Một Người Không Chân Nhưng Đứng Rất Cao

Một Người Không Chân Nhưng Đứng Rất Cao
(Hình minh họa)

Phan Hoàng My
Đây là câu chuyện của cậu tôi. Một câu chuyện bi thảm với những tình tiết khó có thể tưởng tượng cho dù đường đời muôn nẻo luôn không thiếu những chuyện xúc động lòng người. Chuyện cậu tôi cho thấy nghịch cảnh và định mệnh dù khắc nghiệt tàn nhẫn như thế nào vẫn có khi phải gục đầu khuất phục trước ý chí mãnh liệt của con người.
1/
Xã Bình Đào, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam.

Một buổi trưa hè định mệnh, năm 1947.

Ở cái xứ sở cằn cỗi nóng bỏng da này, sỏi đá nhiều hơn cơm gạo, xương rồng nhiều hơn cây lá. Dân tình nghèo xác xơ, cơm bữa no bữa đói. Bình Đào nằm trong vùng thả bom oanh tạc của Pháp, vì có nhiều căn cứ Việt Minh. Nhà nào cũng có cái hầm trú bom để lao xuống núp mỗi khi nghe tiếng máy bay, cái thứ âm thanh chẳng khác gì khúc nhạc hiệu của thần chết.

Vậy mà trưa hôm đó, máy bay tới quá nhanh, bất ngờ, không ai trở tay kịp.

Hai quả bom xé toạc không trung với tiếng rú rít ghê hồn, đâm thẳng xuống nơi một nhóm trai làng đang chất rơm. Năm người đàn ông chết tức tưởi. Xương thịt quyện với rơm, máu tươi trộn vào đất. Chưa hết, một mảnh bom văng vào ngôi nhà sát bên, giết thêm một phụ nữ bụng chửa vượt mặt, và một em bé gái mới hai tuổi. Chỉ trong vòng vài phút, tám sinh linh vô tội, trong đó có một hình hài chưa một lần kịp thấy ánh mặt trời, bỗng chốc trở thành thành tro bụi. Tất cả đều là người nhà của cậu Hai Nhật tôi, lúc ấy vừa bốn tuổi. Trong chớp mắt, cậu bé nói còn chưa rành phải mồ côi cha mẹ và mất đi luôn hai người em nhỏ. Từ đó, cậu Hai Nhật về ở với ông bà ngoại của cậu. Trưa hôm đó, cũng nhờ chạy qua nhà ông bà ngoại chơi mà cậu thoát chết.

2/
Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết. Bình Đào lọt vào tay Cộng sản. Không còn gì níu chân ở quê, cậu lên Sài Gòn, gia nhập quân đội, mang trong tim mối thù không đội trời chung với Cộng sản. Tiểu đoàn Một của cậu đóng quân tại thị trấn Phú Thứ thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Lại một buổi chiều định mệnh. Trên đường hành quân, một quả mìn Cộng sản gài đã nổ tung dưới chân cậu. Tỉnh dậy trong bệnh viện, nhìn xuống tấm drap mỏng đắp trên người, cậu đau đớn nhận ra đôi chân đã bị quả mìn cướp mất. Hai chân bị cưa đến gần háng.

Tủi thân và đau đớn tột cùng, cậu chỉ nghĩ đến cái chết. Hai mươi tuổi, không cha mẹ anh em, chưa một lần nắm tay một người con gái. Tại sao số phận có thể bất công như vậy! Nghiệt ngã hơn, khi vết thương bắt đầu khép miệng thì hai cái xương đùi bướng bỉnh lại mọc, chọc thủng da thịt để trồi ra ngoài. Bác sĩ phải cưa, rồi ít lâu sau chúng lại mọc tiếp… Cuối cùng cậu ra viện, sau vô số lần mổ xẻ tan nát da thịt. Cậu ngồi xe lăn, và tập làm quen với đôi nạng gỗ. Một người bà con giúp cậu có được một căn hộ nhỏ tại chung cư Phạm Thế Hiển ở Sài Gòn và gửi cậu đi học sửa điện tử gia dụng. Cậu ra nghề, mở một tiệm nho nhỏ ngay trong căn hộ mình.

3/
Mỗi ngày cậu ngồi nơi cửa sổ, cặm cụi sửa máy. Cậu lặng lẽ quen với cuộc sống mới. Một ngày kia, số phận vốn khắc nghiệt bắt đầu mỉm cười với cậu. Một cô gái nết na trong xóm sáng nào cũng xách giỏ đi chợ ngang ô cửa sổ cậu ngồi…

Như trong chuyện cổ tích, họ yêu rồi cưới nhau. Cậu không còn thui thủi một mình. Mợ làm ấm áp căn hộ nhỏ. Cậu yêu quý mợ vô vàn vì mợ là tất cả những gì cậu có trên đời này. Mợ yêu cậu khôn tả. Rồi những đứa con lần lượt ra đời. Hai cô con gái đầu đẹp như thiên thần. Rồi đến hai anh con trai. Tên của hai anh là địa danh mà cậu đã gửi lại đôi chân: Phú và Thứ. Rồi một người con gái nữa. Cậu mợ có tất cả năm người con.

4/
Sau 1975, như bao nhiêu người miền Nam khác hứng chịu thảm kịch “giải phóng”, cậu mợ xoay sở đủ thứ để nuôi đàn con. Cậu mua máy dệt vải. Nhà cậu lúc nào cũng xoành xoạch tiếng con thoi. Cậu mợ làm thêm kem chuối bán trong xóm. Một tay cậu coi sóc hết tất cả máy móc. Máy dệt, tủ kem, tủ lạnh… cậu sửa được hết. Cậu thoăn thoắt nhảy qua lại giữa xe lăn và chiếc ghế đẩu mà làm đủ việc. Khi cần ra ngoài, cậu có hẳn một chiếc xe máy ba bánh tự chế.

Một đêm nọ, cô con gái giữa – lúc ấy chừng 5,6 tuổi – đột nhiên lên cơn sốt dữ dội. Cậu mợ bế vô bệnh viện thì hôm sau cô bé qua đời. Cậu mợ như muốn điên lên, đau khổ tột cùng. Tôi vẫn còn nhớ rõ bàn thờ nhà cậu có khung ảnh cô bé mặc áo đầm bông xinh như một búp bê, bên cạnh khung hình là đôi giày màu trắng. Mỗi lần đi ngang bàn thờ, tôi len lén nhìn gương mặt bầu bĩnh ấy, đôi giày như giày của búp bê ấy, với một cảm giác sờ sợ chen lẫn cảm thương.
10 năm sau bi kịch 1975, cậu biết mình không thể sống chung với Cộng sản. Cậu xoay sở đủ cách để có thể mua được đủ “vé” cho chuyến tàu vượt biên đi cùng cả nhà. Cuối cùng, gia đình cậu đến được nước Mỹ. Họ định cư ở Seattle. Không tiền bạc, tiếng Anh không rành, hai vợ chồng chỉ có… một đôi chân, với bốn đứa con nhỏ. Cậu mợ làm đủ mọi việc có thể để kiếm tiền. Mợ còng lưng từ sáng đến tối bên chiếc máy may. Cậu ngồi cạnh, dưới sàn, giữa đống áo quần vải vóc. Mợ may xong cái nào thì thảy qua; cậu cắt chỉ, xếp lại ngay ngắn.

Như lúc còn ở Việt Nam, cậu tôi – người đàn ông không chân – vẫn là trụ cột của cả gia đình. Cậu xông xáo không nề hà bất cứ việc gì. Để có thể lái xe hơi, cậu có chiếc xe van đặc chế, “đạp” thắng hay ga đều dùng tay. Vậy mà cậu lái bon bon chở mợ đi chợ, đi giao hàng, hay đưa rước các con ở trường. Nhà cậu có hai chiếc ghế gỗ bóng nhẵn: Đó là “đôi chân” trong nhà của cậu. Cậu dùng tay thoăn thoắt di chuyển thân mình trên hai chiếc ghế. Thế mà cậu làm được hết, từ cắt cỏ, nấu ăn, rửa chén đến sửa chữa điện nước…

Mấy anh chị không phụ lòng cậu mợ. Tất cả đều học rất giỏi. Đặc biệt anh Thứ. Năm đó khi ra trường, anh được bằng khen của Tổng thống Bill Clinton, và được chọn đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Chiều hôm trước lễ ra trường, ba anh em chở nhau đi mướn comple cho anh Thứ…
5/
Và không ai có thể tin nổi, một lần nữa số phận nghiệt ngã lại giáng xuống gia đình cậu tôi. Một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra. Chiếc xe chở ba người con của cậu bị một xe khác vượt đèn đỏ tông vào nát bấy. Khi được báo tin, cậu mợ như muốn chết đứng. Khi họ đến bệnh viện, ba đứa con nằm ở ba chuyên khoa khác nhau.

Tôi không biết trong cuộc đời cậu, giây phút nào là kinh hoàng nhất? Khi cha mẹ và hai em bị thịt nát xương tan vì bom Pháp? Khi nhận ra mình mất đôi chân? Khi ôm xác đứa con gái bé bỏng? Hay cảnh tượng ba đứa con yêu giờ đang nằm trong bệnh viện? Dường như lịch sử cứ qua một khúc quanh thì cậu lại bị cắt đi một khúc ruột.

Lần qua Seattle thăm cậu mợ, sáng thức dậy, tôi nghe tiếng máy cắt cỏ ngoài vườn. Mợ tôi đang đẩy máy cắt cỏ đi trước; sau lưng mợ là cậu, ngồi bệt trên đôi chân cụt. Cậu di chuyển bằng tay. Cỏ vừa cắt đến đâu, cậu dùng tay quây lại rồi hốt bỏ vào bao đến đó. Trong đời, tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng nào đẹp hơn vậy, cảm động hơn vậy.

Tôi nhớ lại lời cô con gái của cậu kể: Quả mìn năm xưa lấy đi đôi chân vẫn không buông tha cậu. Thân thể cậu vẫn còn vô số mảnh kim loại li ti không thể lấy ra hết, khiến thỉnh thoảng làm cậu đau nhức kinh khủng. Nhưng rất ít người biết điều đó, vì chẳng bao giờ cậu than van kể lại. Cô chị họ của tôi nói, trên phim chụp x-quang, có thể thấy vô số mảnh kim loại ấy khắp cơ thể cậu.
___________

Khi tôi đang viết những hàng này, tôi không thể cầm được nước mắt: Số phận cậu tôi vẫn chưa dứt được bi ai. Người vợ yêu quý của cậu đang bị ung thư não giai đoạn cuối! Tôi không dám hình dung gì thêm. Tôi không thể miêu tả cảm giác và tâm trạng hiện tại của cậu, khi cậu ngồi bên mợ cạnh giường bệnh. Tôi không thể viết thêm bất cứ gì về cậu. Điều duy nhất làm tôi nhẹ lòng và có phần an ủi, có lẽ cũng an ủi cậu: Quanh cậu bây giờ là tám người con, dâu rể, và hơn chục cháu nội ngoại. Cậu tôi – một đứa trẻ mồ côi – giờ đã có một tổ ấm lớn. Cậu như một gốc đa to.

Người đàn ông không chân ấy đã đi một quãng đường rất dài, vượt qua không biết bao nhiêu tai ương nghịch cảnh. Người đàn ông không chân ấy đã đến đích. Trên con đường đời đầy chông gai khốc liệt, cậu cùng mợ cuối cùng cũng gặt hái được thành quả hạnh phúc. Mợ hẳn đã có thể mãn nguyện, mỉm cười tự hào và thanh thản sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm với một người chồng luôn đứng cao trên “đôi chân” của sức mạnh ý chí phi thường.

Vancouver, Canada, ngày 31 Tháng Một 2022
(Vì lý do riêng tư nên cậu tôi không đồng ý cho sử dụng hình ảnh liên quan cậu và gia đình trong bài viết này)

Phan Hoàng My

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025