Năm nguyên tắc lĩnh đạo chỉ huy
Năm nguyên tắc lãnh đạo chỉ huy
Tác giả: NGUYỄN VIẾT KIM
1. Đặt lợi ích của
người khác trước lợi ích của mình.
2. Đừng chẻ sợi tóc làm tư. Đừng micro-manage (đừng quản trị chi tiết).
3. Lấy mình làm gương.
4. Luôn làm điều đúng
dù không có ai quan sát hay theo dõi bạn. Có lúc, làm khác đi, bạn sẽ ân hận và
bị ám ảnh điều đó.
5. Khen công khai, phê
bình kín đáo.
Câu chuyện của nữ Hải Quân Đại Tá Quân Y Hoa Kỳ gốc Việt
Hải quân y sĩ Trung tá (Commander) Josephine Nguyễn Cẩm Vân đã được vinh thăng Đại tá (Navy Captain) vào ngày 29/9/2021. Bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ nhận lời tuyên thệ của đại tá Josephine Nguyễn. |
Tháng 4, 1975,
trong dòng người di tản, có một sĩ quan hải quân trẻ, tên là Nguyễn Văn Huấn.
Anh rời Việt Nam trên một con tàu, mang theo cô con gái nhỏ tên là Minh Tú vừa
mới tròn thôi nôi và bỏ lại đàng sau giấc mộng hải hồ của người sĩ quan hải
quân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH)…
Sang định cư tại Hoa Kỳ, tại vùng phía bắc tiểu bang Virginia, sát cạnh
thủ đô Hoa Thịnh Đốn, gia đình ông Huấn sinh hạ thêm một cháu gái vào năm 1977
với tên Việt là Cẩm Vân và tên Mỹ là Josephine Nguyễn. Nay thành Hải
quân Đại Tá Quân Y Phi Hành Nguyễn Cẩm Vân (U.S Navy Commander Flight
Surgeon).
Sẽ chẳng có chuyện gì đáng nói, nếu người sĩ quan hải quân QLVNCH ấy hàng ngày “đi cày” kiếm tiền nuôi con, cho con học hành, đỗ đạt thành tài…
Chuyện đáng nói ở đây là người sĩ quan trẻ phải giã từ màu áo chiến binh ngày nào đã nối dài ước mơ đời lính của mình tới hai cô con gái yêu quý của anh…
– Từ huyền thoại
người lính QLVNCH …
Hai cô gái nhỏ Minh
Tú và Cẩm Vân lớn lên nơi vùng đất lạ, tiểu bang Virginia và không ít lần thắc
mắc về cuộc đời của bậc sinh thành, nguồn gốc của mình. Ông Huấn nhiều khi kể
cho con nghe về quá khứ của mình, về hình ảnh anh dũng của người lính QLVNCH,
về cuộc chiến Việt Nam, về quê hương bỏ lại nghìn trùng xa cách bên kia bờ Thái
Bình Dương…
Hai cô con gái nhỏ
ngồi nghe chuyện kể của cha như nghe những chuyện cổ tích từ nhà trường như
“Cuộc Chiến Thành Troy”, như “chuyện cổ Hy Lạp Odyssey”, như nhiều chuyện cổ
tích thần thoại khác,…
Và có ai ngờ rằng
những câu chuyện kể về một cuộc chiến đã qua, về những trận đánh oai hùng trong
quân sử hải quân QLVNCH lại trở thành những hạt giống nhỏ, những chồi non và
qua thời gian trở nên lớn dần, nẩy mầm, sinh chồi nảy lộc trở thành những ước mơ
đời lính trong tâm hồn của các cô gái Mỹ gốc Việt, dù rằng các cô lớn lên trong
xứ sở an bình, ở một nơi chốn bình an,… Các cô lớn dần và giấc mộng hải hồ đời
lính cũng lớn dần theo năm tháng…
Chính Cẩm Vân cũng
tiết lộ trong bài “Female cadets finally take command with top Naval Academy
graduating honors” của hãng thông tấn Associated Press vào ngày 27 tháng 5,
1999 là quyết định theo đuổi ngành hải quân của cô là do ảnh hưởng của cả từ
người cha và người chị. Cô nói: “Chúng tôi lớn lên trong những câu chuyện
kể về sự nghiệp hải quân của cha tôi.”Ngoài ra, một động cơ khác sâu lắng
hơn, tiềm ẩn hơn để cô quyết định vào hải quân là ý tưởng đền ơn đáp nghĩa theo
truyền thống báo đáp của người Việt. Cẩm Vân nói trong bài viết nói trên của
AP: “Bạn muốn đền đáp lại cho đất nước đã giúp đỡ rất nhiều cho gia
đình bạn.”
– Con đường vào
binh nghiệp lận đận của người chị Minh Tú.
Thoạt tiên, ngay
khi vừa tốt nghiệp trung học, Minh Tú muốn vào Học Viện Hải Quân Annapolis ngay
để nối tiếp sự nghiệp còn dang dở của người cha, thế nhưng con đường vào binh
nghiệp của Minh Tú – chị của Cẩm Vân – thật là gian nan. Cô ta bị Học Viện Hải
Quân từ chối đến 3 lần, và cuối cùng cô phải đi một con đường vòng để thực hiện
được ước mơ: gia nhập lực lượng trừ bị (ROTC: Reserve Officers’ Training
Corps). Minh Tú bộc lộ trên báo Mỹ: “Tôi nộp đơn vào Học Viện Hải Quân
ngay khi xong trung học, thế nhưng, đơn của tôi bị bác đến 3 lần. Tôi đành phải
đi học tạm tại trường đại học George Mason và năm sau lại nộp đơn gia nhập quân
ngũ, nhưng vẫn bị từ chối.” Dẫu vậy, Minh Tú không phải là người dễ
dàng chấp nhận bỏ cuộc, cho nên cô nghĩ ra cách đi đường vòng. Cô ta kể
lại: “Tôi gia nhập Lực lượng Trừ Bị (ROTC), nhờ xuất sắc nên được sự đề
cử của tổng trưởng Hải Quân vào Học Viện Hải Quân. Và sau gần một năm dưới màu
áo Trừ Bị, tôi được chọn lựa vào trường Dự Bị của Học Viện Hải Quân tại Rhode
Island”. Cô ta kể lại rằng đạt mục đích này là giấc mơ sắp thành tựu.
Vào năm 1995, Minh
Tú chính thức được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ và cũng vào năm này, một
niềm vui lớn cũng đến với cô là người em gái Cẩm Vân được nhận ngay vào Học
Viện Hải Quân. Cả hai chị em, một sinh năm 1974 và một sinh năm 1977, đều vào
quân ngũ cùng một khóa.
Những câu chuyện kể
về người lính hải quân QLVNCH ngày nào từ người sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Huấn đã
được chính hai cô con gái của anh viết tiếp trong trang sử quân nhân trên đất
nước Hoa Kỳ. Vào năm 1999, sau khi ra trường, Minh Tú trở thành sĩ quan Thủy
Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
- Cẩm Vân và những cánh cửa cơ hội rộng mở
Nếu Minh Tú sẵn
sàng cuộc đời quân nhân sau khi tốt nghiệp Trung Học (sau khi giải
ngũ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, cô Minh Tú trở thành luật sư và nay là
công chức liên bang tại Hoa Thịnh Đốn), thì cô em Cẩm Vân có ý định vào chuyên
khoa, vì cánh cửa đại học chuyên môn đã rộng mở ngay sau khi cô tốt nghiệp
trung học.
Vừa tốt nghiệp
trung học, Cẩm Vân được nhiều trường đại học uy tín như Stanford, Brown,
Princeton và Yale nhận vào học. Cô muốn vào một trường nổi tiếng, ra trường với
mảnh bằng bác sĩ. Thế nhưng, lời thuyết phục của người cha và người chị
khiến cho Cẩm Vân thay đổi quyết định, và đã chọn lựa con đường chông gai và
thử thách hơn mà đi: Gia nhập học viện hải quân vào năm 1995, cùng khoá với
người chị – Minh Tú.
Con đường nhập ngũ
của Cẩm Vân suông sẻ hơn con đường gồ ghề gian nan hơn của người chị Minh Tú.
Cẩm Vân thú nhận rằng cô rất vui khi làm theo lời khuyên của gia đình… Và từ
ấy, quân lực Hoa Kỳ có thêm hai nữ quân nhân… người Mỹ gốc Việt!
Khi những giọt nước
mắt đã biến ý chí người nữ quân nhân gốc Việt thành thép.
Hai chị em Minh Tú
và Cẩm Vân tốt nghiệp Học Viện Hải Quân khóa 1999. Riêng Cẩm Vân tốt nghiệp á
khoa (hạng nhì) trong một khóa ra trường trên 900 tân sĩ quan và cô
cũng lãnh đạo 2,000 sinh viên sĩ quan. Vị thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000
sinh viên sĩ quan trong Học Viện Hải Quân.
Cần nói thêm là
Quân Lực Hoa Kỳ có 3 đại học quân sự huấn luyện các sĩ quan, cùng với đại học
quân y tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
– Hải Quân và Thủy
Quân Lục Chiến (Annapolis) U.S Naval Academy, tọa lạc tại Maryland.
– Lục Quân (West
Point) U.S Military Academy, ở tiểu bang New York.
– Không Quân
(Colorado Springs) U.S Air Force Academy, trong tiểu bang Colorado.
Thông thường các sĩ
quan tốt nghiệp đầu bảng các đại học quân sự là các nam sinh viên sĩ quan, năm
1999 có một hiện tượng đặc biệt là tại US Naval Academy, nơi đào tạo các danh
nhân như tổng thống Carter, Nghị Sĩ John S. McCain.. đầu bảng có một nữ sinh
viên sĩ quan và hạng nhì là một nữ sinh viên gốc Việt, hải quân thiếu úy Nguyễn
Cẩm Vân.
Theo hệ thống tự
chỉ huy, sinh viên thủ khoa chỉ huy toàn thể 4,000 sinh viên sĩ quan, sinh viên
á khoa là phụ tá và chỉ huy 1 trung đoàn 2,000 sinh viên, sinh viên có hạng thứ
ba chỉ huy trung đoàn khác.
– Vì sao một cô gái
Việt nhỏ nhắn lại có thể vượt qua những nam sinh viên sĩ quan người Mỹ to lớn
về thể chất như thế?
– Điều gì đã làm cho cô gái Việt trở thành một sĩ quan á khoa và là một trung
đoàn trưởng được 2,000 sinh viên sĩ quan người Mỹ nể phục và tuân lệnh?
Chắc quý vị cũng tò
mò trước những câu hỏi như thế!
Trong bài viết
“Godfrey, Nguyen, Lentz reach pinnacle for ’99 của USNA Public Affairs”, thì cô
Cẩm Vân tốt nghiệp á khoa với 3.98 điểm trong số điểm tối đa 4.0, và ba
yếu tố cấu thành là: kiến thức văn hóa, khả năng quân sự, yếu tố vượt qua khó
khăn. Ông phó khoa trưởng giáo dục Frederic I. Davis của Học Viện
Hải Quân nói rằng “bạn không thể nào có thứ hạng cao mà không tỏ ra
xuất chúng trong ba lãnh vực nói trên”.
Nói về học tập thì cô gái Việt Nam có thể so tài với người Mỹ, thế
nhưng, làm sao một cô gái Việt Nam nhỏ bé lại có thể xuất chúng hơn những chàng
trai Mỹ to lớn, khoẻ mạnh để trở thành một trung đoàn trưởng lãnh đạo 2,000
sinh viên sĩ quan và tốt nghiệp á khoa?
Chúng tôi bị thu
hút vào câu hỏi này và càng tò mò về nữ bác sĩ Hải Quân người Mỹ gốc Việt này,
sau thời gian 6 năm trong hạm đội ở lực lượng ứng chiến tiền phương tại Nhật
Bản (forward-deployment naval forces), vị bác sĩ này tu nghiệp chuyên môn 2 năm
tại University of Pennsylvania Medical Center, một trong các trường thuộc Ivy
League, bác sĩ Nguyễn Cẩm Vân có cấp bậc trung tá, phục vụ tổng y viện quốc gia
của Quân Lực Hoa Kỳ (Walter Reed National Military Medical Center) tại thủ đô
Hoa Thịnh Đốn.
– Cẩm Vân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô như sau:
Cô ta vẫn nhớ như in trong đầu những ngày đầu của một sinh viên sĩ quan trong
Học Viện Hải Quân. Đó là mùa hè nắng cháy tới 105 độ Fahrenheit. Trong 6 tuần
hè đó, mà những tân sinh viên sĩ quan thường gọi là 6 tuần hỏa ngục (thời gian
huấn nhục). Dưới cái nắng cháy da trong quân trường đổ lửa, các tân sinh viên
sĩ quan, dù nam hay nữ, dù Mỹ trắng hay Mỹ gốc Phi, gốc Á đi nữa vẫn phải học
giống nhau từ môn chạy vượt chướng ngại vài dặm mỗi ngày, cho đến bắn súng, hít
đất, lăn lộn, bò càng…Không chỉ tập luyện rất gay go như thế mà nhiều khi còn
bị đàn anh, đàn chị la hét, khi cô tỏ ra mệt mỏi.
Cô ta kể lại, có
lần mệt nhoài, cô núp vào một góc và suýt bật lên tiếng khóc. Cô muốn khóc cho
lớn để vơi đi những nỗi buồn bị la rầy từ cấp trên. Một hôm một nữ sĩ quan huấn
luyện bắt gặp và mời cô lên văn phòng an ủi là mọi chuyên sẽ trở nên tốt đẹp,
và cô không nên tự ái khi bị la vì nhờ vậy cô mới trở nên khá hơn, thoát bỏ đời
sống và lối suy nghĩ dân sự để trở thành một quân nhân, một sinh viên sĩ
quan…
Cô Cẩm Vân kể lại
là khi bước ra khỏi văn phòng sĩ quan cán bộ này, cô bớt buồn và quyết tâm
thành công hơn trong thời gian huấn luyện, quyết tâm ở lại quân trường và quyết
tâm ra trường với kết quả thứ hạng hàng đầu. Nhiều khi, cô tự an ủi mình là
người con gái Việt không nên để người ta cười, người ta chế giễu, người ta lấy
làm đề tài cho những chuyện vui đùa khôi hài tại quân trường…
Quyết tâm đó đã
giúp cô làm quen với cường độ tập luyện ngày càng gia tăng nặng nề hơn. Những
giọt nước mắt, những tự ái và tự hào người Việt hun đúc trong cô, biến ý chí
của cô trở nên cứng rắn như sắt thép, và từ đó, những ngày tháng nơi quân
trường chỉ thấy mồ hôi của cô chảy và không bao giờ thấy nước mắt chảy
nữa.
Ngày xưa, chúng ta
nghe đến câu chuyện người thiếu phụ hóa đá và bây giờ, chúng ta nghe câu chuyện
về nước mắt tự ái đã biến trái tim và ý chí của cô gái Việt trở nên cứng rắn
như đá, như thép.
Cô ta kể lại, như
để trả lời câu hỏi là làm sao cô có thể vượt lên trên cả ngàn tân binh to lớn
người Mỹ như thế, như sau:
– Trong quân
trường, dưới cái nắng thiêu người như thế, trên một lộ trình chạy vượt chướng
ngại dài và những bài tập thể lực căng thẳng, sau những đêm, ngày thiếu ngủ, dù
ai đi nữa, Mỹ trắng, dù Mỹ gốc Phi hay gốc Á, dù là nam hay nữ tân binh,… cũng
sẽ mệt nhoài, kiệt sức, và trong hoàn cảnh ấy, ai cũng giống ai cả, cũng gần
ngã gục cả, và chỉ có một thứ làm mình đứng dậy, hiên ngang lao tới là ý chí,
là tự ái, là tự tin và tự hào, là tâm lý không muốn cho người ta coi thường,
cười nhạo báng người con gái Việt… Người con gái Việt phải vượt lên, lao tới,
trở thành ưu tú…
Và cô đã lấy nước
mắt pha lẫn mồ hôi, cộng với ý chí kiên cường, cộng với niềm tự hào về đời quân
ngũ của người cha mà viết tiếp trang quân sử tuyệt vời mà thân phụ đã dang dở
năm nào,…
Cô nói: All I can
say is “sure they’re stronger than I am, but when we’re all in the same boat,
when it’s 105 degrees outside, when we’re all exhausted from lack of sleep,
doing hundreds of pushups and from running numerous miles, it’s your
determination that will keep you going”. I never gave up. I never fell out of
the runs…
Và cô đã làm được
điều đó: Tốt nghiệp á khoa và được là trung đoàn trưởng, lãnh đạo chỉ huy 2000
sinh viên sĩ quan. Đọc câu chuyện về cô, nghe kể về cô, trái tim tôi xúc
động trước sự rực rỡ ý chí của một người con gái Việt trẻ tuổi.
Không những ý chí
của cô là một tượng đài tuyệt đẹp mà nhân cách của một cô gái Việt cũng được
chứng minh, được khẳng định trong quân trường…
Cô kể lại rằng khi
sĩ quan cán bộ yêu cầu một phiên làm vệ sinh quân trường, thì cô là người tình
nguyện đầu tiên để nhận lãnh trách nhiệm ấy. Chính việc làm này càng làm tăng
thêm uy tín cho cô và càng ngày cô càng được các khóa sinh kính trọng và yêu
mến…
Và từ đó, ngay trên
quân trường, một khả năng lãnh đạo phát sinh trong người con gái Việt.
Cô kể lại rằng
nhiều người quan niệm là khả năng lãnh đạo là thiên phú, là trời cho, thế nhưng
cô nghĩ là trong mỗi chúng ta đều có năng lực trở thành một người lãnh đạo
thành công và giỏi. Năng lực lãnh đạo phát sinh từ thực tế công việc,
từ sự cần cù và những học hỏi từ sai lầm mà mình đã vấp. Và đó là những đặc
điểm độc đáo từ Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, một nơi mà theo cô là một phòng thí
nghiệm tuyệt vời về khả năng lãnh đạo và chỉ huy.
Hành trình 4 năm
tại học viên Hải quân, Cẩm Vân đi từ một cô gái rụt rè, sợ hãi, đến một vị trí
Trung Đoàn trưởng, chỉ huy 2000 sinh viên sĩ quan, thì bài học nào cần thiết
được rút ra cho khả năng lãnh đạo chỉ huy? Cô đắn đo suy nghĩ và rút ra
năm kinh nghiệm sau đây:
1. Đặt lợi ích của
người khác trước lợi ích của mình:
Cô nói rằng thuộc
cấp của bạn sẽ biết rõ ràng rằng liệu bạn có thật sự lo cho họ hay không bằng
cách bạn đối xử với họ thế nào. Nên nhớ bao giờ cũng thực hiện tối đa nguyên
tắc này và bạn sẽ được thuộc cấp nể phục.
2. Đừng chẻ sợi tóc
làm tư. Đừng micro-manage (đừng quản trị chi tiết):
Nếu bạn giao cho ai
việc gì, bạn đề nghị cho họ cách thực hiện và cho họ biết là bạn tin tưởng vào
khả năng làm việc của họ. Hãy để cho họ tìm cách riêng để hoàn thành công việc.
Hãy để họ bàn với bạn phương cách làm việc và chính họ là người hoàn thành công
việc. Làm như thế họ sẽ tự hào về khả năng của họ và cần mẫn làm việc hơn bao
giờ hết. Người ta sẽ làm việc hết mình nếu lãnh đạo tin vào họ.
3. Lấy mình làm
gương:
Nếu bạn muốn mọi
người có mặt vào lúc 8 giờ, thì bạn phải có mặt vào lúc 7:50, chứ đừng đến 8:05
hay 8:10. Châm ngôn trong quân đội là đúng giờ tức là đến trước giờ.
4. Luôn làm điều
đúng dù không có ai quan sát hay theo dõi bạn. Có lúc, làm khác đi, bạn sẽ ân
hận và bị ám ảnh điều đó.
5. Khen công khai,
phê bình kín đáo:
Nhiều thượng cấp và
cả cha mẹ phạm sai lầm là la con cái hay thuộc cấp trước mặt mọi người. Làm như
thế sẽ hạ thấp, làm mất thể diện người khác và bạn sẽ mất đi sự kính trọng và
lòng trung thành của người đó.
Trong xã hội ngày nay, nhiều người quên một điều quan trọng nhất trong đời
sống. Đó không phải là tiền tài hay địa vị mà đó là cuộc sống của bạn sống thế
nào, ảnh hưởng đến xã hội và người khác ra sao, dù chỉ một người mà thôi,…
Chính điều này, sự ảnh hưởng xã hội và người khác một cách tốt đẹp mới là giá
trị quan trọng của đời sống…
Tính cách lãnh đạo
chỉ huy và quan niệm thay đổi đời sống đang hun đúc giá trị người lãnh đạo của
một cô gái Việt này và giúp cô vượt lên từ một cô gái Việt bình thường thành
một sĩ quan tốt nghiệp á khoa và là một trung đoàn trưởng của Học Viện Hải Quân
Hoa Kỳ.
– Nguồn cảm phục: Những gương tiền nhân trong dòng sử Việt!
Sinh ra trên đất Mỹ
và lớn lên ở xứ người, cũng như những người cùng hoàn cảnh, nhiều lúc Cẩm Vân
tự hỏi mình: Tôi là người Mỹ hay người Việt?
Cô phải trải qua
một quá trình dài để nhận ra sự khác biệt này, chấp nhận căn cước bản thể của
mình, và yêu mến cộng đồng của mình, di sản dân tộc mình… Cô tâm sự: “Sự
thừa nhận nguồn gốc đã làm cho tôi cảm thấy tự tin hơn, cởi mở hơn với sự đa
dạng trong đời sống và có thêm nhiều ý kiến khác biệt. Tôi phát hiện ra những
sự dị biệt trong con người và và điều đó làm cho tôi thấy mỗi người trở nên đẹp
đẻ hơn đối với tôi…
Trong hành trình
tìm thấy bản thể của mình, cô trân quý cha mẹ của cô. Cô nói: Cha mẹ tôi đã
liều thân đưa chúng tôi ra đi để có một tương lai tươi sáng hơn, và do đó tôi
mới có mặt cùng quý bạn trên đất nước này. Khi nghĩ về điều đó, tôi cảm thấy nợ
cha mẹ tôi rất nhiều, và cũng như nhiều cha mẹ khác đã cũng hy sinh như thế vì tương
lai của các con cái…
Và tôi luôn muốn
nói với mọi người và với bạn là tôi muốn vinh danh cha mẹ tôi, vinh danh cha mẹ
bạn, vinh danh tất cả những bậc cha mẹ đã hy sinh liều chết đưa con cái ra đi
để có tương lai tươi sáng, vinh danh họ vì những nỗi nhọc nhằn, hy sinh, tủi
cực mà họ đã trải qua để có cuộc sống tươi đẹp cho con cái, và vinh danh cả
tình yêu mà thế hệ cha anh đã dành cho chúng ta…
Cô tâm sự: “Tôi
đã từng khóc trên quân trường, trong cuộc đời vì tự ái. Bạn và tôi có bao giờ
nhìn thấy nước mắt của cha mẹ mình chảy ròng trên má để mang lại cuộc sống đầy
đủ cho gia đình trên xứ lạ quê người?”…
Cô ta kể lại rằng từ nơi xa xôi ấy, cô vẫn đọc sách sử về văn hóa Việt
và cô tự hào về gia sản văn hóa của mình và trong những đêm ngồi đọc sử Việt, cô
ngưỡng mộ rất nhiều những nữ anh hùng đất Việt như Bà Trưng, Bà Triệu… Cô tâm
sự rằng hình ảnh Bà Triệu làm cô ngưỡng mộ và xúc động nhất. Mới tuổi 20, Bà
Triệu đã lãnh đạo khởi nghĩa chống quân Trung Hoa xâm lược, để bảo vệ giang sơn
bờ cõi của tiền nhân, và khi mộng không thành thì chấp nhận quyên sinh chứ
không nộp mình cho giặc…
Lênh đênh trong hạm
đội ứng chiến trên Thái Bình Dương, khi một mình trong văn phòng y
khoa trên hàng không mẫu hạm luôn trong tình trạng ứng chiến tại
phía bắc Thái Bình Dương, nhiệm vụ chính của bác sĩ phi hành Nguyễn Cẩm Vân là
phụ trách lo liệu y tế cho các phi công trong phi hành đoàn của đủ loại phi cơ,
Cẩm Vân tự nhủ: Chúng ta còn quá nhỏ bé so với tiền nhân! Và mỗi lần nghĩ về
đất nước, mỗi lần mệt mỏi gần gục ngã, hình ảnh Bà Triệu, tấm gương Bà Triệu
như là nguồn sinh khí cho cô đứng dậy và vươn lên…
Nguyễn Viết Kim
Nguồn: www.vietquoc.org
Nhận xét
Đăng nhận xét