Ơn nặng, oán sâu

Ơn nặng, oán sâu

Gs Nguyễn Văn Tuấn
Ở Việt Nam có Ngày Nhà Giáo (mang màu sắc chánh trị) [1] nhưng có ý nghĩa 'đền đáp công ơn dưỡng dục của thầy cô'. Rất nhiều quà cáp và những câu chữ bay bổng. Tuy nhiên, người xưa có câu ơn càng nặng thì oán càng sâu.
Hôm nọ đọc một bài luận rất hay trên một tạp chí ở hải ngoại, tôi mới biết nghĩa của chữ 'Ân' rất thâm thuý. Trong tiếng Hán ngữ Ân bao gồm 2 chữ ghép lại: chữ ở trên giống như một người bị bao bọc bởi 4 bức tường, còn chữ phía dưới là chữ Tâm (xem hình).
Cái hình đó có thể hiểu là khi người ta chịu ơn có nghĩa là chấp nhận có người ngồi trên mình, còn làm ơn là được ở trên người. Người chịu ơn cũng đồng nghĩa với việc cái tâm bị đè, hay nói cụ thể hơn là lòng tự ái bị tổn thương, bị nhục. Người ta sẽ rửa nỗi nhục bằng cách vong ơn, thậm chí phản bội. Cụ Nguyễn Duy Cần giải thích điều này rất hay.
Trong đời thường, tôi nghĩ chắc chắn ai trong chúng ta cũng từng bị phản bội. Mình làm ơn cho người, nhưng chính người đó phản bội lại mình. Cái kinh nghiệm phản bội cũng đau lắm, nhưng nếu mình hiểu nghĩa của chữ Ân thì sẽ không có gì ngạc nhiên, và chấp nhận sự phản bội như là một qui luật của cuộc sống.
Nói đến chuyện ơn và vong ơn là phải nói đến nhân vật Hàn Tín (sống vào thời Nhà Hán) mà tôi nghĩ nhiều người thuộc thế hệ tôi đã đọc qua. Lúc thiếu thời, Hàn Tín rất nghèo, cơm không đủ ăn, nay đây mai đó ngoài chợ để chờ sự bố thí của người hảo tâm. Một trong những người hảo tâm đó là Phiếu Mẫu, cũng nghèo rớt mồng tơi, thương Hàn Tín nên bà hay chia cơm cho chàng thanh niên nghèo. Cảm kích trước sự giúp đỡ, Hàn Tín hứa rằng một ngày nào đó 'công thành danh toại' thì sẽ đền ơn. Nhưng Phiếu Mẫu nói bà không cần đền ơn, chỉ mong Hàn Tín nuôi chí lớn và hành xử như một bậc trượng phu.
Sau này, Hàn Tín trở thành tướng lãnh tài ba dưới trướng Lưu Bang. Hàn Tín được xem là một khai quốc công thần cho Lưu Bang. Tuy vậy, Hàn Tín vẫn không quên thời hàn vi được Phiếu Mẫu giúp đỡ, nên ông đã đem nhiều vàng đến biếu tặng cho bà.
Phiếu Mẫu đúng mà người làm ơn mà không cần nhớ (Thi ân mạc niệm). Hàn Tín đúng là người chịu ơn mà không quên ân nhân (Thọ ân mạc vong).
Nhưng trong đời sẽ có người vong ơn, và một người tiêu biểu có lẽ là Lưu Bang, người sáng lập triều Hán lừng danh bên Tàu. Hàn Tín là người giúp Lưu Bang dựng cơ đồ, đánh đông dẹp bắc, đem lại những chiến công vang dội. Nhưng Lưu Bang là người cao ngạo, thậm chí được xem là ‘lưu manh vô lại’. Lưu Bang thọ ơn của Hàn Tín, và việc này làm cho ông cảm thấy nhục. Nhiều lần Lưu Bang tỏ ra không hài lòng với Hàn Tín, nhưng họ Hàn không biết.
Sau này, khi Lưu Bang xưng vương, thì ông lại giết ân nhân Hàn Tín. Chuyện kể rằng khi Hàn Tín bị đem đi chém, Lưu Bang vừa cười ha hả, vừa khóc thảm thiết. Hành vi của Lưu Bang là giả dối? Không. Lưu Bang cười là vì ông khôi phục được lòng tự ái của mình, còn khóc là vì tâm cang bị giày xé do cái sự phản bội của mình. Hành vi của Lưu Bang rất đúng với câu:
Ân càng thâm, oán càng sâu
Chợt nghĩ đến ... 'dân oan'.
Vậy nên các thầy cô đừng nghĩ mình làm ơn cho trò. Thật ra, tôi nghĩ thầy cô, bác sĩ, y tá, tiếp viên, v.v. tất cả chỉ làm nhiệm vụ của họ mà thôi. Nếu họ làm hơn và trên cái nhiệm vụ được trao thì họ nên được thưởng. Họ chẳng ban ơn cho ai, và cũng không nên nghĩ như vậy. Làm ơn cũng có nghĩa là chạm vào lòng tự ái của người khác, và sự va chạm đó có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Gs Nguyễn Văn Tuấn
___
[1] Ngày 20/11 có một ý nghĩa chánh trị thời Chiến Tranh Lạnh. Theo sách sử thì năm 1949, tại Warszawa (Ba Lan) diễn ra một hội nghị của Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục trong khối cộng sản ra bản "Hiến chương các nhà giáo". Bản hiến chương đó có nội dung đấu tranh chống nền giáo dục tư sản và xây dựng nền giáo dục XHCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà giáo XHCN. Năm 1957, cũng tại Warszawa, một hội nghị khác triển khai hiến chương đó, và họ đề nghị từ năm 1958 trở đi, khối XHCN sẽ lấy ngày 20/11 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Việt Nam ở ngoài Bắc trước 1975 và toàn quốc từ 1982 cũng lấy ngày 20/11 làm “Ngày Nhà Giáo Việt Nam”. Như thấy, trong thực tế ngày 20/11 chẳng có dính dáng gì đến nhà giáo Việt Nam cả.
Trên thế giới, có những nước không có Ngày Nhà Giáo. Việt Nam Cộng Hòa trước đây không có ngày nhà giáo. Tuy nhiên, một số lớn nước thì có Ngày Nhà Giáo. Tuy rằng đa số chọn ngày 5/10 theo khuyến nghị của UNESCO làm Ngày Nhà Giáo, nhiều nước chọn ngày khác làm Ngày Nhà Giáo. Hungary lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 6, Ukrainia lấy ngày Chủ Nhật đầu tiên của Tháng 10, Ba Lan (14/10), v.v. Một số nước chọn những ngày gắn liền với một nhân vật hay sự kiện mang tính lịch sử. Tôi nghĩ Việt Nam nên bỏ ngày 20/11 làm Ngày Nhà Giáo. Nếu cần phải có một Ngày Nhà Giáo, tôi đề nghị lấy ngày sanh của Chu Văn An (25/8/1292).

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025