TRỞ VỀ VỚI MÁU, NƯỚC MẮT VÀ BUỒN TỦI.


TRỞ VỀ VỚI MÁU, NƯỚC MẮT VÀ BUỒN TỦI

Tác giả: ĐỖ DUY NGỌC

Cho đến hôm nay, từ khi cơn đại dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn và một số tỉnh phía Nam, người ta ước tính có khoảng gần triệu người đã rời bỏ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để trở về quê.

Họ từ Cao Bằng, Lạng Sơn cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Nghĩa là từ muôn phương tụ lại và rồi quay đầu về cố hương trong cơn đại dịch. Họ đến với đôi tay trắng, mong có một cuộc sống khá hơn nhưng rồi trở về cũng trắng đôi bàn tay. Có người đã đến hơn chục năm, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đất này. Nhưng cũng có người vừa đến chưa đầy đôi ba tháng. Họ có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng giống nhau ở một điểm là trải qua cơn dịch, họ không còn phương tiện sống, không còn công việc để kiếm cơm, không còn lối thoát và chọn giải pháp cuối cùng là trở về. Có người về trên chiếc xe gắn máy chở cả gia đình vợ chồng con cái với chút gia sản ít ỏi cột theo xe. Cũng có người trở về với chiếc xe đạp với con đường diệu vợi hàng trăm, hàng ngàn cây số. Cũng có người trở về bằng đôi chân trần, lếch thếch trên con đường cái quan với hành trang chỉ là chiếc ba lô nhỏ. Cũng có ba cha con trở về bằng chiếc xe kéo tự chế, con ngồi, cha kéo như một trò chơi để mong về mảnh đất còn xa hơn trăm cây số. Cũng có gia đình ba thế hệ cùng đi bộ về, bước chân không còn vững nhưng cố gắng rời rạc bước khi cơn giông và bầu trời đen kịt kéo về báo hiệu cơn mưa lớn. Trong đoàn người về quê tối 6.10, tại chốt kiểm soát của thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, đoạn giáp ranh với địa phận tỉnh Long An. Trạm CSGT thị trấn Tân Túc phát hiện bà Trần Thị Ớt 76 tuổi đi bộ đẩy chiếc xe nôi từ thành phố về Thoại Sơn, An Giang vì chồng tai biến trở nặng. Hình ảnh cụ bà lưng đã còng, chậm rãi đẩy chiếc xe chất đầy đồ đạc đi hàng trăm cây số khiến ai nhìn thấy cũng lặng người.

Tất cả đều chung hoàn cảnh là trong túi chẳng còn bao nhiêu tiền nữa. Bởi nếu còn khá tiền, họ sẽ cố ở lại để đợi chờ cơn dịch đi qua. Cả đoàn người về miền Trung, miền Bắc đi trong cơn mưa, những đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác, những đôi mắt người lớn mệt mỏi, u buồn. Những chiếc áo mưa mỏng manh không che được cơn mưa lớn, tất cả ướt sũng vì nước mưa và khuôn mặt họ đầy nước mắt. Họ được dân địa phương tặng cho chén súp, chén cháo nóng giữa đêm, họ được chăm sóc như người thân và họ khóc vì cảm động.



Cặp vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp, người vợ mang bầu đã đến tháng thứ tám, chỉ còn 100.000 đồng cho cuộc hành trình. Cả gia đình hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ sau khi trả những đồng tiền cuối cùng của mình cho việc xét nghiệm kiếm cái giấy đi đường chỉ còn lại 50.000 đồng. Cặp vợ chồng trẻ đi bộ về quê khi chẳng còn một đồng trong túi sau hai tháng ở gầm cầu vì bị đuổi ra khỏi nhà trọ do không còn tiền để đóng, người vợ đang mang thai, mấy hôm đi bộ nhiều nên có lẽ động thai, ra huyết. Chị mong đi đến được nhà cô chị để nhận được 200.000 đồng như lời hứa của cô chị, đi khám thai rồi tiếp tục đi bộ trên con đường quy hương. Không biết cặp vợ chồng trẻ này bao giờ mới được về nhà. Xem clip mà nước mắt cứ trào ra thương biết bao thân phận, thương quá cho nỗi đau, nỗi khổ của đồng bào mình. Cũng may trên con đường trở về, họ đã được nhiều người dân đùm bọc, giúp đỡ. Chỉ có dân giúp dân, lá lành đùm lá rách và cũng có cảnh lá rách đùm lá nát. Cặp vợ chồng đi xe đạp nhận 5 triệu đồng của một người qua đường mà cứ ngỡ trong mơ. Cặp vợ chồng trẻ được anh Khương Dừa trao tặng 5 triệu đồng với lời nhắn nhủ phải đi khám thai rồi tính gì thì tính. Cô gái mừng rơi nước mắt, khóc vì cảm xúc, khóc vì được giúp trong bế tắc và có lẽ cũng là giọt nước mắt tri ân vì đời vẫn còn người tốt.

Cuộc trở về không chỉ có giọt nước mắt mừng vì được có người giúp miếng ăn, chai nước, ít tiền hay phương tiện để đi được thêm một chặng đường. Mà còn những giọt nước mắt nghẹn ngào đau xót trước cơn hấp hối của con như nước mắt của người mẹ trên đỉnh đèo Hải Vân trong đêm mưa khi thấy con mình đã gần như ngưng thở vì đói, rét và gió gụi đường trường. "Trong tiếng động cơ khởi động ồn ào, một bà mẹ bất ngờ khóc thét khiến cả đoàn xe máy sắp xuất phát phải dừng lại. Đứa trẻ đã ngất xỉu trong lớp áo mưa. Bà mẹ trẻ bồng con sơ sinh lao thẳng về phía có các tình nguyện viên, cầu cứu.

Nhanh chóng bế đứa nhỏ khỏi vòng tay mẹ, một tình nguyện viên cũng là y tá của bệnh viện ôm đứa nhỏ chạy vào một quán nước trên đỉnh đèo. Các y tá, bác sĩ khẩn cấp sơ cứu.

Qua kiểm tra, nhóm tình nguyện nhận định cháu bé ngất xỉu do tụt đường huyết vì quá đói và mệt sau chặng đường dài.

Người mẹ quê tỉnh Nghệ An khóc kể lại rằng, trên đường đi cháu bé nôn ói, không ăn được gì. Khi đến đỉnh đèo Hải Vân thì hết nôn ói, chị mở chiếc áo mưa ra xem thì đứa trẻ đã lịm…"(trích báo)

Tiếng kêu "cứu con tôi với" đầy nước mắt vang lên trong cảnh nhộn nhạo của cuộc di tản chứa nỗi tuyệt vọng và bi thương. Cũng may đứa bé được cứu sống kịp thời, nếu không cuộc trở về sẽ là cơn ác mộng theo mãi người mẹ trẻ. Nhưng cũng có người đã phải chết trước khi về được ngôi nhà, làng xóm thân yêu của mình. Hai mẹ con chết vì bị tai nạn giao thông khi vừa đến Quảng Nam. Một cặp vợ chồng bị xe cán khi đã đến ranh giới quê nhà. Người chồng chết ngay dưới bánh xe tải và người vợ đang thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Và còn nhiều trường hợp nữa phải dừng lại giữa đường không được về với quê hương. Cuộc trở về không chỉ có nước mắt mà còn có cả máu, còn có cả sinh mạng của một số người. Nỗi đau này ai là người chịu trách nhiệm? Nếu đủ điều kiện để ở lại, chắc họ sẽ không làm cuộc phiêu lưu đầy giông bão để trở về. Và chắc họ sẽ không phải chết.

Vượt bao nhiêu khó khăn để trở về quê, có người phải bỏ mình trên con đường về. Nhưng buồn thay, họ lại bị lãnh đạo quê nhà từ chối. Ngay từ đầu khi có dịch ở trên thế giới, chính phủ đã thực hiện nhiều chuyến bay để chở những người con xa xứ ở Châu Âu, ở Nhật Bản, ở Ấn Độ trở về. Thế sao những người lao động nghèo ở trong nước lại không được trở về quê như họ mong ước. Họ bị rào kẽm gai, chốt chận chặn lại. Họ rớt nước mắt trong mưa, họ hò hét đến khản cổ, họ thắp nhang quỳ lạy giữa lộ. Rồi họ được về, nhưng lãnh đạo địa phương không muốn nhận. Họ lo giữ cái ghế của mình hơn là nỗi đau của đồng bào. Những người trở về không chỉ có nước mắt, máu mà còn có buồn tủi. Buồn vì họ trở thành kẻ xa lạ trên quê nhà của mình. Tủi vì họ không được chấp nhận. Khi người anh không nhận đứa em trong cơn nguy khốn của mình trở về thì là bất nghĩa. Khi lãnh đạo không nhận đồng bào của mình trong lúc khó khăn thì gọi là bất nhân. Làm lãnh đạo, làm con người mà bất nghĩa, bất nhân thì làm sao tạo được lòng tin. Lãnh đạo bất nhân, bất lực, bất tài chỉ khiến cho dân đã khổ càng thêm khổ. Dân buồn, dân tủi vì lãnh đạo quê nhà từ chối họ, họ trở thành người lạ ngay trên chính quê hương mình.



Trở về vì không còn chút gì trong tay để sống. Trở về với cái túi đã cạn sau bốn tháng không được làm việc. Trở về vì bế tắc không còn đường thoát. Thế mà lãnh đạo địa phương bắt phải trả tiền cho những xét nghiệm, trả phí cách ly một ngày 80.000 tiền ăn và 40.000 chi phí khác. Tiền đâu dân đóng? Các ông đang nghĩ gì vậy? Nếu còn tiền họ đâu có nghĩ đến chuyện trở về để làm phiền các ông? Các ông tàn nhẫn quá, bóp cổ, vét hết túi tiền của dân chăng? Xét theo luật, xét nghiệm và chữa trị cho người nhiễm virus là miễn phí, sao các ông lại tính chuyện bóp cổ dân nghèo? Bòn rút đến nước ấy thì tệ quá.

Những cuộc trở về với máu nước mắt và buồn tủi như thế vẫn đang diễn ra hàng ngày trên đất nước này. Bao giờ mới chấm dứt những cuộc di tản đau buồn đó. Và biết đến bao giờ dân nghèo mới bớt khổ đau? Thương quá đồng bào tôi ơi!

7.10.2021

DODUYNGOC

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025