thì là Xuân Khu và Tố Hĩu. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Đang, người rất thân cận
và là quả chanh bị Hồ chí Minh vắt cho kiệt nước trong thời kỳ cộng sản mới
cướp được chính quyền thì cho rằng nếu không có sự đồng ý hay cho phép của Hồ
chí Minh thì Nhân văn Giai phẩm không thể bị dẹp.
Với một ông chồng là một nhân vật trong Nhân văn Giai phẩm, bị coi là
một tay phản động chống đảng, bà Thái Thị Liên bị sức ép, phải chia tay với
Đặng Đình Hưng. Và thế là bà Liên cùng với ba người con riêng-chung, trong đó
có cậu quý tử Đặng Thái Sơn phải ra ở riêng, dạy nhạc kiếm sống, chấp nhận,
chịu đựng một cuộc đời cực nhọc vất vả.
Cũng từ đó, kể cả nhiều năm tháng đi sơ tán ở các vùng quê xa Hà Nội,
Đặng Thái Sơn học âm nhạc, học chơi dương cầm với mẹ. Cuộc đời khốn khó nhưng
bà là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời khen, thậm chí
Đặng Thái Sơn còn bị “đối xử” rất khắt khe nữa.
Năm 1974, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra làm cho cuộc đời của Đặng Thái
Sơn bước sang một khúc ngoặt: Một vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên
là Isaac Katz, sang dạy cho Trường Âm nhạc Hà Nội đã tình cờ phát hiện ra Đặng
Thái Sơn.
Chuyện kể rằng một buổi chiều nọ, ông Katz đang tản bộ trên con đường
gần nhà bà Thái Thị Liên, ông nghe thấy tiếng đàn dương cầm rất hay, rất đáng
chú ý. Lần hồi ông Katz đã tìm được đến nhà bà Thái Thị Liên và gặp cậu con
trai Đặng Thái Sơn, một học sinh Trường Âm nhạc Hà Nội, năm nào cũng đứng đầu
lớp.
Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac
Katz chính thức yêu cầu Trường Âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy
cho người học sinh xuất sắc đó, mặc dù trên nguyên tắc ông Issac Katz chỉ dạy
những học sinh năm cuối trước khi thi tốt nghiệp và Đặng Thái Sơn năm sau mới
hội đủ điều kiện này.
Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước. Trước khi về ông đã đề nghị cho
Đặng Thái Sơn được theo học dương cầm tại Liên Xô. Lời đề nghị này không được
chấp thuận, bởi vì với chính quyền, Sơn là con của một người dính vào Nhân văn
Giai phẩm, bị coi là một loại phản động nguy hiểm cho nhà nước.
Lời đề nghị không có phản hồi, giáo sư Isaac Katz đã phải yêu cầu lần
thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con
ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học
trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Thế là năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Liên Xô. Anh
tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Trước
anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Năm
đó anh mới 18 tuổi.
Khi vào học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn gặp một vị
danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra
tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Liên Xô để có thể tìm đúng
thầy thì Natanson chính là ông thầy này, một thầy dạy tận tâm và rất giỏi.
Sơn được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì,
nếu tính theo hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 USD. Sơn có
hai người bạn thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn
từng đồng mới có thể tạm đủ ăn và thỉnh thoảng vẫn phải đi làm thêm để kiếm
tiền chi dụng hàng ngày.
Năm 1980, Sơn tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky với hạng tối ưu.
Tòa Đại sứ Việt Nam tại Moskva chắc được chỉ thị của Hà Nội nên đã coi như không
biết, không để tâm đến thành tích của người đồng hương này mà còn có ý muốn
truy nã, gây khó khăn cho Sơn chỉ vì bố anh thuộc “thành phần phản động Nhân
văn Giai phẩm”!
Tốt nghiệp song phải làm gì? Giáo sư Natanson thúc đẩy anh phải nộp đơn
và hoàn tất thủ tục xin dự thi, nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan. Đặng
Thái Sơn bèn làm đơn với tòa Đại sứ Việt Nam xin được giới thiệu là một ứng
viên Việt Nam đi thi Chopin và xin cấp ít tiền lộ phí vì đường từ Moskva đến
Warszawa, thủ đô Ba Lan quá xa, mà anh làm gí có tiền. Đơn của anh bị bác.
Khi ấy Liên Xô cũng chuẩn bị cử một số nhạc sĩ đi Warszawa. Họ tổ chức
một kỳ thi tuyển lựa cả trăm người để tìm ra mươi người đại diện cho Liên Xô.
Những người này sẽ được chính phủ Liên Xô giúp đỡ. Đặng Thái Sơn cũng thi “ké”
vào đó. Anh được chấm điểm cao nhất, nhưng anh không ở trong danh sách đại diện
Liên Xô để đi thi được. Anh phải dự thi với tư cách tự do, vô tổ quốc và không
được chính quyền Liên Xô giúp đỡ.
Không những thế ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan còn toan bác đơn xin dự thi
của Đặng Thái Sơn vì đơn dự thi của anh không một lời giới thiệu, chẳng biết
anh là ai, nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin
dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một học viện âm nhạc làm chứng
cho khả năng của mình, khả năng hạng tối ưu khi ra trường.
Giáo sư Natanson thấy vậy lại phải ra tay giúp đỡ vì ông biết người trò
cưng đầy tiềm năng của ông rất có hy vọng thắng giải. Ông phải bỏ tiền ra cho
Đặng Thái Sơn mua vé xe lửa đi Warszawa, thuê nhà trọ, thuê cả dàn nhạc đệm cho
anh đánh đàn - Một số tiền không nhỏ.
Không có tiền mua vé máy bay, và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì, Sơn
không có người thân nào ra tiễn tại sân ga Moskva, cũng chẳng có người bạn nào
đến đón khi tới Warszawa. Hành lý của anh thì thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành
lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm để lúc hữu sự dùng đến… Buồn quá, Sơn đã
phải dốc bầu tâm sự với ông bố Đặng Đình Hưng.
Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết:
“Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vác-sa-va quá dài mà con đi
bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước
từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và
giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền
thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ…
Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc
thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình mà Việt Nam thì không có - con tham
dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được
Chopin - Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”
Và hình như thế, Sơn đã được Chopin chọn, anh qua được vòng loại một
cách dễ dàng, loại hầu hết 149 đối thủ thuộc 37 quốc gia trên toàn thế giới, rồi
tiến lên vào vòng chung kết. Để vào vòng chung kết, Sơn bị kẹt một điều là thí
sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho buổi chung kết nhưng
làm sao có áo đuôi tôm bây giờ? Người gỡ rối cho anh lại là giáo sư Natanson.
Ông thầy phải lôi anh đến một cái tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả
nửa ngày không có chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là đành may
một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo còn chưa
được nhặt sạch chỉ.
Kết quả anh đã thắng giải đầu là giải quan trọng nhất; anh còn đoạt thêm
11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK Nhật Bản, chính
hãng NHK sau này mở cho anh con đường ra khỏi nước!
Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Warszawa đã như một làn sóng chấn
động giới âm nhạc cổ điển thế giới. Khi tin này về tới Việt Nam thì báo Nhân
Dân của nhà nước Việt Nam - những người từng không muốn anh ra khỏi nước, không
muốn anh học dương cầm tại Liên Xô, lại còn tìm cách cản trở anh đi Warszawa
tham dự kỳ thi Chopin - đã đăng tin này lên trang nhất trong ba ngày liền, với
những lời ca tụng quá lố đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân
sinh, anh ngượng khi đọc...
Cuộc sống sau “Nhân văn Giai phẩm”, nhà thơ Đặng Đình Hưng bị ung thư
phổi. Khi Đặng Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, Đặng Đình
Hưng đang phải sống ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa, chỉ nằm
chờ chết.
Đặng Thái Sơn về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được
điều trị đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về
nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện dành cho các cán
bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác
sĩ số một của y khoa Hà Nội khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng
danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu ông cụ sống thêm được mười năm nữa.
Năm tháng qua đi, dù cả cuộc đời “sau Chopin” Đặng Thái Sơn chỉ ở Nhật
và du diễn khắp thế giới rồi định cư ở Canada, nhưng anh vẫn được nhà nước
“lôi” về gắn lên ve áo danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân - cho dù phần lớn nhân dân
chẳng biết anh là ai, và cũng chẳng bao giờ nghe - hiểu nổi thứ âm nhạc mà anh
đánh ra!..
Có lẽ chính người nhạc sĩ cũng không để tâm đến danh hiệu này vì ngay
sau đó ông cùng với mẹ, bà Thái Thị Liên xin định cư tại Montreal và xin nhập
quốc tịch Canada.
Thế Giang.
(Nguồn: Trích từ CÂY ĐẮNG NỞ HOA trong tập truyện ngắn Thằng Người Có
Đuôi; Nhà xuất bản Người Việt, 1987).
Nhận xét
Đăng nhận xét