Phạm Chí Dũng & Bài Thánh ca Tự Do
Phạm Chí Dũng & Bài Thánh ca Tự Do
Ghi chép trong trí nhớ về Phạm Chí Dũng
Trong suy nghĩ của mình, tôi luôn
nhìn thấy Phạm Chí Dũng là người duy lý. Điều đó, khiến anh trở thành là một
người tranh luận đáng gờm – kể cả khi anh còn làm việc kiểm soát báo chí ở Sài
Gòn, cho đến khi anh trở thành người phản tỉnh và đốt lên ngọn đuốc về một tổ
chức truyền thông tự do, ngay trong lòng của nhà nước độc đảng.
Tôi nhớ thời mình còn làm báo, anh
Dũng chạy xe honda vào tòa soạn Tuổi Trẻ, tay mang theo chiếc cặp tài liệu và
lạnh lùng chất vấn người chịu trách nhiệm trang báo. Anh hỏi và dồn, có lúc đập
bàn và hỏi lớn “Vậy anh không thấy những điều này là dẫn đến tù à?”. Cả đám
phóng viên mới vào đều xanh mắt cá, ngồi thì thào với nhau về những điều cấm kỵ
không thành văn của chế độ. Lúc đó, anh Dũng quả thực là một nhân viên cần mẫn
và đắc lực phục vụ cho nền báo chí một chiều. Nói gì thì nói, anh là một người
rất giỏi.
Đó chính là lý do, khi Phạm Chí Dũng
đột nhiên thay đổi với những bài viết bình luận không thuận đường với quan điểm
nhà nước, và nhất là khi anh tuyên bố ra mắt Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam
(IJAVN), nhiều người không khỏi bất ngờ. Trục xoay 180 độ, về con người và thể
hiện bằng những lý luận công khai đã làm nhiều người cảm mến, nhưng cũng không
ít người nghi ngờ là trò chim mồi của phía Nhà nước.
Phạm Chí Dũng cũng rất bản lĩnh để đi
qua những điều đó, và hơn nữa, rất thẳng thắn.
Còn nhớ trong một lần gặp mặt tiệc
mừng tân niên 2016, do tòa Tổng Lãnh Sự Anh tại Sài Gòn tổ chức, tôi đến và
nhìn thấy Phạm Chí Dũng ở đó. Anh nói với mọi người về Hội Nhà báo Độc Lập và
những dự kiến trong sự hào hứng. Rồi đột nhiên anh đưa mắt nhìn tôi, cười và
hỏi nhanh “Tuấn Khanh có nghe người ta nói gì về mình hay Hội nhà báo Độc Lập
không?”. “Anh muốn em nói thật à?”. “Ừ, thì mình cần thông tin thật mà”. Tôi
hơi ngần ngừ một chút, rồi cười “Không ít người nói anh giống như chim mồi
trong cuộc chơi dân chủ thông tin này”.
Tôi thấy anh Phạm Chí Dũng thoáng cau
mày. Anh nhìn tôi và như gật gật đầu, nhưng không nói gì. Chắc chắn là anh cũng
đã nghe qua những điều này, nhưng để nghe trực tiếp như vậy, cũng không dễ chấp
nhận ngay. Nhưng nay anh đã khác rồi. Anh không đặt lại câu hỏi nào chất vấn
phủ đầu, cũng không đập tay nói gì dữ dội như trước. Anh thật sự bước vào con
đường có tiếng nói đa chiều, và lắng nghe mọi tiếng nói đa chiều chứ không còn
vướng thói quen mượn thứ quyền lực nào đó để bịt miệng.
Tôi bắt đầu theo dõi anh Phạm Chí
Dũng nhiều hơn từ đó. Những bài phân tích thời sự của anh, các cuộc trò chuyện
trực tuyến… để có thể tìm hiểu anh rõ hơn, với bản thân mình. Không thể không
nhận ra ở Phạm Chí Dũng có 3 điểm đặc biệt đáng nể: trí nhớ kinh khủng về các
dữ kiện, lập luận phân tích tại chỗ với mọi vấn đề, hiểu biết sâu sắc về hệ
thống mà anh đã phục vụ và rời bỏ.
Điều mà Phạm Chí Dũng làm được, gây
khó chịu không ít với những người kiểm soát báo chí Việt Nam, là tổ chức loạt
bài nhận dạng, gọi tên và bình luận đúng các vấn đề trọng yếu của nhà nước, từ
Luật An Ninh Mạng, Luật cho Xã Hội Dân Sự, Luật cho Công Đoàn Độc Lập… mọi thứ
được tập trung và hệ thống chứ không phản biện lan man, góp bài cho đủ mặt của
Hội. Mọi luận điệu mỉa mai và tấn công Phạm Chí Dũng sau khi anh bị bắt, từ
chụp mũ là nhận tiền thế lực phản động, cho đến ảo tưởng báo chí tự do… đều
phản ánh về sự cay cú và thất bại, nhất là với bản án 15 năm.
Thay đổi và phản biện của Phạm Chí
Dũng có giá trị gì trong những năm qua. Có lần nghe anh tâm sự là “những đảng
viên theo dõi thường xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an
về hưu tiết lộ cho mình biết vậy. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về
hưu ở ngay phường mình cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở
trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của Hội Nhà
báo Độc Lập”.
Với bản tính xốc nổi của mình, tôi
lại làm anh chựng lại một lần nữa “Có những người. hay tổ chức vẫn chọn cách
phản biện để nhận được sự chú ý, sau đó tìm đến sự thỏa hiệp, khác biệt với
những gì mình đã khởi đầu?” – Tôi nhớ lúc đó, cuối cùng anh cũng cười “mày vẫn
có cái tính này hả Khanh”, rồi trả lời rành mạch “phản biện hay chỉ trích mang
tính ôn hòa, không có nghĩa là Hội Nhà báo Độc Lập đang đi tìm con đường thỏa
hiệp với Đảng Cộng Sản. Hội Nhà báo Độc Lập không bao giờ có quan điểm đó”.
Năm 2018, anh gọi điện thoại hỏi tôi
tham gia Hội không, giọng cũng rất sốc “nói nhanh, trả lời nhanh nhé. Vào Hội
và viết bài với anh?”. Tôi từ chối, nghe giọng anh có vẻ không vui nhưng tôn
trọng suy nghĩ của tôi. “Để em đứng một mình đi, tính em điên điên kiểu văn
nghệ và vô kỷ luật, lại hay nói thẳng dễ gây bất hòa. Nên để em ủng hộ anh từ
bên ngoài”.
Nếu vài năm trước, nghe tin anh bị
bắt, có lẽ tôi sẽ ngạc nhiên – bởi vẫn mơ hồ cũng những suy nghĩ ngu muội rằng
sau lưng anh có “thế lực” nào đó chống đỡ. Nhưng tháng 1-2021, nghe cái án 15
năm tù, rồi nghe anh không buồn kháng cáo, tôi thấy mình như hiểu anh nhiều
hơn. Đến khi đọc được bài thơ của anh Phạm Chí Dũng về việc anh chọn Thiên Chúa
là người dẫn dắt đời mình, mọi thứ hiện ra là điều rất diệu kỳ của cuộc đời,
nhưng hợp lý làm sao. Anh chọn Chúa làm lý tưởng của mình, đối lập với con
đường vô thần đã qua, thì rõ anh đang khát khao nối dài con đường mình đã thay
đổi, đã chọn, với một niềm tin mới.
Tôi điểm lại, thấy mình cũng được dẫn vào một cung đường thật lạ lùng. Tất cả những cái tên như Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Hải, Phạm Chí Dũng… đều gửi gắm tôi những tiếng hát không thành lời của họ. Lại nhớ Phạm Đoan Trang, trước khi đi tù, cô ấy bảo “Em không sáng tác được, nhưng anh có bài nào cho em, thì đưa em hát với”. Tôi chưa đưa kịp thì Trang đã không ở bên ngoài để nhận. Tất cả những con người ấy, chẳng phải họ đã hợp thành một bài ca lớn, vẫn cứ âm vang mỗi ngày với khát khao con người thức tỉnh trong niềm hy vọng hay sao?
<0><0><0>
Nhận xét
Đăng nhận xét