ASEAN to con mà yếu như sên


 

ASEAN to con mà yếu như sên

Tác giả: ĐẠI DƯƠNG

Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tự hào như một lực lượng quan trọng ở khu vực Châu Á với 600 triệu dân cư ngụ trên 10 quốc gia đa dạng về chủng tộc, về thể chế chính trị để góp tiếng nói đáng kể trong sinh hoạt quốc tế.

ASEAN chính thức thành hình năm 1967 gồm có Thái Lan, Tân Gia Ba, Indonesia, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và tiếp nối mà mở rộng Hiệp hội Đông Nam Á (ASA) ra đời năm 1961 gồm Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai Á.

ASEAN liên tục có thêm hội viên: Brunei năm 1984, Việt Nam 1995, Lào và Myanmar 1997, Cambodia 1999.

Với các hội viên thủ đắc nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng, không phát triển ngoạn mục như Tứ Hổ Châu Á (Đại Hàn, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Đài Loan) mà còn bị nguy cơ chiến tranh, kinh tế trì trệ, ngoại trừ Tân Gia Ba, nên dẫn tới nguy cơ bất định.

Các sai lầm căn bản của ASEAN

Thứ nhất, một tổ chức mà mỗi thành viên có quyền hành động riêng biệt tự quyết định theo lợi ích quốc gia nên dễ bị các đại cường mua chuộc hoặc gây áp lực. ASEAN đã không ra Thông cáo chung lên án Trung Quốc ức hiếp các quốc gia duyên hải Đông Nam Á khi Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) tuyên phán ngày 12/07/2016 rằng “Đường 9 Đoạn của Trung Quốc không có giá trị pháp lý”. Lẽ ra, ASEAN phải dựa theo phán quyết đó mà buộc Bắc Kinh cư xử với các quốc gia duyên hải Đông Nam Á theo tinh thần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Sự hèn nhát của ASEAN càng khuyến khích Bắc Kinh xây 7 đảo nhân tạo tại Nam Sa (Spratly Islands, Trường Sa) và gia tăng hoạt động trên SCS như chiếc ao nhà bất chấp sự chỉ trích từ dư luận quốc tế.

Thứ hai, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á có hệ thống chính trị khác nhau nên tìm kiếm sự đồng thuận cho bất cứ vấn đề nào cũng trở nên vô phương. Chia rẽ đã trở thành bản chất của ASEAN nên sức mạnh tập thể chỉ là lời nói suông không có giá trị. Việt Nam, Lào, Cambodia đều chia sẻ hệ tư tưởng Mác-Lê-Mao nên căn bản không thể đối kháng triệt để với Trung Quốc. Quân đội Myanmar chịu ảnh hưởng nặng nề của Bắc Kinh nên không có khả năng chống lại mọi quyết định từ Bắc Kinh.

Thứ ba, hơn ba thập niên qua, đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa (COC) vẫn chưa có kết quả vì Bắc Kinh chỉ cần tác động đến một thành viên của ASEAN thì bế tắc. Nguyên tắc “đèn nhà ai nấy rạng” của ASEAN đã trở thành viên đá cản đường cho sự đồng thuận và đoàn kết.

Thứ tư, các vụ đảo chánh Quân sự xảy ra nhiều lần ở Thái Lan, Cambodia, Myanmar khiến cho ASEAN như một “phường chèo” chứ không phải một Tổ chức Quân sự có thể so sánh với Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hoặc một Tổ chức Chính trị như Liên Hiệp Châu Âu (EU). Quân đội Myanmar đã lật đổ Chính phủ Dân chủ hồi tháng 2/2021 đang bị dư luận quốc tế chỉ trích dữ dội.

Khái niệm Độc lập và Tự chủ đã cản trở sự phát triển toàn diện của ASEAN

Nhật Bản, Đại Hàn chấp nhận sự đóng quân thường trực của Hoa Kỳ từ sau Đệ nhị Thế chiến đã giúp họ rảnh tay mà dồn nỗ lực phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, quân sự, chính trị. Dù đã thành Rồng, thành Hổ mà Đông Kinh (Tokyo) và Hán Thành vẫn duy trì sự hiện diện 50,000 lính tác chiến Mỹ và Đệ thất Hạm đội ở Nhật Bản và 28,000 ở Đại Hàn dù phải hỗ trợ hàng tỉ USD mỗi năm.

Hồng Kông, Đài Loan, Tân gia Ba theo mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ đã phát triển toàn diện xã hội. Thủ tướng đầu tiên của Tân Gia Ba, Lý Quang Diệu từng tuyên bố “nước nhỏ muốn tồn tại phải dựa và siêu cường mạnh nhất” và “Tân Gia Ba lấy Anh ngữ làm phương tiện điều hành vào giao dịch trong xã hội cũng như với thế giới” nên đã thành con Hổ giàu nhất. Lợi tức bình quân đầu người của Tân Gia Ba vào năm 2020 theo World Bank là 59,800 USD so với 63,500 của Hoa Kỳ, Hồng Kông 46,300 và Đài Loan 28,400 và Trung Quốc 10,500 và Thái Lan 7,400 và Việt Nam 2,800.

Tân Gia Ba hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ cả trên phương diện quân sự nên không bị Trung Quốc hiếp đáp. Ngược lại, Việt Nam, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Indonesia thường xuyên bị Trung Quốc chèn ép, cưỡng đoạt tài nguyên thiên nhiên, đe doạ ngư dân hành nghề hợp pháp trên Biển Nam Trung Hoa, kể cả tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa (Paracel Islands, Tây Sa), Scarborough Shoal của Phi Luật Tân. Hải cảnh và tàu nghiên cứu địa chất của Trung Quốc thường xuyên quấy rối, ngăn cản mọi hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam và Mã Lai Á.

Năm 2020, Thuỷ bộ hạm USS America đã cùng với một Khinh hạm của Úc Đại Lợi thao dượt gần nơi tàu thăm dò dầu khí của Mã Lai Á hoạt động đang bị tàu Hải dương Địa chất 8 và Hải cảnh Trung Quốc quấy nhiễu. Tiếp theo Hoa Kỳ phái một Cận duyên hạm Tác chiến trú đóng ở Tân Gia Ba đi song song với tàu thăm dò của Mã Lai Á buộc Hải dương Địa chất và Hải cảnh Trung Quốc phải bỏ đi.

Sai lầm nghiêm trọng của các quốc gia duyên hải Đông Nam Á

Thứ nhất, thu nhận Việt Nam, Lào, Cambodia, Myanmar tạo điều kiện cho Trung Quốc lũng đoạn. Mỗi lần ASEAN định thực hiện các biện pháp bất lợi cho Trung Quốc trên SCS thì Bắc Kinh vô-hiệu-hoá bằng cách sử dụng một thành viên chống đối buộc phải hạ màn.

Thứ hai, Trung Quốc và các Quốc gia Duyên hải Đông Nam Á đều là thành viên của UNCLOS mà không xác định rõ ràng chủ quyền và quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán được quy định rõ ràng và chi tiết trong UNCLOS để phân chia rành mạch các thực thể trên SCS. Từ đó sẽ giải quyết vùng chồng lấn trên SCS để ASEAN cùng nhau bảo vệ và khai thác chung khối tài nguyên thiên nhiên trên và trong lòng biển.

ASIAN tự ái hảo sẽ giúp cho Trung Quốc sớm hoàn thành tham vọng thống trị toàn cầu và trực tiếp hoặc gián tiếp cai trị ASEAN.

Bài học Nhật Bản và Đại Hàn: Hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ sẽ được an ninh, hoà bình, chính trị ổn định và phát triển thần kỳ.

ASEAN chớ vì tự ái mà rơi vào bàn tay sắt bọc nhung của Tập Cận Bình.

Đại-Dương

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025