Dân tộc bị nguyền rủa (??)

Dân tộc bị nguyền rủa (??)
Nhật Huỳnh

Tôi lớn lên trong một môi trường xung quanh là những tiếng rủa sả: cha mẹ rủa con khi không vừa ý, nào là gái thì làm đĩ, trai thì trôi sông lạc chợ; hàng xóm thì rủa nhau chết bất đắc kì tử khi không vừa lòng; vợ thì rủa chồng khi nghi ngờ có bồ bịch, v.v. những điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ. Nhiều người cứ bảo đó chỉ là những hạt sạn nhỏ trong một xã hội, nhưng trong một chén cơm, dẫu chỉ là một hạn sạn nhỏ thì bạn cũng phải lấy nó ra nếu không muốn bị gãy răng hay gặp các vấn đề về đường tiêu hoá sau này, hoặc đơn giản chén cơm mà vướng phải sạn đã là không ngon.
Thứ hai, từ cái chuyện rủa nhau lại sinh ra cái tính thề thốt: “Tôi mà thế này, thế kia thì cho ông/bà gì gì đó…vật chết”.
Từ hai thứ này lại sinh ra cái thứ ba, đó là chùa và miếu. Chùa và miếu đúng ra là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, rèn luyện đạo đức tâm hồn nhưng người ta lại biến nó thành nơi để cầu xin lợi lộc; bùa chú trấn yểm, trả thù đối thủ; những câu chuyện kiếp trước kiếp sau để huyễn hoặc hiện tại của bản thân.
Ba đặc tính bên trên sinh ra là do con người mất lòng tin vào bản thân, vào những người xung quanh và vào pháp luật. Để tồn tại những điều này thì trách nhiệm phần lớn thuộc về Nhà nước. Họ đã tạo ra một hình thái xã hội mà người dân luôn nghi kị nhau bằng những thứ tuyên truyền độc hại về thù địch; họ tạo ra một xã hội mà giáo dục trở thành một gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, biến trường học không phải là nơi rèn luyện các kĩ năng sống và đạo đức mà là nơi đầy rẫy mùi tiền; họ tạo ra một xã hội mà pháp luật luôn có cách hành xử khác thường với kẻ có tiền và có quyền…
_____
Hôm qua có một kẻ vừa đền tội, đó là cô Nguyễn Võ Quỳnh Trang - người bạo hành con gái của chồng đến chết. Tôi ghê sợ việc làm của cô ấy nhưng cũng cảm thấy trống rỗng khi lại thêm một người chết. Tại sao chúng ta không tạo ra những con người biết yêu thương nhau hay những cơ sở pháp lý để bảo vệ con người và ngăn chặn cái xấu phát sinh thay vì tạo ra những tên tội phạm để rồi hân hoan khi xử chúng?
Trong câu chuyện của cô Quỳnh Trang, sự chú ý của xã hội không phải chỉ vì tội lỗi của cô ta mà còn là sự nghi ngờ về tính nghiêm minh của pháp luật. Giả sử các khung hình luật đều minh bạch, rõ ràng thì người ta chỉ cần chứng minh cô ta có tội hay không chứ không kéo theo cả triệu người nguyền rủa một kẻ chắc chắn phải đền tội như vậy.
Dường như, dân tộc chúng ta đang bị nguyền rủa, mà ở đó chính chúng ta đang nguyền rủa lẫn nhau. Lỗi này do ai? Chắc chắn không phải do dân, vì nếu mọi thứ đều quy trách nhiệm cho người dân thì người ta đã không cần đến Nhà nước!

Nhật Huỳnh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179