Nhận Định Thời Cuộc: Dân Trung Quốc đã vùng dậy chống Tập Cận Bình

Nhận Định Thời Cuộc
Dân Trung Quốc đã vùng dậy chống Tập Cận Bình


Kim Nguyễn

Chủ Nhật 27/11/2022, nhiều cơ quan truyền thông như The Diplomat, AP News, BBC News, CNN ... đã đồng loạt loan tin về những cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình đang xảy ra tại nhiều thành phố lớn và tại 50 trường đại học ở Trung Cộng.  Sinh viên và người dân trong các cuộc biểu tình đã hét to những khẩu hiệu “Tự do ngôn luận” và “Tập Cận Bình phải từ chức.”  Có khoảng 2,000 sinh viên của trường đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh nơi Tập Cận Bình theo học trước đây, đã yêu cầu nhà nước nới lỏng biện pháp chống đại dịch Covid 19.  

Những cuộc biểu tình này đã bùng nổ sau một vụ hỏa hoạn gây tử vong cho ít nhất 10 người trong một chung cư tại thành phố Urumpi, người dân tại chung cư đã bị nhốt trong nhà suốt 4 tháng để đối phó với đại dịch Covid.  Hàng triệu, hàng triệu người của hầu hết những thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Hải Châu, Trùng Khánh ... đã bị bó buộc ở trong nhà từ nhiều tháng nay.  Cái chết oan khiên của 10 thường dân có thể là ngọn lửa châm ngòi cho việc chống Tập Cận Bình và giới lãnh đạo hiện hành của Trung Cộng. 

Chính quyền Trung Cộng sẽ đàn áp biểu tình? 

Trước đây sinh viên đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn ngày 15/4/1989, đòi hỏi dân chủ, tự do báo chí và tự do ngôn luận sau cái chết của Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang, người đã chủ trương chính sách “đổi mới” cho nền kinh tế của Trung Cộng.  Cuộc biểu tình của giới sinh viên kéo dài tới 2 tháng và được sự ủng hộ của người dân trên 400 thành phố, vào lúc cao điểm nhất, quảng trường Thiên An Môn đã có khoảng một triệu người tham dự biểu tình.  Sau nhiều lần thương lượng với sinh viên bị thất bại, chính quyền đã ban hành thiết quân luật và đưa 300,000 binh lính tới tới đóng quân tại nhiều khu vực trong thủ đô Bắc Kinh.  Ngày 4/6/1989, xe tăng quân đội và binh lính trang bị đầy đủ đã tiến vào quảng trường Thiên An Môn, tấn công đoàn người biểu tình.  Tin tức về số người bị tử vong không bao giờ được chính thức xác nhận, phía chính phủ cho rằng có khoảng từ vài trăm tới vài ngàn người nhưng thực tế số người chết lên tới nhiều chục ngàn người.  BBC News vào cuối năm 2017 cho hay theo tài liệu của cựu Đại Sứ Anh Alan Donald tại Bắc Kinh thì có ít nhất khoảng 10,000 người đã chết tại Thiên An Môn.  Một số sinh viên chạy thoát khỏi hiện trường nói họ tưởng rằng có đủ thời gian để rời quảng trường nhưng chỉ năm phút sau khi đoàn xe tăng xuất hiện là các sinh viên đã bị xe tăng nghiền nát.  

Hơn 30 năm sau vụ biểu tình đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn, nhà cầm quyền Trung Cộng hiện nay phải đối phó với một cuộc biểu tình do người dân quá tức giận về những biện pháp chống Covid 19 không thực tế và vô nhân đạo của Tập Cận Bình.  Nhằm thi hành chính sách “Zero Covid,” nhà nước Trung Cộng đã dùng những biện pháp quá khắc nghiệt đối với người dân.  Từ tháng Ba năm nay, 11 thành phố lớn của Trung Cộng đã bị phong tỏa, hãng xưởng bị đóng cửa, hàng triệu triệu người dân bị nhốt trong nhà, đa số là dân lao động nghèo.  Không có lương thực, không có việc làm là lý do thúc đẩy người dân vùng lên đòi quyền sống, và họ đã tràn ra đường phố biểu tình, bắt đầu từ Thứ Sáu ngày 25/11/2022, và tới ngày Chủ Nhật nhiều cuộc biểu tình đã lan rộng tới Bắc Kinh, nhiều thành phố lớn và một số trường đại học.  

Trong cuộc biểu tình vào tối Thứ Bảy tại Thượng Hải, người biểu tình đã hô to những khẩu hiệu “Tập Cận Bình hãy từ chức” và “Giải tán đảng cộng sản.”  Đây là biểu hiệu phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng lớn nhất từ nhiều thập niên qua, một sự kiện hiếm hoi trong các nước cộng sản.  Nhiều nhà bất đồng chính kiến đã bị thủ tiêu hoặc bị giam cầm tù tội nhiều năm tại Bắc Hàn, Iran, Việt Nam, Venezuella, . . .  Giáo Sư Feng Chongyi của đại học Công Nghệ tại Sydney đã khẳng định “Sự kiện nhiều cuộc biểu tình xảy ra trên toàn quốc là một thách thức nghiêm trọng cho Tập Cận Bình.”  

Báo The Epoch Times đưa tin một sinh viên trường đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã nói “Nếu chúng ta không lên tiếng thì người dân sẽ thất vọng vì chúng ta.  Là sinh viên của trường đại học danh tiếng Thanh Hoa, tôi sẽ hối hận suốt đời nếu không lên tiếng.”   Cảnh sát đã giải tán nhiều cuộc biểu tình và bắt giữ một số người trong ngày Chủ Nhật.  Trước đây Đặng Tiểu Bình đã cho xe tăng quân đội nghiền nát người biểu tình, hơn mười ngàn sinh viên đã hy sinh tại quảng trường Thiên An Môn, không hiểu rồi đây số phận của các sinh viên và những người biểu tình chống Tập Cận Bình sẽ ra sao?  

Biden hứa đóng góp 11 tỷ đô-la mỗi năm cho quỹ giảm Biến Đổi Khí Hậu 

Đầu tháng 11 vừa qua, trong hội nghị COP27 (Hội Nghị về Biến Đổi Khí Hậu) của Liên Hiệp Quốc tại el-Sheikh, Ai Cập, Biden đã hứa Hoa Kỳ sẽ đóng góp 11 tỷ đô-la mỗi năm cho quỹ giảm Biến Đổi Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc.  Biden nói “Đây là trách nhiệm của chúng tôi nhằm giúp các quốc gia yếu kém thực hiện việc chuyển đổi qua năng lượng xanh để bảo vệ khí hậu.”  Lời hứa của Biden có thể sẽ không được thực hiện vì đảng Cộng Hòa sẽ kiểm soát Hạ Viện vào đầu năm tới, rất may người dân Hoa Kỳ không phải đóng thêm 11 tỷ đô-la mỗi năm cho việc chi tiêu bừa bãi của Biden.   

Paris Agreement là một hiệp ước quốc tế trên mặt pháp lý về việc giảm biến đổi khí hậu do đại diện của 190 quốc gia ký kết vào cuối tháng 12 năm 2015.  Các quốc gia phát triển cam kết viện trợ cho những quốc gia đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.  Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và một số quốc gia giàu có khác đã đồng ý cung cấp 100 tỷ đô-la mỗi năm cho các quốc gia đang phát triển.  Trong Hội Nghị COP26 năm 2021, Trung Cộng,  Ấn độ và các quốc gia đang phát triển đã yêu cầu tăng quỹ giảm biến đổi khí hậu lên 1,3 ngàn tỷ đô-la mỗi năm nhưng bị từ chối.  Hoa Kỳ bị ràng buộc vào Paris Agreement từ năm 2015 thời Obama.  

Trung Cộng là quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng than đá nhiều nhất trên toàn cầu, theo Global Energy Monitor và Trung Tâm Nghiên Cứu Năng Lượng Xanh, vào năm 2020, quốc gia này đã xây thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than mới, có năng suất gấp ba lần cả thế giới cộng lại, sau Trung Cộng, Ấn Độ là quốc gia sản xuất năng lượng than đá lớn thứ hai trên thế giới.  Mới đây đài VOA cho hay tại Hội Nghị COP27, lần đầu tiên Trung Cộng và Ấn Độ bị đưa vào danh sách những quốc gia gây ô nhiễm nặng nhất.  Thủ tướng Antigua và Barbuda Gaston Browne, thay mặt hiệp hội các quốc đảo nhỏ đã kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ đóng góp cho quỹ Liên Hiệp Quốc để bồi thường cho những nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng thải ô nhiễm của hai quốc gia này.  Là quốc gia phát triển, là hai cường quốc có dân số đông nhất thế giới và thải ô nhiễm nhiều nhất thế giới nhưng Trung Cộng và Ấn Độ đã từ chối đóng góp cho quỹ giảm biến đổi khí hậu.  Và thật nực cười, hai quốc gia này tự nhận là những nước “đang phát triển” để được nhận tiền tài trợ của quỹ Liên Hiệp Quốc.  Tháng 10 năm 2018, Ấn Độ đã nhận được 43,4 triệu đô-la từ quỹ giảm Biến Đổi Khí Hậu cho vùng ven biển của Ấn Độ và tới năm sau, tháng 11 năm 2019, tỉnh Sơn Đông của Trung Cộng đã nhận được 100 triệu đô-la. 

James Delingpole, nhà báo Anh Quốc của nhiều tờ báo lớn như Daily Mail, The Times, The Daily Telegraph, đã viết cuốn sách “The Green Movement’s True Colors” nói về sự thật của phong trào ủng hộ năng lượng xanh, cho rằng những nỗ lực chống lại khí hậu trên toàn cầu bị nóng lên không liên quan gì tới khoa học, mà chỉ là một trò chính trị.  Thực tế trái đất thời Trung Cổ đã ấm hơn ngày nay nhưng rất tiếc chỉ có một số ít nhà khoa học đã dũng cảm công khai lên tiếng chống lại sự lừa đảo chính trị này.  Hơn 31,000 khoa học gia cho rằng không có bằng chứng thuyết phục về việc con người gây ra sự hâm nóng trên toàn cầu.  Tháng 12 năm 1997, Viện Khoa Học và Y Học Oregon đã đưa ra một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ từ chối thỏa thuận về việc khí hậu nóng lên trên toàn cầu.  Rất tiếc lời báo động của các nhà khoa học chân chính này đã không được lắng nghe và hàng tỷ đô-la vẫn tiếp tục đổ việc chống biến đổi khí hậu mỗi năm. 

Trong khi người dân Hoa Kỳ phải vật lộn với lạm phát, phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt vì không đủ tiền mua khí đốt, và có rủi ro bị chết cóng vì lạnh thì Biden lại đi lo cho dân Trung Cộng, Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới về vấn đề gọi là “khí hậu nóng lên trên toàn cầu.”  Biden là một Tổng Thống thiếu trách nhiệm đối với quốc dân.

Kim Nguyễn
November 29, 2022 


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209