NGUỒN GỐC CỦA SỰ PHÂN BIỆT BẮC NAM TRONG THẾ KỶ HIỆN TẠI
NGUỒN GỐC CỦA SỰ PHÂN BIỆT BẮC NAM TRONG THẾ KỶ HIỆN TẠI
Tác giả Nguyễn Huy Vũ
Có những góc nhìn mà người miền Nam khác hoàn toàn với miền Bắc. Đó là do người miền Nam học sử trên thực tế, qua sự trải nghiệm, còn người miền Bắc thì được học sử qua sự nhồi sọ, tuyên truyền của đảng Cộng sản.
* Thứ nhất, người miền Nam không cần và không muốn người miền Bắc đem quân vào “giải phóng” họ. Họ thấy người miền Bắc đem quân đi xâm lược đất nước họ. Cũng giống như bây giờ các bạn Triều Tiên được dạy phải đi giải phóng Hàn Quốc khỏi ách áp bức bởi sự cai trị của chính quyền Mỹ Nguỵ, do Mỹ dựng lên, hòng bóc lột dân Hàn; người Bắc Triều Tiên phải giải phóng Hàn Quốc để thống nhất đất nước.
Nên nhớ rằng trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà, tức chính quyền miền Nam, là một quốc gia độc lập, được thế giới công nhận, tương tự như Hàn Quốc hôm nay, có đại diện ở Liên Hiệp Quốc và toà đại sứ ở các nước khác nhau.
* Thứ hai, sau khi chiếm xong miền Nam rồi, lực lượng chiếm đóng đã lừa để đưa toàn bộ công nhân viên chức của chế độ Việt Nam Cộng Hoà đi tù cải tạo. Họ bỏ tù chứ không hề giải phóng một ai cả. Đó là một sự thật lịch sử. Đi tù cải tạo trên thực tế là tù không án.
Những người cầm quyền họ muốn nhốt người tù cho đến bao lâu tuỳ thích mà không hề có một cái án nào. Đa phần người tù đã chết trong khi thực hiện án tù vì lao động quá nặng nhọc, điều kiện giam cầm quá khắc khổ, hay thậm chí bị xử tử khi đang thực hiện án tù. Những người còn sống, thoát ra khỏi tù thì nhiều phần cũng đã bị kiệt quệ về sức khoẻ và tinh thần, mang nhiều bệnh tật.
* Thứ ba, người miền Nam bị tước đoạt tài sản một cách trực tiếp và có hệ thống, bị chặn hết lối sinh nhai, và bị bần cùng hoá sau năm 1975.
Lực lượng chiếm đóng đi đến từng nhà có của cải tịch thu vàng, bạc và những tài sản có giá trị. Những cán bộ chiếm lấy những ngôi nhà mặt tiền bề thế. Dân trong Nam do đó hay nhại câu hát “tiến về Sài Gòn ta chiếm nhà mặt tiền” của một bài hát “cách mạng” để giễu nhại một thực tế mà họ khinh bỉ là vậy. Họ thấy các cán bộ cộng sản đến từ miền Bắc chẳng có cái lý tưởng gì sấc mà hành động như một lũ cướp.
Người dân ở thành phố bị đẩy đi kinh tế mới. Gọi là kinh tế mới nhưng đây là những vùng rừng thiêng nước độc, không điện không nước sinh hoạt. Nhiều người sống không nổi đã trốn về lại thành phố.
Chính quyền miền Bắc vào tiếp quản miền Nam cho thực hiện công cuộc gọi là cải tạo tư sản. Thực chất của cái cải tạo này là chiếm lấy phương tiện sản xuất, tức máy móc, hàng hoá của những doanh nghiệp. Chiếm xong không biết sử dụng, máy móc và hàng hoá để một thời gian biến thành đống phế liệu.
Để đánh kiệt quệ luôn giới tư sản ở miền Nam, chính quyền tiếp quản cho thực hiện liên tục ba lần đổi tiền một cách bất ngờ. Trong mỗi lần đổi tiền đó, người dân chỉ được phép đổi một ít tiền có quy định. Những đồng tiền dành dụm mà không kịp đổi thì ngày hôm sau ngay lập tức biến thành giấy lộn.
Nhưng chưa hết, cái khốn khổ nhất đó là chính quyền tiếp quản cấm các hoạt động kinh doanh của giới tư nhân. Người dân muốn gì phải mua của nhà nước, từ gói xà bông cho tới cục thịt. Nhưng hàng hoá của nhà nước luôn thiếu về lượng và kém về phẩm chất. Trong khi hàng hoá của người dân không thể giao dịch, đem đi bán được. Từ chỗ là một nền kinh tế tự do, người dân sống sung túc, nhiều người bình thường chỉ ăn gạo Thái, chê gạo Việt Nam, thì giờ cả một vùng miền Nam rơi vào cảnh đói khổ, phải ăn bo bo, khoai mỳ.
* Thứ tư, người miền Nam bị phân biệt đối xử lý lịch và bị chặn lại các cơ hội thăng tiến.
Những gia đình từng cộng tác với chế độ miền Nam bị truy xét lý lịch và canh chừng. Con cái của những gia đình này bị cấm thi vào đại học.
Mà ai sống trong một chế độ thì chẳng ít hay nhiều buộc phải cộng tác với chính quyền để chung tay xây dựng đất nước?
Không được học hành, số phận những thanh niên như vậy coi như chấm dứt.
* Thứ năm, nhiều người bế tắt vì kế sinh nhai, bị chính quyền đàn áp, và không nhìn thấy tương lai ở đất nước, quá khổ nhục, họ đã chọn con đường đi vượt biên.
Nhưng không phải ai cũng đi vượt biên được. Muốn đi vượt biên phải có vàng. Chủ tàu, người tổ chức vượt biên, dùng vàng để trả cho công an khu vực gọi là mua bãi. Công an khu vực sẽ ngó lơ để những chủ tàu chôn những thùng dầu gần biển, rồi hẹn bạn thuyền đúng ngày giờ vào buổi tối lén lút đi vượt biên.
Nhưng khi tàu ra ngoài hải phận thì vẫn có thể bị cảnh sát biên phòng dùng súng bắn và truy bắt. Nhiều người đã chết khi bị bắn. Một số khác bị bắt và bị bỏ tù vì tội vượt biên trái phép. Nhiều người khác chết trên đường vượt biển vì thuyền chết máy, vì bị hải tặc cướp bóc, hay bị mất phương hướng. Ước tính có tới hàng triệu người đã chết trên đường vượt biển; không ai có thể thống kê chính xác con số này. Với người miền Nam lúc bấy giờ, đi vượt biển là một sống một chết.
Khi tàu vượt biên ra ngoài khơi, có khi họ được các tàu buôn lớn vớt, hoặc cũng có trường hợp họ đi thuyền trực tiếp vào các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, hay Hồng Công để xin tá túc tạm thời trong khi chờ đợi xin đi tị nạn ở một nước thứ ba.
Một số nhỏ khác vượt biên theo đường bộ bằng cách đi qua ngả Campuchia hay Lào để sang Thái Lan xin tị nạn ở nước thứ ba.
* Thứ sáu, suốt gần nửa thế kỷ, nhiều người ở miền Nam thấy rằng những người cầm quyền miền Bắc xem miền Nam như là một chiến lợi phẩm chứ không hề có một sự quan tâm hay trân trọng đáng kể nào.
Ngân sách của Sài Gòn chỉ được giữ lại có 18%, quá ít, không đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi 82% ngân sách còn lại được chuyển ra Bắc để xây dựng những công trình có rất ít hiệu quả kinh tế như hệ thống các đường cao tốc rộng rãi mà hầu như không có bóng xe. Trong khi đó, hệ thống cao tốc ở các tỉnh miền Nam, nơi có mật độ giao thông và giao thương lớn hơn nhiều, cho đến gần đây chỉ là con số không đáng kể.
Người miền Nam họ thấy các lãnh đạo chính quyền quốc gia đa số là những người miền Bắc. Thậm chí người đứng đầu đảng Cộng sản có lần còn tuyên bố một cách trịch thượng rằng tổng bí thư phải là người miền Bắc có lý luận. Mà trong một đất nước bị cai trị bởi đảng Cộng sản, nói một cách diễn nôm, thì câu này nghĩa là chỉ có người miền Bắc mới có quyền cai trị quốc gia.
Người miền Nam, kể cả các đảng viên cộng sản, do đó sẽ chỉ là một công dân hạng hai. Đó là một thực tế. Vì cho dù các tỉnh miền Nam đóng góp rất nhiều vào ngân sách, hơn hẳn các tỉnh phía Bắc, thì chức vụ mà một lãnh đạo miền Nam nắm giữ cao nhất may ra là chức thủ tướng, tức là dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo miền Bắc.
Một thực tế nữa mà người miền Nam luôn thấy và họ ấm ức trong lòng đó là các cơ quan chính phủ, từ trường học, bệnh viện cho đến các chức vụ như bí thư tỉnh uỷ, hay trong quân đội, công an, người miền Bắc vẫn nắm một cách áp đảo cả về số lượng và chức vụ.
Lời kết
Trước năm 1975, người miền Nam rất quý người Bắc, không hề có một sự kỳ thị nào. Đó là lý do mà người miền Nam đã cưu mang hàng triệu người Bắc 54 tị nạn cộng sản vào Nam.
Rất nhiều người trong số Bắc 54 này đã thành đạt và nắm giữ các chức vụ khác nhau trong chính quyền miền Nam; rất nhiều người khác thành danh trong các lãnh vực văn hoá nghệ thuật.
Điểm gắn kết giữa họ, những người Nam và Bắc 54 này, với nhau có lẽ là chung lý tưởng chính trị.
Ngược lại, với những người miền Bắc đến Sài Gòn sau năm 1975, có lẽ do bị tuyên truyền, họ thường tự đồng hoá mình với phe cộng sản. Nhiều người nghĩ rằng họ có chính nghĩa và việc giải phóng miền Nam là một điều đúng đắn.
Sự khác biệt ý thức hệ giữa những người miền Bắc sau năm 1975 với người trong Nam đã khiến cho sự kỳ thị Nam Bắc trở nên căng thẳng hơn.
Vậy đâu là cách để hoá giải sự xung đột này? Thật ra chuyện xung đột này chủ yếu đến từ sự nhận thức khác nhau về ý thức hệ và sự thiếu công bằng trong việc phân chia quyền lợi và quyền lực.
Nó sẽ dễ dàng bị hoá giải, làm phai mờ một khi chế độ cộng sản bị thay thế bằng một chế độ tự do và dân chủ. Trong chế độ này, lịch sử sẽ được viết và dạy lại để người ở hai miền hiểu về lịch sử, cảm xúc, và nhận thức của nhau.
Trong một chế độ dân chủ, người ở hai miền sẽ cùng nhau chung tay đóng góp, xây dựng, và lãnh đạo quốc gia trong tư thế ngang bằng nhau. Lúc đó, các đảng chính trị muốn nắm quyền lãnh đạo quốc gia tất phải là những đảng dung hoà được cả hai yếu tố Bắc và Nam. Nhu cầu đó buộc các đảng ra sức thúc đẩy và giải quyết những khác biệt các miền.
Nguyễn Huy Vũ
8.7.2021
Nhận xét
Đăng nhận xét