Không có lòng thương người Việt


Không có lòng thương người Việt

Bùi Diễm Rockville

Trần Quốc Việt dịch 


Sách của Robert McNamara bàn về Việt Nam, tuy nhiên sau khi đọc kỹ hai lần từ đầu đến cuối 390 trang, tôi không thể nào tìm thấy một lời nào qua đó ông bày tỏ lòng cảm thương đến người Việt hay đến nỗi đau khổ của họ. Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam nhân danh một chính sách ngăn chặn mà, ít ra phần nào về lý thuyết, sẽ giúp cho người Việt bảo vệ mình chống lại độc tài cộng sản. Nhưng ông McNamara viết như thể nhân dân Việt Nam không bao giờ tồn tại.

Ông cho là chính quyền ở Nam Việt Nam tham nhũng. Chúng tôi, những người đã mất tất cả và đã phải chịu đựng biết bao nhiêu tủi nhục trong các trại tập trung cộng sản hay với tư cách những người tỵ nạn ở hải ngoại, không có trách nhiệm bảo vệ chính quyền Nam Việt Nam trước tố cáo tham nhũng. Chúng tôi chỉ yêu cầu ông McNamara hãy nhìn tệ nạn tham nhũng đang hoành hành hiện nay ở Việt Nam. Chúng tôi cũng không biết phải chăng kinh nghiệm của ông ở Ngân hàng Thế giới kể từ khi ông bắt đầu có quan điểm như thế về chính quyền Nam Việt Nam đã khiến ông biết chút gì về tệ nạn tham nhũng ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Ông McNamara viết về sự thiếu quyết tâm đấu tranh cho tự do và dân chủ của nhân dân Miền Nam Việt Nam. Hơn 300.000 đồng bào tôi đã bỏ mình trong cuộc chiến tranh này từ một dân số thậm chí chưa bằng một phần mười dân số Hoa Kỳ. Vào tháng Tư và tháng Năm của năm 1972, quân đội Nam Việt Nam - chỉ được tiếp tế bằng máy bay-đã bị lực lượng địch quân hùng hậu bao vây trong thị xã An Lộc nhỏ bé. Họ đã tử thủ qua cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra ở từng căn nhà một và đã chặn đứng cuộc tấn công của Bắc Việt vào Sài Gòn. Không có sự tham chiến của bộ binh Mỹ.

Người bảo vệ An Lộc, Tướng Lê Văn Hưng, đã tự sát ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ. Ba vị tướng khác- Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai và Lê Nguyên Vỹ- lúc ấy cũng tự sát.

Ông McNamara viết: “ Tôi tin chúng ta có thể rút ra và đáng lẽ rút ra khỏi Nam Việt Nam hoặc vào cuối năm 1963 giữa cuộc biến động sau cuộc ám sát Diệm hay vào cuối năm 1964 hoặc đầu năm 1965. “ Tại sao một người được để cao là một trong những người “ giỏi nhất và thông minh nhất  “ của nước Mỹ lại tàn nhẫn đến thế? Trực tiếp hay gián tiếp, Hoa Kỳ đã đứng đằng sau cuộc đảo chính chống Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng Mười Một năm 1963, nhưng ông McNamara lại ủng hộ cuộc rút lui ngay sau vụ đảo chính. Đạo đức nào cho phép Hoa Kỳ đến và đi tùy ý, ngay cả sau khi góp phần vào tình hình rối ren ở Sài Gòn, mà chẳng suy xét gì đến chuyện gì sẽ xảy ra với người Việt?

Bùi Diễm là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ từ năm 1967 đến năm 1972

Nguồn: 

Dịch từ báo The Washington Post số ra ngày 11 tháng Năm 1995. 

Trần Quốc Việt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025