MÙA THU Ở TRẠI SIKIEW
MÙA THU Ở TRẠI SIKIEW
Tác giả: TRẦN TRUNG ĐẠO
Boston hôm nay trời mưa. Mùa thu đang qua trên thành phố. Lá rơi đầy trên con đường nhỏ và nhiều nhất là trên bãi đậu xe bên hông nhà. Nhìn ra vườn tôi chợt nghĩ đến một cuối tuần bận rộn đang chờ đợi và những việc phải làm để tiễn đưa đám lá vàng khô đi theo luật tuần hoàn của vũ trụ.
Mùa thu là mùa của thi ca, là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài thơ tình
tuyệt vời của nhiều thi sĩ. Hai câu thơ “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá
vàng khô” có thể là tưởng tượng của nhà thơ Lưu Trọng Lư nhưng ở Vermont là chuyện
rất thường xảy ra vào mỗi đầu tháng Mười. Có khi xe phải dừng lại một đoạn khá
dài để chờ cho cặp tình nhân nai chầm chậm dẫm lên trên xác lá băng qua đường.
Phải chăng vì những gì đẹp nhất thường dễ tàn phai nên mùa thu thường
được đưa vào văn chương gắn liền với những hạnh phúc vội vàng và chia ly tan
nát.
Mười tám năm trước tôi có viết một bài thơ về mùa thu, trong đó có hai
câu:
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em?
Thoạt nghe như mang âm hưởng của Đinh Hùng trong “Trời cuối thu rồi em ở
đâu / Nằm trong đất lạnh chắc em sầu“. Không phải. Tôi không viết cho một người
tình mà viết về một cô gái không quen, 26 tuổi, đã sống, chịu đựng và chết
trong một hoàn cảnh vô cùng thương tâm ở trại Sikiew Thái Lan.
Tôi nhắc đến mùa thu chỉ vì đó thời điểm tôi viết bài thơ và cũng vì tên
em là Thu Cúc, Hoàng Thị Thu Cúc.
Ba của em là một cựu công chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị tù và
chết trong tù. Em dắt bốn người em và một người cháu vượt biên sang Thái Lan.
Cuối năm 1992, gia đình em bị từ chối quyền tỵ nạn chính trị. Phẫn uất trước
quyết định quá phũ phàng của Cao Ủy, em treo cổ tự tử. Tấm hình em nằm bên cạnh
cuộn dây đã được nhiều báo Pháp đăng và câu chuyện cũng đã được các hãng tin
quốc tế gởi đi từ Bangkok.
Trong lúc trại tại các quốc gia khác đồng bào tỵ nạn là những thuyền
nhân, đồng bào tỵ nạn tại Thái Lan bao gồm một số không ít đã vượt biên bằng
đường bộ qua ngã Campuchia. Tôi không biết Thu Cúc và các em đến Thái bằng ngã
nào. Nói đến Thái Lan là nói đến thảm cảnh hải tặc đã và đang ám ảnh trong tâm
trí của nhiều đồng bào bất hạnh. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi ghe tỵ
nạn trong hải lộ từ Việt Nam vào vịnh Thái Lan đã bị hải tặc tấn công trung
bình 3.2 lần. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc ghi nhận 881 vụ hãm hiếp. Tuy nhiên con số
đó như chúng ta biết chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế bi thảm mà đồng bào
ta đã gánh chịu.
Những năm đầu của thập niên 90, tôi và bạn bè sinh hoạt trong phong trào
Chống Cưỡng Bách Hồi Hương ở Mỹ để yểm trợ đồng bào đang chống cưỡng bách hồi hương
ở các trại tỵ nạn. Chúng tôi không phải là hội đoàn hay tổ chức gì mà chỉ là
một nhóm nhỏ từ VietNet và các tổng hội sinh viên. Công việc chính của chúng
tôi là quyên tiền cho các trại qua hình thức các buổi đi bộ phần lớn do LAVAS
tổ chức, cho các cơ quan đang giúp đồng bào làm hồ sơ tỵ nạn và gởi thư đến
chính giới của nhiều nước kêu gọi họ tiếp tục nhận người tỵ nạn Việt Nam. Chúng
tôi thường đặt bàn ở các chợ để phân phối tài liệu về các thảm cảnh đang diễn
ra cho số phận hàng trăm ngàn đồng bào đang chờ thanh lọc ở các trại Đông Nam
Á.
Những cố gắng của chúng tôi chỉ là những hạt nước nhỏ, không thay đổi
được gì. Rất nhiều đồng bào ở các trại Sikiew, Galang, Pulau Bidong, White Head
phẫn uất và đã chọn cách phản đối trong tuyệt vọng. Một Hoàng Thị Thu Cúc ở
Sikiew, 26 tuổi, treo cổ, một Lâm Văn Hoàng ở Pulau Bidong, 22 tuổi, nhảy xuống
vực sâu, và cũng có trường hợp đáng thương hơn như em Lưu Thị Hồng Hạnh chỉ mới
16 tuổi trong diện không thân nhân đã tự thiêu.
Nhân loại có nhiều cách sống nhưng có lẽ trên thế giới này không có một
dân tộc nào lại có nhiều cách chết hơn dân tộc Việt Nam.
Tôi hay nghĩ đến đến những chịu đựng, những cách chết thương tâm của
đồng bào mình trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố.
Đất nước chúng ta có một thời như thế. Một thời, hàng triệu người Việt
Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì mình trân quý nhất để ra đi tìm tự do. Một
thời, những bài ca không còn được phép hát lên thay cho lời tỏ tình của những
kẻ mới yêu nhau. Một thời, những bài thơ không còn được khắc lên hàng phượng đỏ
trong sân trường làm chứng tích cho mối tình học trò đầy kỷ niệm. Một thời
những căn nhà thân yêu đã bị thay đổi chủ và những trường học, những con đường
thân quen đã bị đổi thay tên.
Trên website của tôi, bên cạnh bài thơ Vĩnh Biệt Em, Thu Cúc, là bức
hình bốn người em ruột và một người cháu đang ngồi chung quanh thi hài đắp vải
trắng của Thu Cúc. Chiếc dây đã được tháo khỏi cổ ra nhưng vẫn còn đặt bên cạnh
em. Cả gia đình ngồi chung quanh em trong căn phòng đầy bóng tối. Không một ai
nói lời nào. Bến bờ tự do còn quá xa xôi nhưng cánh chim đầu đàn vừa trúng đạn.
Vách đá vô tri. Lời than vô nghĩa. Ngôn ngữ dù phong phú bao nhiêu cũng không
thể nào tả được nỗi đau thương của các em lúc đó.
Mười tám năm sau.
Cách đây không lâu, một độc giả viết vào mục ý kiến bằng tiếng Anh phía
dưới bài thơ. Tôi xin dịch ra tiếng Việt: “Tôi đánh tên của chị tôi trong
Google và tìm được bài thơ này, và cũng thấy hình của 3 người anh, tôi, và cháu
trai. Tôi cảm thấy thật buồn. Đó là ngày buồn nhất trong đời. Tôi sẽ không bao
giờ quên ngày đó. Cám ơn ông Trần Trung Đạo, người đã viết bài thơ để chia sẻ
với hương hồn của chị em và chia sẻ với chúng tôi về cái ngày khủng khiếp trong
cuộc đời của chúng tôi. Tôi sẽ thương, sẽ nghĩ về và sẽ không bao giờ quên chị
cho đến cuối đời mình. Tất cả gia đình tôi hiện đang sống ở Mỹ (tiểu bang
Maryland). Tôi là người ngồi thứ hai từ phía trái và bà con trong trại ngày đó
gọi tôi là Cu Bi .”
Tôi rất mừng khi đọc được ý kiến của Cu Bi. Hoàng Thị Thu Cúc đã chết
trên đất Thái xa xôi để lại bốn người em trong đó có Cu Bi, ngày đó còn rất
nhỏ. Chết là thách thức, vũ khí và hy vọng cuối cùng của một con người trước
hoàn cảnh. Em chọn cái chết, có thể một phần, vì nghĩ rằng chỉ với cách đó Cao
Ủy mới chấp thuận cho các em của em được định cư. Thu Cúc nghĩ đúng, gia đình
còn lại sau đó đã được công nhận quy chế tỵ nạn như Cu Bi đã viết dù đã trả
bằng một giá quá đắt.
Đúng, sai, nên hay không nên đều chỉ là những phán xét của chúng ta hôm
nay nhưng vô nghĩa đối với những người ngày đó đang quằn quại trong vực thẳm.
Cám ơn Hoàng Thị Thu Cúc. Thân xác em như chiếc lá thu ngoài sân trại tỵ
nạn Sikiew ngày nào, đang hòa tan vào trong lòng đất nhưng cũng từ nơi đó những
bụi Cúc vàng xinh đẹp và đầy hy vọng cho tương lai sẽ vươn lên.
<0><0><0>
Vĩnh Biệt Em, Thu Cúc
( Gửi hương hồn em Hoàng Thị Thu Cúc Trại Sikiew, Thái Lan)
Con chim nhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Ðôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Ðường về Nam phảng phất một linh hồn
Em trở lại bóng ma từ viễn xứ
Cổng trường xưa nghe đá rỉ mồ hôi
Như nước mắt đong đầy trong quá khứ
Bướm hoa ơi, vườn mộng cũ đâu rồi?
Khi treo cổ bằng sợi dây oan nghiệt
Em nghĩ gì về đất nước mai sau
Chúng ta có quá nhiều điều thua thiệt
Trách chi em ước vọng đã phai màu
Hai chữ tự do treo trên thánh giá
Tiếng kinh cầu không đủ sáng vô minh
Em run sợ nhìn loài người giương ná
Con chim non trúng đạn chết vô tình
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên
Chúng ta lớn với trăm điều mất mát
Tuổi thơ qua theo dấu đạn bom cày
Quê hương đó vẫn chìm trong tiếng khóc
Vẫn hận thù chồng chất xuống tương lai
Vĩnh biệt em, người con yêu xứ Huế
Ngủ đi em, đừng oán hận cuộc đời
Anh đứng lặng nghe đau từ tim phế
Xin thơ này lau vết máu em rơi.
Trần Trung Ðạo
(Bức ảnh thi hài Hoàng Thị Thu Cúc với cuộn dây, các em và cháu Thu Cúc
ngồi quanh do tôi chụp lại từ một tài liệu tỵ nạn trong thập niên 1990).
Nhận xét
Đăng nhận xét