Nhà giàu khóc, người nghèo phải dốc hầu bao

Nhà giàu khóc, người nghèo phải dốc hầu bao

Nguyễn Lan

Các tập đoàn kinh doanh bất động sản kêu cứu, liệu chính phủ Hà Nội có ra tay “tháo gỡ khó khăn” cho họ không? Nếu cứu thì lấy tiền ở đâu ngoài nguồn tiền ngân sách, tức là tiền của người dân?

Sáng thứ Ba 8/11 tại Sài Gòn, Phó Thủ tướng (cs) Việt Nam Lê Minh Khái đã họp với đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và hàng chục doanh nghiệp bất động sản lớn để tìm giải pháp gỡ khó cho thị trường. Ngoài 12 doanh nghiệp bất động sản lớn phía Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn ở khu vực phía Bắc cũng được mời dự họp qua mạng trực tuyến. Trong số những doanh nghiệp dự họp có hầu hết những “đại gia” “vua biết mặt, chúa biết tên”, làm mưa làm gió trên thị trường nhà đất Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Văn bản mời họp số 1492 của Văn phòng Chính phủ gửi đi ngày 7 tháng Mười Một thì ngày 8 đã họp. Sở dĩ có cuộc họp gấp như vậy vì trước đó một ngày, hôm 6 tháng Mười Một, nhằm ngày Chủ Nhật, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi văn bản lên thủ tướng cảnh báo thị trường bất động sản (BĐS)  đang rất khó khăn và có khả năng rơi vào suy thoái, đề nghị chính phủ có một số giải pháp tháo gỡ. Thiệt là cứu thị trường BĐS còn gấp gáp hơn cả cứu thương, chữa cháy. Giá như ý kiến cảnh báo, đề nghị nào của dân cũng được chính phủ sốt sắng “vào cuộc” như vậy thì đỡ cho dân cho nước biết chừng nào!

Theo văn bản “kêu cứu” của HoREA được báo Tuổi Trẻ thuật lại thì “một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. HoREA cũng cho hay một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động, tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động…”

Quả là nguy cấp, toàn chuyện lớn như giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm nhân công, tác động tới an sinh xã hội!

Nhưng vì đâu mà nên nỗi đó? Câu trả lời có ngay trong văn bản của HoREA: “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản, trong đó có những doanh nghiệp quy mô lớn không tiếp cận được vốn để triển khai dự án khi hàng loạt ngân hàng hết room, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị “tắc” sau các cú sốc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu… Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” – vì đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.”

À, chung quy là do doanh nghiệp BĐS “đói vốn” và xin chính phủ cứu!

Cao ốc IFC One, tên cũ là Saigon One Tower, bỏ hoang hàng chục năm nay trên bờ sông Sài Gòn đầu đường Hàm Nghi, nay được chuyển cho Viva Land – một công ty con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh từ trang NDH

Xưa nay, các đại gia kinh doanh BĐS ở Việt Nam vẫn tự hào về chiêu thức “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”, không cần nhiều vốn mà vẫn thực hiện những dự án “hoành tráng”, thu lợi vô kể. 

Đất đai thì đã có các quan đầu tỉnh của đảng, của chính quyền giao cho, nếu thiết lập được quan hệ ăn chia sòng phẳng. Tiền bạc thì vay từ các ngân hàng, tiền thu trước của khách hàng mua căn hộ và tiền vốn chiếm dụng từ các nhà cung cấp, nhà thầu xây dựng. 

Gần đây, tiền ngân hàng không cung ứng đủ, nhiều doanh nghiệp BĐS xoay sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp – tức là vay trực tiếp của người dân. Về lý thuyết, trái phiếu doanh nghiệp là công cụ tài chính giúp doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh còn phía đầu tư (mua cổ phiếu, trái phiếu) có cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận. Nhưng ở một thị trường luật lệ không rõ ràng như Việt Nam, phát hành trái phiếu trở thành một cách cướp của bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.

So với vay ngân hàng thì phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải trả tiền lời cao hơn nhưng không cần có tài sản thế chấp, không chịu sự kiểm soát của người cho vay, tiền bán trái phiếu chi vào đâu thì ai mà biết được! Hẳn là có một phần tiền thu từ cổ phiếu, trái phiếu được đổ vào các dự án xây dựng hoành tráng, nhưng cũng có không ít được sử dụng tùy tiện vào các mục đích riêng của các đại gia BĐS, để chia chác, đút lót cho các quan chức, thậm chí để cung phụng cho cuộc sống xa hoa hết cỡ của họ. Chúng tôi chưa có số liệu khả tín về tổng số tiền phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam nhưng con số chắc chắn là rất lớn.

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đến thời điểm 31 Tháng Năm 2022, tiền vay của lĩnh vực bất động sản [cả vay ngân hàng và vay qua trái phiếu doanh nghiệp] là 2.33 triệu tỷ đồng (khoảng $101 tỷ), tăng 12.31% so với cuối năm ngoái. Rất khó hình dung con số khổng lồ này, chỉ cần biết là nó lớn hơn ba lần so với tổng vốn liếng của toàn bộ các công ty nhà nước Việt Nam và hơn hai lần tổng thu ngân sách của nhà nước Việt Nam năm 2021. 

Trong văn bản kêu cứu gửi chính phủ hôm 6 tháng Mười Một, HoREA tiết lộ trong năm 2023-24 có khoảng 790.000 tỷ đồng ($32 tỷ) trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Theo nhận định của Finn Ratings – công ty chuyên cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính Việt Nam thì 80% trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành được xếp vào loại “trái phiếu rác” vì “sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động” – nghĩa là nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ đô la mua trái phiếu BĐS có nguy cơ trắng tay. Vụ bắt giam các ông bà trùm của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua phát hành trái phiếu là dấu hiệu báo trước một sự bùng nổ của quả bom nợ trái phiếu ở các tập đoàn kinh doanh BĐS.

Các lô đất ở Thủ Thiêm đưa ra đấu giá cuối năm ngoái được thổi giá cao nhất tới 2,45 tỷ đồng mỗi mét vuông. Ảnh Quỳnh Trần/VNExpress

Một đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam là các chiêu trò “thổi giá” – các ông bà trùm địa ốc bắt tay nhau đặt giá trên trời cho những sản phẩm căn hộ, biệt thự của họ. Giá nhà đất ở các đô thị như Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… hiện đã vượt quá giá của khu vực Đông Nam Á, thậm chí ngang bằng hoặc đắt hơn cả Hong Kong, Tokyo. Qua vụ đấu giá bốn lô đất trống ở Thủ Thiêm hồi tháng Mười Hai năm ngoái người dân đã thấy chiêu trò thổi giá kệch cỡm và gây sửng sốt như thế nào khi một mét vuông đất trống được trả giá cao nhất 2,45 tỷ đồng ($100,000)! Quả bong bóng nhà đất ở Việt Nam đã căng hết cỡ!

Văn bản kêu cứu của HoREA nói trên cho biết, “đến tháng 6-2022, số liệu của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, ghi nhận khoảng 273.373 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản”. Giá cao không bán được thì thành hàng tồn kho và doanh nghiệp BĐS không còn nguồn tiền để trả nợ vay, nợ trái phiếu; nhiều khi phải đảo nợ, tức là vay của người sau để trả cho người trước. 

Tình hình nguy cấp đến mức HoREA phải gửi văn bản kêu cứu và chính phủ Việt Nam phải cấp tốc triệu tập phiên họp để bàn giải pháp đối phó. Chung quy cũng chỉ là cung cấp tiền. “Hiệp hội [HoREA] đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 – 200.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

*** 

Chính phủ Hà Nội có cứu các đại gia BĐS không? Chắc chắn là sẽ cứu. Không phải vì chính phủ cộng sản lo lắng về hậu quả người lao động bị mất việc hay thu ngân sách bị giảm mà vì xưa nay giữa giới đại gia BĐS và giới quan chức chính trị cao cấp có mối quan hệ cộng sinh rất chặt chẽ như môi với răng. Giới lãnh đạo chính trị không thể không cứu giới kinh doanh BĐS – cái bầu sữa nuôi dưỡng họ, mua quan mua chức cho họ. Vả lại, có bơm cho hệ thống ngân hàng vài trăm ngàn tỷ nữa để hỗ trợ cho các tập đoàn BĐS thì đó cũng chỉ là tiền từ kho bạc nhà nước, từ tiền đóng thuế của dân và tiền bán tài nguyên quốc gia, đâu phải tiền của các quan chức mà phải lo nghĩ.

Văn bản của HoREA nhắc lại những lần khủng hoảng trước, thị trường nhà đất đóng băng thì chính phủ đã ra tay giải cứu bằng “gói kích cầu” tới 30.000 tỷ đồng ($1.2 tỷ), để nhấn mạnh rằng lần này cũng vậy, chính phủ không thể rũ bỏ trách nhiệm.

Xem ra người dân Việt, dù đã gánh bao nhiêu khổ nạn đến nỗi phải trốn trong thùng xe đông lạnh để tới xứ người, phải bỏ xứ sang Cambodia kiếm cơm để rồi bị lừa vào các ổ quỷ, nay còn phải tom góp từng đồng đóng thuế để chính phủ giải cứu các đại gia! Thật trớ trêu cho một xã hội “dân chủ gấp vạn lần tư bản”!

Nguyễn Lan

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025