G20: Gặp Joe Biden, Tập Cận Bình 'tự tin' trước vị thế của Trung Quốc

G20: Gặp Joe Biden,
Tập Cận Bình 'tự tin' trước vị thế của Trung Quốc

Nhắc tới Bali, hẳn bạn nhớ đến một thiên đường xinh đẹp với những cây cọ, nắng vàng, cát trắng cùng sự bình yên. Một không khí đầy chất thơ và phù hợp để nghỉ dưỡng.
Nhưng tuần này, Bali khoác lên một diện mạo rất khác khi đón chào hàng nghìn người đến dự Hội nghị G20 - Nhóm 20 quốc gia và nền kinh tế phát triển.
Vừa đáp xuống sân bay Ngurah Rai xinh đẹp trưa 14/11, tôi có thể cảm nhận không khí của hòn đảo đang căng mình trước sự kiện quan trọng với việc an ninh được siết chặt. Chúng tôi phải đi qua nhiều vòng kiểm tra, kê khai đủ loại giấy tờ thì mới rời được sân bay.
"You come for G20, yeah?" (Bạn tới dự G20?) - hầu như là câu hỏi mà tôi gặp từ nhân viên xuất nhập cảnh cho tới anh tài xế với làn da sạm nắng đến đón chúng tôi giữa tiết trời oi ả của Bali.
Trên đường về lại khách sạn, Bali hiện dần lên với những hàng cây thẳng tắp phủ mảng xanh làm dịu đi tiết trời hầm hập. Những áp phích với dòng chữ "Welcome all delegates, G20 Indonesia" (Chào mừng toàn thể đại biểu, G20 Indonesia) giăng dọc khắp các con đường, biểu tượng G20 cũng được dán trên cả xe ô tô và cửa hàng ăn uống. Có thể thấy người dân nơi đây cũng hòa vào không khí chào đón lượng lớn người đổ về hòn đảo xinh đẹp.
Càng đến gần địa điểm hội nghị tại bán đảo Nusa Dua ở cực nam Bali, an ninh càng siết chặt, cảnh sát đứng gác khắp nơi và nhiều trạm kiểm soát được dựng lên. Một vài con đường bị chặn để đón các đoàn ngoại giao, không khí trở nên căng thẳng trước giây phút vị lãnh đạo "hạt nhân" của Trung Quốc và Tổng thống Joe Biden gặp mặt.


Phóng viên BBC News Tiếng Việt có mặt tại Trung tâm báo chí của Hội nghị thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia
Trung Quốc tự tin trước Mỹ
Trước khi hội đàm vào hôm 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mỉm cười và chào bắt tay nhau nồng nhiệt tại khách sạn sang trọng ở Bali, giữa những căng thẳng về quan hệ hai nền kinh tế lớn của thế giới, kéo dài từ vấn đề Hong Kong, Đài Loan đến Biển Đông, các bất đồng về thương mại và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với công nghệ Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc tường thuật rằng ông Tập đã nhấn mạnh: "Vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung.
Ông Biden nói với báo giới ông đã làm rõ với ông Tập rằng "chính sách của chúng tôi đối với Đài Loan hoàn toàn không thay đổi. Đó chính xác là lập trường mà chúng tôi đã có".
Ông Biden nhiều lần nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công. Điều này vốn được coi là một sự khởi đầu từ chính sách "mơ hồ chiến lược" lâu nay của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, theo đó họ không cam kết bảo vệ hòn đảo này. Các quan chức đã phản bác lại những tuyên bố của ông. Đánh giá về cuộc gặp, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội nói với BBC News Tiếng Việt rằng, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập mang tính chất là đối thoại:
Nó làm cho Trung Quốc hơn Nga vì Mỹ không đối thoại chính thức với Nga. Về đối thoại, cuộc gặp giữa hai lãnh đạo có yếu tố tích cực dù không có kết quả nào đáng kể vì hai bên cùng nhau giảm được một chút căng thẳng do sự méo mó từ truyền thông và các giới khác."
Ông Hợp nhận định rằng Trung Quốc đang xây dựng một kiến trúc an ninh chống lại thế giới với “Giấc mộng Trung Hoa” luôn muốn mình ở vị trí số một.


Và vì thế, Trung Quốc muốn chung sống hòa bình với Mỹ đến khi Trung Quốc xây dựng xong Pax Sinica (ý nói sự trỗi dậy trong hòa bình, liên hệ tới Pax Americana).
Trước hết là số một tính ra tiền, rồi sau đó là số một tính bằng đầu đạn hạt nhân. Với hai cái sẽ là chiến tranh với Mỹ. Đến nay Mỹ vẫn là số một, và điều đó đảm bảo hòa bình cho phần đông thế giới, với cái là gọi là Pax Americana. Nhưng Trung Quốc đang muốn có Pax Sinica nhưng sai lầm của Trung Quốc là coi Mỹ đang lụn bại và nghĩ rằng Pax America đang chết. Nhưng thực tế lại khác,” tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét.
Ông Hợp cũng chỉ ra rằng, trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ nói đến hợp tác với Trung Quốc chứ không đề cập tới những vấn đề về an ninh.
Wen-ti Sung, nhà khoa học chính trị tại chương trình Đài Loan của Đại học Quốc gia Úc, nêu quan sát với BBC:
Ông Tập đã giành được thắng lợi khi luôn tươi cười trong cuộc nói chuyện với Biden, cho thấy một sự tự tin và cho thấy rằng ông ta không bị lép vế trước Biden, như thể Trung và Mỹ ngang hàng vậy. Đây là một màn trình diễn trực quan của cái giọng điệu gần đây của ông Tập, khi ông cho rằng Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang thoái trào."
"Biden cũng giành được chiến thắng khi ông Tập đã chấp nhận để Mỹ đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn mới về Đài Loan trong năm qua. Dù sau tất cả những chuyện đó thì Tập vẫn nghĩ là Biden giữ lời và có thiện chí, và Tập dồn toàn bộ lời đổ lỗi cho hạ cấp của Biden về việc không giữ đúng chính sách Một Trung Quốc của Biden," ông Wen-ti Sung nhận định.


Trung Quốc và Mỹ 'không thể dung hoà'
Trong cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên với ông Tập kể từ khi trở thành tổng thống, ông Biden đã nêu những vấn đề hợp tác đôi bên và khẳng định sẽ không có 'Chiến tranh Lạnh mới' - điều mà nhiều quốc gia lo ngại.
"Tôi hoàn toàn tin rằng không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tôi đã gặp ông Tập Cận Bình nhiều lần và chúng tôi đã chân thành và rõ ràng với nhau về mọi mặt. Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ mưu đồ xâm lược nào sắp diễn ra từ phía Trung Quốc đối với Đài Loan," ông nói.
"Tôi đã nói rõ rằng chúng tôi muốn thấy các vấn đề xuyên eo biển được giải quyết một cách hòa bình và vì vậy mọi chuyện sẽ không bao giờ phải đến mức đó. Và tôi tin rằng ông ấy hiểu những gì tôi nói, tôi hiểu những gì ông ấy nói."
Một trong những điều tích cực từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trên là việc đôi bên nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại ở các cấp chính quyền chủ chốt để giải quyết các vấn đề. Ông Biden cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken cũng sẽ sớm đến thăm Trung Quốc.


Cựu Thủ tướng Úc, Kevin Rudd, đã có mặt tại văn phòng BBC Singapore và đưa ra nhận định về cuộc gặp giữa hai vị lãnh đạo.
"Họ nói về việc đưa các biện pháp bảo vệ mới vào mối quan hệ, họ nói về sự cần thiết của một mạng lưới an toàn an ninh mới - một 'anquanwang' - họ nói về sự cần thiết của các quan chức cấp cao để duy trì liên lạc chiến lược và sự phục hồi của nhóm làm việc song phương Mỹ-Trung, cũng như các dấu hiệu cho thấy thương mại song phương và công tác khí hậu có thể tiếp tục.
"Những điều này góp thêm vào sự hạ nhiệt - nhưng chúng ta đừng ảo tưởng về những vấn đề còn cần được giải quyết, trong bối cảnh vị trí cuối cùng của họ ở giai đoạn này dường như không thể dung hòa được."
Ian Chong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế và nhà khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Singapore, phân tích với BBC News rằng, có nhiều sự liên tưởng liên quan tới một Chiến tranh Lạnh mới, nhưng sự tranh đua giữa các cường quốc không giống vậy.
"Chiến tranh Lạnh không chỉ là hình thái duy nhất, nó chỉ là cái ví dụ gần nhất mà chúng ta có về sự tranh đua của các cường quốc mà thôi. Đó là thiên kiến dựa trên sự kiện mới xảy ra nhưng nó không thể hiện được tầm mức của cuộc tranh đua giữa các cường quốc chủ chốt.
"Có nghĩa là không có Chiến tranh Lạnh không có nghĩa là tránh được thực tế khó nhằn, rằng tình hình có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát," ông Chong phân tích. Trước đó, chuyên gia về chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Alexander Vuving nhận xét với BBC rằng việc Nga xâm lược Ukraine là nguyên nhân đẩy nhanh Chiến tranh Lạnh mới giữa một bên là Nga và Trung Quốc và bên còn lại là phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Ông Vuving nhấn mạnh rằng, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua, đồng nghĩa chính sách ngoại giao mềm mỏng của các nước nhỏ đối với các nước lớn cũng dần không còn hiệu quả, trong đó có Việt Nam.
Chính sách đu dây giữa các cường quốc mà Việt Nam theo đuổi là khả thi trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh bởi vào giai đoạn này, các cường quốc hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh lẫn nhau.”
Do đó, áp lực phải chọn phe chưa bao giờ mạnh đến mức có thể phá vỡ mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam với các cường quốc.
"Tuy nhiên, sau ngày 24 tháng 2 năm nay, mạng lưới cho phép Việt Nam đu dây đã bị xé toạc. Cả Trung Quốc và Nga đều gia tăng sức ép buộc Việt Nam phải đứng về phía họ," ông Vuving phân tích.
Hôm nay 15/11, G20 chính thức khai mạc và cuộc xâm lược Ukraine đã trở thành vấn đề mà bị "hầu hết các nước" lên án mạnh mẽ. Tổng thống Zelensky đã tham dự qua mạng và lần nữa lặp lại tuyên bố đòi Nga ngừng cuộc chiến xâm lược đất nước ông.
Tổng thống Putin không tham dự mà cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov đến G20.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng G20 không phải là nơi để thảo luận các vấn đề an ninh và thay vào đó nên ưu tiên các thách thức kinh tế của thế giới.

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179